Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 21, 2017

NHỮNG LƯU Ý KHI XEM TƯỚNG BÀN TAY - Đặng Xuân Xuyến


   


NHỮNG LƯU Ý KHI XEM TƯỚNG BÀN TAY

(Trích trong KHÁM PHÁ BÍ ẨN CON NGƯỜI QUA BÀN TAY của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Thanh Hóa - 2007)

Sai lầm đầu tiên, dễ mắc phải ở người lần đầu làm quen với khoa xem tướng bàn tay là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm nên không có sự cân nhắc để sàng lọc thông tin xem nội dung đó có chuẩn xác? có đáng tin cậy? có đảm bảo tính khoa học?
Chẳng hạn như bài của Hường Anh đăng trêndantri.com.vn/suckhoe đã viết:
“- Ngón trỏ dài hơn ngót áp út cho thấy có khả năng bị bệnh bẩm sinh về đại tràng.
- Ngón trỏ cao bằng ngón giữa và thấp hơn ngón đeo nhẫn cho thấy có khả năng bị bệnh tim và dạ dày.
- Các ngón tay có chiều dài bằng nhau cho thấy có khả năng thực hiện những công việc rất phức tạp bằng tay.
- Các ngón tay dài ngắn khác nhau cho thấy khả năng sáng tạo, làm việc bằng đầu óc.”.
Không cần phải suy nghĩ xem lời luận giải có đúng hay không? mức độ chính xác thế nào?... Chỉ cần để ý về tỷ lệ chiều dài các ngón tay (như trích dẫn) đã không thể chấp nhận. Thực tế:
1. Tỷ lệ chiều dài ngón trỏ so với các ngón tay khác cơ bản: Ngón trỏ ngắn hơn ngón giữa (rất hiếm khi bằng hoặc cao hơn), dài hơn ngón út (rất hiếm khi bằng hoặc thấp hơn) và thường ngắn hơn (nếu là đàn ông) hoặc dài hơn (nếu là phụ nữ) so với chiều dài của ngón đeo nhẫn (có trường hợp ngược lại ở 2 phái nhưng rất hiếm, không nhiều)
2. Độ dài các ngón tay trong một bàn tay không bao giờ bằng nhau.
Nếu căn cứ vào nội dung trích dẫn thì lời luận giải thật buồn cười:
- Cơ bản giới nữ mắc chứng bệnh đại tràng do bẩm sinh vì có ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn (xem đoạn vừa trích dẫn trên).
- Không có ai phải lao động chân tay vì các ngón tay của mọi người đều có độ dài ngắn khác nhau nên 100% nhân loại là những người có “khả năng sáng tạo, làm việc bằng đầu óc”. (xem đoạn vừa trích dẫn trên).
Từ việc gom nhặt những thông tin theo kiểu “hầm bà zằng” như thế đã vô tình làm méo mó, sai lệch và phản mục đích của khoa xem tướng bàn tay là giúp ích cho người. Vì thế, yêu cầu đầu tiên của người mới “học” xem tướng bàn tay là phải cân nhắc, kiểm chứng, đối chứng thông tin thu lượm được.
Sai lầm thứ 2 thường mắc phải ở những người mới xem tướng bàn tay là thói quen suy diễn: Chẳng hạn khi tiếp nhận các thông tin:
- John Manning, giáo sư, nhà nghiên cứu sinh học của Trường Đại học tổng hợp Central Lancashire (Anh) cùng các cộng sự của mình tiến hành thí nghiệm đo chiều dài ngón trỏ so với các ngón tay khác ở nam nữ sinh viên, đã tổng kết vào năm 1998 rằng: Đàn ông có ngón trỏ ngắn so với ngón đeo nhẫn thì khả năng duy trì nòi giống cao, còn ở phụ nữ thì ngược lại, họ mang nhiều nam tính, ít có ham muốn tình dục và đời sống tình dục của những người phụ nữ này thường mang tính tự do, không chịu sự ràng buộc. 
- Nhóm nghiên cứu của Mark Breedlove ở Đại học California (Berkeley) phát hiện phụ nữ đồng tính luyến ái có ngón trỏ rất ngắn (nhiều nam tính) so với phụ nữ bình thường, điều này thậm chí còn đúng với những cặp song sinh nữ trong đó một người đồng tính! Còn nam giới có tỉ lệ ngón tay “rất phụ nữ” (tức ngón trỏ dài hơn ngón áp út) cũng dễ mắc chứng trầm cảm, một bệnh thường có nhiều ở phụ nữ hơn.
Là vội suy diễn theo kiểu:
1. Ngón trỏ ngắn hơn ngón đeo nhẫn, nếu đàn ông sẽ là người nhiều nam tính và khả năng duy trì nòi giống cao, nếu phụ nữ thì nhiều khả năng sẽ là người đồng tính  [1].
2. Ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn, nếu phụ nữ sẽ là người giàu nữ tính, hiền thục, còn nếu đàn ông sẽ là người nhiều nữ tính, rất có khả năng đấy là người đồng tính.
3. Ngón trỏ dài bằng ngón đeo nhẫn là người bất luận là nam hay nữ đều khoái cảm khi quan hệ tình dục với cả hai phái.
Thói quen này không thể chấp nhận vì sẽ dẫn đến việc đưa ra lời kết luận sai lệch, méo mó về tính cách, phẩm giá … của người khác. Ngay cả Manning cũng cảnh báo: “Không thể ngắm ngón tay ai đó rồi quả quyết rằng đến 55 tuổi anh này sẽ bị nhồi máu cơ tim hay chị kia có khuynh hướng tình dục đồng tính. Testosteron không là nhân tố quyết định tạo ra năng khiếu thể thao hoặc đồng tính, mà chỉ củng cố cơ hội sinh ra các hệ lụy đó”. Muốn kết luận đưa ra được chính xác thì người xem tướng bàn tay phải cân nhắc kỹ lưỡng và kết hợp với các biểu hiện khác. Chẳng hạn khi xem ngón tay thấy có dấu hiệu là người có khuynh hướng tình dục đồng tính thì phải kết hợp với các dấu hiệu khác ở gò Kim Tinh, các đường chỉ và sắc thái bàn tay… hoặc kết hợp với các biểu hiện khác qua gương mặt, giọng nói, tính cách, hành động… của người đó thấy có nhiều dấu hiệu là người đồng tính thì mới đưa ra lời kết luận [2]. Cũng không thể suy luận theo ý thứ 3 vì thực tế người có ngón trỏ dài bằng ngón đeo nhẫn là người có nhiều dục vọng kín đáo, sống tình cảm nhưng đề phòng có thể sẽ mắc bệnh tim khi ở 60, 70 tuổi.
Một sai lầm nữa cũng bắt nguồn từ suy diễn là cứ thấy sách nói rằng hình dáng, sắc thái ở trường hợp A tốt, xấu ra sao thì bê nguyên sang trường hợp B (nếu có dấu hiệu giống nhau hoặc tương tự) với những lời nhận xét tương tự mà không căn cứ vào giới tính, độ tuổi… của người có bàn tay ấy. Người xem tướng bàn tay phải nhớ rõ là những dấu hiệu A, B, C … có thể có ý nghĩa chung cho mọi người nhưng cũng có thể những biểu hiện cụ thể đó chỉ đúng với hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, mà ngay trong trường hợp đó cũng phải căn cứ vào độ tuổi mà cân nhắc. Chẳng hạn sách tướng tay có câu: “- Móng tay ở phụ nữ vừa bằng vừa mềm là dấu hiệu của người thiếu sự điều hòa ở bộ phận sinh dục, nhất là ở buồng trứng.” thì không thể đem câu đó áp dụng cho đàn ông và suy diễn mà “phán” rằng: “Móng tay của anh vừa bằng lại vừa mềm chứng tỏ anh là người thiếu sự điều hoà ở bộ phận sinh dục, nhất là ở tinh hoàn.” Cũng không thể nói với cụ bà 80 tuổi là thiếu sự điều hoà ở bộ phận sinh dục được. Vì thế, người xem tướng bàn tay phải rèn luyện trí nhớ để nhớ càng nhiều, càng chi tiết các dấu hiệu và ý nghĩa của chúng thì lời kết luận mới chuẩn xác.
Ngoài sai lầm bắt nguồn từ thói quen suy diễn, người xem tướng bàn tay còn có thói quen là vội vàng, cẩu thả, không cẩn thận kết hợp với những dấu hiệu khác để tổng hợp sự tốt, xấu nên lời nhận xét chính xác không cao, thậm chí còn sai lệch cơ bản (như đã trình bày ở trên). Đây là thói quen khá nhiều người mắc phải. Để kết luận đưa ra chính xác, người xem tướng bàn tay phải cẩn thận kỹ lưỡng, không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu nào, kể cả những dấu vết mờ nhạt, nhỏ bé nhất.
Một sai lầm nữa là người xem tướng bàn tay dễ để yếu tố tình cảm chi phối. Chẳng hạn, những dấu hiệu trên bàn tay khẳng định đó là người có đức tính xấu, không có kết cục tốt đẹp trong cuộc đời nhưng vì vị thế hiện tại  của người nhờ xem tay hoặc do mối quan hệ thân thiết với người đó nên không thấy hoặc không muốn tin những điều “sách nói” mà ngần ngại, nghi hoặc về ý nghĩa giá trị của các dấu hiệu đã nằm lòng mà đưa ra những lời nhận xét trái ngược. Cũng có khi người xem tướng bàn tay bị thu hút bởi những dấu hiệu tốt đẹp hiển hiện rõ ràng trước mắt mà thao thao bất tuyệt “tán” những cái hay, cái đẹp đó mà vô tình bỏ qua những dấu hiệu khác có thể có ý nghĩa hoặc tương phản, hoặc gia giảm, đẹp hơn, hoặc thậm chí còn phá hết những dấu hiệu tốt đẹp đang “lồ lộ” trước mắt. Vì thế, người xem tướng bàn tay rất cần sự khách quan, không để ý nghĩ chủ quan lấn cấn, ảnh hưởng khi xem bàn tay của người khác
Cũng không ít người thắc mắc câu trai tay trái, gái tay phải có nghĩa như thế nào trong việc xem tướng bàn tay? Thông thường thì người ta khi xem bàn tay cho đàn ông sẽ coi bàn tay trái, còn xem bàn tay cho đàn bà sẽ coi bàn tay phải nhưng theo gợi ý của tác giả Nguyễn Đình Phúc thì khi xem bàn tay, người xem nên theo quan điểm dân gian: Trai tay trái, gái tay phải nhưng coi bàn tay trái (nếu là đàn ông), bàn tay phải (nếu là đàn bà) là bàn tay của “số mệnh” - là những dấu hiệu được coi là do “thiên định” - kết hợp với bàn tay phải (nếu là đàn ông), bàn tay trái (nếu là đàn bà) - là những dấu hiệu biểu hiện “thái độ” chấp nhận số mệnh đến mức nào của người đó - để đưa ra những lời nhận xét bổ sung, tổng quát về cuộc đời của đương số. Cách xem này cũng khá nhiều “thầy xem tướng” áp dụng và cho những nhận định chính xác hơn.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm là không nhất thiết phải căn cứ vào tay trái hay tay phải, cũng không cần phải căn cứ vào giới tính mà chủ yếu căn cứ vào sự “tự nhiên” của cơ thể mỗi người mà xem tay trái hay tay phải. Quan điểm này đuợc bà Ngô Thị Kim Doan trình bày trong cuốn BÀN TAY VÀ SỨC KHỎE như  sau:
"Điều đầu tiên khi xem bàn tay cần phải biết là xem tay phải hay tay trái. Cần phải xác định bằng cách:
Bạn hãy nhắm mắt lại và nắm hai tay một cách tự nhiên (như dưới hình). Khi mở mắt ra xem ngón tay cái của tay phải hay tay trái đặt ở dưới thì thực hiện xem tay đó.
Thực hiện cách này là do:
Hai tay nắm vào nhau biểu thị cơ năng của đại não, tay nào đặt ở dưới được coi là có thế vận tích cực. Mặt khác, tay đặt ở dưới còn biểu thị thế vận hiện tại và tương lai của bạn. Tay ở phía trên biểu thị tố chất và tính cách trời sinh của bạn.
Thông thường thì khi hai bàn tay nắm vào nhau thì ngón cái của tay trái nằm ở dưới nhiều hơn của tay phải: Tay trái là 60% trong khi tay phải là 40%.
Áp dụng với người có hai bàn tay như hình trên thì cần phải xem tướng ở bàn tay trái. Bạn hãy dựa vào đó để áp dụng cho mình."
Khi xem bàn tay, một sai lầm cũng hay gặp phải là người coi bàn tay hay ấn định thời gian. Chẳng hạn khi trên bàn tay xuất hiện một dấu hiệu nào đó (ví dụ ngôi sao, nốt rồi, đường chỉ nhỏ…) tương ứng với khoảng thời gian (bao nhiêu tuổi) sự việc đó sẽ sảy ra là vội khẳng định mà không lưu ý điều: Tướng do tâm sinh, tướng do tâm diệt[3].
Người xem tướng bàn tay, ngoài những điều lưu ý đã nêu ở những trang trước rất cần có sự linh hoạt, tổng hợp kinh nghiệm và kiến thức của các khoa xem tướng khác như tướng mặt, tướng thanh, tướng tâm... để cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới đưa ra lời kết luận. Ví dụ khi xem bàn tay của một người đàn ông, thấy người đó có ngón trỏ dài hơn ngón đeo nhẫn (dấu hiệu của người nhiều tính nữ) thì phải chú ý xem đường Tình Cảm, Hôn Nhân, gò Kim Tinh... thế nào. Nếu đều có những dấu hiệu chứng tỏ là người trục trặc về đời sống tình cảm thì cần để ý kỹ tiếp xem cử chỉ, giọng nói của họ ra sao? Nếu họ đi đứng mà hay lắc mông, xoay mông, giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm (nhất là giọng nói mang đặc trưng của giới nữ), rất biết cách ăn diện và cử chỉ có phần nào “kiêu và điệu bộ” thì mới nên đưa ra lời kết luận: Có khuynh hướng tình dục đồng giới.
Cũng cần lưu ý: Chỉ đưa ra lời luận đoán khi hội tụ đầy đủ, chính xác các dấu hiệu. Chẳng hạn sách có ghi: “- Bàn tay dài với các ngón tay có mấu, cộng thêm ngón cái dài, móng tay ngắn, đường Trí Tuệ cũng dài và rõ ràng là dấu hiệu của người có khả năng kinh doanh buôn bán nhưng chỉ ở mức nhỏ và vừa.”, khi coi bàn tay phải hội tụ đầy đủ 4 dấu hiệu: 1. Bàn tay dài - 2. Ngón tay dài và có mấu - 3. Móng các ngón tay ngắn - 4. Đường Trí Tuệ dài và rõ, thì mới khẳng định đó là người có khả năng kinh doanh, buôn bán nhưng chỉ ở mức vừa và nhỏ. Trường hợp nếu ý nghĩa những dấu hiệu chưa rõ ràng, hoặc còn nghi vấn về độ chính xác thì không nên kết luận. Chẳng hạn, nhiều tài liệu cho rằng người mà các ngón tay có nhiều nút Vật chất là người có khả năng buôn bán, đầu cơ… vì họ nhanh nhạy, giỏi tính toán nhưng có tài liệu lại đặt dấu hỏi về ý nghĩa những dấu hiệu đó (xem mục NGÓN TAY NÓI LÊN TÍNH CÁCH, SỐ PHẬN CON NGƯỜI phần NGÓN TAY NÓI LÊN NHIỀU ĐIỀU) thì không nên coi đó làm cơ sở để luận đoán.
Tóm lại, để lời kết luận đưa ra được chuẩn xác, nguời xem tướng bàn tay phải biết sàng lọc thông tin,  phải biết kết hợp với các khoa xem tướng khác và đặc biệt phải tránh lối xem chủ quan, suy diễn, vội vàng, cứng nhắc.
Hơn ai hết và quan trọng hơn tất cả, người coi bàn tay phải hiểu rõ mục đích xem tướng bàn tay là để giúp người nên phải thật sự khách quan, thật sự công tâm và có trách nhiệm với từng lời “phán” của mình.
Có vậy thì người xem tướng bàn tay mới thực sự  là người thành công!

________________________________________

[1] Trong cuốn BÀN TAY MÃ SỐ CUỘC ĐỜI, tác giả Mục Nhân cũng “liệt kê” ra 2 trường hợp nếu là phụ nữ sẽ muộn xây dựng gia đình và dễ rơi vào đồng tính luyến ái:
- Đường Trí Tuệ cực ngắn, chỉ đến vị trí dưới ngón giữa.
- Đầu đường Tình Cảm (Tâm Đạo) phân làm 2 nhánh.
Quan điểm này e khiên cưỡng và thiếu chính xác. Vì chưa có điều kiện để kiểm chứng thực tế và đối chiếu thêm với các tài liệu khác nên người biên soạn đưa vào ghi chú để bạn đọc lưu ý.
[2] Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí: Journal of Personal and social Psychology - "Tạp chí về Tâm lí xã hội và nhân cách con người" - do Giáo sư Kerri Johnson và các cộng sự ở Đại học New York và Texas A&M nghiên cứu cho biết: Đối với các chuyển động cơ thể, thì những người gay (đồng tính nam) thường có xu hướng lắc mông, xoay mông nhiều hơn là những người straight (bình thường về giới tính), đối với les (đồng tính nữ) thì phần vai có vẻ ngênh ngang hơn so với những người nữ straight (bình thường về giới tính).
[3] Sách xưa kể : Cao Hiếu Toàn và Cao Hiếu Tích là hai anh em sinh đôi cùng một giờ khắc. Lớn lên cả hai giống nhau như hai giọt nước. Cùng học một thầy văn chương tinh thông chẳng kém ai hết. Cùng đỗ cử nhân, cùng lấy vợ, cha mẹ sợ không phân biệt nổi nên bắt hai anh em ở riêng và mặc quần áo khác màu.
Một hôm, hai anh em gặp Trần Hi Di, tiên sinh nói : - Tướng hai anh phong thần tú dị, mi thanh mục tú, mũi thẳng môi hồng, tai trắng tất sau này sẽ đỗ cao.
Đến mùa thu, hai anh em vào kinh ứng thí ở trọ nhà họ bên ngoại. Cạnh nhà có người đàn bà góa chồng thấy Toàn và Tích nên động lòng dục tìm cách quyến rũ. Tâm tính Toàn thích học hơn khoái tình nên kế hoạch bất thành. Trở qua Hiếu Tích thì Tích bị ngay với góa phụ hãy còn mơn mởn kia. Chuyện đến tai nhà chồng, góa phụ xấu hổ gieo mình xuống sông chết.
Thi xong, hai anh em về lại gặp Trần Hi Di, tiên sinh quan sát cẩn thận, ngạc nhiên nói: - Lạ thật, hai anh em tướng mạo đại biến, anh tốt em xấu, tương lai sẽ khác nhau như mây với bùn. Hiếu Toàn sắc mặt hồng hào, mắt sáng tựa như sao nhất định đỗ cao. Hiều Tích đôi mày ám hãm, môi thâm, mũi có sắc đen sắc đỏ, tai ám, thần sắc khô hoại chẳng những không đậu mà còn yểu thọ.
Ngày coi bảng, quả nhiên Hiếu Toàn đậu tiến sĩ còn Hiếu Tích không có tên, buồn phiền uất ức mà chết.
(Theo Tướng Mệnh khảo luận  của Vũ Tài Lục)

READ MORE - NHỮNG LƯU Ý KHI XEM TƯỚNG BÀN TAY - Đặng Xuân Xuyến

NHỚ TỚI BÁC MỘNG TUYẾT - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



        Nhà thơ Mộng Tuyết thời trung niên


NHỚ TỚI BÁC MỘNG TUYẾT

Thỉnh thoảng tôi có thoáng nghe đến tên Mộng Tuyết - Đông Hồ nhưng không nhớ ở đâu và hai cái tên ấy cũng không để lại cho tôi một chút gì vương vấn. Thế rồi do đọc lá thư 18/12/1979 của bác Tuyết gửi cho ba, tôi mới thấy tình của những người văn xưa thật đặc biệt. Xa nhau mấy chục năm, gặp lại, dù chỉ qua trang giấy, tình người vẫn chan chứa nồng nàn thể hiện trách nhiệm với nhau. Thư bác viết:

   Anh Yến Lan thân!
   Nhận được thư dài đọc thật vui. Biết được gia đình nhà thơ êm ấm, con cái nên người thật là quí. Nhưng mong có dịp nào anh chị cùng vào Sài Gòn thì mới thật sự vui hơn. Tuổi trời đã quá bảy mươi, ngoảnh lại tự bằng lòng hoàn cảnh thì cũng đáng mừng. Nhớ ngày xưa Yến Lan và Lê Tràng Kiều vào Hà Tiên …tôi kể với cháu Thủy thì cháu cười vì có biết đó là thời nào đâu! Việc anh, Bính và Vũ Trọng Can ở Huế, tôi tưởng anh Yến Lan nên viết hồi ký, nếu không viết nhiều thì cũng nên viết một đoạn tự sự lúc cùng ở chung, cùng tính việc viết “Bóng giai nhân” để có dịp mà đính chánh, chỉ kể chuyện một cách tự nhiên về quá trình diễn biến khi nghĩ ra vở kịch thì cũng thú vị. Báo Sông Hương ở Huế chắc cũng thích đăng những việc cũ của Huế và cũng nhắc luôn việc Bính làm những bài Xóm Ngự Viên..
  
Khi về Hà Nội lúc diễn kịch “Bóng giai nhân” Bính có gửi cho tôi một thiệp mời danh dự, rất đẹp hiện còn giữ được nét vẽ đan thanh của Nguyễn Đức Vượng bóng người giai nhân bên cầu lơ thơ liễu rũ thật duyên dáng. Tôi chụp sao lại gửi Yến Lan coi chơi.

  Bài thơ “Nụ cười son” thật cảm động. Thương cháu Hạnh bạc phước một phần vì chị Kiều mẹ nó không thương nó bằng những đứa em. Có cái gì ngang trái giữa mẹ và con! cho nên nó tủi thân. Anh chị Kiều có tất cả sáu con, Hạnh , thằng Tùng, con Dung, thằng Đại, con Diễm, Út, Hạnh thì bất Hạnh, Đại cũng chết vì chứng hoại huyết, bây giờ còn ba đứa đều ở Mỹ. Anh Kiều chết rồi tụi con rải rác mới đi, chị Kiều cũng đi cách đây vài năm, đã xin.. với con
Chúc anh chị mạnh khỏe và có dịp vào Thành phố

  Bài thơ mà bác Mộng Tuyết nhắc là viết về cô Hạnh, con gái ký giả Lê Tràng Kiều (Theo tin báo Sài Gòn: Cô Hạnh 17 tuổi , con của ký giả Lê Tràng Kiều vì không giật được mảnh bằng tú tài đã đến nhà một bạn gái thở than, khóc lóc, lo sợ cho tương lai, rồi nhảy từ tầng gác thứ bảy xuống đường) :

Nụ cười son
Hạnh ơi, thế là thôi,
Muốn gặp, không gặp rồi!
Mười tám năm về trước
Cháu còn nằm trong nôi,
Mẹ mừng chú bát nước,
Bố chào tràng thở dài
Bế cháu thơm vài lượt,
Cháu đãi chú nụ cười.

Chú đi mang cả màu môi đỏ,

Mong gặp sau này mãi thắm tươi,
Hôm nay giữa Hà Nội
Đọc tin báo Sài-Gòn:
Có bao người mẹ đói,
Có bao người mẹ buồn!
Nhưng không ngờ đến nỗi
Hạnh ơi, nụ cười son
Chú còn mong gặp lại
Đã rụng xuống vệ đường
Từ gác lầu thứ bảy.
Cả nụ cười chiu chắt giữa đau thương
Cũng tan tác trong đời sống Mỹ. 

Sau giải phóng, việc đi lại rất khó khăn. Ba tôi muốn vào Sài Gòn để thăm bạn bè cũ mãi mà chưa được . Tình cờ đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết là nhà thơ Yến Lan mong được một chuyến đi Sàì Gòn thăm bè bạn… Tôi biết khi lên báo không có nghĩa là ông trách chúng tôi không tạo điều kiện cho ông…  Nhưng thấy vậy vợ chồng tôi đành mua vé tàu hỏa để ông đi. Khi đó, vợ chồng tôi và một số cán bộ mới vào, cơ quan mướn khách sạn Hoàn Vũ (Mondian) đường Phạm Ngũ Lão cho ở tạm. Thấy có khó khăn cho con nên ba tôi yêu cầu - “Mấy chục năm rồi ba không gặp lại bạn bè, không biết ai còn ai mất, các con cố giúp ba tìm lại theo địa chỉ này”. Ông vừa nói vừa rút ở túi ngực ra tờ giấy đã nhàu đưa tôi xem. Tờ giấy ghi khoảng 15 địa chỉ và tên người. Xem xong tôi ngán ngẫm nói: Sao nhiều vậy ba, chắc mất cả tháng mới tìm ra các ông, bà bạn của ba! 
   Nói vậy thôi chứ việc này là việc cần làm mà. Tất nhiên sau đó ông xã tôi làm xe dân biểu để nhà thơ biểu đi đâu thì đi. Mỗi đia chỉ chúng tôi phải tìm là một câu chuyện vui. Nhưng tôi chỉ nói đến hai địa chỉ cuối cùng trong danh sách cần tìm của ba tôi thôi. 
   Hôm ấy là ngày chủ nhật, trời nắng nóng, không khí như loãng ra; những tưởng sau khi tìm gần mười địa chỉ, có bạn cũ, có bạn mới, có người còn sống, có người đã vượt biên v.v…thì ông già tha cho ông xã  nghĩ xã hơi dưỡng sức. Nhưng không, ông nhìn trời nói: Nắng Sài Gòn gay gắt nhỉ; hôm nay con giúp ba tìm thăm bác Mộng Tuyết. 
   Thế là ông xã  tôichở ông và có tôi theo tháp tùng đi tìm nhà bác Mộng Tuyết. Khó khăn lắm mới tìm ra được nhà bác. Bác Tuyết ở phố Nguyễn Trọng Tuyển. Đứng trước nhà, thoạt nhìn qua hàng rào; tôi thấy có hai người đàn bà đã ở tuổi xưa nay hiếm; một béo bệu, xanh mướt, yếu ớt, lưng hơi còng là bác Mộng Tuyết; một gầy nhom giống tôi là cô em, tên Lan. Hai cụ già sức như đã cạn kiệt, đập muỗi chưa chắc chết mà ở cả khu nhà rộng, nhiều cây ăn trái, như xoài, mít, mãng cầu v.v… thật đáng sợ!  Chả là vì lúc mới giải phóng, nhiều người nói với tôi: “Người Miền Nam dữ lắm, lôi thôi mất gáo (đầu) như chơi.” Tôi sợ bị mất gáo, ông xã năn nỉ mãi, tôi mới chịu theo anh vào Sài Gòn làm việc đấy chứ. 

  Ai đã từng gặp lại người thân đi xa lâu ngày mới cảm nhận được sự trùng phùng của ba tôi và bác Mộng Tuyết. Cô Lan ra mở cổng. Ba tôi bước vào và nói “chào chị Mộng Tuyết”. Còn bác thì nheo nheo đôi mắt đã sụp mí, hồi lâu mới “À! Yến Lan, đấy phải không?”.
    Cô Lan đưa ba tôi vào phòng khách. Ba tôi và bác Mộng Tuyết cười nói, hỏi chuyện về nhau rất sôi nổi. Giá trị tình thơ lần lượt tuôn trào. Khi hai người xưa nói chuyện thì tôi đi dạo vườn cây nhà bác nhưng vẫn để ý nghe xem hai người thơ nói gì. Tôi nghe bác Tuyết hỏi ba tôi về các nhà thơ: Tô Hoài, Xuân Diệu, Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Anh Thơ, Chế Lan Viên v.v... Mấy chục năm ấy, ở Miền Bắc đã sống và sáng tác ra sao? Còn ba tôi thì quan tâm đến cuộc sống của vợ chồng bác (Đông Hồ - Mộng Tuyết) và vợ chồng nhà thơ Lê Tràng Kiều v.v… 
   Sau buổi gặp nhau đó ba có bài: 

NHỚ ĐÔNG HỒ 
Qua cầu Rạch Giá khuất tầm trông
Đành gửi sau xe mấy đoạn lòng
Từ bấy quê hương liền xứ bạn
Mỗi câu non nước gợn Hồ Đông

                                                                  Lâm Bích Thủy

READ MORE - NHỚ TỚI BÁC MỘNG TUYẾT - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

RU TÌNH - Thơ Nhật Quang





RU TÌNH

Hương hoa trải lối tình hồng
Nghiêng say men đắm hương nồng dấu yêu
Mưa Thu lớt phớt giọt chiều
Vầng trăng ân ái... dập dìu cõi mơ

Tiếng yêu đắm đuối, mong chờ
Lênh đênh thuyền mộng...bên bờ lãng du
Đong đưa tình trọn đêm Thu
Địa Đàng ngây ngất, êm ru sóng tình.

                                     Nhật Quang
                                       (Sài Gòn)

READ MORE - RU TÌNH - Thơ Nhật Quang

QUẢ BẦN XANH - Thủy Điền





QUẢ BẦN XANH
(Thân Tặng Nhà Thơ Trần Mai Ngân)

Thường thường trước khi đăng bài lên mạng, hắn hay đọc bài của tác giả phương xa gởi đến từ một đến hai lần. Nhưng không biết chiều qua mắc chứng gì hắn ngưng lại nhiều bài khác mà ngồi đọc bài của Tác giả TMN nhiều lần, rồi ngồi thả người ra - thở dài và nói: Sao người đẹp, xứ Vĩnh Long chụp hình mà không cầm nhánh đầy quả Lôm chôm để khoe, ca ngợi những Đặc sản của quê mình cho mọi người được biết tới mà lại cầm một nhánh quả Bần xanh tượng trưng cho sự chua, chát. Thật là khó hiểu và chẳng biết ý của nàng nầy muốn nói gì.

Sau khi đăng bài “Nói Dối 

NÓI DỐI

Đêm qua anh mất ngủ
Bởi nhớ em vô cùng
Biết rằng anh nói dối
Lòng em vẫn bồi hồi...

Sáng nay trong vườn sớm
Hoa Tường Vi đâm chồi
Anh nói: nhớ không yên
Đứng ngồi sao vô vị...

Cả đời anh mộng mị
Bởi vì anh yêu thương
Cả đời em vấn vương
Dù lời anh không thật ! 

Đêm qua anh mất ngủ
Bởi nhớ em vô cùng
Biết rằng anh nói dối
Lòng em vẫn bồi hồi...

        Trần Mai Ngân

Xong. Hắn mail trở lại, mời nàng xem và dặm thêm mấy câu “Tôi vừa đăng xong, nếu thấy có gì chưa vừa ý xin chị cho ý kiến, sẽ thêm, bớt lại để bài được hoàn chĩnh hơn. Và, hắn trêu thêm một câu nữa (Chẳng ngụ ý gì, chủ yếu vui thôi. Bởi, nàng cũng vui tính và hoà nhã) Hắn bảo: Chị à ! Lẽ ra thì chị phải cầm trên tay nhánh quả Lôm chôm thì hay lắm. Ai nào lại cầm nhánh quả Bần, thấy thế nào hả chị?

Ngày kế, hắn đang đọc bài tiếp để chọn đăng, thì nàng mail đến và vui vẻ trả lời. Bài em đăng làm bằng thơ tranh chị rất hài lòng và hãnh diện lắm. Rồi nàng tiếp theo mấy câu như sau:
“Em ơi ! Lôm chôm là tượng trưng cho sự ngọt ngào, nó dành riêng cho những con người chân thật. Ở đây chị cầm nhánh quả Bần là ý chị muốn nói. Nếu ai mà dang dối, thì người ấy phải ăn hết những quả Bần chị đang cầm trên tay. Bởi, bản chất của nó là sự chua, chát, tượng trưng cho kẻ xấu. Nếu ai nói dối thì sẽ nhận những hậu quả ngay.”

 Khi đọc qua những dòng trả lời trên, hắn nghĩ trong bụng “Chết cả đám hết rồi “Cái nàng đất Vĩnh nầy nguy hiểm thật “ Chỉ một bức ảnh, một bài thơ mà nàng đã làm biết bao đàn ông trên cõi đời nầy nao núng.

 Nao núng ở chỗ nào?

Theo hắn nghĩ, dường như người đàn ông nào cũng một lần “Nói Dối. “Dù cố tình hay vì hoàn cảnh nào đó buộc họ phải nói dối mà sự nói dối nầy thường hay xảy ra trong lĩnh vực tình yêu, ví dụ:
Muốn tỏ tình với một cô nào đó, bố thằng nào dám bảo “Anh đã có vợ, hay đang có người yêu, mà luôn bảo anh đang còn độc thân đấy em “ thì cô ấy mới chịu hay suy nghĩ lại, bằng không là ngoảnh mặt đi luôn.

Trầm một chút, suy tư, hắn tự thấy trong sự nói dối cũng chưa hẳn là hoàn toàn xấu cả, nhiều khi nói dối mà mình được người yêu hay được một việc gì đó, miễn sao sự nói dối ấy đừng làm tổn hại đến kẻ khác quá đáng là được. Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, không biết người đối diện trước mình có chấp nhận hay không? Lại là một chuyện khác. Thôi thì, nói dối là một cái tội, nói chung, khỏi biện luận gì hết, xem ta là kẻ bại trận, hể ai nói dối thì phải đành chấp nhận chua cay, chấp nhận nếm mùi Bần. Như nàng đã gán.

Chiều về đứng bến, nhìn xa
Sông Tiền, sông Hậu là đà nước trôi
Dọc theo hai dãy cồn trồi
Bần xanh tươi thắm tuyệt vời bao quanh
Khuyên ai hãy cố giữ lành
Đừng mang dang dối dỗ dành hiền lương
Hãy yêu, hãy mến, hãy thương
Đem tình chân thật lót đường tương lai
May mà sẽ có một ngày
Ta về đất Vĩnh mồm nhai ngọt ngào.

                                     Thủy Điền
                                    17-09-2017

READ MORE - QUẢ BẦN XANH - Thủy Điền

LAN MAN VỀ PHONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA CHÂU THẠCH - Đặng Xuân Xuyến


          

LAN MAN VỀ PHONG CÁCH BÌNH THƠ                          CỦA CHÂU THẠCH

                                                                     Đặng Xuân Xuyến
                                                     

* Khi tìm tài liệu đọc để viết bài CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH, tôi chợt có ý định thử tìm hiểu về phong cách bình thơ của nhà phê bình văn học Châu Thạch nên cần mẫn ngồi đọc 130 bài bình thơ của ông. Đọc xong, tôi phấn chấn, nảy thêm ý định “tận dụng sự đọc 130 bài bình thơ” để viết một bài làm “kỷ niệm”... Tôi điện gặp nhà phê bình Châu Thạch, nói ý định của mình, ông cười sảng khoái: - “Vâng! Đặng Xuân Xuyến cứ viết theo đúng như những gì Đặng Xuân Xuyến cảm nhận về Châu Thạch, như thế mới quý. Cám ơn Đặng Xuân Xuyến trước nhé.”.
Tôi liền cặm cụi ghi lại những cảm nhận của mình về phong cách bình thơ của ông. Vì đây là bài cảm nhận của một đọc giả về một tác giả nên cấu trúc bài viết và những dẫn giải đưa ra sẽ không mang tính nghiên cứu khoa học, chỉ nhằm đáp ứng tiêu chí của bài: LAN MAN VỀ PHONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA CHÂU THẠCH. Vì thế, bài viết sẽ có những hạn chế, những thiếu sót khiến bạn đọc không được vừa ý.

&.1
Đọc những bài bình thơ của tác giả Châu Thạch, tôi hay gặp (nhiều) cách ông giả định khi bình thơ, tôi tạm gọi đó là phương pháp giả định để liên tưởng và giả định để gợi mở trong cảm thụ thơ văn. Có thể nói, đấy chính là phong cách đặc trưng, là cách nổi trội trong phong cách bình thơ của tác giả Châu Thạch. (Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi khi đọc Châu Thạch bình thơ, không là bài phê bình của người viết phê bình, vì thế “thuật ngữ” giả định để liên tưởng, giả định để gợi mở và một số “thuật ngữ” khác sẽ dùng trong bài viết nếu chưa sát nghĩa hoặc không đúng, mong quý vị thể tất.)
Chẳng hạn, khi bình bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan, ông đã dùng phương pháp giả định để liên tưởng khi tiếp cận với ý thơ (tứ thơ):

“Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Khổ thơ này cho ta liên nghĩ đến điều gì? Liên nghĩ đến vận mệnh. Vận mệnh của một cuộc gặp, vận mệnh của một đời người, vận mênh của quốc gia không tùy thuộc vào ta, có khi tùy thuộc vào phút giây nào đó. Bài thơ không cho ta biết hai người có liên quan nhau không nhưng bài thơ cũng cho ta đoán định đây là hai con người nghĩa khí. Một người có học, canh cánh bên lòng nổi u uẩn. Một người đang mang trọng trách trong mình. Nếu họ gặp nhau và đưa nhau qua đò biết đâu sẽ làm việc lớn, và chuyến đò kia sẽ là chuyến đò định mệnh. Vì họ không gặp nhau, vì định mệnh không cho họ hội ngộ nên ông lái đò phải:

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

Như vậy, người khách kia đi đâu không biết nhưng ông lái đò đã phí cả thơi gian, phí đi kinh sử, mất đi chí lớn, u uất nép mình chèo đò bao năm trên bến My lăng để đợi một người khách sang sông, người khách sẽ làm cuộc đời ông thay đổi. Đó là nhân vật nào ta đâu biết. Một tri kỷ? một đồng chí? Một lảnh tụ chăng? chứ dứt khoát không phải chỉ là một chàng kỵ mã bình thường.”

Đúng ý hay sai ý của tác giả thơ chưa biết nhưng trong trường hợp này, thì phương pháp giả định để cảm nhận Bến My Lăng theo cách của tác giả Châu Thạch là cách tiếp cận hợp lý.
Hay như khi bình Một Buổi Trưa của Bùi Giáng, mà theo Châu Thạch, thì đó là một bài thơ hay nhưng rất bí hiểm, khó lý giải trong số “những bài thơ tỉnh táo của Bùi Giáng”. Và để bình bài thơ này, tác giả Châu Thạch đã vận dụng phương pháp giả định để liên tưởng, giả định để gợi mở, để “cảm” Một Buổi Trưa.
Xin mời cùng đọc trích dẫn:

“Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

“Em có định sẽ cùng ai kể lể” là một câu nghi vấn mà không có dấu hỏi, nó có công dụng cho ta biết tác giả không trực tiếp hỏi em mà tự nhủ trong lòng mình. Câu thơ này cũng cho ta một phỏng đoán có thể em đang ở đó và cũng có thể em không có đó, nghĩa là tác giả đang một mình giữa bao la suy nghĩ về em. “Em” trong ba câu thơ còn lại như là một bóng ma. Bóng ma có một cuộc đời “hư huyễn giữa chiêm bao”, sống ở một vùng “hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” mà nơi đó là một nơi có thể hiểu là nơi vô định vì nó có “một mùi hương nồng tụ” mà tác giả không biết “ở nơi nào”.
Vế thơ này cho ta cảm giác gì? Cảm giác một bóng người lãng đãng trong một khung trời ảm đạm. Và cho ta một cảm nhận gì? Cảm nhận đây là linh hồn của tác giả. “Em” ở đây không ai khác là tâm thần của người nằm mộng. Cái tâm thần đó đã trải qua bao hệ lụy của cuộc đời, nay nó bước ra từ tâm tác giả và hóa hình vào trong  cơn mơ ấy. Cái tâm thần đó u ám trong lòng tác giả, nay nhân dịp thể xác êm ái trong giấc trưa, nó hiển hiện trong cơn mơ làm nên một bóng dáng của bao điều hệ lụy.”

Cũng dùng phương pháp giả định để cảm thụ, Châu Thạch đã thả nguồn cảm hứng của ông lạc trôi theo cánh “Chuồn Chuồn bay...”, phiêu cùng thơ Trần Mai Ngân đến với cõi mộng:

“Chuồn chuồn mà bay được đến cổng trời là chuyện không thể vì thân nó quá nhỏ, cánh nó quá mỏng. Vậy chỉ có  con chuồn chuồn hóa thân vào linh hồn tác giả thì mới đến được cổng trời trong mơ ước. Con chuồn chuồn bây giờ trở nên vô hình vì nó nằm trong ảo tưởng. Đây thật sự là một giấc mơ với muôn vàn khắc khỏai. Đây thật sự là tấm lòng ăn năn của người trong cuộc, ăn năn vì số phận ly tan, duyên trời chia cách chớ không phải ăn năn vì phụ bạc tình nhau. Bởi vì con chuồn chuồn đã yêu sâu đậm và thủy chung đến suốt một đời: “Ví dầu…dẫu mộng không thành/ Buồn, vui vẫn đậu…ngọt lành vẫn xin”. Chuồn chuồn mà bay đến cổng trời cũng có thể hiểu được là người xưa có thể đã trở thành người thiên cổ không còn ở thế gian. Câu chuyện chẳng khác chi Điệp ngày xưa đã đến cổng chùa để tạ lỗi với Lan. Điệp còn biết có Lan khi dây chuông bị cắt đứt nhưng con chuồn chuồn của Trần Mai Ngân chỉ đến cổng trời trong mơ ước mà thôi. Chính hình ảnh đó cho ta hiểu được niềm quặn thắt triền miên của người ở lại giữa cuộc đời nầy. Hình ảnh cánh chuồn chuồn chuồn mỏng manh mà bay đến tận cổng trời cũng cho ta thấy được tình yêu vĩ đại chất chứa trong lòng người đi tìm quá khứ. Vế thơ thứ nhất đưa con người vào mộng, vế thơ thứ hai đưa con người vào đau, một nỗi đau lớn chất nặng trên cánh con chuồn chuồn bé bỏng. Cái đẹp được pha trộn nỗi đau làm tăng thêm nỗi đau và nỗi đau làm tăng thêm cái đẹp. Người đọc thơ ở đây sẽ hưởng được thi vị trong nỗi đắng cay vì những câu thơ rất đẹp lướt qua một cuộc tình ngang trái.”

&.2
Tuy phương pháp giả định được ông vận dụng khá nhiều trong các bài bình thơ nhưng không phải phương pháp này được ông ưu tiên làm chính yếu, mà trong nhiều trường hợp, ông đã linh hoạt khi tiếp cận để tìm tòi, khám phá sự “đặc biệt”, tinh tế về cấu tứ, âm điệu, kỹ thuật... của bài thơ, lấy đó làm “nguyên liệu” cho việc “cảm” và bình thơ. Đấy cũng là một điểm nhấn đáng lưu ý trong phong cách bình thơ của Châu Thạch.
Gặp được bài thơ hay, ông phấn khích, ông “sướng nâng” như bị “lên đồng”. Chẳng hạn, khi đọc “Thềm Xưa, Em Đợi Người Về”, trước kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ khá “đắc địa” của Hà Nhữ Uyên, ông như chịu sự tác động của một loại chất kích thích cực mạnh, buộc ông “tự nguyện” thả hồn phiêu cùng Hà Nhữ Uyên, “tự nguyện” “lên đồng” cùng Hà Nhữ Uyên:

“Thú thật, bốn câu thơ ở vế đầu đã làm tôi sướng nâng và đọc những vế thơ kế tiếp tôi có cảm nhận mình đã thèm, đã thèm như chất kích thích đầy hương vị của “Ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng” ngấm vào trong thớ thịt: 

Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.

Câu thơ tôi yêu mến đầu tiên là câu “nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn”: Bài thơ này tác giả dùng chữ “em” nghĩa là viết thay cho một người con gái, và câu thơ này cho thấy được hết cả cái tâm hồn uỷ mị của cô em, cũng cho ta thấy hết được cái khung cảnh cô liêu nơi cô ngồi, cả sự lãng mạn trong suy tư của em. Nhặt hạt nắng là hành động của một kẻ tâm thần, nhưng tất nhiên cô gái không là kẻ bị bệnh tâm thần, vậy nhặt hạt nắng là một cử chỉ siêu lãng mạn của con người đa cảm, một hành động vô tâm nhưng bày tỏ một tính cách rất nên thơ có trong một tâm hồn rất đẹp.
Câu thơ thứ hai tôi thích là “nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan”. Ở câu thơ trên ta thấy cô gái”nhặt bâng quơ hạt nắng”, ở câu thơ dưới ta thấy cô gái “nhặt hoài mong”. Vậy thì trong vế thơ này sự hoài mong của cô gái được thể hiện trên hạt nắng. Cô gái nhặt hạt nắng như nhặt sự hoài mong của mình, và tất nhiên hạt nắng thì trôi tuột qua “mười ngón tay đan” nên sự hoài mong cũng trôi theo hạt nắng. Câu thơ liên kết sự mong đợi với hạt nắng ngủ trên bàn thật là lý thú. Cái vô hình trong tâm được thể hiện bằng cái hữu hình trên bàn, và cả hai được lồng trong bức tranh tỉnh vật chứa đựng sự sâu kín trong hồn hoà điệu cùng phong cảnh.” 

Nhưng cũng có trường hợp ông nhấn sâu vào âm điệu của bài thơ, xoáy sâu vào cấu trúc của bài thơ để chọn cấu trúc, âm điệu của bài thơ làm “chất xúc tác” cho việc cảm thụ và bình thơ. Ví dụ như khi ông bình bài thơ “Chấp Chới” của Đặng Xuân Xuyến:

“Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...

Người “xe chỉ luồn kim” là người vợ. Câu thơ cho ta biết cô gái “líu ríu theo chồng” đã thành người “xe chỉ luồn kim” cũng buồn “se sắt”. Còn người ở lại thì lang thang đầu ghềnh và mê mải trong tâm đi tìm quá khứ.
Khổ thơ với những vần thơ có thể gọi là “cà giựt”, nghĩa là nó ngắt khúc từng ý thơ và tứ thơ không dính dáng gì nhau, nhưng chính cái “cà giựt” đó làm cho tiếng thơ trở nên dập dồn, kích thích người đọc, làm căng thẳng cảm xúc và trọn vẹn gói vào đó niềm đau của đôi trai gái thất tình.
Qua khổ thơ thứ ba tác gỉả dùng từ ngữ như những nhát búa đập liên tục vào điểm yếu của con tim, làm cho đau đớn, làm cho rỉ máu, làm cho nghẹn ngào, uất ức:
Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.”

&.3
Một điểm nhấn nữa trong phong cách bình thơ của Châu Thạch là ông bình thơ bằng tâm thế của người cảm thụ thơ nên trước hết ông thả hồn vào bài thơ để phiêu cùng tác giả tới mọi ngóc ngách của bài thơ, để tìm cho được sắc thái riêng của bài thơ, để cảm thụ được hết vẻ đẹp của bài thơ và khi viết lời bình, ông cố gắng tiết chế cái tôi của người “phê bình văn học” sao cho hài hòa, hợp lý để lời bình được chân thực, khách quan.
Ví dụ, Mơ Trăng tôi viết trong tâm trạng: khi thấy người yêu vội vã tận hưởng những phút giây ân ái, cuống quýt thỏa mãn cơn khát thèm thể xác, tôi lặng người, đớn đau, thấy tội nghiệp cho tình yêu em đang dâng hiến, và cũng xót xa, tội nghiệp cho cuộc tình của cả hai. Tôi muốn đẩy em ra, muốn hét lên: - Đừng yêu anh nữa! Hãy tránh xa anh đi! Nhưng tôi không làm được. Đúng ra là tôi không thể làm thế nên lại quấn lấy em, gồng lên để hòa vào cơn khát thèm thể xác với em. Tôi đã tả rất chân cuộc tình ấy, ngay từ khổ thơ  đầu:

Em rướn mình hà hít nụ hôn anh
Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội
Môi khóa môi mà sao xa vời vợi
Đêm cuống cuồng khỏa lấp nỗi chơi vơi.

Và tôi run người khi đọc những lời bình của ông vì đã gặp lại mình trong cuộc tình ấy: 

“Bây giờ có hai Đặng Xuân Xuyến, một Đặng Xuân Xuyến đang vùi trong hương hoa của tình yêu và một Đặng Xuân Xuyến đang vùi trong trũng sầu bi, khắc khỏai và đắng cay. Lúc này nhà thơ đương yêu hay là không yêu? - Đâu biết được. Chỉ biết nhà thơ đang ôm một khối tình, khối tình nóng cháy như hỏa diệm sơn mà cũng rét cóng như băng giá miền cực bắc.”
“Phải chăng thứ tình yêu bình thường, những ân ái bình thường không đáp ứng được cho một trái tim nhạy bén, một tâm hồn thơ luôn mơ mộng sự trong trẻo, sự vô biên, dây quyến luyến vượt quá cuộc đời. Con người thật của Đặng Xuân Xuyến ra sao ta đâu biết được nhưng thơ Đặng Xuân Xuyến quả là đúng như vậy.”

Tôi không biết các nhà thơ khác sáng tác thế nào nhưng những bài thơ tôi viết là những tiếng lòng chân thật của tôi, dù đớn đau hay vui mừng, dù chán chường hay phấn chấn thì những cảm xúc trong thơ của tôi cũng phản ánh rất chân thật tâm trạng, tình cảm của tôi, tuyệt không hư cấu. Vì thế, khi đọc những dòng cảm nhận của ông về thơ của tôi, tôi như lần nữa được sống lại với những tâm trạng, cảm xúc mà tôi đã mượn thơ để giãi bày. Nếu không thả hồn để phiêu cùng bài thơ, để tìm cho được cái hồn, cái sắc thái riêng của bài thơ thì Châu Thạch không thể viết được những dòng cảm nhận như được moi ra từ gan ruột của tác giả.
Ví dụ, khi đọc tập thơ Cưỡng Xuân, Châu Thạch đã viết: 

“đọc“Cưỡng Xuân” của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung động cùng một lúc. Đó là sự rung động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình cúa thể xác. Hai thứ hương đó quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa của ái ân thể xác và của âu yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm lạnh con tim, nỗi sầu được diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn lòng se thắt. Thơ đó không phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như những bông hoa trường trải được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập trong bao nhiêu biến động của đời.”.

Hay khi đọc Em Về Nhặt Chút Hương Phai của Huỳnh Gia, Châu Thạch đã không đứng phía bên ngoài để “cảm” thơ mà ông thả hồn mình phiêu cùng nữ sĩ Huỳnh Gia để cùng Huỳnh Gia cảm nhận bài thơ bằng những cảm xúc chân thật được cất lên từ tiếng lòng của nữ sĩ:

“Mai em về thăm
xuân chưa ấm nổi đất trời
tìm đến đồi Cù
tìm về khung trời cũ
bức rào chắn phân ranh
cỏ úa màu trách cứ
mỏi mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa

Trong vế thơ này hai câu thơ “Cỏ úa màu trách cứ/ mỏi mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa” làm người đọc thấy khung trời hoang sơ rộng vắng của đồi Cù, mà sự rộng vắng có giới hạn ấy trở thành mênh mông vô tận trong tâm hồn tác giả khi “mỏi mắt tìm” điểm hẹn xưa mà không thấy nữa. Cái lạnh của cuối đông vẫn còn vì “xuân chưa ấm nổi đất trời” sẽ càng lạnh thêm biết bao khi người về gặp “bức rào chắn phân ranh”. Đây là bức rào chắn phân ranh khung trời cũ trên địa thế đồi Cù nhưng nó cũng là bức rào chắn phân ranh quá khứ và hiện tại trong tâm hồn người quay lại. Vế thơ cho ta thấy tất cả sự tiêu điều, se lạnh của khung cảnh trùm lên tâm hồn và nỗi dằn vặt trong lòng cũng thể hiện ra trên cỏ úa, trên bức rào, trên điểm hẹn đã bị mất đi. Cảnh bây giờ hình như cũng gây trắc trở cho người vì có lẽ cảnh và người ở đây cùng chung số phận, định mệnh như nhau.” 

&.4
Thêm một điểm nhấn “son” nữa về phong cách bình thơ của Châu Thạch là khi bình thơ, ông chịu khó tìm tòi để phát hiện ra những tinh tế, những sáng tạo của nhà thơ trong bài thơ, rồi truyền tải nguyên vẹn, thậm chí có phần dầy hơn, đẹp hơn những cảm xúc được thăng hoa của nhà thơ tới bạn đọc.
Cảm nhận về Hà Nội Quê Tôi của Lê Mai là một ví dụ:
“Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.

“Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là  một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa, lấy kỳ quan đất nước sừng sững ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội.”

Hay như đoạn được trích dẫn dưới đây trong bài Vài Lời Biện Hộ Về Thơ Nguyễn Khôi, ông luận bàn thật “đắt” về từ “tắt trăng”, một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khôi:

“Với tôi Nguyễn Khôi dùng chữ “tắt trăng’ trong câu chót là một tứ thơ sáng tạo, độc đáo, khác lạ và tuyệt hay đã nâng cả bài thơ lên tầm cao thị vị. Nếu tác giả dùng chữ “lịm” hay chữ “khuất” thì câu thơ “Để cả bầu trời phải lịm trăng” hay “Để cả bầu trời phải khuất trăng” chỉ có ý nghĩa là trăng nhìn thấy sự lõa thể mà mê mẩn đến mờ đi ánh sáng hay trốn vào đâu đó để ghé mắt nhìn trộm. Tứ thơ này đã cũ quá và đã lạc hậu vô cùng vì đã có hàng ngàn thi nhân viết rồi từ xưa đến nay. Nguyễn Khôi dùng chữ “tắt trăng” đã đưa trăng có cái nhân cách người, có cái đạo đức của chính nhân quân tử khi trăng tự tắt ngọn đèn của mình, hay quay lưng đi không nhìn những người phụ nữ tắm ao. Tứ thơ này hoàn toàn mới, diễn đạt một ý thơ chỉ sự thanh cao của trăng, cũng chính bộc lộ sự thanh cao của tâm hồn tác giả mà từ xưa đên nay chưa một ai nghĩ đến trong thơ.”

&.5
Bên cạnh những phương pháp chủ quan, bao gồm cả phương pháp giả định và các phương pháp tiếp cận để cảm thụ thơ văn như đã dẫn giải ở trên, Châu Thạch cũng có khi dùng cả phương pháp khách quan cho việc tìm tòi, khám phá và cảm thụ thơ văn của ông. Ẩm Trời - Thơ Đặng Xuân Xuyến: Một Phong Cách Tình Khác Lạ là một ví dụ:

 “Ẩm Trời” là một bài thơ ngắn gọn tưởng như nó bày tỏ một mối tình qua loa hời hợt nhưng không phải thế. Đọc thơ, ta hiểu được tính cách của người trong thơ. Họ phải là những người đã lăn lộn trong cuộc đời, vấp ngã trong tình trường, dày dạn trong đối nhân xử thế, tinh tế trong lời nói. Họ có thể yêu nhau nhưng cuộc đời còn nỗi éo le ta không biết được. Ta chỉ biết họ trân trọng nhau trong lời nói bộc trực tưởng như là thô thiển.
Bài thơ hay là hay ở chỗ đó, diễn đạt cái kín đáo mà bề ngoài không mấy ai thấy được, không mấy ai trân trọng, có khi còn khinh ghét nữa. Bài thơ hay cũng là hay ở chỗ “nói tục giảng thanh”. Đọc “Ẩm Trời” ta nghe tiếng thơ như của một nhân vật bất cần đời, một cặp trai gái ngổ ngáo xem tình như cỏ rác, nhưng ngẫm kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần ta tìm thấy ở đó những tâm hồn đẹp mà ta yêu quý, một mối tình có thể làm cho ta se lòng và cảm mến..”

Rõ ràng, ở đoạn vừa trích dẫn, tác giả Châu Thạch, bằng phần nào sự hiểu biết của ông về tuổi tác, con người và tính cách... của (tác giả thơ) Đặng Xuân Xuyến, ông đã dùng phương pháp khách quan - thông qua “tiểu sử” tác giả - để “cảm thụ” bài thơ Ẩm Trời. Đây là một phương pháp được các nhà phê bình văn học sử dụng khi phương pháp chủ quan yếu thế, có thể sẽ không phát huy được hiệu quả như khi sử dụng phương pháp khách quan trong việc bình thơ.
Hay như trong bài Vài Lời Biện Hộ Về Thơ Nguyễn Khôi, tác giả Châu Thạch đã dùng phương pháp khách quan - những hiểu biết của bản thân từ thực tiễn về tiếng “nai tác” - để phản biện chỉ trích của Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên về chữ “nai tác” trong bài thơ Đêm Mộc Châu của nhà thơ Nguyễn Khôi:

“Tiến sĩ viết như sau:
Nguyễn Khôi đã viết:
Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “tác”
Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
Mới hay cuộc sống còn đói khát 
Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn

Theo chúng tôi đây cũng là một bài thơ hay của Nguyễn Khôi. Hai câu đầu là tả thực. Hai câu cuối có sức khái quát lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở nơi mà đã có “dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng”, tàn phá rừng, hủy hoại môi trường như thế thì không còn nghe thấy tiếng “nai tác” được nữa. Có chăng chỉ còn nghe tiếng thạch sùng mà thôi!” Sau đó tiến sĩ còn khẳng định: “Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”. Vậy nên ta cũng không nên “chẻ sợi tóc làm tư” mà làm gì miễn là đó là thơ hay!”
Đây là một nhận xét thật sự sai lầm. Người viết bài này đã từng nhiều lần nghe suốt đêm tiếng nai tác trong một vùng tàn phá môi trường hàng ngàn dặm. Sau 1975 tôi được điều đi khai hoang sản xuất trên vùng rừng núi. Chúng tôi thường nghe tiếng nai “tác”  bi thương kéo dài trong đêm. Hỏi ra mới biết đó là tiếng của những con nai lạc bầy do môi trường bị hủy hoại. Bởi sự thay đổi của núi rừng làm cho những con nai con thường lạc mẹ, thế là con gọi mẹ hay mẹ tìm con cứ “tác” suốt đêm trường. Tiếng gọi ấy của nai khắc khỏi trong đêm vọng vào hồn tôi cũng đang khắc khoải vì những biến động của cuộc đời tôi thuở ấy.”

&.&
Có thể nói, Châu Thạch là một cây viết sung sức, đầy nội lực, viết nhanh, viết khỏe và viết nhiều. Tôi không biết chính xác ông đã hạ bút viết bao nhiêu bài phê bình thơ (và cả văn) nhưng để lan man tìm hiểu về phong cách bình thơ của tác giả Châu Thạch như bài viết này, tôi đã phải ngồi tham khảo chừng 130 bài bình thơ của ông mà theo số liệu thống kê của văn sĩ Thái Quốc Mưu thì tính đến tháng 07 năm 2017, chỉ riêng bình thơ, tác giả Châu Thạch đã “xuất xưởng” trên 200 bài. Quả thật, sức viết của ông rất đáng kính nể.
Những điểm mạnh trong phong cách bình thơ của nhà phê bình văn học Châu Thạch khá nhiều, còn hơn những gì người viết đã lan man dẫn giải nhưng trong phong cách bình thơ của ông vẫn còn vài điểm hạn chế mà theo người viết, nhà phê bình văn học Châu Thạch rất cần khắc phục.
Đó là:
1. Việc chọn bài còn để lọt những bài thơ chưa thật sự hay, chưa đúng như tiêu đề bài viết. Điều này có thể do tình thân hữu, sự cả nể khiến ông “tặc lưỡi”. “Nội lực” bài thơ không có nên dù người bình cố “tán”, cố “đẩy” thì bài thơ vẫn chỉ như bông hoa kém tươi, lạc lõng giữa vườn hoa đua sắc khoe màu. Vô tình, những bông hoa “cả nể” đó đã làm vườn hoa đẹp của nhà phê bình văn học Châu Thạch giảm nhiều hương sắc.
2. Phương pháp giả định được ông vận dụng với mật độ khá dầy trong các bài bình thơ, đã ít nhiều tạo ra hiệu ứng đơn điệu, đều đều, nhàm chán trong việc tiếp thu, cảm nhận thơ văn của bạn đọc, khiến bạn đọc nảy sinh tâm trạng nghi ngờ nhà phê bình đang cố “tán”, cố “lái” bài thơ theo dòng cảm xúc đã được định hướng.
3. Việc “đồng màu chỉ khen không chê” trong hàng loạt bài bình thơ của nhà phê bình văn học Châu Thạch. Có thể vì là người trọng tình cảm nên ông tránh làm tổn thương người khác; hoặc có thể vì trân quý những tìm kiếm, những thành công của tác giả thơ nên ông “không nỡ” nêu ra hạn chế, sợ tác giả thơ sẽ nhụt chí... Cho dù với lý do gì thì việc “chỉ khen không chê” cũng làm thiệt thòi cho cả 3 đối tượng: nhà thơ (không biết được yếu kém để sửa chữa, nâng cao tay nghề), bạn đọc (không nâng cao được khả năng học và cảm thụ thơ văn) và nhà phê bình (tác phẩm tạo ra đồng màu, đơn điệu).

                                     Hà Nội, chiều 19 tháng 09 năm 2017
                                                ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - LAN MAN VỀ PHONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA CHÂU THẠCH - Đặng Xuân Xuyến