Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 27, 2017

HOÀI NIỆM - Thơ Ngô Văn Ánh


                Tác giả Ngô Văn Ánh




HOÀI NIỆM
(Gởi cố nhân Quốc Học khóa 1972-1975)

Ta như cánh én lạc loài
Mịt mù giông bão, ưu hoài nắng xuân.
Hỡi cố nhân, hỡi tri âm,
Vó câu chiếc bách hoa râm mái đầu !
Máy tạo hóa trước sau vẫn thế,
Vòng càn khôn ai dễ đổi thay.
Tà huy lụy góc trời tây,
Hồn xưa trường cũ đong đầy trinh nguyên.
Người đi vào cõi thần tiên
Xiêm y phóng tẩy nhập miền thiên thai.
Có còn ai ? Biết còn ai ?
Trăng thu viễn xứ dặm dài cố hương.
Ngày hội ngộ rèm sương ánh lệ,
Buổi tương phùng nhân thế, thế nhân.
Hương trà, men rượu bâng khuâng
Phong ba yên nguyệt tím dần thời gian.
Tang điền thương hải đa đoan!

                                  Ngô Văn Ánh                              
                             (Ban C Quốc Học)

READ MORE - HOÀI NIỆM - Thơ Ngô Văn Ánh

LÀ EM - Thơ Trần Mai Ngân



               Tác giả Trần Mai Ngân


LÀ EM

Em tô son đời héo hon
Đem cho ta một sớm mai
Nắng ấm quanh con phố dài
Đẩy trôi đêm mệt nhoài qua...

Em cho ta nhiều thiết tha
Trong mắt môi rất thiệt thà
Có tiếng Sơn Ca véo von
Rộn ràng quẩn quanh tình ta

Em bước theo bằng bước vui
Cho ta nhớ làm sao nguôi
Em bước theo bằng bước vui
Cho ta nhớ làm sao nguôi

Mai đây đường đời ngược xuôi
Mang ơn em yêu dấu ơi 
Mang ơn em yêu dấu ơi
Mai đây đường đời ngược xuôi...

                        Trần Mai Ngân

READ MORE - LÀ EM - Thơ Trần Mai Ngân

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ


          
                       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên


ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI 
                                        
Trong các tác phẩm Đường thi, chủ đề Biên-tái là một trong những chủ đề được nhiều tác giả khai thác. 
Nhìn lại hoàn cảnh lịch sử thời Đường, Tống, khi mà các bộ tộc phía Bắc và phía Tây Bắc Trung Hoa không ngừng lớn mạnh và xâm lược về phương Nam thì có thể hiểu tại sao nhiều thi nhân thời Đường như: Lý Bạch, Vương Xương Linh, Đỗ Phủ,... đã để lại những tác phẩm bất hủ, còn mãi với thời gian. 
Chủ đề Biên-tái có thể phân ra làm 2 mảng: 
Mảng thứ nhất với các bài thơ mang tâm trạng hừng hực ý chí yêu nước, quyết lập công nơi vùng biên ải. 
Mảng thứ hai là các bài thơ mang tâm trạng buồn xa quê hương, nhớ nhung nơi quê nhà hoặc đau xót khi nhìn vật xưa cảnh cũ. 
Tiêu biểu trong chùm thơ này phải kể đến các bài: 
Lũng tây hành - Trần Đào 
Quan san nguyệt, Tư biên - Lý Bạch 
Cổ ý - Lý Kỳ 
Cô nhạn - Thôi Đồ 
Lương châu từ, Tái thượng khúc, Tái hạ khúc - Vương Xương Linh 
Xuất tái - Vương Chi Hoán. Chúng tôi xin giới thiệu “Lũng Tây” của Trần Đaò, “Tư biên” của Lí Bạch và mấy bài “Lương Châu từ” của Vương Hàn và Vương Chi Hoán.

隴西行其二 - 陳陶
誓掃匈奴不顧身, 
五千貂錦喪胡塵。 
可憐無定河邊骨, 
猶是深閨夢裡人。

Phiên âm:
LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2 – TRẦN ĐÀO
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân 
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần 
Khả liên Vô Định hà biên cốt 
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Dịch nghĩa:
 LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2 
Thề quét sạch giặc Hung Nô chẳng tiếc thân 
Năm nghìn chiến sĩ mặc áo gấm, đội mũ da điêu vùi xác trong bụi Hồ 
Đáng thương cho những bộ xương bên bờ sông Vô Định 
Vẫn còn là người trong mộng của chốn xuân khuê.

Dịch thơ:
 LŨNG TÂY HÀNH KÌ 2 
Thề quét Hung Nô chẳng tiếc thân 
Bụi Hồ vùi xác, mấy nghìn quân
Thương cho xương cốt bờ Vô định
Mà vẫn người trong giấc mộng xuân.

思邊 -  李白 

去年何時君別妾, 
南園綠草飛蝴蝶。 
今歲何時妾憶君, 
西山白雪暗秦雲。 
玉關去此三千里, 
欲寄音書那可聞。

Phiên âm:
TƯ BIÊN – LÍ BẠCH
Khứ niên hà thời quân biệt thiếp 
Nam viên lục thảo phi hồ điệp 
Kim tuế hà thời thiếp ức quân 
Tây sơn bạch tuyết ám Tần vân 
Ngọc quan khứ thử tam thiên lý 
Dục ký âm thư na khả văn ?

Dịch nghĩa :
NHỚ BIÊN CƯƠNG
Năm ngoái vào lúc này, chàng và thiếp ly biệt 
Bên vườn nam, bướm bay vờn cỏ xanh biếc 
Năm nay vào lúc chia biệt ấy, thiếp nhớ tới chàng 
Núi phía tây, tuyết trắng che kín, xám mây Tần 
Ngọc quan nơi chàng đến cách xa ba ngàn dặm 
Muốn gởi lá thư, không biết chàng có nhận được chăng ?

Dịch thơ :
NHỚ BIÊN CƯƠNG

 Biệt nàng năm trước đúng ngày này 
Vườn nam cỏ biếc bướm vờn bay. 
Nay mùa chia biệt, sao thương nhớ 
Tuyết trắng mây Tần xám núi Tây ! 
Ngọc quan xa cách ba nghìn dặm 
Muốn gửi thư nhà, chàng có hay?!

涼州詞其一  王翰

葡萄美酒夜光杯, 
欲飲琵琶馬上催。 
醉臥沙場君莫笑, 
古來征戰幾人回。

Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ I – VƯƠNG HÀN
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, 
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi. 
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu, 
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Dịch nghĩa: 
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU (KÌ I)
Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly 
Muốn uống nhưng đàn tỳ bà đã giục lên ngựa 
Say khướt nằm ở sa trường, anh chớ cười 
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về đâu.

Ghi chú: Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu từ là một điệu hát cổ của nói về chuyện trận mạc biên ải. Những điệu hát cổ như: Thượng chi hồi, Chiến thành nam, Thương tiến tửu, Quân mã hoàng, Viễn như kỳ, Hoàng tước hành, Lạc mai hoa, v.v... được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác.

Dịch thơ: 
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU (KÌ I)
Rượu nho ngon chén dạ quang
Muốn uống, đàn giục lên đường không thôi
Say nằm  chiến địa, chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.

涼州詞其二 -  王翰

秦中花鳥已應闌,
塞外風沙猶自寒。
夜聽胡笳折楊柳,
教人意氣憶長安。

Phiên âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ 2 -  VƯƠNG HÀN
Tần trung hoa điểu dĩ ưng lan
Tái ngoại phong sa do tự hàn
Dạ thính Hồ già Chiết Dương Liễu
Giao nhân ý khí ức Trường An.

Dịch nghĩa:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ 2 –VƯƠNG HÀN
Ở đất Tần, hoa sắp tàn, chim bay đi gần hết
Ngoài quan ải thì gió cát vẫn còn lạnh lẽo
Ban đêm tiếng Hồ già (1 loại sáo của người Hồ) thổi bài “Chiết dương liễu”
Khiến cho lòng người nhớ về Trường An.

Dịch thơ:
LƯƠNG CHÂU TỪ KÌ 2

Đất Tần  chim vắng hoa sắp tàn
Gió cát ải ngoài buốt ruột gan
Nghe  sáo Hồ đêm “Chiết dương liễu”
Lòng người bỗng nhớ tới Trường An

出塞 - 涼 州 詞 - 王 之 渙
黃 河  遠 上 白 雲 間
一 片 孤 域 萬 仞 山
羌 笛 何 須 怨 楊 柳
春 風 不 度 玉 門 關

Phiên âm
XUẤT TÁI - LƯƠNG CHÂU TỪ - VƯƠNG CHI HOÁN
Hoàng hà viễn thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu Oán Dương Liễu 
Xuân phong bất độ Ngọc môn quan

Dịch nghĩa:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU

Hoàng Hà chảy xa xa như dài lên tận mây trắng
Một phiến thành cô quạnh, muôn trượng núi cao
Tiếng sáo người Khương cần chi phải oán dương liễu (ý là thổi bài “Chiết Dương liễu”)
Vì gió xuân nào có qua được cửa ải Ngọc Môn Quan.

Dịch thơ:
KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU
Hoàng Hà chảy phía mây trắng bay
Một phiến thành cô vạn trượng này
Sáo Khương sao thổi “Chiết dương liễu”
Gió xuân có tới Ngọc Môn đây?

                                 Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ

CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM


                   Tác giả Tịnh Đàm



TÌNH BUỒN

Tình buồn, tôi gởi vào thơ ,
Để đêm se mộng thành tơ vương hoài.
Thềm trăng nghe động âm giai,
Người về - hay lá rơi ngoài song thưa?!

CẢM HOÀI

Cái tuổi cứ mãi già đi,
Làm sao giữ được xuân thi đây em?!
Giở bàn tay để mà xem
Trò chơi sấp ngưả bao phen lụy đời !

HÁT THƠ 

Ngồi buồn, ta hát thơ chơi,
Hồn như chìm đắm chốn đời phù vân.
Bạn tâm giao mấy khi gần,
Chén vui lỗi hẹn... bao lần đợi mong

                                     TỊNH ĐÀM
                                      (Hóc Môn)

READ MORE - CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM

HOÀI VỌNG - thơ Hoa Nguyên


Tác giả Hoa Nguyên

HOÀI VỌNG

…Nhớ hoài lối cũ ngõ xưa
Một thời đưa đón, sớm trưa riêng mình
Ai ra đứng trước cổng đình?
Nhá nhem mới chịu lặng thinh quay về

Tim em thon thót bộn bề
Người ơi buốt giá dãi dề nơi đâu?
Có nghe đêm ngát hương cau
Một hơi thở nhẹ cũng sâu đáy lòng

Mấp mô mái lá cô thôn
Khói vương cố quận bồn chồn nhặt thưa
Nụ cười xô lệch giao thoa
Vòng đời thắp lửa trái mùa binh đao

Ru lời tục ngữ ca dao
Hỏi người xưa ấy dạo nào… còn không?
Nơi này gối lẻ chờ mong
Bao năm xa vẫn rã ròng nhớ thương


                                        HOA NGUYÊN
                                        Phan Rang, NT
READ MORE - HOÀI VỌNG - thơ Hoa Nguyên

CHUYỆN NGỦ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyến





CHUYỆN NGỦ

Vâng. Chuyện cũng lâu rồi. Ngày tôi còn bé lắm. Có lẽ bé hơn cu con nhà tôi bây giờ chừng ba, bốn tuổi. Ngày ấy, lứa chúng tôi tồ lắm, đâu khôn ranh như lũ trẻ bây giờ. Tôi là thằng được coi là ma ranh nhất nhóm nhưng vẫn nhiều ngù ngờ, vẫn tin con trai con gái nếu có tình cảm với nhau thì chỉ cần nắm tay nhau thôi là sẽ có em bé. Chả thế mà tối ấy, khi cái Kim trượt chân ngã xuống mương, tôi giơ tay kéo nó lên mà về nhà, cả đêm tôi mất ngủ. Tôi cứ lo ngay ngáy nhỡ cái Kim sinh em bé thì sao? Liệu tôi có bị bố đánh đòn vì tội tí tuổi đầu đã hư hỏng? Con Kim còn tệ hơn, cả đêm nó khóc vì sợ phải làm mẹ khi còn đang tuổi đến trường. Sáng sớm, nó đã chạy sang nhà tôi, thút thít bắt đền nếu nó sinh em bé thì tôi phải cưới nó làm vợ. Nó sợ mang tiếng chửa hoang lắm. Tôi cũng lo nhưng vẫn liều an ủi: - “Chắc không có em bé đâu vì tớ cầm tay cậu hờ lắm. Tớ thấy bảo phải nắm tay thật chặt thì mới sinh được em bé.”. Con Kim nghe vậy khóc rống lên: - “Chết rồi. Cậu nắm hờ nhưng tớ nắm chặt lắm. Không nắm chặt thì cậu kéo tớ lên thế nào được? Năm nay tớ mới mười hai tuổi rưỡi, làm mẹ thì xấu hổ lắm.”. Tôi thần người ra vì sợ. Rồi mắng nó: - “Tất cả là tại cậu. Tự dưng lại trượt chân ngã xuống mương làm tớ phải kéo lên. Tớ không biết đâu. Cậu sinh em bé thì kệ cậu. Tớ không biết.”. Con Kim càng rống lên khóc. Tôi càng bối rối. Thằng Chủ từ đâu xuất hiện, câu được câu chăng, nó hỏi: - “Ai sinh em bé? Thằng Thi hay cái Kim.”. Con Kim bảo: -“ Bắt đền Thi đấy. Tớ không biết đâu.”. Thằng Chủ hét toáng lên: - “Ối làng nước ơi thằng Thi làm cái Kim có em bé.”. Tôi vội bịt mồm Chủ lại, hét to: - “Thằng Chủ làm con Kim có em bé.”. Chủ trố mắt nhìn tôi, lắp bắp: - “Tớ á?”. Tôi bảo: - “Ừ.”. Chủ gặng: - “Thật không?”. Tôi bảo: - “Thật.”. Chủ đuỗn mặt ra: - “Bao giờ?”. Tôi nhìn Kim, cầu khẩn: - “Hôm nọ, Kim nhỉ?”. Kim gật đầu, mếu máo: - “Ừ. Hôm nọ.”. Chủ ngồi bệt xuống, thờ thẫn: - “Chết tớ rồi. Sao giờ tớ mới biết.”. Rồi đứng dậy, thất thểu vừa đi vừa lẩm bẩm: - “Kim làm Chủ có em bé rồi, làng nước ơi...”
*
Vâng. Ngày ấy chúng tôi ngây ngô lắm. Thế nên, cả Chủ, cả tôi, cả cái Kim đều tin là cái Kim sẽ có em bé. Chủ thì nghĩ do Chủ. Tôi thì nghĩ do tôi. Còn Kim thì lúc nghĩ do tôi, lúc lại cho là do Chủ. Chúng tôi họp bàn, tìm cách làm cho Kim không sinh được em bé. Thằng Chủ, tưởng cù lần mà thông minh. Không biết nghe ai, nó đưa ra ý kiến: - “Tớ nghe bảo có chửa thì tránh đi lại, vận động nhiều để giữ thai, không bị long thai nên Kim vận động thật nhiều vào để long thai. Sẽ không sinh được em bé.”. Kim hớn hở nhưng vội ngắn tũn mặt lại, vì Kim là con một, bố mẹ thoát ly, làm gì có việc để Kim làm. Bóp trán nghĩ mãi, Chủ vẫn là người thông minh nhất khi đưa ra ý tưởng: - “Nhảy dây. Đúng rồi. Kim chịu khó chơi nhảy dây, cũng là vận động nhiều đấy.”. Thế là Kim sáng nhảy dây, trưa nhảy dây, chiều nhảy dây, tối nhảy dây. Tóm lại, cả ngày Kim nhảy dây. Được mấy ngày, nhảy hăng quá, Kim phải vào viện cấp cứu.
Kim nằm viện. Tôi và Chủ lo lắm. Thỉnh thoảng, Chủ lại thắc mắc: - “Này. Tớ với cậu giờ mà làm bố trẻ con thì thế nào nhỉ? Hôm qua, tớ vẫn còn tè dầm... Chẳng lẽ, sau này vừa làm bố vừa cai tè dầm?.”. Tôi lêu lêu Chủ, mười ba tuổi rồi còn tè dầm, nhưng bụng bảo dạ: - “Mình khác đếch gì nó, mấy hôm trước, cũng tè dầm...”
*
Không biết nghe ai, Thuận biết chuyện của chúng tôi, nhắn tôi đến nhà, Thuận bày cho cách. Tôi hăm hở rủ Chủ cùng đến.
Về vai vế thì tôi phải gọi Thuận là cậu xưng cháu nhưng Thuận khôn lắm, toàn gọi tôi là anh xưng em, rất ngoan, lại khen tôi đẹp trai, tôi sống tình cảm, tôi luôn luôn là số một, nghe sướng tai lắm, thích lắm... Thế là xay thóc, quét nhà, nấu cơm... những việc của Thuận, hàng ngày, tôi trốn mẹ vào nhà thay Thuận làm hết.
Thuận giỏi ăn vạ, khóc nhè, mà khóc dai lắm, mất mỗi viên bi thôi mà Thuận có thể ê a khóc từ sáng tới trưa, ăn cơm xong lại mè nheo ăn vạ đến tối. Thế nhưng Thuận giỏi chuyện yêu đương lắm. Nghe đồn, Thuận biết cách nắm tay con gái mà không sợ sinh em bé. Mấy lần, Thuận gạ, dạy cách cầm tay con gái thoải mái mà không sinh em bé, tôi mắng: - “Vớ vẩn. Tào lao.”... nên không học, giờ thấy tiếc. Gặp, Thuận bĩu môi nhìn tôi, kiêu lắm: -“Chết chưa. Đĩ sớm vào. Người ta gạ, bảo cho cách cầm tay con gái thế nào mà không có chửa thì lại mắng là tào lao, vớ vẩn. Giờ ân hận rồi chứ gì? Đây đếch còn hứng để dạy nữa. Mai, vào xay hết mấy bao thóc kia, hứng thì đây dạy cho. Thế. Nhé.”. Thuận nguây nguẩy cái mông, đi vào, đóng sập cửa lại, nhìn rõ ức.
Chủ tức, chửi đổng: - “Mẹ. Ông kễnh. Về.”. Tôi bảo: - “Chịu khó chiều ông kễnh này để lấy cách làm con Kim hết chửa rồi tính sau. Chứ ... Nó không bày cách thì tớ với cậu phải thay nhau làm chồng cái Kim à?”. Chủ làu bàu: - “Ừ... Nhưng nhìn cái đít bọ ngựa của nó ngoay ngoáy như thế, tức. Mẹ. Ông kễnh.”.
*
Kim nằm viện ba ngày thì về.
Tôi kéo Chủ đến thăm dò, nghe ngóng. Chú Hải, bố Kim khen chúng tôi nhiều lắm, rằng “các cháu bé vậy mà sống tình cảm”, rằng “các cháu là bạn tốt của cái Kim”, rằng “chú cảm động lắm”, rồi khen tôi đẹp trai kiểu thư sinh, lãng tử, sau này ối gái theo. Chú lại khen thằng Chủ đẹp trai kiểu lực điền, vạm vỡ, sau này, con gái nhà nào làm vợ thằng Chủ chắc sướng lắm, hạnh phúc lắm. Rồi chú nói, vài năm nữa, thằng nào thích làm con rể chú, nói với chú, chú sẽ gả cái Kim cho. Chủ sốt ruột, cấu cấu tôi, ra hiệu nhanh nhanh chuồn. Đau quá, tôi nhăn mặt. Chú thấy vậy, hỏi: - “Thi sao thế?”. Luống cuống, tôi bật ra câu ngớ ngẩn: - “Chú ơi! Kim sắp có em bé à?”. Chú nhìn tôi, cười: - “Cô chú già rồi, không sinh em bé nữa.”. Vừa lúc đấy, chú Kỷ Chủ tịch, từ ngõ vào, cất giọng nghiêm nghị: - “Ai vừa nói chuyện sinh đẻ thế? Chú Hải định sinh thêm em bé nữa à? Chết! Chết! Sao lại nói chuyện đẻ đái trước mặt mấy thằng trẻ con thế này? Rồi làm hỏng hết cả thế hệ tương lai của đất nước. Các cháu biết không. Con trai con gái, chỉ cần nắm chặt tay nhau lâu lâu là có chửa, sẽ sinh em bé. Như thế là mất tư cách đạo đức, như thế thì loạn xã hội, sẽ không ổn định được xã hội nên các cháu phải quán triệt tư tưởng...”.
Tôi vội “vâng ạ” rồi kéo Chủ chạy. Loáng thoáng nghe tiếng chú Hải: - “Dạ, đẻ đái gì đâu. Em mời bác vào nhà uống nước.”. Rồi tiếng chú Kỷ oang oang: - “Này. Hai thằng kia. Con trai với nhau cũng không được nắm tay nhau như thế. Lâu, rồi biến thái, thành đồng cô cả lũ đấy.”. Tôi vội buông tay. Chủ nhăn mặt, lo lắng: - “Này. Hôm nọ thằng Thuận cứ nắm tay tớ, tay cậu lâu như thế, không biết bọn mình có bị biến thái không nhỉ?”.
*
Thuận gửi thư, nhắn: “Thi ơi vào nhà Thuận. Có việc quan trọng lắm. Chuyện của Kim đấy.”. Tôi hộc tốc vào nhà Thuận. Sốt ruột. Thuận bắt tôi xay hết 3 bao thóc, quét dọn nhà ngang xong mới ê a: -“Chuyện của cái Kim, anh Thi đừng lo, em đảm bảo không có em bé đâu.”. Tôi hỏi: -“Sao biết?”. Thuận cười: - “Anh có ngủ với Kim đâu mà có em bé.”. Tôi gật đầu: -“Ừ. Tớ chỉ kéo Kim đứng dậy thôi chứ chưa bao giờ ngủ với Kim.”. Thuận cười cười: -“Anh biết ngủ với Kim là ngủ thế nào không? Như anh thỉnh thoảng ngủ với Thuận á? Không phải đâu. Như thế không phải là ngủ. Phải thế này này…”. Thuận ghé tai tôi, thầm thì, thầm thì. Tôi toát mồ hôi: - “Thật à? Sao Thuận biết nhiều thế? giỏi thế?”. Thuận vênh mặt: - “Chuyện! Thuận là hạt giống đỏ mà. Anh đừng bép xép với ai nhé. Hôm nào, em bảo thằng Dậu, con chú Kỷ Chủ tịch dạy anh vài chiêu ngủ với gái mà không dính bầu. Thằng ấy giỏi khoản đấy lắm.”. Tôi ngắc ngứ: -“Chắc gì thằng Dậu sẽ chịu bày cho tớ.”. Thuận bĩu môi: -“Bố bảo nó dám không bày cho Thi. Bố nó lên chức Chủ tịch là do một tay bố em cơ cấu đấy. Dám cãi em á!.”
Tôi tủm tỉm, gật gật đầu, mơ màng...
Thuận bê thêm mấy bao thóc nữa, đặt cạnh cối xay, nheo nheo mắt nhìn tôi, cười…
*
Sáng sau. Tôi hẹn Chủ ra đầu làng nói chuyện.
Tôi kể lại lời Thuận khẳng định Kim sẽ không sinh em bé, nên Chủ đừng lo. Chủ đay đảy: - “Chắc không? Hay cậu bị thằng Thuận lừa. Rõ ràng, chú Kỷ Chủ tịch bảo con trai nắm tay con gái lâu lâu là có chửa? Mà cậu cũng nghe thấy còn gì? Chẳng lẽ chú Chủ tịch nói tào lao? nói láo?”. Tôi bảo: -“Thật đấy. Tớ tin Thuận không lừa đâu.”. Rồi tôi kể chi tiết những chuyện Thuận nói, Thuận mô tả, Thuận ví dụ. Chủ đỏ mặt, lấy tay che mặt, kêu lên: - “Eo ơi. Kinh. Cậu đừng kể nữa! Mất đạo đức lắm.”. Rồi Chủ bực tức, đứng dậy, bỏ tôi ở lại, về.
Tối đấy, Chủ vào nhà Thuận, năn nỉ Thuận đưa sang nhà Dậu “bái sư học ngủ.”.
Tôi nghe kể lại, tối đó, Chủ phải xay hết 15 bao thóc, Thuận mới gật đầu.

                                                  Hà Nội, 25 tháng 05.2017
                                                      ĐẶNG XUÂN XUYẾN



READ MORE - CHUYỆN NGỦ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyến

CHIỀU TÍM BÂNG KHUÂNG - Thơ Nhật Quang





CHIỀU TÍM BÂNG KHUÂNG

Về lối xưa, nhìn bằng lăng tím rụng
Bờ vai gầy nghiêng vạt tóc em thơm
Hoa vương nhẹ dấu chân buồn nhạt nắng
Phố lặng thầm, tím cả bóng hoàng hôn

Em hay nói, em rất yêu màu tím
Tím u hoài man mác buổi chiều trôi
Tím thủy chung, tím bồi hồi...nhung nhớ
Nụ hôn đầu còn vương ngát bờ môi

Ôm ký ức nhạt nhòa theo năm tháng
Đáy tim buồn chạm thổn thức xa xăm
Mơ dáng ai? chập chờn ru giấc mộng
Tím Hạ buồn, chôn vội ước trăm năm.

                                             Nhật Quang
                                       (Sài Gòn)

READ MORE - CHIỀU TÍM BÂNG KHUÂNG - Thơ Nhật Quang

ĐỌC “GIEO”, THƠ LANG TRƯƠNG - Châu Thạch



     Châu Thạch và Lang Trương


GIEO

Người gieo hạt cho mùa vàng trĩu nặng
Gieo vần thơ, trong vắt giọng em cười
Gieo giai điệu cho ngọt lành câu hát
Gieo ân tình để nhịp đập hồng tươi.

Em đi qua gieo mộng ước tuổi đôi mươi.
Trong bóng nắng, hoàng hôn về chợt tắt.
Vương khói thuốc, cay xè nơi khóe mắt
Hạt sương nào, rơi mặn đắng bờ môi.

Ta gieo gì trong tiền kiếp xa xôi
Phải chăng đã gieo nhầm mầm bội bạc ?
Gặt cơn gió, đưa thuyền em sang bến khác
Để hồn mình bàng bạc ánh sao khuya !

                                      Lang Trương 
                                       05/07/2014

Đây là một bài thơ có bố cục gọn, nhẹ, sít sao và nhuần nhuyễn. Bốn chữ “gieo” ở khổ thơ đầu cho ta bốn niềm vui no nê và tràn trề hạnh phúc. Nhà thơ “gieo hạt” đầu tiên rồi tiếp theo “gieo vần thơ”, “gieo giai điệu”, “gieo ân tình” để trực tiếp gieo vào tâm hồn hình ảnh của một mùa bội thu “vàng trĩu hạt”, đặt vào lòng người đọc bức tranh cụ thể, thể hiện niềm vui của sự gieo tinh thần. Mỗi câu thơ trong khổ một là một bức tranh sống động, khiến cho dẫu ai đang có tâm trạng buồn thì bốn câu thơ cũng tràn vào lòng tiếng cười trong vắt, hương thơm của lúa, câu hát ngọt lành và nhịp đập hồng tươi của trái tim làm cho niềm vui sẽ đến:

Người gieo hạt cho mùa vàng trĩu nặng
Gieo vần thơ, trong vắt giọng em cười
Gieo giai điệu cho ngọt lành câu hát
Gieo ân tình để nhịp đập hồng tươi.

Rồi thì cung đàn đang dồn dập niềm vui bỗng chuyển âm bất ngờ đưa nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi vào nội tâm. Bốn câu thơ ở khổ thứ hai có tác dụng kéo ta ra khỏi cuộc vui, đặt ta vào mặt trái, lắng đọng hồn ta và kích thích cho hồn ta nẩy sinh một cảm xúc ngược lại: Cảm xúc buồn. Đó là nghệ thuật của thi ca, nghệ thuật làm cho cười rồi khóc, vui rồi bi luỵ với trường đời trong vài phút giây. Nhà thơ Lang Trương cũng thế, tác giả chuyển âm chuyển cảnh rất mau, đặt vào hồn ta thụ hưởng hai mùi thơm thi vị, mùi thơm ngát của niềm vui và mùi thơm chùng xuống của nỗi buồn:

Em đi qua gieo mộng ước tuổi đôi mươi.
Trong bóng nắng, hoàng hôn về chợt tắt.
Vương khói thuốc, cay xè nơi khóe mắt
Hạt sương nào, rơi mặn đắng bờ môi.

Qua vế thứ ba, vế thơ cuối của sự gieo, tác giả quay về tiền kiếp, để cho lời than van vọng ngược về quá khứ, hư cấu cho nỗi buồn trở nên sâu thẳm, cắt mọi phông cảnh tươi thắm vừa cho hiện ra, dẫn hồn người đi vào cõi lạ với gió, với bến lạ, với sao khuya. Bây giờ nhà thơ không còn gieo hạt, gieo thơ, gieo giai điệu, gieo ân tình mà gieo nỗi hoang mang vào tiền kiếp, gieo mầm bội bạc, gieo cơn gió và gieo ánh sao khuya bàng bạc. Đây là vế thơ làm giai điệu kết thúc một bản tình ca, gieo vào lòng người sự thổn thức, sự thú vị và sự mê ly:

Ta gieo gì trong tiền kiếp xa xôi
Phải chăng đã gieo nhầm mầm bội bạc ?
Gặt cơn gió, đưa thuyền em sang bến khác
Để hồn mình bàng bạc ánh sao khuya !

Bài thơ chỉ có ba khổ nhưng âm vọng của một trường thi, trường thi vì nó đi từ hiện tại quay về quá khứ xa xăm từ tiền kiếp. Sự thăng trầm của cuộc tình trong thơ kích thích tâm trạng người đọc chuyển biến vội vàng với thi vị ngập tràn vào lòng như con nước vỡ bờ. Bài thơ ngắn nhưng đôi cánh bay của nó bổng lên cao, thật cao ./. 


                                                       Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “GIEO”, THƠ LANG TRƯƠNG - Châu Thạch

NHƯ…DẤU BỤI MỜ! - Thơ Hoài Huyền Thanh




NHƯ… DẤU BỤI MỜ!

Như giọt sương trên lá
an giấc ngoan hiền
Nhọc nhằn chi gió cứ mon men
thèm được làm quen
sợ nắng về hong sương bay mất
Gió cứ duỗi rong trên đường đời tất bật
Mặc ai
 ngậm nỗi buồn
đong nước mắt từ ly

Như giọt mưa trên lá
trôi tuồn tuột mang đi
bao niềm vui nỗi buồn cuối hạ
Chiền chiện trên nhánh phượng hồng biếc lá
Thánh thót gọi bình minh
Gió thênh thang
Trời cao thăm thẳm
Phượng thắm phai rồi
Hạ trắng có còn vui ?!


Như hạt nắng trên lá
xôn xao
Lung linh sắc màu
 dịu dàng góc phố
Bứơc chân ai qua
dấu bụi mờ lối nhỏ!
Gió lay phay
Lòng chạnh lòng thương nhớ
Nắng thôi nồng nàn
Có chiếc lá nào bay !

HOÀI HUYỀN THANH
       24.3.2017



READ MORE - NHƯ…DẤU BỤI MỜ! - Thơ Hoài Huyền Thanh

Hoa vườn nhà - Ảnh của Chu Vương Miện




 


 


 


 

READ MORE - Hoa vườn nhà - Ảnh của Chu Vương Miện

LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn



            
Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn


LỤC BÁT MỖI NGÀY

Quả sim chín mọng trên đồi 
Mắt ngon Nặng vía Đứng ngồi vân vi 
Quả sim chín cái xuân thì 
Đôi chân líu ríu bước đi dùng dằng 
Tối trời vẫn thấy vừng trăng 
Đồi sim ngan ngát đêm rằm mãn khai 
Quả sim chín mọng lòng ai 
Ngày hoa kết trái đêm sai trĩu hồn 
Người ơi hái cái bồn chồn
Ủ men cất lấy nụ hôn khật khừ.

                    Nguyễn Lâm Cẩn

READ MORE - LỤC BÁT MỖI NGÀY - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

BUÔNG - Thơ Nguyễn Thị Vinh và Như Thu





XƯỚNG:

BUÔNG

Ta BUÔNG tay níu cuộc đời
Bẩy lăm năm quá đủ rồi! Tiếc chi ?
Chân BUÔNG để rộng đường đi
Lòng BUÔNG để thấy nẻo về bớt xa
Quyền BUÔNG để ghế thừa ra
Cửa BUÔNG để rộng chỗ mà xuống lên
Tình BUÔNG để gió động rèm
Tiền BUÔNG để khỏi lỗi lầm âu lo
Lời BUÔNG bát đĩa bớt xô
Súng BUÔNG lặng sóng ba bề bốn bên
Dao BUÔNG thành Phật toạ thiền
Lợi BUÔNG thì hoá Thánh Hiền mai sau
Mồi BUÔNG thì cá mắc câu
THAM, SÂN, SI ... Hỏi bao nhiêu cho vừa?
Dông dài góp mấy vần thơ
Để cho nhân thế ... Biết bờ ... Thì BUÔNG !

Nguyễn Thị Vinh


HOẠ:

BUÔNG
(Kính tặng chị Vinh, Hà Nội)

Tay BUÔNG mọi thứ trên đời
Sáu mươi năm lẻ... quý rồi, tìm chi?
Thân BUÔNG cho nhẹ nhàng đi
Tâm BUÔNG sớm hiểu nẻo về chẳng xa
Trí BUÔNG khiến mộng tỉnh ra
Giận BUÔNG ngọn lửa khó mà khởi lên
Sầu BUÔNG khép lại sau rèm
Ngờ BUÔNG sẽ tránh nghi lầm nặng lo
Danh BUÔNG dạt sóng lô xô
Lòng BUÔNG đố kỵ vẹn bề đôi bên
Đêm BUÔNG tĩnh lặng tham thiền
Ý BUÔNG sáng tỏa hạnh hiền ngày sau
Thời gian tựa thể bóng câu
THAM, SÂN, mê muội... bấy nhiêu có vừa?

Thâm tình gửi ít dòng thơ
Biết trần cõi tạm... thấy bờ... nhớ BUÔNG!


Như Thu
READ MORE - BUÔNG - Thơ Nguyễn Thị Vinh và Như Thu