Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 29, 2012

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Mỹ thuật Thái Lan được toàn xã hội quan tâm


Thuyền chài ở vịnh Hạ Long. Tranh của họa sĩ Thái Lan Direk Kingnok



Võ Xuân Huy sinh năm 1970 tại Quảng Trị. Hiện là giảng viên trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Đã thực hiện nhiều triển lãm tại Việt Nam và quốc tế.

Cùng với 43 giảng viên các trường cao đẳng và đại học mỹ thuật Việt Nam đang theo học chuyên ngành nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng tại Thái Lan, hoạ sĩ Võ Xuân Huy sẽ hoàn tất luận án cao học. Dưới đây anh trò chuyện với bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị về vài đặc điểm cơ bản của hội hoạ hiện đại Thái Lan.


Nếu nhìn vào lịch sử, thì mỹ thuật hiện đại Thái Lan bắt đầu như thế nào, có nhiều khác biệt với Việt Nam không?

Mỹ thuật hiện đại Thái Lan và Việt Nam có nét tương đồng từ thời điểm mở trường đào tạo mỹ thuật, ở ta là 1925 và họ là 1926; tất cả đều do người châu Âu thành lập (Pháp và Ý). Việc đào tạo lúc bấy giờ mang phong cách hàn lâm cổ điển; sáng tác theo các trào lưu nghệ thuật đang thịnh hành ở châu Âu thời đó, đặc biệt là phái Ấn tượng.

Còn sự khác biệt: ở Việt Nam, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập trường mỹ thuật theo sự đề nghị và vận động của một vài hoạ sĩ, mà đại diện là Victor Tardieu (1870 – 1937); ở Thái do chính nhà vua mời nhà điêu khắc Corrado Feroci (1892 – 1962) mở trường. Các sinh viên nhiều thế hệ của giáo sư điêu khắc Corrado Feroci gặt hái được nhiều thành tựu nghệ thuật. Về sau có nhiều khác biệt hơn nữa, bên cạnh sự đào sâu nghiên cứu nền mỹ thuật cổ giàu thành tựu và bản sắc, họ còn nhanh chóng thể nghiệm theo các trào lưu nghệ thuật mới trên thế giới. Nhiều tác phẩm phản ảnh sâu sắc các biến cố văn hoá, chính trị, xã hội theo nhiều thủ pháp và khuynh hướng khác nhau, kể cả sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Ở giai đoạn hiện nay thì thế nào?

Thái Lan đào tạo mỹ thuật theo mô hình đương thời của các nước châu Âu và Mỹ. Có thể nêu vài tên tuổi điển hình như Fua Haripitak (1910 – 1993), Pitoon Muamgsomboon, Haloo Nimsamer, Misiem Yipinsoi, Kien Yimsiri, Practuang Emjaroen và hiện nay như Montien Bonma, Araya Rasdjarmearsooli, Surasi Kulsongwong, Navin Rawanchaikul, Rirurit Tiravanija…

Sinh viên mỹ thuật ở Thái được phép tiếp cận và thử nghiệm mọi thủ pháp, mọi khuynh hướng, trào lưu trên thế giới. Xu hướng đào tạo chung là thể nghiệm nghệ thuật thị giác. Tác phẩm có thể là sự kết hợp nhiều chất liệu từ đất, đá, vải, bông, len, mây tre, sơn dầu, acrylic… và mix media. Sinh viên trình bày bài ở mọi không gian từ trần, tường, nền nhà, hành lang, góc sân trường, trên cây… Bên cạnh việc đào tạo sinh viên thể nghiệm nghệ thuật theo xu hướng đương đại, các trường mỹ thuật còn đào tạo sinh viên chuyên ngành Thái Arts nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.


Một điểm khác biệt nữa là họ không dạy sinh viên vẽ cái gì mà dạy sinh viên vẽ như thế nào, và về chất liệu, vật liệu, loại hình phục vụ cho ý tưởng. Sinh viên phải bảo vệ trước giáo viên hướng dẫn và hội đồng theo lộ trình từ chủ đề, ý tưởng, khái niệm, hình thức tạo hình, chất liệu, kỹ thuật, tiến trình. Hai học phần quan trọng là nghệ thuật thị giác và thể nghiệm nghệ thuật thị giác luôn song hành và hỗ trợ nhau.

Nếu so với Việt Nam thì đây hẳn là sự chênh lệch trong việc đào tạo mỹ thuật, chúng ta còn nhiều bất cập và lạc hậu. Lịch sử Việt Nam có nhiều biến động dữ dội và gấp gáp hơn, song cũng như văn học, mỹ thuật của chúng ta chưa có tác phẩm đủ tầm cỡ, đủ chiều kích để phản ảnh hai cuộc chiến tranh và thời hậu chiến. Đến nay khung chương trình, giáo trình ở Việt Nam cơ bản vẫn không thay đổi, giống y mấy chục năm qua. Sinh viên bị buộc chỉ chọn một chất liệu để làm chuyên khoa như sơn mài, lụa, sơn dầu hoặc đồ hoạ. Các môn nghệ thuật đương đại như mix media, video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được đưa vào giảng dạy lý thuyết và thực hành chính thức. Vì thế, các cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới do sinh viên sau khi ra trường thực hiện thường có kết quả hết sức mơ hồ, dễ dãi và may rủi. Bài tốt nghiệp của sinh viên chỉ là một tác phẩm, trong khi đó ở Thái thường là tám tác phẩm theo cùng một chủ đề, một phong cách.

Họa sĩ võ Xuân Huy



Theo tôi biết thì Thái Lan không xem giáo dục là quốc sách, vậy họ làm thế nào để có được nền tảng mỹ thuật như vậy?

Việc giáo dục và phát triển mỹ thuật ở Thái Lan được sự quan tâm của toàn xã hội từ hoàng gia, chính phủ đến các nhà tài trợ. Hoàng gia Thái Lan có công lớn trong việc kiến tạo nên bộ mặt mỹ thuật Thái Lan hiện đại. Nhà vua hiện nay cũng từng theo học hội hoạ và các tác phẩm ông vẽ về hoàng hậu và thiếu nữ được xem là một trong những cột mốc quan trọng của hội hoạ hiện đại Thái Lan. Ngoài ra, nhiều triển lãm được các ngân hàng bảo trợ, đáng chú ý là triển lãm mỹ thuật của ngân hàng Bangkok và ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan. Hệ thống phòng tranh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian cho nghệ thuật phát triển, đứng đầu là gallery của Hoàng gia Thái.

Hiền Hoà (thực hiện)
SGTT.VN
Ngày 23.07.2010

Đã đăng trên trang Web của Đại Học Văn Hóa Hà Nội http://huc.edu.vn/
READ MORE - Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Mỹ thuật Thái Lan được toàn xã hội quan tâm

Thanh Trúc - ĐỌC " LỬA ĐÊM " NGHỈ VỀ THƠ TRƯƠNG NGUYỄN




 Trước năm 1975, tôi đã đc nhng bài thơ Đo đăng rãi rác trên nhng tp chí Pht Giáo như:Viên Âm, Liên Hoa, Phật Giáo Việt Nam, Từ Quang, Đuốc Tuệ...và một số thi phẩm như: " Không Bến Hạn " của Huyền Không, "Bóng Hoa Đàm " của Trúc Diệp mà tên tuổi của các vị đã một thời vang bóng . Những thi phẩm đó, lúc bấy giờ có giá trị như một tiếng nói của tỉnh thức thể hiện được màu sắc tươi mát của dòng tuổi Từ Bi, ngạt ngào hương Đạo Hạnh.


Sau năm 1975, tôi cũng đã đọc được một số bài thơ Đạo đăng trên những đặc san Vu Lan, Phật Đản, nhất la' trên tờ báo Giác Ngộ và các mặt báo trong nước hiện nay viết về Phật Giáo, trong đó có nhà thơ Trương Nguyễn.

Thơ Trương Nguyễn có thể nói lấy từ chất liệu đời làm vốn liếng sinh hoạt tinh thần coi như là lẽ sống trong suốt tiến trình của thân phận con người.Nỗi khổ đau lớn nhất của con người là sống bằng ý niệm nhị nguyên nên chỉ thấy bên cạnh cái xấu vẫn có cái đẹp. Bên cạnh cái rộng lớn vẫn tiềm ẩn cái nhỏ nhoi: Trong cái thực đã chứa mầm hư huyễn. Rất may mắn Trương Nguyễn đã thoát ly được ý niệm nhị nguyên nên mới thấy ra :

‘'Ta ngắm chưa tròn trăng đã khuyết
  Dầu hao - đĩa cạn tối dày thêm
 Mỗi lần em đến như sương tuyết
Nắng đã lên đâu bóng cuối thềm?''
( Huyễn )
Vượt thoát khỏi ý niệm nhị nguyên, nhà thơ nhìn rõ mọi sự vật đều nương vào nhau mà sinh khởi, khởi sinh:

" Thấy trong giọt nước chính em bây giờ"
( Giọt sương )
‘'trăng và nước giao duyên từ vô thỉ
Đừng xẻ dòng sóng dội mảnh trăng tan
Hãy giữ lấy làn nươc êm dòng nước
Và thảnh thơi như gió núi mây ngàn''
(Trăng và nước)


Bị ràng buộc bởi những hệ luỵ của cuộc đời, phiêu bòng trong những cảm giác nổi trôi cua ý thức, Trương Nguyễn đã giật mình nhìn lại ở chính mình một khả năng sâu thẳm, một khuôn mặt nguyên sơ:

 "Ngàn năm nào chọn lửa
  Nay về lại nơi xa
Soi bóng mình trên nước
Tìm lại vẻ nguyên sơ"
( Hương Pháp )

Tìm lại vẻ đẹp nguyên sơ là tìm về tự tánh thanh tịnh mới có tuệ nhãn xuyên suốt tỏ rõ một thực tại sinh động :
‘'Đêm ba mươi mai nở cánh nhiệm mầu''
 (Đoá hoa Xuân)
Hay :

‘'Nụ cười Xuân như những cánh mai vàng ‘'
(Con đường Xuân)

Đứng về mặt hiện tượng giới mà nói thì sự vật vốn biến động vô thường do tâm thức biến hiện nên nhà thơ Trương Nguyễn sau bao ngày đêm đeo đuổi:

"Ta chạy theo ngày và đuổi theo đêm
Tìm hình bóng của cái tôi ảo tưởng"

Đến lúc chợt ra sự cố chấp của thực hữu là phi lý:

"Rồi một ngày chẳng nhận ra ta nữa
Nơi rộn ràng loang loáng gai chông"

Cuối cùng chỉ có Hiểu để rồi Thương mới là khát vọng bức thiết của loài người:

"Thương nhân sinh lưu chuyển kiếp vô thường"
( Đi tìm nàng thơ )


Ngay cả khi nỗi đau trầm thống dằn vặt mỗi lần Tết đến, thiên hạ lo đi sắm cái nầy vật nọ, riêng nhà thơ Trương Nguyễn cũng đi chợ Tết; nhưng không một đồng dính túi nên chỉ biết ngắm, nhìn và khi nhận:

"Sáng nay đi chợ Tết
Với bàn tay rỗng không
Nhắm hàng hoa thoả thích
Ghi vào tận đáy lòng"
( Đi chợ Tết )
Để rồi, nhà thơ tự an ủi mình bằng tấm lòng thương yêu chân thật và hẹn lại vợ con ở mùa Xuân sau:

‘'Thôi đành thôi cứ vậy
Nghèo khó mà thương yêu
Năm sau Xuân có đến
Ta đi mua sắm nhiều''

Và trong những bài thơ viết cho vợ hay cho người em thân yêu chăng nữa, Trương Nguyễn cũng lấy tấm lòng để hiểu tấm lòng mong tìm ra một con đường sáng lung linh hạnh phúc:

"Em vẫn tự gieo trồng
Trên mảnh ruộng đầy nhân ái
Một niềm thương đi suốt những tháng năm
( Mảnh ruộng )
"Hãy ngủ đi em
Quên đời một lúc
Để thấy trên đôi môi của em
Thoáng nở một nụ cười"
( Theo em vào giấc ngủ )

Đối với tình bằng hữu, người còn kẻ mất, Trương Nguyễn vẫn giữ được tấm lòng chung thủy, trước sau:

"Từ những cơn đau - Từng nỗi dày vò
Đã vun đắp nên biến thành thực tại
Anh vẫn sống bằng tấm lòng ưu ái
Ở trên tay số phận chẳng nhân từ"
( Phận người )

Phút chia tay đối với nhà thơ Trương Nguyễn cũng lắng sau trong tiềm thức khi dòng nhựa tình người lưu chuyển thì hồn thơ cũng dễ dàng soi tới:

"Bên thềm cũ bóng trăng xưa chiếu diệu
Nét "đan thanh dung dị" toả lan dần
Màu sáng bạc trùm lên cây cỏ
Thức thâu đêm thương nhớ vạn lần"
( Bên thềm cũ )

Khi viết đến đây, tôi nghĩ rằng Trương Nguyễn có lúc đã để cho Niệm Tưởng chi phối dòng tư tưởng như những dòng thác luân lưu, dù thoáng qua trong chốc lát vẫn âm thầm len lén gieo vào tâm thức nhà thơ những khổ thọ hay lạc thọ mà bản thân anh đã hơn một lần cọ xát, chịu đựng. Và cũng chính vì vậy mà thơ của Trương Nguyễn có một lối đi riêng biệt, mang phong thái chững chạc, một biệt tướng độc lập với bất cứ một nhà thơ nào khác.

Nói cho cùng, đoá hoa nghệ thuật của Trương Nguyễn bắt nguồn từ Hoa Đạo phát ra tự tâm những rung động nhẹ nhàng mà sâu lắng, dù chưa thăng hoa đến độ rực rỡ thì ít ra nó cũng điểm tô phần nào cho đời sống tinh thần tìm kiếm sự an tĩnh của tâm hồn trước dòng đời vẫn đục, khổ luỵ ...
                                                                    
THANH TRÚC
             (Cử nhân Văn Chương và Triết Học ĐHVK Sài  gòn 1964)

Bài do anh Trương Nguyễn gởi tặng
 truongnguyen49@yahoo.com.vn

READ MORE - Thanh Trúc - ĐỌC " LỬA ĐÊM " NGHỈ VỀ THƠ TRƯƠNG NGUYỄN

TỰ KHÚC XUÂN - Hoàng Văn Chẩm

                             
                   Tháng giêng ngọt mềm
                   Lộc biếc chồi non hồng môi mắt
                   Một bước đi về
                   Xanh trong trong lòng quê
                   Ngỡ ngàng lối củ quê mẹ vùi sâu trong gió bấc
                   Lành lạnh góc trời mấy khúc nhớ ngày qua.
                   Em mãi mê dòng đời giữa mùa xuân chín
                   Đậu trên vai dấu tích mùa xưa
                   Trong ngần giọng hát
                   Chưa biết gì sao ta vội nói lời yêu ???
                   Lật nghiêng gót nhỏ ngày thơ
                   Bây chừ bỏ lại cơn mơ tuổi hồng
                   Như đời giấu mãi thương mong
                   Ta ôm khoảng cách dài trông góc trời.
                   Mộng mị xuân
                   Đâu phải chỉ là gần nhau trong gang tấc
                   Cánh hoa màu thời gian cũng níu lại lòng hoài thương
                   Đứng bên bờ ngó qua bên tê trỉu nặng đời tóc gió
                   Dẫu biết bể dâu chia mãi lối về
                   Ngày mới lớn chưa kịp trao tay đời mang lối rẻ
                   Biền biệt cho người cho một khúc tình xuân
                   Thấm thoát mấy mươi năm
                   Nữa chừng mới hay
                   Mùa xuân còn đó...
                   Vườn xưa em đợi em chờ
                   Mở lòng em thả câu thơ ngậm ngùi.
                                                                        




Mồng sáu Tết Nhâm Thìn
HVC

READ MORE - TỰ KHÚC XUÂN - Hoàng Văn Chẩm

XUÂN ĐA TÌNH - Thơ Nguyễn Anh Biên - Lời bình Phạm Ngọc Thái


Thơ Nguyễn Anh Biên - Lời bình Phạm Ngọc Thái



                       XUÂN ĐA TÌNH
                       Lời đôi trai gái người Êđê



YBNâu (nàng):
 -   Đêm nay vui bạn bè anh em
Ta uống cho say trời đất
Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
Em cho anh uống cả hai bầu vú em
Rượu tình không bao giờ cạn...

KPaLUNG (chàng):
-   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
Em như con nai tơ động đực
Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em
Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.

                           Nguyễn Anh Biên
      (Bài thơ trích trong truyện ngắn cùng tên của chính tác giả)

      Nguyễn Anh Biên là một nhà viết kịch, đồng thời trong nghiệp bá văn chương ông còn viết rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông chưa bao giờ làm thơ. Ấy thế mà khi viết thiên truyện ngắn "Xuân đa tình", cao hứng ông đã tung bút để nẩy ra một bài thơ tình thật độc đáo và cũng thật... điên! Bài thơ trên thực ra không có tên đề, tôi tạm lấy tên truyện ngắn của ông mà đặt cho bài thơ vậy. Có thể nói: Bài thơ ấy đã chứa đọng trong nó những yếu tố rất nhân lõi cho truyện ngắn của ông.
      Đó là những lời yêu đương nồng nàn của một đôi trai gái người Êđê, ngồi bên chóe rượu cần vào đúng cái đêm 30 Tết. Lui lại những tháng năm trước, thưở còn chiến tranh, ta từng chứng kiến tình cảm của nhân dân, nhất là đồng bào thiểu số khi có những người chiến sỹ ngoài chiến trận đến... rất nồng ấm, ân tình. Đêm ấy, trong ngôi nhà bản hân hoan tiếp đón một tổ trinh sát từ miền xuôi lên.  Lúc say rượu, say tình bả lả... cả tình gái trai cũng đã rạo rực trong trái tim người con gái dân tộc. Bởi vì: trước mắt YBNâu những anh chiến sỹ ấy là những chàng trai người kinh tuyệt vời, đầy cám dỗ đối với nàng. Nàng đã hát:
                Đêm nay vui bạn bè anh em
                Ta uống cho say trời đất
      " Ta uống cho say trời đất " - Nghĩa là, trái tim nàng đã say! Trái tim người con gái, hay là trái tim đàn bà đã rung lên xao xuyến... vì cả rượu lẫn tình yêu chan chứa. Men tình, men rượu ngấm vào tận da thịt cơ thể YBNâu, như tác giả đã tả trong truyện:
      "... YBNâu với thân hình cao lớn cân đối, da nâu bóng, tóc rễ tre đen nhánh hơi quăn, buông xõa trên vai trần, đôi mắt nâu mí to xa vời vợi, mơ mộng như rừng buổi sớm khi bình minh chưa kịp tở. Trông nàng tựa như cô gái Bô-hê-miêng ".
      Nàng đã mượn rượu, mượn đà để mà thổ lộ ra những lời lả lơi, tình tứ:
                Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
                Em cho anh uống cả hai bầu vú em.
      Đọc câu thơ đến sửng sốt, gai góc giật mình. Ta phải vỗ đùi đánh "đét" một cái mà kêu lên:
-  Nguyễn Anh Biên chơi thơ thật tuyệt!
      Viết đến như thế mà tình người con gái vẫn trong sáng, không tục mới sướng chứ! Tôi chợt nhớ tới đôi câu thơ của bà Hồ Xuân Hương trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày":
                Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm
                Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
      Bà cũng đã đi vào cỗi rễ, nhưng đấy là cỗi rễ của thơ bà Hồ Xuân Hương. Còn Nguyễn Anh Biên đã để cho người con gái bộc lộ hết mình và tình thơ đã tự kết lại! Nó có vẻ tục mà vẫn thanh tao chăng? "thanh" vì nó chân chất, hồn nhiên không dụng ý. Cả cái suồng sã ấy cũng là thứ trong trẻo của đất trời, tạo hóa phú ban. Ta thấy sướng thơ, nó ngâm ngấm và muốn nhấm nháp hương vị hoa nhài, hoa lan của tình thơ ấy. Thật là ngôn ý phàm trần mà vẫn thơ! Viết được những câu như thế đâu phải dễ? Như người họa sỹ vẽ nuy về người đàn bà mà không giỏi thì người xem thấy sượng, không muốn coi. Rõ ràng ngôn ngữ ấy được tác giả nẩy ra từ sự rung cảm, thăng hoa của tâm hồn. Trong sáng tác không có khả năng cảm thụ ngôn ngữ cao viết sẽ hỏng ngay. Tình thơ lả lơi ấy còn có lý, bởi vì YBNâu là một cô gái dân tộc, lại rất đa tình, mà bản chất người dân tộc là chân chất, thật thà.
      Quyến rũ sự đam mê giới tính cũng thuộc một tính cách rất phụ nữ! Không kể đó là phụ nữ miền xuôi hay miền ngược, thiểu số hay người kinh, dù họ là các da màu khác nhau nhưng tính phụ nữ thường giống nhau. Nàng YBNâu đã buông ra những lời chan chứa yêu đương: Nàng muốn hiến dâng! Cũng chính từ trái tim đang rực cháy của nàng đang đòi hỏi. Sau đó, chỉ thế thôi, tác giả hạ một câu chốt  (cũng qua lời người con gái) để khóa lại khổ thơ đầu:
                Rượu tình không bao giờ cạn...
    Ngắn gọn, xúc tích, tất cả đều có thể thay đổi hay mất đi, nhưng tình là vĩnh cửu. Thế giới không có sự đam mê gái trai, thế giới ấy không còn sự sống. Tôi gọi YBNâu là cô gái: vì trong tình thơ bộc lộ những tình cảm nồng nàn trai gái, mặc dù YBNâu đã là một người vợ, vợ của KPaLung - Một chàng trai Êđê.
      Tội nghiệp cho cái anh chàng KPaLung thật thà quá, tôi bình sang khổ thơ thứ hai: Vợ mình đang lả lơi, ve vãn với mấy anh chiến sỹ kia, ấy thế mà chàng vẫn tưởng vợ mình tình tứ với mình? Cho nên chàng mới họa tiếp:
                   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
                   Em như con nai tơ động đực
                   Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em.
      Vậy là, trong tình ái say sưa: Tình cảm muốn hiến dâng của người phụ nữ... và mong muốn được hưởng thụ của người con trai rất giống nhau - Làm cho thơ cấu kết lại. Sức truyền cảm, lay động của tình thơ thêm sâu, tụ đọng. Nguyễn Anh Biên đã mượn rượu, mượn cảnh, mượn tình, khai thác tính cách dân tộc - Để tung hồn, tung bút viết phóng: Thế mà thành thơ, còn đậm đà và chan chứa tình. Ngôn ngữ mạnh bạo quyết liệt, tha thiết của trái tim, thấm được vào lòng người. Ông để cho KPaLung ví người con gái kia:
                Em như con nai tơ động đực
      Trong thi ca ví von đến thế thật đáng "sợ" ! Nhưng đọc lên hóa ra lại có ý khen và ca ngợi. Huống chi đó là lời của một chàng trai Êđê, ý nghĩ hết sức trong sáng và hồn nhiên. Tôi chắc là các cô gái khi đọc những vần thơ đó sẽ không cự lại nhà thơ đâu? Ông nói đúng tâm trạng đấy chứ!? ( Hơn nữa thời nay chị em chỉ thích làm Thị Mầu, có mấy ai lại muốn mình thành Thị Kính? ).
      Bây giờ phong cách thơ ca thời đại đang được mở rộng ra phong phú rất nhiều, để đáp ứng những đòi hỏi cảm thụ mới. Bài thơ đã thành công, hàm súc, giàu tính nhân bản. Ta bàn đến hai câu thơ chót, kết thúc cả bài:
                   Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
                   Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.
      " Bằng lòng không bằng lòng..." - Không biết tác giả muốn đặt câu hỏi hay có ý khẳng định? Nhưng đọc cả hai câu ta thấy ngay tình tha thiết của người con trai. Lửng lơ như thế hóa ra làm ý thơ thêm tinh tế, mềm mại, không bị cứng nhắc. Lời như câu hát:
                             Anh chạy theo mặt trời chiều...
      Cách nói thật rất Êđê, bản xứ.
     Toàn bài thơ chỉ có 10 câu, tách biệt làm hai khổ. Nguyễn Anh Biên đã hoàn thiện tình thơ " Xuân đa tình ": Tình đời thì thanh thiên, say đắm và đáng yêu. Với bản sắc của bài thơ, nó vẫn có khả năng tách biệt ra khỏi truyện ngắn của ông, để có mặt và góp tiếng nói trong thi đàn đương thời mà không sợ ngượng.
      Mừng cho ông tuy không làm thơ, nhưng đã có được một bài thơ thích!

    Phạm Ngọc Thái
READ MORE - XUÂN ĐA TÌNH - Thơ Nguyễn Anh Biên - Lời bình Phạm Ngọc Thái

Lưu Quang Minh - GIA ĐÌNH NHÀ CÚN



GIA ĐÌNH NHÀ CÚN

Truyện ngắn của Lưu Quang Minh


Ngày vợ chồng mình đưa bé Cún từ bệnh viện về, Lu Lu tự nhiên trông có vẻ buồn bã, hai con mắt to tròn đờ đẫn ngắm “vật thể lạ” vừa mới hiện diện trong căn nhà. Mới đầu Lu Lu sủa vang. Sau lại chạy tới quẩn quanh chân anh “làm nũng”. Rồi mỗi khi anh lại gần ngắm bé Cún, Lu Lu cũng chạy theo, tìm cách níu anh lại chơi đùa với nó. Anh bật cười: à thi ra Lu Lu đang ganh tỵ đây!
Cái giống Chihuahua này muôn đời vẫn thế. Mình mẩy có thể tý tẹo chứ tình cảm thì chẳng bao giờ biết thiếu. Anh mê cún cũng vì lẽ ấy. Ngày còn yêu nhau, anh gọi yêu em là “chị Cún”, còn mình là “anh Cún”. Sau này hai đứa sẽ có thêm “bé Cún”. Vậy là đủ một “gia đình nhà Cún”.
Lu Lu quấn chủ vô cùng. Từ ngày về đã thế. Cưới nhau xong, anh và em thống nhất chưa có bé Cún ngay, ít nhất phải hai năm nữa cho ổn định. Một hôm hai vợ chồng đang ngồi xem ti vi, ngay chương trình thế giới động vật đang chiếu các bé cún, anh quay sang em thủ thỉ:
“Hay là nhà mình cũng nuôi một em cún cho vui cửa vui nhà, được không chị Cún?”
Biết anh thích thú cưng từ lâu, em gật đầu ủng hộ. Vậy là ngay hôm sau hai vợ chồng đánh xe một vòng dạo quanh “chợ chó” lớn nhất Sài Gòn tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong. Dọc hai bên đường cơ man bao nhiêu cửa hàng vật nuôi, thú cưng. Đủ các giống các loại chó cảnh từ lớn tới bé, dữ dằn đến siêu xinh… trông vào đến chừng muốn hoa cả mắt.
“Nhà mình chật chội, chắc chỉ đủ chỗ cho chú cún nào nho nhỏ thôi anh…”
Dừng xe, “anh chị Cún” bước vào một tiệm khá sạch sẽ và hoành tráng. Anh mải tìm kiếm trong mấy cái lồng sắt to đoàng đang chứa những chiếc tai vểnh tai cụp, mõm dài mõm ngắn, lông trắng lông đen.... Và rồi như một định mệnh, anh bắt gặp đôi mắt tròn xoe như hai hòn bi ve đang mở to quan sát vị khách lạ.
“Chó gì mà bé xíu vậy chị?”
“Chihuahua đó chú. Nhìn nó nhỏ nhưng mà nó có võ đó nha, đừng có coi thường. Sủa đau tai lắm á!”
Bà chủ tiệm bồng chú cún ra cho hai vợ chồng xem rõ hơn. Chưa chi chú đã le lưỡi, vẫy vẫy cái đuôi ngắn bằng ngón tay út ra vẻ chào mừng lắm.
“Ôi đáng yêu quá anh!”
Anh đồng ý với em cả hai tay.
“Nuôi có khó không chị?”
“Khó gì đâu, ăn thua cô chú có quan tâm chăm sóc nó không thôi. Cún chẳng khác con người, lúc nào cũng cần được thương yêu. Cô chú quý mến nó thực tâm thì nó cũng sẽ yêu quý hai cô chú…”
Chú cún con chihuahua màu kem đã hoàn toàn chinh phục trái tim của hai “anh chị Cún”, chỉ qua cái nhìn đầu tiên như thế.
Về chưa quen nhà nên nó có vẻ hoảng sợ. Anh bồng nó lên:
“Phải đặt cho chú mày một cái tên đã. Gọi là gì bây giờ em nhỉ?”
“Thì cứ đặt tên nào dễ nhớ dễ gọi đó anh. Ki Ki, Mi Lu, Lu Lu…”
“Ừ, gọi là Lu Lu nha. Từ nay tên của mày sẽ là Lu Lu!”
Từ lúc có Lu Lu, anh bận rộn hơn, cứ như thể đã có thêm bé Cún vậy. Hết đi tìm mua thực phẩm đóng hộp, lại học cách tự chế biến thức ăn phù hợp dinh dưỡng cho chó con ba tháng tuổi. Một thời gian ngắn Lu Lu đã quen hết các ngóc ngách trong nhà, chạy giỡn đùa nghịch rất hăng. Rồi lâu lâu “bậy” khắp sàn khiến anh phải vác chổi vác khăn ra mà lau dọn, vã cả mồ hôi.
“Tập cho Lu Lu “đi” đúng nơi đúng chỗ, anh ơi!”
Cái việc tập luyện này tốn không ít thời gian. Thoạt tiên, anh trải hai ba tờ giấy báo chồng lên nhau, ở một nơi quy định dành cho Lu Lu “đi”. Đến khi Lu Lu “bậy”, anh rượt theo bắt nó ra “ngồi” chỗ đống báo. Thế mà cu cậu im re, nhất nhất không động tĩnh gì thêm nữa. Đến lần thứ ba thì anh phát bực, tức muốn điên. Em cười mỉm chi:
“Anh hốt đống phân của Lu Lu bỏ riêng vào chỗ báo, rồi chùi thật sạch mấy chỗ nó “bậy” ra thử xem.”
Hì hục lau lau dọn dọn mệt đứ đừ. Vừa thấy cu cậu “có ý”, anh quát:
“Lu Lu, ra kia mau!”
Tự nhiên Lu Lu lao một mạch ra đống báo, “làm” một lần đúng chỗ, nhanh gọn. Anh ngạc nhiên:
“Sao em hay vậy?”
“Em hỏi con Thu bạn em, nhà nó hai ông bà già đều mê chó, người ta huấn luyện cún đi vệ sinh ngay từ ngày đầu về. Ai như anh!”
 Khổ, nuôi Lu Lu y hệt như sinh con đầu lòng, anh đã có tý kinh nghiệm nào đâu. Thì ra mỗi lần Lu Lu “đi” ở chỗ nào cũng đều dùng “chất thải” để “đánh dấu” mùi. Cứ kiên trì tập luyện cho ngồi đúng chỗ ấy, dần dà cậu chàng đánh hơi lại ra đó “hành sự” tiếp. Anh xoa đầu nó nựng nịu: ôi Lu Lu ơi là Lu Lu, đến là mệt với mày!
Hai vợ chồng chơi đùa với Lu Lu, phát hiện cu cậu rất thích liếm mặt anh. Em bảo: Lu Lu đang “hun” anh Cún đó, anh Cún “hun” lại đi. Anh đùa: nhưng anh thích “hun” chị Cún cơ. Thôi, đi mà hun Lu Lu yêu quý của anh, anh chăm nó thế cơ mà. Không, chỉ mê “hun” chị Cún à, Lu Lu ha. Nói là làm anh Cún và Lu Lu rượt theo đòi “hun” chị Cún cho bằng được. Sau một hồi “chống cự”, cả hai phá lên cười nắc nẻ. Lu Lu dưới chân quẫy quẫy đuôi, le lưỡi, ra chiều khoái chí lắm.
Gia đình nhà Cún chào đón thành viên mới bé Cún vào một ngày cuối thu, có sớm hơn kế hoạch “chút đỉnh”. Bé Cún có cái mũi giống mẹ, con mắt lại giống ba. Em cãi:
“Mắt giống mẹ, môi mới giống ba!”
“Ai bảo thế. Mắt tròn xoe thế này là mắt anh chứ.”
Lu Lu tự nhiên sủa vang. Anh và em nhìn nhau phì cười:
‘Ừ nhỉ, mắt tròn xoe, giống Lu Lu nhất, Lu Lu ha!”
Lu Lu nhảy cẫng lên, ý cũng muốn nhìn cho được mặt bé Cún. Có giống Lu Lu thiệt hông vậy?
* * *
“Lu Lu đừng ganh tỵ với bé Cún nghe, ganh tỵ là xấu lắm!”
Vừa vuốt lông Lu Lu anh vừa thủ thỉ. Bé Cún hay quấy, ngủ được một chút bỗng bật dậy khóc toáng lên. Cứ thế hai vợ chồng thay phiên nhau dỗ. Tội nghiệp mẹ Cún phải chăm bé Cún uống sữa, còn ba Cún được lãnh nhiệm vụ cao cả: thay tã. Hồi trước chăm Lu Lu cực một, bây giờ chăm bé Cún cực đến mười.
Thấy anh bồng bé Cún, Lu Lu cứ nhảy nhảy, khó chịu ra mặt. Rồi thấy anh không đả động gì, cậu chàng bắt đầu sủa inh ỏi. Bé Cún thấy Lu Lu sủa, đang yên đang lành tự nhiên mếu xệu, khóc oe oe. Anh giận quá mắng:
“Lu Lu hư. Đi ra chỗ khác chơi!”
Đôi hòn bi ve tròn vo giương lên nhìn anh, mất một lúc lâu mới khẽ khàng lủi đi.
“Lu Lu, đến giờ ăn rồi!”
Bình thường nghe tiếng anh lục đục chuẩn bị bữa tối cho cu cậu, sau lưng đã thấy cái lưỡi nhỏ nhắn xinh xắn thè ra thèm thuồng. Nhưng hôm nay gọi mãi gọi mãi vẫn chẳng thấy Lu Lu đâu.
“Lu Lu ơi, món khoái khẩu của Lu Lu này…”
Quái, nó biến đi đằng nào không biết. Em thấy Lu Lu đâu không? Mới đây mà anh, chắc nó chui rúc góc nào đó thôi. Sao gọi mãi chẳng thấy, em tìm phụ anh với.
Vợ chồng nhà Cún đổ xô ra sân đi tìm Lu Lu. Lu Lu ới Lu Lu à, về ăn cơm nào. Cơm hôm nay ngon lắm nhé, ăn thôi ăn thôi nào. Lu Lu, cún ngoan… Lu Lu bé bỏng…
Trán anh vã đầy mồ hôi.
“Không biết lúc nãy mình có quên khóa cửa, nó chạy tót ra đường bị bắt rồi cũng nên.”
“Đâu có, cửa vẫn khóa mà anh!”
“Thế thì nó biến đi đâu được nhỉ, ôi, Lu Lu!”
Bé Cún đang thiu thiu ngủ trong nhà được một chốc đã lại khóc ré lên.
“Em vào xem con đi, để anh kiếm Lu Lu.”
Ngó quanh quất, tìm khắp lượt trong hốc trong hang trong bụi trong rậm.
“Giận ta à Lu Lu. Ra đây với ta nào…”
 Chừng bất lực, anh ngồi phệt xuống thềm nhà. Chợt tiếng em gọi vang ra:
“Anh vào xem, Lu Lu đây này!”
Anh vội vàng chạy vào. Lu Lu ở đó, dưới gầm giường - bên trên có bé Cún đang nằm oe oe - cái mõm chìa hờ ra ngoài buồn bã. Cậu chàng chui tọt vào đây từ lúc nào, gọi mãi cũng không ra, dỗi đây mà. Bồng Lu Lu lên, anh dỗ dành:
“Giống y như bé Cún, nhõng nhẽo quá đi mất. Thôi đừng giận nữa, cho ta xin lỗi…”
Lu Lu tình cảm lắm, giận vờ thế thôi, chốc lát đã lại liếm láp hết cả mặt anh rồi.
“Anh nha! Bực mình cỡ nào cũng không được la Lu Lu nữa đó!”
“Ừ, anh biết rồi. Lu Lu nhà mình ngoan nhất mà.”
Lu Lu ngoác mồm ra như đang cười.
* * *
Nhỏ Thu gọi điện thoại hỏi:
“Lu Lu nhà mấy người là trai hay gái thế?”
Vẫn thường quen miệng gọi Lu Lu hết “anh chàng” rồi lại đến “cu cậu”, bấy giờ hai vợ chồng mới khúc khích “xác minh” lại rõ ràng: Lu Lu là nàng Chihuhua khỏe mạnh, thừa điều kiện “làm vợ, làm mẹ”. Thu gạ “gả chồng” cho Lu Lu ngay. Em nghe xong cười khanh khách:
“Lu Lu nhà tao kén chọn lắm không phải muốn gả thế nào thì gả đâu nhé.”
“Nhà tao cả đống chó mèo đây mà bạn ông già cứ dúi cho mãi. Khổ, hai ông già mê chó y như “anh Cún” nhà mày. Chihuahua đực, lông vàng, đầu to, mõm ngắn, đẹp trai cực kỳ. Chịu luôn đi tối tao đem qua cho chúng nó “xây dựng gia đình”!”
Thương Lu Lu từ ngày nhà có bé Cún vẫn thường phải thui thủi một mình, nghĩ nghĩ ngợi ngợi hồi lâu thế nào hai vợ chồng cũng đồng ý vác Tô Tô về. Nhân khẩu lại tăng lên.
“Nhà mình thành gia đình Cún thật rồi anh ạ.”
Tô Tô “xinh trai”, chỉ một thời gian dường như đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của Lu Lu thật. Giống chó nhỏ nhất thế giới mà quê hương tận đẩu tận đâu bên xứ Mê-hi-cô xa xôi cách trở dẫu có trưởng thành thì vẫn cứ be bé xinh xinh như thế, chẳng lớn to hơn nổi một chú mèo thêm được là bao. Thế mới làm nên cái điểm lạ và quý giá của Chihuahua khiến cả thế giới say mê. Vợ chồng nhà Cún làm sao ngoại lệ được.
Đêm khuya đang say giấc, anh giật mình choàng tỉnh. Điều gì đó mách bảo anh chạy ra góc sân. Quả nhiên nơi chuồng của Tô Tô và Lu Lu phát ra âm thanh lạ. Anh lại gần, nhẹ nhàng áp tai vào, cố gắng tránh gây tiếng động mạnh.
Anh có nghe lầm không? Tiếng thủ thỉ từ trong chuồng vọng ra:
“Anh là anh Cún. Em là chị Cún. Sau này mình sẽ cùng nhau sinh cả một đàn những bé Cún đáng yêu, anh ha!”
“Ừ. Chúng mình sẽ làm một đại gia đình nhà Cún luôn.”
Tai anh dường như ù đi, đất trời chao đảo. Anh ngã vật xuống nền đất lạnh, chẳng còn hay biết trời trăng gì nữa.
* * *
            Điện thoại báo có tin nhắn từ “chị Cún”:
Anh Cún dậy chưa, hay còn ngủ nướng?
            Tiếng bấm điện thoại trả lời:
Anh dậy rồi. Anh vừa có một giấc mơ lạ lắm em ạ!
            Có tin nhắn mới:
            Mơ gì vậy anh, kể em nghe với!
            Chàng ngồi dậy, bật cười, ngón cái vẫn bấm bấm phím điện thoại cho người yêu:
            Bí mật!
            Chạy xe ngang đường Lê Hồng Phong, chàng sinh viên giật mình ngoái đầu lại, chợt trông thấy đôi mắt tròn xoe nào đó đang dõi theo chàng qua khe chiếc lồng sắt to đoàng.
“Lu Lu…”
Bất giác, chàng nhoẻn miệng cười. ./.
2/2010
Lưu Quang Minh

Lưu Quang Minh
Sinh 18/05/1988 tại TP.HCM
Hiện là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp
Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Lao Động, Tiền Phong, Sài gòn giải phóng, Phụ nữ chủ nhật…
Thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới
Giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện “Già trước tuổi”
Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học – 3/2010)
Lưu Quang Minh
Đc: 63/14/4 Lê Văn Sỹ f13 q phú nhuận tp hcm. Đt: 0908018518 – 0822110885
CMND: 024241727 cấp ngày 5/4/2004 tại TP. Hồ Chí Minh

READ MORE - Lưu Quang Minh - GIA ĐÌNH NHÀ CÚN

Nguyễn Quân – Tranh sơn mài của Võ Xuân Huy: HIỆN ĐẠI HÓA TRUYỀN THỐNG






HIỆN ĐẠI HÓA TRUYỀN THỐNG*

Dù đã trở thành một chất liệu, kỹ thuật hội họa độc đáo Việt Nam từ gần một thế kỷ nay với một số bậc thầy xuất chúng và không ít các danh tác ‘cuộc chiến’ nội bộ của sơn mài  vẫn dằng dai trên biên giới giữa  mỹ nghệ và hội họa , trang trí  và tạo hình.Thế lưỡng nan này sinh ra do mâu thuẫn giữa những phẩm chất tạo hình rất độc đáo của sơn mài từ nguyên vật liệu bản địa không thể thay thế, kỹ thuật thủ công với nhiều bí kíp riêng khó chuẩn hóa, những hiệu quả ngẫu hiên hấp dẫn và những sự trói buộc của chính các ưu thế này đối với việc biểu hiện hiện thực cũng như sự tư do bay bổng chủ động và thỏai mái của xúc cảm  sáng tạo.Tiếp sau đỉnh cao thời Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930/40 và Hiện thực XHCN những năm 1960 là những thử nghiệm đa dạng từ những năm Đổi mới tới nay .

Trong bối cảnh đó, những thể nghiệm và thành công của Võ Xuân Huy là một thí dụ nổi bật .

Tôi thấy họa sĩ đã xuất phát không từ bề mặt đã hòan thành của sơn mài để dùng nó như một ngôn ngữ có sẵn cho sự biểu hiện mà từ bên trong quá trình phôi thai của chất liệu. Những đặc điểm chất liệu và kỹ thuật từ rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… được ‘thuần hóa’ và sử dụng rất chủ động để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện, tức thời. Họa sĩ đã dũng cảm ‘can thiệp’ vào ngữ pháp và từ vựng tưởng như đã định hình bất biến của chất liệu cổ truyền. Bức tranh mang tính biểu hiện cao với các hiệu quả hội họa trực tiếp như dưới các nhát bút sơn dầu hay màu nước. Bức tranh trở thành các tác phẩm biểu hiện trừu tương  của chủ nghĩa hiện đại. Bảng màu được mở rộng với các gam lạnh, nhẹ cùng sự thoáng qua khó nắm bắt. Võ Xuân Huy không nương nhờ vẻ đẹp vàng son, trầm ấm hay cái điệu đà, duyên dáng của sơn mài ‘cổ’ , cũng không cầu viện nơi các mô-típ, chủ đề ‘dân gian, lễ hội hay tâm linh’! Những bức không hình trực chỉ từ cảm thức sáng tạo hiện đại  và các đặc điểm chất liệu, kỹ thuật  đã đưa sơn mài sang hẳn địa hạt của tâm tình hội họa .

Tôi thấy ở đây những hiệu quả biểu chất, sắc độ, hình, nét và không gian bất ngờ, hiếm thấy ở tranh sơn mài. Dù không hẳn tin các ý tưởng triết lý mà tác giả nêu ra cho các ‘biến  thể’ sơn mài của mình ta vẫn phải nhận rằng với Võ Xuân Huy có vẻ như sơn mài có thể là hội họa thuần túy với đủ mọi cung bậc cảm xúc và tạo hình mà ở đó ngừơi ta hòan tòan có thể tự do tung hoành,tự biểu hiện.

“Vấn đề không chỉ là bảo tồn hay noi theo truyền thống mà  phải là  hiện đại hóa truyền thống.” Ta dễ dàng nhất trí với Nguyên Ngọc khi xem tranh sơn mài của Võ Xuân Huy.

Nguyễn Quân

Bài do họa sĩ Võ Xuân Huy gởi tặng
huyartvn@gmail.com
READ MORE - Nguyễn Quân – Tranh sơn mài của Võ Xuân Huy: HIỆN ĐẠI HÓA TRUYỀN THỐNG