Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 28, 2013

Nguyễn Khôi - THƠ: CÁCH TÂN HAY CÁCH ĐIỆU?

Tặng: Mai Văn Phấn





Thơ là hồn Dân tộc.

Thơ là chúa tể của văn chương (Trang Thế Hy).

Dân tộc Việt Nam ta là một Dân tộc Thơ (còn ai đó nói: Việt Nam là một cường quốc thơ... là nói quá, là mắc cái thói tự khen, tự thưởng, tự sướng, thiên hạ họ cười mũi cho đấy).

Thơ là sản phẩm tinh hoa của thờ đại...

Thơ cũ: từ đời Lý -Trần tới 1932 với tư tưởng Nho giáo "thi ngôn chí "- thơ chở Đạo.

Mẫu người: Tiểu nhân / Quân tử. Thể loại: luật Đường, lục bát, song thất lục bát...

Thơ mới: Nếu tính khởi từ Phan Khôi (1932) đến 1945, với tư tưởng tự do (cái "tôi" cá nhân), các Nhà thơ đã tự thân thoát khỏi chữ "ta" (thơ cũ), để tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ "tôi" (theo Hoài Thanh), làm nên một cuộc cách mạng trong thơ, tạo ra nền thơ mới với các Thi sĩ lừng danh: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên...

Tác giả Nguyễn Khôi
Thời Cách mạng (từ 19/8/1945) là thời kỳ giải phóng dân tộc gắn với xây dựng Chủ nghĩa xã hội, một luồng gió mới (gió Đông thổi bạt gió Tây) thồi vào hồn thi nhân ta - "Nay ở trong thơ nên có thép", với mẫu người Chiến sĩ cách mạng luôn hiến dâng, xả thân vì sự nghiêp cao cả của toàn dân tộc ... đã  cho thơ Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Tế Hanh... cất cánh lên phơi phới, đặc biệt là Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Quang Dũng với lối viết "cách tân" gây ấn tượng mạnh trên thi đàn; tiếp theo thời Chống Mỹ cứu nước là 2 đỉnh cao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật thơ (2 tiếng kèn xung trận ) là Bùi Minh Quốc và Phạm Tiến Duật.

Đó là thời lý tưởng (màu hồng): cái TÔI (cá nhân) được hòa vào cái ta (tập thể- đồng chí, đồng bào) sống học tập, làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Còn hôm nay, thời kỳ Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì: mặt phải là xã hội giầu lên, đời sống nói chung được nâng cao rõ rệt, sinh hoạt được cởi mở, tự do dân chủ hơn trước nhiều; Tuy nhiên mặt trái của cơ chế thị trường là cuốn hút mọi người trong xã hội cứ như tất cả quay cuồng vì "tiền" (nói theo Vương Trí Nhàn)? Góc tâm hồn Việt do mở cửa hòa nhập nên đang bị lối sống gấp phương Tây thâm nhập, chạy theo lối sống hưởng thụ dã man: đớp, hít, sex, cờ bạc, lừa đảo... làm tha hóa một bộ phận không ít cán bộ, dân cư... Đảng phải ra Nghị quyết "chỉnh đốn" là thế.

Trên thi đàn hôm nay: phần lớn vẫn là sáng tác theo lối truyền thống (nền thơ mới 1932-1945 kéo dài), nhiều "Câu lạc bộ thơ Đường", thơ phường xã được khuyến khích thành phong trào. Cái "được" của thơ phong trào (mà Nghệ sĩ Bành Thông làm chủ soái) là không đặt vấn đề "nghệ thuật thơ ca" lên hàng đầu (như các Hội VHNT) mà là tạo sân chơi cho những ai yêu thơ, thích làm thơ hội tụ kết dính với nhau nên các bạn thơ chia sẻ bao điều tâm tư tình cảm, ít có tổ chức nào hôm nay làm được như vậy. Còn giới các nhà thơ có nghề thì đang có một số đi tiên phong "cách tân"- đổi mới thơ đương đại... Trước có Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng... về tư tưởng là muốn có "tự do, dân chủ" hơn nữa, mà đỉnh cao là "phu chữ" Lê Đạt, gây được tiếng vang trên thi đàn một thời... Rồi khi các vị quá cố thì cũng tắt lịm! Gần đây có Nhóm Bùi Chát (Tp Hồ Chí Minh) làm thơ theo lối "Tân hình thức" với những câu thơ "vắt dòng", rất khó đọc theo mạch suy nghĩ của người Việt ta, hình thức thì khó "chơi", còn ngôn ngữ thì thô tục một cách cố tình để chửi bới chế độ đương thời.

Ở Hà Nội có Nguyễn Đình Chính với tập "Chẹc Chẹc" có cách viết mới đầy sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung, đọc rất vào; ở Huế có Trần Vàng Sao thơ viết rất gan ruột, câu thơ khá độc đáo, đáng học tập.

Gần đây nữa, một hiện tượng thơ Hậu hiện đại khá nổi bật là Mai Văn Phấn ở Hải Phòng (quê Ninh Bình) "đã quyết liệt, nhẫn nại đưa thơ vào những ngóc ngách tâm hồn mình và những thế trận, ma trận chữ": thi pháp hiện đại, giấu hiện thực và lãng mạn nằm nghỉ nơi tầng dưới của ngôn ngữ, hiện đại hóa chất Chân quê."...
  
Rồi nữa, có nhóm "Thơ làng Chùa", cùng một số Nhà thơ trẻ vừa được giải thưởng Hội Nhà Văn... đang được cổ vũ cho cách viết kiểu "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều" - "văn xuôi hóa thơ"...

Sự khác biệt giữa hệ thống thơ truyền thống "cũ" và thơ "cách tân" hôm nay ở chỗ: thơ truyền thống tập trung vào Ý mới, Tứ lạ (điểm chói sáng ) để tạo ra các câu thơ HAY để đời; còn thơ "cách tân" (mới) chủ yếu là thiết lập TỪ TRƯỜNG THƠ, đưa vào các ngõ ngách tâm hồn "đa tâm điểm" với ý muốn đặt độc giả vào một vị trí khách quan và tỉnh táo để nhìn thấy toàn bộ văn bản đúng nghĩa, mà nghệ thuật hư cấu như một trò chơi tự trình bày cách chơi của nó và mời độc giả tham dự vào trò chơi ấy. Văn chương (thơ) hậu hiện đại là trò chơi ngôn ngữ mang tính dân chủ tối đa...
 
Đôi lời kết: Theo thiển ý của NK thì Cách tân (đổi mới) thơ ca là cần thiết, nhưng trước tiên phải là cách tân cái Hồn thơ (Luyện Tâm) rồi mới thay đổi cách trình bày (lối viết- luyện chữ).

Nếu thơ "rất ít thời thế, càng không có các chủ đề chính trị, sự kiện thời sự (chạy vào  thơ tình"anh anh/em em"), tránh né làm Nhà thơ Công dân, "mắc kê nô", tránh xa nơi thân phận con người đang chìm đắm trong dục vọng, tiền tài, danh vọng-), bỏ thơ chở Đạo, vậy thơ viết cho ai, viết để làm gì? Không khéo cũng chỉ để làm thỏa mãn một trò chơi con chữ mà thôi, sẽ là vô bổ với thiên hạ (đại chúng).

Nói tóm lại:"Cách tân thơ" nếu không có nội dung tư tưởng mới lạ, có tính tiên phong của thời đại (chứ không phải đi tắt đón đầu), được xã hội tự giác chấp nhận (chứ không phải là cưỡng bức áp đặt), mà chỉ nặng về phô bày chữ nghĩa theo những cách diễn đạt khác lạ với truyền thống thì cũng mới chỉ là CÁCH ĐIỆU mà thôi .

Góc Thành Nam Hà Nội, 02-4-2012.
Nguyễn Khôi

dinhbangkhoi@yahoo.com.vn
READ MORE - Nguyễn Khôi - THƠ: CÁCH TÂN HAY CÁCH ĐIỆU?

TÓC NGỦ - thơ Ngưng Thu



Mây lả tóc ngủ
thềm chiều sương khuyết
Tương tư mùa
đông ủ giấc thu ngoan.
Thương phận người
đồng trắng tuyết đa đoan
Dòng nắng chảy
xuyên màn trời kí ức
Đông về buốt
cành trăng rơi bờ vực
Anh đi đâu?
tóc ngủ bến trăng chờ
Nắng nghiêng bờ
môi thiếu nữ ngây thơ
Nhành trúc vẽ màu chiều lên nỗi nhớ
Dòng sông ơi!
đã bao mùa nần nợ
Ngủ mê gì lay mãi giấc chưa tan
Chắc anh về… đang giữa giấc mơ sang
Mùa mắc cạn bên thềm chiều tóc ngủ.

Ngưng Thu
thanhha0406@gmail.com
READ MORE - TÓC NGỦ - thơ Ngưng Thu

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VĂN HÓA - GIÁO DỤC - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

(Trích trong Đường Về Minh Triết; NXB Văn Nghệ, 2007)                                                                                        
                 
                                                

* Người biết yêu điều tốt ghét điều xấu là người biết phục thiện; người  biết phục thiện thì dễ tiếp thu đạo lí giác ngộ; người biết tiếp thu đạo lí giác ngộ thì dễ thực hành tự tri; người biết thực hành tự tri thì dễ thực chứng chân lí tuyệt đối, siêu vượt khái niệm-tướng trạng.

* Không có sự liêm khiết trí thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.

* Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.

* Làm chính trị  chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.

* Tham quyền cố vị thì không yêu dân, không yêu nước.

* Óc địa vị là biểu hiện của bản năng quyền lực đậm nét thú tính; nó không biết quý trọng giá trị nhân cách.

* Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt.

* Một nguyên thủ quốc gia, một nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư... nếu mang nặng thói tham ô, hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng  một  người ăn xin lương thiện.

* Đồng tiền nhà nước là mồ hôi của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là có tội với toàn dân.

* Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.

* Không ghét thói hối lộ thì không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân ; không yêu dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thật có tinh thần cách mạng.

* Xây và chống, mà không chống  thói hối lộ-thói nhận hối lộ, là không chân chính.

* Nặng óc cục bộ thì không yêu dân, không yêu nhân loại; chỉ yêu cái “tôi”, luôn bao che những xấu ác.

* Người cán bộ không thật lòng kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỉ. 

* Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.

* Có những thứ “vinh quang” dính đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người không minh mẫn, không biết chính tà.

* Nền  văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém. 


Tuệ Thiền Lê Bá Bôn


* Không biết phục thiện thì không thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chi là kẻ ấu trĩ về trí tuệ.

* Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.

* Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mĩ.

* Đừng coi thường việc chữa trị các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.

* Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.

* Mọi tài năng đều có giá trị về mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.

* Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.

* Cái “tôi” càng lớn thì tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ  cái “tôi”, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.

* Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho toàn vũ trụ (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân.

* Không ai là không có tâm xấu ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là trách nhiệm của mọi  người.

* Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi") thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.

* Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.

* Tôn giáo có ý nghĩa lớn về đạo đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái.

* Không tôn trọng phương tiện thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình, tỉnh thức.

* Khi triết lí giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu lương tri ở người cán bộ.

* Càng tôn vinh quá độ các gíá trị bản năng và công cụ (nhất là công cụ trí óc) thì thế giới càng đảo điên, khốn đốn.

* Vắng mặt năng lực tự tri tự chủ, vắng mặt trí-lương-tri thì trí-công-cụ sẽ trở thành tôi tớ cho trí-chó-sói.

* Cái “tôi" càng lớn, càng bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức càng suy yếu, tư tưởng và hành vi “người bóc lột người” càng đa dạng .

* Khi kẻ ác tấn công ta, ta sử dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn là sử dụng lòng căm thù.

* Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.

* Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.

* Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”. 

* Giáo dục “toạ thiền-quán hơi thở-tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế giới.

* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.

                                                                                       
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
lebabon04@gmail.com
READ MORE - MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VĂN HÓA - GIÁO DỤC - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

GỞI TỐNG GIANG - thơ Kha Tiệm Ly

(Kính gởi DU PHONG)  

"Cập thời vũ" Tôngs Giang. Nguồn: fansart.com


Ngựa hồng chưa nản bước chân bon

Chí đặt non cao há chịu mòn

Sọt rác quăng đi trò lếu láo       

Ngoài tai vứt bỏ chuyện con con     

Đã không ham chút tiền tài bẩn

Thì dễ gì cong ngọn bút son?

Kiếm báu thở dài trong hốc đá,

Đêm đêm còn mộng đỉnh Lương Sơn.



Kha Tiệm Ly
READ MORE - GỞI TỐNG GIANG - thơ Kha Tiệm Ly

Ngọc Châu giới thiệu phần 2 tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của dịch giả Phạm Đình Nhân

                                                                


    Dịch giả Phạm Đình Nhân là Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu LS&VHVN, hiện ở 110 Ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

    Năm nay bác đã trên 80 tuổi, thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm". Hiếm vì là nhà thơ cao tuổi đã đành, nhưng hiếm nhất chính là vi bác thông hiểu Hán tự. Lớp người như bác đúng là càng ngày càng ít đi đối với đất nước chúng ta hiện nay. Vậy nên khi nhận được tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của bác gửi tặng tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải giới thiệu càng rộng rãi càng tốt tới mọi người yêu thơ - nhất là với những người yêu thích thơ luật Đường (TLĐ), hiện đang sinh hoạt ở rất nhiều Câu lạc bộ TLĐ trên toàn quốc. Cũng là góp phần nhỏ vào việc lưu giữ cho thế hệ sau một tài liệu tham khảo cho kho tàng thơ Đường thu thập được từ trước đến nay.

    Tập thơ gồm 108 bài thơ chọn dịch, chia làm hai phần.

    Phần thứ nhất gồm 50 bài thơ Đường của 30 nhà thơ Trung quốc xếp theo vần A-B-C, phần thứ hai gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ Việt Nam xếp theo thời gian.

    Tuy Ngọc Châu có được học 6 năm Trung văn ở trường phổ thông nhưng từ ngày ấy đến nay ít dùng, tri thức về Hán học rất hạn chế nên chỉ mong muốn được giới thiệu tới nhiều độc giả mà không dám luận bình gì về các bản dịch. Phần này xin giành cho người đọc có những phẩm bình sau khi đọc tác phẩm thơ của dịch giả Phạm Đình Nhân (mail của bác Nhân: (phdinhnhan@gmail.com ), điện thoai: 04.37221708 – 0987552467.

    Do dung lượng tập thơ khá dài nên mỗi lần chỉ giới thiệu từ 1 đến 2 tác giả, Ngọc Châu cũng mạn phép làm theo người xưa là góp thêm một số bản dịch của mình chỉ để cho sự cảm nhận bài thơ nguyên tác được phong phú hơn mà thôi.)


2. CHƯƠNG KIỆT

6. XUÂN BIỆT
 Nguyên tác :   


  下  籬  撞  指  乱  山
趨  程  不  待  鳳  笙  残
  邊  馬  爵  金  含  去
樓  上  人  垂  玉  助  看
柳  陌  雖  然  風  嬝  嬝
通  河  猶  自  雪   
殷  勤  莫  厭  貂  裘  重
恐  犯  三  邊  五  月  寒


              Phiên âm : Xuân biệt

Trịch hạ ly chàng chỉ loạn sơn,
Xu trình bất đãi phượng sinh tàn.
Hoa biên mã tước kim hàm khứ,
Lầu thượng nhân thuỳ ngọc trợ khan.
Liễu mạch tuy nhiên phong niểu niểu,
Thông hà do tự tuyết man man.
Ân cần mạc yếm điêu cừu trọng,
Khủng phạm Tam Biên [1] ngũ nguyệt hàn.

Dịch thơ :   
Phạm Đình Nhân dịch 2007

Xuân ly biệt
Buông chén lên đường hướng núi cao
Ra đi không có phượng vui chào.
Ngựa hoa tiễn bước bên đường vắng
Ai khóc trên lầu lệ nghẹn ngào?
Rặng liễu gió lùa phơ phất vẫy
Hàng thông tuyết phủ ngạt ngào sao!
Tam Biên lạnh đến tháng Năm đấy
Áo ấm lông cừu nhớ mặc vào!
Ngọc Châu dịch 2013 (tham khảo)
Xuân biệt

Chén buông, hướng núi lên đường
Phượng không theo tiễn dặm trường non cao
Ngựa hoa đơn bước lẻ sao
Nghẹn ngào ai khóc lầu cao lệ tràn
Phất phơ liễu rủ gió ngàn
Thông reo tuyết phủ như càng dài xa
Áo lông cừu phủ  xông pha
Tam Biên lạnh đến nửa già tháng Năm!
[1] Tam Biên : Chỉ 3 xứ biên giới: Tây, Bắc  và Tây bắc, nơi này tháng 5 còn lạnh
      
3. DƯƠNG SỸ NGẠC

7. ĐĂNG LÂU
Nguyên tác :  登  樓


           
           
           
           

Phiên âm : Đăng lâu

Hoè liễu tiêu sơ nhiễu quận thành,
Dạ tiêm sơn vũ tác giang thanh.
Thu phong nam mạch vô xa mã,
Độc thướng cao lâu cố quốc tình.


Dịch thơ :            
Phạm Đình Nhân dịch 2007
Lên lầu
Hoè liễu quanh thành sao xác sơ,
Đêm nghe mưa núi đổ tràn bờ,
Gió thu dọc tuyến nam xe vắng,
Đơn độc lên lầu nhớ chốn xưa.
Ngọc Châu dịch 2013 (tham khảo)
 Lên lầu
Quanh thành hòe liễu xác xơ
Đêm nghe mưa núi tràn bờ năm canh
Gió thu xe tuyến vắng tanh
Lên lầu cao một bóng mình nhớ quê.
4. ĐỖ MỤC
(803 – 852)


Đỗ Mục (803-852), nhà thơ Đường, tự là Mục Chí, hiệu Phàn Xuyên, người huyện Vạn Niên, Kinh Triệu, Thiểm Tây (Trung Quốc). Đỗ tiến sĩ năm 828 đời Đường Văn Tông. Làm quan từ chức Tiết độ sứ Hoài Nam, Giám sát Ngự sử tại Lạc Dương. Sau bị đổi làm Thứ sử Hoàng Châu. Về triều, làm Khảo công lang, Tri chế cáo, rồi làm Trung thư xá nhân.
Ông là tác giả bài A Phòng cung phủ nổi tiếng.

8. XÍCH BÍCH HOÀI CỔ

 Nguyên tác :       

           
           
            便
           


Phiên âm :  Xích Bích hoài cổ

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều.
                        
Dịch thơ :
Phạm Đình Nhân dịch 2005
Nhớ chuyện Xích Bích xưa (1)

Kích vùi trong cát thép không tiêu,
Mới thấy triều xưa luyện thép nhiều.
Không gió đông nam Chu cũng chịu,
Còn đâu Đồng Tước với Hai Kiều?(2)
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013
Nhớ chuyện xưa Xích Bích

Cát vùi kích vẫn không tiêu
Mới hay xưa luyện thép nhiều lắm thay
Gió đông nam Chu gặp may
Hai Kiều, Đồng Tước không bay sang Tào.


 9. THẤT TỊCH
 Nguyên tác :  

          
           
           
                          

Phiên âm : Thất tịch

Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh.
Thiên giai dạ sắc lương như thủy.
Ngọa khán Khiên Ngưu Chức Nữ tinh.   

Dịch thơ :
Phạm Đình Nhân dịch 2005   

Đêm thất tịch (1)
1. Đuốc thu lạnh chiếu lên tranh,
Quạt  xua đom đóm đưa nhanh nhẹ nhàng.
Sắc đêm trời nước dịu dàng,
Lặng nhìn Chức Nữ Ngưu lang tỏ tình

2. Ánh nến bao chùm lên bức tranh
Quạt xua đom đóm xúm bâu quanh
Nền trời đêm tối như mâm nước
Nằm ngắm  Chức Ngưu đang tỏ tình
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013


Đêm ngâu

Nến thu soi tỏ bức tranh
Quạt xua đom đóm vờn quanh chập chờn
Gương trời đêm đẹp mê hồn
Ngưu Lang Chức Nữ đang còn say duyên



10. THANH MINH

Nguyên tác :  清   明


           
           
           

           

                        

Phiên âm: Thanh minh

Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn,
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
                      

Dịch thơ
Phạm Đình Nhân dịch  2007

Tiết Thanh minh

Dầm dề mưa bụi tiết thanh minh,
Buồn thấm đường đi khách lữ hành
Muốn hỏi đâu đây nơi quán rượu
Mục đồng chỉ tận Hạnh Hoa thôn.         
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013

             Thanh Minh

Thanh minh mưa bụi dầm dề
Lữ hành khách đã  ủ ê chân chồn
Quán rượu muốn hỏi đâu còn
Mục đồng chỉ Hạnh Hoa thôn xa mù.


11. LỮ TÚC
Nguyên tác:   宿

       
       
       
       
       
       
       
                          


Phiên âm:  Lữ túc

Lữ quán vô lương bạn,
Ngưng tình tự tiễu nhiên.
Hàn đăng tư cựu sự,
Đoạn nhạn cảnh sầu miên. 
Viễn mông quy xâm hiểu,
Gia thư đáo cách niên.
Thương giang hảo yên nguyệt,
Môn hệ điếu ngư thuyền.

Dịch thơ :  
Phạm Đình Nhân dịch 2006

Ở quán trọ
Quán nghèo không có bạn thân,
Tâm tình lắng đọng như gần như xa.
Khêu đèn nhớ lại chuyện xưa,
Ngủ  buồn  ngưng tiếng nhạn  vừa  bay ngang.
Nằm mơ mộng mị tràn lan,
Thư  nhà năm ngoái mới sang một  lần.
Sông xanh trăng khói tuyệt trần,
Thuyền câu ai buộc cửa sân lạnh lùng.   
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013

             Quán trọ
Quán trọ không bạn hiền
Tâm tình lắng tự nhiên
Đèn khêu ôn chuyện cũ
Tiếng nhạn buồn ngang thềm
Tràn lan cơn mộng mị
Thư nhà chưa đến thêm
Sông xanh mờ sương khói
Thuyền câu neo gần hiên

5. ĐỖ PHỦ
(712 – 770)

Đỗ Phủ , tự là Từ Mỹ, nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng đời Đường. Sinh ở Dao Loan, huyện Củng, tỉnh Hà Nam vào năm Đường Huyền Tông lên ngôi (712). Nổi tiếng thông minh hoạt bát. Gần xuốt cuộc đời ông đi lang bạt nhiều nơi do loạn lạc. Mãi đến năm 757 khi 45 tuổi mới nhận chức quan rồi lại bỏ. Sống trong cảnh bần hàn. Nhưng đi đến đâu cũng có thơ để lại. Mất tại Lôi Dương, thọ 59 tuổi.

12. TUYỆT CÚ 1

                      Nguyên tác:   绝  句

                   江  碧  鳥  逾  白
                   山  青  花  欲  然
                   今  春  看  又  過
                   何  日  復  归  年 


Phiên âm: Tuyệt cú 1

Giang bích điểu du bạch,
Sơn thanh hoa dục nhiên.
Kim xuân khan hựu quá,
Hà nhật phục quy niên

                        
                             Dịch thơ
Phạm Đình Nhân dịch  2004

       Tuyệt cú 1
1. Sông xanh chim trắng bay,
Đồi xanh hoa nở thắm.
Ngày xuân sao quá ngắn,
Bao giờ ta về đây?

  2. Sông xanh, ngập trắng chim bay lượn,
Đồi núi nghìn trùng nở sắc hoa.
Xuân này lại sắp trôi qua,
Bao giờ mới biết ngày ta trở về?:
                   
3. Chim trắng bay đùa trên nước xanh,
Hoa đua nhau nở khắp đồi tranh.
Ngày xuân sao vội qua nhanh thế,
Biết đến bao giờ về đất lành.
Dịch 2004
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013






Tuyệt cú 1

Sông xanh chim trắng lượn bay
Ngàn hoa thắm đang nở dày non cao
Ngày xuân mới ngắn làm sao
Ôi quê xa, biết khi nào hồi hương?



    

   13. TUYỆT CÚ 2

Nguyên tác :   

           
           
    西       
                              


Phiên âm : Tuyệt cú 2

Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên. 
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.

                       

                              Dịch thơ : 
Phạm Đình Nhân dịch  2004

     Tuyệt cú 2
Đôi cánh oanh vàng bên nhánh liễu,
Một  hàng cò trắng trải trời xanh.
Tuyết trên Tây lĩnh nghìn năm phủ
Ngoài cửa Đông Ngô vạn cánh thuyền
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013

           Tuyệt cú 2
Nhành liếu đậu cặp oanh vàng
Đàn cò trải thẳng một hàng trời cao
Tây Lĩnh tuyết ngàn năm bao
Cửa Đông Ngô biển đếm sao hết thuyền


14. ĐĂNG NHẠC DƯƠNG LÂU

Nguyên tác :            

                          
                       岳 楊 
                          
                          
                          
                          
                          
                          



Phiên âm :  Đăng Nhạc Dương lâu

Tích văn Động Đình thuỷ,     
Kim thướng Nhạc Dương lâu.
Ngô Sở đông nam săch,
Kiền khôn nhật dạ phù.
Thân  bằng vô nhất tự,
Lão bệnh hữu cô chu.
Nhung mã quan san bắc,
Bằng hiên thế tứ lưu

                                                     Dịch thơ :
Phạm Đình Nhân dịch  2007

Lên lầu Nhạc Dương[2]

Động Đình ta đã nghe tên
Nhạc Dương nay mới bước lên thăm lầu.
Đông nam Ngô, Sở[3] hai đầu,
Đất trời mãi mãi dãi dầu ngày đêm.
Người thân tin tức chẳng lên,
Một mình bệnh hoạn sống bên con đò
Binh đao ải bắc còn lo,
Tựa thềm lệ ướt khóc cho cuộc đời.
Ngọc Châu dịch tham khảo năm 2013

Thăm lầu Nhạc Dương

Động Đình tên nghe đã lâu
Hôm nay mới đến thăm lầu Nhạc Dương
Ngô, Sở đông - nam hai phương
Dãi dầu mưa nắng tha hương đêm ngày
Người nhà tin chẳng qua đây
Cô đơn bệnh hoạn đò này mình ta
Binh đao ải Bắc lo xa
Tựa thềm mắt lệ ướt nhòa trần ai.

Ngọc Châu
                                                       ngocchaunvhp@gmail.com                                                     ngocchaunvhp@gmail.com







(1) Nói về trận Xích Bích : Chu Du, nguyên soái Đông Ngô nhờ kế hỏa công của Khổng Minh dùng gió đông nam  phá tan hơn 80 vạn quân Tào Tháo.
(2) Nhị Kiều : Đại Kiều vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều vợ Chu Du. Để khích Chu Du đánh Tào tháo, Khổng Minh đã nói : “Tào Tháo thường nói xây đài Đồng Tước để mua vui với Nhị Kiều”
(1) Đêm Thất tịch, (Mồng 7 tháng 7 âm lịch) tương truyền đó là đêm hai sao Khiên Ngưu và Chức Nữ gặp nhau.
[2] Lầu Nhạc Dương ở huyện Nhạc Dương tỉnh Hồ nam, nằm đối diện với hồ Động Đình .
[3] Ngô Sở : Hồ Động Đình phía đông là đất Ngô, phía nam là đất Sở.


VNQT: Nếu máy tính của bạn không đọc đựợc chữ Hán, bạn có thể tham khảo những trang học tiếng Trung Quốc trên mạng để cài đăt.


READ MORE - Ngọc Châu giới thiệu phần 2 tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" của dịch giả Phạm Đình Nhân