Một trùng phùng nằm trong khát vọng bấy lâu của người dân quê tôi giữa những ngày tháng hạ hồng lên sắc nắng, cộng hưởng sắc màu niềm vui lễ hội là cuộc đua thuyền rộn rã trên mặt hồ rộng, đủ soi dáng hình một thị trấn tuổi dậy thì búp nõn.
Giữa muôn nẻo đi về líu ríu niềm vui ấy, tôi muốn nói đến một cái tên hẳn đã khảm vào tâm thức nhiều người. Đó là Trà Thuỷ Khê, từ bàn tay kỳ diệu của hoá công qua cái nhìn giàu trí tưởng của con người làm nên một “bát nước chè khổng lồ” thật ấn tượng, xoa dịu cơn khô khát vốn bao đời nay gây nỗi kinh hoàng với khách bộ hành khi qua “tiểu sa mạc” hoang sơ lửa trời thiêu đốt này.
Cái hồ nước lớn cơ hồ lây cái hân hoan mà cuống quýt của đàn sóng đuổi nhau quên cả những con mắt đắm theo ký ức ấy xưa kia là khe Nước Chè. Ngỡ tưởng chỉ biết điều ấy cũng đủ nhưng lật giở Đại Nam nhất thống chí có ghi Trà Thuỷ Khê lại cho thấy cái tên hơn một lần được định danh trong thư tịch cổ. Vâng, đem suy tư chia sẻ với anh bạn thơ Trần Xuân An – một người con quê hương ở tận “vầng sáng phía chân trời” – thành phố Sài Gòn hoa lệ, tôi tâm đắc một điều: Những gì thiên nhiên ban tặng con người không phải không có lý. Đó là triết lý thiên sinh chỉ có trời đất mới hoá giải.
Thì ra, có những cái bên ta thật gần gũi, gần gũi như chính hơi thở sự sống nhưng cuốn theo dòng đời cuộn chảy phía trước mặt, khiến ta như vô tình. Cũng từng bước thụt, bước lùi trên những làng cát nghèo khó của quê nhà; cũng từng có những phút giây khô cổ rát họng bởi đi về trong cái chảo rang mùa gió Tây Nam nắng đốt; từng nhờ đến những trái quả, trái dưa “giải hạn” nhưng khi ngụp lặn trong thế giới của những bài ca nổi tiếng quê tôi, mới càng vỡ ra lời than khó thật vô nghĩa. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đặt ra thử thách ý chí con người và hồ như, con mắt thiên nhiên cũng tìm cách theo dõi và trợ sức con người vượt qua gian khó. Từ ý nghĩ ấy, Trà Thuỷ Khê trong tôi như một biểu tượng vẫy gọi khi không có gì trong tầm tay nó vẫn là “bát nước chè tinh thần”cổ vũ con người nỗ lực để chiến thắng chính mình. Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện Tào Tháo với rừng Mơ ảo. Đó là điều sắp đặt thông minh của một nhân vật vốn nổi tiếng “gian hùng” trong tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Còn đây mới là sự sắp đặt tuyệt vời của đấng tạo hoá. Trà Thuỷ Khê chính là sự sắp đặt ấy.
Trà Thuỷ Khê bây giờ không còn lặng thầm chảy dưới ngút ngàn lau sậy, tràm chổi. Lòng người với đất trời dường đã tao ngộ sáng lên gương mặt hồ, gương mặt một thị trấn long lanh niềm vui được đền bồi từ khát vọng. Bất chợt, tôi nghĩ đến thị xã Đông Hà đã có một Khe Mây đã biến thành hồ Khe Mây mang vẻ đẹp thơ mộng không thua gì các hồ ở Đà Lạt hay hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, thì nên chăng cái tên dân dã nằm lòng khe nước Chè hay sang trọng sách vở Trà Thuỷ Khê cần được phục danh, vì “vật tự nó” đã tồn tại, đừng để thời gian bôi xoá lãng quên.
Và rồi ý nghĩ lội ngược dòng, tôi lại tự cho mình lẩn thẩn, khác gì “nỗi lo ngò mất thơm” cả thôi!
Hình như đọc được băn khoăn của tôi, anh Lê Anh Phước, Chủ tịch thị trấn Hải Lăng nói:
- Anh biết rồi đấy. Những ai từng sống trên đồi cát nóng bỏng ở Hải Lăng, nhất là ở ngay thị trấn chúng ta mới thấy vị trí đắc địa của cái hồ này. Nó không chỉ góp phần tạo ra vẻ đẹp văn hoá cho trung tâm huyện lỵ mà còn mang lại nguồn lợi chưa tính đếm hết. Đó là sự cân bằng môi trường sinh thái (cùng với cây xanh), là nguồn nuôi thuỷ sản có khả năng cung cấp cho người dân nội thị, vân vân và vân vân…
Đang lúc anh nhấp ngụm trà, tôi chen vào:
- Thế giới sông hồ quả thật có nhiều điều để nói. Thử hình dung, nếu không có một khe nước Chè trên thị trấn xinh xắn này thì thật đáng tiếc. Nó như một lúm đồng tiền trên gương mặt thiếu nữ. Có nhiều nơi người ta còn huyền thoại hoá bằng câu chuyện tình thấm đẫm để ca ngợi hay lý giải ngọn nguồn sinh ra để đặt tên. Khe nước Chè có ngoại lệ không?
Sự nhạy cảm của anh Phước như bắt đúng tần số:
- Đúng vậy, khe nước Chè không ngoại lệ. Tôi cũng đã nghe thiên tình sử cảm động về nó. Chuyện là thế này, một người mẹ trẻ bồng con đi tìm chồng (chuyện sinh ly tử biệt ấy mà, đất nước hình chữ S trong chiến tranh loạn lạc ở nơi đâu không có!). Đường dài, nắng lửa, sức cùng lực kiệt vì khát. Thương mình một, thương con mười. Người mẹ bó tay ngồi khóc cho đến khi mình tan trong đất trời. Những giọt nước mắt chảy thành dòng tạo khe nước Chè ngày nay.
- Những nơi nghèo khó thường “bi kịch hoá” mọi chuyện – Tôi cùng anh chia sẻ – Nhưng trong bi kịch có lạc quan, niềm lạc quan dựng trên nền yêu thương cuộc sống. Ai cũng thấy từ khe lên hồ, từ “con số không to tướng” ( chữ của Lỗ Tấn) lên phố như là huyền thoại vậy!
Thật tình , công việc của tôi dường không có cơ duyên “mặn nồng” với tư duy kinh tế nhưng lại có một thoáng đêm bên hồ uống tách cà phê Gió Lộng giữa những nam thanh nữ tú đông chật, mà ở không gian còn khiêm tốn này chưa nơi nào đông hơn thế, thì những câu hỏi dẫu tiếp tục đặt ra đã có thực tế trả lời đó rồi.
Ơi Trà Thuỷ Khê, một nghĩa tình trời đất dành cho mảnh đất dấu ái của tôi!
Võ Văn Luyến
* Trà thủy khê (Khe nước chè), một địa danh ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.