Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 15, 2014

TÂM TÌNH VỚI HẠ LONG - thơ Trúc Thanh Tâm



Núi Bài Thơ ta ngồi ôn chuyện cũ
Hương ngàn năm trôi theo gió mây xa
Mình đưa nhau qua phía cầu Bãi Cháy
Đêm du dương trăng phơi dáng ngọc ngà

Trà Cổ, Long Tiên chuông ngân nỗi nhớ
Miền tử sinh còn mộng mị triền miên
Trong sâu thẳm của khổ đau hạnh phúc
Đời vô cùng không kỳ hạn đâu em

Qua Thiên Cung như lạc vào cổ tích
Những giọt sầu ai cắm mốc thời gian
Ta nghe mưa bên rừng đời bén rễ
Nắng lưu ly trải khắp lối hoa vàng

Tuần Châu ơi, chốn trần gian thơ mộng
Chim hót lời âu yếm với mai sau
Trong mắt em trời Hạ Long lưu luyến
Hồn biển xanh ru con sóng bạc đầu

Em bên ta nụ hôn nào tha thiết
Mai xa rồi đất Bắc nhớ khôn nguôi
Gởi Cửu Long phù sa chia chín nhánh
Về Hồng Hà yêu dấu của ta ơi !


                              Núi Bài Thơ, 2005
                             TRÚC THANH TÂM
READ MORE - TÂM TÌNH VỚI HẠ LONG - thơ Trúc Thanh Tâm

ƯỚC MƠ - Nhạc Nhật Bằng, Thơ Phan Khâm, Ca sĩ Mai Thiên Vân.




ƯỚC MƠ

Ai ngồi mơ mận mơ đào
Tôi mơ tôi ước ngọt ngào dung nhan
Nghe rơi rơi thấm vào hồn
Đôi môi em mọng nét son kinh kỳ
Đẹp như một đóa trà mi
Da ngà mắt ngọc dậy thì xuân xanh
Xin đừng là thoáng mong manh
Giữa ta vô ngã, chung quanh vô thường
Nẻo về trăm nhớ ngàn thương
Nẻo đi giăng lối tơ vương ban đầu
Kiếp sau cho tôi nguyện cầu
Thế nào em cũng nhiệm mầu đi qua
Chắc rằng thuở đó đôi ta
Yêu em xõa tóc nết na ngại ngùng
Lưng đồi nắng xuống rưng rưng
Níu tay em lại xin đừng hoàng hôn
                               Phan Khâm
READ MORE - ƯỚC MƠ - Nhạc Nhật Bằng, Thơ Phan Khâm, Ca sĩ Mai Thiên Vân.

GÁC CU LÀ NGU - phiếm luận của Chu Vương Miện



Thế gian thường nói "thông minh nhưng chậm hiểu", kẻ viết bài phiếm luận này thì chỉ hoàn toàn chậm hiểu, hoàn tòan không có một chút thông minh nào. Tính ra nghe từ “gác cu” này từ những năm 1956 –1957 chi lận, gần 45 năm đến bây giờ mà nói hiểu hẳn cũng chưa chắc là đúng [mà hiểu chưa đầy đủ có lẽ đúng hơn]. Năm đệ lục về bộ môn quốc văn có học về tác phẩm “Lục súc tranh công”, tác gỉả là vô danh thị; tác phẩm văn chương này nói về con chó, con lợn, con dê, con gà, con ngựa, con trâu. Ông thầy giảng qua loa và kết luận mơ hồ rằng:
-Bọn gia súc “animaux domestiques” là một bọn ngu độn, tranh hơn, y như ở đời có bốn cái ngu “mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu”.
Ông thầy giảng giải thêm “gác cu” là ngu có nghĩa là hàng ngày cầm cái lồng có nhốt một con cu mồi để nó gáy để bẫy chim cu khác, công việc này cứ kể là ngu. Mà thôi, chương trình quốc văn năm đệ lục chỉ có chừng đó, thôi thì trâu chó, heo ngựa, gà …  thú vật đương nhiên là ngu rồi.  Tiếp theo đó là thêm bốn cái ngu nữa. Thiên hạ có ngu là việc của thiên hạ còn riêng phần mình có ngu hay không, ngu ít hay ngu nhiều là cái quyền của mình.
Gần hai chục năm sau, do hoàn cảnh ngẫu nhiên, gia đình chúng tôi lại được ở gần nhà ông thầy cũ. Ngày trước ông dậy trung học, sau học hành đỗ đạt, ông được mời dậy Đại học văn khoa. Sau năm 1975, tôi với ông thầy cũ làm cùng một nghề là mua bán sách cũ [để sống], ông thường qua nhà tôi và tôi cũng thường qua nhà ông, có khi còn ngủ lại trên gác nhà ông nữa. Có lần tôi nhắc lại chuyện gác cu thì ông thầy thong thả giảng như vầy:
Ở đời có bốn cái ngu
Mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu. 
1/ Mai dong: là làm cái nghề mai mối, nhưng làm amateur, không có tính cách chuyên nghiệp, không ăn tiền ăn bạc của ai, làm chuyện khơi khơi, họ lấy được nhau, sống hạnh phúc thì không nói làm gì, chứ lâu lâu uýnh lộn, uýnh lạo, chửi bới nhau thì họ đào mồ cuốc mả ông [bà] mai lên mà chửi. 
2/Nhận nợ: là hai bên, bên vay và bên cho vay, chỉ quen nhau sơ sơ thôi, nhưng không ai tin ai, nhưng hai bên lại là chỗ quen thân với bản thân mình, nhờ mình đứng ra bảo lãnh [chịu trách nhiệm], nếu người vay không trả [quịt] thì mình dơ lưng ra mà nhận món nợ đó.
3/ Gác cu: là một con chim cu nhốt trong lồng gù gáy làm sao cho đồng loại mình bị lừa bị bắt  thì làm vui lòng chủ, mà gáy mồi để đồng lọai bị bắt thì không nỡ hối hận. 
4/ Cầm chầu: Trong bốn thứ, thứ này phải kể lòng dòng lâu lắm. Đại khái nhiều làng xã ở Việt Nam, gần Tết hay có giỗ đình vào đám chi đó, các viên chức trong làng xã thường hay mời đoàn hát chèo đến làng mình hát một hay hai đêm để mua vui cho bà con lối xóm mấy ngày xuân, tuy nhiên cái ngặt là cai [cầm chầu] tiền quĩ của làng đưa cho vị chức sắc một số tiền cố định, ví dụ là 10 đồng để làm tiền thưởng cho đoàn hát. Số tiền này được đổi thành 100 cái quạt [nan], những cái quạt nan này được đặt trong một cái mâm gỗ hay một chậu thau, hay cái mẹt, khi mở màn, đào kép diễn tuồng tích lúc nào ca hay thì vị chức sắc cầm chầu đánh khen, kèm theo tiếng trống đánh khen, thì có một cháu nhỏ [khoảng 13, 14 tuổi], cầm một cái quạt nan ném lên sân khấu. Tuy nhiên, khen ít thì không nói làm gì mà khen nhiều quá,  quăng lên sân khấu quá 100 cái quạt nan thì khi mãn tuồng, vị cầm chầu móc tiền túi ra mà thưởng cho đào kép, nếu cầm chầu mà kẹo quá, không khen hoặc khen ít quá, thì những diễn viên [đào kép] hát kiếm cớ để chửi.
Tóm lại: Bốn cái nghề này là đòn kê, trung gian, hoàn tòan không dính dáng chi đến bản thân của chính mình mà chỉ mang thiệt hại vào thân, nói chung là bốn cái nghề đếu NGU cả.
Sau nhiều năm thì tôi nghĩ câu thừ ba [gác cu] hoàn toàn không đúng, vì gác cu là chỉ con người làm nghề gác cu, chớ không phải là con chim cu, người thường ngày đi mồi chim cu để thỏa thích với hương đồng cỏ nội, hay độ nhật kiếm ăn, thì thấy cũng chả có gì làm nghề này mà ngu cả, chỉ có hơi vất vả chút đỉnh. 
Thế rồi nhiều năm sau, tình cờ trong một buổi nhậu, tôi cố tình gợi ra bốn cái ngu này, thì có một vị cao niên bàn góp: -Ngoài xứ tôi thịnh hành câu ca dao này: Trong đời có bốn cái ngu / Mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu. 
Một vị cao niên khác bác ngay: -Mai dong, gác cu, cầm chầu có thể coi là công phu được, chớ nhận nợ dùm thì có đáng gì là công phu? 
Câu chuyện đến đó tạm dẹp.
Năm 1995 cũng do tình cờ làm thợ nhà in [in sách và in báo], nơi đây, tình cờ tôi lại lại hân hạnh được gặp anh của một nhà văn, nhà văn này với tôi khi xưa cũng có một chút thân tình. Lúc ăn trưa, tôi đưa ý kiến này ra để hỏi anh nhà văn, thì được giải nghĩa như sau: 
-ăn cơm nhà vác ngà voi, 
-ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng, 
-gác cu 
đều mang một ý nghĩa giống nhau. 
Ngày xưa thời phong kiến, phái bộ đi sứ, mà chuyến đi này phải mang theo mấy cặp ngà voi cùng sừng tê giác [hay bạc vàng] thí phái đoàn sứ thần này đi qua địa phương nào thì dân chúng địa phương ấy phải thay nhau mà vác chùa. Khi phái đoàn qua trấn Nam Quan thì dân chúng địa phương Quảng Tây vác tiếp.
Nhiều tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên hay bi cái nạn giặc Tàu Ô tràn vào cướp bóc, nên làng xã giao công tác cho một số thanh niên có nhiệm vụ canh gác và thổi tù và [báo động] cho bà con lối xóm cảnh giác khi có giặc cướp tới, nhiệm vụ này hoàn tòan free.
Ở vùng trung châu Bắc Việt như vùng Nam Định, Thái Bình, Kiến An, cứ đến tháng mười mùa lúa chín, thì chức sắc của làng thường chỉ định một số người [đa số là thanh niên] hoặc có người tự nguyện làm cái nghề gác cu chim cu này là cu ngói. Gác đây là động tự canh gác [chớ không phải là gác cái lồng cu lên cành cây]. Khi thấy xa xa đàn chim vài chục con, vài trăm con thì người gác cu phải la lớn lên để người giăng bẩy bắt chim cu giật dây xập bẫy bắt hết. Nếu ham chơi, để chim xà xuống ăn lúa ăn xong chim bay đi  mới hô hoán thì bị chửi. Câu thứ ba [gác cu] là nói về việc làm không mang lại cho người làm một sự lợi ích nào cả; làm tốt không ai khen mà làm không tốt thì bị chửi. Sau 45 năm nghiền ngẫm từ  gác cu, tôi mới tạm hiểu là như thế, có vị độc giả nào có cao kiến gì xin chỉ giáo. 

                                  Chu Vương Miện




READ MORE - GÁC CU LÀ NGU - phiếm luận của Chu Vương Miện

ĐỪNG HÒNG - thơ Thúy Ngân


Em đừng lấy tóc quấn tôi
Đừng dùng mắt biếc níu tôi lại gần
Ngọt ngào giả lả tình thân
Chéo khăn em kéo bước chân tôi về
Tình em như bỏ bùa mê
Chắn, che đủ kiểu, tôi thề không theo
Đừng hòng ôi ỉ mè nheo
Đừng hòng xách gối theo em sang phòng
Tôi thà gối chiếc, chăn không
Cho chừa cái tật lấn chồng – biết tay !
Canh ba mộng điệp – ô hay ?
Cớ chi thao thức thế này là sao … ?
Nhè nhẹ ôm gối lẻn vào
Choàng tay ôm thử em nào có hay
Nhoẻn cười –  ghét cái anh này...
Sao không nư nữa đêm nay – Đừng hòng !!
                                     Thúy Ngân
READ MORE - ĐỪNG HÒNG - thơ Thúy Ngân

THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH: LÊ QUÝ ĐÔN - Phạm Đình Nhân dịch - Dịch giả Ngọc Châu giới thiệu


16. LÊ QUÝ ĐÔN
(1726 – 1784)

          Lê Quý Đôn, nhà văn hoá lớn của Việt Nam thời Hậu Lê, thuở nhỏ có tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Quê thôn Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1743 ông đỗ Giải nguyên, năm 1752 đỗ Bảng Nhãn. Được bổ là Hàn lâm thị độc, Tư nghiệp Quốc Tử giám. Năm 1760 làm Phó sứ đi Trung Quốc, sau khi về được phong tước Dĩnh Thành Bá rồi thăng Hàn lâm viện thừa chỉ, Đốc đồng Hải Dương. Sau chuyển về kinh làm Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1773 làm Phó đô ngự sử, rồi thăng Hữu thị lang bộ Công, Bồi tụng. Năm 1776 được cử làm Tham thị Tham tán quân cơ các đạo Thuận Hoá, Quảng Nam. Sau đó về Thăng Long làm Hành Tham tụng tước Dĩnh Thành Hầu.
Ông mất ngày 2.6.1784, thọ 68 tuổi. Sau khi mất được truy tặng Thượng thư bộ Công, tước Dĩnh Thành Công. Lê Quý Đôn là một học giả uyên bác. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị về các bộ môn lịch sử, địa lý, văn học, ngôn ngữ học, triết học v.v
Các tác phẩm chính gồm : Quốc sử tục biên, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biên, Xuân thu lược luân, Bắc sử thông lục, Toàn Việt thi lục, Vân Đài loại ngữ, Quế đường văn tập, Dịch kinh phủ thuyết, Kiến văn tiểu lục, Danh thần lục, Thư kinh diễn nghĩa, Toàn Việt văn tập, Hoàng Việt văn hải, Quế Đường thi tập và một số thơ, phú bằng chữ Nôm.

71. ĐỘ XƯƠNG GIANG

Nguyên tác  :               
            
            
    绿        
            
            
            
            
            

Phiên âm :                  Độ Xương Giang[4]
Thiên cổ  quan hà hệ yếu xung,
Hành xuân bằng diểu vấn đông phong.
Yên tình lục dã tân dư trưởng,
Sương lãnh hoang viên cựu luỹ không.
Đới lệ[5] viễn tồn khai quốc liệt,
Kỳ thường[6] cận kỷ tĩnh phân công.
Thần kinh chỉ xích tần hồi vọng,
Vạn lý tường vân nhất đoá hồng

Dịch thơ :       
              Qua sông Xương Giang

                                    Phạm Đình Nhân
                             Dịch 2007

Sông, ải từ xưa vốn hiểm nguy,
Gió đông theo nhẹ bước xuân đi.
Khói tan đồng đất màu xanh thắm,
Sương lạnh, vườn hoang, luỹ cũ suy.
Dựng nước hiển vinh còn mãi mãi,
Công lao ghi dấu ấn quân kỳ.
Kinh thành trông ngóng trong gang tấc,
Rực ánh mây hồng ta bước đi

Vượt  Xương Giang

                                    Ngọc Châu
                                    Dịch 2013

Hiểm nguy sông ải xưa nay
Gió đông theo bước chân này nhẹ trôi
Khói tan, đồng xanh ngời ngời
Vườn hoang, sương lạnh, lũy thời tiêu hao
Hiển vinh dựng nước xiết bao
Công lao còn khắc đài cao quân kỳ
Kinh thành chờ tiếng ta đi
Mây hồng theo bước uy nghi đang về.

72. THÔN XÁ DẠ TOẠ

Nguyên tác :               
            
            
            
            

Phiên âm :            Thôn xá dạ toạ
Quyên quyên tân nguyệt chiếu đình giai,
Ái thử thanh tao khiếp tố hoài.
Tất bát tác thang liêu đại minh,
Đăng tiền ẩn kỷ khán Tề Hài

Dịch thơ :      

               Đêm ngồi nhà trong xóm quê

                                    Phạm Đình Nhân
                                    Dịch 2007

Đêm ở xóm quê

                                    Ngọc Châu
                                    Dịch 2013

Nguyệt tỏa sáng ngời khắp khoảng sân
Thanh tao quá khiến dạ lâng lâng
Li trà lá lốt khoan thai nhấp
Đọc sách Tề Hài chuyện thế nhân.
           (còn tiếp lần 10)



(1) Ý nói tưởng nhớ đến công lao Chương Hoàng Hồ Quý Ly năm nào cho tải đá lấp các ngả sông thông ra cửa biển Thần Phù để chống quân Minh.
[1] Thiều quang : ánh sáng đẹp của mùa xuân. Cũng có nghĩa là ngày xuân “Thiều quang chín chục” là 90 ngày xuân. Ở đây “Mười hai thiều quang” tức là đã mười hai ngày xuân. Tác giả làm bài thơ này vào đầu xuân, tức ngày 12 tháng Giêng, lúc còn rét nhưng đã sang xuân.
[2] Vì rét, khách làng say ở phố thơm (phố có giai nhân) cũng phải giục ngựa đi nhanh, không thể khề khà thưởng thức được.
[3] Tế bàn : Trang Tử có câu : “Thương tế ư thiên, hạ bàn ư địa”, nghĩa là : Trên rộng đến trời, dưới khắp cả đất. Song người ta dùng gọi bốn từ “Tế thiên bàn địa” như là một thành ngữ. Ở đây, tác giả lại lược đi hai từ, chỉ còn hai từ “tế bàn”, nhưng cần hiểu như nghĩa của cả câu “tế thiên bàn địa”.
[4]. Xương Giang tức sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có thành Xương Giang, năm 1427, năm vạn quân Minh cùng tướng chỉ huy là Hoàng Phúc, Thôi Tụ bị nghĩa quân của Lê Lợi đánh cho tan tác.
[5]. Đới lệ : nghĩa đen là “đai lưng, hòn đá mài”, dẫn từ lời thề phong công thần đời nhà Hán. “Sông Hoàng Hà dù có bé lại như cái đai lưng, núi Thái Sơn dù có nhỏ đi như hòn đá mài, thì đất được phong vẫn còn mãi mãi, để lại cho con cháu đời sau.
[6] Kỳ: cờ thêu giao long, có đính lục lạc. Thường: cờ thêu mặt trời, mặt trăng. Đó là các loại cờ thời xưa dùng trong đám rước, nghi trượng hoặc trong việc quân.


READ MORE - THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH: LÊ QUÝ ĐÔN - Phạm Đình Nhân dịch - Dịch giả Ngọc Châu giới thiệu

BẾN SÔNG AN LẠC, CHUNG RƯỢU NGÀY VỀ - Hoàng Yên Lynh



           Tác giả  Hoàng Yên Lynh



BẾN SÔNG AN LẠC
               CHUNG RƯỢU NGÀY VỀ ...


Bến sông ngày xưa nay là quán nhậu
Để tụi mình còn chỗ gặp lại nhau
Con sông xưa vẫn một màu xanh thẩm
Bao con đò, bao người đã ra đi ...

Người bán vé số già khua nạng gỗ buồn hiu
Ngỡ đồng đội xưa ... tóc úa nắng chiều
Chuyện chiến chinh còn nguyên trong ký ức
Chung rượu này sao chát đắng bờ môi.

Cái thuở bọn mình lên năm lên bảy
Khóm tre này chiều An Lạc lang thang
Bao thằng đi có mấy thằng trở lại
Mà dòng sông vẫn chở nặng vơi đầy.

Uống nữa đi cố tri còn mấy đứa
Mai tạ từ có hẹn gặp ngày sau
Ừ thì thôi tóc cũng đã bạc đầu
Đã nghe tiếng trăm năm quê mình gọi.

Chiều loang nắng cơn gió Lào quá vội
Hát đi em đời cố lấy mà vui
Đã một đời vẫn không thôi chờ đợi
Chuyện xưa nay "chinh chiến kỷ nhân hồi..."

Hoàng Yên Lynh
Bến sông An Lạc
Đông Hà 6.2014


READ MORE - BẾN SÔNG AN LẠC, CHUNG RƯỢU NGÀY VỀ - Hoàng Yên Lynh