Thắm thoắt đã gần ba năm rồi, từ ngày mẹ tôi vĩnh
viễn đi xa. Hôm nay, tôi ngồi trước bàn
thờ mẹ viết những dòng này, lòng thấy buồn và nhớ mẹ vô cùng. Thương mẹ tôi một
đời buồn khổ, tuổi thơ mẹ chịu nhiều bất hạnh.
Ông ngoại tôi chỉ sinh được
hai người con gái, mẹ đang tuổi được nâng niu chiều chuộng, thương yêu thì ông
ngoại qua đời sớm, hai chị em phải côi cút thiếu tình cha, sau đó bà tôi phải
bước thêm bước nữa, cũng may là ông ngoại đời sau hết lòng thương yêu con đời
trước, các em cũng quý mến chị vô cùng, nhà ngoại tôi cũng thuộc hàng khá giả,
nên cuộc sống mẹ tôi cũng được ấm êm, đùm bọc thương yêu, nhưng chẳng bao lâu
thì dì tôi – chị của mẹ - ngã bệnh ra đi khi chưa kịp mặc áo cưới, chắc mẹ tôi
buồn lắm, không còn nước mắt để mà khóc chị. Chỉ biết trách trời sao số phận
quá hẩm hiu, đau thương mãi dồn dập.
Nhưng rồi thời gian vẫn cứ
trôi, mẹ vẫn lớn lên theo cuộc sống từng ngày, để sau này lấy cha tôi, một nông
dân nghèo cũng mồ côi mẹ, ông nội phải gà trống nuôi con, có lẽ cùng cảnh ngộ
và thấu hiểu nỗi đau của cuộc đời, nên cha mẹ tôi sống chung thủy và yêu thương
nhau đến tuổi già.
Về làm dâu nhà chồng, mang
theo mấy sào ruộng ngoại cho, sống lam lũ quanh năm, mẹ lo toan đủ điều, xoay sở tính toán, nào giỗ chạp, tết
nhất, họ hàng nội ngoại. Cha tôi thì tính tình phóng khoáng, rộng rãi với bạn
bè, vì thế mà mẹ tôi phải lo nhiều hơn, vất vả nhiều hơn. Bây giờ nghĩ lại, tôi
thấy mẹ khổ nhiều, mà các con thì chẳng giúp được gì cho mẹ.
Tôi thương mẹ một đời khó
nhọc,
Lưng mẹ còng vì gánh lúa gánh
khoai.
Mẹ không buồn, luôn nghĩ đến
ngày mai,
Con khôn lớn là niềm vui của
mẹ.
Cuộc sống đang bình yên, khói
lam chiều vẫn đong đưa dưới lũy tre làng, bỗng chốc quê tôi đã bắt đầu có bóng giặc, cuộc kháng chiến
chống Pháp bắt đầu. Gót giày thực dân đã in dấu trên đường đất làng tôi, nhà mẹ
hai lần bị giặc đốt, bắt mang lúa mang đổ xuống bùn vì sợ nuôi sống Việt minh,
các cậu tôi phải từ giã mẹ lên đường đi kháng chiến.
Sau Hiệp định Geneve, tưởng
đâu đã có hòa bình, hẹn ngày thống nhất, nhưng chỉ được đến năm 1966, dân làng
tôi lại lũ lượt ra đi tránh bom đạn Mỹ, mỗi người đi một xứ, bỏ lại sau lưng
những ký ức đau buồn, một làng quê dịu ngọt như trái chín trên cành.
Gia đình tôi ly hương từ đó,
khi đến sống tại đất Gia Lai thì mẹ đã già gần 70 tuổi, nơi ở mới cuộc sống
cũng không khó khăn lắm, nhưng mẹ tôi thương nhớ quê hương vô cùng. Mẹ nhớ như in những tên người, tên
đất “nào ông Sang, ông Biểu, Ngõ Đa, Ngõ Súng”. Cứ mỗi lần nhắc đến quê hương,
mắt mẹ tôi nhòa đi vì luôn đòi con cháu dẫn về thăm.
Vén mây nhìn tận quê nhà,
Xa xa vọng tiếng gà gáy trưa.
Lòng buồn mắt mẹ đổ mưa,
Tìm trong nỗi nhớ, tình xưa
vẫn đầy.
Có mấy dịp về thăm quê, lần nào mẹ tôi cũng
cố mang vào một ít cát quê nhà (làng quê
tôi, sau làng có nhiều đôộng cát trắng) để mẹ đổ đầy vào các lư hương thờ tổ
tiên, mẹ tôi thường nói: “Cát An Mỹ làng ta mịn mà sạch lắm, không như cát ở
đây, to hột và nhiều sạn, mấy đứa bây khi mô về quê, nhớ mang vô để bỏ vào bát
hương, nhìn vô đỡ nhớ quê, đỡ nhớ làng”. Ôi tình mẹ tôi đối với quê hương sao
mà sâu sắc, đậm đà và cảm động đến thế !
Những năm cuối đời, gần 100
tuổi, mẹ tôi “lẫn” đi nhiều, lúc nào cũng chiếc nón lá trên tay, chào hàng xóm,
láng giềng, con cháu để về quê, ai nghe cũng cảm động, tôi phải đi tìm hoài,
thật tội nghiệp mẹ.
Bây giờ thì mẹ tôi đã đi xa,
tôi mang được ít cát ở quê vào, đứng trước bàn thờ mẹ, tôi thì thầm: “Chúng con
đã mang cát quê mình vào đấy, cát vẫn mịn và sạch như ngày nào mẹ ơi, mẹ có
nghe không, tiếng rì rào của gió nồm vang trong cát, tiếng thì thầm rả rích của
gió bấc mưa phùn và cả tiếng rít gào của gió Nam Lào nữa, quê mình đang có ở đây rồi mẹ”.
Ôi quê hương như chùm trái
ngọt, ai đi xa mới thấy hết vị ngọt của quê nhà, tôi xa quê từ lúc 18 tuổi vì
cuộc sống nên cũng ít lần về thăm, nhưng trong giấc mơ bao giờ cũng in dấu tuổi
thơ và kỷ niệm buồn vui ở An Mỹ - Gio Linh.
Thắp ba cây hương cắm lên lư hương
của bàn thờ mẹ, một làn gió nhẹ lùa qua song cửa, khói ùa vào mặt, tự nhiên tôi
thấy chơi vơi, lòng cảm thấy trống vắng bồi hồi rung động đến lạ thường, tưởng
đâu mẹ đang hiển hiện ở nơi đâu đây.
Hương thơm khói nhẹ bay bay,
Tôi ngồi nhớ mẹ nghe cay mắt
buồn.
Ngoài hiên từng giọt mưa
tuôn,
Nghe như trong gió lời buồn
mẹ ru.
Pleiku, chiều 26/7/2012
Mai
Chức
No comments:
Post a Comment