Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 24, 2013

RƯỢU, THƠ, BẠN VÀ VỢ - chùm lục bát - Hoàng Đình Chiến



RƯỢU, THƠ, BẠN VÀ VỢ

Trao đời cho Rượu, cho Thơ
Sáu lăm xuân vẫn nhởn nhơ cánh diều
Trải bao giông sớm bão chiều
Rượu và Thơ đã cho nhiều bạn chơi
Xin đừng trách cứ, vợ ơi
Vì thơ, vì  bạn nên lơi việc chồng.

Tháng 6-2013


TRỐNG CƠM ĐẤT CHÍN RỒNG

Tình bằng là tình bằng ơi
Trống cơm Kinh Bắc về nơi Chín Rồng
Vẫn đàn con sít lội sông
Lục bình tím ngát bềnh bồng sóng chao

Trầu têm cánh phượng nơi nào
Áo bà ba thắm nôn nao đi tìm
Người còn mải miết cánh chim
Tình bằng se chỉ luồn kim đợi chờ

Ầu ơ, con nhện giăng tơ
Mùi câu vọng cổ ngẩn ngơ cuối trời
Tang bồng trôi dạt Bến Đời
Trống huơ đôi mắt một trời lim dim .

Tháng giêng 2010



TUỔI SÁU MƯƠI

Tóc ta một áng mây trời
Trắng bông để cháu nội chơi bồng bềnh
Cuối đời trang sách nhẹ tênh
Núi chon von trải, gập gềnh thác qua
Võng tăng có lúc là nhà
Trung quân mái lá giữa bao la rừng
Đung đưa nằm giữa lưng chừng
Hai ô cửa sổ tưng bừng pháo hoa…
Cụng ly mấy chiến binh già
Ngâm nga thơ phú mừng đà …sáu mươi
Sáu mươi, quá nửa cuộc đời
Vẫn ham sấp ngửa cuộc chơi gieo vần.

Sinh nhật sáu chục



TƯƠNG TƯ QUAN HỌ

Thêm một lần trẩy Hội Lim
Tương tư Quan họ đi tìm diêu bông.
Người thì vụng nhớ trộm mong
Người thì theo lái sang sông dứt tình.
Trèo lên Quán Dốc một mình
Gốc đa còn một chút tình đơn côi.
Nón Ba Tầm trót rách rồi
Mạn thuyền ai tựa ai ngồi với ai.
Mong sao ngày ngắn đêm dài
Sống trong mơ với hình hài ngày xưa.
Lẻ loi một mái đò đưa
Tương tư Quan họ có chừa cố nhân?


Xuân 2008
READ MORE - RƯỢU, THƠ, BẠN VÀ VỢ - chùm lục bát - Hoàng Đình Chiến

TẤN THỐI LƯỠNG NAN - thơ xướng họa - Trần Ngộ, Trương Đình Đăng, Hồ Trọng Trí




TẤN THỐI LƯỠNG NAN

Năm nay cưới hỏi thấy triền miên
Tháng sáu vừa qua bảy đám liền
Thiệp đỏ chưa đi lòng khó ổn
Thiếp vàng đã đến dạ nào yên
Thân bằng đây đó mời liên tục
Quyến thuộc xa gần cũng tới phiên
Lương bổng còm còi đâu có mấy
Làm thinh xin kiếu chắc e phiền

TRẦN NGỘ
(LÂM ĐỒNG)



PHIỀN NẠN

Ma chay cưới hỏi cứ liên miên
Mỗi đám bay teo mấy xị liền
Thân thuộc đã mời khôn chối thác
Quen sơ thiệp đến khó ngồi yên
Thị trường chi phối thuần phong loạn
Văn hóa giao hòa bản sắc phiên
Tình nghĩa cân đo lời lỗ tính
Không lo chấn chỉnh để lâu phiền

TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
(ĐÀ NẴNG)


Trần Ngộ biên tập

CÙNG XÓA TỆ NẠN
(họa xáo vần)
                
Thời nào cưới hỏi chẳng liên miên                
Liệu kế trù phương giải thoát liền                
Thân thuộc phải đi tình mới ổn
Người dưng chẳng dự lý hằng yên                
Chủ nhân hạn chế tràn lan thiệp                
Thực khách giảm đi đỡ chuốc phiền                
Nhận thức mời khan là tệ nạn                
Tiệc tùng gọn nhẹ dễ lên phiên

Hồ Trọng Trí
Kim Long, BRVT 









READ MORE - TẤN THỐI LƯỠNG NAN - thơ xướng họa - Trần Ngộ, Trương Đình Đăng, Hồ Trọng Trí

XA RỒI TÌNH YÊU - thơ Thùy Châu



Mình em cuối ở sân ga
Nhìn con tàu chạy mưa sa nhạt nhòa
Đau thương cố nén vở òa
Nghe môi mặn chát hay là nước mưa
Thương anh nói mấy cũng thừa
Trông theo, nước mắt cũng vừa trên mi
Tàu ơi dừng lại đừng đi
Cho em lần cuối ôm ghì lấy anh
Dẫu rằng tình quả mong manh
Nhưng bao kỷ niệm ngày xanh vẫn tràn
Lòng đau biết thuở nào tan
Khi tình như bóng chiều tàn cuối sân
Con đường  cát nhỏ bâng khuâng
Em về  trong gió ngại ngần bước chân
Nghe hơi sương xuống thật gần
Trên vai bé nhỏ khép dần đôi tay
Tình yêu mật ngọt bao ngày
Giờ  anh bỏ lại cho đầy thương đau
Thôi thì tự nhủ mai sau
Tình xem như áo qua cầu gió bay. 

THÙY CHÂU


READ MORE - XA RỒI TÌNH YÊU - thơ Thùy Châu

CÔ GIÁO NHÀ TRẺ - thơ Châu Thạch



Có một vì sao không ở trên trời
Có một đóa hoa không tàn  úa
Hay ông Bụt hóa thân từ Di Lặc
Biến thành cô giáo trẻ thanh cao.


Ta nhìn em lòng cảm thấy nao nao
Không phải yêu đâu mà vô cùng xúc động
Em múa hát giữa bầu trời cao rộng
Có cây xanh, có đàn trẻ làm theo.


Vòng quanh em những đôi mắt trong veo
Những tiếng nói giọng cười nghe trong vắt
Em đứng giữa và mùa như vụt tắt
Chỉ còn xuân gom lại ở trong vườn.


Cô giáo trẻ ơi có phải Thiên Đường
Ở trong cô một linh hồn trần thế
Cô là gì để cho tôi kính nể
Cô là cô! Là cô giáo cho đời.


Châu Thạch
READ MORE - CÔ GIÁO NHÀ TRẺ - thơ Châu Thạch

Lê Liên - CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "MƯA GIÀ... SÂN SI" CỦA VĨNH THUYÊN

Vĩnh Thuyên

MƯA GIÀ... SÂN SI

Đời đã thiếu
Nợ thơ cũng chịu
Chỉ nửa vần
Người có... tôi xin. 

Giọt mưa trên lá
Nửa khuya giật mình
Tiếng quen sao lạ

Mưa xiên lá đổ
Xót người bâng quơ
Mùa sang mấy độ 

Mưa xuyên cành lá
Mang đi bụi ngày
Đêm còn... Mưa mãi...

Mưa đan gió gọi
Mắt sâu mặn nồng
Hanh hao một cõi

Trời đất yêu gì
Tôi yêu quá đổi
Mưa già... sân si

VĨNH THUYÊN



Lê Liên

           Lời bình của Lê Liên

          Tôi không có diễm phúc đọc được nhiều thơ, (bởi bây giờ có quá nhiều người làm thơ!) Riêng với tác giả Vĩnh Thuyên tôi mới đọc được một số bài thơ của anh.
          Cũng giống như thi hữu Lê Hào nhận xét “thơ (Vĩnh Thuyên) đa chiều... Mỗi bài thơ điều có một cái ý mới lạ. Làm thơ không sa vào cái mòn cũ quả là không dễ…”. Đúng vậy, tôi cũng đồng tình như thế!
          Bởi, mỗi bài thơ của Vĩnh Thuyên như tiếng lòng của mỗi kiếp người, ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tôi thầm nghĩ Vĩnh Thuyên có bề dày, bề sâu của những trải nghiệm đa chiều như thế chăng? Hay anh là người luôn tĩnh thức trước cuộc sống? Để rồi ghi nhận lại và chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người qua những sáng tác rất cô đọng nhưng vô cùng súc tích của anh.


          Khi nhận được bản thảo bài thơ MƯA GIÀ… SÂN SI này, tôi khám phá ra nhiều điều thú vị:
          Chỉ có bốn từ trong một câu thì việc chuyển ý tưởng đã khó.
          Mà mỗi khổ thơ chỉ có ba câu thôi! Nhưng nó chạm vào lòng trắc ẩn của ta. Khiến cho ta chiêm nghiệm ra được triết lý sâu xa nào đó (?) Mà chỉ có ta mới tự cho mình một phương án thích hợp, để lấp vào khoảng trống thiếu trong cuộc đời mình.
          Tôi chắc rằng tác giả đang “mở lòng mình ra trước”, để mời gọi mọi người “tùy thích” chia sẻ “thêm” cảm xúc của mình vào những câu thơ tiếp theo, cho trọn vẹn từng khổ thơ mà anh đang “bỏ lửng”! 
          Và, với sự phối hợp rất thông minh này, phải chăng nhà thơ muốn tạo nên những bản giao hưởng tuyệt vời, muôn màu muôn vẻ trong đời sống riêng của mỗi con người?


          “Đời đã thiếu
           Nợ thơ cũng chịu
           Chỉ nửa vần
           Người có...tôi xin” 
           Hy vọng bạn sẽ  không ngạc nhiên khi tôi đề cập đến khổ thơ này! Vĩnh Thuyên đã tách nó ra riêng, để làm lời bạt. Ta có thể hiểu nó ở nhiều khía cạnh khác nhau.
          Ngôn từ ĐỜI chừng như đã hòa nhập, đã tan loảng vào mỗi con người chúng ta. Ta cảm nhận được khái niệm về ĐỜI bởi vì trong đó bao gồm cả ta nữa.
           “Đời đã thiếu”
          Có ai dám tuyên bố mình không hề thiếu thốn ? Người thì thiếu tiền bạc, vật chất; người thiếu tình thương yêu, và gần như ai cũng CÓ nhiều thứ rồi, nhưng luôn cảm thấy CHƯA ĐỦ.
          Mặt khác: Ta thiếu nợ đời; Người thiếu nợ ta.
          Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ xoáy vào Đời, vào Người , vào Ta như luân hồi, nghiệp chướng vậy.
          Nhà thơ thừa nhận "đời đã thiếu”  như một mặc nhiên. Anh không nói rõ đã THIẾU GÌ?
          Đời thiếu nợ ta (?) Hay Ta thiếu nợ Đời? Bởi, nó muôn hình vạn trạng. Chỉ mỗi người, tự cảm nhận được mình đã thiếu gì mà thôi!
          “Nợ thơ cũng chịu”.
          Câu thơ trên dùng từ ĐÃ. Câu tiếp dùng từ CŨNG như là nghệ thuật khoan đối, biểu hiện sự đồng tình, cam chịu vì nhau.
          Thơ và đời hai bản thể không tách rời nhau. 
          Vĩnh Thuyên có bút pháp khá độc đáo: hay dùng từ đồng âm đa nghĩa. Cho nên từ CHỊU ở đây ta cũng có thể hiểu như là THIẾU CHỊU nữa.
          Vậy nên, nhà thơ đang đưa chúng ta qua góc cạnh khác, mà nói dí dỏm một chút theo ngôn ngữ kinh tế là “mất khả năng chi trả”, cho nên Đời mà đã thiếu rồi, thì lấy chi trả nợ cho thơ?
          Phải chăng khi rơi vào tình trạng bất khả kháng rồi, Vĩnh Thuyên cứ phó mặc nợ cho đời, nên cũng đành thiếu chịu với thơ?
          Nhưng rồi anh lại tha thiết:
          “chỉ xin nửa vần
          Người có…tôi xin”
          Cũng hợp lý thôi! Thà xin để không bị thiếu nợ. Mà chỉ xin “nửa vần” thôi. Thì ra, nhà thơ cũng biết làm khó cho người rồi? Một cách làm khó thật đáng yêu khiến người ta  không thể từ chối, mà còn rộng lòng sẻ chia!
          Có phải vì lẽ trên mà mấy khổ thơ sau, Vĩnh Thuyên chỉ làm có ba câu để chờ người khác cho nốt những câu còn lại, như cách gởi gấm hay chia sẻ cảm xúc cho nhau.
          Bạn thử cho Vĩnh Thuyên “câu thơ của riêng bạn”, nhà thơ nhận rồi, nó vẫn là của riêng bạn đấy thôi! Nghệ thuật cho và nhận ở đây mới thú vị làm sao!


          “Giọt mưa trên lá
          Nửa khuya giật mình
          Tiếng quen sao lạ” 
          Vĩnh Thuyên thường dùng những hình ảnh rất mộc trong đời sống, để khắc họa vào đó những ưu tư rất đổi thường tình, nhưng lại mang đậm tính triết lý sống rất sâu sắc.
          “Giọt mưa trên lá” 
          Chẳng ai lạ gì tiếng mưa rơi, vậy mà âm thanh của giọt mưa rơi trên lá “rất khẻ” bỗng dưng làm ta giật mình?
          “Nửa khuya giật mình
          Tiếng quen sao lạ” 

          Bối cảnh ban đêm thường cho chúng ta đối diện với chính mình dễ dàng hơn. Sự thinh lặng của đêm thường giúp chúng ta lắng nghe được tiếng lòng của mình rõ hơn.
          Ở đây tác giả viết: “nửa khuya giật mình” như mở lối cho chúng ta “sớm cảnh tỉnh”, đừng “để quá muộn”, khi mình chợt “thấy lạ trước những điều thân quen”, đã cố hữu trong đời sống của mình.
          Bởi, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường vô tình khi tiếp nhận tình yêu thương, chăm sóc của người thân, coi đó như một sự hiển nhiên, rồi mặc nhiên chúng ta quên đi lòng biết ơn và sự đáp trả đối với họ.


           Nói cách khác, chúng cần phải biết để ý đến cảm nhận của những người chung quanh mình nhiều hơn nữa để tránh được cảnh:
           “Mưa xiên lá đổ
            Xót người bâng quơ
            Mùa sang mấy độ”

          “Mưa xiên lá đổ”
           Hình ảnh này làm ta liên tưởng đến những điều đáng tiếc thường xảy ra trong cuộc sống, khi mà những mối quan hệ tốt đẹp của con người, bị đổ vỡ từ những điều tưởng chừng như rất vụn vặt, rất vô lý.
          Để rồi không chỉ người trong cuộc, mà còn lây lan cho cả những người ngoài cuộc phải “Xót người bâng quơ”. Làm cho “Mùa sang mấy độ” (Khiến ta chạnh lòng!) Tự nghĩ những chuyện đáng tiếc đó, liện có cơ duyên khôi phục lại, được tốt đẹp như xưa không?


          “Mưa xuyên cành lá
          Mang đi bụi ngày
          Đêm còn...Mưa mãi...” 

          Khi có ai đó phàn nàn về chuyện bị dơ bẩn, ta thường nghe các cụ chỉ dẫn “Lấy nước làm sạch”. Nước mang lại giải pháp hữu hiệu khi ta muốn làm sạch cái gì đó. Mà mưa là nguồn nước vô tận cung cấp cho sự sống này.
 
          Với khổ thơ trên Vĩnh Thuyên cho ta hình dung được sự tươi mới của vạn vật sau khi được gột rửa trong mưa.
          “Mưa xuyên cành lá” 
          Hình ảnh này luôn cuống hút tầm nhìn của mỗi người khi ngắm mưa bay! Từ “xuyên” cho ta hình tượng rất đẹp.
          Tác giả đã khéo léo gởi gấm vào từ  “xuyên” này biết bao nỗi niềm: tấm chân tình, lòng tận tụy, sự thấu đáo, tính uyển chuyển trong mối quan hệ cộng đồng
          Mưa trong khổ thơ này là hiện thân của một tình cảm đầy thiện chí, nó mang đi những tì vết xấu, và làm triển nở những điều tốt đẹp.
          Chỉ khi người ta đối xử chân tình với nhau, thì mối quan hệ ấy mới được duy trì mãi mãi.


          “Mưa đan gió gọi
          Mắt sâu mặn nồng
          Hanh hao một cõi” 
          Thú thật, khi đọc “mưa đan gió gọi” lập tức trong trí tưởng của tôi hình thành ngay một tấm lưới yêu thương, được dệt bằng những sợi mưa mát rượi, chúng giăng mắc vào nhau để đón gió về. Lúc ấy, gió sẽ lọt qua từng ô lưới, khiến những âm thanh reo vui bật lên rộn rã .
          Hình ảnh sinh động trên, cho ta liên tưởng đến mối tương giao tốt đẹp,  được xây dựng bởi sự THUẬN TÌNH.
          “Mắt sâu mặn nồng/ hanh hao một cõi” . Hai câu thơ thật thâm trầm! Khắc họa nên hình ảnh đẹp của con người miệt mài suy tư, luôn trăn trỡ cho cuộc sống.
           Vĩnh Thuyên đang nhắc nhỡ cho ta biết trong cuộc đời này, cái gì cũng có “giá trị riêng” của nó. Nếu không ưu tư, thao thức, không “theo đuổi đến cùng” thì làm sao ta đạt được ước mơ.


          “Trời đất yêu gì
          Tôi yêu quá đổi
          Mưa già... sân si” 
          Khổ thơ cuối này thật đáng yêu! Ta nhận ra sự vô tư trong nếp nghĩ của một tâm hồn quảng đại. Tác giả cũng không ngại ngùng, dấu diếm, mà còn thừa nhận rằng mình đã yêu, và dâng hiến cả tấm lòng của mình cho tình yêu không một mảy may toan tính hơn thua, được mất. 
          Ta thường nghe “thương nhau lắm! cắn nhau đau”. Để có một tình yêu hoàn hão, người ta phải trãi qua những xung đột trong đời sống, rồi tự điều chỉnh lại cho phù hợp với nhau hơn.
          Thậm chí, có khi phải thỏa hiệp cả với những điểm xấu của nhau, bằng tấm lòng khoan dung, độ lượng, để mong trung tín trọn vẹn với tình yêu, mà mình đã lựa chọn.


           Bài thơ ngắn nhưng hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc.Trong phạm vi nhỏ, hạn hẹp này, tôi chỉ bày tỏ được một vài khía cạnh ở bề nổi. Bạn có thể nhận thức về nó từ góc khuất nào đó, rất đa chiều, mà nhà thơ đang cất giữ, và cả chính bạn cũng đang cất giữ.
          Với tôi, đây là một “Dụ Ngôn Tình Yêu” đặc sắc.


          Cảm ơn nhà thơ Vĩnh Thuyên đã giúp tôi khám phá ra những điều bí ẩn trong cuộc sống này.

          Lê Liên


READ MORE - Lê Liên - CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "MƯA GIÀ... SÂN SI" CỦA VĨNH THUYÊN

MẤT - CÒN - thơ Trương Thúc

Trương Thúc


MẤT

Em giấu Xuân sau vành lá nón 
Những ngại ngùng thôn dã đường quen
Bóng tre nghiêng đong đưa chiều xuống
Tôi; thơ tình vội vã quên tên

Em giấu xanh, thơm mùa ổi chín
Bởi nắng vàng, ríu rít vành khuyên
Hoa mắc cỡ níu chân sắc tím
Tôi; sau thầm so đếm bước quen

Em giấu tình ép hoa trang vở
Cùng nỗi niềm ngây dại quên tên
Lần qua ngõ sau cùng bước lỡ
Tôi; một lần thinh lặng mất em


CÒN

Hạ dừng chân bùi ngùi chốn cũ
Tôi giấu đời sau thuốc nhuộm đen
Những rã rời lang thang dâu bể
Em đã về, tình cũ đường quen

Dẫu chân chim ngang đời tôi vẽ
Vẫn mượt mà có dáng tóc em
Lời trần tình thắm màu chuông mõ
Chút cuối đời ai dễ cố quên

Em giấu niềm vô thường trong cỏ
Cùng những loài hoa lạ không tên
Kiếp đời này em luôn dáng nhỏ
Tôi nhủ thầm; tôi vẫn còn em

Trương Thúc

dieukhacgia772@gmail.com
READ MORE - MẤT - CÒN - thơ Trương Thúc

Thơ văn thầy cô giáo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: CẢM XÚC BÊN DÒNG SÔNG TÌNH SỬ - Lê Đức Diệu (GV Trường THCS Hải Tân)

Trích từ tập san 
HOA ĐẦU MÙA số 15
của Phòng Giáo dục-Đào tạo 
huyện Hải Lăng, 
tỉnh Quảng Trị
        


            





 Công tác tại Hải Tân gần 15 năm, tôi có dịp đi nhiều và tìm hiểu các ngõ ngách của mọi đường thôn, lối xóm. Trong tâm thức của tôi, Hải Tân hiện về như một kí ức đẹp, một người tình mà dẫu thời gian có trôi đi vẫn luôn luôn rấm rứt trong lòng một nỗi hoài mong.
            Tôi nhớ về Hải Tân bởi nơi ấy ngoài hệ thống đình chùa, họ tộc còn có tên của một nhánh sông hiền hoà, thơ mộng. Sông Ô Lâu chất chứa như một trang tình sử, trải qua triệu triệu năm vẫn trẻ mãi. Ô Lâu như một thiếu nữ không biết đến và không vướng bận gì về thời gian cùng những quy luật nghiệt ngã của dòng đời.
            Ô Lâu (có tên gọi khác là sông Thu Rơi), đi qua vùng đất nhiều truông cát nên nước ngọt mà trong, dòng chảy êm đềm, xuôi mái. Cùng với nhánh Ô Giang, Ô Lâu ôm trọn Hải Tân như một vòng tay bao dung, độ lượng tưới mát cho các làng quê, làm cho chất nước thêm ngọt ngào, chất đất thêm ngai ngái, tăng độ sữa cho các cánh đồng trĩu bông, tăng vị mặn mà cho những vườn cây sai quả, tăng độ nồng cho các loại hoa màu và cũng kết tinh hiền tài ở những dòng họ lớn với những con người đỗ đạt, thành danh.  
            Tôi gọi Ô Lâu là dòng sông tình và dòng sông thơ. Nó không như sông Hương là một thanh kiếm dựng giữa trời (ý thơ Cao Bá Quát). Nó là mái tóc của nàng thiếu nữ mới gội còn nguyên hương của vị bồ kết nồng thơm. Nó là nguồn cảm hứng cho các thi nhân từ thuở đi khai hoang mở cõi, làm dịu đi nỗi nhớ làng quê cho những chuyến di dân từ Bắc vào Nam. Nó thấm đượn tình sử bi thương từ ngày công chúa Huyền Trân thân gái dặm trường theo vua Chiêm Thành Chế Mân để giữ hòa khí hai nước, tránh nạn binh đao và đổi lấy hai châu Ô, Rí (sau này đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu):
                 Hai châu Ô, Rí vuông nghìn dặm
                 Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
            Nó cũng là nơi chứng giám lời hò hẹn và cuộc tình duyên đẹp mà dang dở của chàng sĩ tử từ Đàng Ngoài vào kinh ứng thí với cô lái đò trên bến cộ. Dòng đời cứ trôi, dòng sông cứ chảy, bóng dáng quê hương vẫn cứ nghiêng mình xuống dòng sông, kí ức về những trang tình sử vẫn còn lưu dấu. Ô Lâu là thế, có cây phong lưu, có cây ngô đồng, có không biết bao thế hệ đã để lại tâm sự của mình lại nơi đây.
            Hệ thống đình làng, họ tộc cũng theo triền sông được dựng lên, trang điểm thêm cho dòng sông. Có thể nói: Ô Lâu đẹp bởi có hệ thống đình chùa, các từ đường họ. Các đình chùa, từ đường họ đẹp bởi có dòng Ô Lâu. Ô Lâu không kiêu sa, đài các. Ô Lâu như một gái quê còn giữ mãi được nét thanh tân của tuổi xuân thì!
            Mùa xuân, sông xanh biếc in bóng trời đất, triền sông cỏ hoa đua nở gọi ong bướm về. Mùa hạ, sông dềnh dàng, mở rộng vòng tay đón chào trẻ thơ chạy ra bến tắm. Mùa thu, mây trời bãng lãng theo dòng nước đi tìm nàng thơ. Mùa đông, sông đỏ nặng phù sa chảy qua các làng quê để ươm mầm cho cây trái.
            Con người gắn bó với dòng sông như một mối tình chung thuỷ và theo thời gian họ cảm nhận về sông quê cũng khác. Tuổi thơ, đó là những kỉ niệm thần tiên tắm mát bên dòng sông. Tuổi thanh niên, đó là kí ức về mối tình đầu với cô bạn gái. Tuổi trung niên, đó là những chiêm nghiệm, nghĩ suy về lẽ đời hưng phế. Tuổi già, đó là những kí ức của đời người, là sự neo đậu lại của những tâm tình cùng bổn tộc, họ phái, sống trọn niềm vui và lòng tự trọng của một kẻ sĩ tiêu dao với trà sớm vườn khuya, tâm tình cùng cây cỏ. Hình như đó là cốt cách tự tại thấm nhuần triết lý phương Đông nơi vùng đất nhìn ra phía trước là sông, sau lưng mình cũng là sông.
            Mười lăm năm, một chặng đường, Hải Tân có biết bao thay đổi. Các trường cao tầng hoá mọc lên. Lớp lớp các thế hệ ở đây vững vàng đi về phía trước, họ đã có thể tự kiếm chữ cho mình. Nhưng họ vẫn tự hào về chữ nghĩa ngày xưa khi trường lớp còn tranh tre nứa lá, bởi trong con chữ đó không chỉ đơn thuần là con chữ mà có cả tình người, cả cách làm người, cả nghị lực sống và đức hi sinh của nhiều thế hệ.
                                                                                               

L.Đ.D
READ MORE - Thơ văn thầy cô giáo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: CẢM XÚC BÊN DÒNG SÔNG TÌNH SỬ - Lê Đức Diệu (GV Trường THCS Hải Tân)