Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 4, 2015

Thơ Huy Uyên: THƯ VIẾT TỪ QUẢNG-TRỊ / KHUYA VỀ LẠI GÒ-VẤP



Tác giả Huy Uyên

Thư viết từ Quảng-trị
               (gởi H.ở Pennsylvania)

Ta xưa phiêu bạt thời chinh-chiến
em về có còn nhớ gì ta
quê quán vẫn đắm chìm lận-đận
trở lại đây ta kẻ không nhà.

Máu đã đổ lấp đầy DMZ
mồ chôn cỏ, vàng từng sợi tóc
lên Dakrong, Cam-lộ núi sông hồ
về Rockpile lòng buồn như muốn khóc .

Dấu cũ hồn phai mờ trận-địa
dốc Miếu đau in vạn đường trần
xác người hai phía trôi về bể
lệ căm-hờn xa xót trăm năm .

Chiến-trường qua theo gió, núi, mưa bay
nghĩa-địa người chìm quên còn đó
Quảng-trị căm đau nhớ từng ngày
nửa đêm hồn ai vừa trổi dậy .

Cầm súng tay ta xưa đầy máu
xác thân vùi lấp tháng cùng năm
dấu trong tim lệ sầu còn ứa
quên môi hôn, người tự cõi xa-xăm .

Bên cổ-thành bao người ngã gục
bao năm quê cũ mãi điêu-linh
bên sông, thành lấp chôn ký-ức
dấu kín trong tim một bóng hình .

Thạch-hãn chờ người về sân ga
xóm chài xưa cả đời nghèo khó
em có về không mong đợi quê nhà
buồn vương theo chi mùa sương gió .

Con đường Gia-long một thời em bước
buổi ấy quê hương ngập máu người
trước ngày đi xa em quên hết
đã lâu rồi súng đạn xa trôi .

La-vang đêm nay có đợi người về
trên đồi còn chăng lời thét gọi
xuân, đời đi qua một giấc ngủ mê
ngày trở lại
Quảng-trị nhớ ai không nói .

Từ thuở vết cắt kẽm gai ứa máu
thư viết cho người thiêu đốt con tim
lên Long-hưng thắp sầu từ độ
để Trí-bưu chuông đổ Ba-lòng 
để đêm nay ngồi uống cạn rượu suông ...
                                       Huy Uyên

          
        
Khuya về lại Gò-Vấp

Đã khuất chuyến xe lam khuya nay
bóng ai đứng một mình đầu chợ
Gò-Vấp xưa năm tháng đi về
thao-trường và những giọt mồ hôi đổ .

Tháng năm lưu đày bọn lính quê tứ xứ
ngã đầu soi tóc bạc trắng đời xanh
tuổi hai mươi mộng sông hồ biển cả
đời trôi như con nước phiêu bồng .

Tiếc nhau chi về gói lại con tim
làm đám tang bên sông Sài-Gòn cuồng lũ
chôn sớm rồi giấc mộng quân-vương
áo mão xênh-xang về nghĩa-trang mây gió .

Đầu năm đứng giữa Sài-Gòn thầm nhớ
hận ai xưa gảy súng ngã cờ
một mình buồn lắt-lay theo con phố
nước mắt hoen chết giữa đường xưa .

Chiều ngẫn-ngơ đau đớn chợ Bến-Thành
đón ai người lính một lần về thành-phố
những con đường xưa ngờ như phủ lá cây rừng
ngờ như hôn người yêu
cuối tuần giữa trời lộng gió .

Mấy mươi năm bơ vơ trăm ngã
tôi về lại đây lần cuối đi tìm
đất trời Sài-Gòn bổng dưng xa lạ quá
để Gò-Vấp buồn xiết bao nỗi rưng-rưng .
                           Huy Uyên

                             (2015)
READ MORE - Thơ Huy Uyên: THƯ VIẾT TỪ QUẢNG-TRỊ / KHUYA VỀ LẠI GÒ-VẤP

MẸ VÀ GIÊNG HAI - thơ Lê Đăng Mành



Tác giả Lê Đăng Mành


MẸ VÀ GIÊNG HAI

Xuân chao rách tấm giêng hai
Mẹ bòn cơ cực vá vai đoạn trường
Trần thân phơi tủi gió sương
Ngọn bấc quơ nát vạt nương tội tình

Mầm nứt mơ giọt bình minh
Truân chuyên mót lại gom tình cho không
Qua thì cải vội ra ngòng
Qua xuân mẹ vẫn nghiêng đong mưa phùn

Lượm rìa làng chút ung dung
Cơ hàn dầu dãi đã từng Mẹ ơi!
Rét cào đông cạn máu tươi*
Mẹ hom hem gọi nắng phơi giêng mình!

                                        Lê Đăng Mành


*Tục ngữ Quảng Trị: Giêng hai cắn ngón tay không ra máu
READ MORE - MẸ VÀ GIÊNG HAI - thơ Lê Đăng Mành

ĐỌC “NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ" ĐƯỜNG THI LÊ NGỌC PHÁI - Châu Thạch





   ĐỌC “NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ" 
                                 ĐƯỜNG THI LÊ NGỌC PHÁI

                                                                   Châu Thạch

Hiện nay phong trào làm thơ Đường phát triển rất ngoạn mục trên diễn đàn văn chương nước ta. Ngoài những trang web và ấn phẩm của Hội thơ Đường luật Việt Nam chuyên về Đường thi,  hầu như trên tất cả các trang web văn chương khác đều có “Góc Thơ Đường” dành riêng cho bạn đọc và bạn viết yêu thích thể thơ nầy.
Quan niệm chơi Đường thi hiện nay cũng có hai ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng không nên chơi Đường thi vì Đường thi là thể thơ cổ điển, luật lệ nghiêm ngặt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hơn nữa,  Trung Quốc và ta vì đương “cơm không lành, canh không ngọt” nên tẩy chay nó đi là vừa. Tuy nhiên, đại đa số các nước trên thế giới đều thấy được rằng thể loại thơ Đường hiện đang tồn tại ở Việt Nam chính là thơ Đường của Việt Nam. Thơ Đường tuy phát xuất từ Trung Quốc nhưng du nhập vào nước ta đã hơn cả ngàn năm, được ông bà ta chắt lọc, cách tân và biến hóa thành văn hoá nước nhà. Ngay tại Trung Quốc, thơ Đường cũng đã biến mất từ lâu. Vậy chơi Đường thi là bảo tồn và phát huy cái hay của người xưa để lại. Trong nhiều năm gần đây, Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam đã quan tâm đến thể thơ Đường luật của Việt Nam và đã tạo điều kiện để duy trì và phát triển thể thơ này thông qua Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam và một số đơn vị hoặc tổ chức thơ văn khác.  Trong phong trào phát triển mạnh mẽ của thơ Đường hiện nay, tác giả Lê Ngọc Phái, cựu Giảng viên Đại học Huế, hiện là thành viên của Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh và Chánh Văn Phòng của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam đã phát hành tập thơ “Những Dấu Ấn Lịch Sử” vào đầu năm 2015.
 Tập thơ ‘Những Dấu Ấn Lịch Sử” gồm có 88 bài thơ Đường luật viết về lịch sử Việt nam từ thời Hùng Vương cho đến khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Bái năm 1930. Mỗi bài thơ còn kèm theo hình ảnh và chú thích để minh hoạ thêm nội dung. Tập thơ dùng Đường thi để kể lại những vinh quang của dân tộc Việt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước trước hoạ xâm lăng phương Bắc.
 Ở trang đầu Thượng Toạ Thích Thiện Thông (Trụ trì chùa Sắc Tứ Minh Thiện Khánh Hòa) đã tán dương tập thơ bằng một bài Đường thi có hai câu kết như sau:

              Tác phẩm vinh danh bao chiến tích
              Giả, chơn minh định đẹp vô bờ.

Nhà thơ Nguyễn Văn Quang (Cựu GS THNH) trong bài Đường thi cũng cảm tác, khái quát được nội dung của sách như sau:

            Bao trang sách, tạc bao thần tượng
            Mỗi áng thơ, ghi mỗi tấm lòng
            Sự tích anh hùng lưu hậu thế
            Vinh danh hào khí giống Tiên Rồng.

Và Châu Thạch tôi cũng cảm tác một bài tứ tuyệt như sau:

           Một áng văn chương lắm sắc bông
           Đường thi ghi dấu bậc anh hùng
           Nghìn thu rạng rỡ hồn dân Việt
           Xây dựng giang sơn giống Lạc Hồng.

Trên đây chỉ xin trích một vài khen tặng ngắn gọn có tóm tắt nội dung của tác phẩm, còn lại nhiều bài của các nhà thơ, các nhà phê bình thơ, các nhà trí thức, các Hòa Thượng, Thượng Toạ viết tỉ mỉ hơn về giá trị của “Những Dấu Ấn Lịch Sử” thì còn nhiều.
 Về giá trị văn chương của “Những Dấu Ấn Lịch Sử” thì nhà thơ nhà giáo Võ làng Trâm cảm tác bốn câu đầu của một bài Đường thi như sau:

           Tập thơ- lược kể các danh nhân
           Truyền bá sử ta đẹp mọi phần
           Thông suốt luật niêm không trái ý
           Chỉnh chu phép đối giữ thông vần

Nhà thơ Kim Hoa có bài tứ tuyệt như sau:

           Tiếng thơ khơi động tiếng gươm khua
           Vệ quốc, an dân nghiệp kế thừa
           Lịch sử ngàn năm bừng sống dậy
           Thầm nghe chí lớn của người xưa.

 Với chỉ hai nhận xét nêu trên cũng đủ xác nhận được
tập thơ với những bài Đường thi sít sao, chuẩn xác luật Đường thi một cách “Thông suốt luật niêm không trái ý/ Chỉnh chu phép đối giữ thông vần” và tiếng thơ
 “ khơi động tiếng gươm khua” làm cho người đọc cảm nhận được “Lịch sử ngàn năm bừng sống dậy/ Thầm nghe chí lớn của người xưa”. Vậy thì về giá trị văn chương của “Những Dấu Ấn Lịch Sử” thiết nghĩ không cần bàn tới nữa. 

Từ xưa ông cha ta đã dùng Đường thi để công bố chủ quyền đất nước, hịch quân sĩ , vinh danh tổ quốc thân yêu và cho đến nay những bài thơ như thế không bao giờ thiếu. Tuy thế, một tập Đường thi dành riêng để tôn vinh “Những Dấu Ân Lịch Sử” của dân tộc như tập thơ của tác giả Lê Ngọc Phái thì rất hiếm, hoặc nếu không lầm thì hình như không có. Thật như thế thì nhà thơ Lê Ngọc Phái là người có sáng kiến tiên phong, đáng trân trọng và hy vọng như nhà văn Nguyễn Khắc Phước đã viết:  “Một ngày nào đó, tôi tin rằng những bài thơ trong tập NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ sẽ xuất hiện trong sách giáo khoa”.

Đến đây Châu Thạch tôi nghĩ không nên viết gì thêm, để dành phần còn lại cho người tìm và đọc, khám phá những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc qua cây bút tài hoa Lê Ngọc Phái ./.

                                                                             Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ" ĐƯỜNG THI LÊ NGỌC PHÁI - Châu Thạch

DẤU YÊU - Thơ Nhật Quang




DẤU YÊU

Nắng vàng vương nhẹ bờ vai
Nụ hoa chúm chím em cài tóc xanh
Xuân ngời, mắt liễu long lanh
Vương bờ môi ngát tình anh đợi chờ

Tháng hai trời biếc xanh mơ
Nghiêng câu lục bát,hồn thơ đắm tình
Nhành yêu lộc nhú nguyên trinh
Yến oanh lảnh lót,bình minh ửng hồng

Con tim rạo rực tơ lòng
Dâng em một đóa hương nồng yêu thương
Nụ hồng mọng đẫm làn sương
Nở mùa hoa mộng, vấn vương ngạt ngào

Yêu nhau thầm ước tình trao
Nụ hôn ấm áp, dâng trào men yêu.

                                 Nhật Quang
                                 (TP. HCM )

READ MORE - DẤU YÊU - Thơ Nhật Quang