Nói đến Quảng Ngãi, người ta
nghĩ ngay đến nghề trồng mía và những sản phẩm từ đường mía nổi tiếng lâu đời,
như câu ca dao:
Ai về Quảng Ngãi quê ta
Mía ngon, đường ngọt, trắng
ngà dễ ăn
Mạch nha, đường phổi, đường
phèn
Kẹo gương thơm ngọt ăn quen
lại ghiền.
Không chỉ có đường, đặc sản Quảng
Ngãi còn có cây quế:
Ai về Quảng Ngãi
Cho tôi gởi ít tiền
Mua giùm miếng quế lâu niên
Đem về trị bệnh khỏi phiền bà
con.
Cây mía và cây quế giống nhau
ở chỗ chúng không cho trái nhưng thân của chúng lại chắt lọc và tích tụ những
chất tinh khiết quý giá, ngọt và thơm.
Muốn có sản phẩm từ cây mía,
cây quế, người Quảng Ngãi phải bỏ công cày cuốc, trồng tỉa, chăm bón trên đất
đai cằn cỗi và khô nóng và rồi phải qua chế biến công phu mới tạo ra được sản
phẩm - đó là một quá trình khó nhọc, đổ
mồ hôi sôi nước mắt, đòi hỏi cả sự khéo léo của đôi tay và cả trí tuệ nữa.
Đặc điểm sự hình thành của
đường trong thân cây mía, tinh dầu trong thân cây quế và đặc điểm của lao động
để làm ra sản phẩm từ đường và quế, thực phẩm có nhiều đường và thuốc chửa bệnh
có nhiều quế chắc chắn ảnh hưởng đến
tính cách của người Quảng Ngãi, ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, cách ứng xử, tình
cảm của họ đối với lao động, thiên nhiên và cộng đồng. Và chắc chắn ảnh hưởng đến thơ văn của họ nữa.
Quảng Ngãi không chỉ nổi
tiếng về đường và quế mà còn là sinh quán của nhiều nhà thơ lớn của dân tộc như
Bích Khê, Tế Hanh, Thanh Thảo, Lâm Anh, Nguyễn Trung Hiếu, Xuân Thới, Khắc Minh,
Nguyễn Tấn On ... và trẻ hơn, ở độ tuổi trung niên, có Đinh Tấn Phước, Mai Bá
Ấn, Nguyễn Ngọc Hưng ... Ngôn ngữ thơ của họ phản ánh sức sáng tạo tự thân và lao động nghệ thuật
công phu để cho ra những vần thơ giàu chất suy tư và thắm đẩm tình người.
Trong số những nhà thơ trung
niên đang sáng tác mạnh, Nguyễn Ngọc Hưng là người được biết đến nhiều nhất
không chỉ vì tình trạng sức khỏe khiến anh phải nằm một chỗ, số tập thơ in riêng
của anh nhiều hơn những nhà thơ khác, số giải thưởng đồ sộ của anh, mà còn vì
cuộc sống của anh hoàn toàn chỉ dành cho thơ, sống chỉ để làm thơ. Cuối năm
2012, anh đã cho in tập thơ thứ 11 của mình: Bài Ca Con Dế Lửa. Tập thơ
gồm có 99 bài thơ và 13 bài bình luận, được phát hành đầu năm 2013, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm kể từ ngày anh xuất bản tập thơ đầu tiên:
Cầm Sợi Gió Trên Tay, 1993.
VNQT hân hạnh được nhà thơ
Nguyễn Ngọc Hưng tặng tập thơ Bài Ca Con Dế Lửa gởi từ Hà Nội.
Chân thành cám ơn nhà thơ
Nguyễn Ngọc Hưng và NXB Kim Đồng và xin trích đăng bài bình thơ của Võ Thị Như Mai,
một nhà thơ nữ gốc Việt đang định cư tại Úc. Mời các bạn cùng đọc.
VÕ THỊ NHƯ MAI
“NƠI ẤY BỐN MÙA, NƠI ẤY MỘT TRÁI TIM”
Mùa đông năm nay ở Tây Úc kéo dài
quá chừng. Những ngày đông lê thê cũng có thể do cảm nhận của riêng tôi, do cái
ho hen sổ mũi ào ào đến rồi chậm chạp bò đi dăm lần bảy lượt của cậu con trai yêu
dấu, do tôi quá bận rộn để đi ra ngoài ngắm những thảm hoa dại nở rộ trên khắp
tiểu bang. Thời tiết ở đây cũng hơi trái khoáy. Trong khi tôi thường rên rỉ với
bạn về cái lạnh thấu xương, về làn môi nức nẻ thì ở Hà Nội, các cô gái duyên dáng
đang tung tăng trong váy hoa giữa khí trời nắng trong.
Qua tháng chín, trời ấm dần lên.
Tôi mang những chiếc áo dày xù xì cất vào nhà kho và sắp xếp lại những bộ đồ nhẹ
nhàng, dễ chịu cho gia đình. Thế nhưng lòng tôi vẫn trĩu nặng một cảm giác buồn
lây lất khó mà diễn tả được. Ở bên nhà lũ lụt triền miên hết miền quê này đến vùng
đất khác, hết Quảng Bình lụt cục bộ đến Quảng Trị vỡ hai đoạn đê, hết bùn đỏ ở
Cao Bằng đến những băn khoăn về dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Ôi chao, cái guồng máy xã hội vẫn vận hành,
vẫn quay, vẫn chống chọi với thiên tai, giông gió, vẫn luôn có kẻ vui như hội,
và vẫn có người sầu muôn nơi. Tôi thường hay mè nheo với bạn và thích được nghe
bạn nói chuyện thời sự. Bạn bảo, tôi nói chuyện cho cô biết tin tức để mà cập
nhật thôi, chứ cô buồn rầu thì cũng không giải quyết được gì, nhưng mà tôi nói
cho cô hay, xung đột và những muộn phiền trong xã hội là điều không thể nào tránh
khỏi, nhưng đất nước vẫn đang mở cửa và đang đi lên, vẫn rực rỡ trong mùa lễ hội,
vẫn giữ được phong thái đặc trưng của mỗi vùng mỗi miền và con người vẫn không
ngừng thi đua, học hành, phát kiến. Bạn còn cao hứng đọc cho tôi nghe một bài
thơ rất dài của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng
mà bạn yêu mến: “Nơi ấy bốn mùa nơi ấy
một trái tim”. Bài thơ bắt đầu thế này:
Nơi ấy có mùa hạ
Ngan ngát sen thơm
Ngực gió phập phù
Nơi ấy có mùa thu
Bảng lảng sương mù
Nồng nàn hương sữa
Nơi ấy có mùa đông
Run run lá bàng thắp lửa
Thấp thoáng bóng ai nép mình bên
cửa
Nghe gió mùa thắc thỏm đợi tình
nhân
Nơi ấy có mùa xuân
Nô nức đào son, quất vàng, mai
trắng
Chảy như sông lặng như hồ sâu
lắng
Đi hết ngày chưa hết một chợ hoa
Nơi ấy có ngàn năm suy- thịnh,
chiến- hoà
Máu đỏ nên sông
Xương chồng nên núi
Có thuở xênh xang có khi lầm lũi
Vẫn hào hoa thanh lịch “nhất kinh
kỳ…”
Hoá ra bạn đang mơ màng về Hà Nội
có bốn mùa rõ rệt với “sen thơm”, “hương sữa”, “lá
bàng”, “đào son”, “mai trắng”; Hà Nội của những ký ức
bi hùng không thể nào phai, Hà Nội với đại lễ ngàn năm diễn ra sôi động và Hà Nội
“thanh
lịch” gợi mở cảm hứng cho biết bao thi nhân. Câu chuyện của chúng tôi lần
nào cũng thế, loay hoay mãi rồi cũng hướng về nơi ấy. Tôi yêu Hà Nội qua tình yêu
thiêng liêng của bạn dành cho miền đất này, qua những bài hát làm đắm say lòng
người, qua những bài cảm nhận của những người sống trong lòng Hà Nội và những
người đi xa. Một đồng nghiệp của tôi đã đến Hà Nội đến ba lần. Cô ấy bảo rằng dự
định của hai lần sau là đi Singapore và Hong Kong thôi, nhưng lần nào cũng “ghé
lại” Hà Nội và ở lại đó đến bốn, năm ngày. Tôi chưa từng được đến đó chỉ vì Quảng
Trị thường giữ chân tôi lâu trong những dịp hiếm hoi về thăm quê.
Bạn đọc bài thơ này mà như hát.
Qua điện thoại, tôi có thể hình dung bạn đang nhắm mắt đắm mình vào trong từng
con chữ và thế giới cảm xúc về thiên nhiên đất trời, hoà nhịp vào mạch ngầm cảm
hứng của bài thơ với những hình ảnh về ấn tượng của một Hà Nội vô cùng thân thương.
Tác giả phải là người có một trái tim thổn thức và một tâm hồn lắng đọng mới có
thể vẽ lên một bức tranh Hà Nội qua những hình ảnh đặc trưng và thổi vào những
hình ảnh này hồn thơ man mác bằng những từ luyến láy gợi cảm như thế: “ngan
ngát”, “phập phù”, “bảng lảng”, “nồng nàn”, “run
run”, “thấp thoáng”, thắc thỏm”, “nô nức”, “xênh xang”. Nghệ thuật sử dụng từ láy
ở đây không những diễn đạt được sắc thái cảnh vật mà còn biểu lộ rõ nét tâm trạng
con người.
Tổ tiên tôi từ nơi ấy ra đi
Khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi
Nắng gió tha phương dẫu ít nhiều
lai pha giọng nói
Hát về đất nước quê hương chưa
lệch chuẩn bao giờ
Một cuốn sách phát hành gần đây có
tựa đề “Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long – Hà Nội 1000 năm” (NXB Thông Tin và Truyền
Thông, Hà Nội, 2010) có nhiều bài nghiên cứu hay về ngôn ngữ trong tiến trình văn
hóa dân tộc. Cũng như quy luật tự thân phát triển của ngôn ngữ nói chung, tiếng
Hà Nội biết tiếp nhận cái mới và tinh hoa của bốn phương, hội nhập và chắc lọc để
tự hoàn thiện ngôn ngữ Việt (theo PGS TS Nguyễn Xuân Hoà). Tác giả của bài thơ
mà bạn tôi qúy mến không trực tiếp đề cập đến ngôn ngữ văn hóa Việt nhưng có một
phát hiện thật tinh tế làm bạn cứ xuýt xoa mãi, người tha hương “ít
nhiều lai pha giọng nói” nhưng khi “hát về đất nước quê hương” thì “chưa
lệch chuẩn bao giờ”. Điều này làm tôi nghĩ ngay đến cô ca sĩ khả ái Thùy
Hương của trung tâm Asia , sinh ra và lớn lên ở
Mỹ, có học vị cao, có giọng hát trong trẻo và phát âm rõ ràng ngoài cái vẻ trẻ
trung, duyên dáng. Bạn bất chợt dừng lại và hỏi tôi dồn dập: Nào là con trai tôi
có nói và hát được tiếng Việt nhiều chưa? Tôi có định tập cho cháu viết và đọc được
tiếng Việt không? Nào là: Con nít học lẹ lắm, đừng có bỏ phí, tiếc lắm, tiếc lắm…
Bài thơ bước sang một chuyển mạch
cảm hứng mới kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa Hà Nội trong cái hoài niệm
thân thương và Hà Nội đáng yêu bây giờ với “pháo hoa đèn điện” và dòng người đến
viếng lăng Bác, giữa Hà Nội hào khí hồn thiêng sông núi với niềm kính trọng sâu
sắc của một tấm lòng người conViệt đối với quê cha đất tổ.
Hồn sông núi bay lên
Chót vót đỉnh Cột Cờ
Tha thiết “tả thanh thiên” với
đài Nghiên tháp Bút
Nơi rùa đá đội bia thơm
Nơi ngựa thần lửa phun ngùn ngụt
Hồ trả gươm nhân nghĩa sáng muôn
đời
Nơi “Điện Biên Phủ trên không”
từng cháy rực một thời
Giờ rạng rỡ những pháo hoa đèn điện
Mặt trời
Mặt trăng
Tiếp nối liên miên dòng thăm
viếng
Hội tụ năm châu
Dung hoà bốn biển
Lăng Bác Hồ hoá bảo ngọc lương
tri
Tôi yêu Người không một chút hồ
nghi
Ơi Hà Nội- trái tim hồng Tổ quốc
Một lần đến đã ngàn năm thân
thuộc
Người trong tôi
Mãi linh hiển dáng rồng!
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nghe một
bài thơ hào hùng đầy cảm hứng về Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung như thế.
Khi còn học phổ thông, tôi rất thích những bài thơ về quê hương đất nước của
Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm và Giang Nam qua lời phân tích đầy xúc động
của cô giáo, và sau này được nghe lại khi đi dự giờ của đồng nghiệp. Giờ đây được
thưởng thức bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng,
tôi bỗng nhớ đến da diết lời giảng bài của cô giáo mình, làn điệu man mác âm hưởng
sử thi với những yếu tố cổ điển và hiện đại hoà quyện nhau trong bài thơ của
Nguyễn Khoa Điềm, niềm cảm xúc dâng trào với những hồi tưởng êm ái về mùa thu Hà
Nội của Nguyễn Đình Thi hay cái da diết trong tâm khảm khi đọc Giang Nam. Những
bài giảng tha thiết ngày ấy tưởng chừng như không có một mối liên quan nào với
cuộc sống bộn bề của hiện tại, thế mà trong phút chốc bỗng quay về thật trìu mến
thân thương.
Cho tôi xin
Một vốc nước sông Hồng
Một nắm đất gò Đống Đa lịch sử
Một chỗ đứng khiêm nhường nơi vua
Lý anh minh từng ngự
Cùng dân tộc nghiêm cẩn, nức lòng
nghe đọc “Chiếu dời đô”
Cho tôi xin
Một lần gặp Bác Hồ
Phút thiêng liêng người dõng dạc
“Tuyên ngôn Độc lập”
Cho tôi được cùng 80 triệu
trái tim chung nhịp đập
Đơm vạn đoá sen hồng dâng đại lễ
NGÀN NĂM…
Xin được thanh tẩy tâm hồn xua
sạch bóng tối tăm
Làm một viên gạch Hoàng Thành
Một ánh trăng Văn Miếu
Một chấm vàng hoa rêu năm Cửa Ô
Một tia nắng đỏ đậu vai cầu Thê
Húc
Một hòn sỏi vô danh biết quên hết
những giông bão đau thương gió
mưa tủi nhục
Lặng lẽ hiến dâng
Lặng lẽ góp mình
Ơi thành- phố- xanh, thành- phố-
hòa- bình
Không chỉ ngàn năm, vạn năm Người
mãi đẹp như thiên đường thu nhỏ
Mở cửa rồi- bốn phương lộng gió
Bỏ lối mòn xưa tránh con đường cũ
Bay lên cùng vận hội mới
Thăng Long!
Nếu tôi nhắc đến Tố Hữu, một số
bạn đọc sẽ không thích lắm, rằng thơ ông không còn hợp thời, rằng thơ ông cực
kỳ mang nặng tính tuyên truyền (nhà thơ Ngô Minh), mọi người thuộc thơ ông vì
không có chỗ trốn khỏi thơ ấy (nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân). Riêng
tôi, tôi thuộc một số bài thơ, câu thơ của Tố Hữu hoàn toàn không phải vì hai
lý do trên. Thơ Tố Hữu hay thơ của bất cứ nhà thơ nào trong thời đại nào, tôi
thuộc vài câu thơ, vài bài thơ của họ là do tôi yêu thích những vần thơ ấy, chỉ
đơn giản thế thôi. Làm thơ và viết văn ở mỗi thời mỗi khác do ảnh hưởng và sức ép
của xã hội nhưng không vì thế mà không có những vần thơ đẹp, không vì thế mà không
có những hồi tưởng bay cao hay mơ màng hình dung về một thời đã qua. Và trong
thời khắc này đây, những vần thơ của Nguyễn
Ngọc Hưng đã đưa tôi và bạn hướng về một cái nhìn chung, về một
thời đất nước trong đó có Hà Nội sau những tháng năm dài đau thương, chiến
tranh khốc liệt, giờ đây đã vươn mình lên yên ấm an lành. Guồng máy xã hội của
chúng ta bây giờ vẫn đang nuôi dưỡng những người con đã từng một thời trải qua
bom đạn tơi bời, một thời xém bỏ mạng giữa rừng, một thời đặt một nhành hoa lên
nhúm mộ của người bạn thân ngã xuống. Tôi cũng đã có lúc trải những
suy tư của mình thế này lên trang giấy khi đón nhận một số học sinh mới nhập cư:
em Iraq khuôn mặt tròn bầu bĩnh
em Afganistan vui tính
em Somalia nhỏ nhắn thơ ngây
em Afganistan vui tính
em Somalia nhỏ nhắn thơ ngây
giữa những nụ cười trong veo ấy
chiến tranh là một từ rất gần
chiến tranh là một từ rất gần
đất nước tôi bây giờ bình yên, rộn rã, tưng bừng
tạm quên vết thương thời chiến
người tìm đến người thánh thiện
những linh hồn bé bỏng lại sinh sôi
tạm quên vết thương thời chiến
người tìm đến người thánh thiện
những linh hồn bé bỏng lại sinh sôi
Roman Jakobson đã từng
nói rằng “Thơ gìn giữ chúng ta chống lại tính máy móc, sự han rỉ hăm dọa tâm hồn”.
Xin cảm ơn bạn, cảm ơn nhà thơ Nguyễn
Ngọc Hưng đã cho tôi những giây phút được hướng về nguồn cội của mình qua một
bài thơ viết về một chủ đề lớn, chủ đề đất nước. Khi tâm sự đến
đây, tôi nhìn đồng hồ và bất chợt nhớ ra, đã gần 11 giờ trưa rồi. Tôi vội giải
thích cho bạn, rằng ngày hôm nay, 11 tháng 11 được chọn là ngày
lễ tưởng niệm (Remembrance Day) trên toàn nước Úc. Một chút xíu nữa, bạn hãy cùng tôi và tất cả mọi
người ở Tây Úc, dừng lại và nhắm mắt lặng yên trong 2 phút để được tưởng
niệm về những người đã hi sinh trong các cuộc chiến. Hai phút bắt
đầu bạn nhé!
Võ Thị Như Mai.
Tây Úc
11/11/2010
LÝ LỊCH VĂN HỌC
NGUYỄN
NGỌC HƯNG
*******
SƠ YẾU LÝ LỊCH:
Sinh ngày: 20.04.1960
Quê quán: Hành Thịnh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Tốt nghiệp ĐHSP Quy Nhơn khóa 2 (1979-1983)
Bị bệnh từ năm 1983
Hiện đang sống và viết ở Thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành,
Quảng Ngãi với bạn bè thời phổ thông trung học
TÁC PHẨM:
Đã xuất bản 7 tập thơ thiếu nhi, 6 tập thơ tình và góp mặt
trong nhiều tuyển thơ.
GIẢI THƯỞNG:
1. Tặng thưởng Văn học cho thiếu nhi - Hội Nhà Văn Việt Nam ,
1994
2. Giải thưởng cuộc thi thơ quốc tế dành cho người tàn tật
“Một trái tim- Một thế giới” năm 2000
3. Giải B của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt Nam , năm 2009
4. Huy chương “Vì sự nghiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam ”,
2004
…
ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC:
NGUYỄN NGỌC HƯNG
Đội 10, thị trấn Chợ
Chùa
huyện
Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
ĐT:
055.3861.312
Email:
nguyenngochung204@gmail.com