Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 9, 2025

Chùm ảnh HOA TULIP - Thanh Sương Lê

 Bấm chuột vào ảnh để phóng to.






READ MORE - Chùm ảnh HOA TULIP - Thanh Sương Lê

RIÊNG MỘT CÁCH NHÌN - Thơ Khaly Chàm

 


khaly chàm

riêng một cách nhìn

 

hoàng hôn trổ nụ u trầm

bụi cùng đá ngậm nhật tâm mơ người

thời gian xô lệch nụ cười

bước chân khật khưỡng mấy mươi năm dài

 

lá khô gom nhóm lửa ngày

mùa vàng hóa sợi khói bay lên trời

trắng đầu vỡ giọt nắng rơi

chợt nghe ảo giác buông lời gọi tên

 

dễ chừng khi nhớ rồi quên

thì thôi! em thuở bồng bềnh như mây

khúc tình trầm lạnh trên tay

chắt chiu là để trắng đầy chiêm bao

 

bóng cùng thể phách theo nhau

sinh linh ở trọ nơi đâu tìm về

xoay-vòng-tự-tại-điên-mê

nhìn xuyên viễn kính tư bề hư không

 

                                     khaly chàm 

                                    khalycham1954@gmail.com

READ MORE - RIÊNG MỘT CÁCH NHÌN - Thơ Khaly Chàm

Chùm thơ THÁNG CHẠP | TÂM TÌNH NGƯỜI VIỄN XỨ - Hoàng Thị Bích Hà

 



 Chùm thơ THÁNG CHẠP


1. 

Khi bước sang tháng chạp

Xuân về đến ngõ rồi

Mai vàng e ấp nụ

Về vui tết người ơi.

 

***

2.

Thu qua, đông tới lại xuân sang

 Đếm mỗi mùa đi nhặt lá vàng

Ghi dấu tháng năm cùng kỷ niệm

Mang về nỗi nhớ khắc thành tên.

 

***

3. 

Huế yêu ơi xin đừng mưa sướt mướt

Lòng tôi chừ đã ngấm đủ buồn thương

Chiều Lương Quán tôi lại về với Huế

Cầu Giã Viên còn đâu thuở đợi chờ!

 

***

4. 

Đường qua An Cựu chiều ni vắng

 Áo trắng ai về một thuở xa xăm

Phố vẫn vậy tấp nập người qua lại

Anh chưa về ngọn gió cũng đơn côi.

 

***

5. 

Biết viết gì đây khi phố đã vào xuân

Mưa thấm lạnh ướt giọt buồn lối nhỏ

Em vẫn chọn cho mình màu áo ấy

Đợi người về trong bóng dáng thân quen.

                 

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

TÂM TÌNH NGƯỜI VIỄN XỨ

 

Ta chẳng quên nhưng khó trở về

Tâm tình cố xứ vẫn còn vương

Nhớ vườn phảng phất mùi hương bưởi

Vị ngọt thanh trà, cơm gạo de

 

Vườn bưởi ngày xưa còn sai quả

Bên khóm mận hường, ổi quýt cam

Mùi hương gạo tám thơm làn khói

Ấm cúng mâm cơm thuở quây quần

 

Nhớ chăng ngày nhỏ loanh quanh xóm

Huyên náo bạn bè chơi bắn bi

Cò cò, banh thẻ, … chơi nhiều lắm

Quên cả giờ cơm, cả giấc trưa

...

Nơi xa có nhớ về cố xứ

Xin nhớ giùm tôi bấy nhiêu thôi.

 

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

 

READ MORE - Chùm thơ THÁNG CHẠP | TÂM TÌNH NGƯỜI VIỄN XỨ - Hoàng Thị Bích Hà

SƯƠNG KHÓI MÙA XUÂN - Bùi Hoàng Linh

Tác giả Bùi Hoàng Linh

 

SƯƠNG KHÓI MÙA XUÂN

 

Tết không đơn thuần là cột mốc đặc biệt của tháng năm ghi dấu nơi tờ lịch mà là một phần của tâm thức tồn tại vĩnh viễn bên trong hồn người. Chỉ cần đến tháng chạp nó thức dậy những kỷ niệm tưởng tạm ngủ yên suốt gần một năm qua và gửi gắm những ước muốn vào năm mới với biết bao hy vọng mong chờ...

    Những cái tết xưa, dưới khói bếp của nồi bánh tét trước sân nhà với hai cây mai mà ông nội chắc trồng từ trẻ, khi mình sinh ra đã thấy nó trước sân rồi, cảnh vật đó như một bức ảnh mùa xuân mà người ta hay sắp xếp để chụp hình thì mình may mắn trải qua cái không gian sống rất thực đó. Có ông bà cha mẹ cùng quây quần gói bánh tét, và những đứa bé như mình thì làm những đòn bánh tét nhỏ như cái cổ tay xinh xắn, nhỏ bé nhưng lại chứa đựng niềm vui rất lạ. Hay khói bếp củi của những mẻ mứt mẹ làm dưới những đêm sương ngày giáp tết đủ để làm cay mắt một đứa bé, nhưng vẫn cứ ôm cánh tay mẹ, chờ những mẻ mứt đầu tiên để cảm nhận những cái ngọt ngào của mứt đậu trắng, mứt cà rốt, bí đao. Sự thèm thuồng của trẻ thơ rất đơn giản và vì thế dấy lên những hạnh phúc mà chỉ tuổi thơ mới có thể đón nhận tuyệt đối vẹn tròn. Để rồi khi lớn lên, dù không còn khói xám nơi mái tranh ngày cũ, mà mắt vẫn cay khi kỷ niệm ùa về, ùa về vì nó không về từ từ, vì ngày tháng cứ nghiêng xuống biết mấy nhớ thương như những cơn mưa xuân cứ thả bụi mờ gương trời đất, lan man như không muốn tạnh bao giờ.

    Những ngày chuẩn bị Tết là khoảng thời gian tưởng như đời thường, vẫn còn mặc những chiếc áo cũ, nhà cửa vẫn còn ngổn ngang, mứt bánh hoa quả đang chuẩn bị dần nhưng khi nhớ lại thì người ta lại dễ nhớ nhất. Bởi cái cảm xúc cộng hưởng của tình cảm, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình Việt. Ông và ba sẽ chuẩn bị lau dọn bàn thờ, sơn lại cửa, quét lại tường vôi. Bà và mẹ thì làm mứt, làm dưa món, và đi chợ mua những thứ cần thiết để cúng chiều ba mươi, đêm giao thừa, sáng mồng một. Sắm những bộ đồ đẹp nhất cho con cái để mặc vào ngày đầu một năm.

    Sự đồng hành cùng nhau đã kết nối sợi dây tình cảm của nhiều thế hệ. Tết thiêng liêng nhưng bắt nguồn từ những điều bình dị.

 


    2. Với mình đêm ba mươi của những ngày thơ bé là đêm với chập chờn mộng mị. Bởi tuổi thơ thì thèm ngủ, nhưng tiếng phaó hoa đêm giao thừa lại đánh thức mình dậy, nửa tỉnh nửa mơ. Để như lạc một miền không gian rất lạ giữa cái đêm trời tối hơn mọi khi, nghe mùi trầm hương lẫn mùi tiền vàng mã vừa đốt, bước ra sân trước với cành mai gầy guộc giữa cái bàng bạc của màu khói chơi vơi cùng sương khuya mà ngỡ như bước lạc vào không gian cổ tích. Và trong cái thời khắc hoán đổi tháng năm của đất trời người ta thành tâm cầu nguyện mong bình an cho gia đạo mới thấy tết nó mang đến cái điều gì đó kỳ diệu của nhân gian, mà những ước mong đã được con người ký thác hết nỗi niềm của mình trong khoảnh khắc chia tay cái cũ để đón nhận cái mới. Cũng có khi là hoài niệm ngày cũ, ôn cố tri tân để biết có hôm nay đã phải trải qua biết bao bước đường rong ruổi của đời người đầy gập ghềnh dâu bể. Giao thừa có lẽ là thời khắc thiêng liêng mà cũng gần gũi như những câu chuyện tâm tình cùng nhau giữa các thành viên. Ở cái thời khắc cuối cùng của một đoạn hành trình người ta thường lặng lẽ nghĩ về nhau, mong cầu cho nhau và cả những lời hứa với chính mình về một năm mới sẽ cố gắng hơn nữa, yêu thương hơn nữa để những mái nhà Việt vẫn mãi ấm nồng như ly rượu vừa nhấp những ngụm thấy cay đó, chát đó mà nghe sao rất đỗi ấm lòng.

 

    3. Sáng mồng một thức dậy với nụ cười và lời chúc đầu năm trong bộ đồ mới mà mẹ dẫn đi may những ngày giáp tếp, áo quần mới đến độ cảm giác lòng người cũng như những đường chỉ vừa mới khâu lại những tách rời và chia cắt những mảnh vải thành một cái áo hoàn thiện. Có lẽ ngày đầu một năm mọi sự trọn vẹn là điều mà ai cũng hướng tới và đặt dấu chân hướng tới cột mốc tương lai cùng niềm hy vọng. Mình vẫn nhớ bà nội, cả năm vẫn trong bộ áo bà ba màu nâu cũ, khoác ngoài cái áo len. Đến sáng mồng một là thay một bộ đồ ba ba màu trắng mới, rồi trong bọc áo là gói thuốc cẩm lệ bọc trong bịch ni lông, và lấy tiền mừng tuổi cho các cháu. Ba mẹ cũng lì xì đầu năm để lấy may mắn cho năm mới. Nhưng mình vẫn nhớ nhất là lời dặn khi có ai lì xì thì vòng tay cám ơn và không được mở ra xem trước mặt khách. Cũng như khách có đến thì ra chào dạ thưa rồi lui vào nhà sau để ba mẹ nói chuyện, không được hóng hớt chuyện người lớn. Tết ngoài là những ngày lễ hội còn là những sinh hoạt mang bao phong tục tập quán. Ở đó những bài học về văn hoá, tập tục cũng được truyền dạy cho những thế hệ tiếp theo. Để khi lớn lên thì vẫn mang theo những lời dặn đó, những bài học rất đời mà cũng rất cần thiết để thành nhân.

    Tết đã lưu truyền tự bao đời để nhắc nhớ con người về nguồn cội với lễ chạp mộ trước tết, và những sớm mai đầu năm viếng mộ thắp nhang để thấy có những cuộc trò chuyện tưởng như với chính mình qua lời khấn khẽ mà hoá ra là đối thoại với tiền thân. Và cảm nhận rằng sợi dây tình cảm của người Việt vẫn nối tiếp hai cõi hữu hình và vô hình thông qua kỷ niệm. Kỷ niệm tưởng thiu thiu ngủ êm trong đời sống, tết bước tới lay thức để làm chỗ dựa tâm linh cho con người hướng về tổ tiên khi kính cẩn dâng hương với tấm lòng thành.

 

    4. Có lẽ không ai biết tết đã có tự bao giờ, cũng như không ai dạy người ta ăn tết chơi tết. Nhưng đời sống trên quê hương Việt Nam với sự gắn bó của tình cảm gia đình đã làm người ta ngóng đợi mùa xuân đoàn viên khắc khoải đến nhường nào. Những năm không về quê ăn tết, nghe những bài nhạc xuân về mái nhà có bà mẹ đang chờ con, có người cha vẫn trầm ngâm đợi bước con về hẳn ai cũng ngậm ngùi vì còn lưu lạc tha phương để xây ước mơ đời mình nơi viễn xứ. Nỗi đoạn trường là thước đo thử thách sự thuỷ chung của tình cảm, để rồi khoảnh khắc sum vầy mới vỡ oà hạnh phúc sau những tháng năm dài cách trở. Người ta biết trân trọng những lần đoàn viên ngày một hiếm hoi hơn khi mùa xuân cứ gieo xuống mái đầu màu của thời gian nhuộm theo tuổi mình. Và người ta vẫn hoài mong ngóng ngày về quê hương, nỗi ngóng chờ cứ như những giọt sương nhớ đất nhớ trời mùa xuân mà lắng đọng lại trên những cánh mai vàng sân trước. Và tấc lòng mình cũng ướt sũng bởi những kỷ niệm của những ngày tết Việt như thế. Như những cơn mưa phùn cứ bay nhẹ trong xuân như sương như khói mà ám ảnh trọn đời.

Saigon, ngày 8/01/2025

Bùi Hoàng Linh

 

 

READ MORE - SƯƠNG KHÓI MÙA XUÂN - Bùi Hoàng Linh

EM - MỘT TÌNH THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Giáp Kiều Hưng

 

Tác giả Giáp Kiều Hưng


EM 

.

Ta gạ em cạn chén

Thế là em cạn ta

Nửa đời ta trễ hẹn

Em nồng nàn đốt ta.

.

Run rẩy, em ghì ta

Quấn vào ta hoang dại

Thẫn người, ta ngây dại

Uống em từng giọt say.

.

Trời đất như cuồng say

Ngả nghiêng theo nhịp phách

Nửa đời trai trinh bạch

Em nhuộm ta ngả màu.

*. 

Hà Nội, đêm 21.01.2015

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

LỜI BÌNH: 

Người ta ví von người phụ nữ như lửa, có thể thiêu đốt cả thành trì, lâu đài, thậm chí cả một vương triều... quả thật không sai. Ở EM, ngọn lửa ấy đã thiêu đốt một thành trì TA “trinh bạch” sừng sững được “nửa đời” người rồi. 

Mở đầu, “TA” rất hồn nhiên, rất tự tin vào bản lĩnh đàn ông vững chãi của mình nên đủng đỉnh “gạ” EM cạn chén. Vâng, chỉ là “gạ” thôi, chứ không mời, không ép, không nghĩ sâu xa, mưu mô gì cả. Chỉ đơn giản điều vì “TA” là đàn ông, còn EM là đàn bà, nên mới “gạ” em “cạn chén”. Nghĩa là “ta” chỉ bông đùa chút chút với “em” cho vui, cho có khí thế, chứ “ta” thừa biết, “em” sao uống được rượu với ta mà “cạn chén”. Ngạo nghễ là thế, đủng đỉnh là thế, ấy vậy mà “ta” phải sững người với hành động của em: “Thế là em cạn ta”. Ô hay. “Gạ” người ta cạn chén lại để người ta “cạn” mình thì chỉ có thi sĩ họ Đặng mới được trải nghiệm. 

Ở khổ thơ đầu, thi sĩ họ Đặng đã vẽ một khung cảnh có 2 kẻ đang “vờn” nhau, chỉ để bông đùa nhau rất nhẹ nhàng, êm ái, không một tiếng động nhưng đằng sau những cử chỉ (gạ rượu) rất nhẹ nhàng ấy lại là những chuyển động thật mãnh liệt, kinh khủng và máu lửa ở sinh lý, ở tâm trạng:

    “Ta gạ em cạn chén

    Thế là em cạn ta

    Nửa đời ta trễ hẹn

    Em nồng nàn đốt ta.”

Ở khổ thơ này, tác giả viết như là rất tự nhiên, như là không hề sắp xếp, bài trí, cứ nhẹ nhàng, cứ thanh thoát giữa “ta” với “em”. Và người đọc dễ bị đánh lừa bởi khung cảnh yên ả, rồi trở chiều (có vẻ) thuận chiều ấy. Người đọc như thấy tác giả của EM từ thế chủ động thành thế bị động, từ “hung thủ” trở thành “nạn nhân” rất nhẹ nhàng, êm ái và khá ngọt:

    “Ta gạ em cạn chén

    Thế là em cạn ta”

Một câu thán xuôi chiều, chấp nhận tự nguyện không hề miễn cưỡng (Thế là em cạn ta), cũng rất “hồn nhiên”, tự nhiên như sự gạ (rượu) ban đầu của “chàng”. Tâm trạng ấy cứ nhẹ nhàng, đều đều dẫn người đọc đi hết khổ thơ, để bạn đọc chỉ hình dung thấy “chàng” đang bị “nàng” “ăn thịt” trở lại. Và sự trở chiều ấy lại rất ngọt, rất khoái bởi “nửa đời ta trễ hẹn” nên giờ “Em nồng nàn đốt ta” là hợp lẽ, là trên cả mong đợi. 

Chỉ 4 câu thôi, “chàng” đã bộc bạch cho mọi người biết là cả “chàng” và “nàng” đều đã cảm nhau từ lâu rồi, từ “nửa đời” trước nhưng chỉ vì sự nhút nhát của chàng, sự e lệ, giấu kín của nàng mà chuyến đò tình của 2 kẻ cảm nhau, yêu nhau mới “trễ hẹn”. Đến đây, người đọc mới vỡ lẽ ồ thì ra việc “gạ” rượu của chàng chỉ là cái cớ, là phép “lửa đổ thêm dầu” để tình yêu của nàng dành cho chàng bấy lâu phải bùng cháy.

Vào khổ thơ thứ 2, cũng vẫn sự nhẹ nhàng, đều đều ấy nhưng mạch thơ nhanh hơn, nóng hơn, ngùn ngụt hơn:

    “Run rẩy, em ghì ta

    Quấn vào ta hoang dại

    Thẫn người, ta ngây dại

    Uống em từng giọt say.”

Ở khổ thơ này, tác giả rất thành công: Mỗi một câu thơ là một hình ảnh đẹp, say đắm của tình yêu đến từ hai phía. Cả “em”, cả “ta” đều say đắm đến hoang dại, đến quên tất tật để tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu. Rõ là viết về một cuộc làm tình, mà làm tình lại bạo liệt, ấy thế mà không hề có một tiếng động nào mới lạ?! Chẳng lẽ cuộc làm tình này cần kín đáo nên âm thanh hoan hỉ phải được điều tiết, cấm tiệt? Không phải vậy! Cái tuyệt vời chính ở chỗ không có tiếng động ấy! Đọc, ta thấy 2 kẻ yêu nhau đang rất trân trọng cái khoảnh khắc được đốt nhau ấy. Họ lặng lẽ cháy, lặng lẽ dâng hiến và lặng lẽ tận hưởng men say của ái tình. Họ đến với nhau bằng tình yêu, bằng sự dồn nén “thèm muốn” lâu ngày nên họ trân trọng thời khắc yêu ấy mà lặng lẽ cùng nhau hoan hỉ!

    “Run rẩy, em ghì ta

    Quấn vào ta hoang dại.” 

Ở 2 câu này, người đọc hình dung “nàng” đang rất ngỡ ngàng, rất hạnh phúc bởi tiến triển tình cảm với “chàng” nên “nàng” lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ tận hưởng. Nàng sợ, rất sợ sẽ mất chàng, mất khoảnh khắc được yêu chàng nên nàng “run rẩy”, nàng “ghì”, nàng “quấn” chàng bằng cái tình yêu mãnh liệt mà bản năng của con người (hoang dại) nhưng rất gượng nhẹ, êm ái và trân trọng, nâng niu. Một loạt động từ mạnh được nàng sử dụng khi làm tình, ấy thế mà ta lại không nghe thấy một tiếng động nào, dù chỉ là tiếng rên, tiếng phì phò, hổn hển phải có để cuộc làm tình được gọi là thăng hoa. Cái hay, cái tuyệt của thi sĩ họ Đặng là ở đây, là ở cách tả tình nóng bỏng mà không cần đến sự phụ trợ của âm thanh.

Tiếp 2 câu cuối của khổ 2:

    “Thẫn người, ta ngây dại

    Uống em từng giọt say”

Ở 2 câu này, hình ảnh TA (chàng) hiện lên khá hoàn chỉnh sự hoan hỉ của chiến thắng. Từ “thẫn người” đến “ngây dại” đều chung biểu cảm trạng thái hoan hỉ của sự toại nguyện, của niềm vui chiến thắng. Hình ảnh chàng nhâm nhi “uống em từng giọt say” đã chỉ rõ chàng là gã thợ săn đích thực và nàng tưởng là kẻ đảo chiều quay lại ăn thịt chàng thì thực chất nàng chỉ là con mồi trong bữa tiệc ân ái của chàng mà thôi. 

Từ thế chủ động tấn công: “Ta gạ em cạn chén”, rơi vào thế bị động, trở thành nạn nhân: “Thế là em cạn ta”. Rồi từ thế bị động: “Thẫn người, ta ngây dại” lại chuyển sang thế chủ động: “Uống em từng giọt say”... đọc qua, tưởng vậy mà lại không phải vậy vì để ý kỹ mới thấy “TA” hoàn toàn làm chủ “thế trận”, “em” chỉ là người bị “TA” giật dây, điều khiển. 

Đến khổ 3, là khổ cuối của bài thơ, theo cảm nghĩ của riêng tôi thì hình như tác giả viết để kết thúc bài thơ cho phải phép nên không đầu tư câu chữ, cảm xúc, vì thế mà kém hay: 

    “Trời đất như cuồng say

    Ngả nghiêng theo nhịp phách

    Nửa đời trai trinh bạch

    Em nhuôm ta ngả màu!”

Đọc xong bài thơ, điều tôi thắc mắc vẫn cứ ở sự khó hiểu của 2 câu kết:

    “Nửa đời trai trinh bạch

    Em nhuộm ta ngả màu”

Tôi hỏi mà không trả lời được là sao “ta” phải giữ gìn sự trinh bạch ấy? Chẳng lẽ “ta” không ham ái tình? Và nữa, “em” là thế nào mà “nhuộm ta ngả màu”? Sự ngả màu ấy là hàm ý tiếc nuối bị mất đời trai trinh trắng hay sự hoan hỉ vì đời trai khờ khạo đã được ngả màu?

Ôi! Chàng Đặng Xuân Xuyến này, sao cứ bắt người đọc phải trăn trở về tình yêu của mình như thế? Chẳng lẽ không thể viết rõ hơn được sao, chàng Đặng?!

*.

Hà Nội, tháng 02 năm 2015

GIÁP KIỀU HƯNG

(Ảnh tác giả Giáp Kiều Hưng)

 

READ MORE - EM - MỘT TÌNH THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Giáp Kiều Hưng