Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 22, 2018

NGÀY MAI VÔ THƯỜNG LẮM ! - Trần Mai Ngân



                                        Tác giả Trần Mai Ngân


NGÀY MAI VÔ THƯỜNG LẮM !

  Ngày mai vô thường lắm !

* Mới đó D cười cười, nói nói... trước khi bye cả nhóm. D còn nheo một con mắt có đuôi thật dài. Đôi mắt lá răm đẹp đã làm cho nhóm đàn ông ngẩn ngơ chìm vào sâu.
   Vậy đó, hai giờ sau thì hay tin D ra đi mãi mãi. D đi một mình lặng lẽ bằng con đường rất cô đơn !

* K nói trong cơn giận sôi người. Bao nhiêu cay đắng, oán hờn của cuộc đời K như trút hết vào người yêu của mình. Người yêu chỉ biết khóc và lòng đầy tổn thương đau đớn. Phải chia tay nhau thôi. Không còn cách gì khác...
     Giờ đây, cô lại muốn nghe lời trách móc ấy, muốn nhìn K nổi giận...
     Có được đâu ! K đã ngủ và không bao giờ thức dậy nữa !

* Hai người ngồi bên nhau - xây mộng dưới ánh trăng vàng thật đẹp.
  Tháng sau sẽ là hạnh phúc lứa đôi.
   Vậy mà, một người đã vội buông tay và làm tan nát cơn mộng dưới trăng!     Còn đâu.

   Vậy đó, là cuộc sống vô thường. Chúng ta không thể đoán định được một cuộc chia ly...
       Hãy quên cái tôi của mình để yêu thương, để vì nhau và rộng lượng.
       Hãy yêu gia đình từng khoảnh khắc, cả vui, cả buồn.
       Hãy yêu những người thân, những bạn bè dù họ hiểu và không hiểu.
       Hãy tha thứ và khoan dung cho những ai sân hận với ta. Bởi vì chính họ phải đau khổ và họ luôn sống trong u tối không có niềm vui hạnh phúc...

       Bởi thế ta hãy đong đầy yêu thương và chan hoà trong cuộc sống với mọi người.
      Vì có biết đâu... ta không kịp ngày mai !

                                                                     Trần Mai Ngân

READ MORE - NGÀY MAI VÔ THƯỜNG LẮM ! - Trần Mai Ngân

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ VŨ ĐÌNH LIÊN





BÀI THƠ ÔNG ĐỒ

mỗi năm mai đào nở
lại có mươi cụ đồ
khăn đóng áo the mới
ôm tráp ngồi hiên ga
lơ thơ người thuê viết
nào cuốc cước gia gia
mưa bụi bay lất phất
ngoài phố thưa người qua
mỗi năm càng mỗi vắng
các cụ giờ quá già
mực xạ trong nghiên ngọc
điểm thêm nét tài hoa
thương về nơi Tần Lĩnh
nào núi Tản sông Đà
người cũ giờ quá vãng
ngoài phố hoa là hoa
lịch sử giờ đổi khác
bóng chiều nghiêng tà tà
chữ nghĩa ruồi nhặng đậu
nặng lòng nỗi xót xa

mỗi năm hoa đào nở
ngày xưa có ông Đồ
bây giờ hoa đào nở
không thấy cụ đồ xưa ?
xuân cũ có Nguyễn Du và Tú Xương
xuân vừa vừa có Tản Đà và Nguyễn Bính
xuân này có Nguyễn Bắc Sơn cùng Lâm Chương
xuân tới ? liệu còn ai làm thơ nữa ?
mỗi năm đào nở rồi đào tàn
hỡi ơi nhà thơ và nhà văn ?

xuân đi xuân đến
đào nở rồi tàn
ông Đồ tới một chặp
đi luôn ?
tháng năm xoay vần
bốn mùa luân chuyển
kiếp người chỉ một lần
mưa phùn bay lất phất
trên góc phố góc phường
trên tháp chuông ?
chợt nhớ cụ Đồ
Vĩ Đình Liên


MỖI NĂM HOA ĐÀO NỞ

chỉ thấy ông Đồ già

bày mực tàu giấy đỏ

bên phố đông người qua

năm nay hoa đào nở

không thấy ông Đồ xưa

mưa phùn giăng trên giấy
hồn nơi nao ? bây giờ ?
lịch sử đã sang trang
bút sắt thay bút lông
cái học xưa đã hỏng
Tú Xương đã nản lòng ?
năm nay hoa đào nở
tìm mãi chả cố nhân ?
người cũ không còn nữa
mà nét mực vẫn còn ?

làm người ai không già ?
chế độ nào thì cũng qua
cố níu lại vô ích
những nhà máy xay lúa
bằng chong chóng gió
những guồng nước lấy nước
trên sông chả còn
tất cả đều dĩ vãng
kể cả những ông Đồ



CỨ CUỐI NĂM

theo gió đông
hoa đào rơi lác đác
không có ông Đồ
nhưng có nhiều ông Đồ trẻ khác
toàn là lá vàng bay
xào xạc

mỗi năm hoa đào nở
lại thấy ông Tàu Già
cầm bộ đồ tẩm quất
leng keng phố Hàng Gà
mưa phùn giăng giăng phố
hàng Puồm Pạc, Pông Pồ
từ hang cùng ngõ hẻm
đến giữa chợ Hàng Hoa
năm nay hoa đào nở
không thấy ông tàu già
mưa nhẹ trên phố Khách
toàn phùn xẩy phá xa ?

cát bụi hoàn cát bụi
khác nhau nơi thủ tục
có nơi thiên táng
có nơi thủy táng
và có nơi hỏa táng
có nơi đọc kinh
có nơi gõ mõ đánh chuông
có nơi thổi kèn
kèm theo mấy vòng hoa cườm
bông hồng
kể như xong ?


250 NĂM TRƯỚC

dưới cội cây hòe
cụ Nguyễn Du múa bút
sau đó thì cụ Tú Xương
Tản Đà
mưa phùn bay lất phất
dưới cội hoa đào già
mọi thứ qua
mới đây cụ Nguyễn Bính
đời tàn dưới sân ga
hàng Cỏ
hoa đào vẫn nở

năm nào cũng hoa đào
tàn rồi nở
trong gió
nhưng ông Đồ thì không
đi luôn ?

năm tháng đi qua đi qua mãi
mà mùa thì lại giống y nhau
mùa thu hoa cúc, xuân hoa đào
những nhà máy chong chong gió
bây giờ bỏ xó
câu đối tết không ai viết nữa ?
hoa đào mai vẫn rơi ngoài ngõ
thế hệ giờ không cần chữ Nho
không cần ông Đồ
hoa đào mai vẫn nở
mà không còn người xưa ?

làm mặt trời tròn mãi
làm cá thờn bơn méo mãi
làm trăng khi tròn khi méo
làm hề quá khó
lúc mặt trắng lúc mặt nhọ
làm người
quá khổ



BÀI THƠ HOA ĐÀO (VĐL)

mỗi năm hoa đào nở
tìm không ra cụ đồ
chiếu bầu cua cá cọp
bên phố đông người qua
chỗ này bàn tài xỉu
chỗ kia bàn cò quay
hoa đào rơi lất phất
xác pháo phố thêm dầy
chỗ này bàn xóc dĩa
chỗ kia sạp bài tây
dưới đất bàn cờ thế
bên cạnh bói cầu may
người qua đường vội vã
lưng trời mưa bụi bay
hỡi cụ đồ năm trước
bây giờ chốn nào đây ?

mùa hạ trên hồ hai chị em hái sen
lá xanh hoa đỏ mặt nước êm
mùa thu chị đã về nhà chồng
sang năm một mình em hái sen
năm nay gió đông đào lại nở
góc phố  thấy ông Đồ già
gió thổi mưa phùn bay lất phất
phố phường chen lấn đông người qua

(Thơ trên là của Nguyễn Văn Hai
"Hai chị em hái sen"
Thơ dưới là thơ Ông Đồ Già
của nhà giáo  Vũ Đình Liên)

người hoài đầu, người hoài cổ
đều giống nhau
quay mặt về đằng sau ?
năm nào mà chẳng hoa đào ?
cái đầu nô lệ Tàu
vẫn chữ chân chim đó
viết tới viết lui ?
bên phố cổ
vẫn còn người ngưỡng mộ
vẫn chen chúc nhau
gật gật cái đầu ?
ông đồ trốn mất tiêu ?
nơi đâu ?



VŨ ĐÌNH LIÊN

những hồn mươi năm cũ
giờ lạc lõng nơi đâu?
hỡi ơi Thác Bản Giốc
giờ sáp nhập đất Tàu
chốn này quê hương tạm
nhớ quê mình  biết bao ?
câu đối không ai viết
vì không ai biết chữ Hoa
ông Đồ cùng ông Đạc
mất tiêu từ thủa nào ?
ôi áo the khăn đóng
nào tráp, mực nghiên sầu
ông Đồ đã biến mất
trên phố rặt hoa đào
mùa xuân vẫn thường đến
ông Đồ xưa nơi nao ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ VŨ ĐÌNH LIÊN

BẠN TÔI KỂ - Đàm Ngọc Năm



              Người bạn của Đàm Ngọc Năm


 BẠN TÔI KỂ 

Ngồi uống với nhau, “ gióng tai “ nghe bạn kể 
Trước năm bảy mươi đã cặm cụi chế bom chống giặc giữ làng
Tuổi mười tám, đôi mươi cùng lứa tuổi trai làng 
Tính cách rất riêng khi thấy mấy thằng Ngoại bang trên đường phố.
Má không dám cho đâu vì sợ con mình cực khổ 
Sợ vào trại giam, già rồi Má không thường nhật đến thăm.
Bạn vẫn thế : “Má ơi, xin Má đừng phiền lòng ! “
Xin Má để mặc con, tin con rằng đã lớn.
Suốt mấy năm oằn mình trong bom đạn
Có xa đâu, ngay trên mảnh đất Thôn mình ! 
Thế rồi vẫn sống, vẫn vui qua lứa tuổi xuân xanh 
Đến giờ này, khi kể lại nhiều người vẫn không hiểu !
Vui cũng nhiều và buồn thì không thiếu...
Mấy mươi năm thôi, sao nỡ chóng quên ?
Bạn lại nói với tôi : Thôi đành vậy, có thể lẽ tự nhiên (!)
Hỏi được mấy ai nghĩ về cha anh mình đã sống .
Bạn còn động viên tôi “dù núi có cao, biển có rộng“
Ta vẫn là ta, thời ấy có lẽ mình chỉ hiểu mình thôi !

                                                Ngày 22 - 4 - 2018

                                                   Đàm Ngọc Năm

READ MORE - BẠN TÔI KỂ - Đàm Ngọc Năm

BUỔI HOÀNG HÔN, QUA ĐƯỜNG - Thơ Tịnh Đàm


   
 Nhà thơ Tịnh Đàm



BUỔI HOÀNG HÔN

Lặng thầm tôi
Buổi hoàng hôn ,
Ngồi trông chiều nhuộm
Tím hồn cỏ cây !
Bước đời ,
Nghe cũng hao gầy
Đi qua năm tháng
Chưa đầy...Ước mong !
Niềm riêng nào
Mãi bận lòng .?
Để khi đối bóng
Lại chong đêm ...
Buồn !


QUA ĐƯỜNG

Ngại ngần thấy phố người đông ,
Em cười nói nhỏ "dám không" ngọt ngào.
Qua đường,
Dễ sợ làm sao,
Nắm  tay,
Hai đứa nép vào nhau... Đi.
Không gian,
Như khác mọi khi,
Hồn tôi,
Vừa có điều gì... Dễ thương.

                      TỊNH ĐÀM
             (Hóc Môn, TP.HCM)

READ MORE - BUỔI HOÀNG HÔN, QUA ĐƯỜNG - Thơ Tịnh Đàm

TRAO ĐỔI VỀ “QUÊ NGHÈO” VỚI CÔ NGUYỄN BÍCH THỦY - Phạm Đức Nhì



TRAO ĐỔI VỀ “QUÊ NGHÈO” 
VỚI CÔ NGUYỄN BÍCH THỦY

Pham Đức Nhì


Với bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã có nhã hứng ghi lại một số nhận xét về Mục thứ 5 – Ưu Điểm Về Mặt Thi Pháp Trong Bài Thơ “Quê Nghèo” - trong bài viết Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp của tôi. Nhận xét của cô thiên về cảm tính nên dù có nhiều chỗ cô phân tích rất sâu sắc, nhiều tính thuyết phục, vẫn còn vài điểm tôi thấy cần trao đổi với cô để làm rõ vấn đề. Bài viết này chỉ nhắm vào những điểm cần thiết đó. Nếu độc giả muốn đọc cả bài viết của cô NBT thì link ở ngay sau đây:

1/

Nguyễn Bích Thủy:

Chưa bàn đến hay, không hay nhưng tôi thích bài thơ ở chỗ nó chân thực nhưng tôi không thích tứ thơ này:
“Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
.
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...”
Đây là chủ quan của tác giả. Tôi nghĩ hãy để cho nó tự nhiên như vốn có.

Phạm Đức Nhì:

Nếu cô NBT chỉ nói “nhưng tôi không thích tứ thơ này” thì chẳng ai dám có ý kiến gì. Vì thích hay không thích cái gì đó là quyền riêng tư của mỗi người. Cái sai của cô là ở câu “Đây là chủ quan của tác giả”. Nếu cái gì trong thơ cũng là “thực tế khách quan”, cũng “phải đạo”, cũng hợp với lẽ đời thì cái loại thơ ấy không đáng để ý, không phải là thứ thơ mà nhân loại đang hướng tới.  

Dĩ nhiên trong thơ cũng có những nhân tố khách quan, nhưng những ý nghĩ, cảm giác chủ quan của tác giả là chính. Nhiều khi những cái khách quan được đưa vào bài thơ chỉ để làm nổi bật những ý nghĩ, cảm giác chủ quan của tác giả. Chính “chủ quan của tác giả” mới làm bài thơ có cá tính (không chỉ viết về những cái ai cũng biết rồi), mới làm nên giá trị của bài thơ, miễn là những “chủ quan của tác giả” hợp lý hợp tình và những sự kiện khách quan cũng hợp tình hợp lý.

Câu nói của cô NBT có hai phần; phần đầu đúng, còn phần sau thì sai nặng.

2/

Nguyễn Bích Thủy:

Dù cho tôi không biết bác là ai, nhưng qua lời góp ý, phê bình của bác tôi thấy bác là người thẳng thắn và khá chân tình, tất nhiên kẻ sỹ Bắc Hà không ai tránh khỏi một chút kẻ cả khi bác nói: “Muốn đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ để ‘mách nước’ cho anh bứt phá chạy mau đến ‘bến bờ thi ca’”. Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương phải không bác?

Phạm Đức Nhì:

Thích bóng đá nên có một thời gian ngắn tôi được một người bạn mời đi xem những trận đấu của các đội tuyển xã tranh vô địch cấp huyện. Mục đích của anh bạn là muốn nhờ tôi “xem giò, xem cẳng” những cầu thủ trẻ. Nếu thấy em nào “đá có nét”, có triển vọng anh sẽ tìm cách rủ rê, mời gọi về làm lực lượng trừ bị cho đội tuyển của một ngành công nghiệp. Anh cho tôi biết hãy chú trọng vào cách giữ bóng, che bóng, đi bóng, lừa bóng, khả năng sút bóng xa của các em, còn những kỹ thuật khác khi tuyển về sẽ huấn luyện thêm.

Trong thơ cũng vậy. Có thể nói ngoại trừ cảm xúc ở tầng 3 - thứ cảm xúc mà nếu lên đến đỉnh điểm khi bài thơ có cao trào sẽ thành hồn thơ – là không ai có thể dạy ai đưa nó vào bài thơ được. Còn thì - đặc biệt ở phần thi pháp, mang tính kỹ thuật – cái gì cũng có thể học hỏi được. Dĩ nhiên, học là học lý thuyết. Bước vào thực hành, mỗi người một vẻ, kẻ thất bại, người thành công, chẳng ai dám nói mạnh.

Riêng với Đặng Xuân Xuyến, tôi đã “xem giò, xem cẳng”, đọc thơ của anh khá nhiều và đã “chấm” sự đột phá trong thi pháp của anh. Trong bài Quê Nghèo, về hình thức anh đã đạp đổ truyền thống, vượt qua thơ mới, đang trụ ở thơ mới biến thể mà những sợi dây níu kéo đang đứt dần để vươn tới một thể thơ “chưa có tên” - vần vừa độ ngọt, tứ thơ thông thoáng, nhịp độ thay đổi theo cảm xúc đang chảy thành dòng ... - nếu viết trong tâm thế cực kỳ phấn khích có thể thẳng hướng “Bến Bờ Thi Ca”.

Những khuyết điểm, sai phạm về mặt câu chữ, ngay cả thế trận cũng có thể sửa chữa không mấy khó khăn, nhưng cái tay nghề vững vàng đã trở thành thói quen trong thi pháp của anh không thể một sớm một chiều mà có được. Nếu ĐXX nghe lời “mach nước” của tôi, nhận ra khả năng và thế mạnh của mình, anh sẽ tự tin hơn khi viết những bài thơ kế tiếp. Với thơ thì không nói chắc được, nhưng anh ĐXX còn trẻ, thời gian dành cho thơ còn dài, việc để lại cho đời một đôi bài thơ sáng giá không phải là điều không tưởng.

Cô NBT cho rằng “Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương” là do cô đọc thơ chỉ như người “cỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu nên chưa hiểu, chưa biết

3/

Nguyễn Bích Thủy:

Nếu nghe câu này chắc chắn lúc đầu tác giả không tránh khỏi bị sốc vì có người chê đứa con của mình ngay cả người đó là mẹ vợ mình đi nữa: “Thật tình, đây là bài thơ còn khá xa mới đến mức hoàn hảo. Có đến vài chỗ sai phạm, hoặc nếu không sai phạm thì cũng chưa hoàn chỉnh, có thể o bế, trau chuốt để bài thơ hay hơn.”.
Điều này rất thẳng thắn, tuy nhiên cũng là ý nghĩ chủ quan của bác PHẠM ĐỨC NHÌ vì thơ phú là cảm xúc của từng người, nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó buộc, nguyên tắc gì.

Phạm Đức Nhì:

Bình thơ là công việc nặng tính chủ quan. Người bình đem kiến thức về thơ, cách đánh giá thơ ca của mình để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ. Dĩ nhiên, ngoài một số rất ít những tác phẩm hoàn hảo, mỗi bài thơ – “dù là cảm xúc của từng người” - đều có chỗ hay, chỗ dở, có khi có cả những chỗ sai phạm. Nhiệm vụ của người bình là chỉ ra những chỗ hay, vạch ra những chỗ dở, chỗ sai phạm để cuối cùng cân nhắc, khen, chê bài thơ cho đúng mức.

Thí dụ bài Quê Nghèo của ĐXX tác giả đã sử dụng hai chữ “oan khiên” trong câu:

Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ

với nghĩa sai lạc mà nhà bình thơ Nguyễn Bàng đã vạch ra rất tinh tế, chính xác trong phần chú thích “Góp ý riêng với tác giả về một câu thơ”. (1) Rõ ràng đây là một chỗ sai phạm.
Rồi còn mấy câu nói về “Lũ trẻ” trong làng:

Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc

Còn “lũ con gái thì sao? ĐXX đã quên nên để độc giả vừa đọc vừa mỏi cổ ngóng chờ. Đây cũng là một chỗ sai phạm.

Câu thơ:

“Tù túng giấc mơ”
trong đoạn:

Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.

theo tôi, thật tuyệt vời.

Nhưng đã làm 2 câu: 

Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ.

mất tính bất ngờ và nhạt hẳn đi về mặt ý nghĩa. Vụng về trong sử dụng điệp ngữ đã làm hỏng 2 câu kết. Có thể nói trong Quê Nghèo đội của ĐXX đi bóng, lừa bóng, chuyền bóng rất điệu nghệ nhưng khi đến sát cầu môn đối phương thay vì ghi bàn thắng lại đá ra ngoài.

Tôi, ở đây không bình thơ mà chỉ bàn đôi chút về thi pháp nên không đi sâu thêm nữa.   

Còn nói như cô NBT “nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó buộc, nguyên tắc gì” thì đúng là một phát biểu kiểu “điếc không sợ súng”. Cô chỉ cần tìm đọc kỹ vài bài thơ mới thì sẽ nhận ra là mình ngây ngô đến cỡ nào.


4/

Nguyễn Bích Thủy:


người đọc thơ cũng chả ai được học và cần học Thi pháp, thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi!”

Phạm Đức Nhì:

Những người đã lỡ yêu thích thơ, nếu có cơ hội, đều muốn tìm học để nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ thưởng thức thơ của mình. Trong những lúc họp mặt bạn bè, đám tiệc, nói chung là trà dư tửu hậu, có nói đến bài thơ tình này, bài thơ thế sự kia thì cũng biết đôi điều góp chuyện. Chứ cứ như cô NBT“thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi!” lỡ nguời ta hỏi “Hay ở chỗ nào? Tại sao hay? Dở ở chỗ nào? Tại sao dở” lại ngớ mặt ra im lặng thì ngượng chết.

Thưởng thức thơ có nhiều trình độ. Muốn nâng cao trình độ của mình không gì bằng tìm hiểu thi pháp. Chữ thì hơi cao siêu nhưng nghĩa thì lại đơn giản – chỉ là kỹ thuật thơ hoặc hình thức, vóc dáng của bài thơ.

Tôi nhớ hình như đã viết ở đâu đó:

Có tý hiểu biết về kỹ thuật, các tiêu chí để thẩm định giá trị thi ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi đọc, khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ bằng trí sẽ không thấy được hơi nóng cảm xúc, sẽ không cảm được cái hay trọn vẹn của thơ, không “bắt” được hồn thơ (nếu có). Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì một là, có khi gặp tuyệt tác thi ca thì lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời “tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt cứ rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngây ngô hưởng thái bình” rất tội nghiệp, rất đáng thương.

Trong quân đội người ta thường nói “Nhìn quân phục biết tư cách”. Thi pháp quan trọng đến mức trong thơ, theo tôi, câu tương tự sẽ là: “Nhìn thi pháp biết đẳng cấp của thi sĩ”


5/

Nguyễn Bích Thủy:

Vài ý kiến riêng của một người ngoại đạo. Ai thích thì like, ai không thích cứ việc ném đá, tôi ở xa, đá không đến tận nơi.

Phạm Đức Nhì:

Cô NBT đừng lo. Trong tranh luận văn chương, nếu cứ nhắm vào đối tượng tranh luận (là văn chương) mà bàn cãi thì dù đúng hay sai cũng được độc giả hoan nghênh, vì bất cứ cuộc tranh luận văn chương lành mạnh nào cuối cùng cũng đem lợi ích đến cho văn chương, cho độc giả và cho cả đôi bên tranh luận. Miễn là đừng nhắm vào “chủ thể đối luận” mà phang, mà bửa – nghĩa là đừng chơi trò bỏ bóng đá người. Chơi kiểu đó thì dù ở Bỉ hay chui vào hang sâu hố thẳm nào đó ở Thái Bình Dương người ta vẫn ném đá. Và đã ném là trúng đích.

Kết Luận

Qua bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã bộc lộ khá rõ một điều. Những gì cô cảm nhận - về mặt tình - rất chính xác và sâu sắc, chứng tỏ cô có một tâm hồn nhạy bén và có nhiều trải nghiệm về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nhưng những phát biểu của cô liên quan đến mặt lý - ở đây là sự hiểu biết về thơ – thì lại mắc nhiều sai sót. Chỉ cần có thêm chút ít nội lực ở phần này những “góp ý” của cô không những sẽ được độc giả đặc biệt hoan nghênh mà, đối với thơ, lại còn là những đóng góp rất hữu ích nữa.
                                                                 
Phạm Đức Nhì



CHÚ THÍCH:


1/

Góp ý riêng với tác giả về một câu thơ:

Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ

Tiểu thuyết “Sống mòn” đề cập đến một vấn đề nhức nhối của người trí thức trong thời đại cũ, những văn nghệ sĩ nhiều khao khát, giàu lý tưởng nhưng cuộc sống cứ mòn dần, lụi dần bởi mối lo cơm áo. Giáo Thứ trong tác phẩm “cũng mang tiếng ông giáo với bà giáo, quần áo là, sơ mi trắng, thắt ca vát, giầy tân thời, thứ Năm, Chủ Nhật diện ngất, tưởng mà mỡ lắm, thế mà kì thực bụng chứa đầy rau muống luộc”. Chứ Giáo Thứ có oan khiên gì đâu?

Tôi nghĩ có lẽ đúng nên là: “Tiếng oan khiên từ thời anh Pha”

Anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, một nông dân nghèo khổ, sống thật thà, chân chất nhưng lại không tránh khỏi “tai bay vạ gió” từ những con người tưởng như cũng bần cùng như anh nhưng vẫn thiếu mất sự cảm thông và cái tình, cái nghĩa như Trương Thi rồi đến bọn thống trị hách dịch bạo tàn, ra sức cướp bóc tô thuế, không ngần ngại tra tấn những người nông dân cùng khổ như tên địa chủ Nghị Lại và bọn Quan huyện, lính lệ không ngừng tìm mọi cách vơ vét người nông dân đến khánh kiệt và đưa anh Pha đến bước đường cùng. (Nguyễn Bàng)

Trên đây là “góp ý riêng” với tác giả của nhà bình thơ Nguyễn Bàng. Ông Nguyễn Bàng đã vạch ra rất tinh tế và phân tích chính xác việc anh ĐXX đã dùng không đúng từ “oan khiên” trong bài thơ của mình. Nhưng cách ông NB góp ý phê bình thì, theo tôi, lại có cái gì đó không được “thẳng thắn” lắm. Trong bài bình ông đã khen bài thơ đủ điều nhưng có từ (oan khiên) dùng sai thì lại không chê thẳng thắn ở đó (hoặc email riêng cho anh ĐXX để sửa chữa) mà lại “nói nhỏ” cho anh nghe ở phần ghi chú ở cuối bài. Tôi có cảm tưởng đang bàn chuyện Quê Nghèo trước một đám đông bạn bè yêu thơ ông NB bấm anh ĐXX ra một chỗ kín để - một cách tế nhị - phân tích khuyết điểm “oan khiên” cho anh nghe. Có điều ông lại nói vào micro nên không những bạn bè mà cả làng trên xóm dưới đều nghe hết. Tôi không nghĩ là ông “thâm”, nhưng tế nhị, kheo léo quá mức đã trở thành kiểu cách, giả tạo . Mà tại sao phải làm thế nhỉ?  

READ MORE - TRAO ĐỔI VỀ “QUÊ NGHÈO” VỚI CÔ NGUYỄN BÍCH THỦY - Phạm Đức Nhì