Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 19, 2017

LÁ KHÔNG THỂ NÀO ÔM LẤY CÂY - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


LÁ KHÔNG THỂ NÀO ÔM LẤY CÂY
Lê Hứa Huyền Trân

Ngày anh và cô quen nhau, thực tình cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chia tay. Cô không hẳn là một cô gái mộng mơ chỉ có điều khi đã yêu một ai cô luôn vững tin vào người đó, cái lòng tin ấy vững chãi đến độ cô cho rằng tất cả mọi hiểu lầm trên đời đều có thể hóa giải, chỉ cần hai người thực tâm thương nhau. Ngày đó, khi quen anh cô cũng mụ mị tin vào những điều như vậy, có điều cô cũng là một con người lí trí, và một khi quá thiên về lí trí thì chắc hẳn ít nhiều tình cảm cũng bị ảnh hưởng. Dẫu lí trí của cô không đủ để khiến hai người chia tay nhưng cũng đủ để ít nhiều cô nhận ra nhiều điều khiến cho nhận thức tốt đẹp của cô về anh ban đầu bị phá vỡ. Đó cũng là lúc cô thay lòng.
Anh bảnh, lúc nào cũng bảnh trong mắt của bao cô gái: mùi nước hoa thơm nức, áo sơ mi là thẳng, dáng dong dỏng cao nên dường như trong mắt các cô gái lúc nào anh bận đồ gì cũng đẹp. Anh có một giọng nói trầm ấm khác hẳn lũ con trai Sài thành lúc nào cũng bông đùa, lại khá ý tứ và biết chú ý đến mọi người xung quanh, khỏi phải nói dường như anh cứ như thần tượng của lũ con gái trong trường. Thậm chí ngay cả cái tên của anh: Mộc Miên cũng trở thành sự thu hút bởi nó độc, lạ, dễ thu hút những cô gái ghiền truyện ngôn tình. Rồi anh theo đuổi cô, ngày theo đuổi cô anh tự hào tuyên bố với cả trường cô sinh viên khoa ngữ văn năm nhất rồi sẽ đổ dưới mình. Điều đó làm cô ghét anh, điều đó làm nhiều cô gái trong trường ghét cô, ganh tị với cô nhưng rồi cũng chép miệng :” Họ thực sự quá xứng đôi vừa lứa”. Anh là chàng trai nổi tiếng của bách khoa, cô lại là hoa khôi gây ấn tượng bởi vẻ mong manh yếu mềm ngay từ những năm đầu đại học. Và lẽ thường trái tim của cô gái khoa văn thường rất dễ rung động, thường nhạy cảm, nhưng cũng rất chín chắn trong tình cảm, không dễ đổ trước một người.
Câu chuyện thứ nhất.
-Nếu lúc nào anh cũng lẽo đẽo theo tôi và nghĩ rằng tôi sẽ đổ trước một kẻ tình si thì anh nhầm rồi đấy,
-Sao em biết là anh theo em? Em quá tự tin với mình rồi đấy.
Cô quay phắt lại nhìn kẻ đáng ghét đã theo mình còn… trơ tráo. Từ ngày anh có những tuyên bố ngạo mạn ấy cô trở nên ghét anh kinh khủng, nỗi ghét hun đúc bởi những người quá đỗi tự tin. Sao cô không thấy ghét những người đàn ông vẫn theo đuổi cô mỗi ngày mà chỉ ghét anh? Vì không một ai đủ tự tin để chiếm lĩnh trái tim cô, thậm chí đôi lúc cô còn tự hỏi liệu cô ghét anh hay cô sợ, sợ mình sẽ yêu anh. Ngày nào cũng thế, khi bắt đầu ngày, mỗi lần cô bước ra cửa, còn đang khoan khoái tận hưởng khung cảnh mát mắt của buổi sớm dưới tán hoa giấy trước nhà thì ở góc đường cô đã thấy anh. Áo sơ mi trắng, tai đeo headphone trắng, chiếc quần jean rách đầu gối và mái tóc lất phất trước trán cứ như một nam tài tử Hàn Quốc nào đó.
-Em thích Into the new world đúng không?
Cô không trả lời anh leo lên xe đạp đạp thẳng, ngày nào cũng thế, mỗi khi cô bước ra khỏi nhà anh lại hỏi một câu về sở thích của cô, dĩ nhiên là cô chẳng bao giờ trả lời, và anh cũng chỉ chép miệng cười bởi điều đó. Khi theo sau cô lúc nào anh cũng hát, mỗi ngày một bài, toàn những bài cô thích, bằng thứ tiếng nước ngoài hơi khó nghe của anh, khi thì Run devil run, khi thì Divine… bỗng tiếng hát của anh im bặt, cô quay lại, chiếc xe đạp của anh ngã chỏng chơ, anh đang nằm sóng soài, hai bàn tay đang úp lại, mở ra thì thấy có một chú chim nhỏ. Anh bước lại gần một cái cây cao, để ý thì trên đó có một cái tổ rơm, anh vươn tay nhói lên rồi đặt chú chim lên tổ:
-Gớm, tí tuổi đầu mà đòi tập bay, té rồi thấy chưa? May là thấy anh đấy. Không thôi người ta cán rồi.
Nhìn gương mặt lấm lem và đôi vết trầy xước trên tay anh, cô chợt đi chậm lại. Dường như anh thắng gấp lại vì thấy chú chim nhỏ ngã khỏi tổ trên đường.
Câu chuyện thứ hai.
Cô vẫn tự hỏi tại sao anh của ngày hôm qua và lúc ở trên trường khác nhau dữ vậy. Ở trên trường cứ như một vị hoàng tử nhưng người hôm qua cô thấy, rõ ràng chỉ là một anh công nhân ở một công trường. Lúc cô đang đạp xe dọc đại lộ đi ngang qua một công trường thì bỗng cô nghe tiếng ai đó gọi :” Mộc Miên” rất to. Tiếng gọi ấy cũng như bao tiếng gọi khác trên đường nhưng cái tên ấy thì không hẳn là ai cũng có. Cô nhìn vào trong công trường đang xây dỡ ấy, những người phu đang gánh từng đống gạch đá đổ ra, một hình bóng quen thuộc đang xếp lại mớ betong. Chẳng phải đó là anh đấy sao? Cô tiến lại gần chỗ hai người đàn ông đang ngồi, hình bóng nhỏ bé nép sau đống gạch sau lưng hai người không để ai thấy .” Chẳng ai nghĩ Mộc Miên lại đi bốc vác nhỉ?”” Ừ thật, khối cô mà nhìn thấy tao lúc này chắc té ngửa”” Chẳng phải giờ mày thích An Nhiên sao?”” Ừ, tao thích cô ấy nên tao cũng không quan tâm mấy nường nghĩ gì nữa. Nhưng, liệu cô ấy thấy tao như thế này có thất vọng không nhỉ?”
Sáng hôm sau, anh vẫn đứng chờ cô ở con đường quen thuộc, góc ngõ nhỏ nhà cô. Vừa bước ra, thấy anh, cô không nói gì cả, chỉ đạp thật chậm. Anh được thể gọi với :” Cô bé ơi, cho anh đi cùng nhé?”. Cô vẫn không nói gì, chỉ đạp chậm hơn, cô đã cho anh đi cùng với mình.
Câu chuyện thứ ba.
Anh đánh đàn rất hay nhưng không ai biết đó là thứ gia đình luôn cấm anh. Chiều mưa, cô đứng đợi mãi ngoài hiên trường mà chẳng ngớt mưa, anh đang cầm dù đi ngang qua, lại gần cô đưa cây dù cho cô, cô ngần ngừ không lấy, anh để lại cây dù rồi bỏ chạy, cô đứng ngẩn ngơ. Vì lẽ nào đó, cô lại hỏi phòng trọ của anh, vì cớ trả lại cây dù, lúc gần tới nơi cô thấy đó là một căn trọ nhỏ nhưng bên trong đang có tiếng cãi qua cãi lại:
-Học đàn? Suốt ngày chỉ biết đàn, từ nhỏ đã đàn, con trai mà đàn làm gì? Đàn đúm cho hư à?
Cô thấy anh chỉ cúi gằm mặt không nói gì. Hai bàn tay anh đang rướm máu còn cây đàn đã vỡ. Cô lân la tìm hiều về anh, nhà anh khó, còn anh yêu nhạc từ thưở nhỏ (có lẽ vì thế cô luôn thấy anh đeo headphone), anh bị cấm nhưng chưa bao giờ từ bỏ ước mơ, mỗi lần lên phố là ba anh lại đập cây đàn anh mua mà ông tìm được dù anh đã giấu kĩ. Nhưng chưa bao giờ anh ngừng nỗ lực đến với thứ mà mình yêu thích. Cuộc sống của chàng trai với vẻ ngoài hào nhoáng dường như không hẳn chứa đựng những điều mỹ mãn.
Hôm sau, anh lại đứng trước nhà cô, thấy cô anh vội huyên thuyên:
-Em thấy không, anh là cây, em là lá, cây lúc nào cũng ôm lấy lá hết đó.
Cô mỉm cười:
-Anh biết so sánh đó
Anh hơi ngạc nhiên, còn cô thì cười. Cô đã chịu nói chuyện với anh.
Câu chuyện thứ tư.
Lúc hai người yêu nhau cả trường đều ganh tị. Tình cảm ấy khác với sự đồn đoán của nhiều người, kéo dài tới bốn năm cho tới khi An Nhiên tốt nghiệp. Cô đã ngày càng hiểu nhiều hơn về anh, và dường như khi yêu cô anh có một gương mặt rất khác, những gương mặt yếu đuối hay thậm chí là những mặt không- hoàn-hảo mà chỉ mình cô thấy được. Có lẽ bởi thế cô ngày càng yêu anh hơn, duy chỉ có một điều anh chưa bao giờ dẫn cô về nhà gặp bố mẹ. Ban đầu cô nghĩ bố mẹ anh khó. Chần chừ mãi cuối cùng hai người cũng về quê. Khu phố mà anh ở ngay cổng vào làng là một căn nhà với mái ngói đã nhuốm rêu, trông khá lụp xụp, những bờ tường loang lổ vôi vữa đã tróc và những trụ gỗ chống nhà chực đổ tới nơi, ở đó có một cụ già vừa nhìn thấy anh đã vội đứng dậy nhưng anh vờ như không thấy mà đi vào một ngôi nhà khác cạnh đó khang trang hơn. Hai người dường như đã có một chuyến thăm quê khá vui vẻ nếu ánh mắt của người đàn bà đó không ám ảnh An Nhiên đến vậy.
Ngày hôm sau một mình cô quay lại căn nhà đó, người phụ nữ đó nhận ra cô ngay và có vẻ muốn tránh. Đó là mẹ anh. Căn nhà đó cũng là nhà của anh. Nhà anh nghèo nên anh không muốn dẫn cô về và cũng vì thế anh “ thuê” một căn nhà hàng xóm làm “nhà anh”. Cô hơi bỡ ngỡ, bàng hoàng nhưng cũng vội trấn tĩnh. Nó giống như gây cho cô một vết đâm rất sâu nhưng cô im lặng vì không cảm giác đau nữa, có lẽ cũng bởi cô đau quá rồi. Ngày trước cô yêu anh, cũng vì nhận thức của cô, thấy được những điểm tốt của anh. Và giờ, gần như ngay lập tức cô cạn tình cũng vì những điều cô nhận ra. Biết anh giấu cô vì lòng kiêu hãnh của mình nên cô chỉ nói lời chia tay và nhận lỗi về mình mặc cho anh oán thán:
-Anh nói đúng, cây ôm được lá, chứ lá nhỏ bé quá, chẳng thể nào ôm được cây đâu.
“Nếu cả gia đình mình anh cũng chối bỏ, thế còn em thì sao?”

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân;
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định;
 phongtruongtu201@gmail.com.





READ MORE - LÁ KHÔNG THỂ NÀO ÔM LẤY CÂY - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

CHỈ CÓ CÔ MAI ĐÌNH LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ MÀ THÔI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                        Mai Đình và Hàn Mặc Tử


CHỈ CÓ CÔ MAI ĐÌNH LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ MÀ THÔI

     Hàn Mặc Tử đi vào cõi vĩnh hằng đã lâu mà ký ức về  người công dân số hai của “Tứ hữu Bàn Thành” vẫn đọng lại trong lòng ba tôi đến khó tả. Thỉnh thoảng, tôi nghe ông đọc “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ bao giờ tôi hết được yêu vì…/ ai đem tôi bỏ xuống hầm sâu…” Mãi sau này tôi mới biết, đó là một trong bốn bạn của Tứ Linh.   
      Sau khi đi thăm chú Chế Lan Viên, ba tôi bảo“Hôm nay ta sẽ đến thăm cô Mai Đình, bạn của Hàn Mặc Tử nghe con”. Rồi mở tờ giấy ghi chi chít những địa chỉ là địa chỉ ra bàn, dò xem, gấp lại cho vào túi áo ngực trái, xong lấy chiếc mũ phớt màu ghi xám úp lên đầu và leo lên chiếc xe Suzuki ông xã tôi đã nổ máy đợi trước cửa. 
 Nghe tên Mai Đình, tôi ngỡ ông già đang nhắc tới một huyền thoại, ở tận chân trời góc biển nào đó. Ngờ đâu nhà cô chỉ ở cách tôi có hai phường. Cô ở P.25, tôi P.27- Q.Bình Thạnh. 
       Tính tôi kỳ lắm, mỗi khi nghe tên ai dính đến Hàn Mặc Tử, tôi lại tò mò, muốn tỏ tường về những người đàn bà của nhà thơ giàu ngôn ngữ tình yêu nhưng nghèo sức lực sống này lắm.  
        Đi thăm cô Mai Đình về, nhìn vẻ tươi rói của ba khiến tôi càng tò mò. Tôi hỏi ngay: “Cô Mai Đình thế nào ba?” Ý tôi muốn biết diện mạo, tính tình hiện nay của cô. Chả là vì, khi xem bản thảo Hồi Ký “Hàn Mặc Tử anh tôi” của ông Nguyễn Bá Tín, thì nhân vật Mai Đình như là một thanh nữ không nhan sắc, không đứng đắn, đơn phương yêu Hàn say đắm. Đáp lại sự tò mò của tôi, ông nói: “Bà Mai Đình già nhưng trông rất trí thức, rất sôi nổi và nhiệt tình”. Tôi không thích câu trả lời này, nhưng sau đó ông nói tiếp: “Gặp ba, bà mừng như “cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Suốt buổi trò chuyện với ba, bà chỉ nhắc tới Hàn. Ba thấy tình cảm của bà đối với Hàn còn nồng nàn lắm. Bà say sưa kể về Hàn mà không màng đến người chồng đang ngồi cạnh, thao thao đọc thơ cho ba nghe làm ba ái ngại quá
        
  Em vẫn bên anh
  Lần này em đã quyết tâm
  Về đây ở một hai năm mới đành
  Để em theo dõi bệnh tình
  Bữa ăn, giấc ngủ cho anh đỡ sầu…

    Quả thật, gặp ba tôi - người cuối cùng của Bàn Thành tứ hữu, cô Mai Đình như rạng rỡ niềm vui hết cỡ. Dường như cô thỏa nỗi khát khao được trút hết bầu tâm sự để ba tôi rõ  cái tình mà cô dành cho bác Hàn. Ba tôi rất mực cảm phục tình cảm đó. 
  Nghe ba kể lại cuộc gặp với cô Mai Đình, tôi cũng vô cùng cảm phục tình cảm mà cô dành cho bác Hàn. Ối! sao có thứ tình yêu đẹp, thanh cao, thánh thiện đến khó tin là vậy, mà lại thực 100% kia đấy.  Xem bài thơ này bạn sẽ rõ thôi.

  TUYÊN BỐ          
  Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khó,
  Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
  Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi
  Và thân thể có phải đâu châu ngọc?
  Tôi yêu chàng đã khắc sâu vào tim óc,  
  Tôi thờ chàng như một vị thần linh…

 Ở quê, ba tôi thường nhận được sự quan tâm của cô qua những lá thư. Cô dặn ông như em út đối với ông anh còn lại. Lần nào về Qui Nhơn, bận gì bận cô vẫn tìm cách lên thị trấn thăm ông. Cô là cầu “nối vòng tay lớn” giữa nhà thơ với đồng hương Bình Định. Trong đó có cô Hoa Phương, vợ của nhà thơ Lam Giang. Tiếc thay hai người chưa có dịp hội ngộ nên cô Hoa Phương có để lại thư cho ba tôi:
   “…Rất tiếc là anh đi vắng. Vì thế tôi không được may mắn làm quen với anh. Tôi tâm nguyện là khi về tới Qui Nhơn sẽ tìm đến thăm anh chị với tất cả tấm lòng quí mến. Thơ anh rất hay, tình anh chị rất đẹp “qua thơ của anh” cho nên tôi ước ao được gặp, thật đáng buồn! Tôi đã già, gần 70 tuổi khó lòng về Qui Nhơn được nữa để thăm anh chị-một nhà thơ vào bậc thầy. Tôi xin phép anh cho tôi được gửi đến tặng anh vài bài thơ mới tập làm. Trước đó cũng có làm chơi một vài bài nhưng chưa gọi là thơ, chưa hiểu gì về luật-mong được anh thương những cô em gái tỉnh nhà yêu thơ-mà đừng cười chê, trái lại xin anh nâng đỡ những cây bút nữ còn rất híếm hoi trong tỉnh nhà để đàn em nó nhờ.
   Kính chúc anh chóng bình phục, chị trọn vẹn hạnh phúc bên anh đến giờ chót của cuộc đời.
                                                                   Thân kính
                                                          Qui Nhơn, 29/5/1991

 Đầu tháng 6 năm 1989, một người đàn ông đến nhà tìm tôi. Ông to con, rắn chắc, có lẻ hơn tuổi ba tôi. Khuôn mặt chữ điền, đôi mắt nghiêm nghị dễ làm tôi ngại. Ông tự giới thiệu “tôi là Nguyễn Bá Tín - em Hàn Mặc Tử, tìm cháu Bích Thủy, con nhà thơ Yến Lan”. Nghe đến tên Hàn tôi tức khắc mời ông vào nhà. Ông đưa cho tôi tập giấy kẻ ô vuông, khổ A3; trên viết chằng chịt chữ nhỏ ri rí. Tập giấy hơi nhàu, có lẽ đã qua tay nhiều người. Ông bảo “Nghe ba cháu nói, cơ quan cháu hay ra Bắc, nơi tin cậy bảo đảm bản thảo Hồi ký này đến được tay ông”. Ông dặn đi dặn lại “Sở dĩ chú không gửi bưu điện vì sợ thất lạc. Chú chỉ có bản viết tay này, không có bản thứ hai”. 
      Tôi nhận và chuyển cho ba liền sau đó. Một tuần sau, ba tôi trả lời đã nhận được. Không hiểu sao, giờ nghĩ lại, tôi thấy mình quá chủ quan, bởi gửi kiểu này đôi lúc cũng bị thất lạc. May quá, một thời gian sau hồi ký “Hàn Mặc Tử anh tôi” đã xuất hiện trên các sạp báo! 
      Ngày ấy, đọc thư ông Tín gửi cho ba, tôi thấy có vấn đề là ông Tín tỏ ra ấm ức, tức giận bác Quách Tấn, như sau 

Ngày 25 tháng 6 năm 1989
Anh Yến Lan thân, kính 
 Được thư anh 2 hôm nay, mãi đi tìm địa chỉ cháu Bích Thủy chạy khắp Sài Gòn, vì anh quên ghi tên đường. Hôm nay mới tìm ra thì lại là ngày chủ nhật, nên chưa tiếp xúc được.
 Tôi rất mong được các anh đọc hồi ký này trong tinh thần huynh đệ và giúp đỡ….
  Tập hồi ký này có nhiều chuyện mà chắc anh và các bạn không bao giờ ngờ được đến như thế, nếu chỉ nghe, hay đọc không chính thấy, hoặc dụng ý riêng tư.
 Bản thảo này tôi đưa cho anh Dịch nghiền ngẫm hơn một tháng, Dịch rất chân tình và vui vẻ. Tôi cũng rất nhiều lần sửa đi sửa lại nhưng không hề tránh né hay thêm bớt gì. Vì vậy, có lẽ anh đã nhận thấy tôi rất dè dặt không muốn ai xem bản thảo trước khi được xuất bản ngoại trừ các anh…”

Trả lời bức thư của ông Tín, ba tôi viết:

  Thuở sinh thời Hàn Mặc Tử rất yêu quí anh Quách Tấn, Quách Tấn đối xử Hàn cũng như di cảo của Hàn là rất chí nghĩa, chí tình. Quyển “Hàn Mặc Tử anh tôi” khi xong bản thảo có gửi ra nhờ tôi góp ý… tôi thấy cộm lên mấy chuyện: Vấn đề Quách Tấn, vấn đề Hàn Mặc Tử bị Thúc Tề bóc lột, vấn đề Mai Đình bị nhìn nhận thành một cô gái thiếu đứng đắn... Tôi đã viết bốn lá thư phản đối gửi cho tác giả. Đặt vấn đề như vậy nhằm mục đích gì? Có lợi cho việc hiểu thêm thơ Hàn Mặc Tử hay nhân dip đó mà công kích người khác. Sau đó quyển sách in ra, vấn đề Thúc Tề và Mai Đình có được sữa chữa ít nhiều, vấn đề Quách Tấn vẫn giữ nguyên….
   Tôi có đọc những bài báo của Quách Giao (Bách khoa văn học số 6 tháng 6 năm 1991), của Trần thị Huyền Trang (Tuần báo V.N số 30 ngày 27.7.1991) viết về vấn đề này. Nói chung cần phải làm cho mọi người hiểu tấm lòng anh Quách Tấn.

TM: Có dư luận cho rằng sao Quách Tấn giữ được tờ giao bản quyền mà không giữ được bản thảo thơ? (Tờ giao bản quyền có photocoppy và in trong bài báo của Quách Giao)

YL: Trước Cách mạng, thư viện anh Quách Tấn ngoài sách báo ra còn có nhiều bản thảo, di bút của bạn bè trong Nam ngoài Bắc rất quí giá. Nhiều nhất là của Tản Đà, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… các tập thơ chưa xuất bản của tôi cũng có ở đây. Năm 1944 anh Tấn đóng cửa nhờ một người láng giềng coi hộ rồi tản cư về Bình Định, chỉ mang theo tư trang tối thiểu và những giấy tờ tùy thân cần thiết. Giấy chứng nhận giữ bản quyền thơ Hàn Mặc Tử anh mang theo được vì nó chỉ là một tờ giấy. Còn di cảo thơ thì hàng nghìn tờ làm sao mang theo hết. Thời trước tự tay anh Quách Tấn đánh máy thơ Hàn Mặc Tử thành nhiều bản, 2 bản nộp cho Bộ giáo dục ở Huế, một bản cho gia đình Hàn, một bản cho Trọng Miên mang vào Sài Gòn, một bản cho Bích Khê ở Quảng Ngãi. Sau 1954 tài liệu ở nhà anh Quách Tấn bị mất. Hỏi Bộ giáo dục ở Huế cũng không còn. Các bản khác cũng không ai giữ được.
  Tất cả mọi điều trên, anh Quách Tấn có viết trong hồi ký, đã xuất bản ở Miền Nam trước năm 1975. Chỉ cần chịu khó đọc và có thiện ý một chút, chắc không ai nỡ trách móc anh  …”

                                                                      Lâm Bích Thủy

READ MORE - CHỈ CÓ CÔ MAI ĐÌNH LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ MÀ THÔI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy