Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 11, 2019

NGỌN NẾN TRONG ĐÊM - Thơ Uyên Khuê



NGỌN NẾN TRONG ĐÊM

Anh biết không ?
Noel năm nay
em cũng không dạo phố
không đến nhà thờ
Chỉ ước mình được hóa nàng thơ

Em nhìn qua ô cửa sổ
Căn phòng lạnh lẽo đìu hiu
Noel giáo đường vang vọng
Người xe tấp nập ngoài đường

Anh biết không?
Năm nay Noel lạ lắm
Không giống như những năm qua
Có lẽ Chúa thương em lạnh
Nên ban ấm áp hiền hòa

Đêm qua hơn một giờ sáng
Em cùng ngọn nến trong đêm
Nến nhìn em - em nhìn nến
Gượng cười mắt đậm lệ nhòa

Anh biết không?
                     Anh biết không?
em tưởng tim mình
                                    đã chết
Tưởng chừng đã hết yêu thương
Bởi những vết thương rỉ máu...
Em trừng phạt mình
đóng cửa trái tim
Lặng im
Kí ức hiện về...
khoảnh khắc xưa nghiệt ngã
Bóp nát tim đau
Chân chùng
từng ngón tay buông rã rời...
Nhủ lòng hãy thôi nhớ anh
Một người tham hư danh
Quay lưng tìm bến đỗ
Vỡ mộng uyên ương...
Tình bỗng chốc tàn theo khói mây

Nụ hồng thơ ngây ngày cũ
Pha lê nâng niu...
vụn vỡ...
Em về
Vùi chôn nấm mộ tình hờ

Nến đêm nay đủ soi sáng khuôn mặt tủi sầu bơ vơ
Bản tình ca em viết cho anh còn dang dở,
Tiếng mưa đêm
Không làm xoa dịu
Một vì sao cô đơn đến tận cùng
Đã có những lúc
Tưởng chừng gục ngã
Vậy mà
trông ngóng luân xa
Rồi vỡ òa...
vầng trăng cắt xẻ làm đôi...

Qua đêm nay
xin kí ức kia không về
Bình minh rạng rỡ
như ngọn nến thắp lên ánh sáng diệu kì
Và con tạo xoay vần
Chuyển đổi
Một người tốt hơn anh sẽ đến
Trao cho em cuộc đời
Nồng nàn
                  Hạnh phúc
                                         tin yêu.

Uyên Khuê
Giáo viên
Thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai
<nguyenuyenkhuegl@gmail.com>


READ MORE - NGỌN NẾN TRONG ĐÊM - Thơ Uyên Khuê

TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ, THI SĨ TÀI DANH NGUYỄN TRỌNG TẠO – NGƯỜI SÁNG TẠO NHỮNG CA KHÚC PHỔ THƠ ĐỂ ĐỜI - Lê Thiên Minh Khoa

   TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ, THI SĨ TÀI DANH NGUYỄN TRỌNG TẠO – NGƯỜI SÁNG TẠO  NHỮNG CA KHÚC PHỔ THƠ ĐỂ ĐỜI

LÊ THIÊN MINH KHOA

 C:\Users\TTC\Pictures\Ảnh NTT1a.jpg
  
Ảnh NTT1a:  NS - Nhà thơ  Nguyễn Trọng Tạo và Nhà thơ Lê Huy Mậu, đồng tác  giả ca khúc “Khúc hát sông quê” nổi tiếng.   

     Biết nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bị tai biến lần thứ hai và phát hiện nhiễm ung thư phổi giai đoạn cuối, đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hơn hai tháng nay, tôi không gọi hoặc mail cho anh hằng ngày nữa, như trước đó khi anh hồi phục sau cơn tai biến lần nhất vào cuối năm 2017.

      Nhưng vào sáng ngày 08.01.2019, ngồi uống cà phê với nhà thơ Bùi Quang Châu, cùng nhắc đến anh, muốn biết bệnh tình của anh, tôi gọi vào số máy: 0903.283.109 là số di động của anh, nhưng thường được ca sĩ Cẩm Ly, con gái anh giữ trong cả hai lần anh bị tai biến.  Thì đúng là giọng của Cẩm Ly, nhưng nghẹn ngào trong tiếng khóc: “Bố cháu mất rồi, khoảng 8  giờ tối hôm qua, chú ạ!”. Tôi lặng người, nhưng biết cháu đang đau buồn và đang lúc tang gia bối rối, chỉ nói mấy lời chia buồn, an ủi ngắn gọn thôi.

       Sau đó, qua nhà thơ Lê Huy Mậu từ Vũng Tàu ra Hà Nội cùng với gia quyến anh tổ chức việc tang lễ, tôi biết được: Lễ nhập quan bắt đầu vào 8h30 ngày 09/01 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, lễ viếng diễn ra từ 12h đến 13h30 cũng ngày 09/01/2019 cũng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, sau đó linh cữu đưa đi hỏa tang tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội vào lúc 14h cùng ngày. Còn việc di dời hài cốt về quê (Nghệ An) sẽ được thực hiện sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm.
      Sáng qua, 10.01.2018, đi dự “Buổi gặp gỡ hàng năm giữa bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu với văn nghệ sĩ (VNS) trong tỉnh”,  nhà thơ Lê Huy Mậu, chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, còn ở Hà Nội phụ giúp gia đình anh lo những lễ lược hậu tang lễ (sáng nay mới vừa vào tới Vũng Tàu). Các anh chị em VNS nhắc nhiều về anh Tạo và có người gợi ý tôi nên viết cái gì đó về anh.
      Biết viết gì đây! Sự nghiệp văn chương – nghệ thuật (VC-NT) đồ sộ của anh, các giải thưởng VC-NT anh đoạt và những nét riêng về “con người của công chúng” ở anh, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều. Thôi thì, trước hết tôi xin trích một đoạn văn dài nhất trong những đoạn tôi viết về anh, một nhà thơ đương đại viết nhạc và đặc biệt là phổ thơ thành công, tạo nên những ca khúc để đời, in trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC” của tôi. Để tưởng nhớ anh,  một NHẠC SĨ, THI SĨ tài hoa.

  1. NGUYỄN TRỌNG TẠO – NHÀ THƠ VIẾT NHỮNG CA KHÚC PHỔ THƠ ĐỂ ĐỜI.

      “… Điều đáng mừng nhưng không có gì phải ngạc nhiên là trong ca khúc đương đại có những nhạc phẩm của các nhà thơ. Đáng mừng vì đó là những nhạc phẩm thành công, nhiều ca khúc của họ được công chúng yêu thích. Không ngạc nhiên vì theo lý luận văn nghệ cổ điển thì “thi trung hữu nhạc”, còn lý luận văn nghệ hiện đại thì hai loại hình này đều thuộc loại thể trữ tình (biểu hiện bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình một cách trực tiếp). Thơ và nhạc gần gũi, thân thiết nhau, nhất là đối  với các nghệ sĩ đa tài. Văn Cao vừa là nhạc sĩ, vừa là thi sĩ. Trịnh Công Sơn âm nhạc đầy chất thơ. Nguyễn Đình Thi là nhà thơ, nhà văn lớn, nhà soạn kịch, nhà phê bình văn học, bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như: “Diệt phát-xít”, “Trường ca Người Hà Nội”. Trong những nhà thơ viết nhạc, phải kể đến hai nghệ sĩ thành công với nhiều ca khúc nổi tiếng: Nguyễn Trọng Tạo  và Đynh Trầm Ca.

        


 C:\Users\TTC\Pictures\ảnh NTT2.jpg
  
_  Ảnh NTT2:  Nhà thơ Võ Thị Phương Thúy, nhà thơ – TS Nguyên Hùng, nhà thơ Bùi Quang Châu, hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo -  LTMK, thân hữu, nhà thơ Lê Huy Mậu, thân hữu, hai nhà thơ Đặng Xuyên Mộc – Trịnh Sơn (phải sang) trong buổi giao lưu ở TP Bà Rịa ngày 29.12.2016

         “Nguyễn Trọng Tạo quả là một nghệ sĩ đa tài Thi - Nhạc - Họa, đoạt được những giải thưởng xứng đáng; có nhiều ca khúc nở hoa thơm, kết trái ngọt trong vườn âm nhạc Việt đương đại. Cho tới nay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết gần 100 ca khúc, trong đó có nhiều bài nổi tiếng: “Làng Quan Họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách), “Khúc hát sông qu” (thơ Lê Huy Mậu), Con dế buồn” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường), “Đôi mắt đò ngang”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Trống hội cổng làng”, “Tình Thu”, “Tình Đông”, “Tình Xuân”, “Tình Hạ” (Tứ bình), “Mưa”, “Tình ca hoa cúc biển”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Đôi mắt đò ngang”,Tình ca hạt giống vàng”… Đặc biệt, hai bài “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” đã khiến công chúng đôi khi nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo với vai trò một nhạc sĩ nhiều hơn, vì hai bài hát này của anh đã quá nổi tiếng, dù anh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ Việt đương đại. “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách),  từng được hãng JVC Nhật Bản chọn vào đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam và dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức. “Khúc hát sông quê” (thơ Lê Huy Mậu) của anh được công chúng trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích, thuộc nằm lòng. Gần đây, 2017 và 2018, hai “Đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo” diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Thành Phố Vinh thành công ngoài mong muốn, được đông đảo công chúng hâm mộ…



 C:\Users\TTC\Pictures\Ành ĐTC NS Đinh Trần Ca.jpg

  Ảnh ĐTC: NS Đynh Trầm Ca, tác giả ca khúc “Sông quê”.
    
       “… Còn nhà thơ Đynh Trầm Ca, ngoài những bài thơ được phổ nhạc, như: “Tình yêu mắt nai”,  Mắt Huế xưa” (nhạc Quốc Dũng), “Nỗi buồn chim sáo” (nhạc Huỳnh Ngọc Đông), “Xa rồi hạnh phúc gian nan” (nhạc Tiến Luân)…, ông viết hơn 100 ca khúc đã ra mắt từ trước 1975, sau Thống nhất vẫn viết nhạc đều đặn. Người yêu âm nhạc dành tình cảm sâu đậm cho những ca khúc như Ru tương lai buồn”,Bay đi những cơn mưa phùn” (thơ Hoàng Lộc), “Phượng ca”, “Mưa La Qua mưa Vĩnh Điện”… viết trước 1975 vàVầng trăng đơn chiếc”, “Điệu hò phu thê”, “Bên cầu nhớ người”, “Về trên lá cỏ ngậm ngùi”… viết sau 1975 từng được các ca sĩ nổi danh như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Phương Hồng Quế, Phi Nhung… trình bày trên các sân khấu trong và ngoài nước hoặc trong các đĩa CD mấy chục năm qua. Nổi tiếng nhất là hai ca khúc “Ru con tình cũ” viết năm 1967 và “Sông quêviết đầu thập niên 90…

      
     “ … Có thể nói, cả hai khúc “sông quê” của hai nhà thơ - nhạc sĩ này là nhạc phẩm thành công nhất của họ và có nhiều điểm giống nhau: cùng là giai điệu trữ tình thấm đẫm chất dân ca: ở “Khúc hát sông quê” là dân ca Nghệ Tĩnh, ở “Sông quê” là dân ca Nam bộ, và đều có sức hút mạnh mẽ trong lòng công chúng nhiều thế hệ, đã vang lên khắp thôn cùng, xóm nhỏ…

(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”- nghiên cứu ,nhận định - Lê Thiên Minh Khoa - NXB Hội Nhà Văn, trang 105-107, quý I.2018).   
                                                   
  1. NHỮNG KỶ  NIỆM TÔI KHÓ QUÊN VỚI  NHẠC SĨ – THI SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO.

C:\Users\TTC\Pictures\Ảnh NTT3.jpg
      
Ảnh NTT3:  _ Các nhà thơ: Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Quang Châu (BQC), Tùng Bách, Minh Huy, Đặng Xuân Mộc. (phải sang) tại nhà BQC, Tân Hưng, TP Bà Rịa.

      Tôi nghe danh anh từ lâu, nhưng biết anh lần đầu vào tết năm 2008. Hôm đó,  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Hà Nội) cùng các nhà thơ: Lê Huy  Mậu, Tùng Bách, Đào Xuân Mai, Vũ Thanh Hoa (Vũng Tàu)… về nhà tôi ở Bà Rịa thăm tết. Đang uống trà ăn mứt mừng xuân, tôi  đọc bài thơ “Còn lại”  viết tặng anh:

CÒN LẠI…
                                                                   Tặng Nguyễn Trọng Tạo.

Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè  một Quỉ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời chơi hoang”.

       Anh nói: Đi khắp nơi, gặp nhiều nhà thơ minh họa chính sách, tới Bà Rịa, mới gặp một thi sĩ…”.  Tôi sướng quá, được một nhà thơ nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng như anh ghé nhà và “uýnh gía” thơ tôi cao quá tầm, quá khổ như thế thì “không sướng mới lạ!”. Biết anh thích “uống rượu với bạn hiền”, bèn khui chai rượu XO cầm tay người bạn thân của tôi, GS – TS – LS Nguyễn Hữu Liêm ở Mỹ về tặng, mà tôi chưa dám uống, để dành đãi khách quý, “chiến hữu”, “bọn xấu” (bà xã tôi thường gọi đùa các “chiến hữu” của tôi là “bọn xấu hay rủ rê), ra tiếp “bọn khách quý” nầy. Sau đó, khi đăng trên nguyentrongtao.org, vì lý do nhạy cảm và tế nhị, 2 câu cuối anh biên tập lại thành:
Đầu hè  Quỉ vắng bóng người
Vỗ vai Chúa, Phật trốn đời đi  hoang.

     Câu thơ được “nhẹ hóa” đi. Không phải Chúa và Phật “rủ rê” nhau “đi hoang”, mà chính Quỷ, “bọn xấu rủ rê” các Người, và chỉ "đi" du hí, lang thang “vô tư” thôi, chứ đâu phải “đi hoang” tội lỗi dì, nhưng chưa chắc quý Ngài đã theo đâu! Thế nhưng, vừa rồi, khi đưa vào tập thơ “LẶNG LẼ TÔI” (NXB Hội Nhà Văn, 7.2018), tôi vẫn “bảo thủ”, cứ để nguyên xi nguyên bản ban đầu!

       Từ đó, mỗi lần về BR-VT, anh thường “trực chỉ” Vũng Tàu thăm gia đình Lê Huy Mậu trước, rồi mới cùng Lê Huy Mậu và vài VNS Vũng Tàu, có khi là với thân hữu ở Sài Gòn, quay ngược Bà Rịa thăm chơi và giao lưu với VNS Bà Rịa. Anh thích uống rượu, chứ không uống bia, dù tuổi đã U 70 rồi. Nên trong xe chở anh bao giờ cũng có một vài chai rượu Tây. Một lần, chúng tôi ghé nhà hàng Trung Hiếu (Hôm đó, anh “đánh lẻ”, vì Lê Huy mậu bận họp), chai rượu Tây mang nhãn hiệu lạ, uống rất ngon mà anh mang theo đã gần cạn, nhà hàng không có loại rượu nhãn mới đó (vì hồi đó Bà Rịa còn là thị xã nhỏ, chưa lên thành phố như bây giờ). Mà chúng tôi lại không muốn uống hai thứ rượu vì sợ bị sốc. Nhà thơ Bùi Quang Châu, người sinh hoạt trong Chi hội VH-NT TP Bà Rịa cùng tôi, bốc niệt huyết, “tốc hành” qua TP Vũng Tàu, cách đó chừng 25 cây số mua chai rượu cùng “mac” mang về. Thế mới biết, “nghề chơi cũng lắm công phu” và  “chiến hữu” thì “hy sinh” vì nhau thế nào! Hì…

 C:\Users\TTC\Pictures\Ảnh NTT1b.jpg

Ảnh NTT1b:  _  LTMK, hai nhà thơ Bùi Quang Châu - Nguyễn Trọng Tạo, thân hữu (phải sang) trong buổi giao lưu ở TP Bà Rịa ngày 29.12.2016.

      Lần cuối tôi gặp anh là khi anh từ Hà Nội vào dự đàm cưới con trai út của Lê Huy Mậu, 27.12.2016. Liền sau đám cưới, sáng 28.12.1016, như thông lệ, anh cùng Lê Huy Mậu và vợ chồng Nhà thơ – TS Nguyên Hùng (TP. HCM) về Bà Rịa giao lưu cùng anh chị em VNS bản địa: các nhà thơ Bùi Quang Châu, Phạm Văn Mạnh, vợ chồng Trịnh Sơn – Võ Thị Phương Thúy (tác giả “Trăng ca” nổi tiếng)… và tôi. Chúng tôi tổ chức buổi gặp gỡ tại nhà hàng Bờ Sông, “hoành tráng” nhất ở TP Bà Rịa. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi hôm đó là phong cách tuyệt vời của phu nhân Nguyên Hùng. Cũng là một tiến sĩ, lại là Tổng giàm đốc một công ty, rất thành đạt, nhưng cô không “lo lắng” quá đáng cho chồng “trên mức tình cảm” như nhiều bà xã bây giờ. Cô duyên dáng, tế nhị, khôn khéo, tình cảm, chăm sóc, mời mọc các VNS từng miếng ăn, thức uống. Tôi còn nhớ, hôm đó bên sông nước mênh mang gió thổi, anh Tạo rất vui, rất khỏe, uống rượu, tâm tình, rồi hát cho chúng tôi nghe những ca khúc của anh, ngồi suốt hơn nửa ngày ở nhà hàng luôn.  Mới đó mà đã hai năm, 24 ngày rồi!

    Thế mà, đúng một năm  sau, cuối năm 2017. Khi tôi điện thoại thăm anh thì cháu Cẩm Ly, ca sĩ, con gái anh cầm máy: “Bố cháu bị tai biến, nằm tại bệnh viện TP Vinh, qua khỏi cơn nguy kịch, đang làm thủ tục chuyển viện ra Hà Nội, chú ạ!”. Cũng mừng cho anh!

     Giữa năm 2018, khi sức khỏe anh đang hồi phục dần, là lúc tôi đang hoàn chỉnh cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”. Tôi mail cho anh cả  file PDF lẫn file WORD bản thảo cuốn sách để nhờ anh góp ý. Mặc dù chưa hồi phục hoàn toàn, một ngày sau, anh đã đọc hết 248 trang sách. Sau đó, hàng ngày, anh và tôi điện thoại hoặc mail cho nhau. Anh nhiệt tình góp ý cặn kẽ và bổ sung nhiều tư liệu quý giá cho tôi. Cảm động nhất thái độ tận tình quan tâm của anh, khi phát hiện ra tư liệu, vấn đề gì mới để bổ sung, anh điện thoại hoặc mail cho tôi ngay. Không những thế, anh đã viết xong “Lời Giới thiệu” cho cuốn sách và đã mail cho tôi. Được một bậc tài danh, nổi tiếng như anh viết lời giới thiệu thì còn vinh dự nào bằng, nhưng sau đó, anh và tôi cùng thống nhất với nhau, là không nên  đưa “Lời giới thiệu” của anh vào cuốn sách nữa, bởi vài lý do tế nhị. Là vì, trong cuốn sách nầy tôi viết khá nhiều đoạn về ca khúc của anh. Hơn nữa, anh và tôi, do quý nhau mà khá thân nhau, dùng lời giới thiệu của anh, có khi e không tiện. Mà đã là sách nghiên cứu – nhận định khoa học, thì giá trị cuốn sách do bản thân nó toát lên, cần chi lời “quảng cáo”! Tôi chỉ dùng lời bình ngắn của Nhà văn, Nhà nghiên cứu, NS Bùi Công Thuấn, là người chúng tôi chỉ biết tên nhau, chứ chưa bao giờ một lần gặp mặt, để in trên bìa 4 cuốn sách thôi.

     Đúng là trong cuốn sách nầy, có nhiều đoạn viết về ca khúc của anh. Vì  tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa nầy đi vào lòng công chúng và gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước từ khi nhà thơ bắt đầu viết nhạc - đầu thập niên 1970 đến nay.

     Trong thời đoạn 1970-1975, cuốn sách nhắc đến ca khúc “Xe qua cầu Tùng Cốc” (1972), tổ khúc hợp xướng “Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ” (1974),  liên khúc hợp xướng “Đường tàu thống nhất(1975) củả anh (9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” – Sđd, trang 44)

     Trong thời  đoạn hậu chiến (1975-1985), là đề tài về  “Tình yêu quê hương đất nước”:   
    “… Đặc biệt, Nguyễn Trọng Tạo tìm về chủ đề quê hương để làm đậm tình người với nhiều ca khúc: “Làng quan họ quê tôi” (phỏng thơ Nguyễn Phan Hách), “Chèo thuyền trên sông Bùng”, “Đường về Thạch Nham”, “Dừa xanh Hoài Nhơn”, “Tình ca người trồng cỏ”, “Màu xanh Hương Sơn”, “Vầng trăng bến đợi”, “Tình ca bên một dòng sông”, v.v…” (Sđd, trang 90)

     Trong thời  đoạn đương thời (1985 đến nay), là  “Khuynh hướng vận dụng âm nhạc dân gian, dân tộc” với những ca khúc “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi”, Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng” (Sđd, trang 102); là “…ca khúc nhạc nhẹ  viết về tình cảm gia đình được đánh giá cao như: “Mẹ tôi” của Nguyễn Trọng Tạo…” (Sđd, trang 103).

    Cũng trong thời đoạn nầy, là “CA KHÚC VỀ BIỀN ĐẢO TỔ QUỐC TỪ THẬP  NIÊN 90”: “… Đặc biệt, Nguyễn Trọng Tạo từ giữa thập niên 80, đã viết một loạt ca khúc về biển đảo ấm nóng lòng người: “Lời biển quê hương”, “Tình ca hoa cúc biển”, “Nghe ru biển đêm”, “Cảm xúc biển quê”…, trong đó có một ca khúc về Trường Sa “Trường Sa làng ta”…” (Sđd, trang 110).    

     Cách đây hơn hai tháng, khi bản thảo cuốn sách vừa hoàn chỉnh, tôi có mail phác thảo và thông tin về bìa cuốn sách nầy cho anh  để anh trình bày bìa cuốn sách, như hẹn ước (Anh còn là họa sĩ “chuyên trị” trình bày bìa sách có tay nghề cao và rất “đắt hàng” nữa). Nhưng, anh lại bị tai biến lần hai, cộng thêm mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, rồi đã ra đi ở tuổi 72 rồi !!!...
LTMK    
                                                        
 Nguồn ảnh: từ Lê Huy Mậu,  Bùi Quang Châu và Đinh Trầm Ca.

_________________

CHÚ THÍCH ẢNH:

Nguồn ảnh: từ Lê Huy Mậu và Bùi Quang Châu.

_ NS - Nhà thơ  Nguyễn Trọng Tạo và Nhà thơ Lê Huy Mậu, đồng tác  giả ca khúc “Khúc hát sông quê” nổi tiếng.   

_  LTMK, hai nhà thơ Bùi Quang Châu - Nguyễn Trọng Tạo, thân hữu (phải sang) trong buổi giao lưu ở TP Bà Rịa ngày 29.12.2016.

_  Nhà thơ Võ Thị Phương Thúy, nhà thơ – TS Nguyên Hùng, nhà thơ Búi quang Châu, hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo -  LTMK, thân hữu, nhà thơ Lê Huy Mậu, thân hữu, hai nhà thơ Đặng Xuyên Mộc – Trịnh Sơn (phải sang) trong buổi giao lưu ở TP Bà Rịa ngày 29.12.2016.

READ MORE - TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ, THI SĨ TÀI DANH NGUYỄN TRỌNG TẠO – NGƯỜI SÁNG TẠO NHỮNG CA KHÚC PHỔ THƠ ĐỂ ĐỜI - Lê Thiên Minh Khoa