Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
NỤ CƯỜI CỦA DƯỢNG
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Ngày
tôi còn bé cứ mỗi hè về tôi lại về ngoại ở lì suốt mấy tháng, đứa cháu nhỏ nhất
nhà luôn được ông bà cưng yêu và mấy cậu dì trân quý, nuông chiều. Má tôi lấy
chồng xa xứ, nêu sau khi lấy ba tôi thì dọn ra Quy Nhơn lập nghiệp, bỏ lại sau
lưng miền quê ngoại Phú Yên thân thương để cùng chồng tới vùng đất mới tìm kế
sinh nhai. Cũng may hai nơi vốn chỉ cách dăm ba tiếng đi xe nên mỗi khi rảnh rỗi
cứ độ vài tháng có khi non năm không bận rộn gì má lại chở tôi về ngoại.
Tôi vô cùng thân thiết với nhà ngoại,
chị em họ đã cùng tôi lớn lên suốt những mùa hè năm ấy, nhưng người mà tôi nghĩ
là “hợp tính” tôi nhất lại là dượng Sáu, chồng dì Sáu tôi. Ban đầu tôi có cái
tính hơi ích kỉ với lối suy nghĩ cố hữu: chồng của dì thì cũng chỉ là người lạ
vốn không chung máu thịt với mình nên cũng tỏ ra xa cách. Hơn nữa, dượng lại là
người có vóc dáng khá cao, làn da đen nhẻm, trong mắt một đứa bé tí xíu ngày ấy
cứ như ông ba bị trong những câu chuyện kể.
Tôi còn nhớ tôi bắt đâu “ thân” với
dượng là khi tôi học lớp năm. Dượng tôi
vốn sống bằng nghề trồng bông trồng tắc để mùa Tết đem đi bán. Tôi vốn đặc biệt
yêu thích tắc, thậm chí nhà tôi luôn có quan niệm mỗi mùa Tết đến mà có một chậu
tắc trong nhà thể nào cũng may mắn cả năm, rồi hết Tết vặt trái pha nước uống
cũng ngon đáo để. Biết tôi đặc biệt thích, ngày đó dượng nhỏ nhẹ hỏi tôi:
“Thế có muốn ra vườn tắc chơi thử
không?”
Chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu. Vườn
tắc của dượng rộng lắm dễ đến mấy trăm cây, lần đầu tiên tôi thấy là khi chúng
còn nhỏ, cao chừng ngang đầu tôi ( tôi vốn lùn), bên trong mỗi chậu dượng có cắm
một cái cây tre nhỏ cao gần bằng mỗi cây tắc non để uốn chúng thành hình dượng
muốn. Dượng bế tôi vô cái chòi tránh nắng giữa vườn tắc rồi vừa hì hục đắp đất,
vừa dùng đôi bàn tay to bè uốn tỉ mẩn từng cái cành, vừa giải thích cho tôi tại
sao phải làm vậy. Cái hình ảnh ấy mang lại cho tôi cảm xúc kì lạ lắm : một người
đàn ông to lớn đang cong người dùng đôi bàn tay to bè đi nâng niu từng cái chồi
non.
“Dượng muốn có thể làm ra những cây
tắc đẹp nhất, sai nhất lại đúng mùa để bất kì ai mua cây cũng sẽ có một cái cây
chưng Tết thiệt là đẹp!”
Dượng chẳng sáo lộ mà mỗi lời nói đều
mộc mạc chân thành. Kể từ đó mỗi khi tôi
rảnh tôi vẫn hay lân la ra vườn cùng dượng, lâu
dần tôi chẳng còn sợ dượng. Sau này tôi mới nghe má kể, dượng nói chuyện với
má, hỏi tôi thích gì, biết tôi thích tắc thế là dượng mới dùng nó làm câu chuyện
để thân thiết với tôi hơn, yêu thương tôi nghĩa là dượng cũng rất yêu thương
gia đình dì tôi, yêu thương dì, chính vì thế tôi cũng dần mở lòng với dượng.
Mỗi năm, cứ vào những ngày giáp Tết
những xe tải tắc từ Phú Yên lại ùn ùn kéo vào Quy Nhơn, ngày đó thị trường Tết ở
Quy Nhơn “ màu mỡ” hơn nên họ thường trồng ở quê rồi chở ra QuY Nhơn bán. Dượng
cũng thế. Lần nào ghé Quy Nhơn dượng cũng tranh thủ ghé nhà tôi một chút dù rất
bận rộn với quây rạp, nhận chỗ bán và xếp tắc… Có những năm tôi còn nhớ rõ bàn
tay to bè của dượng vỗ vỗ đầu tôi khi tôi ngủ trưa vì dượng ghé lúc tôi ngủ, và
đặc biệt năm nào trước khi đi dượng cũng để lại nhà tôi một chậu tắc dễ cao hơn
đầu tôi có dòng chữ đỏ “ tặng cháu”. Má tôi thấy dượng bán buôn cũng khổ nên
cũng muốn trả tiền, nhận tấm lòng là được nhưng dượng cứ một mực không nhận lại
ra chiều giận:
“Em thương cháu nên tặng cháu, chị
làm vậy em thấy buồn.”
Cứ thế, mỗi năm, khi giao thừa đến,
khi trang trí cây tắc, và thấy dòng chữ ấm áp ấy, lại nhớ những gì ngày bé mình
thấy dượng làm tôi đều thấy cả sự chân thành trong đó. Khi dượng ra bán tắc ở
Quy Nhơn, tối tối gia đình tôi hay ghé chơi. Những người bán tắc và các cây cảnh
ngày Tết tạo cho thành phố nơi tôi ở thành một khu phố tấp nập ngập tràn sắc
hoa. Tối, họ thường ngủ lại tạm bợ bằng những cái võng mắc vội, ăn cơm hôp và
hôm nào cũng bán tới tận khuya vì thời điểm này người ta đi mua cây về chưng
không kể giờ giấc. Tôi rất thích theo dượng lẽo đẽo mời chào khách và nghe dượng
tư vấn rồi gồng mình bế mấy chậu tắc nhỏ chưng trên bàn giùm dượng, chỉ thế
cũng làm dượng vui. Dượng sẽ cứ bán như vậy cho đến sát giờ giao thừa khi không
ai mua nữa thì sẽ “đập chậu” sau đó bắt đầu lên xe về quê. Có những hôm tôi ngồi
chơi với dượng, thấy dượng đốt thuốc nhìn xa xăm, lẩm bẩm:
“Không biết dì mày mua được dì
chưa, năm nay tắc ế, không kịp đưa dì mua đồ cúng Tết. Hổng biết bả xoay đâu được…”
Tôi chợt hiểu vì gánh nặng mưu sinh
nên người đàn ông ấy phải đi xa nhà vào những ngày mà ai cũng hiểu Tết là phải “đoàn viên”.
Khi tôi bước vào cấp ba thì dượng
không còn ghé Quy Nhơn bán tắc nữa mà chuyển sang bán tại vườn, là trồng rồi để
người ta tới mua bán và chở đi chỗ khác bán như dượng ngày xưa. Cái này ít tiền
hơn nhưng không xa nhà nữa và đỡ lỗ hơn vì người ta đã đặt trồng. Tôi không còn
được nhận những cây tắc đầy tình thương của dượng nữa, nhưng mỗi khi rảnh rỗi
sau Tết dượng vẫn hay chở dì ra thăm gia đình tôi và cùng ăn Tết muộn. Mọi thứ
chẳng khác đi, tôi vân hay theo dượng nghe những cây chuyện dượng kể, nghe dượng
trầm ngâm và được dượng bày cho vun trồng mấy cây nhỏ trong vườn nhà. Truyền thống
ghé nhà tôi mỗi khi Tết vẫn luôn được dượng gìn giữ vì dượng cho rằng:
“Má mày ăn Tết xa quê hẳn là buồn lắm,
chở dì mày ra cho chị em gặp lại, cho thấy gần gũi gia đình.”
Tôi lên đại học bắt đầu học xa nhà,
những năm tháng ấy dì sinh em ở tuổi hiếm muộn nên cũng ít ghé Nhà tôi hơn,
nhưng dượng thì vẫn đúng giao thừa gọi điện chúc tết gia đình tôi như một thói
quen. Những năm đại học vì học xa tận Hà Nội tôi cũng ít về nhà dip tết toàn
khi về đã vào hè, vì xa xôi, và tiền bạc, cho đến năm cuối đại học, nghĩ sao
tôi lại để dành tiền về quê ăn Tết. Đón tôi tại cổng là dượng, đang bế trên tay
đứa nhỏ trạc ba bốn tuổi, mấy năm không gặp dượng vẫn thế, chỉ có mái tóc đã điểm
bạc, thấy tôi dượng cả mừng:
“Năm nay dượng đưa dì ghé Quy Nhơn
đón giao thừa, ơ hay, sao trùng hợp năm nay mày về.”
Tôi cũng bất ngờ khi gặp lại dượng,
cả vui, vừa bước vào trong nhà tôi chợt khựng lại, trước mặt tôi là một cây tắc
khá cao, trên cây có dòng chữ “ tặng cháu”, bên ngoài tôi nghe tiếng dượng cười vang cả một góc
sân…
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.