Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 8, 2017

THÁNG SÁU VÀ EM - Thơ Đình Thu



THÁNG SÁU VÀ EM 

Nắng nghiêng bờ tóc
Em về phố
Tháng sáu hình như cũng ngập ngừng
Khẽ chạm bàn tay lên ký ức
Nghe miền thương nhớ cứ rung rưng

Có lẽ không cùng chung nguyện ước
Đôi lần ta được sống bên nhau
Được nghe em nói bao điều lạ
Có cõi riêng nào ở trong ta

Gánh chiều che khuất màn đêm
Để tóc em vàng trong nắng
Cho dòng thời gian im lặng
Màu mắt em như trời xanh

Ta gom nỗi nhớ đi rong
Ép khô một vùng ký ức
Có lẽ cuộc đời hạnh phúc
Là không có đủ bao giờ ...


Đình Thu
READ MORE - THÁNG SÁU VÀ EM - Thơ Đình Thu

CHIỀU NAY MƯA PHỐ - thơ Trúc Thanh Tâm


      

CHIỀU NAY MƯA PHỐ

      - Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70.

 Bây giờ tôi định dạng tôi
 Bảy mươi năm giữa tình đời đảo điên
 Qua hai thế kỷ ưu phiền
 Nợ còn đeo đẳng từ tiền kiếp xưa

 Đời nay mưa nắng trái mùa
 Nên đau khổ cứ cợt đùa cõi mê
 Gót chân đau nhói lối về
 Dường như bão rớt trên quê hương nhà 

 Những mùa xuân cũ đã xa
 Và mùa xuân nữa chợt già trong tôi
 Học chưa hết cấp làm người
 Mà sao nước mắt chín muồi trên mi

 Một người tiễn một người đi
 Tình quê gởi lại từ khi xa người
 Dòng sông thơ ấu mất rồi
 Chiều nay mưa phố ngậm ngùi, thấy sông !
 
 TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )
READ MORE - CHIỀU NAY MƯA PHỐ - thơ Trúc Thanh Tâm

Vui buồn đời thợ ảnh: Phần V: TÔI LẬP GIA ĐÌNH - Trạch An -Trần Hữu Hội

   
Nhà văn Mang Viên Long và Trạch An-Trần Hữu Hội

Vui buồn đời thợ ảnh: 
Phần V: 
TÔI LẬP GIA ĐÌNH

Trạch An -Trần Hữu Hội

Tuyền mất cũng đã gần ba năm, nhưng với tôi, chỉ như mới ngày nào!
Sau cải tạo nhiếp ảnh, tôi vào làm cho cửa hàng ảnh. Hàng ngày, tôi lên cửa hàng ảnh ngồi tán linh tinh rồi qua cửa hàng giải khát, uống nước hoặc uống rượu với bạn bè. Cuộc sống của tôi tẻ nhạt và trống trải, ý nghĩ vào lại Sài gòn thường đến với tôi…
Nhưng gần một tuần nay, những cơn ho thường xuất hiện. ngây ngấy sốt vào buổi chiều…Hôm nay, cũng vào buổi chiều, những cơn ho nhiều hơn, xẩm tôi thì thấy nhói đau ở vùng ngực. Tôi ngồi chờ cơn đau tức qua di nhưng không thấy giảm mà càng lúc càng đau hơn…Nửa đêm thì không chịu được nữa, người tôi nóng bừng và rên khe khẽ. Mẹ tôi vào phòng, sờ lên trán tôi rồi hốt hoảng hỏi:
- Con đau ở đâu?
Tôi vỗ nhè nhẹ vào vùng ngực phải. Mẹ tôi chạy bộ xuống nhà chị tôi, chị chạy lên với cháu gái. Nhìn tôi vã mồ hôi và rên, chị tôi quết định phải đi bệnh viện.
Tôi muốn bảo chị đừng đi nữa, nhưng chị tôi đã báo anh rể đi thuê xe kéo. Nhà tôi đến bệnh viện huyện chỉ gần một cây số, nhưng không có phương tiện gì để chuyển đi ngoài xe kéo bằng tay. Loại xe dùng chở đồ đạc, dạo này được dùng vào việc chở gỗ, chở tranh, tre, mây… từ trong rừng về, từ đó chở về các làng lân cận bán cho người ta làm nhà, làm vườn nho…
Anh rể tôi đi thuê xe cả tiếng đồng hồ, hỏi nhiều nơi nhưng xe bận đi chở hết, cuối cùng anh quyết định cõng tôi đi bộ.
- Cậu ráng ôm cổ anh nghe. Ôm cho chặt, anh cõng cậu đi chứ không ở nhà được đâu. Cậu sốt nặng lắm!
Anh tôi xốc tôi lên lưng, tôi níu hai vai anh nhưng anh buộc phải vòng qua cổ cho chắc chắn, chị tôi chạy theo sau đỡ lưng tôi. Mẹ và cháu gái tôi lấy ít đồ đạc theo sau.
Tôi ráng chịu đau không rên, nhưng tay chân rã rời, nhiều lúc muốn buông tay, may mà gắng gượng đươc đến bệnh viện, quãng đường dài như vô tận!
Bệnh viên hầu như chẳng có thuốc men gì, Y tá khám rồi đưa cho tôi một nắm thuốc Nam màu xanh lè. Tôi uống, mong là hạ được cơn sốt bừng bừng nhưng gần sáng mà vẫn như lúc đến bệnh viện! Chị tôi nóng ruột chạy về nhà, tìm tới những con buôn thuốc Tây, hỏi mua thuốc giảm đau và hạ nhiệt, may là có! Tôi bớt sốt và đã bớt đau…Mong trời sáng đễ xin chuyển về bệnh viện tỉnh ở Phan Rang. Tội nghiệp mẹ tôi, bà lâm râm cầu khấn cả đêm!
Sáng ra, sau họp giao ban và đọc báo, mới có y tá đến, cũng chỉ cái ống nghe và cái kẹp nhiệt. Mấy viên thuốc hôm qua mua ngoài làm tôi hạ sốt và tỉnh táo hơn. Y tá không cho chuyển viện. bảo là không có gì…
Tôi nói với chị là lên gặp Bác sĩ Hưng, giám đốc, nói là tôi bị bệnh đang nằm ở đây. Giám đốc là một bác sĩ quân đội chuyển về, gốc người Hà Nôi, vốn rất văn nghệ, thích thơ văn…Tôi quen nhân chuyến trường THPT tổ chức đêm thơ nguyên tiêu mấy năm trước. Anh rất thích đọc truyện của miền Nam xuất bản trước 75 và sách dịch… Anh ngạc nhiên, rất thích nguồn sách đa dạng và phong phú của miền Nam…Gặp chị tôi, anh xuống ngay giường hỏi han. Sau khi khám lại, anh nghi là viêm phế quản, cho chuyển viện ngay vì bênh viện huyện không có máy chụp X quang.
Có hai bênh nhân bị sốt rét cũng cần chuyển viện, nhờ vậy Bác sĩ cho một chuyến xe đi 3 bệnh nhân cùng lúc mà thân nhân không phải đóng tiền xăng!
Các bác sĩ tại đây sau khi chụp phổi, xác định tôi bị viêm phổi, chích Strepthomycin và uống Tetracilin… Cháu tôi phải chạy ra chợ trời mua từng ngày, vì bệnh viện không có tiêu chuẩn cho những bệnh nhân không có giấy giới thiệu của cơ quan như tôi!
Nằm tại bệnh viện Phan Rang tám ngày, tôi xin về nhà…những cơn sốt, đau tức không còn nhưng tôi gầy xanh và rất yếu! Bạn bè đến thăm đều lắc đầu, hai hốc mặt tôi sâu hoắm! Thế mà trong vòng chưa đến mười ngày, mẹ tôi bồi bổ cho tôi bằng thịt bò tái chanh, nhà không có tiền, mẹ mua xương về lóc thịt vụn, cũng là thịt bò…Tôi đã phục hồi, còn hồng hào hơn cả trước khi bệnh!

                                                          oOo
Một buổi chiều, tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 13 tháng 11, sinh nhật lần thứ 30 của mình. Không bạn bè…Tôi pha bình trà nóng ra ngồi bên hiên nhà, ôm đàn hát nho nhỏ những bản nhạc yêu thích…
Năm ngoái, Do, bạn thân nhất của tôi, có viết cho tôi nhân ngày sinh thứ 29, bản nhạc “Đêm chưa đầy 30". Tôi hát lại mấy lần điệp khúc của bản nhạc, “…đêm chưa đầy ba mươi, trời còn rực rỡ, ta chưa đầy ba mươi, đời còn quá trẻ, em đi về trong ta, dựng một này mới phiêu bồng… Ơi những thằng đời chưa ba mươi, hãy cùng ta cạn chén hôm nay, ôm nhau cười và ngất ngây say… Quên chuyện cũ đau lòng…”. Ý bạn tôi muốn nói tới những ngày tù tội của tôi những năm trước!
Đang hát thì Lam, cô giáo ở trong xã, đạp xe ngang qua, thấy tôi nên ghé vào. Lam có đứa em trai thường chơi với tôi, cậu chàng thích nhạc tiền chiến và đọc truyện… Chúng tôi thường trao đổi cho nhau những cuốn truyện dịch. Có khi những cuốn truyện ấy là của cô chị Giáo viên này. Tôi hỏi:
- Lam đi đâu lạc vào đây vậy?
- Em đi châm cứu cái chân, tinh ghé qua nhà con bạn cuối đường này mượn cuốn sách. Anh về khi nào?
- Mấy tháng rồi, hôm nay sinh nhật của anh. Không có ai buồn quá. Lam ngồi chơi anh hát cho nghe. Em thích bản gì nào?
- Anh hát “Suối mơ” của Văn Cao đi.
Tôi chơi đàn rất tệ, nhưng khá tự tin với giọng hát của mình, nhất là những bản nhạc có âm trầm trầm, ấm áp…
Đoạn điệp khúc Lam cùng hát theo:
“…Tơ đàn chùng theo với tháng năm, rừng còn nhớ tới người, trong chiều nào giữa chốn đây hồn cầm lắng tiếng đời…”
Chiều xuống chầm chậm, ngọn núi Vàng trước mặt khuất dần trong vùng tối, hai chúng tôi vẫn ngồi hát say sưa… Lam cũng giống tôi, thích nhạc tiền chiến, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn…Lam hát cũng hay, hôm ấy, Lam hát bản “ Tiễn em”, Thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc…và nhiều bản khác, tôi rất thích giọng hát của Lam.
Nhá nhem tối, Lam về… Mấy ngày trước khi rời Sài gòn trở về quê, tôi đi lùng ở các sạp sách cũ mua một số, Tôi vào tìm cho Lam mượn bản dịch cuốn “Khải hoàn môn” của Erich Maria Remarque.
Tôi vẫn còn yếu, chưa lại sức sau cơn bệnh. Cửa hàng ảnh cũng có cửa hàng trưởng và mấy nhóc xuống thăm mấy lần…
Vài hôm, Lam dến thăm tôi một lần, thường là sau tiết dạy, có khi mang trái cây đến cho tôi, khi thì hai quả cam, khi thì dăm trái mãng cầu, ổi…
Thấy đã khỏe và cho đỡ trống vắng, buồn, tôi đi làm lại ở cửa hàng ảnh, có một hai dám cưới đến hợp đồng chụp ảnh…Tôi được phân công đi chụp, mệt nhưng cũng vui… Máy, đèn của cửa hàng toàn thuộc đời cũ, hoặc là dùng bình Acquy, nếu không thì 4 viên pin loại lớn, thường gọi là “pin đại”. Mỗi lần đi chụp hình, lỉnh kỉnh như lính đi hành quân!
Gần tết, cháu tôi ở Quảng Trị vào thăm. Cháu muốn làm nghề chụp hình ở quê vì hiện nay ngoài ấy làm nghề này rất khá. Tôi cho cháu bộ máy và đèn mang về từ Sài gòn. Chỉ cho cháu một ngày về nhiếp ảnh rồi cho cháu chụp thử, tôi lên cửa hàng tráng rọi, ảnh đẹp, tôi yên tâm vì cháu về ngoài dó không biết hỏi ai. Cháu nói là trước khi vào thăm tôi đã có ý nhờ cậu mua dùm cho máy ảnh, bây giờ có của cậu rồi đem về làm khỏi mua, cháu gởi cho tôi hai chỉ vàng nói là mẹ cho đễ mua máy. Tôi không nhận vì nghĩ chị cũng khó khăn, nhưng cháu bảo là cậu yên tâm, ba mẹ nhận nuôi vịt cho HTX, có lúa của HTX phát cho vịt ăn nhưng mình thì chỉ cho ăn giữa đồng, nhờ vậy nên thừa lúa ra, bán cũng khá tiền. Tôi lấy một chỉ đưa cho mẹ, tôi biết từ hôm đi bệnh viện đến nay mẹ phải vay mượn và mua nợ khá nhiều đễ thuốc men và bồi bổ cho tôi!
                                                        oOo
Giáng sinh và tết năm đó không có thợ chụp hình tự do như những năm trước, không ai dám cầm máy ảnh, sợ bị tịch thu... Cửa hàng ảnh chỉ có hai người, tôi và cửa hàng trưởng, đứng ở hai điểm đông nhất là Suối Thương và Bờ tràn… Hai điểm nảy theo như các bạn làm nghề nói, trước đây thì rất đông khách, nhưng nay chỉ lác đác vài người đem con đi chơi, ghé chụp một hai kiểu, có lẽ cài tiếng cửa hàng không tạo được niềm tin! Tôi chụp cho có chụp rồi ngồi chơi với khách, cũng là bạn bè đưa con đi chơi tết!
Có mấy hôm Lam cũng đi chơi, chúng tôi ngồi với nhau dưới những lùm cây ven suối, chuyện trò…Không đề cập đến tình yêu, nhưng chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm của nhau…
Dạo còn ở Sài gòn, thỉnh thoảng tôi có đi xem phim ở các rạp. Từ ngày về lại quê, lâu lâu có đoàn chiếu phim về chiếu bãi, sân banh hoặc hội trường…Tôi ít khi đi xem. Có hôm Lam rũ tôi cùng đi xem, có vé đội chiếu phim mời một số giáo viên, vé dành cho hai người, tôi cùng đi với Lam. Tôi nhớ là phim “Sonade bên hồ”. Phim được tiếng là hay và lãng mạn, phim tình cảm hiếm hoi của dòng phim xhcn…
Đưa Lam về sau khi xem phim, tôi vòng tay ôm rồi hôn Lam. Nàng đón nhận đôi môi của tôi như đã từng hôn nhau từ thủa nào… Đêm hôm ấy, tôi nghĩ đến Tuyền, một  thoáng buồn đến trong hồn…Tôi gọi khẽ: Tuyền ơi, nơi cõi xa xăm nào đó, luôn bình yên em nhé!
                                                     oOo
Anh chị tôi lâu nay dã có ý muốn vào Long Khánh làm ăn, trước tết, anh rể tôi vào thăm xem xét sinh hoạt trong đó, anh về lại, quyết định vào mua đất làm rẫy… Chị tôi thì buôn bán ở chợ.  Xem ra cuộc sông có vẽ dễ dàng và khá hơn ở quê. Anh rể nhanh chóng về cắt hộ khẩu, giấy tờ hành chính khó khăn làm anh mất cả mười ngày, lên xã lên huyện…
Cuối cùng cũng được, anh mừng vì sớm ổn định cho các cháu đi học…Trước ngày vào lại, anh gọi tôi ngồi nói chuyện, anh nói:
 - Mấy hôm nay anh về làm giấy tờ hộ khẩu cậu cũng biết đó, giờ thì xong xuôi hết rồi, anh vào trong Long Khánh chưa biết khi nào ra lại, một lần đi lần khó. Anh hỏi cậu chuyện này: Cà chục ngày nay, tuy anh không ở nhà thường xuyên nhưng cũng thường thấy, có một cô hay ghé thăm cậu, tình tình thì sao tôi không biết, nhưng ngoại hình thì theo anh thấy cũng hay hay, có phải là bồ cậu không? Có phải cô giáo không?
- Dạ, cô ấy là giáo viên, em biết lâu rồi nhưng mới dạo nảy là hay đi lại, mà sao anh?
- Lẽ ra là mai anh vào, nhưng anh bàn với cậu chuyện này…Anh cũng có bàn và thăm dò ý mẹ, mẹ cũng thuận lòng. Nhà mình khó khăn, mẹ thì giờ chị đi vào trong Nam rồi càng đơn chiếc, nếu cậu bằng lòng thì anh ở lại thêm vài hôm, đi thăm nhà người ta, anh còn thừa tiền làm một cái lễ đơn sơ gọi là dạm, rồi hỏi cưới mình tùy hoàn cảnh mà tiếp tục. Anh nói thật cậu, anh mà lo được chuyện này thì công trạng anh với chị trong nhà rất lớn, không có niềm vui nào lúc này làm chị vui hơn! Cậu tính sao?
Tôi lúng túng cười. Lâu nay tôi chưa hề nghĩ là mình lập gia đình khi mà trong tay không có chút gì gọi là vật chất cần thiết cho đời sống vợ chồng, thỉnh thoảng gặp bạn bè, cũng cùng lứa độc thân, thường đùa vui với nhau này nọ nhưng trong thâm tâm anh nào cũng nghĩ đến cái nghèo, vì nghèo mà chưa dám lập gia đình!
- Em cũng chưa hề hỏi ý của Lam và gia đình bên ấy. Anh đễ em hỏi lại đã nghe!
- Ừ, anh chờ cậu vài hôm cũng được.
Tối hôm đó, tôi lên nhà rủ Lam đi chơi. Khi tôi nói ra chuyện hôn nhân như ý anh rể tôi, Lam cũng rất bối rối.
- Hay là anh về nhà nói chuyện với mẹ em…
Hai chúng tôi đều đã lớn, so ra với những đôi thanh niên khác thì hơi muộn khi vào tuổi này mới tính đến chuyện hôn nhân. Lam nhỏ hơn tôi hai tuổi… Mẹ của Lam nói một cách thành thật:
- Ừ, thì hai con cũng đã lớn, mẹ tùy hai con, nếu thương nhau thì mẹ không cấm cản chi, gia thất yên ổn sớm cũng tốt!
Anh rể tôi vui lắm, anh đưa tiền cho mẹ tôi mua của lễ, gồm: hai kg thít heo, hai chai rượu mía ở cửa hàng và hai gói trà, cũng của htx phân phối… Lễ thăm và luôn cả lễ hỏi chúng tôi đơn sơ như thế. Có lẽ không có cái lễ nào đơn giản hơn, nghèo nàn hơn!
Lam mất cha từ hồi Mậu Thân. Chủ lễ, mẹ Lam nhờ một người cao niên trong làng. Ông Ngoại Lam bị tai biến mấy năm nay, liệt hai tay nhưng vẫn minh mẫn, ngồi trong phòng chứng kiến cùng mẹ Lam. Phía gia đình tôi có anh rễ. mẹ và tôi…
Tối hôm ấy chúng tôi ngồi bên nhau khá khuya ở hàng hiên nhà Lam. Cả hai đều như nhau, chưa bao giờ hình dung được cuộc sống hôn nhân sẽ như thế nào… Cho dù hai nhà nói chuyện đám cưới còn tùy hoàn cảnh mà tiến hành sớm hay muộn, nhưng chúng tôi vẫn âu lo nhiều cho cái ngày ấy, cứ tính toán vu vơ như chuyện đã gần kề!
Quá âu lo về chuyện đám cưới bởi cả hai chúng tôi cũng như gia đình hai bên đều nghèo, chắc chắn rằng không thể lo cho đàm cưới của chúng tôi được, phải tự xoay xở thôi. Thấy Lam quá lo, tôi nói liều cho Lam yên tâm:
- Em à, chúng ta cứ xin học giáo lý hôn phối ở giáo xứ. Quan trong nhất là lễ làm phép cưới, bạn bè dự thánh lễ xong ai về nhà đó, khi không thể làm gì được thì mình chỉ làm cái việc cần thiết nhất mà thôi!!!
Lam im lặng, sau này khi đã sống với nhau, sinh đứa con gái đầu lòng, tôi mới hiểu là Lam đã ước ao một cuộc đưa rước dâu và một tiệc cưới vui vẽ cùng bạn bè biết bao nhiêu!
                                                           oOo
Thời của những đám cưới mang cái tên gọi: “lễ Tuyên Hôn” tức là tuyên bố hôn nhân giữa hai cơ quan hay đoàn thể… với sự chứng kiến của cơ quan, dọn trà, bánh ngọt hay kẹo mua cửa hàng… qua lâu rồi. Tôi cũng không nằm trong biên chế của cơ quan nào, nên một vài mâm cho hai gia đình ngồi với nhau là rất cần thiết. Rồi cũng có những cái may đến bất ngờ làm cho Lam và tôi vui.
Các cô giáo dạy cùng trường với Lam nhiệt tình chia sẻ nỗi lo lắng bằng cách cho mượn lương. Phải nhìn nhận là trong hoàn cảnh khó khăn chung, ai cũng cởi mở chận tình!
Một hôm Lam khoe với tôi là một chị bạn lớn tuổi, có kinh tế kha khá, cho mượn 60 đồng, Hiệu trưởng cho ứng lương được 26 đồng. Tôi buồn là mình chẳng có đồng nào cho “ngày trọng đại” này. May sao, anh Hưng, bác sĩ giám đốc bệnh viên huyện đến nhà tôi chơi một buổi chiều, Nghe phong phanh rằng tôi sắp lấy vợ, anh hỏi chuyện tôi định tổ chức dám cưới thế nào? Tôi lắc đầu nói là chắc chỉ làm phép ở nhà thờ theo nghi thức tôn giáo thôi! Với một giọng chân thành, anh nói:
- Thà là làm cơ quan rồi đàm cưới tổ chức theo kiểu tuyên hôn. Đằng này chú Sinh làm nghề tự do, bạn bè cũng đông, ráng làm một cài tiệc nho nhỏ cho hai gia đình ngồi với nhau, còn bạn bè thì mồi màng quấy quá, uống vài ly rượu với nhau cho vui chứ im lìm như chú tính thì buồn lắm!
Tôi thật tình bày tỏ cái ngặt nghèo của mình, anh  nói tiếp:
- Anh vào dây, quen biết chú, biết được nhiều đều về miền Nam trước đây, anh coi chú như em, anh cho chú mượn 100 đồng, phụ với cô ấy mà tính toán.
Tôi tròn mắt nhìn anh:
- Nghe là anh sắp ra bệnh viện Bạch Mai rồi mà?
- Kỳ rồi bà xã anh vào, cô ấy là bác sĩ khoa sản của bệnh viện, muốn anh về cùng với cô ấy ở Bạch Mai nhưng anh chưa tính, nếu được thì anh xin chuyển về miền Tây, nơi các tỉnh trước đây anh dóng quân và làm Quân Y ở đó, người dưới đó tình cảm lắm… chứ về Hà Nội anh không muốn! mà anh đi thì chú khỏi trả lại cho anh, lâu lâu anh về Ninh Sơn, chú lo cơm nước, cho anh tá túc vài hôm là được mà!
Hồi mới quen biết anh, tôi rất nghi ngại nhưng rồi dần dần, thấy anh khá chân tình, tôi cũng quý mến…Trước đây, anh đang học đại học Y khoa thì bị gọi đi B. vào chiến trường miền Nam… Sáu năm lăn lộn ở vùng sông nước Cửu Long. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh được chuyển về Ninh Thuận, Ninh Sơn, làm giám đốc bệnh viện này…
Tôi bảo Lam đưa toàn bộ số tiền của các cô giáo cho mượn, tiền lương ứng trước cho mẹ Lam, lo cho khách lớn tuổi ở nhà Lam. Ở nhà tôi, đã có 100 đồng, có thể tàm tạm cho đám cưới.
Chủ hôn hôm ấy là anh bạn vong niên của tôi tên Đăng, anh lùn và đen, người hơi xấu trai nhưng ăn nói rất suôn sẻ chân tình, anh rất thương tôi, xem tôi như em ruột, chúng tôi quen biết nhau khi tôi còn học lớp 12. Là Đại úy, anh đi cải tạo về hai năm nay, làm thợ mộc kiếm sống…Tôi không báo cho các chị ở xa, vì nghĩ các chị đi lại khó khăn. Sau này tôi bị các anh chị la rầy vì chuyện này!
        Một anh bạn sành chuyện nấu nướng, tình nguyện làm đầu bếp cho đàm cưới của chúng tôi. Với  100 đồng, anh rủ thêm mấy người bạn, lên huyện Bác Ái, một huyện miền núi, mua của người Thượng năm con dê, chở về bằng xe đạp. Anh đã cho chúng tôi một “tiệc cưới” gọi là “coi được”, với bốn mâm người lớn trong nhà. Thịt dê bốn món và khoảng 70 bạn bè của hai chúng tôi ở ngoài sân, chỉ có rượu và mồi da dê!
        Cận ngày cưới, một người bạn của Lam làm ở cửa hàng thương nghiệp, bày cho Lam làm đơn, mua được 1kg bột ngọt. Lam chia cho hai nhà. Thời này bột ngọt còn là hàng cao cấp rất ít khi nêm nấu trong gia đình!
Các bạn của Lam xúm nhau may ao, làm tóc, trang điểm…Một cuộc đưa dâu, cuốc bộ với khá đông bạn bè và tôi, chú rể cũng có áo veston, mượn của bạn bè, mặc cho buổi lễ làm phép cưới ở nhà thờ hôm qua, sánh đôi, tha hồ cho các thợ ảnh, cũng bạn bè tình nguyện bấn máy! Xong đám cưới, bạn bè giao cho tôi 8 cuộn phim đen trắng chưa tráng rọi và rất đặc biệt, có dược 7 kiểu hình màu…
Có lẽ đám cưới tôi là đám cưới nhiều ảnh nhất trong vùng thời đó! Còn năm tháng nữa là tôi tròn 31 tuổi.



(Vui buồn đời thợ ảnh:  Phần VI:  Chụp hình chui)

   Sài Gòn,  30 tháng VII, năm 2017.
  Trạch An-Trần Hữu Hội










         





















      
   






READ MORE - Vui buồn đời thợ ảnh: Phần V: TÔI LẬP GIA ĐÌNH - Trạch An -Trần Hữu Hội

TA / 8 - Thơ Châu Thanh Thủy



                       Tác giả Châu Thanh Thủy



TA - 8

Ta ngồi gom bụi thời gian
Một vài vệt bẩn cơ hàn khi xưa
Rách bươm cái tuổi giao mùa
Lấm lem lời hứa lúc vừa chớm yêu
Chênh vênh cái bóng ngả chiều
Nhọc nhằn nhan sắc về hưu vội vàng
Xuôi tay một kẻ đa đoan
Trượt trên dốc sỏi, chẳng mang chút tình !

                                 Châu Thanh Thủy

READ MORE - TA / 8 - Thơ Châu Thanh Thủy

NỖI BUỒN NÀO AI THẤY ĐÂU... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím


                 Hiệp Kim Áo Tím



NỖI BUỒN NÀO AI THẤY ĐÂU...

Hạt mưa đọng mắt em buồn
Sương thu nhè nhẹ lơi buông tóc thề
Qua rồi một thoáng đam mê
Giật mình ta lại trở về với ta

Niềm vui chợt đến hôm qua
Hôm nay cuốn gói theo tà áo bay
Lòng buồn sao mắt ta cay
Hỏi ai gieo nỗi sầu này đến đây

Gió làm rối lọn tóc mây
Mi cong ướt lệ lòng ray rứt lòng
Có chăng một chút sầu đông
Những ngày tháng cũ long đong bên đời

Nỗi nhớ có lúc đầy vơi
Buồn trông theo áng mây trôi hững hờ
Không màng đến chuyện vu vơ
Ai đem rao bán lời thơ tình sầu

Tháng bảy đọng giọt mưa ngâu
Chiếc cầu ô thước nay đâu mất rồi 
Chuyện xưa nay đã dần phai
Nỗi buồn còn đọng ai nào thấy đâu...

                   Hiệp Kim Áo Tím
                   Đà Lạt, 7/8/2016


READ MORE - NỖI BUỒN NÀO AI THẤY ĐÂU... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

NGỒI BUỒN BẤM ĐỐT NGÓN TAY - Thơ Trần Mai Ngân





NGỒI BUỒN BẤM ĐỐT NGÓN TAY

Ngồi buồn bấm đốt ngón tay
Từ đây tới đó vắn, dài là bao...
Năm, năm, tháng, tháng hư hao
Bàn tay năm ngón vẫy chào, ồ xa !

Ngồi buồn xoè ngón tay hoa
Đã đan trong gió đã nhoà trong mưa 
Gần, xa cũng đã... từng, chưa ? 
Ngón tay đeo nhẫn như vừa chơi vơi

Gác tay lên trán... bồi hồi
Tay gầy buông vội tình tôi thuở nào !

                             Trần Mai Ngân

READ MORE - NGỒI BUỒN BẤM ĐỐT NGÓN TAY - Thơ Trần Mai Ngân

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 14) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ


          Nguyễn Ngọc Kiên



ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 14)    

NHÀ THƠ LIỄU TRUNG DUNG - 柳中庸 
Liễu Trung Dung 柳中庸 tên Đạm 淡, sống vào đời Đường, người Hà Đông (nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây), thuộc họ Tông Nguyên 宗元.

 征人怨 - 柳中庸
歲歲金河復玉關, 
朝朝馬策與刀環。 
三春白雪歸青塚, 
萬里黃河繞黑山。

Phiên âm:
CHINH NHÂN OÁN – LIỄU TRUNG DUNG – TRUNG ĐƯỜNG
Tuế tuế Kim hà phục Ngọc quan, 
Triêu triêu mã sách dữ đao hoàn. 
Tam xuân bạch tuyết quy thanh trủng, 
Vạn lý Hoàng Hà nhiễu Hắc san.

Dịch nghĩa:
NỖI OÁN CỦA NGƯỜI LÍNH THÚ – LIỄU TRUNG DUNG 
Hằng năm hết tới Kim hà lại qua Ngọc Môn quan 
Hằng ngày trên lưng ngựa với lại thanh đao 
Ba tháng mùa xuân rồi mà tuyết trắng còn phủ bãi cỏ mọc trên những phần mộ 
Sông Hoàng Hà chảy muôn dặm về chạy quanh núi Hắc sơn

Dịch thơ:
NỖI OÁN CỦA NGƯỜI LÍNH THÚ – LIỄU TRUNG DUNG 
Hết Kim Hà tới Ngọc Quan
Hàng ngày lưng ngựa lại hoàn thanh đao
Tháng xuân tuyết phủ trắng phau
Hoàng Hà muôn dặm chảy vào Hắc Sơn

 涼州曲其一 - 柳中庸
關山萬里遠征人, 
一望關山淚滿巾。 
青海戍頭空有月, 
黃沙磧裏本無春。

Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU KHÚC KÌ 1 – LIỄU TRUNG DUNG
Quan san vạn lý viễn chinh nhân, 
Nhất vọng quan san lệ mãn cân. 
Thanh Hải thú đầu không hữu nguyệt, 
Hoàng Sa thích lý bản vô xuân.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2 – LIỄU TRUNG DUNG
  Lính thú xa quan san vạn dặm 
Lệ rơi đầy khăn khi ngắm núi sông 
Chỉ có ánh trăng soi đầu Thanh Hải 
Nào thấy xuân ở nơi sa mạc vàng căm

Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2 – LIỄU TRUNG DUNG
Chinh nhân xa vạn dặm quan san
 Ngắm núi sông lệ ướt đầy khăn
Chỉ ánh trăng soi đầu Thanh Hải
Hoàng hà sa mạc chẳng thấy xuân.

涼州曲其二 - 柳中庸
高檻連天望武威, 
窮陰拂地戍金微。 
九城弦管聲遙發, 
一夜關山雪滿飛。

Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU KHÚC KÌ 2 – LIỄU TRUNG DUNG
Cao hạm liên thiên vọng Vũ Uy, 
Cùng âm phất địa thú Kim Vi. 
Cửu thành huyền quản thanh dao phát, 
Nhất dạ quan san tuyết mãn phi.

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2 – LIỄU TRUNG DUNG
 Nhìn Vũ Uy, ngang trời đồn thú 
Giữ Kim Sơn đất ám âm trầm 
Từ kinh đô vang xa đàn sáo 
Tuyết bay đầy biên ải suốt đêm thâu 

Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU KÌ 2 – LIỄU TRUNG DUNG
 Nhìn Vũ Uy đồn thú ngang trời
Giữ Kim Sơn đất ám bời bời
Cửu thành vang mãi xa đàn sáo
Quan ải suốt đêm tuyết cứ rơi.

河陽橋送別 - 柳中庸
普國舊人此路遙。 
若傍欄干千里望, 
北風驅馬雨蕭蕭。

Phiên âm:
 HÀ KIỀU DƯƠNG TỐNG BIỆT – LIỄU TRUNG DUNG
Hoàng Hà lưu xuất hữu phù kiều, 
Phổ quốc cựu nhân thử lộ dao. 
Nhược bạng lan can thiên lý vọng, 
Bắc phong khu mã vũ tiêu tiêu.

Dịch nghĩa:
TIỄN BIỆT TRÊN CẦU HÀ DƯƠNG – LIỄU TRUNG DUNG
Sông Hoàng Hà khi chảy tới đây phải qua một cầu nổi, 
Người dân nước Phổ cũ phải qua lại trên cầu này. 
Nếu tựa lan can mà ngắm từ xa, 
Thấy gió bấc thổi như thôi thúc ngựa, mưa ào ào.

Dịch thơ:
TIỄN BIỆT TRÊN CẦU HÀ DƯƠNG – LIỄU TRUNG DUNG
Hoàng Hà  cầu nổi chảy qua đây
Dân Phổ cũ qua lại cầu này
Nếu tựa lan can từ xa ngắm
Gió như thúc ngựa với mưa bay

NHÀ THƠ ĐỖ PHỦ (Xem các kì trước)
前出塞其四 – 杜甫
送徒既有長, 
運戍亦有身。 
生死向前去, 
不勞吏怒噴。 
路逢相識人, 
附書與六親: 
「哀哉兩決絕, 
不復同苦辛!」

Phiên âm:
TIỀN XUẤT TÁI KÌ 4 – ĐỖ PHỦ
Tống đồ ký hữu trường, 
Vận thú diệc hữu thân. 
Sinh tử hướng tiền khứ, 
Bất lao lại nộ phún. 
Lộ phùng tương thức nhân, 
Phụ thư dư lục thân: 
"Ai tai lưỡng quyết tuyệt, 
Bất phục đồng khổ tân!"

Dịch nghĩa:
TRƯỚC KHI RA ẢI (KÌ 4) – ĐỖ PHỦ 
Phè phỡn thì đã có các cấp trên, 
Đi xa để giữ biên cương thì có thân này. 
Sống hay chết đều phải tiến lên phía trước, 
Phải dằn lòng không được có ý kiến gì. 
Trên đường tiến quân may gặp được người quen biết, 
Chỉ viết vội vài hàng về thăm cha mẹ anh em vợ con thôi. 
Lòng đau khổ quá không nói được hết, 
Trong cảnh khổ mà có ai chung với mình đâu.
 (Năm 752)

 Dịch thơ:
TRƯỚC KHI RA ẢI (KÌ 4) – ĐỖ PHỦ 
Phè phỡn có cấp trên
Giữ ải có thân này
Sống chết đều  đi tới
Không ý kiến tỏ bày
Dọc đường người quen gặp 
Viết cho người thân hay
Đau khổ không nói hết
Không người để giãi bày. 

NHÀ THƠ VƯƠNG XƯƠNG LINH
Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), năm 727 (đời Ðường Huyền Tông), thi đậu tiến sĩ, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức úy tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù. 

Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

從軍行其六 – 王昌齡

胡瓶落膊紫薄汗, 
碎葉城西秋月團。 
明敕星馳封寶劍, 
辭君一夜取樓蘭。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Hồ bình lạc bạc, tử bạc hãn, 
Toái Diệp thành tây thu nguyệt đoàn. 
Minh sắc tinh trì phong bảo kiếm, 
Từ quân nhất dạ thủ Lâu Lan.

Dịch nghĩa:
BÀI CA TÒNG QUÂN KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Bình nước của giặc Hồ rơi rớt, ngựa bạc hãn lông tía vô chủ, 
Trăng thu tròn soi trên thành Toái Diệp mới chiếm. 
Sắc lệnh hoả tốc vua ban thôi chinh chiến, 
Giã từ ông một đêm giữ vững đất Lâu Lan.

Dịch nghĩa:
BÀI CA TÒNG QUÂN KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Bình Hồ rơi rớt, ngựa hoang mang 
Toái Diệp trăng thu rọi ánh vàng 
Đình chiến sắc vua truyền hỏa tốc 
Giã từ một tối giữ Lâu Lan.


 從軍行 – VƯƠNG XƯƠNG LINH
大將軍出戰, 
白日暗榆關。 
三面黃金甲, 
單于破膽還。

Phiên âm:
TÒNG QUÂN HÀNH – VƯƠNG XƯƠNG LINH
Đại tướng quân xuất chiến, 
Bạch nhật ám Du quan. 
Tam diện hoàng kim giáp, 
Thiền Vu phá đảm hoàn.

Dịch nghĩa:
BÀI CA HÀNH QUÂN -  VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Đại tướng thống lĩnh đại quân mở cửa thành ra giao chiến, 
Khói lửa làm mờ ánh mặt trời nơi thành ải Du. 
Quân triều đình ba mặt mặc áo giáp tiến công, 
Chúa Thiền Vu sợ vỡ mật rút quân chạy về.

Dịch thơ:
BÀI CA HÀNH QUÂN -  VƯƠNG XƯƠNG LINH 
Đại tướng mở cửa thành giao chiến
Khói lửa mịt mờ ẩn hiện ải Du
Ba mặt quyết tiến công thù
Sợ vỡ mật chúa Thiền Vu chạy dài.

NHÀ THƠ ĐỖ MỤC
Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng. Đỗ Mục có dáng dấp thanh tú, tính thích ca nhạc, ưa phóng tong, còn nhỏ đã nổi tiếng văn tài. Khi mới lên kinh sư, được Thái học bác sĩ Ngô Vũ Lăng đưa thư văn đến cho quan chủ khảo là thị lang Thôi Uyển xem. Thôi rất kinh ngạc về bài A Phòng cung phú. Năm 828, hai mươi sáu tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân. Tác phẩm có Phàn Xuyên thi tập (20 quyển), chú giải Tôn Vũ binh pháp (13 thiên, do Tào Tháo soạn). 

Đỗ Mục có lý tưởng khôi phục thịnh thế của nhà Đường nên chú ý nghiên cứu các vấn đề kinh tế, quân sự, viết những bài chính luận bàn về trị loạn, thủ chiến, chú giải cả bộ binh thư Tôn Vũ. Trong sinh hoạt ông phóng tong tự do, không câu nệ tiểu tiết, coi thường lễ giáo. Về văn học, ông có những kiến giải tiến bộ, “lấy ý làm chủ, lấy khí làm phụ, lấy từ ngữ chương cú làm binh vệ” (Đáp Trang Sung thư), làm văn vì sự việc chứ chẳng phải “không ốm mà rên” (vô bệnh thân ngâm). Ông cố gắng đem chủ trương ấy vào trong sáng tác nên có ý nghĩa hiện thực khá mạnh, khả dĩ nối tiếp dư phong Bạch Cư Dị. 

Đỗ Mục có nhiều bài thơ ưu thời mẫn thế, nặng lòng lo cho dân cho nước (Cảm hoài, Quận trai độc chước, Hà hoàng, Tảo nhạn,...) hoặc bi phẫn khiển trách bon hôn quân bạo chúa (Quá Ly Sơn tác, Quá Hoa Thanh cung,...), cũng có bài cảm tác về đời người vì bản thân lận đận, bất đắc chí (Cửu nhật Tề sơn đăng cao, Lạc Dương trường cú,...). Một số vần thơ ngắn trữ tình của ông là những bài xuất sắc nhất. Mỗi bài vừa là một bức tranh màu sắc tươi tắn, vừa là một tâm tình nhàn nhã, có khi phảng phất buồn, lãng mạn mà không suy đồi (Sơn hành, Bạc Tần Hoài, Thán hoa, Giang Nam xuân,...). Thơ thất tuyệt của ông rất được ưu thích, ngay vịnh sử cũng không khô khan (Xích Bích hoài cổ, Kim Cốc viên, Đề Ô giang đình,...). Ông có thể dựng nên những cảnh đẹp trong một khuôn khổ ngắn gọn; ý tình hàm súc được diễn đạt qua những lời lẽ điêu luyện. Ông không trội ở ngôn từ hoa mỹ bóng bẩy, cũng không trội ở chỗ cầu kỳ, quái đản mà bằng ngòi bút nhẹ nhàng vẽ nên những cảnh sắc đẹp đẽ, rung động lòng người một cách rất tự nhiên... 

邊上聞胡笳其一 杜牧
何處吹笳薄暮天, 
塞垣高鳥沒狼煙。 
遊人一聽頭堪白, 
蘇武曾經十九年。

Phiên âm:
BIÊN THƯƠNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 1 -  ĐỖ MỤC 
Hà xứ xuy già bạc mộ thiên, 
Tái viên cao điểu một lang yên. 
Du nhân nhất thính đầu kham bạch, 
Tô Vũ tằng kinh thập cửu niên.

Dịch nghĩa:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ (KÌ 1) – ĐỖ MỤC
Trời gần tối, nơi nào cất lên tiếng kèn Hồ, 
Tường thành biên ải chim bay cao che khuất khói phân sói. 
Khách đến thăm biên ải nghe tiếng khèn khiến đầu trắng ra, 
Thế mà ông Tô Vũ đã từng ở mười chín năm.


Hồ già là nhạc khí thổi hơi của dân tộc thiểu số phương bắc Trung Hoa, tương truyền do Trương Khiên du nhập từ Tây Vực về từ đời Hán. Âm thanh lạnh và bi thương, qua nhiều lần cải tiến, nhất là của Lý Diên Niên, nổi tiếng nhát là "Hồ già thập bát phách" của Thái Văn Cơ (Từ nguyên). 

 Dịch thơ:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 1 – ĐỖ MỤC
Gần tối kèn Hồ vẳng đâu đây
Tường thành biên ải khói, chim bay
Nghe qua khách đến đầu trắng xóa
Tô Vũ từng mười chín năm nay.

邊上聞笳其二- 杜牧
海路無塵邊草新, 
榮枯不見綠楊春。 
白沙日暮愁雲起, 
獨感離鄉萬里人。

Phiên âm:
BIÊN THƯƠNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 2 -  ĐỖ MỤC  
Hải lộ vô trần biên thảo tân, 
Vinh khô bất kiến lục dương xuân. 
Bạch sa nhật mộ sầu vân khởi, 
Độc cảm ly hương vạn lý nhân.

Dịch nghĩa:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 2 – ĐỖ MỤC
Đường về phía biển không bụi, hai bên cỏ mới mọc 
Nhưng tươi hay khô cũng chẳng phải màu xanh của liễu xuân 
Mặt trời lặn, cát trắng, mây buồn trôi nổi 
Khiến lính xa nhà ôm riêng mình nỗi đau xa quê

Dịch thơ:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 2 – ĐỖ MỤC
Đường biển không bụi cỏ nhú dần
Chẳng phải tươi khô màu liễu xuân
Trời lặn  cát trắng mây trôi nổi
Lính xa nhà nỗi nhớ quê thân.

邊上聞胡笳其三 - 杜牧
胡雛吹笛上高臺, 
寒雁驚飛去不回。 
盡日春風吹不散, 
只應分付客愁來。

Phiên âm:
BIÊN THƯỢNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 3 -  ĐỖ MỤC  
Hồ sồ xuy địch thướng cao đài, 
Hàn nhạn kinh phi khứ bất hồi. 
Tận nhật xuân phong xuy bất tản, 
Chích ưng phân phó khách sầu lai.

Dịch nghĩa:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 3 – ĐỖ MỤC
Chàng trai trẻ người Hồ, lên lầu canh cao thổi địch 
Gặp lạnh, những con nhạn kinh sợ bay đi không ngoảnh đầu lại 
Suốt ngày gió xuân thổi không lúc nào ngừng nghỉ 
Như chỉ muốn chia nỗi sầu cho những người lính

Dịch thơ:
NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 3 – ĐỖ MỤC
Chàng trai Hồ thổi sáo lầu cao
Gặp lạnh, nhạn bay chẳng ngoái đầu
Gió thổi suốt ngày xuân chẳng nghỉ
Như chia cùng lính những nỗi sầu. 

                                                              Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KÌ 14) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN


             Nhà thơ Chu Vương Miện



HAI BÊN

Một bên lương tâm
Một bên lương thực
Bên núi cao 
Bên bờ vực
Kẹt cưng ở giữa
Dở sống dở chết

Thiên nan vạn nan
Chả làm được đéo gì ?
Suy nghĩ làm cái chi ?
Cho mệt

Cái thân con ruồi
Cái thân con rệp
Chả  bao giờ vui
Ngang ngửa vịt đẹt

Ơi phận tép riu
Sáng cũng như chiều
Trong ao hồ chật hẹp
Múa may còn bấy nhiêu ?

Thân phận đồ ếch nhái
Trong đầm trong chuôm
Động một cái
Nhảy như bay
Cái ùm

Mũ ni che tai
Mặc thiên hạ sự
Có hai mắt như mù
Ơi đời phù du


BỐN ZERO

không nói
không nhìn 
không nghe
không biết
không nói nhiều năm
câm
không nhìn
thành quáng gà rồi mù
không nghe
từ từ hai lỗ tai
điếc đặc
không biết 
mũ ni che tai
ù ù cạc cạc giống vịt
trong một xã hội
mà toàn là
không nói, nhìn, nghe và biết
viên chức nhà nước

NĂM D

nói dai dài dóc dổm dở
nhân dân năm N
ngồi nằm ngáp ngáy ngủ
huê hương toa
"cái mùng mà kêu cái mền"
ạch đị tiến lên ?


TRĂM  NĂM

Trăm năm trong cõi người toa
Chữ tài chữ cán thiếu dà đá nhau
Trăm năm trong cõi Ba Tàu
Toàn là xì thẩu xì dầu nước tương
Trăm năm rong cõi Mán Mường
Áo chàm khăn xếp nhà sàn cơm lam
Thương cho tháp cổ tháp Chàm
Phơi sương cùng nắng vừa Vàng vừa Thau
Trải qua một cuộc đẩu đâu
Những diều trông thấy gật đầu mà thôi
Loanh qannh chả đứng thì ngồi
Chuông heo đực cái nằm ngòai ngổn ngang
Heo con heo nọc từng hang
Trăm năm thôi đủ phũ phàng đời nhau 

                              Chu Vương Miện

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM



            Tịnh Đàm



MỘNG

Trong tôi còn chút mộng này,
Hãy mơ cho hết tháng ngày bên em
Lửa tim biết được mấy phen. 
Thôi thì cứ cháy để xem phận mình.


NHỦ LÒNG CÒN CHÚT NHỚ THƯƠNG.

Nhủ lòng,
Đừng kể tháng năm,
Đề hoa kia hẹn
Đến rằm tỏa hương.
Nhủ tôi,
Còn chút nhớ thương,
Gửi theo cùng gió
Về phương em chờ.


VÀ ... MỘT BẮT ĐẦU
(Thân tặng bác G.T.Điệp)

Này anh,
Có một bắt đầu,
Là khi nhìn lại, mối sầu vì đâu!?!
Niềm riêng,
Canh cánh bấy lâu.
Sẽ buông bỏ hết...
Với câu chuyện lòng.

Và anh,
Thấy được ước mong.
Ánh lên,
Cùng nỗi vui trong mắt cười.
Tin yêu,
Cũng bỏi do người
Lửa rơm hạnh phúc...
Đắp bồi cho nhau.

                Tịnh Đàm
         (Hóc Môn, TPHCM)

READ MORE - CHÙM THƠ LỤC BÁT TỊNH ĐÀM