Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 9, 2017

TỪ ĐÓ TÔI LÀ THUỴ DU - Trần Mai Ngân



                                    Tác giả Trần Mai Ngân


TỪ ĐÓ TÔI LÀ THUỴ DU

Đêm mộng du.
    Tôi đã mộng du trên đỉnh mùa Xuân bao năm tháng. 
    ... Tôi đi đến đó bằng đôi chân hân hoan, giục giã. Tôi không nghĩ là mình đi trong giấc mộng. Tôi thấy tôi đi rất thật.
       Và tôi đã gặp N trên chiếc cầu cổ tích. Chúng tôi ngược chiều lướt qua nhau và bất chợt dừng lại. Ánh mắt của N đã níu tôi trượt ngã trong giấc mơ - mà không, là sự thật lúc đó. 
        Tôi thấy mình gần như chạm được vào N. Mái tóc nâu bay rất nhẹ trong gió chiều Xuân. Hương mùi tóc thoang thoảng mà mãi đến giờ tôi vẫn không thể nào quên. 
        Chúng tôi dừng lại - sát na đó như là miên viễn đã cắt bóng hình và in đậm trong trí tôi. Tôi nhớ, tôi nói với N khá nhiều những lời như đã sắp xếp cả ngàn năm mong đợi... Nhưng, N im lặng. Và sát na lướt qua nhau đã hết . 
         Tôi và N lại tiếp tục đi, mỗi người một ngã để qua hết chiếc cầu cổ tích. Nhưng chúng tôi vẫn không có lời chia tay dù giấc mơ đã chấm dứt. 

           Hết giấc mộng du, tôi tỉnh thức. Và mãi mãi tôi vẫn không quên, vẫn ám ảnh về hình bóng của N trên chiếc cầu ngày Xuân đầu tiên. Để rồi từ đó tôi là Thụy Du ..

                                                             1-12-2017 
                                                   Trần Mai Ngân - KTD

READ MORE - TỪ ĐÓ TÔI LÀ THUỴ DU - Trần Mai Ngân

TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO - Phiếm luận của Nhã My


    
                                Tác giả Nhã My



              TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO            
                                  Phiếm luận của Nhã My       

       Ai cũng biết cái áo là vật để che thân. Không biết nó xuất hiện từ lúc nào, nhưng kể từ khi con người biết tìm cái gì đó để che thân thì nó ra đời. Đầu tiên nó ''nghèo'' lắm, chỉ tạm bợ ít oi để che phần nhạy cảm cuả phụ nữ, (đàn ông thì không cần thiết lắm), rồi từ từ theo thời gian văn minh tiến hóa, vật chất đầy đủ hơn nó cũng biến thể thành nhiều kiểu cách thời trang khéo léo, hấp dẫn, sang trọng như bây giờ. Mà thật ra để che thân thì phải xài luôn cả cái quần cho đủ bộ, vậy mà cái áo lại được nói đến nhiều hơn ở trong văn chương, âm nhạc, hội họa mới là kỳ và thú vị.
       Hình ảnh cái áo lưu lại trong văn chương Việt Nam ta thì nhiều lắm, đầu tiên xin điểm qua chiếc áo đã đi vào ca dao, rồi đựoc cải biên thành điệụ hát. Cái áo huê tình thật dễ thương nó như thế này :

''Thương (yêu) nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ (mẹ hỏi ) qua cầu gió bay''

Thử ''tán '' rộng ra một chút cho vui nhé: cái áo ở đây chắc  là áo của người nam (chàng trai) tặng cho người nữ (cô gái ) và nó xuất thân từ ngày  xa xưa  lắm,lúc xã hội còn nghèo , chưa có vải màu, vải hoa và may nhiều kiểu cách, đơn giản nó là một cái áo ''bà ba'' màu gì đó (trắng , đen , chàm , nâu chẳng hạn ) mà cả nam và nữ đều có thể mặc được, chỉ là kiểu may, kích thước hơi sai xích một ít thôi. Người con trai không có ''của làm tin'' nên đã cởi chiếc áo đang mặc tặng cho người mình thương yêu, chàng bèn để mình trần về nhà và nói dối với mẹ là ''qua cầu, gió bay''. Đương nhiên là chàng nói dối khó ai tin, bởi áo mặc phải cài khuy nút, gió làm sao mà bay được!  Ta cũng có thể tưởng tượng thêm vài hình ảnh thơ mộng khác là họ đứng ở bờ sông (hay con rạch), sau phút tâm tình, chàng can đảm và chắc nịch với mối tình muốn bày tỏ cùng nàng nên dù chỉ có chiếc áo tùy thân đang mặc cũng cởi phắt ra trao tuốt cho nàng. Chàng qua cầu về nhà, nàng cũng trở về (không biết có cùng qua cầu chung một đoạn đường nữa hay không), chàng thì  đã có sẵn cách nói dối (khó tin !), còn nàng ? Thương quá đi, phận nữ nhi thời đó làm sao dám công khai mặc áo cuả chàng hoặc đi khoe áo, chắc là chiếc áo đó sẽ được đem cất kỹ (và len lén ngửi mùi chàng !). Rồi họ có thành đôi không, dù chưa chắc chắn nhưng mối tình ''trao áo'' thì thật là đẹp, đơn giản, thực tế, chất phác, chân tình !
Còn thêm chàng trai quê khác, có chiếc áo (giả vờ hay cố ý ) bỏ quên để ướm thử cô nàng:

"Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen''
(ôi ! cành sen nó mỏng manh mềm mại thế kia , làm sao mà chàng máng áo lên được , chẳng qua là mượn cớ để hỏi chuyện thôi mà)
- "Em được thì cho anh xin" 
(nếu em đã có người rồi )
"Hay là em để làm tin trong nhà" 
(ướm hỏi trao tình )
"Áo anh sứt chỉ đường tà 
(ồ, thì ra chỉ là một chiếc áo rách !)
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu 
(vì hoàn cảnh ....)
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Nay mượn cô ấy về khâu cho cùng 
(cô ấy = đằng ấy tiếng gọi thân mật)
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò, 
(kể một lô lễ vật mà ai cũng hiểu là để rước nàng về dinh)
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau."

Mối tình ''ướm áo'' này cũng đẹp lắm, đơn giản, không kiểu cách màu mè tán tỉnh lơ mơ mà đi ngay vào thực tế , chân chất hiền hòa như tình cảm đôi bên (nếu áo có thật và nàng trả áo thì thôi có gì để nói, nhưng chắc là đoán biết nàng không  có áo để trả  nên chàng mới can đảm tỏ (rõ) tình mình như thế! Chân quê, khôn khéo quá ! Tình tứ quá !
Đó là hai chiếc áo cuả người bình dân mộc mạc trong văn chương truyền khẩu, còn thi sĩ '' tình yêu'' Nguyên Sa thì:

''Nắng Sai Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo luạ Hà Đông''

Một chiếc áo lụa tình cờ của ai đó đang mặc trên hè phố đã làm chàng thi sĩ đọng lòng khi nhớ về tà áo thời quá khứ của quê hương xa cách để rồi :

''Anh vẫn yêu tà áo ấy vô cùng 
(cuả người yêu cũ )
Thơ anh vẫn còn nguyên lụa trắng '' 
(đẹp lưu luyến đến thẫn thờ !)

Tà áo cũng được chàng thi sĩ nhuộm thêm màu sắc  rất đẹp và so sánh với hoa , với lá :

''Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường'' 

(nàng ở đây hẳn là cô giáo hay sinh viên trường đại học mới mặc áo (dài) màu chứ không phải tà áo trắng nữ sinh , tà áo màu rất đẹp  của thơ tình lãng mạn đầy thi vị)...
À quên, tôi cũng phải nói thêm tà áo trong ca từ đẹp lãng mạn đã làm say đắm nhiều người cuả  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa chứ :

''Gọi nắng
Trên vai em gầy đường xa áo bay...''
....
''Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.''
...
''Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này''

Hay chiếc áo (đúng hơn là một bộ đồ) của cô giáo tên Lan, vợ bé thầy giáo Hương, sau là ông cò quận 8 (thời đó đô thành SG mới có 7 quận) trong tuồng cải lương ''Tuyệt Tình Ca'' đã từng lấy nước mắt nhiều người trước năm 75 ở miền Nam: bộ đồ mà bà giáo chung tình đã cất giữ suốt 18 năm dài khi chồng bỏ đi về với vợ lớn, cho tới khi đôi mắt đã mờ không còn trông thấy được, chỉ để ngửi hơi hám của cố nhân! Và chính mùi hơi thân thiết đó (cuả bộ áo) đã in sâu vào tâm khảm người vợ có thân phận đáng thương để rồi  trong lần gặp lại sau thời gian dài đằng đẵng cách xa, tuy không nhận ra giọng nói, mà đã nhận được hơi người !
 Và còn, còn rất nhiều nữa, ta cũng đã bắt gặp biết bao tà áo khác xinh đẹp rộn ràng, dịu dàng đầy sắc màu mộng mơ,  yêu kiều, mến thương ở nhiều bài khác trong thơ và nhạc, nghĩa là Áo cũng là đề tài trong các đề tài thu hút sự sáng tác của thi, nhạc sĩ...
Nhã My tui, làm thơ (dở ẹt) chỉ để mua vui, thật không dám phạm thượng và khoe khoang những ''chiếc áo'' trong nhiều bài thơ  của mình  bên cạnh tiền nhân lỗi lạc, nhưng cũng có ''tà áo trắng '' của cô học trò ngây ngơ, đỏng đảnh :

"Ngày lại ngày trôi qua
Em khoe tà áo mỏng
Trắng cả trời ban trưa
Gió lùa trêu khóm lá
Anh nghe hồn đong đưa..."

Cái tà áo mỏng tí ti này (làm từ năm 19 tuổi ) đã hân hạnh được thi sĩ tiền bối Nguyễn Khôi và  nhà văn Lê Ngọc Trác đã nhắc tới ! (ôi thật là cảm kích !)
Và có cái áo nữa của tui  (làm năm 2011 lấy ý từ câu ca dao ''cởi áo cho nhau "thì nó không có gói bọc được tình yêu trọn vẹn mà  "ngậm ngùi'' như thế này:

"Ngậm ngùi khúc vọng cổ xưa
Bên bờ lau lách gió đưa cung sầu
Tiếng thương tí tách giọt ngâu
Tiếng buồn chợt nhớ '' qua cầu gió bay''
Dối cha giấu mẹ bao ngày
Ngậm ngùi
Tiếc áo
Đã bay theo người !"

 (Áo này là áo mua hoặc may để tặng và người ở đây là nam hay nữ gì cũng được hii bởi vì là thơ, là sản phẩm cuả trí, tình trong tưởng tượng !)

           Chúng ta đã điểm qua những chiếc áo trong tình cảm thơ văn (tưởng tượng), còn chiếc áo trong thực tế đời sống ? Tôi  dám chắc là không có ai trong chúng ta trong đời mà chưa có lần nào được nhận áo hay tặng áo. Hồi nhỏ, lúc còn nghèo, trẻ con ắt đứa nào cũng mong tết đến để được bố mẹ may cho áo mới, áo đẹp để mặc đi chơi, đi khoe. Lên thời trung học, mấy cô bé nữ sinh đố đứa nào khỏi suýt xoa, vui mừng hoặc đôi chút ngỡ ngàng khi (lần đầu tiên soi gương) được mặc chiếc áo dài màu trắng tinh khôi mà mẹ, chị đã sắm cho. Rồi thời '' bao cấp '' chắc cũng có nhiều người rưng rưng cảm động khi nhận được chiếc áo cũ hay thầy, cô giáo (nghèo) cảm động khi nhận được xấp vải (mà học trò nhiều đứa đã hùn tiền mua tặng để biết ơn thầy cô trong ngày lễ  Nhà Giáo) để may chiếc áo mới mặc cho lịch sự, tươm tất hơn.
Tôi thật sự không muốn nói chuyện buồn khi thình lình người vợ nhận chiếc áo tang của chồng trong thời chiến tranh hay khi gia đình có người thân quá cố nhưng làm sao mà tránh được những chiếc áo tang thương đó.
Riêng cá nhân tôi, tuổi nhỏ và lớn lên trong đầy đủ, vậy mà cũng vô cùng mừng vui, cảm động khi lưu lạc xứ người, nhận được những chiếc áo cũ phân phát từ trung tâm từ thiện. Những chiếc áo không đẹp lắm, không khít khao vừa vặn nhưng nó thật là quí ở thời điểm cần thiết, để tiết kiệm tiền mua sắm và hạnh phúc hơn khi nhận được tấm lòng từ những con người xa lạ.
Rồi qua thời gian làm việc, kiếm tiền và sinh sống trong xã hội thực dụng và đầy đủ vật chất, nói không ngoa, mỗi người phụ nữ ở đây ít nhứt cũng đã sắm từ vài chục tới vài trăm cái áo (không phải những thương hiệu với giá khủng tiền). Áo (quần) thì phải mặc theo thời tiết từng mùa, hè qua, đông đến, cứ lần lượt đem cất vì không mặc được. Cứ bảo để sang năm đem ra mặc lại, rồi thì tới mùa năm khác lại ''sale off'', lại mua sắm cái mới ! Những chiếc áo cũ không xài tới, mang về quê nhà tặng thì sợ bị bắt lỗi là cho đồ cũ (mà hàng mới mua tặng cũng không đắc bao nhiêu), bán (ga-ra sale) cũng chỉ mua được vài món đồ ăn, thôi thì theo dòng đời luân chuyển, kẻ có, người không cứ mang tặng hết cho cơ sở từ thiện. Những chiếc áo này (không mới tinh nhưng cũ thì không cũ lắm) sẽ được bay đi tận những nơi xa xôi, nghèo khó mà người cho và người nhận hoàn toàn xa lạ. Thương lắm thay những tấm lòng của những người làm thiện nguyện, âm thầm nối kết, chia sẻ những tình người !

                                                                      NHÃ MY
                                                               (Mùa đông 2017)

READ MORE - TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO - Phiếm luận của Nhã My

VỀ NGANG PHÁ TAM GIANG - Thơ Nguyễn An Bình


                          Nhà thơ Nguyễn An Bình


VỀ NGANG PHÁ TAM GIANG

Về qua phá Tam Giang
Mạn thuyền nghe sóng vỗ
Nước bốn bề mênh mang
Hàng cọc tre nghiêng ngửa.

Ô Lâu nước vẫn chảy
Em lại ngược dòng Hương
Mái chèo khua sóng nước
Có chờ anh theo cùng?

Thuyền xuôi về Vinh An
Mây trời buông xuống thấp
Em ơi nắng rất vàng
Đụn cát dài xa tắp.

Mây tím giăng đầy trời
Thuyền ai còn buông lưới
Chim cuối trời lẻ loi
Hoàng hôn rơi hấp hối.

Xe qua cầu Diên Trường
Nhớ ai mà gió thổi
Mưa suốt một cung đường 
Chắc làm em bối rối.

Rượu làng Chuồn vẫn thơm
Có ấp môi em ngọt
Nhiều năm mãi chưa quên
Sắt se từng sợi tóc.

Em đừng qua rú Chá*
Hỏi chim bay về đâu
Khi chiều tà hoang nắng
Giữa biển trời bể dâu.

Anh về Phá Tam Giang
Mưa bay từng hạt nhỏ
Chia ba dòng đục trong**
Trong tột cùng thương nhớ.

               Nguyễn An Bình


* Rú Chá: rừng ngập mặn đặc hữu của phá Tam Giang
** Ba dòng: phá Tam Giang là nơi nước ba con sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương đổ về trước khi ra cửa Thuận An xuôi về biển.

READ MORE - VỀ NGANG PHÁ TAM GIANG - Thơ Nguyễn An Bình

NẠN “BÁN ĐỘ” TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì

     
             Tác giả Phạm Đức Nhì



NẠN “BÁN ĐỘ” TRONG THƠ  


Từ Bản Nhạc Lệ Đá

Đến thăm thằng bạn ở Houston. Đem lên cho nó mớ cua biển con nhặt ra trong lúc lựa tôm. Với dân thành phố thì đây là món ngon “quý hiếm”. Xay nhuyễn ra, lọc kỹ lại là có vật liệu chính để nấu món bún riêu cua quê hương mà các bà rất thích. Trong khi hai bà đưa nhau đi chợ để mua “đồ phụ tùng” cho món ăn đặc biệt, hai thằng chồng vào phòng Study (1) uống cà phê, nghe nhạc, tán chuyện văn chương. Thằng bạn vào đề ngay:
- Hôm qua nghe Lệ Đá (nhạc Trần Trịnh, thơ Hà Huyền Chi) tao thấy có đoạn hơi kỳ – nói đúng ra là ‘trớt quớt’ (phát âm kiểu miền nam), định chờ hỏi xem mày có thấy thế không?
- Đâu, đoạn nào đâu?
- Phiên khúc thứ 2
Hắn bấm khởi động dàn máy đã chuẩn bị sẵn. Tiếng hát Ngọc Lan nhẹ nhàng thánh thót vang lên:

Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn 
Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng 

Và ước mong sao trời đừng bão tố 
Để yêu thương càng nhiều gắn bó 
Tháng ngày là men say nguồn thơ

Hắn tắt máy đưa mắt nhìn tôi.
Tôi hỏi lại:

- Trớt quớt chỗ nào đâu? 
- Thì đó. “Chim lạc đàn, xoải cánh cô đơn” thì có đếch ai đâu mà “để yêu thương càng nhiều gắn bó”.
- Mày coi chừng 2 chữ “thuở ấy” nha. Có nó vô ý nghĩa có thể khác biệt nhiều lắm đó, bởi nó sẽ dẫn đến khung thời gian khác.
- Nhưng ngay cả trong khung cảnh và khung thời gian của “thuở ấy” chăng nữa tao thấy cụm từ “để yêu thương càng nhiều gắn bó” vẫn như bị lạc đường, trớt quớt.

Tôi bảo hắn cho nghe lại lần nữa rồi gật gù đồng tình:

- Mày nói có lý. Mong “trời đừng bão tố” để đừng gẫy cánh chết dấp giữa đường chứ khung cảnh đó, tâm trạng đó thì có mà yêu thương gắn bó với ma. Đoạn thơ lập luận theo luật nhân quả; nhân thì lạc lõng, cô đơn đến độ thảm não mà đòi sinh ra quả “yêu thương càng nhiều gắn bó” thì đúng là lạc quẻ, trớt quớt. Ông Hà Huyền Chi đột nhiên cho cầu thủ của mình tung cú sút, không vào cầu môn đối phương mà bay thẳng ra khu vực khán đài.

Sau khi nghe hết bản nhạc tôi nói tiếp:

- Hơn nữa, đây phải là đoạn “yêu đương nồng thắm, hạnh phúc tràn đầy” để làm nền, giải thích và làm nổi bật nỗi buồn đau, nuối tiếc ở mấy đoạn sau. Đoạn này hỏng thành ra cả bài thơ (lời 1) không có chỗ dựa, như ngôi nhà ngả nghiêng, chao đảo khiến người nghe, người đọc hụt hẫng, chới với.

Khi tra cứu thêm để viết bài này tôi may mắn đọc được Vài Dòng Về Bài Hát “Lệ Đá” của nhà thơ Hà Huyền Chi thì biết đây không phải là thơ phổ nhạc mà thi sĩ đã viết lời cho bản nhạc có sẵn của Trần Trịnh. Trong bài viết có đoạn:  

“Hôm sau tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng là không biết bằng cảm hứng nào đó tôi đã hoà được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn.” (2)

Với tôi, lời 1 của bản Lệ Đá là một bài thơ của một thi sĩ lão luyện được tuồn vào cái khuôn nhạc có sẵn của Trần Trịnh trong thời gian kỷ lục (1ngày). Có lẽ vì “thiếu thời gian thai nghén” nên mặc dù ngôn ngữ thơ đẹp một cách sang trọng, hát lên nghe rất “kêu” nhưng thiếu vắng cảm xúc.


Đến Nạn “Bán Độ” Trong Bóng Đá

Có một thời, do cơ cấu tổ chức, bóng đá Việt Nam rộ lên nạn “bán độ”. Cầu thủ thường là công nhân biên chế và thuộc bộ phận Văn Thể (Văn Hóa Thể Thao) của một đơn vị sản xuất, ban ngành chính quyền hay một đơn vị hành chánh địa phương nào đó. Họ lãnh lương của cơ quan, làm phần việc trách nhiệm của mình (thường là nhẹ nhàng) và đá bóng. Mỗi khi tập trung để tập luyện hoặc thi đấu cầu thủ được lãnh tiền “bồi dưỡng”, nhưng so với vật giá lúc ấy chẳng thấm thía vào đâu. Bởi vậy, khi có trận thi đấu quan trọng, những cầu thủ ở vị trí chính trong đội hình thường được móc nối để “bán độ”. Mỗi lần “bán độ” có thể được trả số tiền tương đương 6 tháng, có khi cả năm tiền lương nên trong hoàn cảnh nghèo đói vào thời điểm ấy cầu thủ rất thường bị “dính mồi”.

“Bán độ” là dùng vị trí, vai trò của mình trên sân để “giúp” đội đối phương thắng đội nhà. Đầu mối của nạn “bán độ” là bệnh thành tích và hám danh của các đơn vị - dùng tiền mua trận thắng cho đội mình để giữ hạng, lên hạng hoặc để lấy tiếng. Ngoài ra còn có hiện tượng cá độ trong bóng đá. Những tay “đánh cá” bỏ tiền ra “mua” cầu thủ đội đối phương để đội mình đặt tiền đánh cá giành phần thắng. Dĩ nhiên tiền đánh cá phải lớn hơn nhiều so với tiền bỏ ra để “mua” cầu thủ.

Với cách nhìn khôi hài của mình tôi cho rằng trong thơ cũng có “bán độ” như bóng đá nhưng có khác biệt. Trong bóng đá, cầu thủ cố ý “bán độ” để trục lợi, kiếm tiền, còn “bán độ” trong thơ là do thi sĩ vô tình, thiếu cái nhìn bao quát và, dĩ nhiên, bất vụ lợi.


Sau đây là vài kiểu “bán độ” trong bóng đá và thơ:

1/

Bóng đá: Vô hiệu hóa chính mình, trở thành kẻ “dư thừa” trên sân.
Thơ: Chữ hoặc câu (về mặt ý nghĩa) thừa, không cần thiết – có khi vướng víu dòng chảy của tứ thơ.

Thí dụ:

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, 
đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa 
chữ "dòng kênh"
(Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư, Đinh Thị Thu Vân)(3)

Chữ “đành” không cần thiết. Không những thế, lại không hợp với câu thơ.
Chữ “chữ” không chính xác; phải nói “hai chữ” (hoặc “từ”) “dòng kênh” mới đúng. Nhưng tốt nhất là bỏ đi, để “dòng kênh” đứng một mình - vừa gọn, vừa hay. 

2/

Bóng đá: Gởi thơ nhầm địa chỉ; lúc đồng đội trống trải, nhận bóng là có thể ghi bàn thì lại chuyền bóng nhầm cho cầu thủ đối phương hoặc đá ra ngoài.
Thơ: Câu thơ, đoạn thơ lẽ ra có quan hệ nhân quả thì lại … “trớt quớt”, trật bàn đạp.

Thí dụ:

Phiên khúc 2 của Lệ Đá ở trên.

3/

Bóng đá: Lối đá của cầu thủ không “hợp lý”, không “ăn rơ” với đấu pháp toàn đội.
Thơ: Thơ không phản ảnh đúng thực tế, làm nhẹ cảm xúc, giảm sức thuyết phục.

Thí dụ:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng

là 2 câu mở đầu trong bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.
Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng lửa khói

Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm từ trên.
(Anh Bằng Sửa Thơ Yên Thao, Phạm Đức Nhì, Lời Bình Ngắn Tập 1) (4)

4/

Bóng đá: Cầu thủ đá tung lưới đội nhà
Thơ: Chữ, nhóm chữ hoặc câu thơ cản dòng chảy của tứ thơ.

Thí dụ:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng 
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều 
Mải mê đuổi một con diều 
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn Trâu Đốt Lửa, Đồng Đức Bốn)

Rạ rơm ít, gió lại nhiều, đốt lửa lên mà không luôn tay chăm sóc thì chỉ một loáng là lửa tắt; đàng này lại còn lo thả diều thì củ khoai chưa chắc đã chín chứ nói gì đến cháy thành tro. Câu “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” gây khó khăn, cản trở cho việc cảm nhận ý của câu kết “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Học Ở Trường Đời

Tôi có may mắn được tiếp xúc với văn chương Anh Mỹ vừa ở trường lớp và vừa từ giao tiếp, trao đổi riêng với các bạn thơ người Mỹ ở ngoài đời. Có lần tôi (cùng với vài người khác) đến nhà một vị giáo sư đại học Mỹ, đã về hưu, dạy Literary Criticism (Phê Bình Văn Học). Tôi bám sát ông ta trò chuyện và, không bỏ lỡ cơ hội, đưa ra 2 câu hỏi (đã chuẩn bị sẵn):

1/ “What do you expect from a poetry review?” (Ông chờ đợi những gì ở một bài bình thơ?) Ông ta mở máy tính và in cho tôi một list gồm hơn 20 đề mục. Về nhà tôi vào Google gõ “How to write a poetry review?” hoặc “How to analyze a poem?” (Làm sao để phân tích một bài thơ?) thì cũng có một list tương tự. Thành ra câu hỏi của tôi chẳng mang lại lợi ích bao nhiêu. (5)

Rất may, đã có câu hỏi thứ 2 gỡ lại.

2/ “What makes or breaks a poetry review?” (Cái gì quyết định thành bại của một bài bình thơ?) Câu trả lời của ông ta là “How he or she looks at the coherence of the poem.”(Cách người viết đánh giá sự kết nối logic tổng thể, tính nhất quán của bài thơ.) Nhờ thế tôi biết người Mỹ (văn chương Anh Mỹ) rất coi trọng thế trận chữ nghĩa của bài thơ và việc vạch mặt để loại trừ bọn “bán độ” trong thơ, với họ, là rất cần thiết.

Một Chút Khác Biệt

Một bài thơ có tứ thơ mạch lạc, “dễ bắt”, thế trận hợp lý, gọn gàng – theo những người thích thơ ở Mỹ - có thể được coi là thành công. Thi sĩ đạt đến trình độ này, dĩ nhiên, khả năng sử dụng ngôn ngữ, hình tượng, câu cú để diễn đạt tâm trạng của mình cũng không đến nỗi tệ. Tuy nhiên đó chỉ như sự thành công của đội bóng đã vượt qua vòng loại để bước vào vòng chung kết. Càng tiến xa bài thơ càng “được” xét nét tỉ mỉ hơn. Và một tiêu chí khác để phân định hay dở, cao thấp trong thơ, theo tôi, sẽ thu hút sự chú ý của những người bình thơ. Đó là vần và khả năng sử dụng vần để khơi dòng cảm xúc. Ở điểm này, với ngôn ngữ đơn âm như tiếng Việt, việc gieo vần dễ dàng hơn nhiều. Nếu thi sĩ cao hứng, lại có tứ thơ hay, cảm xúc được vần nâng dắt sẽ dâng trào, đẩy cơn cao hứng của thi sĩ đến đỉnh điểm. Lúc ấy lý trí sẽ biến mất, lời thơ tuôn ra từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn, sẽ là những lời chân thật của “cái tôi đích thực”.

 Lợi Ích

Với thơ Việt Nam, theo tôi, vạch mặt và loại trừ bọn “bán độ” trong thơ có những lợi ích sau đây:

1/ Bài thơ sẽ có thế trận hợp lý, tứ thơ nhất quán.
2/ thông dòng suy tưởng, dòng chảy của tứ thơ, dòng cảm xúc (nếu có).
3/ Tiến gần đến mục tiêu mà một định nghĩa thơ đã đề ra: Best words, best order (từ hay, đúng chỗ - theo trình tự hợp lý nhất), tiếng Việt có từ rất tuyệt là “đắt”, “đắc địa”.
4/ Bài thơ có tính thuyết phục, dễ tạo được sự đồng cảm, đồng tình.

Kết Luận

Vạch mặt và loại trừ bọn “bán độ” trong bóng đá để giữ sự công bằng trong thi đấu, giữ nét đẹp trong sáng của môn thể thao vua trên thế giới. Nhà phê bình chỉ ra những chữ, nhóm chữ, câu, đoạn “bán độ” của bài thơ để thi sĩ rút kinh nghiệm, để những bài thơ sau tiến gần đến mục tiêu “best words, best order”, có tính nhất quán, có nét đẹp tổng thể, đạt được điều kiện cần để thi sĩ cùng bài thơ bước qua cánh cổng, ra con đường lớn đi về hướng “Bến Bờ Thì Ca”. Và nếu may mắn – đang ở trong trạng thái cao hứng đến lạc thần trí – thi sĩ cùng bài thơ của mình sẽ đi đến đích.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH
1/ Phòng học của sinh viên, phòng để tra cứu và viết lách.
READ MORE - NẠN “BÁN ĐỘ” TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì

BÂY GIỜ, THỦY... - Thơ Châu Thanh Thủy



                         Tác giả Châu Thanh Thủy



BÂY GIỜ, THỦY...

Bây giờ Thủy như hạt bụi
Đôi chân mệt mỏi đường trần
Bàn tay u buồn cặm cụi
Ánh nhìn nhiều thoáng phân vân.

Thủy về tìm xưa trong cỏ
Nương theo vạt nắng trong ngần
Gửi chiều bay tan nỗi nhớ
Chắc là cũng chút bâng khuâng

Hôm qua Thủy còn rong ruổi
Đường xưa chuyện cũ lâu dần
Ngày mai có còn thấy nuối
Quay lưng mà tiếc dấu chân ?

Có người đừng mong Thủy nữa
Chiêm bao ảo mộng xa vời
Nửa khuya ai còn gõ cửa
Qua đường lữ khách tình lơi...

              Châu Thanh Thủy

READ MORE - BÂY GIỜ, THỦY... - Thơ Châu Thanh Thủy

TÂM THƠ, GẶP LẠI BẠN XƯA - Thơ Tịnh Đàm

 
              Tịnh Đàm


TÂM THƠ
(Khi đọc Tống Biệt Hành của Thâm Tâm)

Ngậm ngùi
Ngần ấy tâm thơ
Từ bao năm cũ đến giờ
Chưa khuây !
Mình tôi
Lặng lẽ Chốn này
Ngâm bài "Tống Biệt "... mà cay nỗi đời !

GẶP LẠI BẠN XƯA.
(Tặng Khải sau 30 năm gặp lại)

Biết nhau khi ở Rạch Gòi
Tháng ngày dầu dãi, một thời khó quên.
Mỗi người có ước mơ riêng
Kẻ vui sông nước, người bên Chợ đời .
Bao năm lặn lội xứ người
Được gì, hay chỉ thấy... trời mênh mông .
Trắng tay cười với hư không
Qua bao dâu bể, vẫn trông nẻo về.
Hẹn Xưa giờ cũng lỗi thề
Đành ru phận bạc, chẳng hề thở than.
Đa đoan này, cõi trần gian
Biết đâu sau - trước, liệu toan lẽ đời.
Hôm nay, gặp lại nhau rồi
Ngồi trong quán nhỏ trao lời cảm thông.
Tình thâm... như rượu ủ nồng
Càng lâu, càng đượm hương lòng - say êm.

                                           Tịnh Đàm
                                  (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - TÂM THƠ, GẶP LẠI BẠN XƯA - Thơ Tịnh Đàm

HÔM ẤY MƯA RƠI - Thơ Lệ Hoa Trần





HÔM ẤY MƯA RƠI

Cũng xui, hôm ấy trời mưa
Nên người mới bảo: Rằng đưa tôi về
Giữa đêm trời lạnh tái tê
Đường về vắng bóng, bốn bề tịch liêu
Nên đành tay dắt, tay dìu
Qua từng lối nhỏ. Lời yêu thốt lòng
Vai kề, tay nhẹ vào hông
Anh thề, anh hứa là chàng của tôi
Thế rồi, qua một đêm trôi
Lời kia theo nước tuôn rơi theo dòng
Bao năm tôi vẫn đợi trông
Người đi biền biệt vẫn không quây về
Anh đi để lại lời thề
Bỏ tôi ở lại chuỗi ngày nhớ nhung.
 
                             Lệ Hoa Trần
                              07-12-2017

READ MORE - HÔM ẤY MƯA RƠI - Thơ Lệ Hoa Trần