Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 24, 2011

PHẠM XUÂN HÙNG - MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN



 Truyện ngắn





Đêm qua tôi mơ thấy mùa xuân đầu tiên. Mặt đất ngập tràn hoa cỏ và tiếng bầy chim sơn ca hót vang bầu trời… Mẹ tôi nói, đã lâu người dân trong thị trấn không có khái niệm mùa xuân. Ở đây chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa nước ngập trắng đồng, ếch nhái leo cả lên bàn thờ tổ tiên. Mùa khô, nắng đốt cháy những bông lau trắng, gió Lào man dại, bỏng rát, ném cát vào mắt người, xô ngã trẻ con rồi cười khanh khách túm chân chúng ném vào lề đường.

Giấc mơ chỉ làm tôi thèm khát vì sáng ra thị trấn Mười hai cây sầu đông vẫn hiện ra trước mắt với những nếp nhà buồn tẻ. Cây cối héo úa và con sông chảy vòng quanh thị trấn trương sình lên bởi lá rụng. Duy một niềm an ủi là bên kia sông có ngôi nhà của nàng mà từ lâu đối với tôi luôn đồng nghĩa với hạnh phúc, niềm hoan lạc vô biên. Tôi hẹn gặp và kể nàng nghe giấc mơ mùa xuân. Nàng hỏi, những bông hoa trong giấc mơ màu gì. Tôi trả lời, tôi không nhìn rõ nhưng chắc chắn có rất nhiều những bông hoa màu vàng nhiều cánh, nở xao xuyến trên nền những chiếc lá đỏ thắm như màu lá cây trạng nguyên nở trước thềm nhà nàng. Nàng hỏi tiếp tôi về lũ chim và những tiếng kêu âm vang cả bầu trời. Tôi trả lời, rằng lũ chim đó tôi đã từng nhìn thấy, chúng bay thành từng đàn, thi thoảng xuất hiện ở một góc nhỏ của thị trấn, vào lúc bình minh rạng rỡ hoặc hoàng hôn ảm đạm hắt ánh nắng cuối ngày lên những mái nhà buồn tẻ như không thể buồn tẻ hơn. Nàng lại hỏi tôi về nhiều điều khác nữa, như trong giấc mơ có con đường nào chạy dọc ven đường chân trời, có ngôi nhà nào đầy ắp cửa sổ, có bàn tay nào vẫy vẫy không… Tôi mệt mỏi bảo nàng, tôi không thể nhớ hết vì giấc mơ có quá nhiều chi tiết. Nàng cười buồn rồi nói với tôi giấc mơ đó là một điềm báo rằng trái tim đa cảm của tôi đang gánh chịu những nỗi buồn đau khủng khiếp, có thể vỡ òa ra bất cứ lúc nào, và theo nàng sẽ vỡ òa vào lúc mùa khô chuyển sang mùa mưa, khi những ngọn gió bỏng rát thôi gõ vào mái tôn và ném cát vào mắt người.

Mỗi buổi sáng của mỗi ngày, mẹ tôi nhìn sâu vào mắt tôi để vớt vát một chút hình ảnh của giấc mơ còn sót lại. Mẹ bảo, mày lại mơ thấy mùa xuân nữa phải không con. Làm gì có mùa xuân, tóc tai mày cháy đen, da dẻ mày đang lột dần đi vì những ngọn gió Lào hoang dại từ phía tây thổi đến thì có. Con ơi, con nhìn xem thị trấn này có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu người đang ước ao điều con thấy, nhưng không hề có dù chỉ trong giấc mơ.

Bà ngoại tôi kiếm lá trầu không, giã nát rồi đắp lên trán tôi. Tội nghiệp thằng bé, cháu còn nhỏ quá làm sao hiểu nổi đó chỉ là những ảo ảnh. Bà thương cháu, bà căm ghét những giấc mơ nhưng bà không giúp cháu được. Hàng trăm năm qua, bà đẻ mẹ mày rồi mẹ mày đẻ mày ra, biết bao đời chủ tịch thị trấn lên rồi xuống chức có ông nào ra đạo luật cấm các giấc mơ lang thang, có ai đem giấc mơ ra hành quyết đâu. Tội nghiệp cháu của bà, đa cảm thế làm sao mà sống nổi.

Tôi không biết mình còn sống được bao lâu nhưng giấc mơ về mùa xuân thì vẫn ám ảnh trong từng giấc ngủ mê mệt của tôi. Ôi những bông hoa vàng lộng lẫy, nở xao xuyến trên thảm lá đỏ tươi, giữa bầu trời ngập tràn tiếng kêu lảnh lót của bầy chim sơn ca. Biết đến bao giờ tôi tìm thấy và bắt gặp. Năm nay tôi hai mươi tuổi, hai lần như thế nữa là hết cuộc đời, liệu có còn kịp không.

Nàng nói, vào một buổi sáng khi giấc mơ vừa rời bỏ tôi đi, anh dạo này xanh xao lắm và dường như đang ngày một gầy hơn. Tôi giật mình không phải vì nhận xét của nàng mà bởi chính tôi cũng thấy mình ngày một khác thường. Trước khi có giấc mơ đầu tiên tôi là chàng trai lực lưỡng nặng bảy mươi cân. Vậy mà, thật lạ, cứ mỗi lần lạc vào giấc mơ mùa xuân ấy, khi tỉnh dậy tôi thấy mình gầy hơn một ít. Hay tại những bông hoa vàng, tại tiếng chim sơn ca thúc hối, muốn tôi biến thành làn khói nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng bay khỏi thế gian. Tôi đâm lo sợ và thực sự luôn bị giằng xé giữa một bên là ước muốn chìm đắm vào giấc mơ và một bên là những giấc ngủ thật sâu, như ngày nào đó tôi chưa hề biết đến mùa xuân là gì.

Một tháng tròn đều đặn đêm nào cũng chìm đắm vào giấc mơ mùa xuân tôi trở thành một thiếu niên bé nhỏ. Chỉ còn lại trên dưới bốn mươi ký lô và chiều cao cũng giảm từ một mét sáu lăm còn lại một mét ba mươi. Đứng bên nàng tôi như đứa trẻ và điều đó khiến tôi vô cùng tủi hổ. Tôi khóc rưng rức như thể mình chưa hề là một chàng trai. Nàng an ủi tôi. Anh đừng khóc nữa, em sẽ đi tìm cho anh những bông hoa màu vàng, những chiếc lá màu đỏ, rồi anh thấy mùa xuân sẽ đến và anh lại là chàng hoàng tử từ trong cổ tích bước ra.

 Nhưng hóa ra tất cả đều bất lực. Mẹ tôi, bà tôi và cả nàng đều không thể ngăn cản được tình trạng thê thảm của tôi. Giấc mơ chuyển dần từ đêm sang ngày, từ trạng thái ngủ sang cả khi tôi không hề chợp mắt. Tôi như người mộng du, bắt đầu nhìn thấy những điều không ai thấy. Chao ôi, những bông hoa đến là đẹp, tươi thắm vô ngần. Và lũ chim, những đôi cánh tự do mới cảm động làm sao, tiếng hót nữa, chúng ngân nga, kéo dài một nỗi khát khao thầm lặng mà tôi chưa hề bắt gặp suốt thời thơ ấu. Tôi vật vờ, lẩm nhẩm về những điều nhìn thấy, cầu mong ai cũng như tôi, được chìm đắm trong một thế giới ngập tràn hạnh phúc. Cứ thế cho đến lúc nào mẹ tôi kéo tôi ngồi xuống, vạch miệng, vạch quần xem thử tôi có sử dụng chất kích thích nào như hút bồ đà, tiêm chích xì ke hay loại nào đó tương tự. Bà tôi thì khóc hết nước mắt, miệng không ngớt chửi rủa ai đó đã dùng tà ma ngoại đạo làm cháu bà người không ra người, thân tàn ma dại.

Hình hài tôi nhỏ dần để cuối cùng trở lại thân xác bé con như ngày nào mẹ tôi sinh tôi. Nhỏ đến nỗi bà tôi có thể bế trên tay, đi lang thang trong đêm. Nhờ đó mà tôi khám phá thêm rằng, trong thị trấn này có rất nhiều hồn ma. Họ sắp thành từng đôi một, đi xuyên qua mùa xuân trong giấc mơ tôi, họ cười nói và âu yếm nhau, dưới những tán cây bằng lăng tím thẫm. Và tôi, ước muốn cháy bỏng là được cùng nàng đi như thế, trong đêm tối, trong khu vườn mùa xuân tĩnh lặng…

Nhưng nàng đã vĩnh viễn không còn gặp tôi. Vào ngày cuối cùng, trước khi tôi thu nhỏ hình hài lần cuối cùng và biến mất khỏi thế gian, nàng đã một mình gọi đò xuôi theo bến sông ra biển. Tôi biết nàng đi đâu vì nhớ có lần nàng thổn thức cùng tôi. Em sẽ ra biển, sẽ tìm gặp một ai đó từng bắt gặp mùa xuân, đến vùng đất nào đó ngập tràn hoa cỏ và tiếng chim sơn ca, để rồi ngồi xuống thảm cỏ xanh nhất và đợi anh đến đưa em về.

Nàng ơi, nàng nhỏ nhoi, ngây thơ và trong trắng quá. Làm sao nàng hiểu được rằng, dòng sông mà tôi đã hơn một lần đi qua, rút cục phải quay trở về, dòng sông sình lên vì củi rều và lá mục chảy vòng quanh thị trấn Mười hai cây sầu đông ấy chỉ là một dòng sông chết.

Và tôi đã không kịp nói với nàng dù chỉ một lời. Khi bóng con đò chở nàng ra đi khuất sau tán lá những cây sầu đông mọc dày ven sông, tôi đã biến thành hạt bụi như đã là tôi của hàng nghìn triệu năm trước, hạt bụi mang theo giấc mơ mùa xuân tội nghiệp không có chỗ giữa bao la trần gian.

Phạm Xuân Hùng


Nguồn: vanchuongviet.org
READ MORE - PHẠM XUÂN HÙNG - MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

PHẠM PHÚ PHONG – Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người kể chuyện cổ tích chiến tranh


"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...

Cỏ lau mọc lên thật nhanh, nhưng không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người. Tôi thấy buốt lòng như một cơn đau dạ dày trong ý nghĩ (1). Những dòng suối của chương mở đầu cho Bản di chúc của cỏ lau, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết bằng những câu như vậy. Đó cũng là tiền đề mở cho câu chuyện về những người yêu nước của thành phố Huế, những người đầu tiên đi mở rừng và dọn địa bàn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà di sản của họ để lại cho đời sau chỉ là một bản di chúc viết bằng máu vùi dưới cỏ lau...

Tôi không phải là người có thói quen phân chia văn học theo các khái niệm, các phạm trù có sẵn, hoặc theo hệ thống đề tài, hệ thống thể loại... nhưng dưới bước chân kiên trì và chăm chỉ của thời gian, tất cả rồi trở thành chuyện cũ. Những sự tích anh hùng trong hai cuộc kháng chiến của chúng ta rồi cũng sẽ trở thành cổ tích mà thôi. Mới hơn 25 năm trôi qua mà nghe chừng như đã xa xôi lắm, chuyện gian khổ ở rừng, lòng chung thuỷ, đức hy sinh, tình đồng chí... tưởng chừng như truyền thuyết, đối với thế hệ sinh sau đẻ muộn chưa sống qua một ngày chiến tranh đã đành, lại còn với cả một số người rũ áo bước ra từ khói lửa của chiến tranh. Gần 100 trang sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một lời tự nhắc nhở với chính mình, với mọi người về âm vang chưa xa xôi ấy.

William Burto cho rằng: "Cổ tích là một thể loại văn học, người ta nghĩ đến sự huyền truyền, đồn đại đến cái không phải là thực tại hoặc là một thực tại diệu kỳ" (2). Chuyện cổ tích chiến tranh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đúng là một thực tại diệu kỳ về cuộc sống và chiến đấu của những con người có độ dư về phẩm chất làm người, ném cả thời trai trẻ của mình vào gian khó đói rét, bệnh tật, chống lại cuộc săn lùng của kẻ thù, của thú dữ ở trại Cây Thị, tại vùng núi có tên là Khe Trái. Những ngày đói cơm nhạt muối. Những ngày chui bờ ngủ bụi. Những cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, với thú rừng... Nghĩa là những sự kiện, những sự việc, những chi tiết khá điển hình phổ biến trong cuộc chiến tranh mà người đọc đã từng trải qua hoặc từng nghe, từng đọc trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh lâu nay. Nhưng được Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại bằng giọng điệu riêng, mà chỉ ở anh mới có. Đó là lối tư duy văn học mang đậm dấu ấn cách cảm nhận và cảm nghĩ chủ quan của tác giả, mà Hoàng Ngọc Hiến đã từng cho rằng đó là tư duy của một tiểu loại văn học ét-xe (3) và "Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả viết ét-xe". Là một người viết bút ký tài hoa,"trong văn học hiện đại Việt Nam, sau Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn thứ hai nổi bật lên với thể ký, ký của anh có cái là truyện, có cái là tuỳ bút, có cái mới chỉ là ghi chép"(4), hay cũng có thể nói là đặc trưng nổi bật của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bao giờ cũng soi rọi thực tại dưới hơi thở của những cảm nhận chủ quan của mình. Do đó, ngay cả trong sáng tác có một cốt truyện hẳn hoi như Bản di chúc của cỏ lau, cũng được anh trần thuật bằng ngôn ngữ của người viết ký. Đó là ưu điểm, đồng thời cũng là nhược điểm trong thi pháp biểu hiện của anh, nên chuyện của anh không phải bao giờ cũng thành công, cũng thu hút người đọc, có nhiều "tạng" khác nhau trong thị hiếu thẩm mỹ. Câu chuyện của Bản di chúc của cỏ lau bắt đầu từ "một ngày không được bình yên, theo anh Bình quay lại vùng Khe Trái để tìm mộ anh Hoàng", người viết đã lần ngược lại cuộc chiến đấu của những người yêu nước, dưới bóng cờ của cách mạng. Nhưng với sức liên tưởng mạnh mẽ của người viết bút ký, truyện không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến đấu hy sinh gian khổ đến ngày thắng lợi hoàn toàn, mà còn bao nhiêu truyện khác: chuyện chiến đấu với kẻ thù, với thú rừng, với nỗi cô đơn, chuyện về tờ di chúc như lời thề im lặng của dòng máu cuối cùng Tổ quốc muôn năm, về sự hy sinh đang có nguy cơ "trở thành sự lãng phí vô nghĩa của lịch sử", chuyện người may mắn thoát chết trở về sau chiến tranh mang theo với mình chiến tích của một cuộc chiến đấu kinh hồn, để rồi cố thu nhỏ mình lại thành một dấu chấm không ai buồn để ý trên chuyến xe cuộc đời mà chỗ ngồi đã dành cho những người khác". Bên cạnh đó, còn có sự tích của người Pakô, về thiên nhiên, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc miền Tây, chuyện về các loài vật, các thú dữ ở rừng... Cũng như con người, trong thế giới loài vật, có loài vô hại, nhưng cũng có loài là kẻ thù nguy hiểm đối với con người. Điều quan trọng hơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tự mình tạo nên sự liên tưởng cho mình, mà luôn tạo nên những tầng sâu ngữ nghĩa, buộc người đọc muốn hiểu vấn đề một cách thấu đáo, phải cùng tác giả chui xuống những tầng hầm sâu khuất, tìm đến những mạch ngầm của chiều sâu liên tưởng mới, như một phép ẩn dụ nghệ thuật. Chẳng hạn, anh đưa chi tiết chiếc đèn dầu chôn theo hài cốt mấy chục năm dầu vẫn còn thắp sáng, để nói "chính ngọn lửa bé bỏng kia, tôi nghĩ đã thắp sáng cuộc chiến đấu của anh Hoàng hai mươi năm trước, trong những đêm rừng tối thẳm", anh đưa chi tiết ngồi xe nhờ bị bà chủ, vợ một quan chức hành xác "người bạn đồng hành tội nghiệp của tôi muốn thu nhỏ người lại thành một cái chấm để khỏi làm phiền bà ta" để nói đến cái giả định xót xa về cuộc chiến tranh qua, những người đã hy sinh xương máu có còn chỗ nào trên chuyến xe cuộc đời, trong lòng mọi người hay chỉ là một dấu chấm hết của một trang đời, dẫu rằng họ vẫn may mắn tồn tại!


Nếu nói mỗi người đều có một tâm hồn được kiến tạo bằng một chất liệu riêng, một cách thức riêng, một tâm thức sáng tạo riêng, thì dẫu cho những điều mà Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ra có đôi điều dự báo, là tín hiệu của tương lai, nhưng thế giới tâm hồn anh vẫn thuộc về quá khứ, bị ám ảnh bởi một quá khứ dữ dội mà anh có can dự vào và may mắn là người được trở về sau chiến tranh với mặc cảm luôn thấy mình có lỗi với những người đã khuất. Một cảm giác không yên, luôn lo sợ về sự quên lãng, sự bội bạc của chính mình. Điều này trở đi trở lại vò xé tâm hồn anh, khi thì điềm tĩnh "tôi ngồi nhớ lại tất cả trong nỗi trầm tư dài... thấy buốt lòng như lên cơn đau dạ dày trong ý nghĩ". khi thì da diết đến riết róng: "Bây giờ tôi đang có tất cả những gì mà các anh ấy không bao giờ có nữa, cả cuộc sống cụ thể, đất nước và cả hành tinh, để làm một người. Và trĩu nặng hơn tất cả, chính là khát vọng thiêng liêng mà chính các anh ấy đã để lại cho những người sống còn. Tôi hiểu, nếu một ngày nào tôi không còn cảm thấy nữa cái sức nặng để lại ấy của những người vắng mặt, thì chính là tôi đã sống khác đi, như một kẻ đáng nguyền rủa"(5), hoặc có khi cái vốn là sức mạnh chủ quan của người viết ký lại được hóa thân thành con chim bói cá ngồi trầm tư về cuộc đời, đặt ra bao nhiêu điều vấn tâm về phận người như tiếng vọng lại từ trong sâu thẳm của tâm linh. Gần đây, đọc tập thơ mới in của anh, tập Người hái phù dung, tôi lại bắt gặp cái cảm giác buồn bã quay về Thành cổ Quảng Trị quê anh, về phía cuối con đường cỏ lau, trong bài Về chơi với cỏ:

Thưa rằng người đã quên tôi
Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may
Một đường hoang một dấu giày
Một người ngồi một thoáng ngày bóng nghiêng.

Có người coi anh là một trong những tri thức miền đi theo cách mạng với một chủ nghĩa yêu nước rõ rệt, một trí thức có một tri thức sâu rộng đã kịp chuyển tải vào trang viết.

Riêng tôi, vẫn coi anh như một người đến cư ngụ trong đời không chỉ với tư cách là một nghệ sĩ để ngợi ca cái đẹp mà còn là một hành giả đi tìm cái chân, cái thiện; một con người không yên, luôn đòi hỏi ở mình với nỗi buồn khó nguôi ngoai về quá khứ, đang ngồi dõi tầm mắt về phía cuối đường chân trời, nhặt từng chiếc lá thu vàng và kể lại chuyện chiến tranh giữa hai bờ hư thực của thời gian vô định và cả không gian sương khói, trong nỗi xót xa, mòn mỏi của thân phận con người.

P.P.P

Nguồn: tapchisonghuong.com
READ MORE - PHẠM PHÚ PHONG – Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người kể chuyện cổ tích chiến tranh