Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 14, 2018

ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY" - Nguyễn Khôi



                Nhà thơ Nguyễn Khôi



  ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY"


  Xưa nay trong các cuộc Thảo luận/ tranh luận về Thơ...đều nhằm mục đích tìm  (phát hiện) ra "Thơ hay" và loại bỏ "Thơ dở".
  Vậy Thơ chỉ có một tiêu chuẩn một chữ là chữ là HAY hoặc DỞ mà thôi.
  Thơ là tuyệt đỉnh của văn chương vì Thơ ít chữ nhưng nói được nhiều hơn văn xuôi. Thông qua tư duy, người ta đạt đến Nghệ thuật và khoa học; nhưng với Thi ca thì không như vậy, bởi vì Thơ là ngẫu hứng (là tài hoa mà Thi nhân phát tiết ra).
  Một tác phẩm Thi ca càng độc nhất vô nhị và khó nắm bắt đối với trí tuệ bao nhiêu thì lại càng hay đến bấy nhiêu. Ở Đức, Thơ là chốn ẩn mình của những Tác giả có tài và bất tài, song đều chung nhau ở một điểm là ít dính dáng đến trí tuệ (nói theo Thi hào Goethe). Còn theo Heine thì "Thơ ca là căn bệnh lạ kỳ, căn bệnh đẹp nhất của nhân loại"; chả thế mà Chế Lan Viên cũng nói "Thi sĩ không phải là người (bình thường), nó là Người Mơ,Người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ"; còn nói văn vẻ như Tchékov (Nga) thì "các thiên tài của tất cả các thời đại và các nước nói bằng các thứ tiếng khác nhau, nhưng trong các thứ tiếng ấy có cùng một ngọn lửa cháy".

  Đổng Trọng Thư (đời Hán): "Thơ ca không thể giải thích được". Vương Sĩ Trinh (đời Minh): "Thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì hết thi vị"

   Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa "thơ hay là thơ gồm 6 chữ: giản dị, ám ảnh, không quên". Trần Đăng Khoa kêu gọi: "mỗi người chỉ làm 1 bài thơ thật chất lượng, 1 bài thơ "để đời".

   Tóm lại : 1 bài "thơ hay" phải hội đủ 3 yếu tố : lời hay, ý đẹp, truyền cảm.
Nói một các khác là : Thơ hay phải là Ý mới / Tứ lạ / có Hồn. Khi Thi nhân  cảm hứng. ý thơ tuôn trào, hồn thơ lai láng, đó là giây phút xuất thần thường cho "thơ hay".

 Một câu thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố : Ý mới, tứ lạ / hình tượng thơ sống động / Ngôn ngữ thơ tinh luyện, nhạc điệu truyền cảm /có tính đột ngột tạo được ấn tượng .

Một câu Thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố (Tiêu chuẩn) : Ý mới, Tứ lạ / hình tượng Thơ sống động / Ngôn ngữ tinh luyện, nhạc điệu truyền cảm / có tính đột ngột tạo được ấn tượng...khi đọc lên làm xao xuyến lòng người. Ví dụ một số câu thơ có thể gọi là hay :

 *1, Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
      Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô.
                                ( Gửi Tuyên Quang)
 *2, Xứ Đoài mà thiếu Ba Vì nhỉ

       Thì trời mây trắng cũng bơ vơ.
              ( Ba Vì- tháng 9 mùa thu)
 *3,Con sông chảy oằn mình trong lũ bão
     Nỗi buồn nào dự báo cái băn khoăn
                                   (Bến Ninh Kiều)
 *4, Dân cửu vạn lần hồi quanh Lăng Bác
     Lũ rỗi nghề chém gió Quán bia hơi.
      (đáp Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng/ Nga)
 *5,Rượu quê một chén Thiệu Hưng
     Ai SAY THỜI CUỘC mà không Chí Phèo ?
                                             ( Nhớ Lỗ Tấn)
 *6,Dù tản mác khắp chân trời góc bể
     Góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê .
                   (Thơ về làng Đình Bảng)
  *7.Một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng
    Một nụ hôn sương khói ở bên đèo.
                                      ( Với Sa pa)
 *8, Càng "đổi mới" càng teo dần "phố Phái"
      Những cao tầng đội mái chui lên.
                                      ( phố Phái)
 *9, Thật hạnh phúc ngày trở về Hà Nội
       Thấy lòng mình tĩnh lặng hồ Gươm.
                                         ( Nhớ Hà Nội)
 *10, Váy cô gái H'Mông sặc sỡ thế
        Để người già trẻ lại muốn yêu đương
                                          (Lũng Luông)
 *11, Máy xay xát được mùa tuôn suối gạo
       Đời vui rồi Thác bật điện lên soi.
                         (Bản mới định canh)
 *12, Cái đêm hè ấy ai ra tắm
       Để cả bầu trời phải TẮT trăng.
                                    (Ao làng)
 *13, Những bia mộ không tên - Chiến sĩ vô danh
       Người đã thăng Quân hàm cho các Tướng.
                             ( Nghĩa trang Trường Sơn)
 *14, mác lê bọc bằng Thơ
         Đã đâm chỉ có "tử".
         (Chân dung Nhà thơ Tố Hữu)
 *15, Xuân bốn mùa gạo thơm đầy lù cở
       Cải lên ngồng  hoa nở kín thung mơ.
       (Thăm quê hương vợ chồng A Phủ)
 *16, Cãi lý với người H'Mông rất mệt
        Một ông đồ Nghệ hóa thành hai.
                               (Người H'Mông)
 *17, Đến xứ đẹp mà mình không đẹp
         Nhìn vầng trăng cũng thấy thẹn thùng.
                                           (Với Đà Lạt)
 *18, Mắt soi mắt ánh trăng lồng lộng
         Chỉ thấy nhau nào thấy bao người.
                        (Uống rượu với bạn tình)
 *19, Ồ, Thi tửu cất hồn lên cánh bướm
         Mắt mơ huyền đổ ngọc nặng thuyền mây.
                                 (Uống rượu với bạn tình)
 *20, Váy Đình Bảng không buông chùng cửa võng
        Thì bao giờ còn Đến hẹn lại lên ?
                             (Váy Đình Bảng)
                   
                           Hà Nội,16/2/2017 - 7-3-2018
                                     NGUYỄN KHÔI


READ MORE - ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY" - Nguyễn Khôi

CUNG BUỒN PHƯƠNG NAM - Thơ Hoàng Yên Linh



   Tác giả Hoàng Yên Lynh


CUNG BUỒN PHƯƠNG NAM
                              
Điệu lý buồn
Ai hát để làm thơ
Thoáng hương tràm
Loang qua cửa sổ...
Bìm bịp kêu chiều
Gọi đàn về tổ
bơ vơ.

Giọt nắng muộn
Rơi dần theo vũng tối
Dòng thời gian
Lặng lẽ buông trôi.
Chiều chầm chậm
Hòa tan cùng điệu lý
Người ra đi
Mòn mỏi cánh chim di
Đếm sợi nhớ
Chạnh lòng đời xa xứ.

Chiều Bạc Liêu
Ai hát lý chiều chiều
Buồn hắt hiu.

Hoàng Yên Lynh
                   
READ MORE - CUNG BUỒN PHƯƠNG NAM - Thơ Hoàng Yên Linh

NÓI VỚI NGƯỜI XƯA - Thơ Tịnh Đàm



        Nhà thơ Tịnh Đàm



NÓI VỚI NGƯỜI XƯA
(Tặng Kim Chi "Gò Công" để nhớ một thời yêu)

Lặng thầm thôi,
Hoàng hôn anh !
Mắt nhìn một chút nắng hanh...
Chợt buồn !
Người xưa,
Giờ cũng xa luôn !
Bỏ đây nỗi nhớ...
Với muôn tiếng lòng !
Áo vàng mơ...
Thuở chờ mong .
Đời vui được mấy?
Đã rong rêu tình !
Ngày trôi...
Cùng nỗi riêng mình !
Mây bay trắng mộng...
Như hình bóng ai !

          TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - NÓI VỚI NGƯỜI XƯA - Thơ Tịnh Đàm

HOA GẠO THÁNG BA - Thơ Đàm Ngọc Năm



           Tác giả Đàm Ngọc Năm


 HOA GẠO THÁNG BA

Hoa gạo quê mình đã nở, tháng Ba
Cái rét Nàng Bân đang về từng ngõ xóm
Ôi nhớ quá thời tuổi thơ vui nhộn
Muốn hái hoa nhưng gai nhọn chẳng dám trèo .
Mấy đứa thi nhau...
Dùng súng cao su, mắt cứ “nheo nheo"
Như các chú bộ đội trên thao trường tập bắn !
Có đứa bắn rụng nguyên một hoa , khoái lắm
Đứa bắn rồi chẳng thấy... gió lung lay (!)
Buồn , nhưng chỉ buồn trong chốc lát lại quên ngay...
Ôi nhớ lắm mùa hoa gạo quê mình ngày ấy.
Cái rét tháng Ba , dù áo mong manh vẫn quậy
Quậy hết mình , thời đó thật vô tư.
Giờ già rồi, thấy mùa hoa gạo tháng Ba
Khao khát lắm về tuổi thơ chẳng được.
Nếu có ai đó đủ cho tôi một điều ước
Tôi chỉ ước thôi : Mùa hoa gạo ngày xưa !


                                      Đàm Ngọc Năm
                               
READ MORE - HOA GẠO THÁNG BA - Thơ Đàm Ngọc Năm

MƯA BUỒN NHỚ AI - Thơ Đỗ Anh Tuyến





MƯA BUỒN NHỚ AI

Bất ngờ trời lại chuyển giông nhanh
Một sớm mùa xuân mưa trái mùa
Tí tách rơi rơi nơi ngỏ vắng
Lác đác bên đường bong bóng tan

Mưa cố tình thôi mưa cứ mưa
Mưa ngoài hiên vắng, nhớ Sài Gòn
Mưa cho lòng nhớ, mưa da diết
Nhớ Sài Gòn mưa, ta nhớ ai?

Nhớ lắm phố mưa lòng cô quạnh
Trắc ẩn trong ta một nổi niềm
Mưa cảm xúc tâm hồn thể xác
Mưa của chính mình, mưa của ai?

ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

READ MORE - MƯA BUỒN NHỚ AI - Thơ Đỗ Anh Tuyến

CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ CỦA HUY UYÊN





Quảng-trị, hẹn một ngày về

Không về đâu ơi người em Quảng-trị
biền biệt xa quê góc bể chân trời
ai bỏ đi giọt lệ tình cố-lý
để tháng ngày hoài mãi với chơi vơi.

Đã tới vụ mùa phải không em gái
nụ cười xưa còn lại chút ấm lòng
một người đi,đi hoài đi mãi
để rồi ai ở lại đợi chờ, trông.

Chiều về em có ngồi lại bên sông
nhớ ai xưa mà vọng-sầu-cố-xứ
mai độ vào xuân chín nụ
hỏi anh có về, có nhớ em không ?

Đường về Hải-lăng ngập ngừng mây kéo
phố Đông-hà nghiêng mấy quán chợ buồn
qua Cam-lộ tình mây trôi mấy nẽo
để ai đi mà hát khúc Triệu-phong thôn.

Không về đâu ơi người em Quảng-trị
mai xa người theo nổi nhớ quê-hương
em có đứng bên đường
đợi anh về không nhỉ ?
từ lúc nắng lên cho tới chiều buông.

Ơi em gái quê có trái tim thật buồn
bao năm chờ người đi không trở lại.


Về Quảng-trị 2

Dặm sầu vắt ngang Thành-cổ
mùa về theo mắt ai xưa
mà hồn như còn đem bỏ
bốn mươi năm quên lối về.

Chuông ai gọi hồn La-vang
mân-côi bóng che tình mẹ
Quảng-trị qua đi dâu bễ
chim bay ríu rít gọi đàn.

Quảng-trị nắng pha mắt lệ
em đâu mà chưa thấy về
năm canh thao thức Mĩ-thủy
gọi hoài sao em không nghe ?

Bến-hải bao năm đợi người
xẽ chia đắng cay Nam, Bắc
cho tình ngày tháng xa trôi
đứng bên cầu Hiền-lương, khóc.

Một thời Cồn-tiên, Dốc-miếu
lên cao xuống thấp đêm dài
bên đồi trong chiều hàng liễu
thả tóc như nhớ thương ai.

Rockpile một mình lẻ bóng
bên đồi gió hắt hiu lay
đường lên Khe-sanh xa lắm
cớ sao thương nhớ vơi đầy.

Nghiêng treo mấy nhịp Dakrong
ngút ngàn mây trời sông nước
Lao-bão(xa) ranh giới hai miền
Đen-sà-vằn đợi chờ 
sao người đành quên thề ước.

Gặp em cơn mưa đường 9
sân bay Tà-cơn chiều sương
rừng đồi một thời lửa đạn
thương ai xác bỏ chiến-trường.

Bốn mươi năm(mây) ngủ lưng đèo
thức dậy đọng sầu thung-lũng
qua rồi trận mạc buồn hiu
quay về bao mùa lá rụng.

Những bãi ngô vàng xanh ngắt
có đẫm máu người năm xưa
lên đồi nhớ ai mà khóc
đau rồi nước-mắt-chan-mưa.

Em đi trọn mấy đường trần
về đây treo sầu nhớ mãi
Thạch-hãn giờ chết bên sông
lòng ai có sầu tê-tái.


Xa rồi Quảng-trị
       
Cầm bằng ngày đó tôi về
đứng bên sông nhìn Nhan-biều, Ái-tử
xao xuyến chi tình trải mấy khúc quê
lặng lẽ đổ chuông chùa Sắc-tứ.

Bao năm xa rồi Quảng-trị
nghẹn lòng từng bước con xa
nước mắt chan cơm
vọng tình cố-lý
nơi xưa đâu còn đọng lại quê nhà.

Chiều thả buồn qua phố Trí-bưu
hồn người bơ vơ lạc nơi thành cổ
đạn bom xưa mãi tới bây giờ
chinh-chiến điêu linh đầy tiếc nhớ.

Lối trái về ngang tới chợ
bà con nghèo hai buổi cháo rau
dọc đường xưa Trần-hưng-Đạo
vật vờ lối quanh sương khói dãi dầu.

Ngày rộn lòng xao xuyến An-tiêm
gởi tình cho ai xuôi Bồ-bản
dấu ai nước mắt
em nụ cười duyên
để tôi cả đời mang ra mặt trận.

Bao năm rồi gởi lòng về Thạch-hãn
hỏi hàng tre xanh che mấy đường làng
nhớ thương người xa quê từ bận
gởi dặm sầu tha thiết Long-hưng.

Một thời gởi tình ở lại La-vang
xóm chài bên cầu nhiều đêm không ngủ
quán chợ đìu hiu hắt bóng đèn đường
nghe trong đêm bài ca buồn cố-xứ.

Tôi một mình quay về Quảng-trị
đường Gia-long mưa lất phất bay buồn
em ở đâu mà phố giờ hoang-phế
ngậm ngùi đêm trôi lạc cỏi mù sương
Quảng-trị ơi có buồn ?


Hạnh-hoa thôn

Hai mắt em hồ như đuôi lá răm
sáng nay về đâu mà coi đìu hiu lắm
về Trí-bưu giáo đường đầy nắng
hay Hạnh-hoa-thôn chuyến chợ phiên buồn.

Ai theo em để kịp cùng đường
nơi triền quê và bầy nghé ọ
bên sông em gái làng hồng đôi má
và hàng tre còn đọng lại hơi sương.

Hạnh-hoa-thôn nắng lên mùa vụ
thoáng môi ai hơi ấm,ắp giọng cười
hay em đi rồi bỏ lại mình tôi
bước thơ thẩn lòng căng bão tố.

Chiều chuông nhà thờ chầm chậm đổ
giọng người êm dịu tiếng kinh cầu
ngày hai ta chia đôi bóng nhỏ
giáo-xứ buồn còn lại trong nhau.

Bao năm qua mắt đỏ lệ người
đợi bóng chiều nghiêng về chung bước
Hạnh-hoa-thôn tiếng gọi quá xa xôi
tình ở lại mà người thôi xa mất.

                                  Huy Uyên

READ MORE - CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ CỦA HUY UYÊN

CHÙM THƠ NGĂN VIẾT Ở ĐÀ LẠT - Lê Thiên Minh Khoa


Lê Thiên Minh Khoa ở Đà Lạt.


Lê Thiên Minh Khoa

CHÙM THƠ NGĂN VIẾT Ở  ĐÀ LẠT


TỪ ĐỈNH LANGBIANG

Những mảnh vườn treo nghiêng lưng chừng
Con đường ngoằn ngoèo treo trong mù sương
Mây vắt cầu
treo hai đỉnh núi
Lơ lửng bên anh
em - treo làn hương


  QUA ĐÈO BẢO LỘC
        Tặng Trịnh Đình Thân

Non quấn lụa non soi đáy nước
Nước biếc thì thầm hát tặng non
Nước non đã quyện lời giao ước
Mây trôi, nước chảy, cội non mòn
                    Đà Lạt, 20/8/2003.


CÂY MÓNG BÒ

Lá chân chất móng bò
Hoa kiêu sa hoàng hậu (*)
Khổ đau chiếc lá giấu
Nét đẹp nở thành hoa.
      Đà Lạt, 27.8.2003
                   (*) Cây móng bò còn gọi là lan hoàng hậu.    



THỜI  CẢM

Mây chiều tuôn về hạ
Rối mù sương thu đi
Ngập ngừng lưng dậu đổ
Chập choạng nẻo từ qui.
       Đà Lạt , 27.8.2003


CHO CÔ GÁI BỤI …

Bỏ nhà lăn lóc công viên
Nát nhàu thân xác giữa triền miên mưa
Trong em còn nét ngọc xưa
Trong tôi còn chút thẫn thờ
mà đau!…
                  Công viên chợ Đà Lạt, tối  30.8.2003. 



Bên thác  PONGOUR


Em và anh cùng ngắm thác Pongour
Ngọn cao vọi thành ra trời xuống thấp
Chợt nhận ra hai đứa mình biến mất
Trắng xóa bên trời còn lại thác Pongour…
                 Nhà sáng tác Đà Lạt - 08/05/2006

GẶP HAI LOÀI HOA Ở ĐÀ LẠT


Tím bìm bìm hoang dại
Lặng lẽ chốn phồn hoa
Tím ti-gôn quý phái
Lạc bên suối hoang sơ.


MÙ SƯƠNG


Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương, bay  trôi…


CHỢT NHỚ


Đến Đà Lạt                    
có mưa
        có sương
mà có em
Nên lòng ấm lại
        Xa Đà Lạt
        xa mưa
        xa sương
xa em
Chợt nhận ra mình bỏ quên áo lạnh
xứ mù sương.

                                           LÊ THIÊN MINH KHOA
(Trích từ tập thơ “LẶNG LẼ TÔI” của LTMK, sắp xuất bản- 2018)

READ MORE - CHÙM THƠ NGĂN VIẾT Ở ĐÀ LẠT - Lê Thiên Minh Khoa

CON HÓI LÀNG - Thơ - Mai Vân Văn Thiên Tùng

Sông Vĩnh Định nhìn từ cầu Sải.
Ảnh Phạm Đình Quát.



Mai Vân Văn Thiên Tùng

CON HÓI LÀNG*
(Dành tặng cho các chàng trai cô gái thôn làng đã lớn lên thành đôi lứa và gắn bó nghĩa tình với con hói cùng công việc đồng áng.)

Tự thuở nào trên dòng sông quê với
Con hói làng gắn kết nghĩa thủy chung
Hói cõng mang từng giọt nước vào đồng
Và hết mực chia nắng khô - úng lũ
Con hói làng góp phần thêm no đủ
Là vốn nguồn thủy sản tự thiên nhiên
Theo mỗi mùa cứ vậy nối tiếp liền
Tích dưỡng chất - góp phần nâng nhịp sống
Mỗi đông về …với lũ to ngập úng
Lũ lùa bao tôm cá - lẫn phù sa
Hói dẫn dòng từ đồng cạn đến xa
Nào con giếc - chép - rô - mương - thát lát…
Hạ nắng thiêu hùa gió lào rát rạt
Bao cánh đồng đợi nước - ngóng cơn mưa
Bao cỏ cây ngoi ngóp khát giữa trưa
Hói oằn mình … dẫn dòng nào ta thán !
Những cánh đồng hẳn chẳng còn than vản
Đàn trâu bò - đằm vụng béo tròn ây
Đôi bờ đê cỏ mượt - mướt rậm đầy
Nguồn dinh chất tăng sức đàn gia súc…
Những chàn cao - bao đợt guồng lùa nước
Từng chàng trai cô gái dáng tròn quay
Từng thớ gân săn chắc vốn dặn dày
Tăng hết sức đẩy nhịp vồ quay tít…
Nhớ thuở ấy chúng mình là con nít
Vốn theo anh đi tát cá - mò nghêu
Cùng theo cha cất rớ mỗi sớm chiều
Hay theo bạn thả lừ - giăng câu - lưới …
Cả dân làng từ xóm trên xóm dưới
Khi nước ròng chơm đóng - tát - kéo sào
Những con tràu - con hẽn béo ngậy sao
Thêm tôm tép - bờ bơng … nhiều vui thấy
Con hói làng có từ xa xưa ấy
Từ nguồn Nhùng tách ngọn chính Hãn giang
Con đập xây lắp cửa ván chắn ngang
Nên hói ví tựa như là thiên sứ
Bao trai gái trong làng khi vào vụ
Vàn đổi công tất bật việc ruộng đồng
Rồi yêu nhau lại nên vợ thành chồng
Cây hạnh phúc đong đầy từ đây vậy.

Q.Trị, 24.6. 2017
Mai Vân-VTT

READ MORE - CON HÓI LÀNG - Thơ - Mai Vân Văn Thiên Tùng

VĂN TẾ TỬ SĨ GẠC MA - Kha Tiệm Ly



                         Tác giả Kha Tiệm Ly


VĂN TẾ TỬ SĨ GẠC MA
* Kính dâng 64 anh linh của những anh hùng hy sinh vì tổ quốc thân yêu tại Gạc Ma ngày 14/3/1988

Ôm hận thù biển cao sóng hờn căm,
Phủ tang tóc mây che màu u uất.
Giọt máu hồng làm mặn nước biển đông,
Khăn sô trắng phủ đau trời tổ quốc!
Nhớ xưa,
Anh em ta cùng giống Tiên Rồng,
Bờ cõi nước trải liền Nam Bắc.
Từ Đồng Quan về Minh Hải, sông vạn ngàn sông
Từ Trường Sơn đến Hoàng Sa, đất muôn dặm đất.
Phơi gan mật thề bảo tồn một cõi biên cương,
Đổ xương máu quyết giữ vững ba miền xã tắc.
Ở sau bếp cũng gặp mặt nữ lưu,
Ra khỏi ngõ lại chạm người hào kiệt!
Điên tiết giặc, Nguyễn Biểu sang sảng lời thơ, thản nhiên ăn cỗ đầu người,
Điếc tai thù, Bình Trọng ngân ngất chí hùng, khinh mạn làm vua phương bắc.

Hỡi quân thù!
Sao mi giở thói cũ, chiếm đất xua quân,
Sao mi ỷ thế mạnh hiếp tàu cắt cáp?
Cậy tàu lớn, thản nhiên cho chiếc bắn chiếc đâm,
Ỷ người đông, vô tư cứ chân chà chân đạp!
Tay đàng điếm nên mới vạch “lưỡi bò”,
Miệng quỉ ma còn nói câu “bốn tốt”.
Bởi tin “bốn tốt” mà Sinh Tồn chẳng đặng tồn sinh
Vì mạ “chữ vàng” mà Gạc Ma bị yêu ma gạt!
Cho mi hay!
Lời thề Hưng Đạo cuộn sóng nước Hóa Giang,
Câu thơ Thường Kiệt vỡ lòng sông Như Nguyệt.
Máu chánh khí tôi đỏ lửa căm thù,
Tim sắt thép thét khan lòng bất khuất.
Cỏ cây còn đổ lệ sụt sùi,
Sỏi đá khó nén lòng căm tức!

Cho nên,
Hoàng Liên Sơn vươn đỉnh chọc thủng mấy tầng mây,
Cửu Long Giang cựa mình hóa thành rồng chín khúc
Còn triệu trái tim chính khí thì còn tổ quốc Viêt Nam,
Còn một giọt máu anh hùng, thì còn giang sơn Hồng Lạc.
Đất ta không thiếu Chi Lăng, Hàm Tử , Ngọc Hồi,
Người ta không thiếu Ngô Quyền, Quang Trung, Hưng Đạo.
Súng mi càng nổ, biển ta càng dậy sóng căm hờn,
Máu ta càng rơi, đảo ta càng cao thềm bất khuất!
Đảo mang thương tích, đất mẹ trăm sông cùng dậy sóng Bạch Đằng,
Biển nổi ba đào, cả nước vạn dân không quên lời Sát Thát.

Cho nên,
Trần Văn Phương hứng bao viên đạn, còn một lòng giữ biển đảo quê hương,
Nguyễn Văn Lanh bị mấy nhát lê, vẫn nhất quyết ôm cán cờ tổ quốc.
Không chịu hàng trước họng súng thù,
Thà làm mồi ngay hàm cá mập!
Thây treo đầu súng, thây chất lên thây,
Máu nhuộm lòng sâu, máu hòa theo máu.
Nay một lời, sau vẫn một lời, bản sắc anh hùng đâu dễ nhẹ tênh,
Sống một lần, chết cũng một lần, xương máu anh linh không hề ô trọc!

Than ôi!
Xưa quên mình vì nước, sử ngàn đời kẻ tiếc người thương,
Nay giữ đảo quên thân, người bây giờ ai quên ai nhắc?
Mặc ai vô tình không nhớ, thì cây Trường Sơn ngàn thuở vẫn thêm xanh,
Mặc ai cố ý muốn quên, thì máu hào kiệt muôn thu còn tươi sắc.
Thương con thơ vợ dại, trở trăn cùng gối chiếc lạnh lùng,
Nhớ cha yếu mẹ già, thao thức bên đèn khuya hiu hắt!
Gió buồn ai mà gió thổi vi vu,
Mây buồn ai mà mây trôi man mác?

Hỡi anh linh!
Dù cho máu nhuộm màu mây,
Dù cho xương tan màu cát.
Máu anh hùng dù chết vẫn sục sôi,
Gươm chánh khí dẫu mòn không rỉ sét.
Sống làm tướng, thác làm thần, đời đời rạng ánh uy linh,
Sống làm người, thác làm phân, mãi mãi xanh cây tổ quốc

Hôm nay.
Sáu bốn (64) hồn thiêng anh kiệt, triệu người ngưỡng mộ, mặc tình ai chẳng biết hiền, ngu.
Ba mươi năm thương hải tang điền, vạn sử lưu danh, vẫn còn kẻ tinh tường vinh, nhục!
Tâm hương ba nén, làm thơm trang sử vàng ghi,
Văn tế môt bài, thay cho ngàn năm đá tạc.
Ô hô! Có linh xin hưởng!
                                                     Kha Tiệm Ly


READ MORE - VĂN TẾ TỬ SĨ GẠC MA - Kha Tiệm Ly