Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 30, 2013

CỔNG RÀO Ở HUẾ - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

- Ảnh 01:  Hàng rào công viên, ngăn cách mà như không ngăn cách.

1. Mỗi lần về Huế, tôi có thói quen đi bộ dọc đường Lê Lợi để... ngắm phố. Con đường chính chạy dọc sông Hương, và cũng là con đường đẹp nhất Huế này có sức quyến rũ kỳ lạ. Dù bận thế nào, hay có những kế hoạch đi đâu, thì tôi cũng phải dành thời gian đi bộ dọc đường Lê Lợi. Bỏ qua lời mời của các bác xích lô, xe ôm nhiệt tình; bỏ qua cả thiện ý chân thành của người bạn Huế cho mượn xe máy; tôi đi bộ. Chỉ có đi bộ thì ngắm nhìn (và chụp ảnh, dĩ nhiên rồi) mới sướng. Phố rợp cây xanh, mặt sông thấp thoáng, kiến trúc đẹp, cuộc sống bình yên...; đó là những gì hấp dẫn cho một lữ khách, hay người yêu cái đẹp. Nhưng một lý do quan trọng mà những lần đầu tôi chưa thể nhận ra ngay là tại sao tôi lại thích đi bộ dọc con đường này. Đó là cổng rào của những công trình kiến trúc...


- Ảnh 02:  Cổng – rào của một biệt thự
-  kiến trúc thời Pháp thuộc, từng là trụ sở
HĐND - UBND TP Huế và hiện nay là
Bảo tàng Văn hoá Huế (đường Lê Lợi).
Nếu có thể gói gọn một cách vui vui về cổng rào ở thành phố Huế, mà đường Lê Lợi ở khu “phố Tây” được coi như một điển hình, thì tôi dùng 3 chữ: thấp - thưa – thoáng. Chính những cổng rào này đã tạo nên giá trị của con đường, tạo nên giá trị và phần nào bản sắc của không gian đô thị. Không phải tất cả, nhưng những cổng rào ở đây luôn thấp, mở rộng tầm nhìn, không bó con đường hẹp lại, không vây kín, che chắn công trình; mà thân thiện và gần gũi. Dường như cổng và những hàng rào nơi đây chỉ là một ngăn cách, định hướng lối đi mang tính ước lệ. Hàng rào luôn thấp hơn tầm mắt nhìn, thấp hơn cả đầu người, và có những công trình, không gian; hàng rào thấp bằng... đầu gối. Nhìn ngắm những hàng rào ấy, kiến trúc ấy, không gian ấy, thoả mãn thị giác là một phần; mà tâm hồn như cũng thanh thản. Nhiều công trình có cổng, hàng rào đặc sắc, như thể một phần của kiến trúc khó tách rời.


- Ảnh 03: Biệt thự với cổng rào xây gạch rất thấp. 
Công trình này hiện là trụ sở Hội Văn học nghệ thuật 
Thừa Thiên - Huế (Đường Lê Lợi).

Kiến trúc từ thời Pháp thuộc, kiến trúc mới, công viên, biệt thự nhỏ, công trình lớn... như có một sự hô ứng, đồng điệu nhau, mà cổng – rào cũng vậy. Hàng rào gạch, hàng rào thép, hàng rào cây..., tất cả đều khiêm nhường như chẳng hề ngăn cách. 

2. Rời khu phố Tây và đường Lê Lợi, đi vào trong Thành Nội ở bờ bắc sông Hương, hay đi ra các vùng xa trung tâm hơn như Kim Long, Phú Hiệp, Phú Cát... hay ra ngoại ô thành phố; cũng dễ dàng gặp những cổng rào thân thiện như thế. Tôi hay lang thang trong Kinh thành, để lần tìm những ngôi nhà cũ xưa, như thể tìm lại bóng dáng quá khứ vàng son một thủa...


- Ảnh 04: Một công trình biệt thự khác, là Trung tâm Festival Huế, 
với hàng rào cao bằng... đầu gối (Đường Lê Lợi). 

Huế đổi thay nhiều, Thành Nội cũng đổi thay nhiều, nhà mới kiểu nhà phố mọc lên nhiều. Những ngôi nhà xưa đang dần dần chìm khuất; hay đang cố níu giữ, chống đỡ trước một cuộc sống mới, sự thay đổi mới khó cưỡng? Dẫu vậy thì vẫn còn đó những ngôi nhà truyền thống với mái ngói liệt, với khoảng sân cùng cây xanh, với bình phong trước cửa. Những ngôi nhà này hàng rào cũng thấp, có thể là hàng rào gạch, có thể là hàng rào cây xanh với trụ cổng xây; và cổng cũng như vừa đủ người đi. Nhưng điều thú vị là hàng rào dù thấp, nhưng tương quan với ngôi nhà nhỏ, khoảng lùi xa, cùng bình phong chắn trước cửa lại tạo nên một sự kín đáo, dùng cổng rào chẳng hề bưng bít.


- Ảnh 05: Hàng rào ở công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh -
Thừa Thiên - Huế (đường Lê Lợi).
Nếu như ở khu phố Tây, cổng và hàng rào, dù thấp, dù thoáng vẫn có sự “nghiêm cẩn”, chặt chẽ của kiến trúc đô thị; thì cổng – rào của những ngôi nhà xưa trong Thành Nội hay vùng ven lại như tự do hơn; thoải mái hơn, thân thiện hơn, nhưng vẫn trong một chừng mực nhất định, vẫn có sự chuẩn mực của một kiến trúc đại diện, là gương mặt công trình. Hình như ở đó có sự khoáng đạt của nắng gió miền trung, có sự thâm trầm, kín đáo khiêm nhường của con người xứ Huế và nét lãng mạn riêng của đất cố đô!?




- Ảnh 06: Hàng rào ở Khách sạn Century (đường Lê Lợi).




- Ảnh 07: Cổng – rào của một cơ quan hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, với kiến trúc trụ cổng mang âm hưởng truyền thống (đường Lê Lợi).




- Ảnh 08: Cổng rào Trường Đại học Huế. Trụ cổng có tính điêu khắc, kết hợp hiện đại và dân tộc (đường Lê Lợi).





- Ảnh 09: Cổng trường Quốc học Huế, một kiến trúc đặc sắc mang phong cách thời Nguyễn (Đường Lê Lợi).




- Ảnh10: Hàng rào trường Quốc học Huế - thấp, thoáng và rất tinh tế.




- Ảnh11: Cổng vừa đủ, tường rào khiêm nhường ở Thiên Giang Tự - ngôi chùa ở phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).




- Ảnh 12: Phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa (phường Phú Hiệp, TP Huế) với hàng rào xanh uốn lượn qua 2 trụ cổng.

- Ảnh 13, 14, 15 (dưới): Những ngôi nhà xưa trong Thành Nội.








Hà Nội 13/08/2013
Nguyễn Trần Đức Anh




READ MORE - CỔNG RÀO Ở HUẾ - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

CHỜ NHAU - thơ Nguyễn An Bình




Chờ nhau thuở tuổi còn xanh
Nụ xuân vừa hé đầu cành hương bay
Ngực trầm hương ấm tình say
Áo hồng cuối phố ngỡ dài chân son.

Chờ nhau mấy độ trăng tròn
Tóc mai mười sáu tình còn thơ ngây
Lưng trời cánh nhạn vừa bay
Cọng rơm vàng rớt trên tay lời thề.

Chờ nhau én rủ mây về
Môi thơm đã khép ngực kề cận nhau
Lá rơi vương cánh hoa đào
Tình tôi đánh mất bên cầu chiêm bao.

Chờ nhau biển hóa nương dâu
Khói mây đã trắng tóc sầu lên cây
Hoa vàng một thuở hương phai
Cuối đông chợt nhớ áo dài ngày xuân.

Chờ nhau em nhé bao năm
Thềm xưa hiên vắng lạnh căm ghế mòn
Tình về say giấc đầu non
Trăm năm sỏi đá có còn hẹn nhau?

         Cuối năm 2013
         NGUYỄN AN BÌNH

READ MORE - CHỜ NHAU - thơ Nguyễn An Bình