Nhà thơ Phan Phụng Thạch
HỒI
TƯỞNG VỀ NGƯỜI ANH, NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH Phan
Ngọc Bích
Anh tôi sinh năm 1942, là anh trai thứ ba trong gia đình có
bảy anh chị em .Tên khai sinh là Phan Ngọc Thạch, nhưng mọi người quen gọi
Phan Phụng Thạch- bút hiệu của những bài thơ được yêu thích trên tạp chí Văn,
Bách Khoa, Nghệ Thuật ở Sài Gòn từ năm 1964 đến 1972…Thuở nhỏ, trong nhà gọi
anh một cách thân thương là Vinh. Cha tôi và
nhà thơ Phan Văn Dật là anh em chú bác lạị, học cùng khóa ở trường Khải
Định. Về sau cha tôi làm trợ-giáo rồi tham gia mặt trận chống Pháp, bị giặc bắt
và bắn chết năm 1948 lúc anh Thạch vừa sáu tuổi, còn tôi ba tuổi. Quê hương
chìm trong khói lửa, gia đình chúng tôi vào Huế một thời gian nhờ sự giúp đỡ của bà con họ tộc. Sau hiệp định Geneve, anh Thạch về Quảng Trị học trường trung học Nguyễn Hoàng từ năm 1955 cho đến
đỗ tú tài 1. Anh học để thi tú tài 2 ở
Trường Petrus Ky - Sài Gòn. Sau đó anh theo học Khoa Sử-Địa thuộc Đại Học Văn
khoa - Huế và xin dạy hợp đồng ở trường cũ, cho đến khi tốt nghiệp khóa Khả
năng sư phạm mở tại Sài Gòn anh được vào biên chế, vừa dạy vừa làm quản thủ thư
viện nhà trường.
Do tính tình anh hiền lành, ít nói nhưng chân thành nên có nhiều bạn tâm giao. Thời đi học anh thân với
các anh Lê Phúc Khàn, Lê Văn Thái.. Bạn
văn chương có Nguyễn Văn Thưởng (bút hiệu Chu Vương Miện), Đặng Sĩ Tịnh (Trinh
Nhược Thủy, Đặng Triệu Phong), Trần Đìnhh Bé (Thạch Nhân), Nguyễn Đình Trọng
(Đông Trình_ĐN), Hồ Thế Vĩnh, Trần Văn Lữ , Đỗ Tư Nhơn, Thiếp Lan Đình… Một
hôm anh dẫn về nhà một người để râu quai nón trông rất lập dị - đó là họa
sĩ Phạm Văn Hạng, sau này có bức họa lên án chiến tranh nổi tiếng. Hai anh tham gia hội HHT, hoạt động
xã hội từ thiện giúp dân do thầy Lê Hữu Thăng
và đông đảo đồng nghiệp hưởng ứng như thầy Lý Văn Nghiên, Nguyễn Dạ Thảo, Lê Lợi, Trần Kiêm Đoàn và nhóm học sinh… Anh Thach được phân công làm chủ biên đặc san Đan Tay cho hội HTT, đã quy
tụ nhiều văn nghệ nghệ sĩ trong tỉnh. Thời gian đó anh còn cộng tác với ban báo chí-văn nghệ nhà trường chọn bài,
chấm giải thơ văn học trò cùng với các thầy Phạm Sữu, Đỗ Tư Nhơn, Trần Văn Lữ,
Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Thiện, cô Võ Thị
Hồng – Kết quả là sự ra mắt của Đặc san Xuân 1971 và Hội Mùa Xuân 1972 cùng giải
thưởng văn chương toàn trường. Anh dẫn chương trình thật duyên dáng nên thường được
mời trong các buổi văn nghệ đọc thơ…
Nhớ
lại hồi chúng tôi ở căn nhà trọ, trong hẽm gần đường Quang Trung, đây là nơi tụ
hội của các thầy giáo trẻ từ Huế ra dạy
NH như Hồ Xuân Tám, Phạm Sữu, Trần Văn Tuần, Cao Hữu Điền. Đặc biệt thầy Trần
Phò, Trần Văn Lữ cùng với Phan Phụng Thạch đều có chung sự đồng cảm : - niềm cô đơn của những chàng trai ở tuổi 30
! Thầy Đỗ Tư Nhơn từ lúc về dạy cùng trường,
nhà ở gần đó là một trong số bạn thơ thân thiết của anh Thạch. Một kỷ niệm đáng
nhớ : Anh Thạch và anh Hồ Xuân Tám được
mời phụ rễ, trong lễ rước dâu của gia đình anh bạn ấy vào mùa xuân 1971! Những ngày ăn cơm tháng
của anh em chúng tôi cùng các thầy Lê Văn Mãn, Cao Hữu Điền, anh Tạ Nghi Lễ… thì
làm sao quên được quán cơm Bà Huyến đường Phan Đình. Rồi những lần đi uống cà
phê cũng được anh nói đến trong bài thơ “Lạnh tuổi vàng” : “Quán
cà phê đốt đời anh cháy
Khói
thuốc vàng phai cả tháng năm”
Anh Trần Văn Lữ,
người bạn đồng điệu của anh Phan Phụng Thạch khi lìa xa Quảng Trị ở trại tạm cư Hòa Long nhớ
da diết tên từng quán cà phê quen thân trong tùy bút : “Thương về Quảng Trị”
như sau : “Nào đâu những chiều ngồi
trong quán Văn, quán Quyên, quán Gió… thả
hồn trong khói thuốc”. Mùa hè năm
1972, cùng bà con, nhà trường, gia đình chúng tôi vào Đà Nẳng tỵ nạn. Ở trong
trại tạm cư, anh đã cố gắng hết sức để
xuất bản tập thơ đầu : “Lưu bút
mùa hạ, nhà xuất bản Hạnh Nhơn, do cơ sở ấn loát Da Vàng- Đà Nẵng vào tháng 5
năm 1972”. Bạn thơ và học sinh đã đón nhận một cách nồng nhiệt. Đáng buồn
thay, bệnh cũ của anh tái phát, anh phải vào bệnh viện Đức - Đà Nẵng chửa trị từ ngày 12-10-72 đến
ngày 24-01-73. Khoảng một tháng anh thấy khỏe thì đi thăm viếng bà con và ngồi
lại bên bạn bè đọc thơ, nghe hát. Nhưng
rồi anh bị những cơn sốt dày vò, phải nhập viện chích thuốc, chuyền máu cho anh
trong vòng 10 ngày. Ngoài gia đình, các anh Lê Lợi, Trần Văn Lữ thay nhau ở bên anh, còn có các đồng nghiệp, bạn thân, học sinh thăm anh. Bệnh tình của anh
mỗi lúc một nặng hơn, sức khỏe cạn dần
theo lượng hồng suy giảm nhanh chóng. Cho đến rạng sáng thứ 7, ngày 24 tháng
2 anh đã yếu lắm, thở cách quãng, đôi mắt đã trăng trắng
và sụp mi xuống. Anh đau đớn, trút hơi thở
cuối cùng, bỏ mẹ già, bạn hữu ra đi vào lúc 7h25. Anh đã sống những ngày
gắn bó sẻ chia với thân quyến, bạn bè,
anh đã viết những câu thơ ân tình tha thiết cho học trò, cho quê hương, cho cuộc
đời. Cho nên khi xe tang của anh đi qua trại tạm cư có hàng hàng nam nữ học
sinh bên cạnh, thân quyến, đồng nghiệp đưa tiễn ngậm ngùi với cành huệ trắng
trên tay vô cùng trang nghiêm và xúc động. Khi linh cữu của anh được đặt
xuống huyệt, mọi người buồn thương tạ từ
anh bằng những cánh hoa, nắm cát. Chính giữa lúc đó bài Điếu văn do thầy Trần
Kiêm Đoàn đọc, bài Khóc bạn của thầy Trần Văn Lữ bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào xót xa
! Chắc người anh bạc mênh, nhà thơ Phan Phụng Thạch cũng ấm lòng trên đường về
Chín suối thiên thu!
Nhà thơ Đông Trình
–bạn anh ở Đà Nẵng biết tin đã đến viếng
anh và gởi bài Tưởng niệm Phan Phụng Thạch
cho tạp chí Bách Khoa số 389 (ngày 02-4-1973) vào dịp 49 ngày anh mất thật trân
trọng cùng ba bài thơ chọn từ sáng tác của
anh. Các thân hữu cũng tổ chức giới thiệu thơ Phan Phụng Thạch tại văn phòng trại 2/5 Non Nước để tưởng nhớ anh.
Đọc lại thơ tình PPT, tôi rất tâm đắc với nhận định của bạn anh khi cho rằng
trong thơ PPT có hình ảnh những người con gái dịu dàng , xinh đẹp nhưng không
có mặt trong cuộc đời anh. Họ chỉ là Nàng thơ, đã làm rung động trái tim anh.
Có lẽ PPT không muốn chạm tay vào hình ảnh
đó, sợ sẽ tan biến đi chăng ?
Thơ: Phan Phụng Thạch.
Nhạc: Cao Hữu Điền.
Tiếng hát: Trần Quang Lộc.
Video clip: Phú Đoàn.
Sau khi Quảng
Trị đã kết thúc chiến tranh, gia đình đón anh về với quê nhà giữa ông bà thân
quyến ấmáp trầm hương... Hằng năm, mỗi lần Hội trường quý thầy,
bằng hữu, học trò cũ đều không quên thăm mộ, thắp hương tưởng nhớ anh. Và gần
đây thôi một nhóm thầy cô -thân hữu - học sinh cũ có nhã ý đóng góp để tôn tạo
phần mộ anh PPT, gia đình xin chân thành cám ơn nghĩa cử cao đẹp ấy ! Nhưng vì
anh đã ở giữa tổ tiên nên việc di dời không tiện. Chắc anh Thạch sẽ mỉm cười
khi nhìn thấy tập Phan Phụng Thạch - Di Cảo
& Ký ức được xuất bản. Xin vô vàn cảm tạ quý thầy cô và thân hữu! Chúng
tôi xin ghi lòng tạc dạ trước những tình cảm quý báu mà thầy cô và các thân hữu
dành cho anh tôi - nhà thơ Phan Phụng Thạch sau hơn 40 năm xa rời cõi tạm !
Làng Đạo Đầu, 10/11/2014
Phan Ngọc Bích