Lời bạt: Có những câu thơ gọi đò cho kí
ức của một thời rất trẻ nhưng vô cùng sâu lắng,
người đọc có thể tìm thấy những vần thơ ấy trong
“Người đàn bà khoác chiếc áo choàng” của nữ sĩ
Trương Lan Anh. Thơ chị nhẹ nhàng, nồng ấm, trong trẻo
như đóa hoa lung linh trong sương sớm ngày đầu ta gặp.
Bằng trái tim nhạy cảm, sâu thẳm, cây bút nữ này đã
mang đến những hơi thở mới để ta biết tên những
miền kí ức của cuộc đời, mang đến cho người đọc
những vùng thẩm mỹ tươi mới, độc đáo của tình yêu
dành cho đời và cho quê hương Quảng Trị dấu yêu qua
những khoảnh khắc cuộc đời với ngôn ngữ thơ mộc
mạc, lắng dịu, thuần hậu mà sâu sắc...
Có một quyền muôn thuở của nhà thơ là tìm về kí
ức – một đời người, một dòng sông - Nhà thơ
Trương Lan Anh cũng đi tìm kí ức trong những dòng sông
quê, những địa danh quen thuộc thân thương của đất
Quảng Trị mến yêu với tâm tình thương nhớ, trao gửi
và nắm giữ trong thẳm sâu tầm hồn của chị. “Người
đàn bà khóac chiếc áo choàng” trở thành biểu
tượng cho con người đi cùng năm tháng với ngẫm ngợi,
suy tư; với hạnh phúc bé nhỏ và những đợt sóng dội
lên trong lòng với bao cảm xúc, bao duyên nợ của một
thời lục bát, ca dao:
“Nợ nhau nên lại gặp nhau
Cầu qua chín nhịp lòng đau người
về
Nợ chi ta ở chốn quê
Người đi trốn tuyết hay về cố
hương?”
(Nợ)
Có niệm khúc của chiến tranh đi qua vẫn cồn cào
trong thơ của chị, trang thơ chất chứa cả một khoảng
trời không chút bình yên của cõi đời nhưng nhân nghĩa
rất tinh khôi, nguyên vẹn:
“Một dòng quê bên đục bên trong
Một dòng quê phân chia nhân nghĩa
Một nhịp cầu qua mà cắt thành hai nửa
Nghe đôi bờ xao xác tiếng gà trưa!…”
(Về quê hương Quảng Trị)
Thơ chị đã làm sống dậy những miền kí ức về bến
sông Quảng Trị, của kỉ niệm hằn sâu trong cuộc đời
qua những mùa yêu thương, những mùa lửa đạn trên quê
hương anh dũng này. Trên xứ sở Miền Trung gió lào cát
trắng, trên dòng sông nhiều nỗi đau lịch sử khi chiếc
khăn tang không chỉ vắt qua trong kí ức mà còn làm ám
ảnh lòng người hiện tại. Có thế chăng mà mảnh đất,
tình người và con sông đã trở thành hình ảnh và biểu
tượng trong thơ chị - Con sông với tiếng hát quê hương
là câu hò thương nhớ, là chòng chành giao duyên, là kí
ức của miền xa thẳm:
“Tháng bảy mùa hoa nở giữa lòng sông
Đèn hoa đăng sáng bừng lấp lánh
Con nước về cho đôi bờ sóng sánh
...............................
Khẽ khàng đặt những vòng hoa tháng bảy
Hoa lặng lẽ âm thầm trôi chảy
Đến muôn nơi đón đồng đội trở về”
(Hoa
nở giữa lòng sông)
Bao bài thơ của chị vọng về cảm xúc, kí ức của
người con Thành Cổ thế nên chị đã đưa vào thơ mình
thứ lửa của một thời để thao thức trái tim người
đọc khi hướng về tất cả những miền thực và miền
tâm linh. Thơ chị có sự giao thoa giữa chất tự sự trữ
tình với những khúc tráng ca, những khúc tình ca muôn
thưở - Đó là đặc điểm khó lẫn trong thơ của chị,
và nhà thơ đã biến cái chân chất, mộc mạc đó thành
một miền thơ dẫn dụ, lôi cuốn người đọc để được
sống với những điều chị sẻ chia, giãi bày. Nhiều câu
thơ của chị đã ra đời như để gọi thay những khắc
nghiệt lẫn những vẻ đẹp giản dị của quê hương với
nỗi đau của một thời đã xa trong tiếng gọi con khô
cháy cả dòng sông và cháy khô cả đời mẹ:
“Hương trầm bay trong gió
Đâu đây chốn con nằm
Con có nghe tiếng mẹ?
Gọi con cháy khô dòng”
(Cánh diều Thành Cổ)
Ta chợt thấu thị một điều, đối với Trương Lan Anh,
làm thơ là để san sẻ, để ghi nhận chứ không phải để
chứng tỏ. Chị nương trái tim mình theo nhịp thở của
sông quê mà thủ thỉ, tâm tình với
“Chiếc cầu quê
nối nỗi nhớ đôi bờ”:
“Em đã về tắm mắt
cả dòng thơ
Để quê anh đẹp mùa vàng lấp
lánh
Dòng sông in bầu trời xanh soi
bóng
Thuở em về thầm lặng hát
giao duyên!”
(Sông
hát giao duyên)
Là con người của hai thế hệ vừa ra khỏi cuộc
chiến tranh về lại đời thường, trong thơ chị có biết
bao nhiêu mảnh đất quê hương và nhiều lần chị nhắc
đến con sông quê thân thuộc. Đó là cõi đi về của một
tấm lòng với quê hương đất nước, với tình yêu chung
thủy sắt son:
“Em
nhé ta về tắm mát sông quê
Vĩnh
Định, Ô Lâu, Hiếu Giang, Thạch Hãn
Con sông nào cũng âm vang tiếng hát
Sóng vỗ đôi bờ dào dạt ánh trăng reo…”
(Về quê hương Quảng Trị)
Quan niệm thế
nào thì mùa gặt thơ như thế ấy; vùng thẩm mỹ trong
thơ của chị đi theo chân trời riêng của cái chân chất
thân quen đến từng hơi thở của kỉ niệm. Nó không có
chỗ dành cho những gì xa lạ, nó đích thị là trái tim
nghĩa tình trong chị, trái tim nặng trĩu những tình yêu,
những trăn trở và khát vọng. Thế nên, tần số mùa
xuân qua dòng thơ của chị đã là miền kí ức và là vệt
thời gian để gọi về khát vọng, yêu thương, hạnh phúc
cho nên nó đủ sức làm thành biểu tượng cho tâm hồn
yêu thương và nhạy cảm của chị đã làm nên những “Bẹ
mía đường non – Ngọt cả tâm hồn”. Câu thơ chị
có tiếng cười của con, có tấm lưng còng và giọt mồ
hôi của mẹ…Và chị đã bước vào thế giới của cuộc
đời bằng đôi chân ngày ấy với trái tim nhạy cảm,
yêu thương vô bờ. Chị ru con bằng cả sự giản dị,
hồn hậu mà đời thường bao người dễ dàng bỏ qua,
niềm vui như nở ấm trong tim mẹ để niềm đau tan
biến giữa trời trong giấc ngủ con thơ – và thơ chị
có chút ấm áp “rất đời” của nữ sĩ tài hoa Xuân
Quỳnh:
“Ngủ ngon con yêu
nhé
Dòng sữa mẹ thơm môi
Nụ cười con hoa nở
Hạnh phúc về tinh khôi”
(Nửa vành
trăng)
Nghiêng những câu thơ cho một đề tài vĩnh cửu của thi
ca - đề tài tình yêu, chị đã viết rất thật, rất hay
về điều tự hát của trái tim dịu dàng, nữ tính của
mình trong nhiều bài thơ dậy sóng những tình yêu. Những
vần thơ như chín cả suy tư của đời chị, chín cả
khát vọng và như một lời đồng vọng gửi về người
thương từ bến cửa Tùng:
“Hôn
đắm đuối một đời
rồi tan giữa hư vô
Sóng mang theo
Cả lâu đài giã tràng trên cát
Con dã tràng
Không còn ngơ ngác
Biết biển đa tình
Nên chỉ lặng im!”
(Cửa
Tùng chiều tím)
Tình yêu đối với người phụ nữ hầu như bao giờ
cũng gắn liền với số phận như một thứ định mệnh.
Thế nên thơ của họ phảng phất buồn và mọi điều
nói ra cũng cốt để che giấu nỗi buồn. Hình như trong
quan niệm tình cảm cũng đã chi phối đến quan niệm thẫm
mĩ, đường nét, giọng điệu, sắc màu trong thơ chị,
bởi chị cũng không là ngoại lệ:
“Thuyền ơi!
nhớ ghé về cồn chợ
Gối những giấc mơ
thật êm đềm…”
(Gối giấc mơ)
Thơ chị như chính thiên tính của người phụ nữ, như
con tằm rút ruột nhả tơ, chị đã lặng lẽ dệt nên
mảng màu của cuộc sống. Dưỡng chất ngọt ngào ứa ra
từ trái tim chị kết tinh từ cái tâm trong sạch thánh
thiện. Lời chân tình đó đủ sức vẫy gọi để có
những nụ cuời và những giọt nước mắt người đồng
cảm với những lời tự thú được soi ngắm từ nhiều
phương diện của đời sống với cả hạnh phúc ngọt
ngào lẫn khổ đau đắng chát. Lời chân tình ấy chảy
vào trái tim thơ cao quý. Đó là vẻ đẹp tâm hồn của
người mẹ, người vợ trong suốt triền thơ. Điều đó
đến với người đọc như những tặng vật, và hiển
nhiên mọi người sẽ có cách đón nhận riêng. Điều mà
ta ghi nhận là có được tặng vật ấy cho đời chị đã
chắt chiu, miệt mài, tâm huyết để dâng cho sự sống
này những điều đẹp nhất, bởi với chị “Thơ là
hiểu biết, là cứu độ, động lực, buông xả”
(Octavio Paz). Và chị có những câu thơ buông mềm như sợi
nắng lên gọi đời người sau những cơn mưa với những
cuộc tình – có cái trắc trở chòng chành của sóng nước
ca dao để gọi tên cho những tình yêu thuần khiết trong
tim:
“Vai mềm mười sợi nắng
lên
Một đời từ cái chông
chênh một đời”
(Sợi thương)
Có khi:
“Qua cầu anh bước mê say
Cầu bao nhiêu nhịp dạ này
ngẩn ngơ”
(Cầu giải lụa)
Đó là Eva của tiền kiếp; chị sẵn sàng từ chối
những biểu trưng mới nhưng vẫn có thể hòa nhịp đến
tận bề sâu. Đúng hơn, chị đối diện với mình để
tâm hồn đồng vọng trên những trang thơ. Đến với điều
này, thơ ca của chị đã tiếm vị cả thế giới xanh
tươi bằng trái tim của mình để lí giải, chiêm nghiệm
và sống cùng với nó hết cả một đời! Sự nhạy cảm
của trái tim chị đủ để dung chứa một mùa xuân nào
bay qua đời chị để xúc cảm dâng thành nỗi nhớ và
thành thơ:
“Mưa về hư vô
Về tháp đổ
Về chiều phố cổ
Tháp Chàm ơi…!
Ta nghe lòng mình
Chạm vào nỗi nhớ
Chạm vào yêu thương
Chạm vào kỉ niệm
Đất
Quế ơi!
(Mưa
lòng).
Chế
Lan Viên từng cất lên lời yêu trong “Tình ca ban mai”
với những gì trong trẻo nhất ….thì hôm nay chị cũng
có những bản tình ca cho mình và cho đời; những vệt
sóng ngầm của suy tư và chờ đợi, tựa như đất trời
rơi một giọt Tháp Chàm cũng đủ cho lòng chị rơi xuống
những suy tư và ước vọng. Cấu trúc câu thơ rơi để
ta giật mình tưởng đến “Trái tim hát những điều
lỗi nhịp - Nên câu thơ trúc trắc không vần”. Khác
với xưa vút lên bằng tiếng than, vọng về với nỗi
trăn trở thì hôm nay chị đã hỏi người, hỏi mình
thông qua hình ảnh lạ mà quen của ca dao xưa để khẳng
định khát vọng mãnh liệt của mình:
“Người đàn bà mặc chiếc áo của mình
Sau lần áo là một mùa hạ cháy
Mùa đông về ôi lạnh lùng biết mấy
Chiếc áo choàng có đủ ấm không em?”.
(Người đàn bà mặc chiếc áo choàng)
Lời
phân thân từ chiếc áo tình tứ của ca dao hóa thành lời
tự thú chân thành của con tim, mà con tim có biên giới vô
biên của nó! Và cứ thế, nhà thơ Trương Lan Anh đã đến
giữa cõi đời, cõi người bày tỏ trái tim chân thành và
xúc động, chị đã vẽ trái tim mình xuyên qua câu chữ
của lời thơ. Chị đã dám sống, dám yêu, dũng cảm đem
những ngõ ngách tâm hồn mình vào một cuộc chơi không
đơn giản: chơi với trái tim mình – chơi với nàng thơ;
đúng như Hegel từng viết: “Thơ bắt đầu từ cái
ngày mà con người cảm thấy cần bộc lộ mình”.
Tự bàn tay gieo hạt, tự bàn tay lấy nước; người
con gái Sông La đã đến đã về với dòng Ô
Lâu- dòng Thạch Hãn để hai vùng đất khép
chặt ân tình vẽ nên trái tim với bao nồng ấm,
yêu thương và nghĩa tình trong thơ chị.Hai vùng đất
bồi tụ nên phong cách vừa sâu thẳm, vừa dịu dàng ngọt
mát như những dòng sông. Người đàn bà mặc
chiếc áo choàng đã đến và gieo lại
những mùa vàng cho thơ để cả tình yêu, hồn quê,
hồn người sống dậy trong trang thơ của chị.Mỗi dòng
thơ là hành trình đi tìm khuôn mặt cuộc đời
và tái tạo cuộc đời bao chiều lên trang thơ hai
mặt,người đọc cũng thầm chúc cho chị gặt hái
những mùa thơ từ trái tim với bộn bề nỗi đời
thao
thức.
Nguyễn Văn Quốc