HOA ĐẦU MÙA số 15
của Phòng Giáo dục-Đào tạo
huyện Hải Lăng,
tỉnh Quảng Trị
tỉnh Quảng Trị
Công tác tại Hải Tân gần 15 năm, tôi có dịp đi nhiều và tìm hiểu các ngõ ngách của mọi đường thôn, lối xóm. Trong tâm thức của tôi, Hải Tân hiện về như một kí ức đẹp, một người tình mà dẫu thời gian có trôi đi vẫn luôn luôn rấm rứt trong lòng một nỗi hoài mong.
Tôi nhớ về
Hải Tân bởi nơi ấy ngoài hệ thống đình chùa, họ tộc còn có tên của một nhánh
sông hiền hoà, thơ mộng. Sông Ô Lâu chất chứa như một trang tình sử, trải qua
triệu triệu năm vẫn trẻ mãi. Ô Lâu như một thiếu nữ không biết đến và không
vướng bận gì về thời gian cùng những quy luật nghiệt ngã của dòng đời.
Ô Lâu (có
tên gọi khác là sông Thu Rơi), đi qua vùng đất nhiều truông cát nên nước ngọt
mà trong, dòng chảy êm đềm, xuôi mái. Cùng với nhánh Ô Giang, Ô Lâu ôm trọn Hải
Tân như một vòng tay bao dung, độ lượng tưới mát cho các làng quê, làm cho chất
nước thêm ngọt ngào, chất đất thêm ngai ngái, tăng độ sữa cho các cánh đồng
trĩu bông, tăng vị mặn mà cho những vườn cây sai quả, tăng độ nồng cho các loại
hoa màu và cũng kết tinh hiền tài ở những dòng họ lớn với những con người đỗ
đạt, thành danh.
Tôi gọi Ô
Lâu là dòng sông tình và dòng sông thơ. Nó không như sông Hương là một thanh
kiếm dựng giữa trời (ý thơ Cao Bá Quát). Nó là mái tóc của nàng thiếu nữ mới
gội còn nguyên hương của vị bồ kết nồng thơm. Nó là nguồn cảm hứng cho các thi
nhân từ thuở đi khai hoang mở cõi, làm dịu đi nỗi nhớ làng quê cho những chuyến
di dân từ Bắc vào Nam .
Nó thấm đượn tình sử bi thương từ ngày công chúa Huyền Trân thân gái dặm trường
theo vua Chiêm Thành Chế Mân để giữ hòa khí hai nước, tránh nạn binh đao và đổi
lấy hai châu Ô, Rí (sau này đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu):
Hai châu Ô, Rí vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
Nó cũng là
nơi chứng giám lời hò hẹn và cuộc tình duyên đẹp mà dang dở của chàng sĩ tử từ
Đàng Ngoài vào kinh ứng thí với cô lái đò trên bến cộ. Dòng đời cứ trôi, dòng
sông cứ chảy, bóng dáng quê hương vẫn cứ nghiêng mình xuống dòng sông, kí ức về
những trang tình sử vẫn còn lưu dấu. Ô Lâu là thế, có cây phong lưu, có cây ngô
đồng, có không biết bao thế hệ đã để lại tâm sự của mình lại nơi đây.
Hệ thống
đình làng, họ tộc cũng theo triền sông được dựng lên, trang điểm thêm cho dòng
sông. Có thể nói: Ô Lâu đẹp bởi có hệ thống đình chùa, các từ đường họ. Các
đình chùa, từ đường họ đẹp bởi có dòng Ô Lâu. Ô Lâu không kiêu sa, đài các. Ô
Lâu như một gái quê còn giữ mãi được nét thanh tân của tuổi xuân thì!
Mùa xuân,
sông xanh biếc in bóng trời đất, triền sông cỏ hoa đua nở gọi ong bướm về. Mùa
hạ, sông dềnh dàng, mở rộng vòng tay đón chào trẻ thơ chạy ra bến tắm. Mùa thu,
mây trời bãng lãng theo dòng nước đi tìm nàng thơ. Mùa đông, sông đỏ nặng phù
sa chảy qua các làng quê để ươm mầm cho cây trái.
Con người
gắn bó với dòng sông như một mối tình chung thuỷ và theo thời gian họ cảm nhận
về sông quê cũng khác. Tuổi thơ, đó là những kỉ niệm thần tiên tắm mát bên dòng
sông. Tuổi thanh niên, đó là kí ức về mối tình đầu với cô bạn gái. Tuổi trung
niên, đó là những chiêm nghiệm, nghĩ suy về lẽ đời hưng phế. Tuổi già, đó là
những kí ức của đời người, là sự neo đậu lại của những tâm tình cùng bổn tộc,
họ phái, sống trọn niềm vui và lòng tự trọng của một kẻ sĩ tiêu dao với trà sớm
vườn khuya, tâm tình cùng cây cỏ. Hình như đó là cốt cách tự tại thấm nhuần
triết lý phương Đông nơi vùng đất nhìn ra phía trước là sông, sau lưng mình
cũng là sông.
Mười lăm
năm, một chặng đường, Hải Tân có biết bao thay đổi. Các trường cao tầng hoá mọc
lên. Lớp lớp các thế hệ ở đây vững vàng đi về phía trước, họ đã có thể tự kiếm
chữ cho mình. Nhưng họ vẫn tự hào về chữ nghĩa ngày xưa khi trường lớp còn
tranh tre nứa lá, bởi trong con chữ đó không chỉ đơn thuần là con chữ mà có cả
tình người, cả cách làm người, cả nghị lực sống và đức hi sinh của nhiều thế
hệ.
L.Đ.D
1 comment:
Cảm ơn VNQT đã giới thiệu bài viết thật hay quá. Tôi chưa đến Ô Lâu lần nào, nhưng bài viết đã cho tôi những cảm xúc thật êm đềm, trìu mến về một dòng sông. Cảm xúc nhiều lắm nhưng khó diễn đạt bằng lời. Chỉ biết một lần nữa XIN CẢM ƠN.
TTQH
Post a Comment