Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 16, 2012

Lê Vũ - LÀNG QUÊ CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG, NHỮNG CÂU THƠ IM LỜI




LÀNG QUÊ 
Nguyễn Đức Tùng


Khi anh trở về
Người vợ đã chết

Vết máu khô trên ngực 
Trong bụi tre cú rúc liên hồi 

Tiếng thứ nhất: anh không nghe
Tiếng lần thứ hai: anh dừng lại
Tiếng thứ ba: anh lờ mờ nhận ra


Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà 
Cúi đầu, lùi lại

Rồi nhổ sào
Rời bến.


Không! Những câu thơ chẳng phán bảo loan truyền thông điệp gì cả. Thơ là thơ và vọng âm cứ bằng bặt im lời trong chiều muộn đêm trăng xế.

Một bậc cửa, vết máu khô, tiếng cú rúc. Chữ không trau chuốt đẹp, hình không lóng lánh sắc màu và thanh âm chẳng hề dịu ngọt. Thơ là đời và cuộc sống bừng hiện, dừng lại trong những khoảnh khắc đậm đặc nhất của tuyệt vọng, nỗi chết, của chia ly tàn mục. Ngọn sào nhổ lên, thuyền rời bến và cuộc sống cứ chảy đi trên dòng thời gian bất tuyệt. Không thể khác. Người sống phải sống và người chết cũng đã chết rồi.

Thơ còn là người. Đã tràn lan những câu thơ nôn thốc nôn tháo kinh nguyệt và đờm dãi khoe mông má thịt đùi chỉ để bày biện cái libido, cũng ê hề đây đó những tụng ca sáo rỗng. Lý Bạch “cúi đầu nhớ cố hương”; còn anh cúi đầu như một mặc niệm, một nhớ thương. Tôi nghĩ, thơ là nhan sắc và người cần có diện mạo. Diện mạo đó, trước hết, là diện mạo của văn hóa Việt. Thang thuốc bắc, ở đây, dù không còn tác dụng gì, vẫn là nghĩa tình chồng vợ đậm chất Đông Phương, giàu tính Việt.

Nhưng “Làng quê” của Nguyễn Đức Tùng ám ảnh ám thị tôi, không phải vì câu chuyện sinh lão bệnh tử mà vì thanh âm của tiếng đêm cú rúc. Rờn rợn, khàn đục, the thắt. Và không phải vô tình, nó lặp lại đến ba lần. “Quá tam ba bận”. Vâng! Có là người hoài nghi chủ nghĩa cũng phải tự khẳng định: cuộc sống không chỉ có ríu rít xuân ca. Nó trăm ngàn the thía mùi vị đấy! Đối mặt với nó và sống!

“Làng quê” vỏn vẹn 11 câu thơ nhưng từng con chữ nén lại, giấu một tiếng thở dài, chưng cất một nỗi đau và đặc biệt, trong chừng mực, đã hóa giải tâm thế vực ngờ của người đương đại.

Lê  Vũ 
(Sài Gòn)
Website counter
READ MORE - Lê Vũ - LÀNG QUÊ CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG, NHỮNG CÂU THƠ IM LỜI

LỄ HỘI KỲ YÊN Ở ĐÌNH LÀNG NẠI CỬU - Trần Quang và Lê Văn Hà

Đình làng NẠI CỬU



Tìm hiểu và phân tích kỹ một lễ hội dân gian ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị quả là không dễ. Dù Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa nhưng qua hai cuộc chiến tranh, nhiều kiến trúc văn hóa vật chất như: đình, chùa, miếu mạo bị tàn phá nặng nề cái còn cái mất. Cái còn thì đã rêu phong hoang phế, hoặc là những kiến trúc mới được xây dựng lại trong những năm gần đây. Những lễ hội dân gian gắn liền với đình, chùa, đền miếu do vậy cứ bị mai một dần đi, mặt khác dù nhu cầu văn hóa tinh thần của đời sống tâm linh là lớn nhưng đời sống hiện tại còn gặp muôn vàn khó khăn chế ngự nên lễ hội có tính quy mô, rầm rộ ít được diễn ra.


Tuy nhiên, lễ hội dân gian là khát vọng tinh thần, là sinh hoạt văn hóa làm nên diện mạo của một vùng đất, tạo nên nhân cách, bản sắc riêng của người dân sống trên vùng đất đó. Nó là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống mảnh liệt trong tâm thức của con người, tồn tại cùng con người thuở khai khẩn vùng đất mới, đồng hành trên bước đường con người kiếm tìm hạnh phúc, tạo lập và xây dựng nên những mảnh làng. Tất nhiên bất kỳ một lễ hội dân gian nào đều có những mặt phải và mặt trái của nó. Dưới đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là đất nước đang triển khai cuộc vận động lớn “xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa”, vấn đề tìm hiểu và khôi phục một lễ hội dân gian để phát huy những giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gạt bỏ những yếu tố lạc hậu mang màu sắc mê tín là một việc làm có ý nghĩa nhân bản.

Với suy nghĩ này, chúng tôi đã tìm về làng Nại Cửu thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu. Đây là một làng có bề dày lịch sử khá lâu đời gắn liền với những cuộc "nam tiến" của ông cha, có nhiều thành tựu vẻ vang trong chống giặc ngoại xâm, trong lĩnh vực giáo dục, gắn liền với nhiều tên tuổi của nhiều người được cả nước biết đến. Tên làng Nại Cửu có nghĩa là "chịu đựng lâu" thể hiện tính cách bền bỉ, kiên nhẫn chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để vươn tới khát vọng ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây; và trong tiến trình đi lên, dân làng Nại Cửu đã đạt được những thành tựu không nhỏ để tạo nhân cách riêng của một làng quê Việt Nam.

Làng Nại Cửu từ xưa có nhiều lễ hội như: Lễ thành hoàng, lễ hạ canh, lễ hạ ương, hội thi cày đất khô, hội thi kéo co, thi bơi trãi, hò giả gạo...Tuy nhiên qua nhiều thời gian và hoàn cảnh sống có những đổi thay nên đã dần dần mất đi chỉ còn lại một lễ hội đáng chú ý hơn cả là lễ hội Kỳ yên (hoặc là Cầu an hay siêu yên) được dân làng Nại Cửu duy trì hàng năm tại đình làng Nại Cửu vào ngày rằm tháng bảy.

1. Vài nét về lịch sử làng Nại Cửu:

Năm 1347, kỷ nhà Trần, biên giới Đại việt chỉ từ Quảng Bình trở ra Bắc. Sau cuộc hôn nhân Việt-Chăm, Vua Chăm pa là Chế Mân dâng 2 châu: Châu Ô và Châu Lý để đổi lấy Huyền Trân Công Chúa. Nhà Trần đổi 2 Châu này thành Châu Thuận và Châu Hóa. Để mở mang bờ cõi, nhà Trần đã kêu gọi dân chúng ở phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An, một số ít người Nam Định) vào khai khẩn vùng đất mới.

Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành lần thứ 2. Nhiều chiến binh sau cuộc "Chinh Tây" thắng lợi đã lưu lại vùng đất mới khai khẩn lập ấp, tiếp tục đưa thêm con cháu vào hiệp lực tạo nên làng Nại Cửu. Qua 18 thế hệ kế tiếp nhau mà qua gia phả của 6 họ: Lê, Nguyễn, Hoàng, Võ, Phan, Trần còn lưu trữ thể hiện một bề dày lịch sử với một quá trình phát triển mạnh mẽ tạo nên cộng đồng Nại Cửu hôn nay với diện tích đất tự nhiên 232 ha, đất canh tác 138 ha, với gần 3000 người chưa kể số người xa quê đây đó, làm ăn sinh sống tiếp tục tạo dựng những quê hương mới trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Làng Nại Cửu có vị trí địa lý Bắc giáp ba làng: Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam( đồng thuộc xã Triệu Đông), Nam giáp hai làng: Thâm Triều, An Tiêm (xã Triệu Tài và xã Triệu Thành), Đông giáp 2 làng: Anh Tuấn, Tả Hữu (xã Triệu Tài), Tây giáp 3 làng: Cổ Thành, Hậu Kiên, Bích Khê (Thuộc xã Triệu Thành và xã Triệu Long). Là một làng nông nghiệp nên nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp, có một số nghề khác như dịch vụ buôn bán, may, mộc, nề...Tổng thu nhập bình quân đạt trên 300USD/người/năm. Mặc dù mức sống chưa cao nhưng người dân Nại Cửu rất chú trọng đến vấn đề giáo dục, 100% phổ cập tiểu học, nhiều tiến sĩ, phó tiến sĩ, bác sĩ, kỷ sư, cử nhân... đang công tác ở nhiều ngành và đặc biệt có một đội ngủ đông đúc làm nghề giảng dạy ở khắp mọi miền đất nước, đó chính là hệ quả tất yếu của một truyền thống hiếu học vốn có từ xưa. Lần tìm gia phả các Họ có thể thấy được nhiều vị đổ đạt làm quan qua các triều đại phong kiến trở thành niềm tự hào của hậu thế.

1. Tiến sĩ Trần Văn Thoại (Đời Lê Hiển Tông)

2. Cử nhân Lê Trọng Điều (Làm quan phủ đời Minh Mạng)

3. Cử nhân Lê Trọng Huy (Làm quan phủ đời Thiệu Trị)

4. Cử nhân Lê Trọng Huyên (Làm quan phủ đời Tự Đức)

5. Cử nhân Lê Văn Trung làm cận vệ cho phụ chính Đại thần Tôn Thấy Thuyết.

6. Nguyễn Đức Nghi (Tham tri Bộ Lễ thời Tự Đức)

7. Phó Bảng Võ Tử Văn, thời đại Tự Đức được tôn vinh "Bậc thơ thánh thổ thần" là Thái Tử Thiếu bảo (dạy con vua) văn minh điện học sĩ, một chủ khoa tài ba.

Thời hiện đại có các vị tiêu biểu sau:

1. Trần Quỳnh (Nguyên Phó Thủ Tướng chính phủ)

2. Lê Lăng ( Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại thương)

3. Hoàng Hữu Bình (Tiến sĩ, cục trưởng cụ Hóa chất)

4. Nguyễn Liêm ( Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam)

5. Lê Sơn (Thiếu Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam)

6. Lê Hữu Thỏa (Thiếu Tướng Quân đội nhân dân Việt Nam)

Và nhiều vị có chức sắc, học hàm, học vị không thể thống kê hết được.

Trải qua trên dưới 500 năm tồn tại và phát triển, đất và người Nại Cửu của 18 thế hệ kế tiếp nhau đã chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, bền gian, kiên nhẩn, tương thân, tương ái, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm để xây dựng và bảo vệ quê hương và đất nước. Đó là một truyền thống quý báu đáng tự hào và trân trọng của người dân làng Nại Cửu. Truyền thống này chính là xuất phát từ tác động của những sinh hoạt văn hóa lễ hội, của tính hiếu học đúc kết nghìn đời mà ta đang đề cập ở trên lễ hội Kỳ yên ở đình Nại Cửu.

2. Nại Cửu đình và lễ hội Kỳ yên:

a. Đình Nại Cửu không xác định được xây dựng từ năm nào trong lịch sử, chỉ có thể nói sơ lược như sau:

Năm 1886 bị giặc Pháp đốt, năm 1900 được làm lại bằng tre, năm 1935 lại bị đốt, 1942 làm lại, năm 1958 được sửa chữa thêm, năm 1972 chiến tranh tàn phá, năm 1990 xây lại như hiện tại. Đình Nại Cửu có một đặc trưng riêng biệt là có mái đình (có sắc chỉ của Vua ban) khác với Đình của nơi khác, ngôi đình hiện nay có chiều rộng 6m, chiều dài 14m tọa lạc trên khu đất rộng, quay mặt về hướng nam. Cổng đình có hai câu đối bằng chữ Hán đã mờ vì gió bụi thời gian. Phần sân đình ở giữa là bức bình phong có trang trí một con Nghê làm bằng mãnh vỡ, trên lưng nghê mang một chiếc hộp màu vàng có thắt nơ kiểu bướm (chiếc hộp này tượng trưng bằng sắc của các học sĩ). Phía dưới là âm hồn, phía trên là văn chỉ, phiá đông sân đình là bức thờ âm hồn, phía tây sân đình thờ bức có hai chữ Hán "Thánh Tiên" (chỉ bậc thánh hiền đời trước là Khổng Tử). Mái đình lợp ngói móc, trên nóc có biểu tượng âm dương ở giữa, hai bên nóc có hai rồng đối xứng, 4 góc mái đình là 4 con chim phượng. Mặt trước đình ở trên gần sát mái có 5 bức tranh vẽ chim, thú, cây cảnh, bên trái của đình có bức tranh vẽ rồng trên mây, bên phải là hổ trong rừng (tả thanh long, hữu bạch hổ).

Trong điện thờ gồm có năm gian đặt năm bàn thờ. Ngày xưa thờ thần chủ, nay thờ bằng lư hương.

1. Bàn thờ thứ nhất (ở phí tây): Thờ thổ thần, hai chữ thổ thần viết bằng chử Hán ở trên tường, hai bên có hai câu đối như sau:

"Địa hậu bát tiết thảo mọc sum

Tổ vương trí thời nhân tài tụ"

Tạm dịch:

"Đất màu mở, tám tiết trời trong năm cỏ cây đều tươi tốt

Phúc tổ lớn, bốn mùa tụ hội lắm người tài"

Trên bàn thờ của thổ thần có hai lư hương

2. Bàn thờ thứ 2 (giáp bàn thờ thổ thần): Thờ bốn vị tiền khai khẩn của bốn họ: Lê, Nguyễn, Võ và một vị tiền khai khẩn của họ Đinh nhưng vì họ Đinh ở Nại Cửu về sau vô tự nên hình thức thờ chỉ còn là "Đinh gia phụ hưởng". Trên tường sau bàn thờ có hai chử Hán "Khởi thủy". Trang trí hai bên chữ "Khởi thủy" (mở đầu) là hai con chim phượng ngậm đóa sen đứng trên lưng rùa.

3. Bàn thờ thứ ba (tức bàn thờ chánh giữa): Thờ 11 vị thần gồm 7 lư hương, trên tường có ba chữ hán "Kỉnh như tại" (nghĩa là cung kính mời ngồi) lúc hành lễ ông thần nào to thì mời ngồi lên bàn thờ này. Mười một vị thần của bàn thờ này được nhà Vua sắc phong cho làng Nại Cửu thờ tự (Theo “Quảng Trị tỉnh thành hoàng chí” của Triều Tự Đức hiện có lưu ở thư viện Khoa học trung ương số 26 Lý Thường Kiệt - Hà Nội), 11 vị thần đó là:

1. Cao các quảng độ gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần

2. Bổn thổ thần hoàng gia tặng tịnh hậu trung hưng thượng đẳng thần

3. Ngủ hành sắc phong tán hóa mặc vân thuận thành tự điều, tư nguyên trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần

4. Chúa ngọc sắc phong nhân uyển gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần (Huyền Trân Công Chúa)

5. Hồng nương tiên phi gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần ( thờ bà vú nuôi của Huyền Trân Công Chúa)

6. Cai trị nam dương hầu Hoàng tôn thần.

Năm vị ngũ hành thờ vào một lư hương, sáu vị kia thờ vào một lư hương. Trang trí hai bên chữ "Kỉnh như tại" giống như ở bức bàn thờ thứ hai.

4. Bàn thờ thứ tư: Thờ ba vị tiền khai khẩn ba họ: Hoàng, Phan, Trần và Lê nhị vị quý công (vị hậu khai canh - khai canh thêm một phường Nại Cửu ở vùng trung du thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trên tường sau bàn thờ có hai chữ "khai nguyên" (nghĩa là mở một kỷ nguyên mới). Trang trí ở hai bên chữ này giống như ở bàn thờ thứ hai và thứ ba.

5. Bàn thờ thứ năm (bàn thờ cuối cùng ở phía đông): Trên tường phía sau bàn thờ có hai chữ " Khoa hoạn" (nghĩa là đổ đạt làm quan). Ngày trước là: Lịch triều khoa hoạn quan viên trùng tự (có thờ mà không lạy). Thờ những vị đỗ đạt trên con đường khoa cử, làm quan qua các triều đại phong kiến và cả thời hiện đại, biểu hiện của một niềm tôn vinh, tự hào về truyền thống hiếu học. Đó cũng là cách giáo hóa cho các thế hệ hậu sinh noi theo. Hai câu đối bên chữ "Khoa hoạn" là:

"Quang tiên dư hậu võ, văn, toán

Tích tụ kim ba khoa hoạn đạt"

Tạm dịch:

"Rạng rỡ tổ tiên mãi về sau vì võ, văn, toán

Tích tụ truyền đi ánh vàng của khoa bảng làm quan"

Về mặt tổng thể kiến trúc đình Nại Cửu là kiến trúc đối xứng nhau tạo nên sự hòa điệu theo đúng kiến trúc văn hóa phương Đông.

b. Lễ hội Kỳ yên:

Lễ hội kỳ yên ở Nại Cửu đình thực chất là sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn khát vọng tinh thần, là cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khai canh, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên. Đình Nại Cửu ngày xưa không chỉ là nơi tế tự, hành lễ mà còn là trụ sở để các vị nhân sĩ, trí thức hội họp bàn định kế sách ích nước lợi nhà. Từ ngôi đình làng này, bao thế hệ người dân Nại Cửu đã hun đúc được hồn thiêng của ông cha, nguyên khí trời đất, tinh hoa của văn hóa làng được đúc kết qua các tấm gương hiếu học, tiếp tục đóng góp nhiều công lao cho đất nước.

Như đã nói lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu diễn ra ngày rằm tháng bảy hàng năm. Ngày xưa ban tế lễ gọi là ban "Đại hào tộc biểu", thường gồm các lý trưởng, các tộc trưởng, trùm xóm. Ngày nay ban tế lễ gọi là hội đồng gồm các trưởng họ, đội trưởng sản xuất tiến hành họp để tổ chức các bước lễ và phân công người phục vụ lễ, gồm:

- Chấp sự: gồm hai người đánh chiêng trống (phải là những người đứng đầu làng có uy tín cao)

- Một tự chúc: Là người đọc văn tế

- Một tư văn xướng lễ: Là trưởng ban lễ tế

- Bốn tư xướng: (hai đông xướng, hai tây xướng)

- Sáu tư hiến: ở ba bàn, một bàn hai tư hiến

- 29 đồng hầu: đội múa đèn lúc hành lễ - có một đội trưởng chỉ huy

- 16 cận vệ: (mang các thứ vủ khí giáo mác tượng trưng)

- 4 vị cầm tán để che trên kiệu rước thần

- Một chánh tế được che lọng xanh

- Hai bồi tế được che hai lọng xanh

- Hai chấp sự được che hai lọng xanh

- Một ban nhạc cổ gồm bốn người (một trống, hai kèn, một sao)

Trước chiến tranh làng Nại Cửu có một kiến trúc văn hóa liên quan đến lễ Kỳ Yên này có tên gọi là Nghè, nằm ở Bèng (vùng đất đầu làng Nại Cửu, tiếp giáp với làng Bích Khê, xã Triệu Long), đây là nơi thờ các vị thần đã nói ở trên (phần mô tả đền thờ, nay đã bị chiến tranh tàn phá). Trước khi đi vào tế lễ Kỳ Yên có ba lễ: Lễ cáo giang sơn, Lễ giết bò lợn để cáo trời đất, quỷ thần (cáo tế sanh) ở sân đình. Lễ thứ hai là lễ nghinh thần tiến hành khoảng giờ mùi (2giờ chiều tại Nghè), thành phần tế lễ như trên.

Sau đó, Ban lễ lên tại Nghè để cáo nghinh đánh chiêng trống rước thần về đình. Đi trước thần gồm có ba kiệu, có ba tàn vàng che. Trình tự các kiệu được rước đi như sau:

Kiệu các vị tiền khai khẩn (trong kiệu có bảy bào vị)

Kiệu ngũ hành, Chúa Ngọc hồng nương tiên phi (có năm bài vị)

Kiệu thứ ba gồm hai bài vị (một bài vị sâu và một bài vị cạn), bài vị sâu là "Cao các quảng độ đại vương và Thành hoàng", bài vị cạn là "Thổ thần"

Ba kiệu này được rước đi từ Nghè trong tiếng chiêng, trống, sao, kèn rộn rã trên những nẻo đường của thôn làng Nại Cửu.

Về tới đình, giờ Thân (bốn giờ chiều) ban tế tiến hành tế túc yết (cáo sơ bộ). Lễ vật gồm bò hoặc heo (nguyên con) gọi là tế đại hiến, và chỉ có đình làng Nại Cửu mới được tế đại hiến (Theo ý chỉ của vua Đồng Khánh) còn các đình làng khác thì chỉ được phép tế tiểu hiến (thịt vai) hoặc trung hiến (thịt đầu và bốn móng giò). Ngoài bò hoặc heo ra còn có thêm hương hoa, quả, trầm, trà. Ở am thờ Khổng Tử ngoài sân thì cúng gừng muối.

Lúc "tế túc yết" vị tư chúc đọc bài văn tế có nội dung như sau: (đây là một ví dụ một bài văn tế đình)

"Duy Bảo đại thập bát niên, tuế thứ Nhâm Ngọ thất nguyệt thập tứ nhất (năm thứ 18 thời Bảo Đại, năm Nhâm Ngọ, ngày 14 tháng 7 Âm lịch)

Đại Nam quốc, Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Bích La tổng, Nại Cửu thôn.

Kim tế chủ, chánh tế cử nhân cập đệ, ngũ phẩm văn giai, hàn lâm viện thị học, bản triều hình bộ tả chủ sự, tiên chỉ Lê châm.

Đồng hương xã, nam phụ lão ấu đẳng. Ngôn niệm, vũ thuận, phong điền, an cư lạc nghiệp nhân kiệt địa linh, bao hàm chi đức. Tư giả bổn nguyệt, khí nhật, thiết lễ cúng tạ thù ân.

Cẩn dĩ hương đăng hoa quả phù lưu, thanh chước bạch soạn, phẩm vật thứ phẩm nghi ghi.

Hữu Cẩn Cung Tiến vu!

Cao các quảng độ gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Bổn thổ tịnh hậu thành hoàng, gia tăng bảo dực trung hưng thượng đẳng thần.

Ngũ hành sắc phong tán hóa, mặc vận thuận thành. Điều tư tương nguyên trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Chúa ngọc sắc phong nhàn uyển gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Cai trì nam dương hầu Hoàng tôn thần

Cai tổng hùng thắng bá Phan tôn thần, bổn thổ chi thần.

Lục tộc tiền khai khẩn Lê, Nguyễn, Võ, Hoàng, Phan, Trần sắc phong linh phù bảo ứng đại lang tôn thần.

Đinh gia hậu khai canh. Lê nhị vị quý công

Thị tùng nhất thiết, tả hữu chư vị thị vệ quí nhân. Phúc nguyện hoàng thiên giáng phước, phước lưu vĩnh vĩnh vô cùng, hậu thổ thi ân giáng miên miên bất tận. Hương dân thanh cát, trưởng ấu hòa bình. Trụ đông, tây, nam, bắc chi tài; nạp xuân, hạ thu đông chi lợi.

Ngưỡng lại tôn thần phò trừ chi gia huệ giả.

Cẩm cáo!"

Tạm dịch:

"Năm thứ 18, Triều Bảo Đại, năm Nhâm Ngọ, ngày 14 tháng bảy

Nước Việt Nam, tỉnh Quảng Trị, phủ Triệu Phong, tổng Bích La, thôn Nại Cửu.

Nay chủ trương tế, ngài chủ tế là Cử nhân hàm ngũ phẩm văn giai, chức này của Triều đình, làm trưởng phòng của Bộ hình là tiên chỉ Lê Châm.

Cùng với dân làng già trẻ. Nghĩ rằng mưa thuận, gió hòa, an cư lạc nghiệp, người giỏi đất thiêng là do cái đức của đất trời. Nghĩ vậy, tháng này bày lễ cúng tạ báo ân.

Kính dâng hương, đèn, hoa, quả, cau trầu, nước trong, đồ giấy, các loại phẩm vật không đáng kể để làm nghi lễ.

Kính cẩn cúng lên!

Thần cao các tên Quảng Độ (thời Lê Huy Tông) ban sắc phong là thượng đẳng thần.

Ngài thần hoàng tên là Tịnh Hậu được phong là thượng đẳng thần.

Năm vị tên ngũ hành cũng được phong là thượng đẳng thần.

Chúa ngọc (Huyền Trân Công Chúa) cũng được phong là thượng đẳng thần.

Hồng nương tiên phi (vú nuôi Huyền Trân Công Chúa) được phong thượng đẳng thần.

Ngài cai trị nam dương được phong thần.

Ngài cai tổng Hùng thắng bá được phong thần.

Sáu ngài khai khẩn sáu họ được phong thần.

Ngài họ Đinh là hậu khai canh.

Hai vị khai canh họ Lê (khai canh phường Nại Cửu thuộc xã Triệu ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Đi theo các vị thần có tả hữu các ngài thị vệ.

Trời ban phước xuống thì phước còn mãi mãi, đất làm ơn thì ơn đất cũng mãi mãi không hết. Dân làng trong sạch, già trẻ hòa bình, nhận được tiền tài bốn phương đưa lại và thu hoạch đều được cả bốn mùa.

Cúi mong các vị tôn thần giữ gìn và gia ơn.

Kính cẩn cáo nghênh!

Sau khi đọc văn tế xong, chánh tế và bối tế vái lạy, khấn nguyện trước ba bàn thờ thứ hai, thứ ba, thứ tư (tức hai bàn thờ lục tộc và một bàn thờ 11 vị thần) còn bàn thờ phía đông và phía tây không lạy. Tiếp theo chánh tế và bồi tế, dân làng lần lượt vào ba bàn thờ trên để vái lạy với tất cả sự tôn nghiêm và thần kính.

Sau tế Túc yết, ban nhạc cổ tấu nhạc các điệu “Lưu Thủy, Hành Vân, Kim Tiền hoặc cổ bản”, đồng thời đội đồng hầu 29 người dưới sự chỉ huy của một đội trưởng, mổi người cầm hai đèn hoa sen vừa múa, vừa hát một bài hát có tên “Giang sơn cẩm tú”: “Nại Cửu giang sơn cho được lâu dài, tối sớm hôm mai dân cư, dân cư được no ấm, tiền của đầy vơi, bình an vô sự, sinh sự mặc ai, mặc ai. Nay sĩ tử mở mắt với đời theo kịp với người rõ mặt trai, mặt trai, đèn văn minh soi khắp mọi nơi. Ơn vua là vua nợ nước, trên nhờ thần thánh phòng dữ ách tai, ách tai, sinh sự mặc ai, mặc ai”. Nội dung bài hát ca ngợi đức tính kiên trì, nhẫn nại của người dân làng Nại Cửu.

Trang phục của đội đồng hầu này là áo dài, quần trắng, thắt lưng bằng lụa năm sắc còn bắt chéo qua vai, chân quấn xà cạp, đầu đội khăn màu đỏ. Trong quá trình múa và hát giữu điệu hành vân, lưu thủy như mây trôi nước chảy, đội đồng hầu múa và sắp thành tầng nhà lầu (nhiều tầng người chồng lên nhau thành nhiều thang bậc) rồi toả xuống lộn hàng xà (lộn qua lộn lại), tiếp đến là chạy khu ốc lớn nhỏ (chạy theo hình trôn ốc rồi sắp thành bốn chữ “Thiên hạ thái bình” bằng chữ Hán. Lúc này ở trước hồ sen của đình làng có đốt pháo hoa làm cho đêm tế lễ càng lung linh, kỳ ảo và thiêng liêng.

Về khuya dân làng tập trung trước sân đình thi hò giả gạo, bên xướng bên hò đến là náo nhiệt để chờ đến giờ Tý, ban tế vào điện “tế tạ” triệt soạn lễ tất.

Trình tự tế gồm các bước như sau:

- Xướng thị lập (tất cả đều đứng dậy)

Chấp sự giã các tư kỳ sự, tế viên dự chấp sự giả, các nghệ quán tại sở (Các người đến chổ rữa tay)

- Quán tẩy (rữa tay)

- Thuế cân (lau tay)

- Khởi chinh cổ (đánh chiêng, trống).

- Cũ soát tế vật (soát lại lễ vật)

- Ế mao huyết

- Tả hữu hiến các tự vị (các vị hai bên tả hữu vào chổ)

- Bồi tế viên tự (chỉ vị bồi tế)

- Trung hiến tự vị (chỉ lễ trung hiến)

+ Chánh tế viên tự vị (chỉ vị chánh tế)

+ Phần hương, nghệ hương án tiền (đối hương ở tiền án)

+ Quì

+ Phần hương (đốt hương)

+ Thượng hương (đưa hương lên)

+ Phủ phục

+ Hương bái (hai lần cầm hương bái)

+ Hưng (đứng lên hai lần)

+ Bình thân phục vị (về tại chổ cũ)

+ Nghinh thần cúc cung bái (bái nghinh thần một cách cung kính)

+ Hưng (lạy bốn lạy)

+ Bình thân

- Hành sơ hiến lễ (chuẩn bị lễ sơ hiến)

+ Tế viên các nghệ thần vị tiền

+ Các hiến chước tửu (rót rượu)

+ Cử thủ hoành mi (nâng ly rượu lên ngang mày), (lúc này trống chiêng đổ hồi).

+ Tấn tước (đi chân chữ bát-các hiến)

+ Giai quì (quì vái một vái rồi đứng dậy)

+ Hiến tước (đặt rượu lên bàn thờ)

+ Các hiến hồi vị (các hiến về chổ)

+ Phủ phục (Hưng bái hai lần)

+ Bình thân

+ Phục vị

Xướng tiếp:

+ Độc chúc, nghệ đọc chúc vị (chỉ ba ông chánh tế)

+ Độc chúc viên nghệ giá chúc vị

+ Chuyển chúc (lấy văn trên bàn thờ xuống)

+ Giai quì

+ Đọc chúc (đọc văn tế)

+ Hoàn chúc (đặt văn lại trên bàn thờ)

+ Đọc chúc viên hồi vị (vị đọc văn về chổ)

+ Phủ phục

+ Hưng bái (hai lần, hai lạy)

+ Bình thân

+ Phục vị

- Hành á hiến lễ, hành chung hiến lễ (hai lễ này cũng gồm những bước như sơ hiến lễ)

Phần lễ tạ:

+ Ẩm phước nghệ ẩm phước vị (chỉ một mình chánh tế)

+ Quì

+ Ẩm phước (lấy một chén rượu đưa chánh tế uống)

+ Thụ tộ (ăn một lát thịt vai họăc cau trầu)

+ Phủ phục

+ Hưng bái (hai lần)

+ Bình thân

+ Phục vị

+ Tiến trà (dâng trà)

+ Tống thần cung bái (lễ bái tiển các thần)

+ Hưng (bốn lạy)

+ Bình thân

+ Phân bái

Xướng tiếp

+ Hương trưởng

+ Quan viên chức sắc

+ Lão hàm

+ Lão dân

+ Ba hạng

(mời các vị thuộc thành phần trên vào lạy)

+ Phục vị

+ Lễ từ cúc cung bái (bốn lạy)

+ Bình thân

Phần bạch soạn ( đốt vàng và văn sớ)

+ Triệt soạn (hạ đưa)

+ Lễ tất (hết lễ)

Lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu cứ ba năm mới tế to một lần còn các năm khác thì tế thường (tế chay), lễ vật cũng đơn giản chỉ là hương, hoa, trầm, trà, rượu, hoa quả mà thôi. Ngày xưa sau đêm lễ có rất nhiều trò chơi như thi thổi cơm, thi đua thuyền, thi chọi trâu, hội thi chọi gà, hội thi kéo co, thi bơi trãi, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô…

Hội thi thổi cơm dành cho phụ nữ có con nhỏ dưới một năm tuổi. Người phụ nữ này là đại diện xuất sắc đã qua vòng sơ tuyển của xóm. Trước lúc đi vào cuộc thi, ban tổ chức vạch sẳn một vòng tròn cho từng người (đường kính vòng tròn khoảng một mét), chính giữa tâm vòng tròn có cắm một cọc. Người ta dùng một sợi dây dài hơn một mét buộc một đầu vào cọc, còn đầu kia buộc vào một con cóc khoẻ. Bước vào cuộc thi, người phụ nữ một tay vừa bồng con dại đang khóc vì đói sữa, tay kia giữ cho con cóc không nhãy ra khỏi vòng tròn, đồng thời tiến hành thổi một nồi cơm nếp ở trong niêu đất đun bằng rạ (sau này thì bằng bã mía). Người nào nấu xong nồi cơm nếp chín trước mà con cóc không nhãy ra khỏi vòng tròn, người đó thắng cuộc. Hội thi này thể hiện tính đảm đang, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ trong việc nội trợ gia đình.

Hội thi đua thuyền thì gồm một xóm một chiếc ghe trang trí kiểu thuyền rồng. Mỗi thuyền gồm chín thanh niên mạnh khoẻ, quen sông nước, trong đó có một thuyền trưởng cầm lái, còn lại tám người cầm bơi chèo. Trang phục của các đội không giống nhau, tuỳ theo sở thích thiết kế. Khi nghe tiếng trống, các đội dàn hàng ngang từ điểm xuất phát bước vào cuộc đua. Ai về đích trước thì thắng cuộc.

Hội thi chọi trâu thì chọn khoảnh đất bằng phẳng có dựng hàng rào bao quanh kiên cố. Những con trâu được chọn vào cuộc đấu là những con trâu đực to khoẻ, bộ sừng vuốt hình vòng cung được chuốt nhọn ở đầu sừng. Khi nghe tiếng lệnh, hai chủ trâu sẽ thả trâu của mình ra đấu trong ba hiệp; trống thúc liên hồi, tiếng cổ vũ náo nhiệt, để kích thích sự hăng máu của chúng. Con trâu nào thắng hai hiệp thì thắng cả trận, nếu hoà hai hiệp đầu thì vào chung kết.

Hội thi chọi gà cũng lắm công phu. Trước ngày vào hội, các chủ gà thường săn sóc gà chọi rất kỹ lưỡng cho nó ăn, tẩm bổ chế độ cao, dùng rượu có pha mã tiền nắn bóp đầu, ức và đôi chân, cựa gà được vuốt nhọn và thường có những cuộc đấu tập dợt để rèn cho nó tính can đảm, khả năng chịu đòn cao. Thể lệ thi đấu cũng đơn giản, một vòng tròn được vạch ra, hai chú gà đấu ở vòng tròn đó, con nào ra khỏi vòng coi như thua.

Bên cạnh những hội thi trên có một số hội thi khác như thi kéo co, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô… nhưng ngày nay do hoàn cảnh sống có những đổi thay nên những trò chơi ấy không được duy trì nữa, và chúng tôi không thể kể hết ra đây được. Đây quả là điều đáng tiếc vì những cuộc thi này không chỉ nhằm giải trí, giải toả những mệt nhọc sau những ngày tháng lao động vất vả của người dân mà còn là sự giao lưu trí tuệ, tình cảm con người, cố kết thêm mối quan hệ cộng đồng bền vững.

Lễ hội Kỳ Yên trước hết là một tín ngưỡng, thể hiện niềm khát vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Nó cũng phản ánh một đời sống tâm linh hết sức phong phú của dân làng Nại Cửu đúc kết thành một chữ đạo với tất cả ý nghĩa nhân bản nhất của từ này: thành kính, hướng vọng về tổ tiên, về cội nguồn khởi phát làng, biết ơn những vị anh hùng có công với quê hương, đất nước, kính trọng và sùng bái những vị khoa bảng mang lại tiếng thơm muôn thưở làm rạng danh hậu thế. Lễ của làng chắc chắn sẽ thấm sâu vào máu thịt từng con người biến thành chữ lễ trong bản thân họ, một phẩm chất không thể thiếu được trong “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) mà đạo đức học phương Đông đã dạy. Hơn thế nữa, lễ hội Kỳ Yên này còn là một sinh hoạt văn hoá tinh thần lành mạnh làm phong phú thêm bản sắc con người làng Nại Cửu giúp họ vững tâm hơn trước sóng gió cuộc đời, chống lại một cách có hiệu quả nguy cơ của những sản phẩm văn hoá độc hại, tư tưởng lai căng sùng ngoại, lối sống thực dụng từ trong mặt trái của cơ chế thị trường.

Đất nước ta ở vào giai đoạn đổi mới toàn diện, đang ở trong quá trình mở cửa, giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới thì vấn đề khôi phục và giữ gìn một lễ hội dân gian với tất cả những yếu tố tích cực của nó là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhân bản và đó chính là một trong những cách để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Kỳ Yên ở đình Nại Cửu hàng năm cứ được diễn ra, từ đây biết bao con người của thôn làng Nại Cửu đã thành danh trên nhiều lĩnh vực và hàng năm vào ngày rằm tháng bảy dù ở đâu, bận rộn công việc gì cũng đều cố gắng tìm về cuội nguồn, thắp nén nhang cầu nguyện trước bàn thờ tổ tiên. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta. Vì thế, đứng về phương diện văn hoá học, lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nại Cửu là nên duy trì và phát triển những yếu tố tích cực của nó, vì đó là niềm tin, niềm khát vọng hết sức trong sáng của dân Nại Cửu và cũng rất phù hợp với đường lối văn hoá mới của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên ở đây phần lễ thì nhiều nhưng phần hội hầu như không còn, nên chăng cần khôi phục các trò chơi như đã nói trên và có thể thêm phần sinh hoạt văn nghệ quần chúng sau khi hành lễ để góp phần phong phú và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần người dân.

Trần Quang và Lê Văn Hà

Nguyễn Hồng Hiến (người làng Nại Cửu) gởi đăng.
chuyenluan2008@yahoo.com
READ MORE - LỄ HỘI KỲ YÊN Ở ĐÌNH LÀNG NẠI CỬU - Trần Quang và Lê Văn Hà

KHI TRÁI ĐẤT NGỪNG QUAY – MÙA THU KHÔNG TÊN - Hồ Minh Phước

Hồ Minh Phước


KHI TRÁI ĐẤT NGỪNG QUAY

Khi trái đất ngừng quay
Con người thôi gặp gỡ
Hẹn hò là giấc mơ
Người tìm về với gió
Nghe mênh mông tháng ngày

Khi trái đất ngừng quay
Còn gì ngoài cát bụi
Ánh sáng cũng tàn lụi
Bóng đêm trùm muôn lối
Bờ bến hoang tiền sử

Khi trái đất ngừng quay
Anh sẽ mãi xa em
Vô thường ta gặp mặt
Nên hội ngộ chốn này
Hãy vui ngày ngắn ngủi

Khi trái đất ngừng quay
Trái tim ngừng nhịp đập
Nhưng trong anh còn em
Nhưng trong em còn anh
Một ngày là mãi mãi.



MÙA THU KHÔNG TÊN

Em có nghe mùa thu
Lá sang mùa chờ đợi
Tìm cội nguồn nguyên sơ
Trọn đời một giấc mơ

Em có nghe mùa thu
Về đâu đây ngọn gió
Mang hoa cỏ mùa xuân
Rải đường trần tìm lối

Em có nghe mùa thu
Run rẫy cành khẳng khiu
Chim xưa không tìm đến
Nên âm thầm ngủ quên

Em có nghe mùa thu
Chiều về phố không tên
Khoác hoàng hôn nỗi nhớ
Kỷ niệm buồn lên men.




XIN LỖI MẸ

Xin lỗi Mẹ một ngày con không nhớ
Dáng Mẹ hiền tựa cửa ngóng chờ con
Chiều buồn lên đôi mắt Mẹ lưng tròng
Con phương xa có tin về cho Mẹ

Xin lỗi Mẹ một ngày con chợt quên
Tiếng ầu ơ tuổi thơ xa vời vợi
Con đâu biết năm canh dài Mẹ đợi
Nhớ thương con "bên chỗ ướt Mẹ nằm"

Xin lỗi Mẹ một ngày hóa trăm năm
Mái tóc điểm đã bao mùa nắng gió
Con dù lớn mắt Mẹ vẫn buồn lo
Bước con đi có bao giờ vấp ngã?

Xin lỗi Mẹ một ngày dài con đã
Hoài phí cuộc đời, đánh mất tương lai
Chẳng biết đâu là đường ngay lẽ phải
Lời Người xưa con đã vội vàng quên

Xin lỗi Mẹ vì những lỗi lầm trên
Con nợ Mẹ "một trăm roi" còn đó
"Một lần đau, còn chín chín thôi con"
Lời thơ này xin tạ lỗi, Mẹ ơi!



Hồ Minh Phước
hominhphuoc86@gmail.com
READ MORE - KHI TRÁI ĐẤT NGỪNG QUAY – MÙA THU KHÔNG TÊN - Hồ Minh Phước