Vợ tôi bảo: "Nuôi ô-sin cũng phải có 'tay', đứa bạn em nuôi một bà cùng quê sáu năm rồi không thay đổi”. Không biết 'tay chân' thế nào mà nhà tôi năm nào người làm sau tết về quê rồi không trở lại, dù trước khi về họ hứa hẹn đủ điều. Vợ tôi còn gom áo quần cũ, những vật dụng thừa ra trong nhà đem biếu hết, cho thêm tiền tàu xe... Thế mà, ô-sin cũng có lắm hạng. Có người hoàn cảnh, tâm trạng đáng thương nhưng cũng có người lừa đảo. Ô-sin chưa chồng thì ham bồ bịch hẹn hò, có chồng con thì đến bữa cơm ngồi rầu rĩ nhớ nhà, nhớ quê.
Ra tết, đi làm, việc nhà tôi cứ rối tung lên vì không tìm được ô-sin. Trong thời buổi, việc kiếm ô-sin còn khó hơn kiếm nhân viên có trình độ đại học. Rồi có kiếm được cũng phải hướng dẫn từ đầu, từ nấu cơm khô hay ướt đến cách sử dụng máy giặt, tủ lạnh, bếp núc... Rút kinh nghiệm những lần trước, đầu năm nay kiếm được người giúp việc, vợ chồng tôi làm hợp đồng đàng hoàng. Hợp đồng ghi rõ lương tháng một triệu đồng bao ăn ở. Ở lại Tết được thưởng thêm một tháng lương. Mỗi tháng được gọi điện thoại về nhà hai lần. Bỏ hợp đồng giữa chừng là bị giữ giấy tờ tùy thân. Hợp đồng được ký bốn năm.
Chị là người cùng quê với tôi, chất phác thật thà. Chị kể, đời chị buồn lắm. Mưới sáu tuổi đi du kích, vào sống ra chết. Giải phóng xong chị được làm cán bộ phụ nữ xã. Mười mấy năm không ai dám hỏi cưới một cán bộ phụ nữ. Thời xuân sắc của chị liên tụ những buổi họp, những buổi phổ biến chính sách đường lối cho phụ nữ. Nào là kế hoạch hóa gia đình, nào là cách dùng bao cao su, mà thiệt tình chị có kinh nghiệm gì đâu.
Năm gần bốn mươi tuổi chị "xin" bạn trai cũ thời trung học cùng làng một đứa con. Người bạn ấy chấp nhận cho nhưng bắt chị hứa là phải bí mật. Chị nghiến răng sinh con vượt cạn một mình. Đứa con gái chị lớn lên, học giỏi ngoan hiền. Chị về hưu được phụ cấp một triệu đồng/tháng. Một triệu đồng ở quê cộng với làm nông, mẹ con tằn tiện cũng đủ sống. Và rồi con gái chị thi đậu vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Thế là con Bắc mẹ Nam, chị vào Sài Gòn làm ôsin để kiếm thêm tiền lo cho con gái.
Chị bảo, hợp đồng thế nào cũng được, miễn đủ tiền gửi cho con là chị vui rồi. Đời chị xem như xong. Bao nhiêu bằng khen, huân, huy chương chị xếp cất trong rương. Chị chỉ xin một điều là khi nào con chị hay ai đó gọi vào thì bảo chị chỉ ở đây để đi làm công nhân trong xí nghiệp may, đừng nói chị đi ở đợ, tội nghiệp. Chị sợ con tủi thân, chị sợ bà con ngoài quê đàm tiếu về bà cán bộ một thời uy quyền giờ đi làm ôsin.
Chị làm việc siêng năng, cần cù. Lau nhà, giặt giũ, đi chợ, từ sáng đến chiều tất bật mà trông chị vẫn vui. Chị khoe con gái tên Hiền của chị thì ngành ngoại thương điểm cao lắm. Con chị đẹp người tốt nết, có hiếu với mẹ. Bốn năm, chỉ bốn năm nữa thôi, chị sẽ về làng, hai mẹ con lại cùng tái hợp.
Một hôm, cầm tớ báo Công an, chị lo lắng nói với tôi: “Cậu ơi, mười mấy đứa sinh viên Hà Nội bị bắt về vụ đi làm gái, báo đăng đây này. Vật giá đắt đỏ kiểu ni ở Hà Nội con tôi có đủ chi tiêu không cậu? Tôi lo quá. Hay là cậu cho tôi mượn thêm một tháng năm trăm ngàn nữa để gửi cho cháu. Cậu đừng lo, tôi sẽ gửi sổ hưu trí cho cô cậu để làm tin, kể cả huân, huy chương, giấy khen tôi cũng gửi cho cậu”.
Vậy là vợ chồng tôi phải chi thêm mỗi tháng năm trăm ngàn. Hai vợ chồng hai đứa con, lương tháng sáu triệu, chia đi tính lại gia đình tôi cũng khó khăn không kém chị. Vợ chồng tôi công bằng với chị, một triệu rưỡi bây giờ chỉ bằng một triệu hôm đầu năm làm hợp đồng. Nhưng xí nghiệp nơi tôi làm, trường nơi vợ tôi dạy có thấy lên lương gì đâu. Thôi đành thắt lưng buộc bụng, bỏ bớt những chiều cuối tuần lai rai với bạn bè. Nghĩ đến đĩa cơm bụi của cô sinh viên Hà Nội chỉ bằng một chai bia Sài Gòn đỏ lòng cũng thấy vui vui.
Chị hay đùa với thằng Út: “bốn năm nữa Út vào cấp hai, chị Hiền cũng ra trường, làm việc ở ngân hàng ngoại thương. Chị Hiền sẽ xin ba mẹ ở đây để dạy Út học giỏi như chị”. Trong mắt chị ngời lên vẻ hạnh phúc về cái ngày chị tưởng tượng ra. Vợ chồng con cái chúng tôi cũng vui lây niềm vui của chị.
Chiều cuối tuần, vợ chồng đi làm về thấy chị cầm lá thư khóc hưng hức. Chị đưa lá thư cho tôi đọc: “Mạ ơi, con nhớ và thương mạ lắm. Con biết mạ không đi làm xí nghiệp may mà đi ở đợ. Mạ từng dạy con hãy làm chủ, đừng bao giờ đi làm thuê. Vì thương con mà mạ phải đi ở đợ, con đau khổ lắm. Con vừa xin được việc làm thêm từ 19 giờ đến 23 giờ ở một khách sạn. Việc của con là tiếp tân khách nước ngoài vì con nói khá tiếng Anh. Lương tháng được một triệu rưỡi. Mạ yên tâm về con. Nhớ giữ gìn sức khoẻ. Tốt nhất là mạ về quê, đừng ở đợ nữa, nhục lắm. Con gái ngoan của mạ”.
Chị quỳ xuống, nói trong tiếng nấc: “Tôi cắn cỏ lạy cậu mợ. Tôi chưa khi mô thất hứa với ai, tôi thương các cháu, tôi quý cậu mợ nhưng đời tôi chỉ có Hiền, có bề chi chắc tôi chết mất. Trời ơi, làm khách sạn, tiếp khách nước ngoài. Cậu mợ cho tôi vay một triệu để tối ni lên tàu đi Hà Nội, tôi phải cứu con tôi. Con ơi là con...”. Chị nằm úp mặt xuống sân nhà, vai rung lên từng nhịp.
Chúng tôi đưa chị ra ga, nhìn dáng tất cả lao đao của chị khuất lẫn vào đám đông, vợ tôi khóc. Tôi hỏi sao em khóc, vợ bảo nhớ bà ngoại bà nội thằng Út, nhớ ngày xưa mẹ cũng từng lo cho chúng ta như thế mà đâu cần ôsin. Đến ngày Vu Lan rồi, mai vợ chồng mình đi viếng mộ thắp nhang, anh nhé.
Nguyễn Đặng Mừng
mungrathue@gmail.com
Trích từ
NHỊP ĐỜI BUỒN VUI,
tập bút ký - tản văn
của Nguyễn Đặng Mừng,
NXB HNV, 2011.
Tác giả gởi tặng.