Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 28, 2023

ĐỌC “MƯA KHOẢ THÂN GIỮA BỤI TRẦN” THƠ DUNG THỊ VÂN - Châu Thạch




MƯA KHỎA THÂN GIỮA BỤI TRẦN
  
Mưa khỏa thân - giữa bụi trần
Giọt như khóc - giọt phân vân kiếp người
Bên này mưa có biếng cười
Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương
Em khuấy mưa - giữa vô thường
Anh giam câu hứa dặm trường lụy mưa
Lời mồ côi - ủ mầm xưa
Trói mưa trần trụi người chưa thấy về
Mưa lay gió cả bốn bề
Đông tây nam bắc nhiêu khê ơi buồn
Giọt sám hối - giọt trào tuôn.
Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình.
                
                                  Dung Thị Vân
 
ĐỌC “MƯA KHOẢ THÂN GIỮA BỤI TRẦN” THƠ DUNG THỊ VÂN    
                                                                      Châu Thạch
 
Buổi trưa mùa hạ. Nóng ngủ không được. Đọc bài thơ về mưa cho lòng mát hơn. Không ngờ, đọc bài  thơ “Mưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” của Dung thị Vân làm ngủ không được thêm. Ngủ không được là vì cái tựa đề của bài thơ và bài thơ khó hiểu quá. Ngủ không được cũng tại vì bài thơ khó hiểu mà lại cảm thấy hay, thấy thích thú, thấy tâm hồn rung động, kích thích trí suy tư của mình.

Mưa thì có mưa phùn, mưa rào, mưa đá hay mưa to, mưa nhỏ v.v chớ làm gì có mưa khoả thân. Khoả thân được định nghĩa là trần truồng, là loả thể, là con người ở trạng thái không mặc áo quần. Do đó mưa thì không thể nói khoả thân được, vì mưa không phải là người.
Vậy tại sao nhà thơ Dung Thị Vân lại dùng cụm từ “Mưa Khoả Thân”?  Ai muốn hiểu thì người ấy phải tự suy tư.  Tuỳ theo kiến thức, tâm tư, tình  cảm, tuỳ theo mức độ lảng mạn của tâm hồn mình  mà mỗi người sẽ hiểu một cách hoặc giống nhau hoặc sẽ khác nhau.  Với tôi,  mưa khoả thân là cụm từ nhà thơ chỉ một cơn mưa rất lớn, mưa như trút nước, mưa ngập khắp nơi, nước chảy thành dòng thành suối trên các con đường.

Mưa khoả thân cũng có thể là không có mưa gì cả, đó chỉ là một cơn xáo động  tâm hồn, nên tác giả tưởng tượng, nên tác giả  hư cấu hoặc hoang tưởng trong đầu mình. Giãi thích nầy có lý thêm vì câu thơ đầu tiên tác giả viết “Mưa khoả thân – giữa bụi trần” . Bụi trần được hiểu là cuộc sống thực, khổ não, là khổ đế trên trần gian, chớ bụi trần không phải là một vùng thiên nhiên có cảnh vật cho mưa xuống làm ướt được . Vậy câu thơ “Mưa khoả thân – giữa bụi trần”có thể hiểu là một sự biến động  lớn trong tâm hồn khi đứng trước nghịch cảnh xảy ra giữa cuộc đời của tác giả bài thơ.

Cái hay của cụm từ “Mưa Khoả Thân” là, ta đọc và ta biết đây không phải là một trò chơi chữ lố bịch. Ngược lại đây là một cụm từ có tính chất trừu tượng. Linh tính hay giác quan ngoại cảm của ta hiểu được cụm từ “Mưa Khoả Thân” chứa đựng  những điều bí hiểm làm kích động  cho trí tưởng tượng của ta để suy đoán, để suy luận, và để suy diễn.
Tạm hiểu cụm từ “Mưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” là như vậy, bây giờ xin mời cùng đi vào khổ đầu của tác giả:

Mưa khỏa thân - giữa bụi trần
Giọt như khóc - giọt phân vân kiếp người
Bên này mưa có biếng cười
Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương

Khổ  thơ vào đề khẳng định thêm đây là cơn mưa trong lòng tác giả nhiều hơn là cơn mưa ngoài trời, bởi cơn mưa ngoài trời thì giọt mưa rơi giống nhau, không thể có “Giọt như khóc” tức là giọt rơi nặng, “giọt phân vân kiếp người” là giọt rơi chậm, rơi nhẹ nhàng, bởi cơn mưa ngoài trời thì tác giả chỉ biết “Bên nầy mưa có biếng cười”chớ không  thể biết “bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương”, trừ ra tác giả có thần thông. Tất cả hình ảnh diễn tả cơn mưa khoả thân trong thơ chẳng qua là nhà thơ tự sự diễn biến xảy ra trong lòng mình, trong con tim đơn phương nhớ thương người xa cách của mình.
Vậy thì, dầu có mưa ngoài trời hay chỉ mưa trong lòng, hoặc mưa ngoài trời kích thích cho mưa trong lòng nặng nề thêm, thì khổ thơ vào đề cũng cho ta biết tác giả nhớ cố nhân, trách cố nhân. Bên nầy mưa biếng cười, vì nhà thơ suy đoán, trách cứ  người “Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương”, lời đã hứa hẹn cùng tác giả năm xưa.
Qua khổ thơ thứ hai nhà thơ dùng những động từ “khuấy”, “giam”, “ủ”, “trói” để vừa diễn tả trạng thái kích động trong lòng vừa diễn tả hình ảnh cơn mưa khoả thân đầy kịch tính:

Em khuấy mưa - giữa vô thường
Anh giam câu hứa dặm trường lụy mưa
Lời mồ côi - ủ mầm xưa
Trói mưa trần trụi người chưa thấy về

“Em khuấy mưa – giữa vô thường” có nghĩa là em làm cho  những biến động tâm hồn nhớ, thương, than, trách, hờn giận bùng phát. Đời là vô thường mà tác giả còn khuấy cho cơn mưa tắm  ướt sự vô thường đó nghĩa là làm cho sự đau khổ tăng lên. “Anh giam câu hứa dặm trường luỵ mưa” có nghĩa là anh mãi làm lữ khách trên dường đời gian khó nên không thể nào thực hiện lời hứa năm xưa quay về với em. “Lời mồ côi” là lời không cha không mẹ, có nghĩa là lời không bảo đảm, không chứng cớ. “Ủ mầm xưa” có nghĩa là những lời hứa hẹn năm xưa luôn nhớ trong lòng của nhau. “Trói mưa trần trụi nghĩa là cầm tù cơn mưa hay những cảm xúc đau thương trong lòng còn mãi, giữ sự ướt át trong lòng mình như cơn mưa không chịu dứt bao giờ. Trói mưa hay cầm tù cơn mưa hay cơn mưa không chju dứt bao giờ chỉ vì “người chưa thấy về”.  Cả khổ thơ diễn tả sự uất ức chất chứa trong lòng và lời kể lể bày tỏ sự  nhớ thương triền miên trong con tim yêu ốm đói tình yêu!

Thế rồi bài thơ được chuyển qua khổ cuối, những giọt mưa khóc, những giọt mưa phân vân bây giờ thành giọt sám hối, giọt trào tuôn:

Mưa lay gió cả bốn bề
Đông tây nam bắc nhiêu khê ơi buồn
Giọt sám hối - giọt trào tuôn.
Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình.

Tất cả những giọt mưa trong cơn mưa khoả thân  đều mang tâm trạng, tâm sự của thi nhân. Như vậy cơnMưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” có ý nghĩa là trút bỏ  hết những mảnh vải che dấu ái tình, bày  trần trụi sự thật những gì tình yêu xảy ra trong thực tế và trong sâu kín tâm hồn.
Khổ thơ cuối cùng cho thấy cuồng phong bão táp “mưa  lay gió cả bốn bề” xảy ra trong lòng tác giả. Tác giả đinh ninh rằng tình xưa đã chết vì anh, vì anh đã chôn nó xuống mồ mà không cả nói một lời từ biệt, dầu là một lời từ biệt nhẹ và nhỏ như một giọt mưa, đến nỗi em tự xem như đã “Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình”

Thơ của Dung Thi Vân thường là thanh thoat, dễ hiểu, đẹp như những cách bướm màu bay trong vườn hoa làm bắt mắt chúng ta. Tuy thế, thỉnh thoảng nhà thơ có những từ, những cụm từ hay những bài thơ rất trừu tượng, rất khó hiểu, có thể làm đau đầu người khó tính, nhưng cũng có thể làm thăng hoa cho những tâm hồn đồng điệu, hiểu được thơ ấy bằng suy luận, suy đoán, suy diễn hay bằng giác quan ngoại cảm của mình.

Tất nhiên hiểu bằng suy luận, suy đoán, suy diễn  và giác quan ngoài cảm thì khó chính xác, chỉ là để thư giản, có năm ba phút vui với  thơ thôi.
Vậy cho nên Châu Thạch tôi thành thật xin lỗi tác giả Dung Thị Vân và quý ban đọc về những sai trật mà tôi đã viết lên đây. Mong được cười xoà tha thứ!
                            
Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “MƯA KHOẢ THÂN GIỮA BỤI TRẦN” THƠ DUNG THỊ VÂN - Châu Thạch

KHA VÀ EM, XIN MỘT LỐI VỀ GIỮA TIM EM – Thơ Khê Kinh Kha


   
                    Nhà thơ Khê Kinh Kha                    


Kha và Em
 
tôi và em tuy hai mà một
Nên em buồn tôi có vui đâu
Khi mùa thu rơi đầy lá úa
em thẩn thờ Kha cũng âu sầu
 
Kha và em tuy hai mà một
Kha phương này ngồi ngắm sao đêm
Sao nơi kha chứa đầy thương mến
sẽ rơi tình vào trái tim em
 
Kha và em tuy hai mà một
hai con tim một thuở yêu nhau
hai phương trời nhưng chung nỗi nhớ
tình đã trao mộng ước dài lâu
 
Kha và em tuy hai mà một
hai phương trời xa qúa em ơi
nhớ nơi kha bao la như biển sóng
tình nơi em thương nhớ có lên đầy?
 
kha và em tuy một mà hai
hai con tim thổn thức bao ngày
tim nơi kha nhỏ từng giọt lệ
tim nơi em mưa có giăng đầy?
 
anh và em tuy một mà hai
em trách hoài nên mộng thêm vơi
em hững hờ nên đời quá tội
chua xót nào như cỏ mọc muôn nơi
 
kha và em tuy hai mà một
em và kha tuy một mà hai
ôi xa cách tình ngàn hoang vắng
đời cô liêu chỉ một mình anh
mai hồn chết bên bờ hiu quạnh
xin gió trời đưa tình kha về bên em
 
 
Xin một lối về giữa tim em
 
Đời vui từ độ em đến đây
Đến đây em ngự giữa tim tôi
Ôi từ nay trong từng hơi thở
tôi nhớ em nhiều, em yêu ơi
 
có phải biển xanh là mắt em
mây trời là tóc xõa buông mềm
có phải vì em mà thao thức
thao thức mình tôi đã bao đêm
 
có phải em mang tim cỏ dại
em mang mật ngọt gieo giữa đời
mang bao khao khát cùng ước vọng
em ru tình tôi, ru đời tôi
 
kiếp này xin nguyện mãi yêu em
yêu em với tất cả tim mình
dù đời có chia trăm nghìn lối
xin một lối về giữa tim em
 
khê kinh kha
 
READ MORE - KHA VÀ EM, XIN MỘT LỐI VỀ GIỮA TIM EM – Thơ Khê Kinh Kha

Người Quảng Trị: GHÉ THĂM GIA ĐÌNH CẬU EM Ở DI LINH TRƯỚC KHI VỀ SÀI GÒN VỚI NHỮNG CẢM XÚC RẤT RIÊNG - Võ Văn Cẩm

 


  GHÉ THĂM GIA ĐÌNH CẬU EM Ở DI LINH TRƯỚC KHI VỀ SÀI GÒN VỚI NHỮNG CẢM XÚC RẤT RIÊNG

 07/3/2023

Sau trận dịch COVID 19 thế kỷ, tôi về quê dự lễ hiệp kỵ gia đình. Thường tôi về Đà Nẵng thăm chị cả rồi bay về Sài Gòn.

Nhưng lần này tôi cùng anh cả về Sông Mao, Bình Thuận, ghé nhà nuôi Yến của con trai anh.

Anh cả thường bị say sóng lúc đi xe, nên anh quay lại quê nhà trước khi ra Hà Nội, không lên Đà Lạt cùng tôi.

Tôi đi xe đò, vượt đèo Lò xo với độ cao không kém đèo Sông Pha để lên Đà Lạt, thăm gia đình vợ chồng cô em gái út.

Đà Lạt ngày nắng đêm lạnh. Thời tiết tốt, tôi dành 5 ngày nơi xứ anh đào để thăm người thân, bạn bè, đặc biệt lần này tôi được gặp nhiều hậu duệ Cựu HSNH. Rất tiếc không gặp được TS Nguyễn Mộng Sinh, phó GĐ Viện Hạt nhân, em rễ TS Nguyễn Quốc Tuấn, GV trường ĐH; Cháu Nguyễn Hữu Hóa HT trường Bùi Thị Xuân; Đồng môn Cựu HSNH nguyên HT BTX Lê Ngọc Sử đều đi vắng. Những khuôn mặt thân quen này thường gặp nhau mỗi lần tôi đến Đà Lạt.

 

Theo yêu cầu của vợ chồng cậu em, tôi ghé Di Linh trước khi về Sài Gòn, dù chuyến đi đã dài ngày.

Xuống xe Thành Bưởi ngay trường Tiểu học Đinh Lạc nơi gia đình người em sinh sống.

Tôi đến nhiều lần, nhưng rất vội vã, không có thời gian tham quan. Lần này rảnh rỗi, em đưa tôi thăm khu lăng mộ gia đình, thăm gia đình các cháu, thăm kho bãi và giới thiệu về công việc kinh doanh.

Cũng lần này, tôi tiếp cận nhiều hơn với người em dâu năng nổ, tháo vát, dù sinh ra ở quê nghèo Quảng Trị, không có điều kiện học hành nhiều, nhưng trải qua cuộc sống thực, thím tiếp cận với nhiều giai tầng xã hội. Kiến thức đời thường đã un đúc, tôi luyện thím thành một doanh nhân khá thành công. Thím kể hết những giai đoạn thăng trầm đời mình.

Công ty cà phê lớn mạnh như ngày hôm nay, chính là do những giai đoạn thăng trầm mà thím đã trải qua.

Tôi được vợ chồng thím và các cháu tiếp đón rất ân cần và chu đáo mỗi lần đến Di Linh. Ngoài tình cảm máu mủ, ruột thịt, thím còn thể hiện một sự quý mến khác thường.

Những món quà vợ chồng thím gởi cho gia đình tôi trong mùa dịch bệnh COVID lên đỉnh điểm, dù những món quà không lớn, nhưng làm trái tim tôi thổn thức.

Cty cà phê THỦY TY ở Di linh do thím điều hành vẫn tồn tại và phát triển bền vững, trong khi hằng trăm Cty khác phá sản trong đợt dịch vừa qua.

Sự tồn tại của một Cty đều có nguyên nhân riêng của nó. Có người cho là do may mắn, phúc phận, nhưng phải nói đến sự tài năng, phương pháp điều hành và có cái nhìn sâu rộng, và cái tâm thiện trong nghề buôn bán.

Tôi hỏi thím về nghệ thuật kinh doanh và làm thế nào Cty phát triển và tồn tại?

Thím trả lời tôi một cách ngắn gọn:

"Để Cty tồn tại và phát triển, thì người chủ kinh doanh và người điều hành phải tuân thủ uy tín, chất lượng và có lòng nhân ái.

Không vì lợi nhuận mà vì khách hàng, vì tương lai của Cty, xem "khách hàng là thượng đế".

Thím am tường về nghệ thuật và triết lý kinh doanh. Thím nói tiếp: "Của bền do người dùng".

Nhìn công việc làm ăn thuận lợi, hàng chục tấn cà phê xuất kho.

Không những thím quan tâm tới khách hàng mua mà thím còn uy tín với khách bán. Không vì cái lợi trước mắt mà vì cái lợi lâu dài. Không có ý ép người bán mà cũng không chèn người mua, đó là phương án tối ưu của người kinh doanh.

Chỉnh suy nghĩ ấy đem lại sự thành công của Cty.

Tôi rất vui được nhìn những thành quả mà mấy chục năm vợ chồng em bôn ba, đem hết trí lực gầy dựng cơ nghiệp.

Phải rời bó quê hương, vứt bỏ đằng sau nhiều kỷ niệm của tuổi thơ.

Hành trang chỉ một đàn con dại, không vốn liếng. Tài sản chính là sức khỏe, trí tuệ và lòng quyết tâm vì tương lai con cái.

Nhìn cơ ngơi của gia đình em mà tự hào, hạnh phúc, không chỉ là tài sản mà một đàn con thành đạt, có uy thế với cộng đồng xã hội, em lấy vùng đất xa lạ này làm quê hương.

Trước 1975, Võ Ty là huấn luyện viên vỏ thuật ở Quân Đoàn 1, Sư đoàn 3, Vùng 1 chiến thuật. Cuộc đời của một người lính không tham gia chiến trận rất bình dị và an phận.

Sau 1975, cuộc đời Ty thay đổi rất nhiều, cuộc sống có lúc đến tận cùng sự đói nghèo. Phải về quê nhà làm ruộng, nhờ có một chút kiến thức nên làm những việc nhẹ nhàng hơn trong hợp tác xã.

Những năm khi hòa bình lập lại, đâu đâu cũng thấy nghèo đói và thiếu thốn. "Cái khó ló cái khôn". Nhiều năm khốn khó vẫn không tìm được lối đi. Ty nghĩ, chỉ con đường vào Nam lập nghiệp mới may ra thoát nghèo.

Gia đình có 6 miệng ăn, thì chuyện ra đi không dễ dàng chút nào.

Chuyện đi đâu? Đến nơi nào? Là một bài toán khó.

Rồi vợ chồng Ty đã giải được bài toán khó ấy.

Nay ngoái đầu nhìn lại mới kinh hoàng, không hiểu gia đình vượt qua chặng đường cùng cực ấy bằng cách nào?.

Vợ Ty kể, có lần ngồi trên xe cày cải tiến, băng rừng, lội suối kiểm từng đồng nuôi con.

Sự thăng trầm cuộc đời là một bài học vô giá.

 

Xuống xe Thành Bưởi, một dãy nhà dài, ngang dọc gồm:

* Kho của công ty cà phê Thủy Ty, chứa cả ngàn tấn, với đủ máy móc chuyên dùng.

* Căn nhà một tầng của người con trai Võ Nam Long, vợ và 2 con.

* Căn biệt thự khá tiện nghi, nơi ở của 2 vợ chồng.

* Căn nhà dùng để rang xay, chế biến cà phê, làm cửa hàng bán và showroom

Vợ chồng Ty quản lý Cty. Nhờ uy tín và và chất lượng tốt nên Cty ngày càng phát đạt.

Qua chặng đường gian khổ, Ty thấy nơi đất lành này có điều kiện sinh sống, vợ chồng Ty cố gắng tạo cơ hội cho các con về ở chốn đất lành này.

Những thành quả mấy chục năm, vợ chồng Ty dành hết cho con.

Với tôi, cơ ngơi của mỗi đứa con đều có một gia sản riêng đủ để sống với đời.

* Cậu con trai cả Võ Nam Phi, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, dành thời gian làm việc một ngân hàng ở Sài Gòn. Công việc vững vàng, vợ chồng Ty tìm cách xin cháu về gần nhà. Vợ Phi là một cô giáo Cấp 3. Nay là hiệu phó của trường.

Chẳng bao lâu, Phi làm GD chi nhánh ngân hàng ở đây. Gia đình Ty có thêm một cơ ngơi mới của con trai, cách nhà Ty chưa đầy cây số. Việc làm ăn của Ty thuận lợi hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

* Quý tử Võ Nam Long, đam mê việc kinh doanh lúc còn trẻ. Mọi việc Cty cà phê đều do Long cai quản. Vợ Long là một cán bộ ngành y tế.

Ngoài ra, Long là người đầu tiên mở trang trại nuôi gà công nghiệp, gà đẻ và gà giống của Cty CP Thái Lan.

Nam Long có nhiều trang trại và vườn trồng cà phê. Hiện tại Long mở Cty "K'LONG Coffee", chuyên chế biến cà phê và cung cấp cho khách hàng khắp cả nước. Lợi thế lớn nhất là kho cà phê của mẹ.

Ngay tại nhà, Long bán cà phê pha máy cho khách hàng.

Ngoài việc kinh doanh, Long là một kiện tướng xe đạp leo núi, với nhiều huy chương.

Kinh tế vững vàng, gia thế có tầm cở, nhưng Long sống đơn giản như một nông dân.

Cách sống cũng là một điều làm ta suy ngẫm? Một cái riêng của Võ Nam Long?

* Võ Thị Phương Nga không muốn nghề cầm bút mà theo cha mẹ kinh doanh. Vợ chồng Nga có trang trại nuôi gà đẻ rất lớn. Mấy chục ngàn con gà. Với hệ thống ăn, uống cho gà hoàn toàn tự động, việc bao tiêu sản phẩm do Cty chịu trách nhiệm. Có trại gà xử dụng máy điều hòa không khí.

Cơ dinh của Nga lớn hơn, có cửa hàng buôn bán thuốc nông nghiệp, do chồng Nga cai quản, cửa hàng khá đông khách, cách nhà cha mẹ không đầy 50 mét.

* Con gái rượu Võ Thị Thuý Kiều, học chưa đến đích, thì lên xe hoa về nhà chồng, trong một gia đình trí thức bậc nhất vùng.

Chỉ cách nhà Ty chưa đầy năm mươi mét, tiệm thuốc tây (Pharmacy) của Kiều khá đông khách. Kiều thuê người quản lý.

Thúy Kiều làm GĐ một Cty bất động sản ngay thị trấn Di linh. Một cơ ngơi khá vững vàng. Ty chở tôi đi xem những tài sản lớn của Kiều mà khâm phục.

Ở thị trấn nhỏ bé này mà cô gái Thúy Kiều ôm volente trên chiếc xe Toyota Lesus 350S mới tinh, thì cũng hiểu được hiệu quả của việc kinh doanh.

* Võ Thị Kiều Linh học xong ĐH Dược, sớm bước về nhà chồng ở Trảng Bom, Đồng Nai. Chồng Linh là một cán bộ ngân hàng.

Vốn là dược sĩ, cháu mở một tiệm thuốc tây khá lớn ở Trảng Bom, rất đắt hàng.

Vợ chồng Ty vốn muốn con mình về vùng đất lành mà mình đã chọn.

Mỗi lần về thăm con, Ty đều khuyên con lên ở gần cha mẹ. Khi việc làm ăn thuận lợi và chồng Linh đang làm cán bộ ngân hàng gần đó, nên việc dời chỗ ở là một việc cần suy nghĩ?.

Vợ chồng Ty đã quyết tâm, nên chọn một vị trí đẹp nhất vùng, thuận lợi cho việc kinh doanh, mảnh đất gần 1000 m2, nhìn xéo nhà Ty.

Cuối cùng vợ chồng cháu ngã lòng để về ở gần cha mẹ, anh em. Kiều Linh mở cửa hàng thuốc bán tốt.

Căn nhà khang trang được xây dựng, cháu quay qua mở một cửa hàng tạp hóa lớn nhất vùng, chồng cháu không được chuyển công tác nên bỏ việc, cùng vợ kinh doanh và có trang trại nuôi gà công nghiệp. Nhìn cơ ngơi cháu, tôi ngỏ lời khen và chúc mừng. Cháu còn tham vọng theo ngành dược, mở một quầy thuốc tây lớn hơn để thỏa mãn nghề nghiệp, công sức học hành, và phục vụ bà con trong vùng, hầu trả ơn đời, ơn cha mẹ.

Ngồi trên xe, Ty nói với tôi nhiệm vụ của người cha Ty đã hoàn thành, các con đều quây quần bên nhau, đều có nhà cửa đầy đủ tiện nghi, các cháu chăm học, đời sống vật chất ngày càng khá hơn. Các con đều có xe hơi làm phương tiện đi lại.

Mỗi ngày cha, con, cháu đều gặp nhau, không còn cảnh lo toan, khó khăn khi đau yếu.

Tôi không có điều kiện bằng Ty, không có được sự sum vầy. Để có được một gia đình như thế là ước mơ của nhiều người.

Tôi chúc mừng gia đình đứa em đã toại nguyện ước vọng của minh. Chúc đại gia đình bình an, sức khỏe, vạn sự hạnh thông.

Ngày mai 09/3/2023, tôi trở về Sài Gòn với Ty trong niềm vui và hạnh phúc.


Võ Văn Cẩm

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 


READ MORE - Người Quảng Trị: GHÉ THĂM GIA ĐÌNH CẬU EM Ở DI LINH TRƯỚC KHI VỀ SÀI GÒN VỚI NHỮNG CẢM XÚC RẤT RIÊNG - Võ Văn Cẩm