Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 8, 2015

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ TỪ THÀNH CỔ- Ghi chép: Nguyễn Thị Sáu - Kì 1

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ TỪ THÀNH CỔ
Ghi chép: Nguyễn Thị Sáu

Kì 1

Cả thế giới biết đến 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đổ lửa năm 1972. Thời gian qua đi đã hơn 40 năm, độ lùi của năm tháng đã đưa những nhân chứng sống ngày đó tới tuổi lục thập, thất thập. Nhưng, có những sự việc, chi tiết... tưởng như nhỏ nhặt mà vẫn còn rưng rưng, găm mãi trong ký ức họ và vẫn còn tươi rói cho tới tận hôm nay.

Ông Trịnh Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ xóm Cây Bòng, xã La Hiên, huyện Võ Nhai dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thanh Xuân, 64 tuổi - nhân vật chính trong phóng sự nói về một thương binh đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi bằng cây na, do Đài Truyền thanh - truyền hình Võ Nhai thực hiện tháng 7 năm 2013. Ông Hùng kể thêm với chúng tôi: "Anh Xuân được trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đổ lửa 1972, từng tham gia trọn vẹn trận Đường Chín - Nam Lào năm 1971. Anh là thương binh, mất đi 35% sức khoẻ, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc anh tiếp tục học đại học rồi trở về quê nhà làm thầy giáo dạy văn. Anh có 16 năm đứng lớp tại trường cấp III Võ Nhai. Do ảnh hưởng vết thương cũ, anh về nghỉ hưu sớm. Hiện tại anh Xuân là Chi hội trưởng Cựu chiến binh xóm Cây Bòng. Là người yêu văn nghệ, tính tình vui vẻ, thích giúp đỡ người khác, anh luôn đi đầu trong các phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương. Hiện tại anh tham gia hoạt động trong năm tổ chức xã hội ở xóm, xã và huyện, ở cương vị nào anh cũng hết lòng vì công việc nên anh được mọi người tin và quý. Anh chị có một mái ấm hạnh phúc cùng bố mẹ già và ba đứa con đang học phổ thông đều chăm ngoan, học giỏi…".

Chúng tôi chăm chú nghe ông Bí thư Chi bộ kể về ông Xuân, còn ông Xuân thì chỉ cười và khiêm tốn: “Tôi nghỉ hưu rồi, ở nhà vườn tược mãi cũng buồn cô ạ. Được mọi người tín nhiệm, tôi cũng cố gắng tham gia hoạt động xã hội, mong góp chút sức lực cho quê hương để thấy đời vui hơn. Ông cười mãn nguyện khi nói về những công việc ông đang làm. Đang vui là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về cuộc đời người lính và những trận chiến đấu ở Thành Cổ thì nét mặt ông chùng hẳn xuống. Một lát, ông run run lấy khăn tay lau nước mắt, nghẹn ngào: “Chuyện chiến trường thì nhiều, với tôi, mỗi câu chuyện là một nỗi niềm sâu nặng, đau đáu đến tận bây giờ, và chắc sẽ theo tôi đến hết đời! Hiện tại điều kiện cuộc sống chưa thể cho phép nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày gần nhất được trở lại chiến trường xưa, thăm lại nơi đã gắn những kỷ niệm sâu nặng với cuộc đời tôi. Tôi muốn tìm gặp những đồng đội, những ân nhân của tôi”.




Nhấp ngụm trà nóng như để nén lại lòng mình, ông Xuân bắt đầu kể.

Đường dây hữu tuyến và người thứ ba còn lại

Tân Lâm là một trong những căn cứ lớn, có hỏa lực mạnh nhất của địch ở vùng giới tuyến. Bấy giờ tôi là tiểu đội trưởng, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Quang, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 4, trung đoàn 24, sư đoàn 304 (C1-D4-E24-F304), kết hợp với sự yểm trợ của trung đoàn pháo, trung đoàn phòng không, đơn vị chiến xa, bộ đội hoả tuyến, công binh… Nhiệm vụ của chúng tôi là mai phục, tấn công phía tây Thành Quảng Trị. Quân ta dàn quân mai phục, đào hầm vây lấn ngày đêm ăn ngủ tại trận địa, mục đích câu dầm đợi quân địch mệt mỏi thừa cơ ta tấn công. Địa điểm mai phục của quân ta được chia làm hai vòng. Vòng một cách căn cứ của địch là 80m, vòng hai mai phục bên ngoài cách vòng một là 120m. Tôi thuộc Sở Chỉ huy đại đội được đóng chốt tại vòng hai, cách căn cứ của địch là 200m, tư thế luôn sẵn sàng xông lên yểm trợ cho vòng một khi cần thiết. Địch dùng đại liên xối xả bắn ra, quân ta ở vòng hai dùng B41 bắn vào. Tình hình chiến sự rất nóng bỏng, chốt điểm vòng một của ta vì đang mai phục bí mật nên có lệnh tuyệt đối không được nổ súng, tránh bị lộ. Hai bên đang kiềm chế nhau từng phút từng giây thì bỗng nhiên chúng tôi mất liên lạc với chốt điểm vòng một phía trước. Đại đội trưởng Quang dáng người rất thư sinh nhưng khi chiến đấu thì rất tháo vát và anh dũng. Tôi vẫn còn nhớ tiếng hô to của Đại đội trưởng Quang lúc bấy giờ: “Đồng chí Xuân!”, “Có tôi!” - tôi tức thì đáp lời. Anh ra lệnh: “Đồng chí lần theo đường dây liên lạc bị đứt, xử lý cho thông suốt liên lạc và về báo cáo lại tình hình!” .“Tuân lệnh!”. Tôi xách AK nhảy khỏi hầm, vẫy tay hô: “Đồng chí Đệ và đồng chí Tuyến theo tôi!”. Ba chúng tôi lập tức lao lên theo đường dây hữu tuyến. Tằng… - tằng… - tằng…, tiếng súng địch bắn xối xả liên hồi, khói mù mịt trời đất. Chúng tôi vẫn lao về phía trước, được khoảng 50m thì thấy đường dây liên lạc bị đứt cuốn thành cuộn xoăn tít. Tuyến xông vào nắm lấy đầu dây, tôi ôm súng lăn một vòng tròn về phía trước, vừa chạy vừa tìm đầu dây đứt còn lại, hai thằng tôi bò nghiêng trên mặt đất. Lúc này địch tăng cường bằng hai khẩu đại liên bắn chéo nhau, tôi tìm được đầu dây đứt bên kia nhưng quay lại thì Tuyến đã trúng đạn ngã lăn ra đất. Đệ vừa tới kịp lao vào ôm lấy Tuyến. Tuyến đưa mắt nhìn Đệ rồi nhìn tôi, tiếng của Tuyến yếu ớt trong tiếng súng đạn mịt trời. “A…nh… ph…ải …là… li…ên…l…ạc…số…ng!”. Tôi không đủ thời gian nghĩ gì ngoài nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành. Tôi nhìn Tuyến lần cuối cùng rồi lệnh cho Đệ ở lại lo cho Tuyến, cắn chặt nỗi đau mất bạn trên vành môi, một mình tôi tiếp tục xông lên. Tôi cắm đầu chạy về phía trước, dưới làn đạn của địch nã như mưa. Cách chốt điểm vòng một của ta chừng 70m, vì sợ địch phát hiện chúng tôi đã chớp nhoáng làm tín hiệu riêng như đã thống nhất theo kiểu mã hoá hình ảnh, động tác. Các đồng chí bên chốt sử dụng một cái que bất kỳ, giơ lên, nếu que đứng thẳng là đồng đội an toàn, nếu que nằm nghiêng thì có sự tổn thất, que càng nghiêng nhiều thì quân mình tổn thất càng lớn. Tôi thở phào vì thấy chiếc que giơ lên vẫn thẳng đứng, biết được đồng đội mình ở đó vẫn an toàn. Đáp lại tín hiệu từ chốt điểm vòng một, tôi đưa hai ngón tay trỏ bắt chéo, nghĩa là tôi ra lệnh cho đồng đội phải bám trụ đến cùng, khi nào trời tối hẳn, chờ lệnh mới được rút quân.

Tôi đưa tay sờ nắn khắp cơ thể thấy mình không bị trúng đạn, kiểm tra lại trang bị thì thấy cái quai súng của mình bị xiên thủng hai lỗ, quay lại tìm đồng đội nhưng không thấy Đệ và Tuyến đâu nữa. Trở lại Sở Chỉ huy, tôi báo cáo tình hình và nhận lệnh tiếp của Đại đội trưởng Quang. Hôm đó đại đội tôi đã hy sinh khá nhiều, hai thằng trong nhóm bộ tam cùng xông lên nối đường dây liên lạc với tôi còn rất trẻ, cả ba chúng tôi đều mới vừa bổ sung về Đại đội 1 nên chưa kịp hỏi về hoàn cảnh của nhau. Tôi chưa biết gia đình tụi nó thế nào. Riêng có điều này thì tôi hiểu rất rõ, hành trang của tôi, của Đệ và Tuyến, khi xông pha ra chiến trường chỉ có trái tim nóng bỏng tuổi hai mươi, cứ hồn nhiên dâng hiến cho Tổ quốc và cũng thản nhiên nhận về mình cái chết nhẹ như lông hồng. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội đã phải nằm lại chiến trường. Đến tận giờ tôi vẫn chẳng lý giải được, dưới làn mưa đạn của địch như vậy mà tôi vẫn còn sống sót? Có lẽ, tôi chỉ còn biết cảm ơn cái quai súng đã hứng những viên đạn để cho tôi được bình an. Nhưng… Tuyến ơi! Đệ ơi!...

Bỗng nhiên ông Xuân bật khóc, nấc nghẹn!

… Ngày 1/5/1972, quân ta hoàn toàn làm chủ được cứ điểm ái Tử, cứ điểm Tân Lâm… và giải phóng Quảng Trị. Quân địch bỏ chạy khỏi các căn cứ và rút về phía nam sông Thạch Hãn phòng thủ, chắc rằng chúng tổ chức lại lực lượng, chuẩn bị cho đợt tái chiếm? Chúng tôi tiếp tục về chốt và bảo vệ ở Thành cổ. Lúc này, bọn Mỹ Ngụy giống như con thú bị thương, xù lông nổi giận và rắp tâm quay lại phục thù. Lần này chiến thuật của chúng quy mô hơn. Ngày 28/6/1972, chúng đổ thêm quân và huênh hoang gào thét "tràn ngập lãnh thổ", hòng tái chiếm Quảng Trị. Để uy hiếp một địa danh nhỏ bé chưa đầy 4,7km2 Thành cổ, chúng liên tục bắn pháo, dội bom suốt đêm ngày, trong đó có loại bom bi, mà thế giới liệt vào loại vũ khí phi nhân tính. Những quả bom mẹ rơi đến lưng chừng không rồi tách ra như vỏ quả đỗ. Những vỏ quả bom bi mẹ rơi lả tả trên bầu trời như lá tre gặp bão và tung ra những quả bom con như cơn mưa sắt rơi xuống mặt đất vô vàn những viên bi gây chết người. Mặt đất Thành cổ Quảng Trị đổi từ màu xanh thành màu đỏ do bom đạn địch cày xới đêm ngày. Ngày 12/7/1972 là ngày thứ 15 trong 81 ngày đêm rung chuyển Thành cổ Quảng Trị, rung động toàn cầu. Hãng UPI đưa tin, có tuần lễ Hoa Kỳ đã huy động máy bay chiến đấu của ba quân chủng lục quân, không quân, thủy quân ném tới 7 nghìn tấn bom và bắn tới 10 vạn quả đại pháo vào thị xã Quảng Trị. Nhưng tinh thần của quân và dân ta vẫn bất khuất kiên cường. Bộ đội ta bấy giờ hăng lắm, không phải thấy lực lượng nó lớn mà sợ đâu. Ngày nào cũng có rất nhiều đồng đội, đồng bào bị thương vong, có những đại đội hy sinh không còn ai, nhưng cứ hy sinh một người lại bổ sung thêm một người, hy sinh một đại đội lại bổ sung một đại đội. Không hiểu sao lúc đó không đứa nào trong bọn tôi biết sợ chết cả, tài sản thường trực trên người là bình toong, dao găm và súng đạn, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng xông lên, sẵn sàng chết, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

   Căn hầm và người sống sót

   Tối 23/7/1972, tức ngày thứ 26 trong 81 ngày đêm, khi trời tối hẳn, anh em chúng tôi nhận được lệnh rút quân về tuyến sau để nhận nhiệm vụ mới. Lúc này trong căn hầm trực chiến của chúng tôi chỉ còn lại ba người. ở cái khoảng lặng giữa những trận đánh, ba thằng tôi lại có những phút giây ít ỏi để nhớ nhà. Thằng Dũng quê Thanh Hóa, cái thằng gan lì mà thật hóm hỉnh, nó hớn hở khoe với chúng tôi: “Thông bạo, thông bạo đây, tin vui nì anh em ơi! Bửa ni đơn vị cọ quà hậu phương gựi vô đó! Mổi đồng chị một điểu Tam Đão đầu đọ và hai chiệc kẹo Hại Châu, thông báo hết!”. Vừa nói Dũng vừa tung gói quà vào tay Lâm. Lâm là người dân tộc Tày quê ở Bắc Kạn, người to béo ít nói. Lâm lặng lẽ bóc gói quà rồi chia cho tôi và Dũng, nó giữ lại một phần cho mình, Lâm cất hai chiếc kẹo để dành, và bảo: “Ây dà, quà hậu phương nó gửi là quý lắm vớ! Quà đến được tận nơi cũng như người nó đến tận nơi rồi à!”. Rồi nó tìm một góc ngồi châm lửa hút thuốc. Bên này Dũng hỏi tôi: “Anh Xuân đã có tình yêu chưa?”. Nghe Dũng hỏi tôi mới nhớ, quả thật, từ lúc rời ghế nhà trường vào bộ đội chỉ toàn luyện tập đánh đấm, súng đạn chứ chưa hề có cảm xúc và không có thời gian nghĩ về chuyện yêu đương. Tôi chưa kịp trả lời thì Dũng lại hỏi vui tiếp: “Sao như anh đang nhớ ai?!”. Tôi cười đáp: “Nhớ bố mẹ, gia đình, nhớ làng xóm quê hương chứ còn nhớ ai!”. Giọng Dũng trầm xuống: “Tui cũng thế, ở nhà bây giờ đang mùa chanh đó, vườn chanh không biết mùa ni trái đậu sai không? Mẹ tui ngày nào cũng dậy sớm mang chanh đi chợ, tui thương mẹ quá!”. Tôi hỏi Dũng: “Vậy còn cậu thì sao, đã yêu chưa?”. Dũng hào hứng kể: “Một cô bé hàng xóm dễ thương lắm! Chiều nào cô ấy cũng sang phụ mẹ tui hái chanh, hôm nào cũng vậy trước khi về không quên đun cho mẹ và tui một nồi nước lá chanh thơm nóng để gội đầu”. Tôi vỗ vai Dũng, nói tếu: “Vậy là ông tướng hơn bọn tôi rồi!”. Dũng tâm sự: “Tui thương và nhợ cô ậy, nhưng đện giờ tui vận chưa kịp nọi gì”. Tôi trách Dũng: “Sao giờ vẫn chưa nói?”. Dũng trả lời: “Chiện tranh mà, tui định bụng khi nào thộng nhất đật nước sẹ trở về nọi vợi cô ấy”. Tôi nhìn về phía cuối hầm, ở đó có tiếng sụt sịt, hình như thằng Lâm nó đang khóc?! Bỏ nốt chiếc kẹo vào mồm, Dũng kéo tay tôi, cả hai cùng đứng bật dậy, chưa kịp an ủi Lâm thì ...ù…ù…ùng…, bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên. Bỗng ngực tôi tức nghẹn, tôi cố vùng vẫy nhưng mỗi lúc càng khó thở hơn, muốn kêu lên nhưng không thể mở miệng. Cảm giác tôi sắp chết đến nơi rồi, đầu ngón chân đau buốt, tôi mơ hồ  nghe có tiếng gọi ới ới, rồi tôi không biết gì nữa. Sau này được nghe kể lại mới hay là một quả bom đã độn thổ chính giữa căn hầm chúng tôi, trong lúc đào bới, đồng đội đã vấp vào bàn chân thò nhô lên mặt đất của tôi, khi họ lôi tôi lên thì máu trong miệng tôi ộc ra. Tôi được đưa về điều trị ở trạm phẫu phía sau. Sau này tôi mới biết tôi bị ngạt do sức ép của bom và bị đất vùi làm vẹo và chấn thương cột sống. Ngay đêm hôm đó cả đại đội tôi tìm kiếm, đào tung cả khu hầm nhưng chỉ thấy thi thể của Hoàng Văn Lâm, quê ở Bắc Kạn. Cái thằng to khoẻ là thế, chiến đấu gan lì là thế, vậy mà, có lúc cũng khóc sụt sùi vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Cái thằng còn không ăn hai cái kẹo, giữ làm tín vật hậu phương, cái thằng thật là! Vậy mà Lâm không còn nữa. Còn Nguyễn Văn Dũng, quê Nông Cống - Thanh Hoá thì mọi người đã không tìm thấy. Lâm và Dũng mãi ở lại đất Thành Cổ! Để rồi đêm đêm cỏ cây vẫn thì thầm kể chuyện cho đồng đội tôi nghe về mẹ, về gia đình, làng bản ,về mối tình đầu trong vắt, nưng nức hương hoa chanh vườn nhà. Còn tôi...

Ông Xuân lại sụt sùi khóc.

                                                                                Nguyễn Thị Sáu
                                                                                nguyensau.1205@gmail.com

READ MORE - CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ TỪ THÀNH CỔ- Ghi chép: Nguyễn Thị Sáu - Kì 1

TRĂNG RU ĐIỆU NHỚ - thơ Trúc Thanh Tâm


READ MORE - TRĂNG RU ĐIỆU NHỚ - thơ Trúc Thanh Tâm

Thơ Đan Thụy: DÒNG ĐỜI ... VÀ NHỮNG RIÊNG MANG / THUỞ NÀO / ĐẮNG LÒNG

Tác giả Đan Thụy


DÒNG ĐỜI ... VÀ NHỮNG RIÊNG MANG

Ta nhẹ bước trong dòng đời hối hả
Nghe lòng mình tràn ngập những đam mê
Những bất chợt ... hay tình cờ... ngày ấy
Như khói như sương đan kín lối đi về

***
Ta lặng bước trong mùa Thu thơ mộng
Lá vàng bay quyện hương cốm vỡ oà
Anh có nhớ ... tay đan tay hè phố?
Nắng hanh vàng em áo lụa thướt tha!

***
Ta dạo bước dưới thềm đời rất thật
Nghe thanh âm đường phố rộn người xe
Anh phương ấy có nghe... chiều chật vật
Có thấy chênh vênh ... giọt nắng Thu vàng?

***
Ta dấn bước bên cuộc người tất bật
Nghe thời gian gõ nhịp đập hồn nhiên
Gánh mùa qua trên đôi vai đầy nắng
Bất chợt ... ngày nào thôi tím muộn phiền 

                                                    ĐT


THUỞ NÀO 

Em ngơ ngác
nhặt vần thơ cất giữ
Thả tình buồn
theo bóng nắng ... nhạt phai

***
Thu xào xạc
tim buồn, đau lá rụng
Thả hương bay ...
gợi nỗi nhớ tình xa

***
Bóng trăng Thu
hờn cúc vàng khóm lá
Dấu yêu ơi!
Thu vời vợi nơi nào?

***
Em thao thức
nghe nỗi buồn tím cháy
Trái tim yêu
rưng rức nhớ ... thuở nào!

                                  ĐT


ĐẮNG LÒNG 

Anh đốt cháy tình em
sao đành thế?
Xuân vội tàn
thương dáng ngọc phôi pha

***
Anh dan dối ...
hay vô tình lừa dối?
Nỡ để em buồn
phai sắc thắm môi hoa

***
Đóa cúc tàn
hờn Thu sao qua vội
Bấc vô tình
heo hút lạnh lòng Đông

***
Em vẫn hiểu
tình mong manh dễ vỡ
Nhưng vẫn đắng lòng
thương chiếc là thu phai

                                 Đan Thuỵ


Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại : 0918266282

Email : damhaitn@gmail.com
READ MORE - Thơ Đan Thụy: DÒNG ĐỜI ... VÀ NHỮNG RIÊNG MANG / THUỞ NÀO / ĐẮNG LÒNG

Vĩnh Thông và 3 tác phẩm mới trong dịp Tết 2015


Vĩnh Thông và 3 tác phẩm mới trong dịp Tết 2015

Trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Vĩnh Thông cùng lúc ra mắt 3 tác phẩm mới, đó là tập thơ “Trạng thái yêu”, tập truyện ngắn “Trở về và chào nhau” và tập sách du lịch “An Giang núi rộng sông dài”.

"Trạng thái yêu" là tập thơ thứ hai của Vĩnh Thông, dày 80 trang, khổ 12x19 cm, do NXB Hội Nhà văn liên kết cùng Cty CP Văn hóa Đất Việt xuất bản. Đây là tập thơ mà Vĩnh Thông đã ấp ủ và lên kế hoạch từ khá lâu và cũng rất tâm huyết, cả về nội dung lẫn hình thức. “Trạng thái yêu” có 40 bài, không phải toàn là thơ tình, nhưng tác giả đã cố gắng - cố tình chọn nhiều bài thơ tình làm mảng chủ đạo, buồn buồn vui vui và nhẹ nhàng. Bìa sách và trình bày ruột cũng do chính tác giả thực hiện.



Tập truyện ngắn "Trở về và chào nhau" khổ 12x20 cm, nằm trong Tủ sách Văn học 9x NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành nhân dịp Đường sách Xuân 2015. Tập truyện gồm 10 truyện ngắn đã được đăng trên các báo, tạp chí. "Trở về và chào nhau" chủ yếu tập hợp những truyện ngắn về đề tài cuộc sống, nhẹ nhàng. Đặc biệt, có những truyện viết về đề tài đồng tính nữ - một đề tài mà Vĩnh Thông rất tâm đắc.

“An Giang núi rộng sông dài” là một dạng sổ tay du lịch vòng quanh An Giang, góp phần giới thiệu một cách tổng quan, cung cấp một số thông tin bổ ích cho bạn đọc - nhất là khách du lịch đến An Giang. Đây là thành quả sau một tháng ròng rã vào mùa hè năm Vĩnh Thông học lớp 11 (2013) nhưng đến đầu năm 2015 mới được chính thức ấn hành. Một món quà dành cho những người yêu du lịch đầu năm mới.

Tập thơ “Trạng thái yêu” giá 48.000 đồng, tập truyện ngắn “Trở về và chào nhau” giá 44.000 đồng và tập sách du lịch “An Giang núi rộng sông dài” giá 48.000 đồng. Tác giả rất mong các tác phẩm mới này sẽ được bạn đọc nhiệt tình đón nhận. Mọi nhu cầu tìm đọc, ủng hộ,  xin liên hệ qua email: vinhthongts@gmail.com, tài khoản ngân hàng số 0151000544834 - Vietcombank chi nhánh An Giang.

                                                                                                  VĨNH THÔNG

READ MORE - Vĩnh Thông và 3 tác phẩm mới trong dịp Tết 2015

CHÀO MỪNG NGÀY KỶ NIỆM PNQT 8-3 - Nguyễn Hồng Trân


CHÀO MỪNG NGÀY KỶ NIỆM PNQT 8-3
                                
Nhân dịp kỷ niệm 105 ngày PNQT 8-3 năm nay 2015, tôi xin nhắc nhắc lại một câu chuyện xưa về một tấm gương của người phụ nữ Việt Nam con nhà danh gia vọng tộc đã rất đầy lòng hiếu nghĩa, nhân ái hiếm có. Đó là chuyện công chúa Trần Huyền Trân. Một cô gái rất trẻ, mới quá tuổi trăng tròn đã tuân theo lời hứa hẹn của vua cha và lời khuyên của vua anh cùng quần thần dân chúng để đất nước được an bình, quan hệ hữu hảo với ngoại bang mà phải chịu đành lòng xuất giá lấy chồng xa, nơi xứ lạ nước người. Nhưng rồi số phận của nàng đã tiêu tan hy vọng. Tôi cảm động trước tình cảnh của Huyền Trân công chúa và làm mấy câu thơ để chia sẻ…


         TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN
            
Mối tình lịch sử khó ai quên,
Công chúa Huyền Trân giữ lời nguyền.
Phải lấy Chế Mân làm vợ  kế.
Tăng phần quan hệ Việt và Chiêm.
Châu Ô, Châu Rý về Thuận Hóa.
Thỏa lòng mong ước cả đôi bên.
Nhưng phận của nàng thật xấu số.
Lấy chồng, chồng vội bỏ quy tiên.(1307)
Mang thân góa bụa đời dang dở .
Để lại ngàn năm một sử tình ...

                  Nguyễn Hồng Trân

Ghi chú: Công chúa Huyền Trân(1287-1312) là con gái của Vua Trần Nhân Tông(1258- 1293), em gái vua Trần Anh Tông. Để thực hiện lời hứa của vua cha sẽ gả con gái Huyền Trân cho vua Chăm để hai nước Việt -Chăm an bình hữu hảo.Vua con Trần Anh Tông đã chấp thuận cho vua Chế Mân nước Champa (Chiêm Thành) sính lễ giao hai châu Ô và châu Rí(Lý) về cho nước Việt và rước công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu.

          Ngày xưa nước Việt chúng ta ranh giới phía Nam chỉ đến Đèo Ngang mà thôi. Sau đó hai nước Việt và Chiêm cứ xung đột nhau bao nhiều lần. Vua Việt cho quân đánh đuổi quân Chiêm Thành lùi vào đến vùng Ma Linh Cửa Việt (thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ). Qua nhiều lần giao tranh rồi hòa hoãn, về sau được kết nối với nhau trong hòa bình thân thiện nhờ sự chuyển biến tình cảm bang giao giữa hai đức vua Việt và Chiêm trở thành thông gia với một chuyện tình đặc biệt.

                                                                     Nguyễn Hồng Trân
READ MORE - CHÀO MỪNG NGÀY KỶ NIỆM PNQT 8-3 - Nguyễn Hồng Trân