Truyện ngắn của cụ Hoàng Đằng
Cụ Toán sống một mình trong ngôi nhà nhỏ giữa một vườn cây ăn trái xanh tốt. Cụ già rồi, nghe nói đã trên 80 tuổi. Cụ bà mất sớm, để lại 3 đứa con; cụ nuôi nấng chúng trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong, cụ cho chúng ra ở riêng hết. Cụ không để đứa nào ở lại trong nhà với cụ; cụ cũng không đến ở với đứa nào.
Người ngoài thấy cụ khác người, đánh giá cụ “chướng”, bàn tán:
- Ở một mình thế, rủi đêm hôm, bệnh hoạn gì đến đột ngột, ai cấp cứu cho hè!
Nghe vậy, cụ cười:
- Chừng này tuổi, bệnh hoạn gì xẩy ra, chết đột ngột, càng tốt. Không làm phiền hà ai; không buộc ai phải phục vụ; không liệt giường, liệt chiếu, loét lưng, trầy khớp, tắm rửa khó khăn, hôi hám làm người đến gần khó chịu.
Các con cụ rất có hiếu, nhiều lần chúng rủ nhau về họp bên cạnh cụ, chúng nài nỉ cụ phải đến ở với gia đình một đứa – đứa nào do cụ chọn; chúng còn đưa ra lý do khẩn thiết để mủi lòng cụ:
- Ba ở một mình như thế này, ba có biết thiên hạ chê trách chúng con không; mà rủi ba có mệnh hệ gì, các con bị mang tiếng bất hiếu không? Ba cũng biết chứ? Người bất hiếu thì ra xã hội còn uy tín gì để đối nhân xử thế, tới nơi làm việc còn ai coi ra gì để có cơ hội thăng tiến.
Năm ngoái, xiêu lòng, cụ đi ở thử tại nhà từng đứa một.
Cụ tới ở với vợ chồng thằng con đầu. Được một tháng, sự việc xẩy ra làm cụ không vui. Cháu nội cụ - con trai của chúng – đang học đại học trong Sài Gòn, nhắn tin về xin gởi tiền vào, con dâu cụ cằn nhằn, vô ý để cụ nghe:
- Trăm thứ chi tiêu đến dồn dập như thế này thì mần răng kiếm ra tiền cho kịp.
Cụ tự ái, nghĩ rằng con dâu muốn ám chỉ cụ ở đây cũng bắt chúng phải chịu một khoản chi tiêu, cụ bỏ về mặc dù vợ chồng chúng nài nỉ, lạy lục cúc bái, xin cụ ở lại.
Cụ tới ở với vợ chồng thằng con thứ hai. Một hôm, chúng đi làm vắng, ở nhà, cụ quét nhà xong, thấy bộ salon đặt chính diện bàn thờ, cụ sợ chúng tiếp khách bạn, bia rượu vào, khách múa tay, đạp chân trước tổ tiên, tội! Thậm chí có thể khách là phụ nữ bận jupe ngắn, ngồi “vắt mảy củ tỏi” (gác chân này lên đầu gối chân kia), hớ hênh trước ông bà, tội! Cụ kê xích bộ ghế salon ra một bên. Vợ chồng chúng không đồng ý với cách bài trí theo ý cụ, cha con nói qua, nói về, cụ bất mãn, bỏ về.
Cụ tới sống với vợ chồng thằng con thứ ba. Cụ bị tiểu đường; khi đói, đường trong máu xuống, phải có cái gì để ăn ngay, không thì run mà vợ chồng chúng và các cháu thì trưa, tối mới về ăn. Cụ còn có bệnh cao huyết áp, ăn nhạt mà gia đình chúng thì ăn mặn; hễ cụ nhắc trưa này, tối này, cụ có thức ăn lạt, nhưng đến trưa hôm sau, cụ lại được dọn thức ăn mặn; hình như trí óc chúng quá bận rộn việc mưu sinh, không còn phần nào để nhớ đến phải nấu lạt cho cụ. Bất tiện, cụ cũng bỏ về nhà, tự nấu nướng để ăn những gì mình muốn và ăn bất cứ lúc nào cơ thể có nhu cầu.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cũng nhờ khoa học, kỹ thuật tiến bộ, nhà có trang bị bếp điện, bếp ga; việc nấu nướng không khó khăn gì; người làm bếp chỉ cần bắc nồi lên bếp, găm điện, bật ga, lên phòng riêng, mở smart phone vô facebook đọc vài ba comment của bạn bè, xuống bếp thì cơm và đồ ăn đã chín. Nếu còn như hồi xưa phải nhen lửa, rút rơm. kiếm củi … thì chắc cụ cũng không dám tự lo.
*
* *
Hôm nay, trời mới sáng, đứa cháu nội - con gái đầu của con trai trưởng cụ - lấy chồng xa quê đến vài chục cây số, thương ông, sợ ông không có chi ăn, nó gởi vào một mớ cá. Nó gởi cá như thế, đều đặn – hai lần cách nhau khoảng bốn, năm ngày.
Những lần trước đây, cụ cứ nấu canh, kho hay rán rồi ăn, không suy nghĩ gì. Lần này có khác. Từ đầu tháng 4 năm 2016, cá chết hàng loạt giạt vào bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; cụ nghe nói cá chết vì nhiễm hóa chất cực độc, không thấy ai ăn cá biển nũa, chỉ ăn cá sông, cá đồng. Cháu nội cụ biết ý, đã gởi vào một mớ cá móm - loại cá sống ở sông; con nào con nấy to gần bằng bàn tay, vảy óng ánh màu sáng trắng, mang đỏ tươi, mắt xanh trong, trông rất tươi, ngon lắm!
Hôm qua, cụ xem TV, Nhà Nước nói cá biển đánh bắt xa bờ 20 hải lý, sẽ được thu mua, đóng dấu thực phẩm an toàn, đưa vào các siêu thị, bán cho nhân dân tiêu thụ bình thường. Cụ ngồi vào bàn, làm bài toán nhân - cái tên Toán do ông bà đặt cho thật đúng với tính người của cụ. Một hải lý bằng 1,852 mét, như vậy 20 hải lý là hơn 36 km; con cá móm, dù sống trong sông, vẫn không xa cửa biển đủ 36 km; nước thủy triều lên xuống; nước biển nhiễm độc, thế nào nước sông cũng ít nhiều nhiễm theo. Nghĩ vậy, cụ không dám kho ngay mớ cá cháu nội gởi cho để ăn, nhưng vất đi, cụ không nỡ vì tiếc “của trời”. Cụ soạn dao, kéo, thớt ra, ngồi đánh vảy, cắt vây, moi ruột, cắt đầu; làm sạch cá rồi, cụ rửa, để ráo nước, cho vô hộp, đậy kín, cất vào ngăn đông trong tủ lạnh.
Cụ vươn vai, duỗi tay, đá chân; bước chầm chậm lên ngồi trước máy vi tính, cụ mở mạng, tìm đọc ý kiến các nhà khoa học lý giải về nguyên nhân cá chết hàng loạt, xem nếu quả thật cá chết do nhiễm độc, thì chất độc lan tỏa như thế nào, ảnh hưởng đến môi sinh như thế nào.
Cụ đang chăm chú mắt vào máy vi tính thì một cái vỗ nhẹ lên vai; cụ ngẩng mặt thì thấy cụ Tính – cụ Tính bước vào nhà, dép lê gây ra tiếng ồn “lẹt xẹt” mà cụ Toán chẳng hay.
Trong địa phương này, cụ Tính chỉ biết làm bạn với cụ Toán; hai cụ là cán bộ nhà nước về hưu, có vốn học vấn, có hưu bổng để chi tiêu, có thì giò theo dõi thời sự, biết sử dụng internet; hai cụ đến ngồi với nhau, thế nào cũng có chuyện hợp tình hợp ý để trao đổi. Còn các cụ khác vốn là nông dân; về già, hết sức lao động, họ tụ tập đánh “cờ quân” để giải trí, hoặc tụ năm tụ ba nói chuyện làng, chuyện họ, chuyện nhà này nhà khác cho qua thời gian nhàn rỗi.
Cụ Tính lên tiếng:
- Bác mần chi mà chăm hăm nơi máy tính dữ rứa?
Cụ Toán giải bày:
- Cháu nội cho mớ cá sông; dạo này, người ta không ăn cá biển, tui mở mạng xem thử cá sông có ăn được không, cá ngon mà bỏ đi thì uổng.
Cụ Tính hỏi dồn:
- Rứa thì trên mạng người ta nói ăn được hay không ăn được?
Cụ Toán lắc đầu, vẻ chán ngán, rồi nghe được gì, đọc được gì trong mấy ngày qua, cụ tuôn ra hết:
- Ông nào cũng viện sĩ, tiến sĩ, giáo sư; học vị, học hàm thì như nhau, nhưng ý kiến thì khác nhau, ông nói thế này, bà nói thế nọ, không biết tin ông nào, bà nào. Người này cho rằng cá biển chết là do nhiễm chất cực độc mà một số nhà máy công nghiệp thải ra; tác hại của những chất cực độc đó có thể kéo dài đến 50 năm; thành thử, nhân dân không dám ăn cá biển. Người khác cho rằng cá chết là do tác động của những yếu tố từ thiên nhiên như ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều đỏ hay tác động của hiện tượng EL NIÑO …
Cụ Tính cắt lời cụ Toán:
- Ảnh hưởng của chất độc làm sinh vật như cá chết, tui hiểu rồi; còn hiện tượng thủy triều đỏ hay hiện tượng EL NIÑO là gì mà cũng khiến cá chết?
Cụ Toán được dịp, khoe vốn hiểu biết của mình:
- Thủy triều đỏ hay nói đúng hơn sự nở hoa với số lượng lớn của tảo biển. Tảo biển nở hoa có thể do nhiệt độ tăng, do nước biển trao đổi kém, do môi trường biển ô nhiễm. Khi tảo biển nở hoa ồ ạt, màu nước biển có thể đổi sang màu đỏ, chứa độc tố và lượng oxy trong nước giảm nhanh khiến nhiều loài sinh vật sống trong biển phải chết. Còn tiến sĩ Nguyễn thị Thanh Minh chuyên ngành di truyền học của trường Albert College of Medecine, New York bên Mỹ thì đưa ra giả thuyết thế này: Cá chết là do tác động của hiện tượng EL NIÑO …
Cụ Toán rót trà vào ly, hớp một ngụm, rồi đặt câu hỏi và tự trả lời, vẻ “ta đây” lắm:
- Chú Tính này! Chú có hiểu EL NIÑO là gì không? EL NIÑO là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương. EL NIÑO có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt và san hô bị tẩy trắng, nếu lâu ngày, cũng sẽ chết luôn, các giống loài bị phân bố lại, mùa màng thất bát, nạn đói. Do ảnh hưởng của EL NIÑO, bề mặt nước biển nóng lên, lượng oxygen hòa tan trong bề mặt nước biển giảm mạnh; cá không thích nghi kịp với sự thiếu oxy dẫn đến tử vong hàng loạt. Thêm vào đó, EL NIÑO còn cản lớp nước biển từ tầng sâu trồi lên mà tầng sâu lại giàu dinh dưỡng, cá đã thiếu oxy lại thiếu thức ăn, đành phải chết (1).
Cụ Tính vặn hỏi:
- Họ nói rứa, bác có tin không?
Cụ Toán – đúng là cán bộ hưu trí – thủng thẳng trả lời:
- Ai nói chi thì nói, tui nghe rứa thì cứ hay rứa. Tôi đang chờ công bố chính thức của Nhà Nước. Chú Tính biết không?Trước những giả thuyết thiếu thống nhất của các nhà khoa học, Nhà Nước đã lập một hội đồng gồm một số nhà khoa học Việt Nam và một số nhà khoa học mời đến từ Mỹ, Israel, Đức, Nhật với nhiệm vụ được giao là tìm ra nguyên nhân đích thực và hướng xử lý vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển. Vấn đề xem ra không dễ dàng, chóng vánh được; vị giáo sư người Nhật Yoshihiko Yamada từ trường đại học Tokai được Nhà Nước mời qua tham gia hội đồng tuyên bố rằng có khi phải cần đến cả năm mới dám khẳng quyết nguyên nhân tại sao cá chết hàng loạt. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân có nghe đài, đọc mạng cứ nghĩ rằng cá chết là do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh thải chất độc chưa xử lý xuống biển, dân đinh ninh như vậy vì nhà máy thép có ống xả thải cỡ bự chạy ngầm ra biển, nhà máy lại mới mua một số lượng hóa chất về súc rửa ống vận hành thử và địa điểm khởi đầu có cá chết là tỉnh Hà Tĩnh; dân nóng vội, có nơi bức xúc đã tổ chức biểu tình đòi hỏi Nhà Nước phải quan tâm bảo vệ môi trường sạch. Các ngày Chủ Nhật 01/5, 08/5 và 15/5/2016 vừa rồi, đã có biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn và một ít thành phố. Hình như dân muốn quy lỗi Nhà Nước đã lơ là vấn đề bảo vệ môi trường trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước .
Cụ Tính nói chen vào để tỏ ra mình cũng có theo dõi thời sự:
- Môi trường ở nước ta rất đáng báo động. Năm 2008, công ty Vedan của Đài Loan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả thải ra sông Thị Vải – con sông chảy qua địa phận Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu - hủy diệt môi sinh làm cho nông dân, ngư dân ven sông khốn đốn trong nuôi trồng; dư luận hồi đó xôn xao ghê lắm! Năm nay, ngoài vụ cá chết dọc biển mấy tỉnh Bắc Trung Bộ, đầu tháng 5, trên sông Bưởi ở Thanh Hóa – sông Bười là một phụ lưu của sông Mã khởi nguồn từ tỉnh Hòa Bình chảy qua tỉnh Thanh Hóa, dân cũng phát hiện cá chết nhiều; chính quyền vào cuộc và phát hiện thủ phạm là 3 cơ sở nông, công nghiệp ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã cố tình xả thải xuống thượng nguồn dòng sông. Đó là Công Ty TNHH Tân Hiếu Hưng (lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại), Công Ty Cổ Phần Mía Đường Hòa Bình và Cơ Sở Chăn Nuôi Lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng. Giữa tháng 5, cá lại chết trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh; nguyên do cá chết ở đây là những trận mưa đầu mưa kéo chất thải sinh hoạt từ các khu dân sinh xuống dòng kênh gây ô nhiễm hữu cơ và khí độc. Bác coi! Đó mới chỉ những vụ được các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm, còn bao nhiêu vụ nhỏ lẻ khác trên đất nước này! Nhìn bề ngoài, ai cũng thấy dân mình dạo này sung sướng: ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện di chuyển đắt tiền, nhà cửa sang trọng …Thế cũng mừng! Nhưng ước sao có thêm môi trường sạch, thực phẩm sạch, không khí sạch, nước uống sạch thì tuyệt vời biết mấy!
Cụ Toán chắt lưỡi, đưa ý kiến như cụ là một vị sẽ tham gia vào việc hoạch định kế hoạch Nhà Nước:
- Những chuyện đó không khó, ít tốn kém, chỉ cần Nhà Nước và nhân dân sáng suốt, chí công vô tư và quyết tâm thôi. Cấp phép lập các khu công nghiệp phải thẩm tra kỹ địa điểm, năng lực chuyên môn, kỹ thuật xử thải của chủ đầu tư cộng với khả năng kiểm tra kiểm soát về phần chính quyền; giáo dục ý thức và ban hành luật lệ nghiêm minh về bảo vệ môi trường cho mọi người dân; ở các nước khác như Singapore, Nhật, Tây Âu, Mỹ … người ta giữ được môi trường sạch, tại sao nước mình lại không? Đương nhiên, muốn phát triển thì nhiều ít phải tổn hại môi trường, nhưng môi trường tổn hại vượt mức thì phát triển cũng vô nghĩa.
Trời đã trưa rồi, cụ Toán xin phép xuống bếp. Như thường lệ, cụ phải làm cơm, Cơm ăn với gì đây? Cụ nhớ lại mớ cá móm cháu gởi cho rồi nghĩ thầm: Thôi, kho mà ăn quách, xem sao! Trí óc cụ lần về quá khứ.
Trước năm 1975, nông dân miền Nam chưa dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, chưa dùng (hoặc ít dùng) phân hóa học; cá, tôm, cua, ếch, nhái … đầy ngoài đồng ruộng; đi cày, đi cấy, đi gặt, người ta có thể tranh thủ ít phút giải lao, mò bắt được một ít cá, tôm gì đấy đủ canh, kho cho bữa cơm trưa hay tối. Sau khi thống nhất đất nước, những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật được ứng dụng nhiều vào nông nghiệp; phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ bắt đầu được sử dụng và có nơi, có lúc, bị lạm dụng, cá, tôm, cua trong ruộng ít đi, một số loài cá mẫn cảm như cá tràu, cá đối … nhiễm độc, lở loét đầu cả thời gian dài, trông phát tởm! Nhưng bây giờ, sau một thời gian, mọi loài cá trong ruộng - tuy có ít đi do nhiều lý do ngoài lý do môi trường bẩn - trông bề ngoài, vẫn mạnh khỏe và ai đánh bắt được vẫn ăn ngon lành, vô tư. Nghĩ vậy, cụ Toán đi đến kết luận:
- Nếu thật sự, nước bị nhiễm độc chất, giờ, việc thanh lọc chắc bất khả thi; chỉ xem đó như kinh nghiệm đau buồn để dự phòng trong tương lai đừng để tình trạng như thế xảy ra. Thôi, mình sẽ kho mớ cá móm cháu nội cho để ăn; ăn vô chết liền, chuyện đó chắc chắn không xẩy ra vì cháu nói mớ cá khi mua còn sống; nếu quả thật cá ấy có nhiễm độc thì ăn cũng chưa chắc nguy hiểm; cơ thể con người được Thượng Đế tạo ra rất kỳ diệu, bộ phận nào cũng có khả năng phản vệ chống lại dị vật, chống lại độc chất; gặp những thứ ấy, bộ phận tiêu hóa sẽ thải ra ngay qua đường nôn mửa hoặc đại tiện; mà dù độc chất không thải ra kịp thời, ngấm vào lục phủ ngũ tạng, ngấm vào máu, gây bệnh thì cũng cần thời gian mình để mình phát bệnh, chết; già lụ khụ rồi, chết cũng vừa!
Cụ Tính ngồi nghe cụ Toán lý luận quái gở, lên tiếng:
- Bác mới nói bản thân bác còn đám con cháu thì sao? Chúng ăn cá nhiễm độc, phát bệnh, một dân tộc bệnh hoạn thì mần răng mà xây dựng đất nước; một dân tộc nhiễm độc chết dần chết hồi thì có ngày diệt vong à!
Cụ Toán thở ra, lý luận tiếp:
- Như tui đã nói với chú hồi nãy, con cá tràu, con cá đối, đã từng nhiễm thuốc trừ sâu, trừ cỏ; ban đầu, con nào sức khỏe kém, chết ngay; con nào sức khỏe bình thường, loét đầu; còn con nào mạnh, sống sót, thích nghi dần với môi trường; rốt cuộc, cá tràu, cá đối có tuyệt chủng mô nờ! Con người mình cũng vậy, môi trường trắc trở, lẽ dĩ nhiên, có người chịu không nổi phải chết, nhưng rồi vẫn có người thích nghi và tồn tại; chính những người tồn tại này sẽ sinh sản và tạo ra giống dân Việt Nam trong tương lại rất kiên cường. Chú Tính thấy rồi, chứ gì! Chiến tranh dai dẳng khốc liệt, nghe nói, đã giết từ 4 đến 7 triệu người Việt, chưa kể số người khuyết tật do những hậu quả của nó, dân tộc ta vẫn sinh sôi nẩy nở, từ 31 triệu sau chiến tranh giờ nghe nói đã trên 90 triệu; vậy thì tôi tin rằng môi trường độc hại, dân ta nhất định thích nghi; chú lo chi cho mệt!
Cụ Tính chép miệng:
- Bác lạc quan dữ rứa à!
Câu chuyện giữa hai cụ già đang sôi nổi, chưa dứt thì thằng cháu cụ Tính xuất hiện ngoài cổng nhà cụ Toán lên tiếng gọi:
- ÔÔng ơi! Về ăn cơm, kẻo mệ đợi.
Còn lại cụ Toán một mình. Cụ Toán, do bệnh tật mãn tính trong người; bác sĩ khuyên không nên ăn thịt, chỉ ăn cá, rau, củ, quả … Thế mà cả tháng nay, cụ không có chút cá vào cơ thể. Cụ cảm thấy mệt mỏi, yếu dần đi. Cụ thèm cá, thèm lắm. Mà ai cũng biết cái đói, cái khát, cái thèm, khi lên tột độ, khiến con người liều mạng, bất chấp nguy hiểm. Ai đời đã có người, vì quá đói, cưa bom, cưa pháo để lấy phế liệu, bán kiếm tiền mua gạo nuôi con những năm sau chiến tranh dù hàng xóm đã có nhiều người thương vong vì việc ấy ; ai đời đã có những người lính hành quân giữa trời nắng chang chang qua những vùng khô cắn, khát, múc nước từ những vũng trâu lăn - nước lẩn phân, bùn – uống ừng ực dù bài học y tế sơ đẳng dạy rằng uống nước bẩn sinh bệnh về đường tiêu hóa và nhiều bệnh khác nguy hiểm nữa…
Chỉ mới nhịn ăn cá khoảng một tháng mà dân đã “la trời”, nhịn đến 50 năm thì làm sao chịu nổi; ngay lúc này, cơn thèm cá đã khiến cụ Toán lý luận cùn.
Soong cá đang kho nằm trên bếp. Cá ướp với tiêu, ớt, bột ngọt, bột nêm, nước mắm, đường, dầu thực vật đang bốc mùi thơm ngào ngạt, cụ Toán đi lui đi tới quanh bếp, hít mùi thơm ấy từng hơi dài, sảng khoái, ngây ngất.
Hình như cụ đã quên mất chuyện cá có thể bị nhiễm độc!
Hoàng Đằng
23/5/2016 (17/4/Bính Thân)
--------------------------------------------------------------
(1)Tiến sĩ Nguyễn thị Thanh Minh, Elniño hay con người giết cá?, BBC tiếng Việt ngày 10/5/2016