Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 8, 2021

BÊN VƯỜN – Thơ Lê Phước Sinh

 
   
                         Nhà thơ Lê Phước Sinh


BÊN VƯỜN 
 
Cội Mai già chờ Tết
gắng gượng để ra Bông
xóm thôn còn ngái ngủ
chẳng màng ánh minh hồng.
 
Uể oải Trời nhìn Đất
Mùa Xuân biến tướng rồi...
 
         LÊ  PHƯỚC SINH

READ MORE - BÊN VƯỜN – Thơ Lê Phước Sinh

TRẮNG | BIẾT ĐÃ VỀ ĐÂU? | AI HỎI GIÙM EM - Thơ Hoải Huyền Thanh

 

Nhà thơ Hoài Huyền Thanh

Trắng

 

Trong đắng dòng nước mắt

trong rát hạt mưa rơi

trong bão giông tơi bời

trong lũ tràn lũ quét

trong lòng anh lòng tôi

 

bao nhịp đời gẩy khúc

bao rừng vàng tan tác

bao sông núi thê lương

bao mái nhà đổ nát

bao thảm cảnh khôn lường

 

Nước trắng trời trắng đất

không thấy bến thấy bờ

đất đổ vùi đổ dập

hốt xóm làng chơ vơ

 

Dân hãi hùng thiên tai

dân kinh hoàng thuỷ điện

xả lũ đúng qui trình

khiếp đảm mùa nhân tai

 

Có khi nào anh hỏi

có khi nào anh đau

có khi nào anh nghĩ

dân khốn khổ thế nào!

vì sao và vì sao?

 

Hoài huyền thanh

(29.10.2020)

 

 

 Biết đã về đâu?

1

Gió hắt hiu

se se triền nhớ

anh về đâu

biết đã về đâu?

ráng chiều tím cả hoàng hôn

hoang vu mộ gió phơi sương bạt ngàn!

2.

Bến sông nặng hạt mưa chiều

ánh nhìn ái ngại gieo neo nỗi lòng

mưa vùi mưa dập tầng không

Em tôi vượt cạn mà không thấy về

 

 

Hoài huyền thanh

(Mùa mưa bão tháng 10. 2020)



Ai hỏi giùm em  

  

Ai hỏi giùm em  

Vì sao gió xô sóng dữ

trăng non tơ róng riết nỗi buồn

bàng bạc biển trời

chìm trong vô vọng

phận người dập dềnh như chiếc lá trôi


Ai hỏi giùm em

rừng biến đi đâu?

mà lũ tràn lũ cuốn 

nhà thoi thóp

ruộng lúa hoa màu ngạt thở

chết tức chết tửi gia súc gia cầm

đôi mắt thẩn thờ uất nghẹn lặng câm 


Ai hỏi giùm em

thủy điện lợi ích cho ai

mà dân mình quá khổ

sông hồ tích nước

ruộng đồng nứt nẻ

chớp bể mưa nguồn

xả vùi xả dập

dìm xóm dìm làng

ngập tràn nước mắt

chiếc đủa cũng không còn

Dân sống sao đây?


Ai hỏi giùm em

Quảng Trị điêu linh

Quảng Bình thê thảm

U am Huế mộng Huế mơ

Sạt lở  khắp nơi

bao người bỏ mạng

Ai cũng hiểu

mà cố tình không hiểu

Ai cũng biết

mà vờ như không biết

chen lấn nhau 

khai thác kiệt cùng

bầm vập mẹ thiên nhiên

lạy trời đừng mưa

lạy đất nương dân

gượm mình bão tố

lạy bốn phương tám hướng

Xin đấng linh thiêng cứu lấy dân lành!


   Hoài huyền thanh

   (Mùa thiên tai 2020)



 

 

 

 

 

 

 


READ MORE - TRẮNG | BIẾT ĐÃ VỀ ĐÂU? | AI HỎI GIÙM EM - Thơ Hoải Huyền Thanh

MIỀN TRUNG ƠI! - Chùm thơ Nguyễn Thế Kỹ (Quang Vũ)

 



Miền Trung ơi!

(Quang Vũ)


Miền Trung ơi! Miền Trung ơi! 

Quanh năm mưa bão có vơi bao giờ.

Tháng mười hun hút đón chờ

Lũ chồng lên lũ bất ngờ về đây.


Ngoài vườn tan tác cỏ cây

Cam, xoài, mận, táo lung lay, đổ nhào

Nước về tuôn chảy ào ào

Trâu bò, gà vịt trắng phau ruộng đồng.


Hai bờ nước cuộn đỏ sông

Người dân lầm lũi gánh gồng ngày đêm

Cửa nhà ngập lũ khổ thêm

Bao nhiêu đồ đạc lấm lem đất bùn.


Bão về phá nát một vùng

Tang thương, chết chóc không ngừng bủa vây

Tóc xanh nằm xuống từ đây

Người thân tóc bạc khóc ngày, khóc đêm.


Lặng người đôi mắt trẻ em

Hồn nhiên cười nói ở bên quan tài

Cầm nhang đứng trước di hài

Ngây thơ chẳng chút đoái hoài nhìn cha.


Miền Trung bão táp phong ba

Mùa hè nắng cháy bỏng da gió Lào

Mùa đông bão lũ thét gào

Ba miền đất nước tuôn trào lệ rơi.


Miền Trung ơi! Miền Trung ơi

Quyết tâm chiến đấu ắt rồi vượt qua

Tương thân truyền thống bao la

Ngàn năm vẫn mãi nở hoa sáng ngời.




Mùa bão quê tôi

(Quang Vũ)


Bão đến

Mưa trút liên hồi

Chớp giật, sấm gào

Gió thổi ào ào không nghỉ.


Lũ về

Nước cuồn cuộn chảy

Cây cối lật nhào

Nhà cửa hoang tàn đổ nát.


Đứa bé

Hồn nhiên ngơ ngác

Đầu chít khăn tang

Tay cầm nén nhang cười nói.


Vợ trẻ

Số phận long đong

Đêm đêm khóc ròng

Thương chồng hy sinh vì nghĩa.


Mẹ già

Ngồi bên khung cửa

Ngày ngày chờ con

Giọt nước mắt đầm đìa hai má.


Than ôi!

Thương quá

Chỉ mong bão lũ đừng về

Để miền quê tôi yên ả

Cuộc sống hạnh phúc mãi trường tồn.




Viết cho anh

(Quang Vũ)


Mấy hôm nay đài báo nhắc về anh

Người thiếu tướng luôn gần dân mọi lúc

Trong thời bình anh sẵn sàng dốc sức

Cùng đất nước vượt qua mọi gian lao


Khi miền Trung ngập chìm trong lũ bão

Nhóm công nhân chẳng tin nhắn báo về

Bao hiểm nguy trước cái chết gần kề

Anh hăng hái để cứu người gặp nạn.


Chặng đường dài chỉ cây rừng làm bạn

Phút dừng chân căn nhà tạm đón chờ

Bỗng từ đâu đất ập xuống bất ngờ

Vùi thân xác giữa núi rừng tĩnh lặng.


Anh đi rồi biết bao người chẳng đặng

Vẫn gọi tên một vị tướng hùng anh

Lòng đau xót như thấu tận trời xanh

Tiễn biệt anh! Người cha, người đồng đội.


Trời Quảng Bình cơn mưa còn giăng lối

Sáng tinh mơ người xếp gọn hai hàng

Tỏ lòng mình trong giây phút nghiêm trang

Thắp nén nhang kính dâng lên linh vị.


Tạm biệt anh về lòng đất quê mẹ

Bên nấm mồ hãy yên nghỉ nghe không

Thủy điện Rào Trăng mọi người sẽ chung lòng

Để thay anh quyết hoàn thành nhiệm vụ.


Mười ba người sẽ bên nhau đoàn tụ

Hát vang lên khúc chiến thắng ngọt ngào

Thắm quân dân bao tình nghĩa dâng trào

Cho đất nước thêm tự hào tươi đẹp.



Nguyễn Thế Kỹ

xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh



READ MORE - MIỀN TRUNG ƠI! - Chùm thơ Nguyễn Thế Kỹ (Quang Vũ)

NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM - MỘT KHỐI TÌNH THU - Vũ Hồng giới thiệu tập thơ NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM của nhà thơ NGỌC TÌNH

 


NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM -

 

MỘT KHỐI TÌNH THU

 

Nghiêng bậc cửa đêm là tập thơ in cùng năm với tập Nắng trao mùa (2017), sau tập Hoa cau (2015) của nhà thơ nữ Ngọc Tình, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh. 

Điều làm tôi chăm chú trước hết là cái tựa của tập thơ: Nghiêng bậc cửa đêm. Sao không đặt là Bậc cửa nghiêng đêm? Nghe thuận tai, dễ hiểu, dễ cảm, mà có chất thơ nữa. Việc đặt tên cho một tác phẩm đã khó, đặt tên cho một tập thơ, một tập truyện ngắn, một tập ký,…khó hơn nhiều, vì cái tựa, cái tên phải mang nội dung thông báo với độc giả về giá trị trọng tâm- gọi là giới thiệu, tạo cảm xúc ban đầu. Cách đặt tên nghe trúc trắc như vậy liệu có dụng ý gì? Phải chăng tác giả lấy từ câu thơ thứ tư của bài thơ Giọt tình quê. Có điều bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu: “Giọt sương lá đọng đầy vơi/ Giọt nắng em cõng ngược xuôi bến đời/ Giọt quê đẫm nhớ lưng trời/ Giọt nghiêng bậc cửa đêm vời vợi trăng”? Tôi còn tìm thấy một câu thơ khác, ý tứ được mô tả cụ thể hơn: “Em lặng thinh bậc cửa cũ mòn nghiêng”(Mùa sen). Hoặc có thề với khối lượng từ nghiêng của 13 trong số 77 bài thơ mà Ngọc Tình đã dùng: Để em đi, Giọt tình quê, Mùa sen, Tháng sáu cánh phượng bay, Cành sen năm cũ, Khát mưa, Trăng nghiêng, Táo chua, Tha hương, Đêm và gió, Hóa đá tình thu, Trăng ru, Tần ngần. Những từ nghiêng của 13 bải thơ trên đã mô tả hiện thực tự nhiên “Đẫm sương nghiêng thì thầm đêm trăng hát”.(Để em đi), một thoáng chao nghiêng: “Nhớ ngõ cũ hồn em tôi nghiêng ngã.” (Khát mưa), hoặc sự lay động tâm cảm: “Em lặng thinh bậc cửa cũ mòn nghiêng.”( Mùa sen), cảm xúc đổi trao: “Se se thu - gió lỡ làng/ Lá nghiêng mỏng mảnh- khẽ khàng nói trêu. (Tần ngần)…Đó là sự chính thực bởi cái nhìn đầy thơ của Ngọc Tình. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng có lần rất tinh dùng từ nghiêng để diễn đạt nỗi nhớ: “Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.”(Nhớ). Có lẽ vì vậy mà tên tập thơ có từ nghiêng chăng? Khi gặp Ngọc Tình thì được nhà thơ giãi bày thêm về cách chọn tựa tập thơ: “…là những lát cắt nghiêng bậc cửa về đêm. Chỉ nghiêng thôi cũng ngỡ giọt trăng đang run rẩy, chỉ nghiêng thôi người làm thơ cũng ngác ngơ khi lá rụng đêm về. Để cho đêm từng chín. Tựa đề tập thơ của Ngọc Tình lấy chủ đạo từ bài : Đêm và gió.”

Nổi lên toàn tập thơ, người đọc cảm được ngay niềm xa quê của Ngọc Tình, cô gái vùng đất Hà Nam vào ngụ cư miền đất thánh - Tây Ninh từ năm 1977, làm việc tại một đơn vị thuộc ngành giáo dục.

Hà Nam, xưa là một vùng đất cổ ở phía Nam Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, một vùng chiêm trũng, đồng trắng nước trong: “Chiêm khê, mùa thối”, “Sống ngâm da, chết ngâm xương”. Cuộc sống cơ cực của vùng đồng chiêm trũng đã đi vào câu ca dao cổ:“Nam Xang đồng hẹp, bãi dài/ Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Hà Nam, là quê hương của những anh hùng dân tộc: các nữ tướng của Hai Bà Trưng, như Nguyệt Nga, Lê Chân…, các anh hùng dân tộc kiệt xuất: Lê Hoàn (Lê Đại Hành hoàng đế), Trần Bình Trọng, Đinh Công Tráng,…, những văn sĩ như Tam nguyên Yên đổ - Thi bá nổi tiếng Nguyễn Khuyến, nhà văn - Liệt sĩ Nam Cao, .v.v…Ngày nay, vùng đất mênh mông này đã phì nhiêu, màu mỡ, mỗi năm từ hai vụ, có nơi ba bốn vụ, lúa, màu xen kẽ. Những đặc sản nổi tiếng như: Mơ hồng Kim Bảng, Chuối ngự Đại Hoàng...Thoảng vọng giọng hát trìu mến của nữ ca sĩ Tân Nhàn: “Hà Nam ơi hôm nay /Đàn chim én ngang trời, chao trong mùa lúa mới /Trăng sáng nhẹ rơi /Quê hương mình, thương quá Hà Nam ơi. " (Hà Nam quê hương tôi).

Tình quê của kẻ tha hương trong tập thơ hiển hiện từ những nỗi nhớ về con sông, phiên chợ, ánh nắng chiều hôm, tiếng chuông chùa ngân nga, đến những phẩm vật: cà pháo- rau muống, bánh đúc- bánh đa, rau sắng Hà Nam, .v.v…Nhưng cảm xúc lãng mạn nhất, thơ nhất là nỗi nhớ quê hòa quyện với ánh trăng thu. Tình quê trải rộng ra ở 3 mùa (hạ, thu, đông), còn mùa xuân thì hời nhạt. Đặc biệt Ngọc Tình ưu ái một cách sâu lắng sự tình ấy qua 30 ánh trăng ẩn hiện trong tập thơ, kết tụ trong 9 bài thơ thu, hoặc có lúc mùa thu được “vắt” qua những bài thơ khác (Để em đi, Bất chợt, Cà pháo và rau muống, Trần gian, Tần ngần, Tháng mười mùa lúa chín,…): “Khoảng cách nào ta ngắm tóc em bay/ Thu đắm đuối thu hôn vàng ký ức. (Ngắm tóc em bay), “Phai thu rừng vẫn vàng ươm/ Tàn thu- lá cũ dịu mềm hóa xanh”.(Ẩn dòng). Sẽ thiếu đi nếu không để tâm đến một dấu ấn “tình yêu” thời con gái của nhà thơ. Nhà thơ không xô bồ, không đàn điệu về nỗi niềm riêng tư, mà rất mỏng mảnh, kín đáo, trân trọng khi thoáng nhớ về người xưa ở chốn quê với một xúc cảm đè nén: “Này trăng/ dắt ta về/Thăm bà mẹ anh ngoài chín mươi còn nhớ/ …Mắt lòa cứ ngóng hỏi P nó đã về chưa?”,…, nhưng đau lòng thay: ‘Sân ga cũ chứng minh trong thầm lặng/…Cho mộ người nay rắc trắng đầy hoa”. (Trăng dắt ta về). Tình xưa giờ chỉ còn lồng khép trong nỗi nhớ quê:  “Đêm từng chín nhuộm muôn ngàn thảm lá/ Đêm mơ chìm ai thoang thoảng mùi hương”. (Đêm và gió). Khi “nắng thu trải khắp cánh đồng”, khi “Từng đàn chim ríu ra ríu rít”, nhà thơ chợt ánh lên một giây phút lãng mạn: “Anh có về gặt lúa với em không?”. (Tháng mười mùa lúa chín). Trái tim người con gái năm xưa rộn rã trong miền ký ức: “Thu đủng đỉnh chờ trăng thanh có phải.”…Rồi thoang thoảng đâu đây lời dặn, cũng là lời hẹn: “Lắng bến xưa tiếng mùa thu lay hỏi/ Thì thầm em- đừng lạc lúc quay về.” (Mùa thu và nỗi nhớ). Nhưng người con gái lại bâng quơ: “Gió xe mây/ mây có hẹn trở về?” (Đêm và gió). Cho nên tâm trạng mới dùng dằng đi - ở thật khó tả: “Nửa chừng muốn ở- muốn đi”.(Giấc thơ), lại có lúc người con gái quyết ra đi: “Để em đi”…thương cả đời rau ế”, bởi vì: “Khúc sông quê con thuyền cũ không còn”. (Để em đi). Một lẽ rất rõ là ở đó còn gì kéo níu nữa đâu! Tự trong sâu thẳm, cô gái phải bật lên: Cố hương ơi!/Cố hươngơi!. (Cố hương II). Tình tiết này rất giàu cảm xúc và đa nghĩa.

Đến đây, với những luận giải, cảm xúc chủ đạo của tập thơ chính là NỖI NHỚ. Nỗi nhớ quê trong toàn tập thơ được diễn trình vào một đêm thu, khi ánh trăng nghiêng chiếu lên bậc cửa. Bậc cửa nghiêng cùng với ánh trăng nghiêng đã khảy lên tiếng lòng và khe khẽ rung rinh với làn gió thu.

Tuy tập thơ thiếu sự chỉnh chu về diễn đạt, có lúc lúng túng, còn nhiều điểm (từ ngữ, mạch thơ,…) chưa làm hài lòng người đọc, nhưng chúng ta vẫn đón nhận nỗi nhớ hòa quyện dưới ánh trăng thu của một người xa quê chan chứa bao sự tình. Âm hưởng của tập thơ cũng thật lãng mạn!   

Cuối Thu, 01/11/2020

            VŨ HỒNG

(Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh) 


Ảnh: Tập thơ  “Nghiêng bậc cửa đêm” của Ngọc Tình. 


lv.hong1957@gmail.comLê Văn Hồng, Tel: 0908.612.456




READ MORE - NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM - MỘT KHỐI TÌNH THU - Vũ Hồng giới thiệu tập thơ NGHIÊNG BẬC CỬA ĐÊM của nhà thơ NGỌC TÌNH

Phát hành tập truyện ngắn “Chạm đến tinh khôi” của Vĩnh Thông

 


Nhà xuất bản Dân Trí vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn mới của Vĩnh Thông mang tên Chạm đến tinh khôi. Quyển sách dày 156 trang khổ 13 x 20,5 cm, được nhà xuất bản thiết kế và trình bày đẹp mắt. 



Tập truyện ngắn Chạm đến tinh khôi gồm 14 truyện ngắn với các đề tài khác nhau, được tác giả sáng tác trong những năm gần đây. Các truyện ngắn trong tập đều đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí uy tín. Trong đó đặc biệt có 2 tác phẩm từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn.

Đây là đầu sách thứ 7 của Vĩnh Thông và là tập truyện ngắn thứ 2 sau "Trở về và chào nhau" (2015). Để quyển sách được hoàn thành và ra mắt bạn đọc nhanh chóng, tác giả xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của Nhà xuất bản Dân Trí. 

Sách có giá bìa là 50.000 đồng, được bán tại các hệ thống nhà sách trên toàn quốc. Ngoài ra, quý độc giả có nhu cầu mua sách có chữ ký và lời đề tặng của tác giả, xin vui lòng liên hệ qua email: vinhthongts@gmail.com

Hy vọng tác phẩm nhận được sự ủng hộ của quý bạn đọc gần xa!


VĨNH THÔNG


READ MORE - Phát hành tập truyện ngắn “Chạm đến tinh khôi” của Vĩnh Thông

HAI GÁNH PHIỀN NÃO - Tùy bút - Vĩnh Thông

 


HAI GÁNH PHIỀN NÃO

 

Tùy bút VĨNH THÔNG

 

Mạng xã hội Facebook có chế độ chặn những người mà mình không thích, có nghĩa là mình sẽ hoàn toàn không thấy họ và họ cũng hoàn toàn không thấy mình. Nhiều người thấy tiện, thấy hay. Bởi người mình không thích thì cứ… chặn cho khỏe, khỏi phải mắc công nhìn thấy họ rồi lại bực bội: “Nhìn bản mặt thấy ghét!”. Thỉnh thoảng tôi thấy một số bạn bè Facebook chụp hình lại danh sách chặn của mình rồi đăng lên trang cá nhân kèm lời chú thích đại khái như: đây là kết cuộc của những kẻ khó ưa!

Ở đây tôi chỉ xin bàn về những trường hợp chặn vì ghét, chứ không nói đến những trường hợp chặn vì bị làm phiền. Nhiều người nghĩ rằng khi chặn những người mình ghét trên Facebook có nghĩa là mình đã tránh được sự khó chịu. Thật ra không phải bạn đang tránh sự khó chịu đâu, mà dường như bạn đang cố trốn tránh lòng oán ghét của mình.

Có phải bạn đang nuôi dưỡng lòng oán ghét tiềm tàng? Nhìn thử xem, khi liệt ai đó vào danh sách chặn, có nghĩa là người nầy trở thành “phần tử nguy hiểm” trong mắt bạn, mặc dù không còn thấy họ trên Facebook, nhưng khi cái tên đó vẫn nằm mãi trong danh sách chặn tức là nó sẽ mãi nhắc nhở bạn rằng: “Tôi ghét hắn”. Mở danh sách chặn ra, bạn gặp tên người đó. Không mở danh sách chặn, bạn cũng nhớ rằng mình đã chặn người đó.

Như vậy thì dù sao đi nữa, khi chặn một ai đó sẽ đồng nghĩa với việc bạn mãi mãi nuôi lòng oán ghét người nầy, chứ làm sao quên được? Chặn một người chẳng qua là nhắc nhở chính mình phải ghét họ. Danh sách chặn chính là bằng chứng cho sự tồn tại lòng hận thù trong bản thân mình. Khi nào bạn còn đưa người khác vào danh sách chặn của Facebook hay “danh sách ghét” của lòng, tức là bạn còn nuôi dưỡng lòng oán ghét. Điều bạn muốn quên chẳng qua là đối tượng mình ghét, chứ không phải quên đi lòng oán ghét.

Người bị ghét khổ là phải, vì họ bị người khác ghét nên khổ là đúng rồi. Song, người chủ động ghét người khác, sao cũng khổ? Có bao giờ chúng ta nghe ai nói: “Tôi sung sướng khi tôi ghét hắn” chưa? Toàn là khổ! Thí dụ nhé, bạn đang dạo bộ ở công viên, bỗng dưng gặp người mình ghét cay ghét đắng, tự dưng cuộc dạo bộ mất hết không khí vui tươi, bạn đâm ra bực dọc. Dù người nầy không nói gì đến bạn, thậm chí có thể không nhìn thấy bạn, nhưng hễ ghét rồi thì gặp mặt cũng đã cảm thấy… khó ưa. Rõ ràng là không ai gieo rắc phiền nào cho bạn, tự bạn đang tìm kiếm phiền não để ôm vào người.

Thấy rõ oán ghét là hại mình hại người, khổ mình khổ người, nhưng chúng ta vẫn cứ khăng khăng ôm về nhà những chiếc ba lô mang tên “thù hận”, rồi cất kỹ trong tủ, khóa lại cẩn thận. Đến khi sức khỏe đã quá tệ, không còn đủ khả năng mang những ba lô đó về nhà nữa, thì mình cũng sắp từ giã cuộc đời rồi. Cả cuộc đời, chỉ toàn mang về cho mình sự khổ đau!

Thay vì trốn tránh, tôi nghĩ bạn nên hãy tập chấp nhận.

Buông bỏ lòng oán ghét nghĩa là đối diện với người đó mà cảm xúc oán ghét trong lòng mình không còn tồn tại hoặc không phát sinh trở lại. Chỉ khi nào bạn không chặn họ, thấy họ hằng ngày trên Facebook, phát hiện họ vẫn có những điểm tốt, không quá đáng ghét, cái ghét trong bạn từ từ loãng dần rồi tan hẳn, đó mới là buông bỏ lòng oán ghét. Khi nào danh sách chặn trên Facebook rỗng và “danh sách ghét” của lòng cũng rỗng, bạn mới thực sự thảnh thơi.

Bỏ qua, không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên tha thứ hay khoan dung. Bởi, bạn có chắc rằng mình là người đúng hay không mà đòi khoan dung kẻ khác? Khi nào đối phương sai ta mới có thể khoan dung, còn trong những trường hợp không thể chắc rằng ai đúng ai sai thì làm sao mình đòi quyền được khoan dung người khác? Bất đồng ý kiến về một quan điểm gì đó, có thể sẽ có kẻ đúng người sai. Nhưng có những thứ bất đồng không thể phân chia đúng sai.

Người nói ít, người nói nhiều, người nghiêm túc, người đùa cợt, người lạnh lùng, người hồ hởi… điều đó không làm cho con người ta trở nên đúng hoặc sai, bởi đó là bản chất. Người nghiêm túc mà đối phương cợt đùa, không có nghĩa là mình đúng còn họ sai. Như ớt phải cay, muối phải mặn, đường phải ngọt, chanh phải chua… đó là bản chất, không thể bắt ép phải thay đổi được, càng không có cái gọi là đúng sai. Trăm ngàn người có trăm ngàn tánh cách, người ta sẽ là người “đúng” khi sống đúng với tánh cách của họ và bạn sẽ là người “sai” khi bắt người khác phải sống theo ý muốn của mình.

Tôi cũng không kêu gọi bạn hãy đừng ghét nữa, hãy yêu thương đi… tôi không hô hào kiểu đó. Mà là, hãy tập thay đổi thái độ nhìn nhận người khác đi. Để làm chi? Không phải vì họ, mà là vì mình, mình sẽ tìm được sự thoải mái cho lòng mình. Thay đổi thế nào? Đọc những trạng thái, bình luận, tin nhắn… mà không thấy nó khiến mình phải ghét người viết. Khi đọc một câu nào đó mà thấy khó chịu, có thể là lỗi của người viết, nhưng biết đâu cũng có thể là do chính bạn vì đã quá khó khăn và cố chấp.

Với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng trong giao tiếp không cần phải quá khắt khe, giáo điều. Người ta có thể nói chuyện lễ phép dạ dạ thưa thưa với bạn, nhưng có chắc rằng sau lưng bạn họ không nói xấu hay chửi bới? Có thể một người thốt ra một câu hơi mất lịch sự với bạn, khi nhận ra thì người nầy cảm thấy hối hận. Trong khi đó, bạn lại chấp vào câu nói kia để hờn giận, ghét bỏ. Nếu cả hai đều buông được, người kia không chấp câu nói đó để buồn, bạn không chấp câu nói đó để giận, thì chẳng phải cả hai đều thoải mái sao? Lời nói nhìn cho rốt ráo thì chúng lại… chẳng nói lên được điều gì cả, con người sống đâu phải vì mục đích chấp vào lời nói để phán xét nhau.

Nếu có mười việc bắt gặp trong ngày, ta cảm nhận tám việc dễ chịu và hai việc khó chịu, thì đời sẽ đẹp biết bao. Nhưng rất tiếc nhiều người lại cảm nhận ngược lại. Chúng ta luôn thấy mọi thứ xung quanh mình khó ưa nhiều hơn là dễ thương. Gọi vui thì đó là hội chứng “nhìn đâu cũng thấy khó ưa”.

Trên đời vốn không có cái gì khó ưa hay dễ thương, mà chỉ có con người nhìn chúng với thái độ dễ thương hay khó ưa. Như một loài hoa ra đời sẽ tự mặc định về màu sắc, nhưng chúng không mặc định cho mình phải xấu hơn hoa nầy hay đẹp hơn hoa khác, cũng không một đấng thần linh nào mặc định cho chúng như thế. Tất cả chỉ là do con người tự ý xếp đặt một cách độc tài, rằng hoa hồng thì đẹp hơn bông vạn thọ chẳng hạn. Trong cuộc sống, sự đánh giá tốt xấu rốt cuộc đều từ cái nhìn của từng cá nhân.

Người khác mang phiền não đến cho mình cũng đủ để mình mệt lắm rồi, mình ngu dại gì mà lại còn tự rước phiền não cho bản thân. Hai gánh phiền não, một của “tha nhân” và một của “tự thân”, mang chi mà nặng vậy?

Đôi khi chỉ một mỉm cười là đủ, vậy thôi. Còn bao giận hờn, thù ghét, ganh đua như phế thải xô bồ và rối rắm, mang chi để nhọc lòng…

 

VĨNH THÔNG

 

 

READ MORE - HAI GÁNH PHIỀN NÃO - Tùy bút - Vĩnh Thông