Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 28, 2023

ĐỌC “MƯA KHOẢ THÂN GIỮA BỤI TRẦN” THƠ DUNG THỊ VÂN - Châu Thạch




MƯA KHỎA THÂN GIỮA BỤI TRẦN
  
Mưa khỏa thân - giữa bụi trần
Giọt như khóc - giọt phân vân kiếp người
Bên này mưa có biếng cười
Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương
Em khuấy mưa - giữa vô thường
Anh giam câu hứa dặm trường lụy mưa
Lời mồ côi - ủ mầm xưa
Trói mưa trần trụi người chưa thấy về
Mưa lay gió cả bốn bề
Đông tây nam bắc nhiêu khê ơi buồn
Giọt sám hối - giọt trào tuôn.
Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình.
                
                                  Dung Thị Vân
 
ĐỌC “MƯA KHOẢ THÂN GIỮA BỤI TRẦN” THƠ DUNG THỊ VÂN    
                                                                      Châu Thạch
 
Buổi trưa mùa hạ. Nóng ngủ không được. Đọc bài thơ về mưa cho lòng mát hơn. Không ngờ, đọc bài  thơ “Mưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” của Dung thị Vân làm ngủ không được thêm. Ngủ không được là vì cái tựa đề của bài thơ và bài thơ khó hiểu quá. Ngủ không được cũng tại vì bài thơ khó hiểu mà lại cảm thấy hay, thấy thích thú, thấy tâm hồn rung động, kích thích trí suy tư của mình.

Mưa thì có mưa phùn, mưa rào, mưa đá hay mưa to, mưa nhỏ v.v chớ làm gì có mưa khoả thân. Khoả thân được định nghĩa là trần truồng, là loả thể, là con người ở trạng thái không mặc áo quần. Do đó mưa thì không thể nói khoả thân được, vì mưa không phải là người.
Vậy tại sao nhà thơ Dung Thị Vân lại dùng cụm từ “Mưa Khoả Thân”?  Ai muốn hiểu thì người ấy phải tự suy tư.  Tuỳ theo kiến thức, tâm tư, tình  cảm, tuỳ theo mức độ lảng mạn của tâm hồn mình  mà mỗi người sẽ hiểu một cách hoặc giống nhau hoặc sẽ khác nhau.  Với tôi,  mưa khoả thân là cụm từ nhà thơ chỉ một cơn mưa rất lớn, mưa như trút nước, mưa ngập khắp nơi, nước chảy thành dòng thành suối trên các con đường.

Mưa khoả thân cũng có thể là không có mưa gì cả, đó chỉ là một cơn xáo động  tâm hồn, nên tác giả tưởng tượng, nên tác giả  hư cấu hoặc hoang tưởng trong đầu mình. Giãi thích nầy có lý thêm vì câu thơ đầu tiên tác giả viết “Mưa khoả thân – giữa bụi trần” . Bụi trần được hiểu là cuộc sống thực, khổ não, là khổ đế trên trần gian, chớ bụi trần không phải là một vùng thiên nhiên có cảnh vật cho mưa xuống làm ướt được . Vậy câu thơ “Mưa khoả thân – giữa bụi trần”có thể hiểu là một sự biến động  lớn trong tâm hồn khi đứng trước nghịch cảnh xảy ra giữa cuộc đời của tác giả bài thơ.

Cái hay của cụm từ “Mưa Khoả Thân” là, ta đọc và ta biết đây không phải là một trò chơi chữ lố bịch. Ngược lại đây là một cụm từ có tính chất trừu tượng. Linh tính hay giác quan ngoại cảm của ta hiểu được cụm từ “Mưa Khoả Thân” chứa đựng  những điều bí hiểm làm kích động  cho trí tưởng tượng của ta để suy đoán, để suy luận, và để suy diễn.
Tạm hiểu cụm từ “Mưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” là như vậy, bây giờ xin mời cùng đi vào khổ đầu của tác giả:

Mưa khỏa thân - giữa bụi trần
Giọt như khóc - giọt phân vân kiếp người
Bên này mưa có biếng cười
Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương

Khổ  thơ vào đề khẳng định thêm đây là cơn mưa trong lòng tác giả nhiều hơn là cơn mưa ngoài trời, bởi cơn mưa ngoài trời thì giọt mưa rơi giống nhau, không thể có “Giọt như khóc” tức là giọt rơi nặng, “giọt phân vân kiếp người” là giọt rơi chậm, rơi nhẹ nhàng, bởi cơn mưa ngoài trời thì tác giả chỉ biết “Bên nầy mưa có biếng cười”chớ không  thể biết “bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương”, trừ ra tác giả có thần thông. Tất cả hình ảnh diễn tả cơn mưa khoả thân trong thơ chẳng qua là nhà thơ tự sự diễn biến xảy ra trong lòng mình, trong con tim đơn phương nhớ thương người xa cách của mình.
Vậy thì, dầu có mưa ngoài trời hay chỉ mưa trong lòng, hoặc mưa ngoài trời kích thích cho mưa trong lòng nặng nề thêm, thì khổ thơ vào đề cũng cho ta biết tác giả nhớ cố nhân, trách cố nhân. Bên nầy mưa biếng cười, vì nhà thơ suy đoán, trách cứ  người “Bên kia mưa ngủ quên lời yêu thương”, lời đã hứa hẹn cùng tác giả năm xưa.
Qua khổ thơ thứ hai nhà thơ dùng những động từ “khuấy”, “giam”, “ủ”, “trói” để vừa diễn tả trạng thái kích động trong lòng vừa diễn tả hình ảnh cơn mưa khoả thân đầy kịch tính:

Em khuấy mưa - giữa vô thường
Anh giam câu hứa dặm trường lụy mưa
Lời mồ côi - ủ mầm xưa
Trói mưa trần trụi người chưa thấy về

“Em khuấy mưa – giữa vô thường” có nghĩa là em làm cho  những biến động tâm hồn nhớ, thương, than, trách, hờn giận bùng phát. Đời là vô thường mà tác giả còn khuấy cho cơn mưa tắm  ướt sự vô thường đó nghĩa là làm cho sự đau khổ tăng lên. “Anh giam câu hứa dặm trường luỵ mưa” có nghĩa là anh mãi làm lữ khách trên dường đời gian khó nên không thể nào thực hiện lời hứa năm xưa quay về với em. “Lời mồ côi” là lời không cha không mẹ, có nghĩa là lời không bảo đảm, không chứng cớ. “Ủ mầm xưa” có nghĩa là những lời hứa hẹn năm xưa luôn nhớ trong lòng của nhau. “Trói mưa trần trụi nghĩa là cầm tù cơn mưa hay những cảm xúc đau thương trong lòng còn mãi, giữ sự ướt át trong lòng mình như cơn mưa không chịu dứt bao giờ. Trói mưa hay cầm tù cơn mưa hay cơn mưa không chju dứt bao giờ chỉ vì “người chưa thấy về”.  Cả khổ thơ diễn tả sự uất ức chất chứa trong lòng và lời kể lể bày tỏ sự  nhớ thương triền miên trong con tim yêu ốm đói tình yêu!

Thế rồi bài thơ được chuyển qua khổ cuối, những giọt mưa khóc, những giọt mưa phân vân bây giờ thành giọt sám hối, giọt trào tuôn:

Mưa lay gió cả bốn bề
Đông tây nam bắc nhiêu khê ơi buồn
Giọt sám hối - giọt trào tuôn.
Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình.

Tất cả những giọt mưa trong cơn mưa khoả thân  đều mang tâm trạng, tâm sự của thi nhân. Như vậy cơnMưa Khoả Thân Giữa Bụi Trần” có ý nghĩa là trút bỏ  hết những mảnh vải che dấu ái tình, bày  trần trụi sự thật những gì tình yêu xảy ra trong thực tế và trong sâu kín tâm hồn.
Khổ thơ cuối cùng cho thấy cuồng phong bão táp “mưa  lay gió cả bốn bề” xảy ra trong lòng tác giả. Tác giả đinh ninh rằng tình xưa đã chết vì anh, vì anh đã chôn nó xuống mồ mà không cả nói một lời từ biệt, dầu là một lời từ biệt nhẹ và nhỏ như một giọt mưa, đến nỗi em tự xem như đã “Cho anh nợ một giọt chôn mộ tình”

Thơ của Dung Thi Vân thường là thanh thoat, dễ hiểu, đẹp như những cách bướm màu bay trong vườn hoa làm bắt mắt chúng ta. Tuy thế, thỉnh thoảng nhà thơ có những từ, những cụm từ hay những bài thơ rất trừu tượng, rất khó hiểu, có thể làm đau đầu người khó tính, nhưng cũng có thể làm thăng hoa cho những tâm hồn đồng điệu, hiểu được thơ ấy bằng suy luận, suy đoán, suy diễn hay bằng giác quan ngoại cảm của mình.

Tất nhiên hiểu bằng suy luận, suy đoán, suy diễn  và giác quan ngoài cảm thì khó chính xác, chỉ là để thư giản, có năm ba phút vui với  thơ thôi.
Vậy cho nên Châu Thạch tôi thành thật xin lỗi tác giả Dung Thị Vân và quý ban đọc về những sai trật mà tôi đã viết lên đây. Mong được cười xoà tha thứ!
                            
Châu Thạch

No comments: