Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 6, 2021

D.NGỌC - Thơ Chu vương Miện

 

Nhà thơ Chu Vương Miện


D.NGỌC

Thơ Chu vương Miện


 

Người đâu gặp gỡ mần chi

Quen nhau vài độ chia ly chia lìa

Ca dao “sớm ở tối dìa"

Ca cổ như ngựa vằn kia lạ chuồng

Trước đây em đã thôi chồng

Ra đi tay dắt tay bồng mỏi tay

Cờ người rồi lại cờ tây

Mộc tồn thịt chó bầy hầy giống nhau

Đây chốn nào? Kia nơi nao?

Trước sau toàn những tầm phào nguôi ngoai

Lời xưa mật ngọt chết ruồi

Ngày nay hớp rượu đầu môi nhạt phèo

Thơ vdăng tả khỉ lẫn tiều

Đầu rừng vượn hú chim kêu nát lòng

Phôn qua phôn lại dài dòng

Khi o một phút bốc đồng chia tay

Bắc nam bờ biển viễn tây

Quanh năm hạn hán cỏ lay vật vờ

Yêu nhau hết hững tới hờ

Xa xôi 1000 dậm toàn mơ tiếp mòng

Bao năm cỏ nội non ngàn

Bây giờ 1 chuyến chiều tàn đợi xe

Hè về chả phượng o ve

Im ru ngang 1 chuyến bè đang trôi

Cũng xong cho 1 kiếp người

Tài hoa chi lắm cho đời long đong

Dở dang từ vợ tới chồng

Dở dang đến cả nồi đồng mâm thau

Tình tang cô đít cô đầu

“Chị em ta" sống húc nhau mệt nhoài

Rú rừng toàn những bụi gai

Thì thôi 2 ngả trần ai đoạn tình

Thi thôi chả ngói chả đình

Chả cầu chả quán  đôi mình đôi nơi

 

Chu Vương Miện

 

 

 

 


READ MORE - D.NGỌC - Thơ Chu vương Miện

VỀ TÊN GỌI CHÙA LINH MỤ - Lê Quang Thái

 


VỀ TÊN GỌI CHÙA LINH MỤ

Lê Quang Thái

 

Có phải tên gọi Thiên Mụ mới đúng, Linh Mụ là sai? Vì sao người này gọi là Linh Mụ, người kia lại gọi Thiên Mụ? Vậy sự thật về tên gọi ngôi chùa này như thế nào?

“Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.

 

Đó là hai câu ca dao mà mẹ tôi thường hò mỗi khi ru cháu ngủ. Ngày trước, có lần mẹ nói với tôi: “Khi mới về làm dâu, mẹ thường hay hò “Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Cương”*. Một bác hàng xóm nghe vậy, nói với mẹ: Chị hò như vậy là sai rồi. Thiên Mụ mới đúng và Thọ Xương chứ không phải Thọ Cương. Từ đó mẹ nghe theo bác ấy nhưng không biết đúng sai thế nào”. Lúc ấy tôi cũng chẳng để ý gì đến lời nói đó của mẹ tôi.

 

Gần đây, trên diễn đàn báo chí có luận bàn nhiều về tên gọi chùa Linh Mụ, khiến tôi nhớ lại lời mẹ ngày trước mà đi tìm lại sách vở tra cứu.

 

Có phải tên gọi Thiên Mụ mới đúng, Linh Mụ là sai? Vì sao người này gọi là Linh Mụ, người kia lại gọi Thiên Mụ? Vậy sự thật về tên gọi về ngôi chùa này như thế nào?

 

Chùa Thiên Mụ vốn có từ lâu đời, vào buổi hừng đông của xứ Thuận Hóa. Năm 1555, khi sách Ô Châu cận lục ra mắt bạn đọc thì chùa đã là một ngôi phạm vũ nổi tiếng ở vùng đất này. Lúc đó Thiên Mụ chưa phải là quốc tự. Thời bấy giờ cõi Hóa Châu có hai ngôi danh lam nổi tiếng, đó là chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân (không phải Triêm Ân), và chùa Thiên Mụ ở đồi Hà Khê. Tên gọi chùa “Thiên Mụ” đã được tiền nhân nghĩ ra và viết thành văn tự.

 

Hiện chưa tìm ra sử liệu nói rõ cụ thể chùa Thiên Mụ được đặt tên vào năm nào, vì thời ấy quan hệ Việt – Chăm còn chưa mật thiết. Nhưng điều chắc chắn là sự kiện này không xảy ra dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến thăm chùa vào năm Tân Sửu, 1601 mà phải trước thời gian đó ít nhất là trên 250 năm, kể từ khi Hoá Châu thuộc về người Đại Việt vào năm 1307. Bởi cứ vào một số tài liệu hiện nay, ta được biết, trước năm 1306, trên đất Hà Khê cũ đã có đàn, miếu của người Chàm, về sau người viết mới dựng chùa Việt ở trên đó. Như vậy, chùa Thiên Mụ sau năm 1307 không phải do người Chàm lập và đặt tên như một số người đã nhận định thiếu căn cứ.

 

Cũng cần nói thêm rằng, Hà Khê là một ngọn đồi mà người Chàm, người Trung Hoa, người Việt, và kể cả người Tây phương đều khẳng định đó là một ngọn núi thiêng. Mãi đến sau này vua Gia Long mới cho đổi tên thành Thiên Mụ sơn, do vậy chúng ta không nên nhầm lẫn tên núi với tên chùa.

 

Vì sao chùa có tên là Thiên Mụ?

 

Tương truyền, ngày xưa có một Bà già ở trên trời thường hiện xuống ở đồi Hà Khê để nghe chuyện thế sự nhân tình và giúp dân. Có người nói đó là Bà Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Giàng, Bà Trời, Bà già Trời, thậm chí là Đức Bà, bậc mẫu nghi thiên hạ có quyền năng chuyển hóa con người hướng thiện. Bà là một trong nhiều hiện thân của Đức Quán Thế Âm cũng là một cách nói. Do đồi Hà Khê có Bà Trời linh thiêng như vậy, nên khi đến trấn nhậm Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã “mượn” Bà làm huyền thoại trong việc xây dựng sự nghiệp đế chúa của ông.

 

Để tỏ niềm tôn kính, người Huế ngày xưa đã gọi Bà Trời ấy bằng “Mụ”. Thiên Mụ có nghĩa là Bà Tiên hay Bà nhà Trời. Người Tây phương đã có chút gặp gỡ với người Phương Đông khi gọi bà mụ là Sage femme, có nghĩa là mụ đỡ, vừa là người đàn bà minh triết, thường chỉ dạy đạo lý và giúp đỡ con người.

 

Mụ là chữ Nôm, có nghĩa thông thường là “bà”, “bà già”. Người đàn bà lớn tuổi có chồng, không chồng hay chưa chồng, người Huế đều gọi là Mụ. Em gái của cha, dù còn ở độ tuổi trăng tròn, vẫn được người miền Trung gọi bằng “cô”. Lên thêm một đời, ngang hàng ông nội thì người đàn bà ấy dù trẻ tuổi vẫn được gọi bằng “Mụ Cô Bà”. Từ “Mụ” còn biến nghĩa tùy theo văn cảnh. Người Huế đôi khi dùng từ “Mụ Đầm” để gọi các “Bà Tây”, có pha đôi chút hài hước.

 

Thiên Mụ cũng có khi được đọc là Thiên Mỗ hay Thiên Mộ. Một chữ Mụ mà có ba cách đọc khác nhau: Mụ, Mỗ và Mộ, đọc âm nào cũng được, không sai. Dựa vào bản gốc chữ Hán sách Ô Châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An hiệu đính (không phải biên soạn), các học giả xưa nay đã phiên âm theo cách riêng của mình. Năm 1960, Cử nhân Hán học cũ Bùi Lương phiên âm tên chùa Thiên Mụ là Thiên Mỗ; năm 1997, viện Hán Nôm phiên âm là Thiên Mụ, còn trong dân gian vẫn có người gọi là Thiên Mộ. Năm 1965, tôi từng nghe các cụ ở Tổng hội Cổ học Việt Nam nói “tên chùa Thiên Mụ đọc là Thiên Mộ cũng được, không sai”.

 

Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế của Hội Đô Thành Hiếu Cổ giai đoạn 1913-1944 lại thích gọi tên chua Linh Mụ là Thiên Mẫu, điển hình là công sứ Pháp A. Bonhomme và nhà nghiên cứu Léopold Cadière. Tiếc rằng vào thời gian 40 năm đầu thế kỷ 20 về trước, không thấy tác giả nào lên tiếng về việc tên mới được đặt cho ngôi quốc tự cổ kính và lớn nhất ở chốn thiền kinh này.

 

Không những thế, dưới triều vua Thành Thái, các nhà nghiên cứu Pháp lại đặt tên cho chùa Linh Mụ là chùa Khổng Tử (pagode de Confucius) và cũng đã gọi tháp Phước Duyên là tháp Khổng Tử. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đáng tiếc này là vì cách chùa Linh Mụ khoảng hơn 100 mét (theo số liệu phỏng chừng thời bấy giờ) có Văn Miếu thờ đức Khổng Phu Tử và Võ Miếu ghi công trạng các danh tướng triều Nguyễn mà có vị đã đỗ Tiến sĩ Võ dưới triều vua Tự Đức. Rất may là sau đó tự họ đã đính chính lại sai lầm này.

 

Còn trong dân gian, có nhiều người gọi tên chùa Linh Mụ là chùa “Thiêng Mụ”. Họ cho rằng vì chùa này rất linh thiêng nên gọi tên chùa là Thiêng Mụ. Dân gian có cách nói nôm na của họ, có lẽ ở đây chúng ta không cần phải bàn chuyện đúng sai.

 

Theo chúng tôi, do “uống nước sông Hương” mà người Tràng An có giọng nói không giống với các nơi khác, nên đã nói chữ “Thiên” thành “Thiêng” (nhưng lại viết Thiên). Từ “Thiên” được phát âm biến trại thành “Thiêng” (có “g” ở đằng sau), chứ không phải vì linh thiêng mà gọi là Thiêng Mụ.

 

Do không có con, vì mục đích cầu tự, vua Tự Đức đã hạ lệnh “kiêng” dùng chữ “Thiên” . Chùa Thiên Mụ được chính thức đổi tên thành Linh Mụ vào năm 1862. Bảng hiệu đề tên chùa còn ghi rõ 3 chữ hán Thiên Mụ Tự treo cao ở Nghi Môn sau tháp Phước Duyên:

 

“Tiếng chuông Linh Mụ gió ngân nga

Thọ Xương văng vẳng lắng canh gà”.

            (Vân Bình Tôn Thất Lương)

 

Nghiên cứu sự đổi tên ngôi quốc tự nổi tiếng nhất thần kinh này lẽ ra là công việc của người nước ta. Nhưng không ngờ người thực hiện lại là Léopold Cadière, một linh mục người nước ngoài. Ông đã tìm hiểu sự kiện này rất kỹ. Theo ông, vào tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức vào tháng 2 năm 1862, tự thân nhà vua trực nhận rằng “Chữ Thiên và Địa là cao quý, ban lệnh không được dùng những chữ ấy nữa để tỏ lòng tôn kính trời đất”, ngoại lệ tên gọi “Khâm Thiên Giám”, “Thiên Văn Đài” và “Thừa Thiên Phủ” thì khi viết chữ “Thiên” phải chừa một khoảng “trống”.

 

Bộ lễ tâu xin đổi tên gọi Thiên Mụ bằng “Tiên Mụ” Vua Tự Đức cho cải đổi chữ “Thiên” hoặc “Tiên” bằng chữ “Linh” cho hợp lý, hợp nghĩa, hợp vận. Học thuật xưa đòi hỏi người nghiên cứu phải cẩn trọng vì “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Vì thế mà bến đò Thiên Lộc và làng cùng tên đã được đổi thanh tên mới Thọ Lộc, làng Thiên Tùy ở huyện Phú Vang được đổi thành Xuân Tùy, chùa Thiên Ấn (cách chùa Thiên Mụ khoảng 500m) được lấy tên mới Từ Ân, thậm chí tên xóm Thiên Hóa (ở phía sau chùa Tường Vân hiện nay) được đổi thành Xuân Hóa.

 

Sau 7 năm thi hành quyết định, cuối cùng nhà vua vẫn không thể có con. Từ đó vua đã cho “tảng lờ” việc thay đổi tên chùa Thiên Mụ thành Linh Mụ. Biểu hiện của chùa vẫn được duy trì ở gian giữa Nghi Môn, với ngầm ý cho phép chùa có hai tên gọi Thiên Mụ hoặc Linh Mụ. Từ đó về sau các sử thần nhà Nguyễn được tùy nghi dùng hai từ “Thiên Mụ” và “Linh Mụ” trong sử sách và các văn bản khác của nhà nước. Văn bia ở chùa Linh Mụ do vua Khải Định dựng lập vào niên hiệu thứ 4, 1920 đã chứng minh điều đó: cả hai chữ Linh Mụ và Thiên Mụ được dùng lẫn lộn tùy theo nghĩa lý từng câu, từng đoạn.

 

Chẳng hạn: Phần trên của bài Minh là văn xuôi, ghi: Sắc kiến tự phụng Phật mệnh danh Thiên Mụ sơn Linh Mụ tự. Nghĩa là: Ban sắc dựng chùa Linh Mụ ở núi Thiên Mụ. Nhưng phần cuối của bài minh lại để lời ngự chế của vua Khải Định, trong đó có hai câu:

 

Thiên Mụ danh lam giá vãng lai,

Đăng lâm hà dị đáo Thiên Thai.

 

Nghĩa là:

 

Xe giá tìm thăm Thiên Mụ chơi,

Trèo lên nào khác tới Thiên Thai.

 

Tóm lại, chùa Linh Mụ có nhiều tên gọi: Thiên Mụ, Thiên Mỗ, Thiên Mộ, Linh Mụ, Thiên Mẫu... trong đó Thiên Mụ và Linh Mụ là hai tên gọi phổ biến. Và mặc dù gọi tên chùa là Thiên Mụ và Linh Mụ đều đúng, nhưng tên “chùa Linh Mụ” hầu như đã thấm sâu vào tâm khảm của người dân Huế từ 145 năm nay. Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, người từng giữ chức Tăng Cang chùa lâu năm, được Phật tử và quần chúng Huế quen gọi là Ôn Linh Mụ, không ai gọi là Ôn Thiên Mụ. Trong việc biên khảo, thiết nghĩ chúng ta nên theo dòng chảy của lịch sử mà gọi tên chùa qua từng thời điểm cho chuẩn mực là tốt nhất. Thiên Mụ, Linh Mụ là hai tên gọi vừa chính thống, vừa thân thương đã song hành đi vào thơ ca, thấm sâu vào lòng dân chúng chỉ vì Thiên Mụ là tiền thân của Linh Mụ mà thôi.

 

L.Q.T

Nguồn: lieuquanhue.vn, 08/07/2009.

READ MORE - VỀ TÊN GỌI CHÙA LINH MỤ - Lê Quang Thái