Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 27, 2013

Vọng cổ VÀM CỎ ĐÔNG ƠI! - Thơ: Ngọc Mai - Ca cổ: Phan Kỷ Sửu



Thơ

Quê hương tôi đôi bờ sông Vàm Cỏ
Nét hiền hòa khi mỗi tối trăng lên
Áo bà ba nhấp nhô con đò nhỏ
Vang câu hò trên sóng nước lênh đênh

Lý Cái mơn

Dòng sông êm đềm trôi năm tháng
Lấp lánh trăng nghiêng, nhớ ngày ấu thơ thần tiên
Bến xưa con đò trưa sớm, tiếng ai hò lờ
Bồi hồi đôi mái chèo say mơ
Êm ái như vần thơ
Lắng vào lòng tôi suốt đời nào phai.

VỌNG CỔ

1- Vàm Cỏ Đông ơi! Mãi mãi con sông một dòng trong biêng biếc, như lòng người Tây Ninh yêu muôn đời tha thiết mảnh đất thiêng liêng son sắt, ân tình... Quê hương ơi! Trong sâu lắng trái tim mình, thương dáng mẹ chắt cây dầm mưa nắng, đưa con đến trường làng ươm mơ ước tương lai (-), bóng mẹ gầy in sóng nước áo nhòa phai, lặng lẽ mái chèo trôi, bao ký ức xa vời. Có thơ nào gói ghém trọn tình tôi.  Ơi! Vàm Cỏ thân thương ơi! Phương trời nhung nhớ.

Thơ

Bờ sông xanh cho em ngồi mơ mộng
Hương tràm bay thơm thoảng khói lam chiều
Cò vổ cánh lao xao lùm tre rộng
Vút trời cao lơ lửng những cánh diều

2- Đôi bờ sông bông lục bình nở tím, bờ bên kia lam khói, thoảng hương tràm... Những cánh có bay trắng cả lối qua làng. Em thuở đó tóc xỏa dài tha thướt, ngắm nắng hạ vàng trên đồng lúa xa xa (-)  Nghe quặn lòng khi nắng tạt lưng cha, gieo khoai lúa nuôi đời mình khôn lớn. Mái đầu sương pha cho cả nhà no ấm. Chan chứa ơn người như núi Thái vươn cao.

Thơ

Em chờ ai gió nhẹ lay tà áo
Nước gương trong soi má lúm đồng tiền
Tôi mơ màng thả hồn theo tiếng sáo
Dòng sông xanh xua tan nỗi ưu phiền

VỌNG CỔ

5.- Em chờ ai bên bờ sông lộng gió, áo tím bà ba loang vệt nắng nhạt phai  rồi ... Mắt chớp như sao theo tiếng sáo xa vời. Vàm Cỏ lung linh in bóng hinh thân thiết, soi má lúm đồng tiền, sao cứ hớp hồn ai! (-). Chưa nói được lời yêu, chưa hứa hẹn, ước mơ, mình chỉ  cố nhìn theo những bước mềm thầm lặng. Ai thấu chăng một tấm tình sâu nặng, một trái tim mơ ánh nắng tươi hồng

Lý Tòng quân

Bao tháng ngày, ăm ắp dòng nước trôi
Bến sông xưa, nhung nhớ sao con đò
Và tóc em bay, mái tóc dài như suối
Và chút hương quen sao cứ vương trong mộng
Ai biết mình đang yêu
Ai biết mình đang say.

6.- Sao em chẳng chờ tôi bên bờ sông lộng gió, mắt bâng khuâng như muốn nói câu gì ?

Thế rồi ngày ấy tôi đi
Tiển chân tôi sóng thầm thì dưới chân
Mai về rồi cứ phân vân
Yêu ai, sao mãi yêu thầm, buồn không.

Ngọc Mai và Phan Kỷ Sửu

READ MORE - Vọng cổ VÀM CỎ ĐÔNG ƠI! - Thơ: Ngọc Mai - Ca cổ: Phan Kỷ Sửu

NHỮNG CẢM XÚC GỌI TÊN - Thơ Trần Bình

Trần Bình


Tặng: Ngọc Sương, Hồ Huy, Võ Minh Hoàn và Hồng Nhung


Chỉ còn 4 chúng ta là những vị khách cuối cùng
Tách cà fê vắt kiệt mình nhỏ giọt
Và Tiếng đàn Sương vang lên thánh thót
Đêm dài sâu hơn
Trên căn gác Hồng Nhung…

Bắt đầu là "Triệu đoá hoa Hồng" em tấu nhạc tưng bừng
Giọng hát của Huy ngân  lên ma lực
Và cái lắc vai của Hoàn chiêm nghiệm xa xăm
Thi sĩ gỏ leng keng, muổng thìa, cốc chén…

Những tưởng chưa từng nghe ai hát Trịnh mềm hơn
Những tưởng duyên dáng cô chủ hàng răng khễnh
Và những ngón tay tài hoa lựa phím
Và những đắm mê trói buộc hồn anh
Để một chút vỡ oà
tinh khiết…
trong lành…!

Day dứt ơi! Những nuối tiếc tìm về
Giá như mình còn trẻ
Giá như tiếng đàn kia đốt được lên
Và em nữa, đam mê bùng cháy hết
trong cô đơn vĩnh cửu của thanh âm…

                                              Đêm 28. 11
                                        (Cà fê Hồng Nhung)

Trần Bình
(Gio Linh)
READ MORE - NHỮNG CẢM XÚC GỌI TÊN - Thơ Trần Bình

TÔNG TRẦM - Thơ Võ Văn Hoa




Sôi nổi, hài hước. Anh ấy 
Sao em lại thích tông trầm? 
Có qua những mùa hạ cháy 
Bóng ai trên vách lặng thầm!

Có qua bến bờ ảo vọng 
Bên đường hoa giêng giếng rơi! 
Có những chiều tà bắt bóng 
Thoảng nghe khúc nhạc không lời... 

Vách đá tai mèo một thuở 
Người đi biền biệt năm nào! 
Bây giờ anh đã thấu hiểu 
Tông trầm ... 
           ngầm sóng xôn xao ...

Tháng 3.2013

Võ Văn Hoa
vovanhoahlqt@gmail.com
READ MORE - TÔNG TRẦM - Thơ Võ Văn Hoa

TÌNH MẸ VỚI CÁT QUÊ NHÀ - Mai Chức


Thắm thoắt  đã gần ba năm rồi, từ ngày mẹ tôi vĩnh viễn đi xa. Hôm nay, tôi ngồi trước bàn thờ mẹ viết những dòng này, lòng thấy buồn và nhớ mẹ vô cùng. Thương mẹ tôi một đời buồn khổ, tuổi thơ mẹ chịu nhiều bất hạnh.

Ông ngoại tôi chỉ sinh được hai người con gái, mẹ đang tuổi được nâng niu chiều chuộng, thương yêu thì ông ngoại qua đời sớm, hai chị em phải côi cút thiếu tình cha, sau đó bà tôi phải bước thêm bước nữa, cũng may là ông ngoại đời sau hết lòng thương yêu con đời trước, các em cũng quý mến chị vô cùng, nhà ngoại tôi cũng thuộc hàng khá giả, nên cuộc sống mẹ tôi cũng được ấm êm, đùm bọc thương yêu, nhưng chẳng bao lâu thì dì tôi – chị của mẹ - ngã bệnh ra đi khi chưa kịp mặc áo cưới, chắc mẹ tôi buồn lắm, không còn nước mắt để mà khóc chị. Chỉ biết trách trời sao số phận quá hẩm hiu, đau thương mãi dồn dập.

Nhưng rồi thời gian vẫn cứ trôi, mẹ vẫn lớn lên theo cuộc sống từng ngày, để sau này lấy cha tôi, một nông dân nghèo cũng mồ côi mẹ, ông nội phải gà trống nuôi con, có lẽ cùng cảnh ngộ và thấu hiểu nỗi đau của cuộc đời, nên cha mẹ tôi sống chung thủy và yêu thương nhau đến tuổi già.

Về làm dâu nhà chồng, mang theo mấy sào ruộng ngoại cho, sống lam lũ quanh năm, mẹ lo toan đủ  điều, xoay sở tính toán, nào giỗ chạp, tết nhất, họ hàng nội ngoại. Cha tôi thì tính tình phóng khoáng, rộng rãi với bạn bè, vì thế mà mẹ tôi phải lo nhiều hơn, vất vả nhiều hơn. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mẹ khổ nhiều, mà các con thì chẳng giúp được gì cho mẹ.

Tôi thương mẹ một đời khó nhọc,
Lưng mẹ còng vì gánh lúa gánh khoai.
Mẹ không buồn, luôn nghĩ đến ngày mai,
Con khôn lớn là niềm vui của mẹ.

Cuộc sống đang bình yên, khói lam chiều vẫn đong đưa dưới lũy tre làng, bỗng chốc quê  tôi đã bắt đầu có bóng giặc, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Gót giày thực dân đã in dấu trên đường đất làng tôi, nhà mẹ hai lần bị giặc đốt, bắt mang lúa mang đổ xuống bùn vì sợ nuôi sống Việt minh, các cậu tôi phải từ giã mẹ lên đường đi kháng chiến.

Sau Hiệp định Geneve, tưởng đâu đã có hòa bình, hẹn ngày thống nhất, nhưng chỉ được đến năm 1966, dân làng tôi lại lũ lượt ra đi tránh bom đạn Mỹ, mỗi người đi một xứ, bỏ lại sau lưng những ký ức đau buồn, một làng quê dịu ngọt như trái chín trên cành.

Gia đình tôi ly hương từ đó, khi đến sống tại đất Gia Lai thì mẹ đã già gần 70 tuổi, nơi ở mới cuộc sống cũng không khó khăn lắm, nhưng mẹ tôi thương nhớ quê hương  vô cùng. Mẹ nhớ như in những tên người, tên đất “nào ông Sang, ông Biểu, Ngõ Đa, Ngõ Súng”. Cứ mỗi lần nhắc đến quê hương, mắt mẹ tôi nhòa đi vì luôn đòi con cháu dẫn về thăm.

Vén mây nhìn tận quê nhà,
Xa xa vọng tiếng gà gáy trưa.
Lòng buồn mắt mẹ đổ mưa,
Tìm trong nỗi nhớ, tình xưa vẫn đầy.

Có  mấy dịp về thăm quê, lần nào mẹ tôi cũng cố  mang vào một ít cát quê nhà (làng quê tôi, sau làng có nhiều đôộng cát trắng) để mẹ đổ đầy vào các lư hương thờ tổ tiên, mẹ tôi thường nói: “Cát An Mỹ làng ta mịn mà sạch lắm, không như cát ở đây, to hột và nhiều sạn, mấy đứa bây khi mô về quê, nhớ mang vô để bỏ vào bát hương, nhìn vô đỡ nhớ quê, đỡ nhớ làng”. Ôi tình mẹ tôi đối với quê hương sao mà sâu sắc, đậm đà và cảm động đến thế !

Những năm cuối đời, gần 100 tuổi, mẹ tôi “lẫn” đi nhiều, lúc nào cũng chiếc nón lá trên tay, chào hàng xóm, láng giềng, con cháu để về quê, ai nghe cũng cảm động, tôi phải đi tìm hoài, thật tội nghiệp mẹ.

Bây giờ thì mẹ tôi đã đi xa, tôi mang được ít cát ở quê vào, đứng trước bàn thờ mẹ, tôi thì thầm: “Chúng con đã mang cát quê mình vào đấy, cát vẫn mịn và sạch như ngày nào mẹ ơi, mẹ có nghe không, tiếng rì rào của gió nồm vang trong cát, tiếng thì thầm rả rích của gió bấc mưa phùn và cả tiếng rít gào của gió Nam Lào  nữa, quê mình đang có ở đây rồi mẹ”.

Ôi quê hương như chùm trái ngọt, ai đi xa mới thấy hết vị ngọt của quê nhà, tôi xa quê từ lúc 18 tuổi vì cuộc sống nên cũng ít lần về thăm, nhưng trong giấc mơ bao giờ cũng in dấu tuổi thơ và kỷ niệm buồn vui ở An Mỹ - Gio Linh.

Thắp ba cây hương cắm lên lư hương của bàn thờ mẹ, một làn gió nhẹ lùa qua song cửa, khói ùa vào mặt, tự nhiên tôi thấy chơi vơi, lòng cảm thấy trống vắng bồi hồi rung động đến lạ thường, tưởng đâu mẹ đang hiển hiện ở nơi đâu đây.

Hương thơm khói nhẹ bay bay,
Tôi ngồi nhớ mẹ nghe cay mắt buồn.
Ngoài hiên từng giọt mưa tuôn,
Nghe như trong gió lời buồn mẹ ru.

                                             Pleiku, chiều 26/7/2012
                                                        Mai Chức

READ MORE - TÌNH MẸ VỚI CÁT QUÊ NHÀ - Mai Chức

LÀNG THI ÔNG - Võ Văn Hoa tìm làng trùng tên


LÀNG THI ÔNG*

alt

Những tên làng ngày xưa trên miền Bắc
Làng Thi Ông tôi mải mê tìm
Ai biết được cội nguồn xin nhắc
Làng trong tôi như máu chảy về tim!

26.3.2013
VÕ VĂN HOA

*Có thể gọi THƠ cũng được, có thể gọi ĐI TÌM TÊN LÀNG cũng xong.
*Làng Thi Ông thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Ở nơi đâu Châu Hoan, Châu Diễn ngày xưa hay ở Hải Dương, hay... một nơi nào đó, ai biết tên làng trùng tên xin thông tin về chủ nhân TRI ÂM CÁC qua số máy điện thoại: 0914127685 hoặc email: vovanhoahlqt@gmail.com. Đa tạ !
READ MORE - LÀNG THI ÔNG - Võ Văn Hoa tìm làng trùng tên

ĐỐI DIỆN - Chùm thơ Lê Hoài Phương

Lê Hoài Phương

ĐỐI DIỆN 

Những phút suy tư, đối diện cuộc đời ...
Có cả buồn, vui ... có cả khóc, cười
Có cả người thương, và cả kẻ giận
Có cả biển trời cũng đối diện tôi.

Lòng mình đây cũng có lúc đìu hiu
Có lúc mênh mang như một cánh diều
Cũng có lúc bỗng thấy mình rắn rỏi
Đối diện mình! tôi cũng sợ chính tôi.

Bởi lẽ cuộc đời là một cuộc chơi
Mà nhân vật chính đôi khi thành phụ
Lý lẽ cuộc đời học hoài chẳng đủ
Học suốt đời mà vẫn ĐÚP mãi thôi

Đối diện mình! Tôi giận bản thân tôi
Sao eo hẹp với đời mình nhiều thế
Sao không là cánh buồm nơi sóng bể
Vượt trùng khơi, về tận cuối chân trời.

Như mây kia lang thang khắp bầu trời
Thênh thang mãi biết chi màu nắng nhạt
Như lá như cây sinh từ lòng đất  
Lại một thời trổ lá với đơm bông.

Những riêng tư những thầm lặng trong lòng
Hãy như chim thoát ra từng khúc nhạc
Như hải âu vút qua làn sóng bạc  
Như lạch buồn ra bể cả mênh mông

Như dòng sông hướng thẳng ra bể đông!
Như tia sáng trong sớm mai trên biển
Tôi phải đến! Tôi phải đi! Dẫu muộn.
Đối diện tôi rồi! Lòng ấm áp thêm.

Berlin, 18-2-2013


THỨ BẢY NẮNG
 
Ồ! Thứ Bảy! Trời nghiêng sắc nắng
Trời sang xuân! Đúng thật đã xuân.
Lòng mình bỗng chợt bâng khuâng 
Chuyền cành chim hót ...
                    Đầy sân nắng vàng ...

Nhìn kìa nắng rải tràn hoa thắm
Tuyết tan rồi, nhường nắng về đây.
Vui đời ánh mắt mơ say
Ghi dòng cảm xúc thơ này tặng anh!

Anh nhìn xem lá xanh gọi nắng
Rũ sạch rồi tuyết trắng đêm qua
Ghé tai em nói thật thà:
Yêu xuân, yêu nắng,
                    như là ... yêu anh!

Berlin, 23-3-2013
LHP
READ MORE - ĐỐI DIỆN - Chùm thơ Lê Hoài Phương

NÀNG DÂU NHÀ TÔI - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước


                                                                                                                                                                                              Không phải tôi sắp hát bài Ba Bà Mẹ Chồng kể về nàng dâu của ban nhạc AVT nổi tiếng năm xưa mà kể chuyện về nàng dâu thực của vợ chồng tôi.   
               
Nhưng trước hết tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi tên là Mẹo, 67 tuổi, tổ trưởng dân phố kiêm chủ tịch hội đồng hoà giải của khu phố. Có nghĩa là khi có gia đình nào cơm không lành canh không ngọt, chén đũa chào xáo thì hội đồng chúng tôi có việc làm chỉ với điều kiện là có đơn hoặc khiếu nại của ít nhất là một người trong gia đình ấy. Khi chén dĩa đang bay vèo vèo thì chẳng ai dại gì mà nhảy vô để lãnh đòn. Cứ ngồi nhà điện báo dân phòng hoặc công an là hết nhiệm vụ. Mình có đến cũng đứng xa xa nghe ngóng hoặc vào một nhà gần đấy hỏi thăm thì sẽ nắm rõ tình hình, sau này dễ phân xử. Làm cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có cái tâm đã đành mà cũng phải biết cách để ứng phó với vạn biến mới tồn tại được. Thấy người ta sống trở lại hoà thuận với nhau thì mình cũng hạnh phúc. Rồi cuối quý cuối năm cũng có cái mà báo cáo điển hình, cũng được tuyên dương khen thưởng. Oai chớ bộ?                                                                                                       

Nói vậy thôi chớ chẳng tài cán chi. Chuyện xã hội, chuyện gia đình người ta thì giải quyết được còn chuyện nhà mình thì đành bó tay chấm com.          

Khi thằng Thành con trai trưởng của tôi lấy con Liên thì bà con lối xóm ai cũng mừng, bảo nó như chuột sa hũ nếp. Số là gia đình Liên thuộc diện bị giải toả. Nhận đất xong thì cha mẹ nó bán đất, chia đều cho con cái, còn vợ chồng ông bà ấy về quê mua đất làm nhà. Riêng Liên được thừa hưởng cái sạp hàng tạp hoá trong chợ nhỏ tại phường vì đã có công giúp mẹ buôn bán bấy lâu. Thành chuyên bỏ hàng nước tương Chinsu. Liên là bạn hàng của nó. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau là chuyện đáng mừng vì thằng Thành đương nhiên sẽ trở thành ông chủ sạp hàng tạp hoá đó. Sau đám cưới, tôi liền mua đất dựng nhà cho vợ chồng nó. Liên cũng bỏ tiền riêng của nó sắm sửa mọi thứ vật dụng cần thiết trong nhà. Thằng Thành chịu tiền ăn uống, điện nước. Có nghĩa là Thành lo phần mềm, còn Liên lo phần cứng. Khi tụi nó có con bé đầu, thằng thành lo sửa, con Liên lo bột. Vợ chồng cùng chung lo như vậy là tốt .                                                                                        

Con bé mỗi ngày một lớn và tiền ăn mỗi ngày một nhiều. Thằng Thành khỏi phải mua sữa nhưng con Liên vẫn chịu tiền ăn cho con bé. Vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Rồi đến tiền học càng ngày càng phát sinh. Nào tiền áo quần sách vở, tiền bán trú, tiền quỹ phụ huynh, tiền giúp bạn nghèo, tiền cứu trợ, tiền quỹ đội, tiền quà thăm cô giáo ngày 20 tháng 11, tiền phát thưởng cuối năm, tiền liên hoan, vân vân và vân vân. Không biết người ta  bày ra chi lắm khoản thu như thế. Có lẽ thầy cô thì hỉ hả còn hai vợ chồng nó thì thiếu đường xỉ vả lẫn nhau. Thằng Thành chi nhiều khoản trong nhà rồi, sao con Liên không chịu tiền học cho con bé nhỉ? Trong khi đó, Liên sắm cho mình hai chiếc xe máy, một chiếc wave để đi chợ, còn một chiếc xe tay ga to bự để lâu lâu đi đám cưới cho oai với bạn bè. Thành hỏi tiền đâu mà sắm nhiều thế, Liên nói tiền của mẹ nó cho ngày xưa nó phụ giúp buôn bán, không liên quan gì đến Thành. Nếu vậy, về pháp luật thì đúng nhưng về tình cảm  gia đình thì nghe không ổn.   

Mọi chuyện dù sao cũng qua được nếu như không có vụ nước tương bị bể. Báo đài ngày nào cũng nói nước tương có cái chất gì đó làm người ta ăn vào thì bị bệnh. Không biết có ai chết vì nước tương hay chưa nhưng gia đình thằng con tôi thì tan nát.

Nước tương ngưng sản xuất, thằng Thành không có hàng bỏ chợ. Không có hàng mới bỏ cho bạn hàng thì tiền cũ cũng không được thanh toán. Liên cũng là bạn hàng của Thành, và cũng như mọi người, Liên cũng không thanh toán tiền cũ. Đó là luật gối đầu xưa nay của chợ ta. Không lấy tiền được thì thằng Thành không có tiền để thanh toán với hãng nước tương. Không thanh toán được thì vi phạm hợp đồng, bị hãng nước tương kiện, bị mời lên đồn chất vấn, làm cam đoan. Thằng Thành bán chiếc xe cà tàng lâu nay nó dùng để chở hàng, vợ chồng tôi cũng giúp chục triệu nhưng cũng còn nợ vài triệu, chưa trả đủ. Thành vi phạm hợp đồng, hãng nước tương kiện là đúng nhưng nguyên nhân đâu phải do nó mà chính do nước tương không đảm bảo chất lượng. Thành không thể đóng tiền ăn cho Liên nên bị cắt cơm, phải về nhà tôi ăn. Liên làm đơn xin ly dị. Toà giải quyết bằng cách chia cho Thành cái nhà và có quyền nuôi con. Liên được mang theo tất cả đồ dùng mà nó đã mua sắm. Cái nhà thằng Thàng trống trơn, chẳng có gì bán được để ăn. Hai cha con chúng nó về nhà tôi ở. Còn Liên mua nhà mới và mang tất cả đồ dùng sẵn có dọn đến. Liên có tiền để mua nhà mới gần cả trăm triệu trong khi chồng nó chỉ thiếu hãng nước tương vài triệu nhưng nó vẫn không chi!                                                                          

Li dị rồi nhưng thỉnh thoảng Liên cũng sang thăm con bé. Hai vợ chồng có dịp gặp nhau sao đó mà con Liên lại có bầu và sanh thêm một cháu gái nữa. Khi cháu được ba tháng thì Liên bồng qua thăm ông bà nội, than van về chuyện bấy lâu phải nghỉ bán, không có tiền mua sữa cho con. Liên gởi con cho bà nội nó bồng, nói đi mua sữa rồi đi luôn.

Một tuần sau Liên trở lại, đem theo đủ hoá đơn thanh toán tiền bệnh viện, tiền tả lót và tiền sữa, đòi thằng Thành phải thanh toán. Liên cho con bú rồi lại bỏ đi. Con bé sau một thời gian quên mẹ, nay lại được cho bú, tối đến nó nhớ mẹ, khóc suốt đêm, có lẽ vì  thèm bú. Bà nội nó già rồi nay phần phải giữ cháu, phần phải lo tiền đâu để mua sữa nên sức khoẻ giảm thấy rõ. Tôi cũng không rõ là cháu bé ba tháng mà mẹ nó nói phải tốn tiền sữa bột, trong khi đó, nó cũng có đủ sữa để cho con bú? Mấy người hàng xóm thêm dầu vô lửa bằng cách xúi bà nội nó cấm mẹ con nó gặp nhau! Cũng may là mấy thằng bạn của Thành đứa nào cũng tốt. Lâu lâu có một thằng mang sữa đến cho cháu.                              

Tiết kiệm, tính toán chi li cũng tốt. Nhưng chi li đồng tiền quá đến nỗi vì sợ tốn tiền mà bỏ, chồng bỏ con như con dâu của tôi thì chắc đàn bà chẳng có mấy tay.                                                                               

Chuyện nàng dâu nhà tôi chưa có hồi kết. Dự kiến kịch bản còn phát sinh nhiều tình huống do diễn viên tự biên tự diễn, kể cả tình huống ông nội là tôi đây phải giữ thêm một cháu thứ ba.

NKP
READ MORE - NÀNG DÂU NHÀ TÔI - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước