Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 27, 2012

CHÙM THƠ NHÂN TẾT ĐOAN NGỌ - Lê Đăng Mành






Kính tặng bà con nông gia HẢI CHÁNH, HẢI SƠN, HẢI TÂN, HẢI HÒA VÀ MIỀN Ô LÂU.


NHỚ MỒNG 5 !

Quê nhà ăn tết tháng trùng ngày
Đoan Ngọ (*) từ xưa truyền tới nay
Địa chủ mừng công mùa gặt mãn
Tá điền lãnh việc vụ hè ngay
Nhớ xưa vịt hét vang sân gạch
Chừ mãi người kinh khiếp phận đày
Ăn tết Mồng Năm quê vẫn cứ
Dâng hương xuống vụ trái (1) mùa đây./.




TRÁI MÙA!

Dâng hương xuống vụ trái mùa đây
Đóng trại đồng vườn (2) đạp nước cày
Phía ruộng người ngồi nướng sắn củ (3)
Bên dường (4) trâu mẹp nhai rơm đầy
Chiều về ngồi ngắm cò chao cánh
Tối đến nằm bàn bạn cấy cày
Đạm bạc Mồng Năm bên trộ nước (5)
An vui với cảnh ruộng đồng này./.

Lê Đăng Mành


 (1) Vụ trái (hè thu): So với vụ mùa (đông xuân ) thì bấp bênh nên gọi là trái, ngày xưa chủ ruộng hay phú nông họ làm vụ mùa (đông xuân) tới vụ trái họ thả ra cho nhà nghèo thuê,việc tưới tiêu chưa chủ động nên thường mất trắng mà lúa thuê cứ đong đủ cho chủ ruộng.

(2) Cánh đồng của làng VĂN QUỸ giáp với ruộng VĂN PHONG -MỸ CHÁNH. Vì xa nên phải đóng trại ở lại đạp nước và cày cấy.


(3) Ăn bữa lỡ


(4) Dường: bờ ruộng


(5) Nơi đạp hoặc tát nước .

(*) Đoan ngọ :Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó. Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm. (Theo Lê Thái Dũng, bee.net.vn)

                                             
READ MORE - CHÙM THƠ NHÂN TẾT ĐOAN NGỌ - Lê Đăng Mành

Thơ về trường cũ: HẢI LĂNG ƠI ! - Huy Uyên

Họp mặt cựu học sinh Hải Lăng 1969-75 tại Ngãi Giao


Hải-Lăng ơi người mẹ hiền yêu mến
Buổi quay về con gọi khẻ trong đêm
Quờ quạng đôi tay con mãi đi tìm
Phố nhỏ Diên-Sanh lạnh buồn tê tái .

Hải-Lăng ơi ngàn năm còn đây mãi
Bóng con đi trong mỗi bước chiều vương
Bao mái đầu xanh xa cách mái trường
Bỏ lại mẹ nằm một mình thui thủi .

Hải-Lăng ơi mỗi đêm về u tối
Gió lùa đan qua những dãy hành lang
Hồi trống ngày nào dục giã ngân vang
Mẹ trở dậy với ghế bàn trống lạnh .

Hải-Lăng ơi dương chiều ca lời thánh
Kết hoa đời trái tim mẹ hề phai
Đường các con đi muôn nẻo chông gai
Vẫn nhớ mẹ tháng ngày vụng dại .

Hải-Lăng ơi trái đầu dâng mẹ hái
Lớp lớp đàn con ngày tháng xa dần
Biết ngày nào về ngồi lại bên sân
Cùng vang tiếng nói cười trong tay mẹ .

Hải-Lăng ơi trên chông gai dâu bể
Vẫn còn đây lòng con trẻ ngoan hiền
Cả một đời với ước vọng triền miên
Quay trở về với bao dung đời mẹ .

(Tặng Nt.Thanh/lớp Đệ Lục 1964)
Huy Uyên
lesinh.lesinh@yahoo.com
READ MORE - Thơ về trường cũ: HẢI LĂNG ƠI ! - Huy Uyên

RỐT RÁO HƯ KHÔNG - Nguyễn Nguyên An



Nếu cứ nghĩ Phật
Trong tâm ta
Ta phóng tâm kêu mạn

Nếu cứ nghĩ Phật
Ở ngoài ta
Ta chẳng nơi bám víu

Hãy tự thấy tánh không
Phật chẳng trong chẳng ngoài
Phật trùm khắp ba cõi
Thấm tận cả hư không

Phật chính là hư không
Hư không là tất cả
Con cúi đầu đi mãi
Rốt ráo đến hư không


Huế, 080412

N.N.A

 Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH (NNA) - 50 Trần Thái Tông, Huế.
Tel: 01688971486

READ MORE - RỐT RÁO HƯ KHÔNG - Nguyễn Nguyên An

Ký ức vào đời: HAI LẦN BỊ BẮT - Nguyễn Thanh Xuân

Đồng làng Hưng Nhơn. Ảnh Nguyễn Như Khoa



 Bị bắt lần thứ nhất

Lợi dụng mùa nước lũ, trong làng các hầm cá nhân ủng nước, ngoài cồn mã, ruộng cũng lênh láng nước và nước. Phía VNCH tổ chức những cuộc càn quy mô nhỏ, bất ngờ nhằm đánh lạc hướng đề phòng của ta. Tin địch về tôi vội chạy ra đồng, băng qua mấy cồn mã, nhào xuống ruộng ngoài cồn Mồ kiềm giữa. Đạn rơi lụp bụp bốn phía. Tôi vơ đám cỏ lùng tấp lên mặt. Một chiếc nôốc trượt kéo đám cỏ và chúng xum lại kéo tôi lên. Vừa đánh vừa cho thuyền rong vào đường bạng xóm Thượng. Tay bị trói chặt. Một thằng quát: Lý trưởng mày đâu. Làng tôi không có Hội tề. A! thằng ni nói giọng Việt cọng. Đứa lấy khăn bịt miệng, đứa cởi ủng múc nước đổ vào. Bụng tôi căng lên. Tôi không biết gì hết. Đứa đá bên này, đứa đá bên kia, người tôi bụng căng cứng, tay chân mềm nhũn. Dừng! một thằng hét, có tiếng còi tập trung. Chúng dong tôi đi theo đường trôôn xóm thượng theo dọc đường cái đi về, khi ngang qua nhà tôi, tôi cố ngẫng cao đầu và ngoảnh ra bờ hói, cố tránh sự khóc lóc của người nhà, sợ chúng phát hiện ra sẽ liên luỵ tức khắc. Đến cuối làng An thơ chúng đưa sang Vĩnh an rồi đưa thẳng lên Mĩ chánh, tống vào lô cốt. Nằm lô cốt, té ra chúng chỉ bắt được một mình tôi. Tôi nhớ chiều nay rất nhiều thanh niên sao chúng chẳng bắt ai. Lạ nhỉ! Sáng, chúng lôi lên tra khảo và hỏi lung tung. Tại sao mày chạy trốn. Tôi nói gọn: các ông đem súng bắn lung tung tôi sợ phải chạy. Thằng này lý sự. Đánh, đánh , đánh là không biết cũng phải biết mà khai. Cứ thế loanh quanh suốt buổi. Nghỉ, chiều làm tiếp…

     Sau ba bốn ngày hành hạ, tối đó một lính vác súng, một người quần áo trắng đến lô cốt gọi tôi lên có người gặp. Từ bộ ghế ngựa hai người đứng dậy ra nhìn tôi rồi kéo vào chỉ tôi ngồi cùng bức ngựa. Tôi rut rè ngồi cạnh. Trên bức phản có mấy đĩa kẹo bánh và ấm nước. Nguyễn Văn Bình người Văn Quĩ , Nguyễn Văn Bá người Phú kinh, đã cùng tôi làm trong UBKCHC xã Hải phong.  Tôi và Bá có bà con gần: mụ o tôi là mẹ Bá. Cuộc gặp, hai anh nói đơn giản là chúng ta biết nhau rồi, có chi mà phải nói nhiều; sang đây làm với nhau cho vui. Anh hiểu cho, tôi và Bình mới biết chiều nay, làm anh khổ. Để ghi cung của người bị bắt là tôi và Bình mà đã biết rồi thì cần chi phải hỏi nữa. Yên tâm, nó hạ giọng: “Đừng làm khó cho tôi”. Hơi bất ngờ, tôi chưa nghỉ ra câu gì để nói, và xin để suy nghĩ. Trở lại lô cốt. Chắc cả hai đều làm Phòng Nhì cho Pháp rồi. Ngủ dậy thấy những người “chăm sóc” tôi mấy hôm rồi có dáng như gần gủi. Chiều vợ tôi lên, (sao đẹp thế), tôi suýt bật thành lời. Vợ đưa tôi tấm khăn tắm cỡ 80x140cm trắng toát, mịn màng tương phản với cảnh lem nhem trong lô cốt. Bọn lính nháy nhau ở tù mà sang thế. Vợ tôi lí nhí: em không mua, của ai thì anh biết rồi đó. Tuỳ anh! Tôi định nói cầm về nhưng kịp ghìm lại, không nên căng thẳng.

     Có một sáng sau những ngày căng thẳng, mệt mỏi và nhàn rỗi, môt người (mặc áo sơ mi trắng) rủ tôi  đi cùng anh ta ra chợ Mĩ chánh dáng vui vẽ như bạn bè. Đi để làm gì, tôi cũng không hỏi.Tôi đi theo, chưa đến chợ tôi  dừng lại và nói không thích đi chợ, tôi chẳng cần gì.Tôi quay lại, người ấy nói như nài nĩ: thì đi chơi cho thoải mái, ngồi trong lô cốt không mệt à. Không tôi không đi. Tôi quay về người ấy cũng miễn cưởng trở lại.Tôi vào lô cốt tự hỏi, sao anh ta cho đi ra chỗ đông người không có lính kèm, không trói tay, họ không sợ mình trốn à.Tôi chưa tìm được lời giải. Hình như mấy hôm nay tôi không được tắm, chiếc khăn trắng đã lem bẩn xấu xí, nhàu nát.

    Chưa mờ sáng đã nghe tiếng gọi ra sắp hàng. Nhìn thấy toàn  là người làng Hưng nhơn, dễ chừng hơn hai chục người. Tôi à lên ngạc nhiên : lần này nó tóm gon tất cả thanh niên làng mình không sót một ai, không thấy ai bị trói và bị đánh đập như tuần trước bắt tôi. Chưa kịp hỏi nhau câu gì chúng đã lùa lên xe chở ra Quảng tri rồi chở vào Huế. Chúng bắt ta đi lính cho chúng. Một ngày ở Văn thánh Võ thánh. Mưa như trút nước. Sông Hương nước đỏ ngầu. Hôm sau chúng chuyển về đồn Địa linh (trong số bị bắt, hiện nay còn sống ở làng là Nguyễn Đức Hối, Nguyễn hữu Tân) .


     Chỉ mấy hôm, chúng gọi tôi lên bảo là kiểm tra văn hoá để đi học sĩ quan. Đề ra bài văn là: Có bạn thân đang bên Cọng sản. Hãy vì tình bạn mà khuyên bạn về với quốc gia, quốc trưởng Bảo đại.

     Không nhớ tôi viết thế nào mà hai hôm sau, tên Đồn trưởng gọi tôi lênVăn phòng ông ta (chỉ mình ông với tôi). Ông ta cười nhẹ báo tin tôi được đi học, rồi gằm mặt xuống kể hai tội của  tôi. Một là nội dung bài văn sặc mùi cọng sản và hai là, ông dừng lại hơn vài ba phút như cân nhắc điều sắp nói. –Sao không báo với tôi mà viết truyền đơn dán lên khắp tường. Tù, tù rục xương, giọng trấn áp. Tôi thực sự hơi hoảng, nhưng kịp trấn tĩnh. – Tôi biết gì đâu mà dám lên với quan, họ dán giấy lên tường à. Đừng ỡm ờ ! Dù có viết toàn chữ kiểu say rượu tôi vẫn khớp được chữ  anh (chữ bài thi và chữ dán trên tường), anh giúp tôi đừng làm tôi thất vọng. Giọng nó sao mềm thế, tôi đang là cái gì mà đồn trưởng lại bảo giúp nó. Tôi nghĩ. Tôi nhỏ nhẹ thăm dò: Họ viết nói gì? Anh quên rồi hả ? Ăn uống khổ, mất vệ sinh, lính mà đánh bạc suốt đêm v.v…Đúng như thế thật, nhưng không được nói ra. Tôi  không biết gì đâu, tôi xin về trại.

    Đêm, trằn trọc, mấy tiếng đi học, giúp nó, giọng mềm và  trấn áp của tên đồn trưởng cứ chờn vờn không sao ngủ được. Sực nhớ câu quốc tưởng Bảo Đại, cái không thiện chí với Bảo Đại trổi dậy. Lần đi đón tức chết đi được, miệng nói làm công dân hơn vua, làm cố vấn cho cụ Hồ rồi trốn và trở mặt làm Quốc Trưởng…Ai bầu…? Phải trốn, trốn bằng cách gì, tôi cũng không biết chỉ biết là phải trốn.

    Tình cờ nghe chuyện mưu mẹo của một người hoản bắt lính bằng cho tỏi vào nách rồi van la nóng rét. Kẹp nhiệt độ sẽ lên cao. Tôi liều bắt chước và Y tá đồn đang đêm cho tôi vào viện điều trị bởi sốt đột ngột. Người tôi nhẹ băng, thoải mái nhưng phải đắp chăn trùm kín mít và không ăn. Tự khổ sai khoảng dăm hôm, rồi  “đỡ dần ra”. Sau đó họ cho ra viện. Cầm tờ giấy ra viện mới biết  nơi đây là đồn Mang Cá. Giấy ghi nghỉ 5 ngày. Nhanh như chớp, đây là cơ hội cho ta trốn. Tôi ghi thêm sau chữ nghỉ 5 ngày: ở nhà tại làng Ưu điềm. Đã liều là liều. Tôi đi chuyến xe chiều Huế- Ưu điềm. Đến căn cứ Mỷ chánh, dừng xe kiểm soát. Tay tôi chìa giấy nhưng vẫn cầm chặt và đọc luôn nghỉ 5 ngày tại Ưu điềm bằng tiếng Pháp. Tên lính vội đẩy tay tôi và cả giấy, miệng nói được rồi, được rồi. Nhẹ hắn người nhưng không dám thở. Đến giờ này tôi như đang ngồi trên đống lửa: không thể xuống chợ Ưu Điềm được vì đó là đồn lính vả lại nhiều người biết tôi. Có thể do mừng mà sinh chuyện, lòng tự nhủ. Qua khỏi đồn Câu Nhi Hoà, phải xuống! Vào bất cứ nhà nào phía bở sông, đêm lội sông sang Câu nhi, hoặc băng đồng sang thôn Chùa, thôn Niêm, làng Ưu điềm. Xuống xe, trời chạng vạng, rẽ đường cái bước vào ngõ như vào nhà mình, trong nhà có người hốt hoảng chạy ra. Tôi trốn lính. Tôi là con ông Cửu Liên, thợ mộc làng Hưng nhơn. Ở gần đồn, vào nhà, tiếng nói âm ấm trong nhà vọng ra. Tốt rồi. Bác chủ nhà lại tiếp: Tôi về làm ruộng với gia đình mình nhiều, tôi cũng biết chú nhưng chú làm việc mô trên tỉnh trên huyện chi đó nên không gặp mấy. Quay sang sai con gái nấu cơm nóng cho chú ăn ấm bụng. Bây giờ tôi mới thấy bụng mình đói quặn. Thay bộ áo quần nông dân, 3 người đưa tôi lên thôn Chùa làng Ưu điềm quê vợ tôi.

    Chặng đường quen mà lạ, lạ mà thân thương: Ưu điềm - Thượng nguyên - Trầm - Khe mương - Hải đạo - Hưng nhơn - Hải phong cho đến ngày tập kết ra Bắc. Đoàn của xã Hải phong do Nguyễn Ngôn (người Hà lỗ) làm Trưởng đoàn. Hưng nhơn chỉ một mình tôi đi. Ngày 28-7-1954, hai ngón tay giơ lên  biểu tượng của xa nhà hai năm thế rồi hai mươi môt năm biền biệt và vẫn biền biệt cho đến khi tôi ngồi viết những dòng này

***
    Năm 1973, nhân đọc một bài viết của nhà văn miền Nam  gửi ra nói về một trong những chuyện cán bộ cốt cán của ta theo về phía Mỹ Nguỵ, có trường hợp bị trở thành tay sai đắc lực cho nó. Chuyện rằng cán bộ ta bị bắt, có người chúng cho ăn uống tử tế, tự do đi lại (tất nhiên có người theo dõi), mỗi ngày mỗi được ăn uống tốt hơn, cho đi chơi đến chổ đông người với thái độ thân thiện. Môt thời gian, nó thấy “cán bộ ta” đã mê cảnh ăn chơi và đặc biệt bị dư luân bà con xôn xao rằng đã theo giặc. Chúng hỏi: anh bây giờ đã muốn về nhà chưa, muốn về thi cho về, như không muốn về thì ở lại với chúng tôi. Chỉ cần kí vào giấy nầy: ĐƠN CHIÊU HỒI..


    Bất giác tôi rùng mình nhớ trường hợp  mình bị bắt, có lẽ cũng theo dạng nầy. Ba ngày sau khi tôi trốn, ở làng đã biết tôi trốn do người Phú kinh đưa tin từ Huế ra. Những người làng bị bắt đi lính đang ở đồn Địa linh (Huế) tưởng tôi còn nằm viện chưa về chứ không biết tôi đã trốn. Năm 2004 chú Tân (đã nói ở trên) hỏi tôi chơ trốn khi mô và đi đường mô mà tài rứa.

    Nếu những ngày bị bắt ở Mĩ chánh, chỉ riêng việc tôi ra chợ với “phòng nhì” thì sự việc sẽ khác. Chợ Mĩ chánh sáng nay có chuyện gì khác, tức khắc chợ chiều Ưu điềm  biết hêt:  làng tôi, làng Ưu điềm đi chợ mua bán đông lắm mà tôi lại nhiều người biết.

   Tôi sẽ không dám vào xóm Câu Nhi Hoà cũng không dám đến thôn Niêm, thôn Chùa  nếu tôi đi chợ Mĩ chánh với chúng. Họ sẽ trói gô tôi và “đem trả lại đồn Mĩ chánh”. Tôi biết họ là những người trung thành tuyệt đối với bên ta (Việt minh).

    Cũng may cho tôi và cũng đúng với tâm trạng buổi đầu bước vào đời.


Bị bắt lần thứ hai

    Một tháng đi bộ, nơi dừng chân, để chỉnh huấn là xã Nam Bình, Nam đàn, Nghệ an. Sau chỉnh huấn chúng tôi được về nghỉ ngơi tại xã Hưng phú Hưng nguyên có nhà máy đường Sông La. Con đê 42 vỡ, nhân dân vô cùng cực khổ. Nhiều gia đình đi xin. Chúng tôi thỉ ngồi chơi. Tôi rủ Nguyễn Ngọc Tân (biệt động Huế) lên gặp cán bộ hỏi và được trả lời: các anh thuộc diện đợi cấp trên bố trí công tác. Ở đây chỉ bố trí việc cho lao động chân tay. Hai đứa bấm tay nhau, việc ấy chúng tôi làm có được không, ở rỗi buồn quá. Một anh bảo: các anh muốn làm phải viết đơn tự nguyện. Tự nguyện thì có chi mà không viết được. Thế là chúng tôi về đơn vị có tên là đại đôi 313 công trường nông giang bắc Nghệ an. Nhớ lại mới thấy mình “oai” là có đơn tự nguyện mới trở thành công nhân, bởi sau đó khoảng một tháng  đơn vị 313 rồi 314, 315, 316 v.v…những người trước đã làm ở Ty Thông tin tuyên truyền Quảng tri và nhiều cán bộ cấp tỉnh huyện, các anh chị em gánh vũ khí quân lương rồi những anh chị em vượt tuyến ra sau tập kết, ồ ạt vào làm công nhân mà không cần đơn tự nguyện.
   
      Những ngày hàn gắn đê 42 và xây Cống Vũng Bùn (cách ba ra Đô lương) 13km chủ yếu là gánh đất, đập đá dăm để đúc ống cống. Tôi và Nguyễn Khánh Xuân (Văn quĩ) xuất sắc nhất. Đập đá dăm cỡ 2x2 cm,  năng suất trên dưới 2 mét khối/ ngày.  Định mức 0,8 khối, có người chi đat 0,4; 0,6 mét khối..

     Chúng tôi ở nhà dân, phong trào Cải cách ruộng đất đang rầm rộ, tối  đi dự đấu tố địa chủ, tuy không biết gì cũng đi, nghe nông dân hô thì hô theo.

      Ở đơn vị 313 , tôi được mờì dự cuộc họp (với chức danh là cán bộ dạy bổ túc văn hoá).  Bí thư đảng : Phấn, Đại đội trướng:Thiệp báo cáo về chị thị chấn chỉnh tổ chức trong cơ quan nhà nước song song với CCRĐ ở nông thôn của Liên khu uỷ Liên khu IV.

    Trong những ngày ấy, không khí bàn tán chuyện thành phần ở nông thôn, thành phần tiểu tư sản, tư sản trong cơ quan inh ỏi cả lên.

     Tôi nói nhà ông Hợp nơi tôi ở, ông ấy nghèo thế mà địa chủ gì, qui thế là sai, bởi họ ăn cơm độn cà pháo đắng nghét, áo không có chiếc lành. Trong đơn vị xôn xao tổ X đưa quang gánh xuống bến ngâm để cho trôi ra giữa ao làm mất thì giờ “vàng ngọc”.Tôi cho rằng dân xuống bến giặt giũ, chao chọng rồi trôi, trôi ra thì vớt có gì mà quan trọng sinh ra to tiếng tranh cãi.

     Đêm 20-5-1955, có một cuộc họp toàn Đại đội đột xuất. Trời tối đen như mực, đến nơi thấy trên tấm băng nền đỏ: Chỉnh đốn Tổ chức. Kiên quyết đấu tranh chống những phần tử phản động . Ghủ toạ, thư ký vào vị trí. Vài lời ngắn gọn, Tiếng chủ toạ: Nguyễn Thanh Xuân lên bục, Nguyễn Thanh Xuân lên bục, nghe rỏ không. Tôi bàng hoàng, chuyện gì vậy. Cả hội trường im phăng phắc. Tiếng chủ toạ lại vang lên; NTX lâu nay đội lốt một thầy dạy Bổ túc văn hoá đơn vị ta, dạy giỏi để gây cảm tình trong chúng ta nhưng bên trong hết sức phản động. Xin mời ai có oan thì lên đấu.


    Một chị to béo nặng nề bước lên. Chị ni thì sợ mình một phép và luôn có cảm tình (tôi nghỉ). Tôi lắng nghe chị nói gì? - Ai đời dạy tui, ra bài hỏi: Vì sao không thở là chết. Câu ni dễ ợt, tui trả lời là do đế quốc phong kiến đè bẹp nên chết. Điểm 10 là cái chắc, rứa mà khi trả bài tui được điểm 1. Rứa là bao che cho đế quốc phong kiến, đúng là phản động. Cánh tay khác giơ lên: O Hiền: anh a trang hoàng đám cưới của tui mà không tích cực, chủ toạ hét lên chỉnh đốn: không được goi người bị đấu là anh, cô ta ờ ờ khi đã về chổ của mình và nói thêm còn nói tiếng Tây nữa. Nhiều bạn thân với tôi, sợ liên luỵ và không có gì để nói, buộc lòng chạy loanh quanh bên ni hội trường qua bên tê hội trường và lẫm bẩm: có chi thì nói lên cho rồi, nói lên cho rồi. Hội trường lặng đi chốc lát, thằng R cúi mặt lấm lét đi lên không nhìn ai: Tui được giao gác cổng để trong nhà kết nạp đảng. Đảng quốc quốc gì đó. Khi ai đến ngoài người đã dặn thì hú lên để trong trốn. Chủ toạ Bi thư Phấn nói: Nguyễn Thanh Xuân có nói gì không? Tôi nói: chuyện ra câu hỏi và cho điểm làđúng. Trang hoàng đám cưới và có khi nói tiếng Pháp cho vui cũng đúng, còn cho người gác để kết nạp là bịa. Chủ toạ cắt ngang, không được phép nói quần chúng đấu tranh là bịa. Sang bàn thư kí để ký tên. Tôi không ký. Bốn năm người bóp tay tôi ngoặc vào biên bản.

    Sáu bảy người, trước một ngọn đuốc, sau một ngọn đuốc dẫn tôi về nhà ông Hợp (nơi tôi ở) tịch thu toàn bộ những gì tôi có trong đó có tấm hình mẹ tôi.Tấm hình mẹ tôi tách từ tấm căn cước trao cho tôi khi đi tập kết. Tôi xin mãi họ vẫn không cho. Còn lại cho tôi hai bộ áo quần và cái bàn chải đánh răng. Đêm đó tôi nằm, hai tay bị trói vào thành giường. Tiếp những đêm sau cũng trói như vậy. Cái may cho tôi là những người đi kiểm tra, vào chổ tôi nằm nói lớn để tau xem những múi buộc đã chặt chưa, rồi chuồi cho tôi mấy củ khoai khi thì vài trái chuối và nới dây trói có khi tháo hay buộc hờ. Tôi tin là họ thương tôi vì hầu hết là bạn là học bổ túc tôi dạy.
  
     Sau thời gian tù tội căng thẳng, họ không tìm ra điều gì như hôm đấu tố. Họ trả tôi trở lại làm việc như ban đầu với cơ chế giam lỏng (vẫn đi làm như công nhân). Thường xuyên có hai người giám sát. Đi đâu, kể cả đi vệ sinh cũng phải xin, họ ngúc mới được đi. Một hôm cả BT Phấn, Đại đội trưởng Thiệp đến gặp tôi vừa an ủi, vừa thăm dò vừa trấn áp. Phần tôi tôi tự biết không có gì sai nên rất bình tĩnh tự tin, hơn nữa (tôi và Nguyễn Khánh Xuân) có danh sách bầu Chiến sĩ thi đua (năng suât 2 mét khối đá dăm/ngày)

    Tôi không có gì lo lắng sợ sệt, tôi nói: xin các anh về đi, tôi biết các anh cũng chỉ là người nói theo. Các anh không nói theo là mất chức. Tôi không có gì để nói với các anh. Nếu cón sống các anh sẽ biết sai. Lúc đó ta gặp nhau vui vẻ.

     Đơn vị di chuyển nhiều nơi, đến đâu tôi cũng hỏi tìm người có sách để mượn đọc. Tôi ham đọc lắm. Mượn được quyển nào là tôi nghiền ngẫm, có quyển giúp tôi nhớ đến hôm nay.

      Đến tháng 8-1956, một sự tình cờ (hay là chị có chủ ý), ngồi nói chuyện với chị có tên là Sáu (chị người Nam bộ hơn tôi khoảng mươi tuổi) đột ngột chị nói: tôi thấy cậu ham học, thích đọc sách, có một lớp của nhà nước bổ túc văn hoá cho con em miền Nam, nếu học tốt sẽ đi học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà nội. Nhưng bây giờ phải kiểm tra văn hoá đã. Tôi mừng quá nhưng nghỉ là chị này không biết làm việc chi ở Nông trường mà biết rạch ròi chủ trương của nhà nước nhưng lại không biết mình đang bị quản thúc. Mình làm sao mà đi học được. Do dự một hồi: Chị ơi, nghe chị nói em thích quá, nhưng ai cho em đi. Không hiểu sao tôi xưng em với chị một cách gần gủi mà trước đây tôi chưa hề làm thế bao giờ. Chị cười, nét cười của chị làm tôi xúc động. Chị nói em nghe: chị là Đảng uỷ viên của Đảng bộ Nông trường, trường hợp của em chị biết và đã có danh sách sửa sai, nhưng chưa có nghị quyết gửi về nên chưa được công khai. Chị nói với em thôi em chưa được cho ai biết. Có đi thi không, trình độ lớp 5 với cậu thì có gì mà lo. Cậu dạy giỏi học trò rất mê cậu. Chị gọi tôi bằng cậu như em ruột chị vậy.Tôi có cảm tưởng thế. (1)

    Chị ghi cho em đi thi, nếu được thi, em sẽ cố gắng. Thế là thi đạt điểm ở Nông trường, rồi tôi và Khánh Xuân ra Hà nội thi lần nữa. Cả hai đều đỗ và được nhận vào học Bổ túc văn hoá, niên khoá 1956-1957 để có trình độ 7/10. Khi thi đỗ lớp 7 mới được thi vào hệ chính quy học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương.

    Niên khoá 1957-1958, năm sửa sai nên lấy lượng học sinh rất ít. 2.800 thí sinh dự tuyển mà chỉ tiêu lấy vào chưa đến 400. Riêng lớp bổ túc cho con em miền Nam là 150 học sinh chỉ đậu có 10  trong đó có Khánh Xuân và tôi.

    Đang học thì tháng giêng năm 1957 tôi có giấy mời về Khu 4 để dự lễ sửa sai cho những người bị nghi oan. Tôi đang học không về dự được. UBKCHC liên khu 4 gửi ra cho tôi:quyết nghị sửa sai nhiều thư để tôi gửi bạn bè nhằm chứng tỏ lâu nay nhà nước không cho gửi. Quyết nghị ghi ngày 5-1-1957 có câu: Nay phục hồi danh dự công quyền và các quyền lợi chính trị kinh tế v.v.. cho ông Nguyễn Thanh Xuân, một văn bản khác đề ngày 22-2-1957 có câu: các thiệt thòi về kinh tế đồng chí kê khai và báo cáo cho cơ quan đang công tác xét và giải quyết. Thực chất là không được trả gì hết, bởinơi thu giữ ở khu IV mà đơn vị tôi đang ở lại là trường đóng tại Hà nội. Ở trường có gì mà trả cho tôi. Tổ chức nhàtrường thông cảm. Tấm ảnh mẹ tôi trao cho ngày đi tập kết cũng mất từ đó (những văn bản trích ghi trên hiện nay tôi còn giữ)
    
      Thế là sau 3 năm theo học chính quy, tôi có lưu lại bài thơ, ghi tháng 10-1960 như sau:



Trường giữa thủ đô

Nông lâm Trung cấp Trung ương
Sáng rực lòng ta mong ước
Tay chai chân trần tiến bước
Sách đời đã đổi sang trang

Ba năm dùi mài kiến thức
Vở bài không chút đơn sai
Dẹp lòng đêm Nam ngày Bắc
Ngày mai tất cả ngày mai…

Cầm bằng tốt nghiệp trong tay
Hai năm! Chưa dễ , còn dài
Việc gì ta nào quản ngại
Quê hương nặng gánh hai vai.
                   
      …………………………………..

     (1) Tháng 1-57 tôi gửi thư cho chị Sáu ở Nông trường nhưng được trả lời là chị về công tác ở Tỉnh, chưa có địa chỉ. Rồi mất liên lạc luôn. Tôi thật có lỗi. (NTX)

Nguyễn Như Xuân
Hà Nội


READ MORE - Ký ức vào đời: HAI LẦN BỊ BẮT - Nguyễn Thanh Xuân

CHÙM THƠ VỀ MƯA - Châu Thạch - Thy lệ Trang




HỎI MƯA
Châu Thạch



Mưa qua phiến đá cổ thành
Hoen như màng lệ rêu xanh tháng ngày
Mưa trên thân xác ăn mày
Uớt như một kiếp đọa đày trần gian
Mưa trên bạo chúa cung vàng
Chảy như từng vệt máu oan hằn thù
Mưa trên đôi mắt tật mù
Giọt nghe lành lạnh âm u sắc màu
Mưa trên tượng đấng nhiệm mầu
Đá trơ hứng chịu giọt sầu tháng năm
Mưa trên nghĩa địa ai nằm
Lửa hồn đêm tối về thăm cõi trần
Mưa ra từ đám phù vân
Mưa ơi, sao để muôn phần đổi thay?
Mưa rơi trên cõi đời nầy
Mầm non lú mọc, chồi cây nhú màu
Sao còn bao chuyện thương đau?
Hỏi mưa, mưa cứ rầu rầu, mưa! Mưa! .
             
C.T



NHỚ MƯA
Thy Lệ Trang
(Họa bài thơ HỎI MƯA của CHÂU THẠCH)
  
Mưa xưa xóm nhỏ Tân Thành*
Rong chơi một thủa xuân xanh ...những ngày...
Hồn nhiên gọi bạn tao ,mày
Tắm mưa ,đùa giởn ...chia đầy không gian...
Mưa trên những nụ hoa vàng
Ngây thơ áo lụa còn mang đặc thù
Mưa qua núi Bửu mịt mù...
Lá rơi lặng lẻ...chiều thu úa màu...
Trên bàn tay Phật nhiệm mầu
Mưa như trút bỏ tủi sầu bao năm
Mưa rơi trên tượng Phật nằm...
Đài sen ngàn đóa hoa đăng tuyệt trần
Cuộc đời như bóng phù vân
Mưa nơi xứ lạ muôn phần đổi thay
Làm sao đong nổi nhớ này ?
Mưa như lệ nhỏ hàng cây xanh màu
Mưa gieo từng hạt thương đau
Nhìn mưa tự nhủ ..." ta rầu hơn mưa  !!!"



TLT
MASSACHUSETTS 






* Tân Thành: Xã Tân Thành gần núi Bửu Long, Biên Hòa


 truongvantran@hotmail.com






READ MORE - CHÙM THƠ VỀ MƯA - Châu Thạch - Thy lệ Trang

MỘT GIÒNG SÔNG - Lê Cảnh Biểu



Anh về Quảng Trị, sáng trời trong
Thạch Hản hát ru khúc nhạc lòng
Sóng gợn tràng giang tựa đàn xướng,
Ngọt ngào êm dịu buổi chiều đông,
Tang tịch tình tang đời người lính,
Máu nở ra hoa thắm giữa dòng
Dấu tích tháng Năm như còn đó,
Sâu lắng  trầm tư một dòng sông

Anh về Quảng Trị qua phố Đông,
Thăm lại người xưa từng ngóng trông,
Bến Hải âm thầm đưa tiển khách,
Nhộn nhịp vào Nam, trở về không,
Đắng cay, cay đắng con đò nhỏ,
Cắm sào đứng đợi nỗi chờ mong,
Khóc cạn nước mắt sầu ly biệt,
Thắp nén hương lòng một dòng sông.

Anh về Quảng Trị - đất mặn nồng,
Bên bờ sông Hiếu chiều mưa giông,
Gặp em cô gái ngày xưa ấy,
Hẹn ước cùng anh kết tơ hồng
Mái tóc điểm tuyết màu sương gió,
Lưu luyến nhìn anh  tay bế bồng,
Lở chuyến đò xưa, mắt ngấn lệ
Vẫn đẹp trầm tư một dòng sông.

                       Tháng 4/2012
Lê Cảnh Biểu
lebieutt@gmail.com
READ MORE - MỘT GIÒNG SÔNG - Lê Cảnh Biểu