Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 6, 2011

TRẦN XUÂN AN - ĐỌC THƠ VÕ VĂN LUYẾN

1

Tôi cứ mãi bâng khuâng khi tìm đọc lại tập thơ đầu tay của Võ Văn Luyến. Điều đầu tiên tôi trực nhận ra cách đây đã hơn một năm, Võ Văn Luyến cũng như một số người thơ khác, hoàn toàn không phải ngẫu hứng khi chọn tên cho tập thơ đầu lòng, tập thơ gồm gần bảy mươi bài thơ anh đã cưu mang, trải lòng với bạn bè, người đọc trên nhiều trang báo suốt hai mươi năm qua: Trầm hương của gió (1). Trực nhận ấy đến lúc này, khi muốn chia sẻ với anh qua những dòng chữ của một bài viết, tôi không thể không nhớ lại dăm câu thơ, đoạn thơ trong tập.

Ở bài thơ Trầm hương, Võ Văn Luyến thể hiện cảm xúc của tâm trạng thường thấy nơi sâu thẳm của trái tim nhiều người, khi về lại một làng quê, làng quê ấy lại chính là mảnh đất đã cho anh tình yêu và chứng kiến trong anh niềm đau rạn vỡ, hối tiếc. Sau rất nhiều năm tháng, người thơ cứ mải mê tìm về kỉ niệm.


Quê kiểng Hoàng Anh chạm ngõ

Chút gì như thể mùa thu

Hối tiếc một thời rạn vỡ

Tình đây, người đã xa mù

Tìm giữa vườn xanh mắt thẳm

Hỏi hoa mấy độ đơm bông

Hỏi tình ngây thơ vụng dại

Buồn nghe lặng tiếng trầu không

Ngẩn ngơ anh về thả gió

Trầm hương kí ức ngút trời

Nỗi niềm mang mang hoa cỏ

Lòng chiều sương khói xa xôi.


Với ý định chỉ trích dẫn đôi ba dòng, nhưng bài thơ Trầm hương của Võ Văn Luyến chỉ vỏn vẹn 12 câu, lại rất khó lòng gạn bớt. Điều ngăn tôi đừng gạn bớt, đó chính là hình ảnh “anh về thả gió / trầm hương kí ức ngút trời…” ở đoạn kết của bài thơ. Không phải là hoài niệm, hối tiếc về những gì trót đã trôi qua nhưng hiện tại vẫn còn có cơ may lại gắn bó, chuộc lại lỗi lầm xưa! Quả thật, giữa đời này có bao niềm đau, ân hận trong kí ức của trái tim vẫn chỉ là niềm đau, ân hận, cho dù cơ may còn đó. Ở Trầm hương, chừng như người thơ về thắp một nén hương trên nấm mộ người yêu dấu xưa. Vĩnh viễn không còn cơ may nào nữa!

Tuy thế, tôi vẫn tìm một cách tiếp cận tứ thơ trong Trầm hương khác hẳn như cảm nhận ban đầu. Tự nhủ với chính mình, ai bảo gió trầm hương kia không phải là thoang thoảng hay ngút trời trầm hương ngày Tết? Chiều ba mươi, đêm giao thừa và những ngày nguyên đán không gian quanh ta chẳng ngan ngát, bảng lảng khói trầm hương là gì. Và cũng tự nhủ, ai bảo mùa thu thực tại không là mùa xuân kỉ niệm trong kí ức? Cũng đâu hẳn tiết trời thực tại lúc người thơ trở về chắc hẳn là mùa thu! Rõ ràng là “chút gì như thể mùa thu”, như thể mùa thu chứ không phải mùa thu! Và như thế, cõi xa mù nào đó trong bài Trầm hương cũng chỉ là một phố phường, làng quê nào xa lắc đó thôi. Cõi xa mù ấy không phải là nơi mà lòng người chỉ có thể giao cảm bằng những làn khói trầm hương khấn niệm.

Với cách tiếp cận thứ hai này, tôi cảm thấy ấm lòng hơn; và hình như nhờ Trầm hương của gió, tôi nhớ về trầm hương nguyên đán tháng giêng, cho dù mãi mãi chỉ còn trong kỉ niệm về người yêu dấu xưa.

Thơ Võ Văn Luyến có những bài nhẹ nhàng như có như không mà gợi mở nhiều chiều, lại thấm thía như thế. Anh không cầu kì, lập dị trong cảm xúc thơ. Thơ anh cứ từ tốn hiện lên trên trang giấy với những gì rất gần gũi, hầu như ai cũng một lần đã trải qua. Nhưng thơ Võ Văn Luyến cũng níu gọi người đọc. Tôi không thể ngừng lại cảm xúc có chút gì như thể khám phá thế giới thơ trong anh.

Lại gặp một lần nữa hương và trầm ở bài Thơ vui viết lúc buồn. Thật ra, niềm vui được hồi tưởng qua tâm trạng không những không vui, mà chừng như cũng không phải buồn bã. Nỗi buồn xen lẫn niềm hi vọng chăng? Cũng không phải là niềm hi vọng mãnh liệt.

Anh mường tượng lúc trở về

Chút đồng nội còn ngậm hương sắc áo

Trời đầy mưa, lòng mong tạnh ráo

Dấu môi xưa toả sáng tình trầm

Một đoạn thơ tươi sáng niềm hi vọng về tiếng gọi mùa thu dịu nhẹ dưới vòm trời không ướt sũng mưa! Hương không còn là mùi trầm, rõ ràng là hương đồng nội, nhưng môi người yêu dấu xưa vẫn phải lưu dấu xưa để toả sáng tình yêu thơm ngát mùi trầm. Sao vẫn là mùa thu, vẫn mùi trầm trong hương đồng nội? Tâm hồn Võ Văn Luyến mãi mãi nguyên đán với chút tình đầu chăng, cho dù tuổi chớm thu?

Hay tình trầm là khối tình cô đặc như trái tim nghệ sĩ Trương Chi trong cổ tích, nhưng không phải là khối tình trầm tuyệt vọng mà ngát thơm hạnh phúc trong hi vọng?

Thơ Võ Văn Luyến biết dừng lại để mời gọi đồng thời mở ra những nẻo đường của tưởng tượng thơ.

Và lại hương cùng trầm, nhưng ở bài Nắng trong mưa, vốn được đặt trước bài trên, là một từ ghép với một ngữ nghĩa nhất định. Lần này, không thể không gạn đi dăm câu có hình ảnh với ngôn từ sáo cũ, để còn lại một trong hai đoạn thơ đẹp nhất bài:

Buổi chiều ru tôi

Bằng xa xôi trầm hương của gió

Cơn gió ướt sũng thị thành

Làm sao hong khô tháng ngày cỏ mật

Đó là cuối chiều ở một ngõ phố, hẻm phường nào đó, nắng úa rơi theo mưa từng giọt, lóng lánh. Người thơ vẫn lắng nghe và đón nhận trầm hương của gió một thuở xa xôi, từ làng quê xa xôi. Lòng người thơ vẫn là kỉ niệm tháng ngày cỏ mật đồng nội, mà thị thành hoá ra là lực cản, một lực cản sũng nước!

Nếu tập thơ khép lại với hình ảnh trong cụm từ nguyên vẹn này: “Trầm hương của gió”, chúng ta cũng có thể hình dung và cảm nhận được tâm hồn và thế giới thơ của Võ Văn Luyến. Tuy vậy, tôi thấy cần phải chia sẻ với anh nhiều hơn, dẫu biết rằng, cho dù anh viết về cha mẹ, về anh chị, về đứa em út non yểu, về vợ con, và về Huế, Hà Nội hay về Mỹ Thuỷ của Quảng Trị quê nhà, cho dù anh viết về bạn bè, hay về Rembrandt, về O’Henry, hình như tâm hồn Võ Văn Luyến vẫn chỉ có thể thể hiện ra trang giấy với mùi trầm hương của gió.

Trầm hương của gió, mùi của tâm linh giao cảm với ai đó không còn nữa trên đời?

Trầm hương của gió, mùi của tâm linh giao cảm với nghìn xưa mênh mang trong dăm ngày Tết nguyên đán rực rỡ?

Trầm hương của gió không chỉ thế.


2

Tôi ngần ngại khi bày tỏ chút liên tưởng có vẻ xác thịt, phù hoa này: Trầm hương của gió, mùi hương liệu gợi lên niềm tinh khiết trong giọt nước hoa, thứ nước hoa vốn đã làm giảm bớt tính xa hoa, kiêu kì, kích thích? Mùi hương liệu trầm trong viên xà phòng chỉ để làm ngát thơm da thịt thiêng liêng?

Thơ viết về tình yêu thời trai trẻ của Võ Văn Luyến không ít, nhưng anh rất ít viết về nụ hôn nồng cháy, cảm giác rạo rực của phút tay chạm vào tay, của ánh mắt lướt vội qua vòm ngực thanh nữ tròn đầy, xinh đẹp đến bàng hoàng, ngây ngất. Đúng hơn, Võ Văn Luyến có cảm nhận, nhưng cảm nhận tình yêu với xác thịt trầm hương thanh khiết.

Mỹ Thuỷ, một vùng biển quê nhà Quảng Trị, với Võ Văn Luyến:

Cái tên đẹp như nàng tiên cá / Trong truyện cổ tích / Đêm đêm / Nàng hiện ra trên thảm cát / Lặng nghe con sóng xô bờ / Lặng nhìn những vì sao đổi chỗ / Những nụ hôn xẹt thành vệt sáng / Mông lung thiên hà khát vọng / Bỗng yêu hơn mặt đất con người / Mỹ Thủy… // … Những chiếc phong cầm xanh / Tấu khúc hoan ca ngày họp mặt / Cầm tay nàng tiên cá rót mật / Vào bài thơ Mỹ Thuỷ yên lành.

Người yêu dấu hoá ra chỉ là nàng tiên cá cổ tích! Nụ hôn không phải nồng nàn, đắm đuối, mà cuống quýt, chỉ dám vội vàng như vì sao băng bay xẹt ngang trời, cho dù niềm khao khát là cả thiên hà. Cái cầm tay không rạo rực, nóng bừng, mà chỉ là nâng lên bàn tay người yêu dấu để rót mật vào thơ cho một vùng quê biển yên lành, sau rất nhiều tháng năm nơi ấy máu đổ, súng bom gào thét.

Và một cửa biển khác, trên đất Thừa Thiên – Huế: Thuận An.

Biển Thuận An đầy gió

Thổi vơi dáng toạ Thiền

Vầng trăng trong lồng ngực

Vuốt đường cong thiên nhiên

Biển vô ưu quá thể

Nụ hôn xẹt ngang trời

Miên man mai xa Huế

Cổ tích lùa vào tôi.

Tôi cam đoan rằng, Mỹ Thuỷ và Thuận An trong Võ Văn Luyến là một, nhưng với Thuận An, người thơ trong anh táo bạo hơn. Người thơ thấy gió Thuận An mặn mà đến mức cõi đời bị thổi vơi mất những dáng người toạ thiền với quyết tâm đạt đến chiùnh niệm, xua tan nhục dục. Tuy vậy, với người thơ, vầng trăng không phải trên lồng ngực, mà trong lồng ngực. Trước khi “vuốt đường cong thiên nhiên”, trái tim phải thật sự toả sáng như vầng trăng. Và vì thế, biển dạt dào như muôn đời vẫn dạt dào vỗ sóng, nhưng vẫn vô ưu trước những nụ hôn phớt nhanh trên đôi môi nồng thơm, trên gò má ngan ngát của người yêu dấu.

Đó là trầm hương của gió, nụ hôn của gió, vuốt ve của gió, trong thơ Võ Văn Luyến.

Võ Văn Luyến còn viết Tình ca mùa đông. Trong bài thơ lục bát này, vẫn là vầng trăng tỏ và nụ hôn nồng, nhưng không còn là ẩn dụ kín đáo:

Biết rằng tôi đã mất em

Sao tôi

Vẫn sống cái đêm bắt đầu

Cái đêm trăng tỏ chân cầu

Nụ hôn cháy đến mai sau không tàn

Cái đêm

Những tưởng đa mang

Với thời gian

Với không gian

Cồn cào

Cái đêm

Lặng lẽ nhìn nhau

Cao xanh chấp chới nghìn câu nên vần

Thôi em

Từ tạ ngày xuân

Hoa mơ rã cánh phù dung sớm chiều…

… Rồi ra

Cũng một lần thôi

Nồng nàn như rượu

Say rồi lại quên…

Lục bát là thể thơ đầy thách thức. Tuyệt vời lục bát, nhưng khó khăn nhất vẫn là lục bát. Võ Văn Luyến bị vần lục bát níu vào khuôn sáo ở một đôi câu, nhưng tình thơ anh rất thật, thật trong một lần trót lỡ môi nồng, trót lỡ mắt ngọt, nhưng cũng thật trong ý thức trách nhiệm. Và anh càng thật khi thú nhận, hoá ra đó chỉ là nụ hôn của tình yêu ngỡ bền lâu, chung thuỷ, ngờ đâu như đóa hoa phù dung chóng úa!

Lần này, Võ Văn Luyến không còn nói đến trầm hương, anh nói đến rượu. Không phải rượu suông. Đúng là rượu nồng nàn. Ai đó say rồi quên, còn anh mãi nhớ. Nỗi nhớ trong anh cũng là trầm hương, làm thăng hoa một lần phạm tục và một đời phàm tục.

Võ Văn Luyến có một bài thơ với tứ thơ đã khá quen thuộc đối với nhiều nhà thơ Quảng Trị: Đi bên dòng sông tình sử. Riêng về đề tài này, anh viết không mới hơn, hay hơn hoặc sâu hơn, nhưng vẫn rất đáng trân trọng. Điều đáng trân trọng ấy là ý tưởng sâu kín ở ngoài bài thơ: Có gì đáng yêu hơn khi người yêu là cô gái quê nhà có cảm xúc gắn liền với tình sử quê hương, chứ không phải vay mượn từ văn hoá nước ngoài.

Thì đã yêu con sông khi đi bên em

Anh hoài cảm về cô lái đò ngày xưa ấy

Nước vẫn chảy bèo vẫn trôi

nhưng hình hài trái tim ở lại

Đập nhịp rộn ràng

Dẫu bao lần đến hẹn sang ngang

Cứ ngần ngại dòng sông nước chảy

Con đò trầm chìm một đời con gái

Có thể nào lặp lại trong nhau?…

… Cơ chi trời thắp nắng mãi mùa đông

Em ngồi kể mối tình xa xưa ấy

Rồi doạ dẫm: Nếu anh yêu thế đấy

Em sẽ làm con nước biếc nguồn trong!

Không phải con đò bằng trầm hương. Con đò dân dã đã trầm mình, chìm luôn một đời cô thôn nữ lái đò ngang tuyệt vọng, nông nổi quả quyết tự trầm mình! Nhưng cho dẫu nước chảy bèo trôi, trái tim Trương Chi trong lồng ngực cô gái lái đò xinh đẹp mãi mãi còn lại trong thơ. Cô gái Quảng Trị như anh viết, “duyên tơ một ngày thương đau trắng tóc”, còn chàng trai sĩ tử vác lều chõng vào kinh đô dự thi kia cứ vô tình biền biệt! Và anh còn bào chữa cho cô gái quê nhà nhẹ dạ, cả tin mà nặng tình, trọng tiết nghĩa, “nghĩa thương yêu, tội tình gì đâu / đa cảm thế, dễ dàng chi quên được”. Rõ là chất nhà thơ trong anh đã lấn át chất nhà giáo nghiêm khắc, tỉnh táo cũng ở trong anh.

Tôi cứ tiếc là Võ Văn Luyến không vượt được bốn câu lục bát ca dao tình sử:

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cộ (:cũ) con đò khác đưa

Cây đa bến cộ còn lưa

Đò xưa sớm thác, người xưa chưa về! (2)

Dẫu sao, Đi bên dòng sông tình sử của Võ Văn Luyến vẫn thoang thoảng trầm hương tình sử quê nhà Quảng Trị. Giá như cô gái Quảng Trị nào cũng chung thuỷ với lời hẹn ước như thế nhưng không nhẹ dạ, cả tin và nông nổi đến thế.

Cũng về tình sử, nhưng tình sử Phong Châu, nơi có thành Cổ Loa và nỏ thần, có mối tình oan khốc Mỵ Châu. Một Mỵ Châu được Võ Văn Luyến gọi là nàng Mỵ (nguyên văn của anh là Mỵ nương với chữ nương không viết hoa). Một trái tim người nữ bị tên giặc Triệu – Hán gián điệp lôi vào mưu kế cướp nước. Một lưỡi gươm oan nghiệt của An Dương vương đã vung lên và người con thương quý đã chết, chết cái chết của kẻ phản quốc. Một khối trầm hương màu đỏ tía (hay khối trầm hương chết?) đã được nhân dân tạc thành tượng công chúa cụt đầu để nghìn năm, muôn đời mãi nhớ. Một kẻ gián điệp cướp nước nhưng không bội tình tự kết án trầm mình xuống Giếng Ngọc. Có điều rất lạ là Võ Văn Luyến dùng chữ trầm với hai nghĩa. Thật ra, trong chữ Hán, chỉ có một chữ trầm mà thôi. Trầm là chìm, là sâu kín. Cũng mặt chữ Hán ấy, trầm phải đi đôi với hương để thành từ ghép chính phụ trầm hương, có nghĩa là loại gỗ hương liệu bỏ vào nước thì chìm. Ta quen gọi tắt là [gỗ] trầm. Tên giặc Triệu – Hán tự kết án chết trầm mình và hoá thành “khối tử trầm” trương nước Trọng Thuỷ bên “khối tử trầm” cụt đầu nàng Mỵ? Điều rất lạ còn là Bạch Mã – Hải Vân hùng quan, chứ không phải là đèo Mộ Giạ (Mụ Giạ), nơi An Dương vương cùng đường, và cũng là nơi An Dương vương biết rõ Mỵ Châu cũng là một thứ giặc ngồi sau lưng! Điều rất lạ ấy phải chăng là lòng anh muốn bao dung đến mức chiêu tuyết cho cả Trọng Thuỷ gián điệp, và cải biên huyền sử để tôn thờ cả chú ngựa trắng (Bạch Mã), vốn là “chứng nhân” duy nhất của bi kịch cha giết con vì con là giặc phản quốc ấy?

Lại rất tiếc là Võ Văn Luyến chưa thật thành công trong thể lục bát ở bài Chiêu tuyết khối tử trầm này. Nếu ở những bài khác anh thành công, đây là bài thứ hai (gồm bài Tình ca mùa đông ở đoạn trên), anh bị vần và nhịp thơ lục bát (một thể thơ tuyệt vời nhưng đầy thách đố) níu vào khuôn sáo, cũ mòn về ngôn từ, hình ảnh.

Trong thơ Võ Văn Luyến còn có chút gì xao động của trái tim, nhưng không hẳn là cảm xúc – tâm hồn yêu đương, càng không phải là cảm giác – da thịt yêu đương.

Rõ ràng không chỉ khép lòng lại với quê nhà Quảng Trị, người thơ đã mở rộng lòng mình ra đến những vùng đất xa trên đất nước. Đó còn là Hà Nội, chút duyên đến từ một câu thơ hay, đưa đẩy tới một lần đi dạo cùng nhau dưới hàng cây sấu, và Hà Nội qua một giọng hát học trò. Đó còn là cô gái Cần Thơ thoáng gặp ở Huế. Không phải là tình yêu đương, cơ chừng là những giây phút đa cảm, lãng mạn mơ hồ.

Có thể những thi thoảng ấy cũng là trầm hương của gió, toả ra từ chính khối trầm kết tinh trong ngực anh, phập phồng, co thắt – rộng mở, để tâm hồn anh luôn hồng tươi máu ấm? Tôi nghĩ đến tình yêu con người trên những miền xứ sở đất nước, bất chợt người thơ phản ánh ra ở từng dáng dung cụ thể nào đó và đồng thời bắt gặp lòng mình ở từng dáng dung cụ thể ấy.

3

Mở tập thơ Trầm hương của gió ra, chúng ta còn thấy những bài thơ về những tình cảm ruột thịt, thân thương. Út ơi! Đó là tiếng gọi thầm thì thương nhớ, cũng là tên một bài thơ. Hình ảnh người cha cặm cụi bên chiếc máy may từ sớm cho đến lúc dĩa dầu hao khô, từ tuổi trẻ cho đến lúc mắt mờ, tay run trước đường kim mũi chỉ, hình ảnh người mẹ từ thời thôn nữ trăng rằm đến tuổi già xế bóng vẫn một nắng hai sương cấy gặt trên đồng, chợ chiều chợ sớm, khiến lòng ta chùng lại, và càng nghẹn thắt khi đó là hình ảnh của nỗi nhớ thương trong niềm tưởng niệm về người em gái út non yểu:

Bố may đến dĩa dầu hao

Mẹ đi cấy. Út bám vào đôi vai

Dìu nhau chơi suốt cả ngày

Bạn bè hết dế đến bầy gà tơ

Lạ lùng thay, tuổi ngây thơ

Truyện Nôm làu thuộc chẳng chờ học xong…

Cha mẹ bận việc đến tối mắt tắt đèn, đứa anh trai phải cõng em gái út, dỗ em, chơi đùa với em, và nhờ nghe cha kể truyện thơ nên thuộc nằm lòng, lại kể cho em nghe từ tuổi chưa đến trường. Ngậm ngùi, đau xót là em không còn nữa trên đời, từ mấy mươi năm trước!

Thật ra, tôi đã diễn giải thơ Võ Văn Luyến. Với thơ anh, không cần đến thao tác đó. Thơ anh vốn trong sáng, dung dị, lại có dăm bài đã là một thứ truyện thơ dân dã. Chất truyện thơ này, chính anh đã nói lên nguồn gốc sâu xa của nó. Chỉ có đôi điều, tôi thấy tiếc, nếu anh dùng ngay tiếng địa phương Quảng Trị mình, như cha (hoặc bọ) và mạ, thay vì bố và mẹ, có lẽ những người đồng hương từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên – Huế xa quê sẽ bật khóc khi đọc Út ơi!.

Thơ Võ Văn Luyến còn rất xúc động khi anh viết về tình nghĩa trong hạnh phúc: hạnh phúc với người vợ (một cô giáo hệ mầm non) cùng hai đứa con gái cưng (Diễm Hạnh và Trang Phúc).

Trong thơ Võ Văn Luyến, bóng dáng quê nhà Quảng Trị xương rồng cát trắng vẫn rất trắng cát, nhưng thiếu hẳn màu xanh kiên cường, kiên tâm lạ lùng, hoa nở trắng muốt, nao lòng, say lòng và gai sắc đến bật máu tay vin, tay chạm vào đó. Anh không muốn nói đến gai sắc của loài hoa trắng muốt, thân khía cánh sao hoặc lá lưỡi rồng xanh, xanh một sắc xanh kiên cường, kiên tâm đến kinh ngạc ấy. Nhưng thật ra, gai sắc người ta vẫn yêu, như đã yêu hoa hồng, hoa bưởi lắm gai đó thôi. Và thật ra, tôi vẫn tìm thấy gai sắc trong thơ anh, loại gai cần có để lẩy những nhọt đanh cần lẩy kẻo ung thối da thịt người. Bài Làng xưa chứa đựng một niềm nhức nhối:

Nơi cất giấu sự bình yên

Bàn chân khắc đường kỉ hà năm tháng

Nơi những con đỉa đói lép kẹp

Một đời gập lưng đợi chờ bên cây lúa

Nơi lũ chuồn chuồn đẹp trăm sắc màu

Buồn không nhấc nổi mình bay liệng

Nơi hương đồng cỏ dại

Phung phí nỗi đam mê mòn vẹt

Làng làng làng làng làng

Đâu đó ai còn cất lên tiếng gọi!?

Tôi thật sự rùng mình kinh hãi. Làng xưa, chốn địa ngục do những Bá Kiến, những Nghị Quế thống trị đó sao? Những hình ảnh thường thấy, được chọn đặt vào thơ thành những ẩn dụ, mang ngữ nghĩa khác, tạo nên một lực phê phán nén chặt, và do đó, bùng nổ dữ dội. Làng thôn hôm nay được cảnh báo về nguy cơ vốn luôn luôn, muôn thuở mai phục – nguy cơ về sự tái lập địa ngục làng xưa, dưới bàn tay bọn cường hào ác bá mới, hút máu người, bóp chết ước mơ người! Đó là gai sắc của loài xương rồng hoa trắng trên miền cát trắng nghiệt ngã về thiên nhiên, tỉnh táo và sắc bén về trí tuệ, tầm nhìn.

Cho dẫu Võ Văn Luyến chỉ nói đến tâm hương chứ không phải hương trầm thật trong Út ơi!, hay không nhắc đến chút trầm hương nào trong bài Làng xưa, tôi vẫn bị tên của tập thơ là Trầm hương của gió ám ảnh. Như thể không nói đến gai sắc mà thật sự gai rất sắc, trầm hương ở đây là cũng như thế: hương của trầm (chất nhựa tinh luyện, cô đặc của một đời cây dó trên rừng thẳm) vẫn bảng lảng đâu đó từ cái tâm (trái tim) người viết.

Tôi có khiên cưỡng không, khi muốn bao quát hết tập thơ 67 bài của anh, vốn được anh tuyển chọn lại sau hơn 20 năm làm thơ, qua một tên chung cho cả tập? Thú thật, tôi muốn tìm ra một nẻo vào thế giới thơ của Võ Văn Luyến. Và từ góc độ trầm hương của gió mà anh đã định vị ở bìa sách, ở mỗi trang sách, với những ngã ba, ngã tư ý nghĩa (các tầng nghĩa) của cụm từ, tôi cảm nhận thơ anh.

4

Tôi biết Võ Văn Luyến không thể học được người thơ xưa, đốt trầm lên để làm thơ, ngâm thơ hoặc đàm đạo về thơ, trong làn hương thơm ngát với những sợi khói mỏng manh, la đà bay. Tôi cũng biết anh không thể đủ tiền để chơi sang bằng cách mua nguyên một khối trầm lớn, đem về khắc những hình ảnh kỉ niệm vào đó rồi đặt trên bàn viết. Thật ra, thi ca đã từ lâu rời khỏi những tao đàn quý tộc, quan lại, để về với giảng đường đấu tranh, chiến trường súng nổ, công trường dậy lửa, vỉa hè thành phố xô bồ, bùn đất nông thôn tĩnh lặng. Thi ca và trầm hương ngỡ không còn mối dây liên hệ nào. Nhưng cũng thật sự là không phải thế.

Thi ca và trầm hương vẫn còn đó, nhưng trầm hương là khối tim. Và không còn gió quẩn trong thi các, thi sảnh quan phương mà là gió đồng, gió biển, gió đồi, gió phố.

Trên khối trầm hương trong lồng ngực ấy, Võ Văn Luyến dành một chỗ cho tình đồng đội một thời làm nghĩa vụ quân sự ở biên giới phía Bắc, cho tình bạn của những người làm thơ, làm báo, dạy học.

Về tình bạn và duyên nghiệp thi ca, báo chí, Võ Văn Luyến viết được những bài thơ hay nhất trong Trầm hương của gió. Tôi chỉ xin trích nguyên văn 2 bài, không thêm một lời bình phẩm nào. Ai lại đi bình phẩm những gì đã thật sự làm mình rưng rưng nước mắt.

Khúc tang tình nhớ bạn (3)

Đường trăng lẻ bóng chân khuya

Nao nao một thuở đi về bên nhau

Nhiều đa mang vẫn cơ cầu

Chết trong hi vọng ngàn sau sạch lòng

Bạn vào phố thị người đông

Tôi về đồng đất cấy trồng niềm yêu

Thơ mang thời vụ ít nhiều

Nên chi dân dã bám theo kiếp người

Vẫn vầng trăng thắp bên trời

Vẫn câu nhân ngãi nói lời trái tim

Muôn sau đời mãi đi tìm

Muôn xưa còn đó nổi chìm lênh đênh

Mặc ai gõ nhịp kim tiền

Ta làm gõ kiến an nhiên hồn mình

Tình tang là cái tang tình

Vãn đường chợt thấy bóng hình trôi theo.


Cảm khúc

Tặng TXA., NH.

Bây giờ bên cốc rượu đắng

Bạn bè một thuở ra đi

Tôi ngồi bên tôi thầm lặng

Đèn xanh, ngọn đỏ, đề thi

Dặn lòng còn đầy thương nhớ

Dấu chân lối cũ đi về

Trắng đất, trắng trời áo trắng

Sao ta trắng nỗi đê mê?

Hành trang câu thơ mỏng mảnh

Gió bay qua mặt con người

Ta cúi nhặt từng con chữ

Ròng ròng cát trắng tuôn rơi…

Đã tự nhủ mình không nên bình phẩm trước những bài thơ tặng mình, khiến mình rưng rưng nước mắt, nhưng cũng không thể kìm được!

Tôi hiểu Võ Văn Luyến, anh muốn thể hiện một điều: Là nhà giáo, anh luôn luôn trắng nỗi yêu mê trước những tà áo trắng học trò phổ thông trung học. Yêu mê (yêu đương đến mê dại), chứ không phải đê mê (cảm giác mê mẩn bậc thấp hoặc trạng thái man mác, bát ngát). Người đọc thường tiếp nhận từ “đê mê” theo nghĩa thường dùng, phổ biến nhất (trong tiếng Việt hầu như chỉ có một nghĩa ấy)! Phải chăng, với nghĩa đó, nhà giáo Võ Văn Luyến đã khẳng định bằng câu hỏi phủ định một cách thẳng thừng, bộc trực đến thế? Thẳng thừng, bộc trực là điều khá lạ trong thơ anh. Và mặc dù người đọc đồng ý rằng, tác giả viết ra hai chữ “đê mê” để phủ định, nhưng ai cũng hiểu là, chỉ cần lỡ tay viết đến hai chữ ấy trong văn cảnh thể hiện quan hệ trong trắng học trò – bảng đen, phấn trắng đó, sẽ tạo nên một hiệu ứng phản cảm, ít ra cũng nghe rất chỏi, rất ngại.

Trong kho từ vựng còn có từ trầm mê, Đào Duy Anh định nghĩa bằng nghĩa mở rộng trong Từ điển Hán – Việt của ông: mê muội, đắm chìm [trong những giáo thuyết]. Ồ, với giáo thuyết nào, ta cũng cố thấu suốt, đồng thời phải cố vượt lên để làm chủ trí tuệ mình! Hình như anh chẳng nói thế là gì trong bài Tự sự trước năm 2000, một bài thơ trong Trầm hương của gió? Vậy thì, hãy tự hỏi vì sao ta trắng sạch nỗi trầm mê hoặc yêu mê chăng? Hay vẫn để nguyên văn câu tự hỏi, trước khung cảnh trắng đất, trắng trời áo trắng, ta biết vì sao ta vẫn giữ lòng trong trắng với nỗi man mác, bát ngát?

Và cũng phải nói thêm một điều nữa, trước khi khép lại bài viết đồng cảm, chia sẻ này. Võ Văn Luyến đừng lo thơ ca của mình rồi như nước lã, như cát khô chảy sạch qua kẽ tay. Con chim gõ kiến vàng, với một hình ảnh trong thơ hiện đại được nhiều người biết đến, ta ngỡ như biểu tượng gõ nhịp thời gian, cứ tích tắc, tích tắc, và bàn tay vốc cát khô, cát ròng ròng chảy, với tri thức văn học cổ, ta ngỡ như đồng hồ nước, đồng hồ cát, cứ rơi rơi, rơi rơi. Nhịp gõ tích tắc và tiếng rơi rơi, cũng như âm thanh của đồng hồ tự động, điện tử, sẽ mãi âm vang thầm thì vào vô tận. Chúc Võ Văn Luyến kiên tâm với nhịp trái tim – khối trầm hương thơ ca trong ngực mình. Rộn ràng. Tê dại. Xao xuyến. Trầm lắng. Náo nức. Và ở nơi lồng ngực đó, còn rất nhiều cung bậc khác của tình cảm con người, rất con người, nhưng căn bản vẫn rất đúng đắn, chuẩn mực – đúng đắn, chuẩn mực của thật – tốt – đẹp.

Đọc bài viết này, tôi hi vọng sẽ là một dịp Võ Văn Luyến nhìn lại để bước tới. Với tinh thần chia sẻ, nhất là có ý thức lắng nghe các phản hồi, những gì tôi viết, đúng hay sai, sâu hay cạn, khen hay chê, thiết tưởng không phải là vô ích. Bạn có thể thẩm định lại.

Nhà thơ – thạc sĩ văn chương Võ Văn Luyến vẫn còn nhiều tập thơ và tiểu luận. Bạn thân mến, tôi chúc tất cả sẽ được xuất bản trong nay mai!

Tp. HCM., 10 giờ 02 phút

ngày 12. 9. HB4

(28. 7 Giáp thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

(1) Trầm hương của gió, Nxb. Thuận Hoá, 2003.

(2) Trong tiểu thuyết Bướm trắng, Nhất Linh có ghi lại bài ca dao này. Xem thêm: Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao Việt Nam, bản in lần thứ 8, Nxb. KHXH., 1978, tr. 298 – 299. Theo tôi nghĩ, trong sđd., Vũ Ngọc Phan đã chép lại một tục bản (bản viết nối), chứ không phải là dị bản. Nhưng không hiểu sao, Vũ Ngọc Phan lại tách ra làm hai, xem như hai bài độc lập, mỗi bài chỉ một cặp câu lục và bát. Nguyên văn như sau:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa

Cây đa cũ, bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ!

Với tục bản này, ca dao Quảng Trị hình như đã được nhân dân ở đó sáng tạo thêm theo mô-típ (motif) “tình chị duyên em”, “tình bạn duyên mình” với hoàn cảnh cụ thể là con đò xưa (chị / bạn) sớm thác, thì con đò nay (em / mình) vẫn chờ sĩ tử (khách bộ hành), nếu người sĩ tử ấy thật sự có nghĩa. Tôi cũng mong chàng trai vào kinh đô dự thi ấy thật lòng có nghĩa thuỷ chung, không phải cố tình phụ bạc, nhưng vì hoàn cảnh nào đó, không thể quay lại với con đò hẹn ước.

(3) Trích đúng nguyên văn, có đối chiếu (để chỉnh sửa lỗi in ấn): Nhiều tác giả, Còn đây thương nhớ, tuyển tập thơ, Hội Văn học – nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, 1993, tr. 41. Bài này còn được đăng trên tạp chí Cửa Việt, tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN.), nhưng rất tiếc, tôi chưa kịp tra cứu lại số và ngày tháng năm phát hành.

Đã gửi:

1. Võ Văn Luyến (ngay sau khi viết xong, 12. 9. 2004)

2. Inrasara (12. 9. 2004)

(Bài đã đăng trên Tạp chí Cửa Việt, số tháng 11. 2004).

Nguồn: http://c.1asphost.com/TrXuanAn/

READ MORE - TRẦN XUÂN AN - ĐỌC THƠ VÕ VĂN LUYẾN

ĐOÀN QUỲNH NHƯ - THÁNG SÁU SÀI GÒN



Chiều nay cũng như những buổi chiều nao cơn mưa ào ạt lại đi qua thành phố này, khoảng cách chỉ từ đường băng về nơi cư ngụ chỉ vài bước chân thôi cũng kịp để ướt sũng, Đã bao năm với mưa Sài Gòn, nó thật thà đến và đi như bản tính của con người bản xứ.

Khi rời xa thành phố ồn ào này, màu mưa nắng cứ bàng bạc trong trí nhớ tôi, không tỏ không mờ, mà thân quen quá đỗi. Từng góc phố, con đường, hàng cây bốn mùa xanh lá; những con hẻm nằm nép thân chênh vênh bên toà nhà như ngày càng muốn đẫy đà hơn; ghánh hàng rong đội nón xuôi ngược của các bà các chị, người lái xe ôm thư thả đọc báo chờ khách nơi cột điện góc phố phường, hè quán càfê nơi người người tiện đường ghé chân uống ly nước mát hay tránh cái nắng như bốn mùa đều là “hạ trắng”…và cô đọng trong tôi từng gương mặt anh em bạn bè gần gũi giọng nói điệu cười, những ánh mắt hiền hoà, hiền như tia nắng buổi mai Sài Gòn sóng sánh tách càfê thơm tho.


Đặc sản nơi đây có lẽ là “nắng Sài Gòn” ai có một lần “nếm” qua cũng sẽ khó mà quên. Không thể quên những trưa nắng đổ trộn lẫn với đường phố xe cộ khói bụi, tiếng ồn lất át những gương mặt vận hành bất động.


Dẫu vậy khi chiều tà đêm buông thì sự dịu dàng nữ tính của cô gái Sài Gòn hiện ra với hàng cây xanh gió lộng, phố khoác lên mình chiếc áo lung linh vũ điệu màu sắc ánh sáng.


Nó như là một thực thể có hai phần âm dương như đêm và ngày tách biệt. Ban ngày, một chàng thanh niên với thân hình vạm vỡ, lực lưỡng để ghánh vác bao guồng quay cuộc sống, cần đến năng lượng cả mồ hôi, sự xông xáo và năng động. Còn khi đêm về thì kiều diễm đỏng đảnh như môt cô gái trẻ trung luôn biết điểm trang trên môi nụ cười tươi tắn.


Có lẽ đó là nét hài hoà, món quà tạo hoá ban tặng cho thành phố này. Khi ai đã có lần ghé đến thì đều muốn có dịp quay lại không hẳn là thôi thúc nếu như có thêm một lý do riêng nào đó…/.



Đ.Q.N



Nguồn: vanchuongviet.org


READ MORE - ĐOÀN QUỲNH NHƯ - THÁNG SÁU SÀI GÒN

VÕ THỊ NHƯ MAI dịch thơ VÕ VĂN HOA


SOMEWHERE FARAWAY


someone drying her hair every morning

someone sleeping with his unforgotten love for years

somewhere faraway

I’m on my way searching you

lagerstroemia spreading her purple beauty on hillsides

gloomy squirrel passing by

white rabbit disappearing behind the foliage

there reflecting my shadow

in the tales of somewhere far far away

somewhere faraway

wild birds spreading their wings

along Truong Son,

are you still searching for your girly footprints ?

a time of smoke and fire

wondering whereabout your teammates lying

trees in the thick forest crowded with wounds

someone is drying her hair

with a distant look in her eyes

towards Truong Son...


(poem by Vo Van Hoa, translated by Nhu Mai)


CÓ MỘT NƠI XA NÀO


Có người hong tóc mỗi sớm thức dậy

Có người ngủ quên chuyện tình mấy mươi năm

Có một nơi xa nào!

Tôi đi tìm em

Hoa bằng lăng tím sườn đồi đến lạ

Con sóc buồn, con thỏ trắng vụt qua khóm lá

Tôi soi bóng mình

Như soi vào cổ tích

Có một nơi xa nào !

Có một nơi xa nào !

Chim rừng động cánh

Em vẫn đi dọc TrườngSơn

Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa

Đồng đội em ngã xuống nơi nào ?

Cây rừng ken dày phế tích

Có người hong tóc

Mắt vẫn hướng về xa ấy,

Trường Sơn…


22/10/2004

READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI dịch thơ VÕ VĂN HOA