Truyện ngắn của Thái Đào
Khoảng sau khu chợ là cái ao chuôm, vượt khỏi cái ao theo con đường mòn đi về phía mặt trời lặn là cổng. Ngôi mộ cô ấy nằm bên trái cổng chừng vài mét. Tôi nhớ rõ là như vậy.
... Anh bây giờ khó tìm được mộ cô ta, vì người ta xây dựng bề bộn quá. Không hiểu cô ta còn được yên nghỉ ở đó hay không. Nói phải tội! Không chừng người ta bốc dỡ mang lên đồi rồi. Hay tồi tệ hơn, người ta xây nhà đè lên ngôi mộ.
Người đàn bà nói thế và rót nước mời Thao. Thao, tóc đã hoa râm, áo bạc thếch mầu, có đôi mắt buồn bã:
- Tôi đi làm ăn xa quá. Có tội với cô ta. Đã để cô ta ở tại đây một mình, không ai hương khói.
Thao nói thế và cúi mặt xuống. Người đàn bà ái ngại mở bao thuốc lá ngoại mời khách.
- Hút thuốc đi anh. Có lẽ anh phải ở lại nhiều ngày để tìm kiếm. Tôi thấy việc tìm kiếm không phải dễ. Nhưng anh đừng buồn. Vong hồn cô ấy sẽ phù hộ và anh sẽ tìm kiếm được.
Thao gật đầu và dõi mắt nhìn ra con đường...
Con đường hun hút bụi mù chạy thẳng qua triền dốc, vắt mình lên lưng đèo và đổ xuôi về bên kia dãy núi rừng phía tây. Đó là con đường xuyên qua biên giới. Nó vượt cửa khẩu mạn phía Tây, đổ xuống thung lũng mạn phía đông. Thị trấn, làng bản và khu thị tứ miền rừng xây dựng ven hai bên con đường làm nên một phố núi với nhiều hàng hóa ngoại nhập. Cơ man là hàng hóa được bày bán ở khu phố chợ. Xe Dream, quạt máy, nồi điện. Bia ngoại. Thuốc lá ngoạị Quần Jean, áo thun. Tất cả chừng như phá vỡ miền biên cương, nối cầu tri âm hữu hảo, nối bờ cõi này với bờ cõi kia bằng con đường buôn bán. Cả một miền rừng ngày nào bây giờ nhập nhằng, xao động, nhốn nháo trong cảnh mua - bán và bán - mua, hợp - pháp và bất - hợp - pháp.
Thao ngồi yên, anh cảm nhận sự đổi thay bằng một sự trống rỗng của tâm hồn. Phố núi bây giờ nhà cửa xây dựng đồ sộ, tiện nghi đời sống đầy những hàng hóa cao cấp, hiện đại. Điều anh ngỡ ngàng, nhói nhói là các mốt văn minh đều có mặt ở đây. Quán bia ôm đã vào tới các làng bãi. Nhà hàng Hương Rừng đủ các em tươi mát. Dịch vụ Karaoke ôm không thiếu. Các em xinh đẹp, điệu đàng từ mọi miền đất nước cũng nhanh chân chiếu cố tới mảnh đất này... Điếu thuốc trên tay Thao cháy tàn lúc nào không biết...
Chiều xuống vội.
Mặt trời lặn sau lưng đèo, con đường chìm khuất theo khoảng khắc lụi tàn của ánh nắng.
Thao vẫn ngồi im. Người đàn bà giọng ái ngại:
- Rất nhiều năm như thế mà anh vẫn còn khó khăn à...
ý nghĩ của chị là Thao vẫn còn nghèo khổ, vẫn còn chật vật với cái ăn, cái mang, cái tiêu dùng trong sự sống. Thao gật đầu, cười buồn. Mái tóc anh đã hoa râm. Nếp nhăn trên trán đã in hằn và đôi mắt đã bạc thếch mầu thời gian. Thao buông thõng đôi tay, đôi gò vai nhô lên dáng gầy gộc, héo tàn. Một đời người gần như đã mãn. Giọt nước mắt trên má anh lăn xuống. Mộ phần người xưa đã mịt mù, mất dấu.
Người đàn bà buông tiếng thở dài...
Cùng với những chủ hàng đầy mình thế lực, Thái đen là đại ca vùng phố núi. Mạn rừng chạy dài trong bán kính mấy chục cây số gồm các sắc dân: người Lào, người Kinh, người Bru, Vân Kiều, Tà Ôi. Quần cư, hội tụ trong một khoảng không gian rộng lớn, có thêm nghề buôn bán, gùi hàng, thồ hàng lậu qua về biên giới - Thái đen có dưới trướng cả mấy chục đệ tử và dân cửu vạn làm thuê. Tất cả bọn thanh niên thất tán, không đồng xu dính túi, mò đến đây kiếm ăn, Thái đen sẵn sàng thu nạp. Bên kia sông, phân ranh hai nước Việt - Lào, đồng vốn của Thái đen trải đầy cho các chủ hàng đồng sự. Dưới mạn xuôi, vốn hắn cũng phủ đủ cho các trạm trung chuyển và tiêu thú. Hàng đối lưu hai chiều, qua và về biên giới, hàng hợp pháp và bất hợp pháp, một tay hắn điều hành và chỉ đạo. Trợ lý hắn là bà vợ xinh đẹp nhưng đẫy đà, to béo. Thị sung mãn sức lực, mắt long lanh sáng quắc vì tiền (cặp vợ chồng này, bổ sung cho nhau, ngón nghề nào cũng thạo. Bạo lực và mua chuộc... Đó là chiến lược làm ăn trường kỳ của họ.
Thái đen vừa là hùm vừa là cáo của cửa khẩu miệt rừng. Bàn tay hắn nắm lại là nắm thép, sẽ đập vỡ tung những chướng ngại sắt đá. Đôi môi hắn nở nụ cười, là tình cảm thấm sâu vào phe đối tác, sẽ trơn tru, trót lọt cho những đường đi lối về.
Con cáo già khi đã tu luyện thành tinh, thì nó đã biết biến hóa đủ trò, ma thuật đủ ngón.
Trong thế giới làm ăn vùng cửa khẩu, nghe danh Thái đen người ta phải cúi đầu bái phục.
Thế nhưng, đã mấy hôm rồi, lòng hắn bực bội. Hắn bị ám ảnh bởi cái gã đàn ông phát vãng ở đâu dẫn xác đến vùng này. Thằng cha không thuộc ngành buôn bán, chẳng phải gùi hàng thuê. Hắn như bóng ma, thầm lặng lẩn quất quanh ngôi nhà của Thái đen. Hắn là "cớm" trá hình theo dõi chuyện làm ăn của Thái đen chăng? Hay là một tay đâm thuê chém mướn được một đại ca nào đó phái tới để thanh toán Thái đen...
Thái đen vò đầu, bứt tai... Hắn đã cho đàn em bám riết cái gai đó. Bọn đàn em... chỉ là đồ vai u, thịt bắp, dốt nát vô hạn. Chúng muốn dần thằng cha một trận...
Nhưng, Thái đen không chịu vậy. Hắn có kế sách hành sự riêng. Lòng hắn căm lắm. Chơi đòn sát thủ hắn là chuyên gia hạng nhất. Nhưng chưa vội. Không thể động tí xích mích, hằn thù là xơi tái lẫn nhau. Phải sáng danh sự lẽ. Đánh cho kẻ thù kệch tới già để biết Thái đen là tay anh chị khó chơi... Niềm quang vinh của nắm đấm đã đưa Thái đen lên chót vót đỉnh cao của ngành đại ca vùng cửa khẩu. Hắn đã từng là võ sĩ, một thời nổi tiếng hạ nốc ao đối phương. Sức mạnh võ lực giúp hắn tạo dựng cơ đồ, làm nên sự nghiệp. Thái đen công kênh thằng con trai yêu quý của hắn lên vai. Cậu quý tử mười tuổi, nghịch như quỷ, cười khanh khách trên vai bố, đưa tay chỉ lên đồi cho bố thấy gã đàn ông xa lạ còn thẫn thờ nhìn trời, nhìn đất...
Trong ký ức không bao giờ quên của Thao là sau cái ao chuôm, có con đường chạy thẳng về phía mặt trời lặn. Qua cái gò cao, nhìn qua bên kia thung lũng mịt mù sương khói là cái cổng. Đúng như người đàn bà đã nói - Ngôi mộ cô ta đặt nằm cạnh đó. Nhưng trời đất đã đổi dời, một miền rừng hoang vu đã thay đổi tất cả. Ngôi mộ đã mất dấu. Ngôi nhà hai tầng đồ sộ đứng ngay vị trí ngôi mộ xưa kia. Dọc theo con đường mòn dẫn vào núi ngày xưa, giờ trải nhựa và mở rộng là phố núi sầm uất. Cư dân miền xuôi lên lập nghiệp. Thị trấn cửa khẩu mở toang ra. Chào mời.
Thao đã lạc lối. Anh vật vờ như kẻ mộng du...
Thao không còn thiết gì đến ăn uống, nghỉ ngơi. Tiếp những ngày dài ròng rã. Thao vất vưởng trên những ngọn đồi, băng xuống những khe suối, vào sâu các làng bản. Thao tìm kiếm lại dấu tích của đời mình...
Hơn hai mươi năm trước, Thao còn là một chàng trai trẻ, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, người còn mang thương tích, hồn trống không đơn độc. Sau những cuộc săn đuổi của đạn bom và cái chết, sự sống căng ra, vật vã với mưa rừng, thú dữ, cái đói và sốt rét rừng... Người trai trẻ trở về, tìm chút bằng an trên nụ cười của đồng bào làng bản. Phút hạnh phúc bất ngờ bên những con người hồn hậu, tươi tắn lên cõi hồn khắc khoải của anh. Làng bản vui mừng chào đón anh. Những củ sắn nướng, những con cá bắt được ở dưới bờ khe, những tảng thịt săn trên miệt rừng hun hút. Ôi tình cảm biết là bao... Năm đó Thao ở lại đây. Chàng tiếp tục trận chiến mới. Trận chiến xóa mù vùng cao.
Hơn hai mươi năm trôi qua trong ký ức của Thao. Thuở đó anh và chị đã gặp nhau ở đâỵ ở chính cái vùng đất cửa khẩu biên giớị Tiếng súng lúc này vẫn chưa im hẳn. Biên giới phía Bắc còn rực lửa. Mặt trận biên giới phía Nam còn kêu gọi xương máu. Tháng ngày đó có nhiều bất trắc và gian nan. Nhưng sao những con người nơi đây hồn nhiên quá đỗi. Họ hồn nhiên với cả nghèo nàn và đói cực. Họ đùm bọc nhau dưới mái nhà chung của những con người sống sót sau một cuộc chiến tranh.
Thao nằm dài ra trên mặt đất, ngửng mặt nhìn trời. Nhìn những tảng mây trắng từ quá khứ xa xôi, lãng đãng trôi về. Trời trong và xanh quá. Người con gái ngày xưa có mái tóc dài theo mây bồng bềnh trôi về. Em cũng từ cuộc chiến tranh trở về... Không cần kêu gọi, nhưng em tình nguyện đến đây, cũng với nghĩa vụ chống mù vùng cao.
Thao khóc. Nước mắt anh chảy tràn vào lòng đất. Thao khóc đến rã rời thân xác. Và cứ như thế, anh nằm ngửa, giang rộng hai tay nhìn trời.
Ở bên trái cổng là ngôi mộ... Nhưng ngôi mộ đâu rồi! Tòa nhà hai tầng khang trang đồ sộ đã choán mất phần mộ của em. Người đàn ông đập mạnh hai bàn tay xuống đất, anh cào cấu đất đai, như bắt đền người mẹ đất đã quên đi xương máu, hài cốt của những đứa con mình. Bà mẹ đất đã thiên thu im lặng. Bà mẹ đất đã để mặc gió trời gào hú và con người mặc sức quần thảo với nhau để tranh giành cái gọi là sự sống sinh tồn.
Ngày hôm qua, Thao đã tìm vào ngôi nhà hai tầng đồ sộ đó. Chủ nhân của nó đã tiếp anh với một lũ tôi tớ dữ dằn vây quanh.
- Thưa ông, chính miếng đất này ngày xưa tôi đã chôn cất vợ tôi. Tôi vì làm ăn phương xa nên lâu rồi không hương khói được. Nay trở về thì không biết mộ phần của vợ ở đâu. Xin ông chỉ cho... ông đã cất dời đi đâu, hay vẫn còn nằm lại trong khuôn viên này.
Gã chủ nhà tái mặt. Vợ hắn cũng bất ngờ đến run bắn người lên. Những giây phút thật nặng nề trôi qua thật lâu. Gã đàn ông chủ nhà khoát tay, gằn giọng:
- Không có mồ mả gì hết. Nói thế là hồ đồ. Tôi xây dựng một cơ ngơi thế này phải điều nghiên, khảo cứu chứ! Dám làm chồng lên mồ mả người ta mà ăn ở được à! Ông quên cái tư tưởng ấy đi và cút xéo ngay. Đừng đến đây kiếm cớ gây sự. Tôi cảnh cáo ông. Ông có ý đồ gì thì chớ trách tôi. Thái đen này không phải hạng dễ chơi.
- Nhưng thưa ông, chính tay tôi đã chôn cất vợ tôi dưới đất nàỵ
- Cút xéo ngay... Còn nói năng bậy bạ nữa là ông hết đường về.
Và cái lũ tôi tớ dữ dằn vây quanh cũng nhao lên, hùa theo chủ:
- Xéo đi cha ơi! Con ớn cái ngu dại của cha quá.
- Thôi mời bố ra cho - bố chọc giận lũ chúng con, thì lũ chúng con không nể tuổi bố đã lớn đâu.
Thao đã không tranh cãi nổi với lũ người mồm mép nhặng xị đó, anh lại thất thểu lên đồi. Thôi thì, không định vị được phần mộ của cô ấy ở đâu. Thao lấy cả miền rừng này, cả vạt đồi này làm nơi hương khói cho cô ta. Coi như, tất cả đất đai này là mộ phần của cô, xương thịt của cô đã ký gửi vào trong đó...
Và đời này, kiếp này còn sống được ngày nào Thao phải ở lại hương khói cho cô. Anh đã bỏ đi dài ngày rồi. Bây giờ anh không được quyền đi nữa. Anh tìm về đây như tìm về một nơi an nghỉ cuối đời, vĩnh hằng bên cô ấy... Cô ấy chết đi tuổi đời còn trẻ lắm, chỉ vì một cơn sốt rét rừng ác tính, không cấp cứu được kịp thời... Thao khóc như ngày xưa anh đã khóc bên xác cô ta.
Trận mai phục để tiêu diệt Thao xảy ra trong khe núi. Đó là điều Thao không thể ngờ được.
... Lần theo dấu tích những con đường Thao hay lang thang, bọn côn đồ đã chọn đúng nơi vắng vẻ nhất. Chúng ra tay tàn bạo với gậy gộc và nắm đấm. Thao rũ người xuống, vừa chống đỡ vừa tìm đường thoát thân. Bọn chúng đông lắm, có cả chục thằng to cao, bự chắc đánh đấm một gã đàn ông ốm gầy. Điều chúng bất ngờ là gã đàn ông yếu gầy đó cũng có trình độ đấm đá bậc thầy. Có thế, gã mới một mình cầm cự được với cả chục thằng, bảo vệ được tấm thân khỏi sứt mẻ và chạy thoát một cách an toàn.
Bọn côn đồ cụt hứng, nhưng chúng cũng hả hê về báo lại cho chủ kết quả cuộc đánh người bất hảo đó.
Trong cái giang sơn miền rừng này, chuyện đánh nhau là cơm bữa. Tý so kè, kèn cựa, xích mích là nắm đấm tống vàọ Nắm đấm tống vào càng mãnh liệt sự tồn tại càng oai phong.
Thái đen là đại ca của ngành làm ăn có bạo lực. Hắn đã mất mấy phút trầm tư để nghĩ về kết quả trận hành hung do hắn chủ trương. Bà vợ xinh đẹp của hắn đã khích bác chồng. Thị chế vào:
- Đồ con rùa rút cổ. Một thằng giẻ rách đến gây sự tận nhà mà để yên được à...
Thế là máu vũ phu, bạo lực nổi dậy. Tẩn cho hắn một trận nên thân đi. Chủ khiến, tớ lập tức thi hành. Nhưng tẩn rồi, nện rồị.. vô hiệụ Thằng cha ấy vẫn còn. Hắn vẫn còn hương khói trên đồi cao, bên khe suối, trong nghĩa trang. Thằng quái này hết muốn an cư với người sống, hắn bạn bè với người chết thôi! Thái đen cười sằng sặc. Thằng quý tử của hắn cũng cười sằng sặc như bố. Con vợ hắn nguýt chồng, giọng dằn dỗi:
- Phải tìm cách tống khứ hắn đi. Hắn ở lại dài ngày, đồn bậy... ăn yên, ở yên được à...
Thái đen nín cười lập tức. Phải đích thân hắn ra tay thôị Lũ vai u, thịt bắp này du côn có thừa nhưng u mê lắm, đần độn lắm. Chuyện nhỏ mà vẫn không làm xong.
Sáng nay, Thái đen đã gặp Thao trên con đường vào chợ:
- Mày khá lắm. Phải đích thân tao diệt mày thôi.
Mắt Thái đen quắc lên. Tay nó siết lại. Các cơ bắp cuồn cuộn nổi lên. Thao buồn bã lắc đầu:
- Tôi xin anh. Tôi về đây để tìm mộ vợ tôi. Tôi không về đây để đánh nhau. Các anh tha cho tôi.
- Tha cho mày được à. Mày hạ nhục tao đến thế mà tha được à!
Cái giọng ngang ngược của kẻ côn đồ chỉ có phường du côn mới nghe được. Ai hạ nhục ai? Bởi phố núi phát triển, tấc đất cũng là tấc vàng; đè lên mồ mả người ta mà xây dựng nhà cửa, vô luân đến cạn đáy tình người. Trái tim không một chút áy náy; còn hành hung đánh đập như loài thú dữ.
- Anh không phải là con người...
Thao chưa kịp nói hết, một cú đánh như trời giáng bủa xuống, thêm cú đá xốc ngược lên.
Nhưng! Thái đen... bỗng sừng sờ. Gã đàn ông ốm yếu đó hất nhẹ một cái, hóa giải hết và ông ta nhẹ nhàng lẩn mình vào chợ.
Tên đệ nhất võ sĩ ngành đâm chém phát hiện ra trước mặt hắn là một ông thầy. Một ông thầy võ cao thâm và đắc đạo.
"Đích thị ông ta là một thầy võ cao thâm và đắc đạo".
Điều phát hiện của tay đệ nhất võ sĩ ngành đâm chém là đúng sự thực...
... Bởi từ khi người vợ mất, Thao ngã bệnh, đau ốm triền miên. Người ta thương anh, cho anh chuyển công tác về miền xuôi. Nhưng Thao đã chán cảnh giả dối, kèn cựa lẫn nhau, ganh tị đâm soi nhau. Thao rũ bỏ hết để lang thang, nay đây mai đó... Núi rừng, đồng nội, các buôn sóc người Chăm, làng bản các dân tộc vùng Tây Nguyên, Thao đều đến hết. Khi anh học đánh cồng, đánh chiêng, nhảy múa. Khi anh theo các tộc người miền núi đi kiếm lá thuốc rừng chữa bệnh. Khi anh học võ với những người già vùng đất Tây Sơn. Khi anh say vùi bên ché rượu cần ở rẻo núi vùng cao...
Anh học đánh cồng, anh học thuốc, học võ cũng không biết để làm gì. Chúng như những thứ nghệ thuật làm ăn say mê để quên cơn đau và nỗi buồn. Điều Thao luôn luôn phải nhớ là nhân nghĩa con người, là con người phải biết có nhau... Bao năm rồi anh mang hình bóng cô ấy trong tim để đi trong trời cao, đất dày, sông sâu, núi rộng...
Sáng nay cả thị trấn chiêm ngưỡng một hành vi bất hủ của Thao. Thằng con trai độc nhất của Thái đen mải ham chơi đùa rớt xuống giếng. Giếng miền cao sâu lắm. Một bầy lũ tôi tớ, đầy mình võ nghệ, cơ bắp cuồn cuộn, nháo nhác chạy quanh. Chúng có những trái tim bị loài chó xơi tái, thạo việc đánh người, chưa biết việc xả thân cứu người. Chúng gọi nhau ơi ới, nhốn nháo...
Thái đen... đại ca đến thế, hung tợn đến thế, cũng chỉ biết quát tháo và khóc lóc...
Đứa con của hắn đang nằm dưới giếng sâu - Đứa con độc nhất, nối dõi tông đường... Thái đen yêu thương gìn giữ thằng bé lắm. Đó là hạt ngọc quý nhất đời hắn, mai này sẽ thừa kế gia sản tỷ phú của hắn; sẽ hương khói phụng thờ dòng tộc nhà hắn. Ông cố, ông sơ... phải phù hộ độ trì cho thằng bé.
Thế mà bây giờ thằng bé nằm dưới giếng sâu, chưa biết sống chết thế nào. Vợ hắn gào to, thét khàn cả giọng:
- Ai cứu con tôi!
Không ai dám xuống hết. Chưa kịp tìm ra biện pháp gì hết. Trong cái khoảng khắc căng thẳng đó, cái thằng người không muốn an cư với người sống, bạn bè với người chết như chồng thị đã rủa xuất hiện. Ông bình thản cởi áo và quần, quấn qua cổ mình, rồi leo xuống giếng...
Năm phút. Mười phút im lặng trôi qua... Thao đã dùng chính quần áo của mình, cột thằng bé trên lưng và dùng tay dùng chân bấu vào thành giếng, đạp vào thành giếng... mà lên.
Cả một rừng người vỗ tay hoan hô náo động cả thị trấn.
Thao lặng lẽ đặt thằng bé nằm xuống... làm hô hấp và xoa bóp cho nó. Thằng bé mở mắt, ngỡ ngàng nhìn người cứu nó.
Thái đen qua cơn xúc động đã thành kính đứng trước mặt Thao:
- Tôi có tội với ông. Ông là người vô cùng nhân đức.
Không để Thái đen nói hết lời, Thao xòe hai bàn tay ra:
- Anh nhìn đây. Hai bàn tay tôi đã rớm máu. Nhưng nó chỉ dùng cứu người. Tuyệt đối không đánh người.
Đó là giây phút giác ngộ của Thái đen...
Niềm kiêu hãnh của cướp giật, bỗng chốc tan tành.
Thái đen từ từ quỳ xuống. Hắn lạy sống Thao mấy lạy. Cái chân lý hắn phát hiện được, được nói ra chỉ vỏn vẹn mấy lời. Bàn tay nên dùng để cứu người. Phút chốc trong đầu Thái đen đã hình thành một quyết định. Sẽ lật sập ngôi nhà, đào bới tận cùng mỗi tấc đất... để tìm kiếm hài cốt của cô ấy.
Thành cổ Quảng Trị, mùa hè 1999
(Báo Văn nghệ)
THƠ THÁI ĐÀO
TRĂNG ĐÃ ĐỘ RẰM
Không phải tình cờ gió theo mây
Tri ân em mở rộng lòng này
Cho hoa vô hướng thơm ngàn núi
Cho biển trùng dương dội sóng gào.
Không phải tình cờ hạc bay xa
Bỏ đình trơ vắng cảnh chiều tà
Ngàn năm bỡi lụy cơn dấu ái
Gió cuốn về trời em xót xa.
Mưa vẫn màu mưa ngàn năm cũ
Mà nghe thân lạnh buốt đường về
Chân vênh bờ cõi mùa trăng động
Lá lót em nằm tự cỗ xưa…
Ta tạ ơn nhau đến vạn lần
Vạn lần môi tím với cơn đau
Không phải tình cờ mà em tới
Em tới bởi trăng đã độ rằm.
CHỢ VÃN CHIỀU TÀN
Bên kia có dòng sông thức suốt
ta bạc đầu ngồi đợi ánh trăng
em son phấn đi về phố chợ
bao năm rồi vàng đá nát tim.
Bao năm rồi câu thơ phiền muộn
lưng chừng đời
em bỏ tôi đi
mưa hạnh phúc
đôi tay núng nính
lưng chừng đời một trái tim khô.
Mù con mắt
phương nào để nhớ
áo phong sương phô với ngày dài
phô suốt kiếp bờ hoang ảo mộng
em ơi em…tình đã trần ai!
Bên kia có dòng sông thức suốt
tháng năm rồi cuộn những cơn đau
tháng năm rồi …
chợ chiều vãn khách
vãn câu hò
vãn chuyến sang sông
vãn cuộc tình lao đao – lận đận
em qua sông
không có ngày về.
Em qua sông
đời tôi đã bạc
cuộc bán buôn đến độ cao trào
tôi chỉ có tim khô nguội lửa
bán cho ai…
chợ vãn
chiều tàn
THÁI ĐÀO
ĐỌC THÊM
Mặt đất này rớt lại mấy mùa trăng, thơ
Bài ca lau trắng, thơ
Tiếng an dân, truyện ngắn
Loài hoa trắng, truyện ngắn