Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 31, 2016

MÙA THẠCH THẢO XÔN XAO / thơ Hiền Phương


Ảnh tác giả


MÙA THẠCH THẢO XÔN XAO


Lại thêm mùa Thạch Thảo trổ bông
Màu hoa ấy nồng nàn trong kí ức
Ngắm biển hoa lòng em bao rạo rực
Mùa hoa nào ta náo nức bên nhau.
Thạch Thảo tím hồng nỗi nhớ nôn nao
Những kỉ niệm ta trao nhau phút ấy
Men yêu xưa cồn cào như sóng dậy
Phương xa ơi có thấy xốn xang lòng.
Đã bao mùa Thạch Thảo dậy trổ bông
Vẫn sắc tím rực hồng bên màu áo
Chẳng hề phai mãi sâu lắng ngọt ngào
Vẫn đợi chờ và khao khát gửi trao
Trái tim hồng - Mùa Thạch Thảo xôn xao.

HP 31.10.16
Hiền Phương


READ MORE - MÙA THẠCH THẢO XÔN XAO / thơ Hiền Phương

Thơ Trương Thị Thanh Tâm / BÙA YÊU / CHÒNG CHÀNH NỖI NHỚ



Ảnh tác giả


BÙA YÊU 

Bùa yêu anh dán vào tim 
Ngẩn ngơ một thưở, liêu xiêu trãi lòng 
Nợ yêu nên nợ dòng sông 
Nợ luôn cái bến đợi trông con đò 


Sông sâu nào có dễ dò 
Bên bồi bên lở, đợi chờ...tình đau!
Lục bình trôi, nước lao xao 
Sóng xô gió đẩy, đảo chao cuộc đời 


Bùa yêu anh dán bao lâu 
Mà thời gian đã...qua cầu gió bay 
Dòng đời xô đẩy...đổi thay 
Trách chi con tạo lá lay khéo dời 


Con tim đờ đẩn một đời 
Khi quên lúc nhớ thì thôi...vẫy chào 
Bùa yêu đâu nữa mà đau 
Con tim yên ngủ, tình đầu chôn sâu!                


CHÒNG CHÀNH NỖI NHỚ 

Nắng nghiêng lệch một phía trời 
Phi lau theo gió ru hời trăm năm 
Chòng chành nỗi nhớ phân vân 
Niềm vui chưa cạn phong trần quẩn quanh 


Tình yêu sao quá mong manh 
Mộng mơ qua hết, riêng mình nỗi đau 
Đường về trời đổ mưa mau 
Bốn mươi năm cũng úa nhàu tuổi xuân 


Trách làm chi tại số phần 
Kẽ chung chăn ấm, tôi thân một mình 
Còn đâu một nụ cười xinh 
Còn đâu ánh mắt thoáng nhìn đã say 


Cuộc đời như cánh diều bay 
Ái ân chưa trọn tiếc ngày qua mau 
Ba sinh lỡ mối duyên đầu 
Thì thôi kiếp khác qua cầu có nhau 
         
Trương Thị Thanh Tâm                      
Mỹ Tho




READ MORE - Thơ Trương Thị Thanh Tâm / BÙA YÊU / CHÒNG CHÀNH NỖI NHỚ

10 TÌNH KHÚC BIỂN - thơ Trúc Thanh Tâm

Ảnh tác giả

10 TÌNH KHÚC BIỂN


1. HÀ TIÊN GIÓ TRỞ MÙA

Anh thả nắng riêng anh
Rắc hoa vàng trên tóc
Hạt mưa đời long lanh
Mắt em dờn dợn khóc

Anh hóa thân áng mây
Che đời em hạnh phúc
Những nhịp sóng ru nhau
Cũng làm em thổn thức

Chiều nay về với biển
Hà Tiên gió trở mùa
Dáng em nhòa bóng núi
Chạnh lòng cơn mưa thưa

Xin gởi chút tình riêng
Theo hương trời bát ngát
Tiếng chuông ngân chiều êm
Nhập hồn Chiêu Anh Các


Mai xa phố tình nhân

Mắt vương tình lưu luyến
Đông Hồ một vầng trăng
Xin tạ tình với biển!


    
2. TRƯỜNG SA CÒN HẸN

Chiều nay nắng rớt ngoài hiên
Em ngồi nhặt lá, đếm riêng nỗi buồn
Long lanh từng giọt lệ thơm
Trôi vào anh, mở ngõ hồn nhớ em

Treo tình lơ lửng trăng đêm
Nghe từ trong gió phút thiêng liêng về
Mắt, môi một thuở đợi chờ
Biển ru sóng giạt giữa hồ trái tim

Nửa bên anh, nửa bên em
Gom bên nhớ, trả bên quên lại đời
Cho nhau những nụ môi cười
Trường Sa còn hẹn, nói lời yêu thương!



3. TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

  Trường Sa, biển hiền đến lạ
  Mặt trời từng hạt long lanh
  Anh nghe lòng mình se thắt
  Em ơi, nhớ quá quê mình

  Hoàng Sa, mây đan tơ mỏng
  Sóng dồn từng nhịp yêu đương
  Thư em nồng nàn hương cũ
  Tình anh gởi lại phố phường

  Em vẫn làm duyên tóc tết
  Biển đông đẹp lạ lùng chưa
  Nụ hôn theo từng cơn gió
  Bên em tháng đợi, năm chờ

  Lâu rồi, anh chưa về phố
  Đường xưa, áo trắng xôn xao
  Giọt buồn trong anh rất khẽ
  Hồn mưa tí tách đời nhau

  Biển ơi, biển đừng hờn dỗi
  Như em ngày đó, yêu anh
  Chiều nay, mình anh nghe sóng
  Như em cứ muốn dỗ dành!



 
4. CHIỀU MƯA NHA TRANG

Biển nói gì nhỏ nhẻ
Mà dào dạt lạ thường
Mình nói gì, em hỡi
Sao lòng đầy tơ vương

Sóng bạc đầu như thể
Ngàn đời chưa nguôi yêu
Trần gian chưa tận thế
Lo gì, mình xa nhau

Gió ru vào lạc lõng
Kéo hồn ta mênh mông
Người đi buồn xa vắng
Bên kia phố chưa chồng

Tìm đâu hương, nắng cũ
Nha Trang chiều mưa lơi
Mình gặp nhau dẫu muộn
Nhưng mặn mòi, em ơi!


5. CHIỀU Ở HÒN PHỤ TỬ

Thời gian chờ ta đó phải không em
Hòn Phụ Tử, chiều nghiêng vai nắng nhạt
Sóng nô đùa tặng đời bao khao khát
Bãi cát dài còn in dấu chân quen

Biển dạt dào, duyên dáng chính là em
Là ánh mắt hẹn bờ môi chờ đợi
Là ngọt lịm từng nụ cười nóng hổi
Đường trần gian cho hoa lá ngát hương

Nhịp tim ta đang trổi khúc nghê thường
Em ập đến để tan vào ngây ngất
Gió yểu điệu kéo vầng mây lã lướt
Bài thơ yêu tình tứ chẳng tận cùng

Người yêu người nên biển cũng bao dung
Nghe thắm thiết khi mùa yêu trở giấc
Em từ bữa, vẽ bùa yêu vào tâm thức
Anh nghe mình mắc nợ một làn hương!



 6. ĐẤT MŨI CÀ MAU

 Thời gian kéo lại nỗi buồn
 Biển xa mời gọi, nắng dồn bước chân
 Hương rừng, Đất Mũi tình thân
 Cà Mau ơi, những thăng trầm, đắng cay

 Ở đâu cũng gặp áo dài
 Ở đâu cũng có nụ cười hồn nhiên
 Tuyệt vời nhìn tóc bay nghiêng
 Hương người, hương đất còn triền miên yêu!



7. VỀ NGHE BIỂN HÁT

Tình dạt dào ngọn sóng
Đưa hồn ta về xa
Tóc em lồng lộng gió
Trăng đêm phơi ngọc ngà

Mắt em mùa biển động
Đời mộng mị triền miên
Biết yêu nên biết khổ
Không hạn kỳ đâu em

Nụ hôn nào tha thiết
Một lần nhớ khôn nguôi
Ngàn năm còn hương lửa
Yêu nhau hao hớt đời

Ta một đời dong ruổi
Góc quê nhà thênh thang
Mùa thu vàng nỗi nhớ
Kiếp người còn cưu mang

Ta về nghe biển hát
Những con sóng bạc đầu
Tình cũng già từ độ
Người yêu người, xa nhau!



 8. VŨNG TÀU PHỐ BIỂN      

 Như là cây lá ngủ quên
 Vườn trong phố, nắng êm êm lưng người
 Như là sợi tóc biết cười
 Màu pha lê rụng một trời sắc hương

 Lạ kỳ lớp bụi vô duyên
 Em nheo mắt, ta để nguyên cái nhìn
 Áo ơi, gió lại lại vô tình
 Em ơi, ta có vô tình được không

 Vũng Tàu phố biển, chưa thân
 Vẫn là hai kẻ người dưng, chung đường
 Vẫn là em, mắt đen tròn
 Cớ gì rung động một nguồn thơ ta!



9. TÂM TÌNH VỚI HẠ LONG

Núi Bài Thơ ta ngồi ôn chuyện cũ
Hương ngàn năm trôi theo gió mây xa
Mình đưa nhau qua phía cầu Bãi Cháy
Đêm du dương, trăng phơi dáng ngọc ngà

Trà Cổ, Long Tiên chuông ngân nỗi nhớ
Miền tử sinh còn mộng mị triền miên
Trong sâu thẳm của khổ đau hạnh phúc
Đời vô cùng không kỳ hạn đâu em

Qua Thiên Cung như lạc vào cổ tích
Những giọt sầu ai cắm mốc thời gian
Ta nghe mưa bên rừng đời bén rễ
Nắng lưu ly trải khắp lối hoa vàng

Tuần Châu ơi, chốn trần gian thơ mộng
Chim hót lời âu yếm với mai sau
Trong mắt em trời Hạ Long lưu luyến
Hồn biển xanh ru con sóng bạc đầu

Em bên ta nụ hôn nào tha thiết
Mai xa rồi đất Bắc nhớ khôn nguôi
Gởi Cửu Long phù sa chia chín nhánh
Về Hồng Hà yêu dấu của ta ơi!


10. YÊU TIẾNG MẸ VIỆT NAM

 Thương cuộc đời trái ngang
 Lời mẹ ru chan chứa
 Chìm nổi giữa gian nan
 Rồng Tiên còn muôn thuở

Vũ khí thành lời thơ
Theo người đi giữ nước
Máu thấm vào phù sa
Cho cây lúa mượt mà

Sóng dạt dào biển đông
Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu
Mỗi thời đại đấu tranh
Đâu thiếu những anh hùng

Đánh tan giặc ngoại xâm
Ta thề không trở bước
Văn hóa hồn non sông
Mấy ngàn năm lịch sử

Hoa cũng tàn héo úa
Độc lập đầy cam go
Khi mất người, mất đất
Đời còn gì tự do

Sống nhớ về nguồn cội
Yêu tiếng mẹ Việt Nam
Biết làm người phải biết
Tổ Quốc mình thiêng liêng!

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )  
READ MORE - 10 TÌNH KHÚC BIỂN - thơ Trúc Thanh Tâm

TRẢ EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến




TRẢ EM
                         
Đứng trước em anh thành người rất lạ
Thả rông hồn đắm đuối mắt em
Em rất gần 
Nhưng cũng thật xa xăm
Em hời hợt để anh thèm vị biển
Em hoang sơ để anh khát đại ngàn.

Anh ngợp mình trong ảo vọng ái ân
Mải lặn ngụp xây lâu đài trên cát
Giấu niềm riêng em thản nhiên bỡn cợt
Kéo mùa đông giá lạnh nhích gần
Anh đốt mình cháy bỏng si mê
Thổn thức mãi miền yêu không thể.

Anh biết thế 
Và anh không thế
Sánh vai em độc bước song hành
Gió đại ngàn khắc khoải rừng xanh
Sao phải lén mơ nơi xa lắm
Trả lại em niềm đau đằm thắm
Trả đêm hoang vật vã rã rời
Câu thơ tình viết vội gãy đôi
Nhịp yêu ấy anh đành lỡ dở
Chân nhẹ bước. Tim yêu bỏ ngỏ
Khép nụ cười héo hắt nửa đời trai.

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2013
                   Đặng Xuân Xuyến

READ MORE - TRẢ EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

QUYỀN ĐƯỢC RÊN, MỘT KIỆT TÁC CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI - TS. Nguyễn Ngọc Kiên


         
                       Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)


QUYỀN ĐƯỢC RÊN – MỘT KIỆT TÁC CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI
                        TS. Nguyễn Ngọc Kiên

Cầm truyện ngắn “Quyền được rên” trên tay, ngườì đọc nghĩ ngay đến Hà Nội những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhà chật chừng hai mươi mét vuông mà chứa đến ba cặp vợ chồng. Mọi sinh hoạt thật bất tiện! Ngay cả rên khi quan hệ tình dục cũng phải ý tứ nhìn trước ngó sau! Nhưng “Quyền được rên” không phải truyện viết về tình dục hay sinh hoạt vợ chồng. Truyện viết về cuộc đời thực của nhà văn Hoàng Công Khanh, người đã được nhà nước đặt tên đường ở Kiến An Hải Phòng.
Trong công ước LHQ về quyền con người có nói, mọi  người đều có quyền được lao động học tập và nghỉ ngơi (Each person has the right to work, to rest and to housing). Rồi quyền hội họp, quyền biểu tình…, nhưng không thấy nói đến quyền được rên.
Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng “Quyền được rên” của nhà văn Lê mai có thể xếp trên “Sống mòn” của Nam Cao;  vì “Sống mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Ở đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu trăm đắng ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao mình bị tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không phải để gây thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để nhớ lại một thời ấu trĩ! Đúng như có lần nhân vật chính đã “thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng mình:
Ông - Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?”
Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn xuyên suốt của mạch truyện.
Cách hành văn có những đoạn đảo ngữ, nói lên được cái phi lý không thể giải thích được. Nó hệt như các truyện của Kafka, phi lý nhưng rất đúng “quy trình” ở xã hội Việt nam hôm nay!
“Quyền được rên” giống như câu thành ngữ của người Anh: “thanh gươm Damocles (the sword of Damocles) treo lơ lửng trên đầu” nhà văn. Viết văn là nghề hết sức nguy hiểm. Nhà văn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nguyên nhân chính là người ta nghi ông có dính dáng đến “Nhân văn giai phẩm” và bắt ông vào tù.
Nhân vật Hoàng, tức Hoàng Công Khanh bắt đầu được biết đến qua vở kịch thơ Về Hồ được diễn ở Hà Nội chào mừng quốc hội khóa một nước Việt Nam dân chủ cộng hòavà sau đó được công diễn trên nhiều vùng kháng chiến khắp cả nước. Thời gian đầu kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 3, ông giữ nhiều chức vụ quản lý trong ngành văn hóa và vẫn viết đều tay. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đến 1950, ông xuất bản hai tập truyện ngắn Trên bến Búng (1947) và Chuyện người tù binh Algérie (1948), hai vở kịch nói Màn cửa vàng (1950) và Nhập ngũ (1950) cùng tập thơ Hà Nội không ngủ (1950). Các sáng tác của Hoàng Công Khanh thời kỳ này chủ yếu có mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.Từ giữa năm 1950 đến 1954, ông về Hà Nội viết văn, viết báo, làm tổng biên tập tạp chí Dân ý, một tạp chí có sự lãnh đạo của thành ủy Hà Nội. Những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Hoàng Công Khanh được viết trong thời gian này. Ông đã cho xuất bản các tác phẩm Mối tình đầu (tiểu thuyết, 1951), Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (tiểu thuyết, 1953, tái bản 1991), Yêu chỉ một lần (tiểu thuyết, 1954), Trại Tân Bồi (tiểu thuyết, 1953), Bạn đường (tiểu thuyết, 1953), Éo le (tiểu thuyết, 1954), Bến nước Ngũ Bồ và Cung phi Điểm Bích (kịch thơ, xuất bản 1953, tái bản 1991). Các vở kịch thơ Bến nước Ngũ BồCung phi Điểm Bích được dựng lại trên sân khấu vào các năm 2007, 2008 và đều được đánh giá rất cao. Riêng Cung phi Điểm Bích còn được Giải A giải thưởng sân khấu 2007 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cuộc đời của nhân vật Hoàng (Hoàng Công Khanh) đầy tài năng và lừng lẫy như vậy nhưng đầy những nghịch lý:
-                           Nghịch lý thứ nhất, ông làm nhà văn, và viết văn khi chẳng biết làm nghề gì khác. Với một nhà văn lừng lẫy như thế, khi ra tù nhớ nghề lúc rảnh, ông lại viết. Ông biết “ Văn chương là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề thì vô tận. Ngày ra tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng gió, nhưng nắng, nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp như lúa, như ngô… khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi . Sao mình lại không viết?”
 Thấy ông ngồi viết, đứa con gái ông sợ hãi – một nỗi sợ mơ hồ, đã phải kêu lên:
“Bố ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay, những áng văn hay thẫm đẫm tình người – tình vật phải chịu chung số phận đớn đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm, chuồng lợn…
Có lần, ông nghiêm túc nói với con:
“- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao? Không đọc không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng”
- Nghịch lý thứ hai, một ngày ở ngoài nghìn thu ở tù. Bạn bè phải thốt lên, khi ông được vào tù - cái chi  tiết thật đắt và cũng hài hước, chỉ có ở Việt Nam:
“- Học tập xong rồi hả? Giác ngộ rồi, đến giáo huấn ta đấy phỏng?... Ngẫm kỹ thấy anh cũng giỏi. Giỏi lắm! Người đời phải gây tội mới được tù. Còn anh, chẳng phải nhọc xác gây gì cũng được tù. Thời Pháp đi tù thời Pháp. Thời ta đi tù thời ta. Thời nào cũng được tù. Dễ thường nghề tù cũng đến kịch bậc rồi chứ kém cỏi gì!”
Cuộc đời ông này ở tù đâm ra lại còn sướng hơn ở ngoài. Ở tù ông có cơm ăn, áo mặc và có công ăn việc làm. Ra tù thì chẳng có việc gì để làm. Để kiếm kế sinh nhai ông đã từng làm kéo xe, rồi làm người buôn chó, rồi dùng sức “chân cò tay vượn” của mình để đi đào hầm thuê.
Ra tù, có lúc không việc làm, những bạn bè, “đồng chí” một thời cũng xa lánh ông như xa lánh hủi:
“Ngày ra tù, về nhà con thấy đấy. Nhà mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng có ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có người chẳng may gặp bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi.”
- Nghịch lý thứ ba, nỗi buồn khi hết chiến tranh. Người ta thì vui mừng khi nghe tin chấm dứt chiến tranh. Đối với ông, hết chiến tranh đồng nghĩa với việc ông bị thất nghiệp. Hết chiến tranh thì ai còn thuê ông đào hầm nữa! Cuộc đời đầy chua chát!
“Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên bố: Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng không gian mà ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp.”
Nghịch lý thứ tư, ông đi tù mà không biết mình phạm tội gì. Ở trong tù, ông hỏi quản giáo:
 “Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?”  Ra tòa! Phải! Ra tòa! Các phạm kinh tế hay hình sự ở lán ông ai cũng đã được ra tòa. Họ có án đàng hoàng. Họ biết rõ ngày đi – cũng biết rõ ngày về. Còn ông… Ông mong ước được ra tòa. Ra tòa – ông nghĩ: Mọi việc sẽ được phân định rõ ràng. Trắng ra Trắng. Đen ra Đen. Lúc ấy, dẫu có phải đi tù ông cũng không oan ức. Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói:
-                     Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì?
Những câu trả lời ngô nghê của người quản giáo là minh chứng hùng hồn cho một thời quá ư là ấu trĩ:
Ông lạnh người nhận ra cái tuyệt đúng, tuyệt gọn, tuyệt dễ hiểu của lời lẽ anh quản giáo, nhưng như thế thì mông lung quá, mịt mờ quá… Ông rụt rè thưa tiếp:
- Nếu không ra tòa, không có án tôi biết sao được tội gì? Hình phạt là bao nhiêu năm?
Và đây nữa, lời anh quản giáo mới thật hài hước như lời một diễn hài:
“Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:
- Dốt thế, ở tù cũng đáng... Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà! Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!.
Cái tư tưởng nhân văn của tác phẩm được gói lại ở đoạn đối thoại với vợ ông, khi ông bộc bạch – đây là cái đoạn cũng rất con người:
“Vợ con khóc tu tu: Tiếng Tây tiếng Tàu đầy người…Tù thì còn hiểu được chứ. Đẩy xe bò thì không thể nào hiểu nổi”.
Và cuối cùng Hoàng đã trả lời vợ:
“Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên.
Nhưng thật hài hước khi mà ở một xã hội đến rên cũng không thể được, thì không thể nói quyền làm gì khác của con người. Vợ ông nói:
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư?  Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…”

Vĩ thanh
Tóm lại “Quyền được rên” là một kiệt tác của Lê Mai. Cách hành văn trong sáng, ngắn gọn, khúc triết, dung lượng của truyện được nén rất chặt. Nội dung tư tưởng và tính nhân văn rất rõ được thể hiện qua từng nhân vật.  Mặc dù trải qua những ngày tháng tù đày phải chịu “trăm đắng ngàn cay” nhưng cuối cùng ông đã được minh oan.  Tên Hoàng Công Khanh đã được đặt tên đường. Tác phẩm của ông đồ sộ và có giá trị ghi dấu ấn một thời như vậy, nhưng nhà văn chưa một lần được giải thưởng (phải chăng đây lại là một nghịch lý). Nhà văn Hoàng Công Khanh giờ đây hẳn cũng ngậm cười nơi chín suối.  Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng của nó. Nhưng người viết tin rằng “Quyền được rên” sẽ sống mãi cùng hậu thế, bất chấp thời gian. 

                                                TS. Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - QUYỀN ĐƯỢC RÊN, MỘT KIỆT TÁC CỦA NHÀ VĂN LÊ MAI - TS. Nguyễn Ngọc Kiên

KỶ NIỆM GIỮA HAI NHÀ THƠ YẾN LAN VÀ HÀN MẶC TỬ - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


      
                    Nhà thơ Yến Lan năm 1992
  


KỶ NIỆM GIỮA HAI NHÀ THƠ YẾN LAN VÀ HÀN MẶC TỬ

Cuộc gặp gỡ giữa ba tôi và Hàn Mặc Tử được ông kể lại : 
   
- Một sáng chủ nhật, khoảng giữa năm 1930, tôi đang chép lại bài thơ mới làm hôm qua, thì nghe tiếng gọi ngoài cổng chính.
 Tôi nghĩ: chắc là có khách lạ muốn đến thăm đền (vì người quen tất phải biết ngõ phụ luôn mở rộng ở phía Bắc của góc tường thành) Tôi bước ra, nghe tiếng của hai trang nam tử. Biết là người xa đến vãn cảnh, tôi chào, rồi chỉ hướng cho họ vào đền. Khách mặc âu phục sang trọng: Một, hơi lớn tuổi, nói giọng Bắc, rất chỉnh tề trong bộ Tropical, một là thanh niên mặc nguyên bộ tơ De-ligaon, đội mũ Panama. Đang đi, người trẻ tuổi bỗng ngoặc sang phải, lối hàng rào chè, rẽ sang một góc sân. Ở đó có cây lựu lớn đang nở hoa đỏ rực. Anh níu bẻ một nụ rồi tặng cho người bạn đồng hành, miệng đọc câu Kiều:

                        Ngoài hiên quyên đã gọi hè
                        Đầu tường lửa lựu lập lè đơm bông

Rõ ràng là những vị khách thuộc loại hào hoa, ít gặp ở đây. Vừa lúc ấy cha tôi bước ra, hướng dẫn họ đến bên tấm bia đá và mở cửa mời vào chính điện. Tôi trở lại tràng kỷ, làm tiếp công việc bỏ dở.  Được một chốc hai người đi xuống. Cha tôi đưa họ vào nghĩa tự, mời ngồi trên tràng kỷ và đưa mắt bảo tôi xuống nhà lấy bộ bình trà bằng sứ chuyên dùng tiếp khách quí. Có lẽ tờ giấy mà tôi còn bỏ ngỏ trên bàn có những dòng chữ và cách trình bày giống dạng một bài thơ đã làm cho người trẻ tuổi chú ý. Anh hỏi tôi:
- Cậu đang chép thơ à? Tôi bẽn lẽn gật đầu:
 - Dạ, vâng.
- Thơ của bác hay thơ của cậu đấy?
- Dạ thơ của tôi. Im lặng một chốc, anh lại hỏi:
- Cậu làm thơ lâu chưa? Đã đăng ở đâu chưa?
- Tôi mới võ vẽ, cũng có bài được đăng báo.
- Cậu lấy bút danh là gì?
- Tôi ký Xuân Khai. Người trẻ tuổi vui hẳn lên, anh cười:- Vậy tôi với cậu là đồng nghiệp với nhau. Xin tự giới thiệu, tôi là Phong Trần, là Hàn Mặc Tử. Anh quay sang người trung niên, vẻ quí trọng:
- Vị này là nhà văn, tác giả “Kép Tư Bền”, tập truyện ngắn vừa mới xuất bản đang được cả nước hoan nghênh. Tôi thốt lên một tiếng “À” vui vẻ:
- Hóa ra ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi đã đọc và đã biết nhiều về ông, nhất là trong cuộc bút chiến với báo Phong Hóa, Ngày Nay về tập chuyện dài “Lá ngọc cành vàng “của ông
  Lúc ấy nhà văn Nguyễn Công Hoan như tự nhiên có thêm những cảm xúc không ngờ. Ông nhìn tôi một cách triều mến.
  Hàn Mặc Tử thì gật đầu thích thú, anh tiếp lời:- Nhân đây ông làm một cuộc viễn du từ Bắc vào Nam để tạ lòng ủng hộ của tác giả mà mình hâm mộ. Hôm nay tôi đưa ông lên thăm một vài cảnh đẹp ở đây, rồi sẽ lên Phú Phong, mảnh đất lịch sử của quê ta. Nhân dịp này ta làm quen với nhau vậy. Tôi đang sống với gia đình tại 20 đường Khải Định-Qui Nhơn. Có đi Qui Nhơn mời cậu ghé chơi, chúng ta là đồng nghiệp với nhau mà.
 Chúng tôi gắn bó với nhau từ buổi ấy. Tôi kể chuyện này với Chế. Chế cho biết đã quen với Tử rồi và cũng muốn có dịp nào đó sẽ giới thiệu tôi với anh.
  Sống giữa lòng Bình Định, những chiều hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai đứa tôi gọi là lầu tư tưởng, phóng tầm mắt nhìn bao quát thị trấn, rồi vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương đã trải qua lắm cuộc đổi thay. Có lúc chúng tôi nghĩ xa hơn đến các triều đại của quá khứ, từng nối tiếp nhau đến sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, rồi bàn nhau cùng viết về cảnh điêu tàn, những cuộc đời dâu bể. Hoan đi sâu vào sự đau thương, tàn tạ, thịnh vượng, làm sống lại những lễ hội, sinh ca của các hệ tộc quyền quí, rồi binh biến máu lửa thay cho một thuở thanh bình. Tập thơ của Chế, tên “Điêu tàn”.

        Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
        Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe             
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
        Tan dần trong im lặng của đồng quê...

   Tập thơ của tôi là “Giếng loạn”. Nghe tôi đôi lần đề cập đến “Giếng loạn” Tử rất muốn xem (lúc này anh đang bệnh). Tôi mang xuống cho anh. Khoảng một tuần sau, Tử đưa trả bản thảo và nói:- Tôi đã xem hết tập thơ rồi. Có một số xúc cảm nên cố làm một bài riêng tặng cậu. Anh lấy ở túi áo ra trao cho tôi và trân trọng nói: - Đây cứ coi như một bài bạt sơ khảo; mà tôi thấy cái nhan đề không ổn. Sao cậu không viết là “Giếng lạng” lại viết là “Giếng loạn”? Tôi đáp: “Có vấn đề về ngôn ngữ tôi muốn thảo luận với anh đấy.”
  Rồi tôi và Tử bàn nhau hồi lâu, sau cùng thống nhất là “Giếng loạn”. Loạn ở đây là loạn lạc, đầy đủ ý nghĩa hơn, lạng là bỏ hoang. Bài thơ Tử tặng tôi chính là bài “Trăng tự tử” mang dáng dấp của một bài bạt cho cả tập thơ. Tôi đã có chủ ý sẽ in nó vào tập “Giếng loạn”  khi xuất bản. Nhưng bản chép tay ấy với cả tập thơ bị thất lạc, lúc đi sơ tán, ngày Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh vào Qui Nhơn. Bản in trên các sách hiện nay là bản lưu từ trong xấp di cảo do anh Quách Tấn giữ.
  Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ dường như sáng 28 Tết âm lịch, năm 1938. Tôi và Chế Lan Viên đến thăm anh. Khi ấy bệnh Tử đã nặng! Mới bước vào cổng nhà, tự dưng tôi có cảm giác căn nhà hiu quạnh quá. Thấy chúng tôi, mẹ Tử bước ra thềm hè, rơm rớm nước mắt:
   -Trí đi rồi các anh à! Cò bót không cho nó ở nhà nữa, vì sợ lây bệnh, bắt phải đưa vào Qui Hòa, Tết nhất đến nơi rồi, nếu đưa nó vào trong ấy thì tội lắm. Nhà cập rập quá, nên lén gửi tạm nó vào trong xóm Động. Các anh có đi thăm thì em Hành đưa đi. Nó vừa chạy đâu đó.

 Đợi lâu không gặp Hành, hai đứa tôi hỏi thăm vào xóm Động. Đấy là cái xóm nhỏ của những người lao động nghèo, nằm trên một bãi cát rộng mênh mông, khoảng khu VI Qui Nhơn bây giờ. Nhà ở chỉ là những túp lều dựng tạm bợ trên cát, không có nền. Đồ đạc, giường, tủ, bàn, ghế cứ đặt nguyên trên cát. Đường đi vào cũng quanh quất cơ hồ khó tìm ra.
   Chúng tôi vào một cái chòi lợp tranh nhỏ hơn một cái chái bếp. Nóc chòi được chống lên bằng hai cây cột tre. Một tấm phên ngắn dọc theo chiều dài của nóc, ngăn chòi làm hai: nửa trước sinh hoạt bình thường, nửa sau hình như có đặt một chiếc chõng tre với lỉnh kỉnh những thúng mủng..
  Trước tấm phên là cái bàn ọp ẹp, chỉ còn lại một chân trước nối với một khúc củi đẻo từ chảng ba, hai chân sau cột vào hai cọc tre chống mái nhà, Tử đang ở trong ấy (đây là nhà của một phu kéo xe). Nghe tiếng chúng tôi, Tử chậm rãi bước ra, vẻ mệt nhọc:
     - Hai cậu vào tới đây sao…?
Hoan và tôi ngồi trên ngạch cửa làm bằng một khúc tre, xoay lưng ra ngoài, trò chuyện với anh. Tử gầy, trông hốc hác lắm   Anh không vui như mọi khi.
  Đang nói chuyện thì có bà cụ đem cho anh hai quả keo chín, Tử nhìn hai đứa tôi:- Thứ này mình thích lắm. Mấy năm còn khỏe, mình thường xách ná cao su đi bắn. Có khi đạn rớt vào nhà Tây, mình ba chân bốn cẳng chạy nhanh như sóc. Thế mà bây giờ .!.Anh thở dài. 
  Chúng tôi nói chuyện cho tới giờ tan tầm, thì có một bé trai xách làn cơm vào (chắc là em Hành) Khi cái xách cơm đặt nghiêng nghiêng trên bàn, em lẫn ra phía sau. Tử vẫn giữ cái vẻ thản nhiên, gợi thêm một vài ý nhỏ về thi ca sách vở. Sợ anh mệt và cũng quá giờ chúng tôi đứng lên tạm biệt. Tử nhìn, đôi mắt anh buồn vời vợi
 Sau này, mới biết sau cái Tết ấy, gia đình còn cố giấu anh ở mấy nơi nữa rồi mới vào Qui Hòa.
  Khi Tử mất, mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại ngậm ngùi đọc “Những giọt lệ” của anh

Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ xuống trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuông lòng tôi những giọt châu!

Tôi không biết anh viết bài thơ này để nói đến một tình huống nào. Có người bảo là anh viết để than thở về một mối tình trong bao nhiêu mối tình dang dở của mình. Nhưng tôi cứ nghĩ cảm xúc đó bắt nguồn từ buổi sáng hôm ấy, buổi sáng mà tôi và Hoan còn ngồi bên Tử, trong túp lều đơn sơ ở xóm Động…
  Quả thật tôi không ngờ, lần chia tay ấy là lần vĩnh biệt.

  Lâm Bích Thủy ghi theo trí nhớ lời kể của nhà thơ Yến Lan

READ MORE - KỶ NIỆM GIỮA HAI NHÀ THƠ YẾN LAN VÀ HÀN MẶC TỬ - Hồi ký của Lâm Bích Thủy