Vui
buồn đời thợ ảnh:
Phần V:
TÔI LẬP GIA ĐÌNH
Trạch An -Trần Hữu Hội
Tuyền
mất cũng đã gần ba năm, nhưng với tôi, chỉ như mới ngày nào!
Sau
cải tạo nhiếp ảnh, tôi vào làm cho cửa hàng ảnh. Hàng ngày, tôi lên cửa hàng ảnh
ngồi tán linh tinh rồi qua cửa hàng giải khát, uống nước hoặc uống rượu với bạn
bè. Cuộc sống của tôi tẻ nhạt và trống trải, ý nghĩ vào lại Sài gòn thường đến
với tôi…
Nhưng
gần một tuần nay, những cơn ho thường xuất hiện. ngây ngấy sốt vào buổi chiều…Hôm
nay, cũng vào buổi chiều, những cơn ho nhiều hơn, xẩm tôi thì thấy nhói đau ở
vùng ngực. Tôi ngồi chờ cơn đau tức qua di nhưng không thấy giảm mà càng lúc
càng đau hơn…Nửa đêm thì không chịu được nữa, người tôi nóng bừng và rên khe khẽ.
Mẹ tôi vào phòng, sờ lên trán tôi rồi hốt hoảng hỏi:
-
Con đau ở đâu?
Tôi
vỗ nhè nhẹ vào vùng ngực phải. Mẹ tôi chạy bộ xuống nhà chị tôi, chị chạy lên với
cháu gái. Nhìn tôi vã mồ hôi và rên, chị tôi quết định phải đi bệnh viện.
Tôi
muốn bảo chị đừng đi nữa, nhưng chị tôi đã báo anh rể đi thuê xe kéo. Nhà tôi đến
bệnh viện huyện chỉ gần một cây số, nhưng không có phương tiện gì để chuyển đi
ngoài xe kéo bằng tay. Loại xe dùng chở đồ đạc, dạo này được dùng vào việc chở
gỗ, chở tranh, tre, mây… từ trong rừng về, từ đó chở về các làng lân cận bán
cho người ta làm nhà, làm vườn nho…
Anh
rể tôi đi thuê xe cả tiếng đồng hồ, hỏi nhiều nơi nhưng xe bận đi chở hết, cuối
cùng anh quyết định cõng tôi đi bộ.
-
Cậu ráng ôm cổ anh nghe. Ôm cho chặt, anh cõng cậu đi chứ không ở nhà được đâu.
Cậu sốt nặng lắm!
Anh
tôi xốc tôi lên lưng, tôi níu hai vai anh nhưng anh buộc phải vòng qua cổ cho
chắc chắn, chị tôi chạy theo sau đỡ lưng tôi. Mẹ và cháu gái tôi lấy ít đồ đạc
theo sau.
Tôi
ráng chịu đau không rên, nhưng tay chân rã rời, nhiều lúc muốn buông tay, may
mà gắng gượng đươc đến bệnh viện, quãng đường dài như vô tận!
Bệnh
viên hầu như chẳng có thuốc men gì, Y tá khám rồi đưa cho tôi một nắm thuốc Nam
màu xanh lè. Tôi uống, mong là hạ được cơn sốt bừng bừng nhưng gần sáng mà vẫn
như lúc đến bệnh viện! Chị tôi nóng ruột chạy về nhà, tìm tới những con buôn
thuốc Tây, hỏi mua thuốc giảm đau và hạ nhiệt, may là có! Tôi bớt sốt và đã bớt
đau…Mong trời sáng đễ xin chuyển về bệnh viện tỉnh ở Phan Rang. Tội nghiệp mẹ
tôi, bà lâm râm cầu khấn cả đêm!
Sáng
ra, sau họp giao ban và đọc báo, mới có y tá đến, cũng chỉ cái ống nghe và cái
kẹp nhiệt. Mấy viên thuốc hôm qua mua ngoài làm tôi hạ sốt và tỉnh táo hơn. Y
tá không cho chuyển viện. bảo là không có gì…
Tôi
nói với chị là lên gặp Bác sĩ Hưng, giám đốc, nói là tôi bị bệnh đang nằm ở
đây. Giám đốc là một bác sĩ quân đội chuyển về, gốc người Hà Nôi, vốn rất văn
nghệ, thích thơ văn…Tôi quen nhân chuyến trường THPT tổ chức đêm thơ nguyên
tiêu mấy năm trước. Anh rất thích đọc truyện của miền Nam xuất bản trước 75 và
sách dịch… Anh ngạc nhiên, rất thích nguồn sách đa dạng và phong phú của miền
Nam…Gặp chị tôi, anh xuống ngay giường hỏi han. Sau khi khám lại, anh nghi là
viêm phế quản, cho chuyển viện ngay vì bênh viện huyện không có máy chụp X
quang.
Có
hai bênh nhân bị sốt rét cũng cần chuyển viện, nhờ vậy Bác sĩ cho một chuyến xe
đi 3 bệnh nhân cùng lúc mà thân nhân không phải đóng tiền xăng!
Các
bác sĩ tại đây sau khi chụp phổi, xác định tôi bị viêm phổi, chích Strepthomycin và uống Tetracilin… Cháu tôi phải chạy ra chợ trời mua từng ngày,
vì bệnh viện không có tiêu chuẩn cho những bệnh nhân không có giấy giới thiệu của
cơ quan như tôi!
Nằm
tại bệnh viện Phan Rang tám ngày, tôi xin về nhà…những cơn sốt, đau tức không
còn nhưng tôi gầy xanh và rất yếu! Bạn bè đến thăm đều lắc đầu, hai hốc mặt tôi
sâu hoắm! Thế mà trong vòng chưa đến mười ngày, mẹ tôi bồi bổ cho tôi bằng thịt
bò tái chanh, nhà không có tiền, mẹ mua xương về lóc thịt vụn, cũng là thịt
bò…Tôi đã phục hồi, còn hồng hào hơn cả trước khi bệnh!
oOo
Một
buổi chiều, tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 13 tháng 11, sinh nhật lần thứ 30 của
mình. Không bạn bè…Tôi pha bình trà nóng ra ngồi bên hiên nhà, ôm đàn hát nho
nhỏ những bản nhạc yêu thích…
Năm
ngoái, Do, bạn thân nhất của tôi, có viết cho tôi nhân ngày sinh thứ 29, bản nhạc
“Đêm chưa đầy 30". Tôi hát lại mấy lần điệp khúc của bản nhạc, “…đêm chưa đầy
ba mươi, trời còn rực rỡ, ta chưa đầy ba mươi, đời còn quá trẻ, em đi về trong ta, dựng một này mới phiêu bồng… Ơi những thằng đời chưa ba mươi, hãy cùng ta cạn
chén hôm nay, ôm nhau cười và ngất ngây say… Quên chuyện cũ đau lòng…”. Ý bạn
tôi muốn nói tới những ngày tù tội của tôi những năm trước!
Đang
hát thì Lam, cô giáo ở trong xã, đạp xe ngang qua, thấy tôi nên ghé vào. Lam có
đứa em trai thường chơi với tôi, cậu chàng thích nhạc tiền chiến và đọc truyện…
Chúng tôi thường trao đổi cho nhau những cuốn truyện dịch. Có khi những cuốn
truyện ấy là của cô chị Giáo viên này. Tôi hỏi:
-
Lam đi đâu lạc vào đây vậy?
-
Em đi châm cứu cái chân, tinh ghé qua nhà con bạn cuối đường này mượn cuốn
sách. Anh về khi nào?
-
Mấy tháng rồi, hôm nay sinh nhật của anh. Không có ai buồn quá. Lam ngồi chơi
anh hát cho nghe. Em thích bản gì nào?
-
Anh hát “Suối mơ” của Văn Cao đi.
Tôi
chơi đàn rất tệ, nhưng khá tự tin với giọng hát của mình, nhất là những bản nhạc
có âm trầm trầm, ấm áp…
Đoạn
điệp khúc Lam cùng hát theo:
“…Tơ
đàn chùng theo với tháng năm, rừng còn nhớ tới người, trong chiều nào giữa chốn
đây hồn cầm lắng tiếng đời…”
Chiều
xuống chầm chậm, ngọn núi Vàng trước mặt khuất dần trong vùng tối, hai chúng
tôi vẫn ngồi hát say sưa… Lam cũng giống tôi, thích nhạc tiền chiến, Ngô Thụy
Miên, Cung Tiến, Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn…Lam hát cũng hay, hôm ấy, Lam
hát bản “ Tiễn em”, Thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc…và nhiều bản khác,
tôi rất thích giọng hát của Lam.
Nhá
nhem tối, Lam về… Mấy ngày trước khi rời Sài gòn trở về quê, tôi đi lùng ở các sạp
sách cũ mua một số, Tôi vào tìm cho Lam mượn bản dịch cuốn “Khải hoàn môn” của
Erich Maria Remarque.
Tôi
vẫn còn yếu, chưa lại sức sau cơn bệnh. Cửa hàng ảnh cũng có cửa hàng trưởng và
mấy nhóc xuống thăm mấy lần…
Vài
hôm, Lam dến thăm tôi một lần, thường là sau tiết dạy, có khi mang trái cây đến
cho tôi, khi thì hai quả cam, khi thì dăm trái mãng cầu, ổi…
Thấy
đã khỏe và cho đỡ trống vắng, buồn, tôi đi làm lại ở cửa hàng ảnh, có một hai
dám cưới đến hợp đồng chụp ảnh…Tôi được phân công đi chụp, mệt nhưng cũng
vui… Máy, đèn của cửa hàng toàn thuộc đời cũ, hoặc là dùng bình Acquy, nếu không
thì 4 viên pin loại lớn, thường gọi là “pin đại”. Mỗi lần đi chụp hình, lỉnh kỉnh
như lính đi hành quân!
Gần
tết, cháu tôi ở Quảng Trị vào thăm. Cháu muốn làm nghề chụp hình ở quê vì hiện
nay ngoài ấy làm nghề này rất khá. Tôi cho cháu bộ máy và đèn mang về từ Sài
gòn. Chỉ cho cháu một ngày về nhiếp ảnh rồi cho cháu chụp thử, tôi lên cửa hàng
tráng rọi, ảnh đẹp, tôi yên tâm vì cháu về ngoài dó không biết hỏi ai. Cháu nói
là trước khi vào thăm tôi đã có ý nhờ cậu mua dùm cho máy ảnh, bây giờ có của cậu
rồi đem về làm khỏi mua, cháu gởi cho tôi hai chỉ vàng nói là mẹ cho đễ mua
máy. Tôi không nhận vì nghĩ chị cũng khó khăn, nhưng cháu bảo là cậu yên tâm, ba mẹ nhận nuôi vịt cho HTX, có lúa của HTX phát cho vịt ăn nhưng mình thì chỉ
cho ăn giữa đồng, nhờ vậy nên thừa lúa ra, bán cũng khá tiền. Tôi lấy một chỉ
đưa cho mẹ, tôi biết từ hôm đi bệnh viện đến nay mẹ phải vay mượn và mua nợ khá
nhiều đễ thuốc men và bồi bổ cho tôi!
oOo
Giáng
sinh và tết năm đó không có thợ chụp hình tự do như những năm trước, không ai
dám cầm máy ảnh, sợ bị tịch thu... Cửa hàng ảnh chỉ có hai người, tôi và cửa
hàng trưởng, đứng ở hai điểm đông nhất là Suối Thương và Bờ tràn… Hai điểm nảy
theo như các bạn làm nghề nói, trước đây thì rất đông khách, nhưng nay chỉ lác
đác vài người đem con đi chơi, ghé chụp một hai kiểu, có lẽ cài tiếng cửa hàng
không tạo được niềm tin! Tôi chụp cho có chụp rồi ngồi chơi với khách, cũng là
bạn bè đưa con đi chơi tết!
Có
mấy hôm Lam cũng đi chơi, chúng tôi ngồi với nhau dưới những lùm cây ven suối,
chuyện trò…Không đề cập đến tình yêu, nhưng chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm
của nhau…
Dạo
còn ở Sài gòn, thỉnh thoảng tôi có đi xem phim ở các rạp. Từ ngày về lại quê,
lâu lâu có đoàn chiếu phim về chiếu bãi, sân banh hoặc hội trường…Tôi ít khi đi
xem. Có hôm Lam rũ tôi cùng đi xem, có vé đội chiếu phim mời một số giáo viên,
vé dành cho hai người, tôi cùng đi với Lam. Tôi nhớ là phim “Sonade bên hồ”.
Phim được tiếng là hay và lãng mạn, phim tình cảm hiếm hoi của dòng phim xhcn…
Đưa
Lam về sau khi xem phim, tôi vòng tay ôm rồi hôn Lam. Nàng đón nhận đôi môi của
tôi như đã từng hôn nhau từ thủa nào… Đêm hôm ấy, tôi nghĩ đến Tuyền, một thoáng buồn đến trong hồn…Tôi gọi khẽ: Tuyền
ơi, nơi cõi xa xăm nào đó, luôn bình yên em nhé!
oOo
Anh
chị tôi lâu nay dã có ý muốn vào Long Khánh làm ăn, trước tết, anh rể tôi vào
thăm xem xét sinh hoạt trong đó, anh về lại, quyết định vào mua đất làm rẫy… Chị
tôi thì buôn bán ở chợ. Xem ra cuộc sông
có vẽ dễ dàng và khá hơn ở quê. Anh rể nhanh chóng về cắt hộ khẩu, giấy tờ hành
chính khó khăn làm anh mất cả mười ngày, lên xã lên huyện…
Cuối
cùng cũng được, anh mừng vì sớm ổn định cho các cháu đi học…Trước ngày vào lại,
anh gọi tôi ngồi nói chuyện, anh nói:
- Mấy hôm nay anh về làm giấy tờ hộ khẩu cậu cũng
biết đó, giờ thì xong xuôi hết rồi, anh vào trong Long Khánh chưa biết khi nào
ra lại, một lần đi lần khó. Anh hỏi cậu chuyện này: Cà chục ngày nay, tuy anh
không ở nhà thường xuyên nhưng cũng thường thấy, có một cô hay ghé thăm cậu,
tình tình thì sao tôi không biết, nhưng ngoại hình thì theo anh thấy cũng hay
hay, có phải là bồ cậu không? Có phải cô giáo không?
-
Dạ, cô ấy là giáo viên, em biết lâu rồi nhưng mới dạo nảy là hay đi lại, mà sao
anh?
-
Lẽ ra là mai anh vào, nhưng anh bàn với cậu chuyện này…Anh cũng có bàn và thăm
dò ý mẹ, mẹ cũng thuận lòng. Nhà mình khó khăn, mẹ thì giờ chị đi vào trong Nam
rồi càng đơn chiếc, nếu cậu bằng lòng thì anh ở lại thêm vài hôm, đi thăm nhà
người ta, anh còn thừa tiền làm một cái lễ đơn sơ gọi là dạm, rồi hỏi cưới mình
tùy hoàn cảnh mà tiếp tục. Anh nói thật cậu, anh mà lo được chuyện này thì công
trạng anh với chị trong nhà rất lớn, không có niềm vui nào lúc này làm chị vui
hơn! Cậu tính sao?
Tôi
lúng túng cười. Lâu nay tôi chưa hề nghĩ là mình lập gia đình khi mà trong tay
không có chút gì gọi là vật chất cần thiết cho đời sống vợ chồng, thỉnh thoảng
gặp bạn bè, cũng cùng lứa độc thân, thường đùa vui với nhau này nọ nhưng trong
thâm tâm anh nào cũng nghĩ đến cái nghèo, vì nghèo mà chưa dám lập gia đình!
-
Em cũng chưa hề hỏi ý của Lam và gia đình bên ấy. Anh đễ em hỏi lại đã nghe!
-
Ừ, anh chờ cậu vài hôm cũng được.
Tối
hôm đó, tôi lên nhà rủ Lam đi chơi. Khi tôi nói ra chuyện hôn nhân như ý anh rể
tôi, Lam cũng rất bối rối.
-
Hay là anh về nhà nói chuyện với mẹ em…
Hai
chúng tôi đều đã lớn, so ra với những đôi thanh niên khác thì hơi muộn khi vào
tuổi này mới tính đến chuyện hôn nhân. Lam nhỏ hơn tôi hai tuổi… Mẹ của Lam nói
một cách thành thật:
-
Ừ, thì hai con cũng đã lớn, mẹ tùy hai con, nếu thương nhau thì mẹ không cấm cản
chi, gia thất yên ổn sớm cũng tốt!
Anh
rể tôi vui lắm, anh đưa tiền cho mẹ tôi mua của lễ, gồm: hai kg thít heo, hai
chai rượu mía ở cửa hàng và hai gói trà, cũng của htx phân phối… Lễ thăm và luôn
cả lễ hỏi chúng tôi đơn sơ như thế. Có lẽ không có cái lễ nào đơn giản hơn,
nghèo nàn hơn!
Lam
mất cha từ hồi Mậu Thân. Chủ lễ, mẹ Lam nhờ một người cao niên trong làng. Ông
Ngoại Lam bị tai biến mấy năm nay, liệt hai tay nhưng vẫn minh mẫn, ngồi trong
phòng chứng kiến cùng mẹ Lam. Phía gia đình tôi có anh rễ. mẹ và tôi…
Tối
hôm ấy chúng tôi ngồi bên nhau khá khuya ở hàng hiên nhà Lam. Cả hai đều như
nhau, chưa bao giờ hình dung được cuộc sống hôn nhân sẽ như thế nào… Cho dù hai
nhà nói chuyện đám cưới còn tùy hoàn cảnh mà tiến hành sớm hay muộn, nhưng
chúng tôi vẫn âu lo nhiều cho cái ngày ấy, cứ tính toán vu vơ như chuyện đã gần
kề!
Quá
âu lo về chuyện đám cưới bởi cả hai chúng tôi cũng như gia đình hai bên đều
nghèo, chắc chắn rằng không thể lo cho đàm cưới của chúng tôi được, phải tự
xoay xở thôi. Thấy Lam quá lo, tôi nói liều cho Lam yên tâm:
-
Em à, chúng ta cứ xin học giáo lý hôn phối ở giáo xứ. Quan trong nhất là lễ làm
phép cưới, bạn bè dự thánh lễ xong ai về nhà đó, khi không thể làm gì được thì
mình chỉ làm cái việc cần thiết nhất mà thôi!!!
Lam
im lặng, sau này khi đã sống với nhau, sinh đứa con gái đầu lòng, tôi mới hiểu
là Lam đã ước ao một cuộc đưa rước dâu và một tiệc cưới vui vẽ cùng bạn bè biết
bao nhiêu!
oOo
Thời
của những đám cưới mang cái tên gọi: “lễ Tuyên Hôn” tức là tuyên bố hôn nhân giữa
hai cơ quan hay đoàn thể… với sự chứng kiến của cơ quan, dọn trà, bánh ngọt hay
kẹo mua cửa hàng… qua lâu rồi. Tôi cũng không nằm trong biên chế của cơ quan
nào, nên một vài mâm cho hai gia đình ngồi với nhau là rất cần thiết. Rồi cũng
có những cái may đến bất ngờ làm cho Lam và tôi vui.
Các
cô giáo dạy cùng trường với Lam nhiệt tình chia sẻ nỗi lo lắng bằng cách cho mượn
lương. Phải nhìn nhận là trong hoàn cảnh khó khăn chung, ai cũng cởi mở chận
tình!
Một
hôm Lam khoe với tôi là một chị bạn lớn tuổi, có kinh tế kha khá, cho mượn 60 đồng,
Hiệu trưởng cho ứng lương được 26 đồng. Tôi buồn là mình chẳng có đồng nào cho
“ngày trọng đại” này. May sao, anh Hưng, bác sĩ giám đốc bệnh viên huyện đến
nhà tôi chơi một buổi chiều, Nghe phong phanh rằng tôi sắp lấy vợ, anh hỏi chuyện
tôi định tổ chức dám cưới thế nào? Tôi lắc đầu nói là chắc chỉ làm phép ở nhà
thờ theo nghi thức tôn giáo thôi! Với một giọng chân thành, anh nói:
-
Thà là làm cơ quan rồi đàm cưới tổ chức theo kiểu tuyên hôn. Đằng này chú Sinh
làm nghề tự do, bạn bè cũng đông, ráng làm một cài tiệc nho nhỏ cho hai gia
đình ngồi với nhau, còn bạn bè thì mồi màng quấy quá, uống vài ly rượu với nhau
cho vui chứ im lìm như chú tính thì buồn lắm!
Tôi
thật tình bày tỏ cái ngặt nghèo của mình, anh
nói tiếp:
-
Anh vào dây, quen biết chú, biết được nhiều đều về miền Nam trước đây, anh coi
chú như em, anh cho chú mượn 100 đồng, phụ với cô ấy mà tính toán.
Tôi
tròn mắt nhìn anh:
-
Nghe là anh sắp ra bệnh viện Bạch Mai rồi mà?
-
Kỳ rồi bà xã anh vào, cô ấy là bác sĩ khoa sản của bệnh viện, muốn anh về cùng
với cô ấy ở Bạch Mai nhưng anh chưa tính, nếu được thì anh xin chuyển về miền
Tây, nơi các tỉnh trước đây anh dóng quân và làm Quân Y ở đó, người dưới đó
tình cảm lắm… chứ về Hà Nội anh không muốn! mà anh đi thì chú khỏi trả lại cho
anh, lâu lâu anh về Ninh Sơn, chú lo cơm nước, cho anh tá túc vài hôm là được
mà!
Hồi
mới quen biết anh, tôi rất nghi ngại nhưng rồi dần dần, thấy anh khá chân tình,
tôi cũng quý mến…Trước đây, anh đang học đại học Y khoa thì bị gọi đi B. vào
chiến trường miền Nam… Sáu năm lăn lộn ở vùng sông nước Cửu Long. Sau ngày 30
tháng 4 năm 1975 anh được chuyển về Ninh Thuận, Ninh Sơn, làm giám đốc bệnh viện
này…
Tôi
bảo Lam đưa toàn bộ số tiền của các cô giáo cho mượn, tiền lương ứng trước cho
mẹ Lam, lo cho khách lớn tuổi ở nhà Lam. Ở nhà tôi, đã có 100 đồng, có thể tàm
tạm cho đám cưới.
Chủ hôn hôm ấy là anh bạn vong niên của tôi tên Đăng, anh lùn và đen, người hơi xấu
trai nhưng ăn nói rất suôn sẻ chân tình, anh rất thương tôi, xem tôi như em ruột,
chúng tôi quen biết nhau khi tôi còn học lớp 12. Là Đại úy, anh đi cải tạo về
hai năm nay, làm thợ mộc kiếm sống…Tôi không báo cho các chị ở xa, vì nghĩ các
chị đi lại khó khăn. Sau này tôi bị các anh chị la rầy vì chuyện này!
Một anh bạn sành chuyện nấu nướng, tình
nguyện làm đầu bếp cho đàm cưới của chúng tôi. Với 100 đồng, anh rủ thêm mấy người bạn, lên huyện
Bác Ái, một huyện miền núi, mua của người Thượng năm con dê, chở về bằng xe đạp.
Anh đã cho chúng tôi một “tiệc cưới” gọi là “coi được”, với bốn mâm người lớn
trong nhà. Thịt dê bốn món và khoảng 70 bạn bè của hai chúng tôi ở ngoài sân,
chỉ có rượu và mồi da dê!
Cận ngày cưới, một người bạn của Lam
làm ở cửa hàng thương nghiệp, bày cho Lam làm đơn, mua được 1kg bột ngọt. Lam
chia cho hai nhà. Thời này bột ngọt còn là hàng cao cấp rất ít khi nêm nấu
trong gia đình!
Các
bạn của Lam xúm nhau may ao, làm tóc, trang điểm…Một cuộc đưa dâu, cuốc bộ với
khá đông bạn bè và tôi, chú rể cũng có áo veston, mượn của bạn bè, mặc cho buổi
lễ làm phép cưới ở nhà thờ hôm qua, sánh đôi, tha hồ cho các thợ ảnh, cũng bạn
bè tình nguyện bấn máy! Xong đám cưới, bạn bè giao cho tôi 8 cuộn phim đen trắng
chưa tráng rọi và rất đặc biệt, có dược 7 kiểu hình màu…
Có
lẽ đám cưới tôi là đám cưới nhiều ảnh nhất trong vùng thời đó! Còn năm tháng nữa
là tôi tròn 31 tuổi.
(Vui buồn đời thợ ảnh: Phần VI: Chụp hình chui)
Sài
Gòn, 30 tháng VII, năm 2017.
Trạch An-Trần Hữu Hội
No comments:
Post a Comment