Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 25, 2016

KẺ SÁT THỦ CHÍNH LÀ NGƯỜI TÌNH CŨ - Truyện ngắn của Thủy Điền



                           Tác giả Thủy Điền




   KẺ SÁT THỦ CHÍNH LÀ NGƯỜI TÌNH CŨ

   Sau vụ án đêm hôm ấy, lẽ ra Hoàng nên bỏ trốn đi nơi khác để khỏi bị phát hiện là kẻ sát nhân thì đúng hơn . Nhưng hắn không làm thế, tỏ vẻ mình là kẻ khôn ngoan, tỉnh táo, cao cơ và quây ngược trở lại tham gia cùng mọi người lo phụ giúp lễ tang như người thân trong gia đình và thỉnh thoảng còn đóng kịch với những màng xúc động rơi nước mắt trước mọi người, nên chẳng ai thèm để tâm, để ý đến hắn.

  Năm hai mươi tuổi hắn từ quê nhà lên thành phố tìm việc làm. Hắn đi năm non, bảy biển và cuối cùng được một gia đình người Việt gốc Hoa có cơ sở sản xuất bánh, kẹo nhỏ nhận vào làm, bước đầu lương bổng cũng khá bèo vì không có tay nghề, nhưng hắn vẫn chấp nhận. Sau một năm siêng năng học hỏi và làm việc tốt, gia đình nầy rất thương mến và cho tăng lương, đồng thời còn hứa hẹn với hắn là sẽ cho hắn một việc làm lâu dài. nếu hắn muốn ở lại đây làm việc. Khi nghe xong hắn mừng ra mặt và rất tích cực trong công việc hàng ngày.

   Thời gian làm việc nơi đây cũng khá lâu như người trong nhà, hắn quen thuộc tất cả từ A- Z rồi dần dần quen và yêu cô con gái lớn của ông bà chủ. Hồi đầu cơ sở còn thô sơ, nhỏ mọi người ai ai cũng đều cấm cúi vào công việc, chưa ai nghĩ đến chữ giàu nghèo, giai cấp, chuyện yêu đương của đôi trẻ là chuyện bình thường chẳng ai quan tâm và để ý đến. Nhưng thời gian năm năm sau, khi xã hội được nới rộng, việc kinh doanh bắt đầu chính thức tự do, cơ sở càng lúc càng phát triển mạnh, sự giao thiệp bên ngoài cũng được mở rộng, ông chủ quen biết rất nhiều hạng người giàu có, chủ cả khắp cả nước Việt Nam và nước ngoài.

   Vừa quan hệ làm ăn, vừa giao tiếp mọi giới, ông bắt đầu cân nhắc, nghĩ đến danh giá gia đình và không cho con gái mình quan hệ với hắn nữa, ông có ý định gả sang cho người khác nên thường hay gắt gỏng và có những hành động không tốt làm cho hắn bất mãn và phải bỏ đi. Hắn biết được mọi âm mưu của ông bà chủ, nhưng vì phận thấp hèn nên hắn đành câm lặng, chịu thua và chia tay người yêu ra đi vĩnh viễn.

   Bước đầu hắn định bỏ qua mọi việc và cho đó là „Tình đời „ và sẽ làm lại cuộc đời, nhưng được một tháng thì hắn không còn nhịn nhục được nữa vì tức giận và lời ra, tiếng vào của bè bạn, hắn bắt đầu suy nghĩ rồi tìm cách trả thù ông bà chủ, người đã mưu mô , bày sự chia cắt mối tình bấy lâu nay của hắn.

   Một đêm u tối 29 rạng 30, trời đen như mực hắn lẻn vào căn Biệt thự riêng của hai ông bà, trong lúc hai người đang say ngủ, hắn mở cửa rồi dùng con dao Thái Lan hạ sát cả hai mà chẳng ai hề hay biết và ra về trong đêm một cách an toàn. Con chó nhà không sủa vì đã quen hơi hắn từng nhiều năm qua.

   Sáng ra, bể chuyện, mọi người gọi Công An, Báo chí, nhà chức trách đến, vang dậy cả làng. Lẽ ra sau vụ án động trời, hắn nên tẩu thoát thì hay hơn, đàng nầy hắn quây ngược lại giả vờ như không biết gì và xông xáo vào cùng gia đình lo phụ giúp lễ tang. Phía ngoài Cảnh sát đang mở cuộc điều tra và tìm dấu vết, tang vật của kẻ sát nhân. Bên trong hắn tỏ vẻ u buồn và thậm chí có lúc xúc động và khóc trước quan tài người quá cố.

  Cuộc điều tra gần cả hai tháng trời bất thành, Công An bắt đầu chán nản. Nhưng rồi, không có chuyện gì mờ ám mà qua được mắt trời và luật pháp . Một hôm cả nhà đang ngồi ăn cơm, bổng dưng thằng A Cường em út của Diễm bồ cũ hắn vọt miệng nói (Hôm đám tang ba má ngộ thấy gương mặt A Hoàng có lấm tấm máu, ngộ hỏi? Tại sao. A Hoàng nó nói nó vừa bị té. Từ đó mọi người nghi ngờ, dừng đũa và không ăn nữa rồi liền báo cho nhà chức trách hay để tìm ra sự việc. May ra.

   Đúng 8 giờ ngày hôm sau Hoàng được một số Công An đặc biệt mời về cơ quan làm việc, lúc đầu hắn không nhận, cứ chối quanh, chối quẩn, nhưng ba hôm sau hắn thú nhận chính hắn là kẻ sát nhân vì quá tức giận hai ông bà đã hất hủi và cãn ngăn tình yêu của hắn.

   Khi cuộc điều tra hoàn tất, hắn bị đưa ra xử lưu động trước nhân dân và lãnh án Tử hình.

   Trên đường về Diễm không đi chung với mọi người  trên chuyến xe, mà tự đi bộ một mình theo những con đường vắng, ôm mặt khóc, rồi thầm trách „Tại mình mà cả ba người đều chết „ thật oan uổng vô cùng.

                                                                            Thủy Điền
                                                                            24-8-2016

READ MORE - KẺ SÁT THỦ CHÍNH LÀ NGƯỜI TÌNH CŨ - Truyện ngắn của Thủy Điền

VĂN TẾ MUÔN LOẠI CÔ HỒN SỐNG - Lang Trương


         
                                Lang Trương

 


VĂN TẾ MUÔN LOẠI CÔ HỒN SỐNG                                                                                 Lang Trương

Sách có chữ :
Quốc gia hưng vong,
Thất phu hữu trách.
Vận nước bĩ thời,
Ngay gian khó vạch.
Tháng Cô Hồn,, nắng hạ đổ chói chang,
Mùa Vu Lan, mưa thu rơi tí tách.
Tai họa thay !
Quỷ Môn Quan cửa rào lỏng lẻo, ngập Nhân Gian quỷ dữ lộng hành,
Ma Thiên Lãnh phiên dậu lơ là, tràn Dương Thế cô hồn oai oách.
Chúng sinh nay !
Quỷ Chúa ngự ngôi cao ngất ngưởng, mặt nung núc mỡ, công khố quốc gia thỏa sức rút bòn,
Ma Vương ngồi ghế rộng nghênh ngang, đầu phất phơ sương, xương máu dân đen tha hồ hút xách.
Hủy diệt văn hóa, nhân nghĩa tiêu tan,
Tàn hại sinh linh, lê dân quẫn bách.
Núi rừng sạch bóng chim muông,
Sông suối cạn nguồn lươn chạch.
Loài Quỷ Dữ giết người hàng loạt, máu lương dân loang khắp thị thành,
Bọn Ác Ma cướp của hiếp càn, xác nhi nữ nổi cùng kênh rạch.
Kẻ vô luân vào ngành giáo dục, hiếp con trẻ, đổi điểm lấy tình,
Kẻ sát nhân khoát áo lương y, quăng xác chết, không quan chẳng quách.
Chốn quan trường tranh quyền đoạt lợi, giở lắm chiêu hạ tiện đê hèn,
Nơi hoạn lộ bán tước mua quan, loại hết tính thanh cao trong sạch.
Phép, chỉ để trị chúng, trăm nỗi oan khiên,
Lợi, chỉ để dành quan, muôn đường luồn lách.
Bọn Đầu Trâu lừa nhà cướp đất, xót xa người biệt quán ly hương,
Lũ Mặt Ngựa bán phấn buôn hương, thảm thiết cảnh quê người đất khách.
Phường vô học chưa qua bổ túc, lòi bằng giả, vẫn trơ mặt nhục kiêu căng,
Hạng bất tài chẳng hết phổ thông, lộ quan tham, còn chìa mặt mông hống hách.
Vòi tiền cạy bạc, giỏi mượn tiếng công sai,
Mãi lộ cướp đường, khéo mang danh chức trách.
Có hơi đồng, hành chính trơn tru,
Thiếu chất tanh, giấy tờ ì ạch.
Ăn, chẳng từ kẻ áo ôm,
Nhậu, chớ tha quân khố rách.
Ma đói đớp cả cứu trợ, hộ nghèo,
Quỷ no táp vào có công, chính sách.
Buổi can qua đầu co cổ rụt, giả thương binh tuần bảy bữa xênh xang,
Thời bom đạn thịt nát xương tan, cúng liệt sĩ năm ba đồng cọc cạch.
Đám Cô Hồn mười thằng như một, da dẻ xăm trổ đen thui,
Bè Các Đảng chín đứa giống nhau, tóc tai sơn phếch đỏ quạch.
Ngày đòi nợ thuê, chém mướn, đêm trộm chó bắt mèo,
Sáng giật giỏ xách, cướp xe, tối đào tường khoét nghách.
Tiểu Yêu Quái quanh năm lêu lổng, bóng banh đề đóm, có kể chi cha yếu mẹ nghèo,
Lão Đại Bợm suốt tháng bê tha, nhậu nhẹt lu bù, cũng thây kệ cột xiêu tường rách.
Tiểu Yêu Nữ vào nhà quyền thế, chị cử nhân em thạc sĩ, chốn tôn nghiêm phơi rốn hở đùi,
Hồ Ly Tinh lọt cửa quan nha, mẹ mệnh phụ con phu nhơn, nơi linh hiển khoe mông lòi nách.
Hai Bà Trưng cưỡi xe tăng rượt Ô Mã, sử nước nhà cạc cạc ù ù,
Vua Càn Long đem kiệu ngọc đón Hàm Hương, phim Tàu Khựa làu làu vanh vách.
Phụ ơn mẹ chín tháng cưu mang,
Uổng công cha bao năm đèn sách.
Gia Cát tái sinh cũng vô kế khả thi,
Đại Thánh hiện hình cũng vô phương hết cách.
Lương dân nay :
Ra ngõ gặp ngay đạo tặc, chính tà thiện ác khó biết đôi đường,
Về nhà đụng phải oan gia, phải trái đúng sai cứ đi một mạch.
Thấy nhân sinh nát điều luân lý, nhắm tịt mắt kẻo vướng tai ương
Trông thế sự loạn đạo cương thường, bịt chặt miệng kẻo mang tai ách.
Thôi thì :
Gặp lúc kể công người sống, đặt phố hàng mã, vài thanh song sắt, kim tiêm ba mũi, rặn thêm một bãi, biếu Ma Vương làm lộ phí đi đường,
Đang mùa xá tội vong nhân, học mót người xưa, ba chữ lôm côm, văn tế một bài, xì chút hơi thơm, tặng Chúa Quỷ lấy để dành tiếp khách.
Đồ tống tiễn soạn bày chu đáo, đi cho nhanh chớ nhẩn nha nhẩn nhơ,
Của đưa chân sửa biện đủ đầy, cút cho lẹ cấm lạch bà lạch bạch.
. Ô hô !
Sống, miệng đời phỉ nhổ
Chết , nhuốc nhơ hồn phách !
. Có linh, không linh cứ hưởng !


          Lang Truong, Ất Mùi niên, sơ tuần thu tế, hạ bút.
                                                                     
PS :
Mặt chúng dày như tấm thớt, đọc chưa hết, có thằng ôm mặt khóc hu hu ?
Văn ta mỏng tựa hơi sương, viết xong rồi, cùng bạn ngửa cổ cười khành khạch.
Hay ! Cho một like,
Dở , quăng vào cục gạch !


                                                                      Lang Trương


READ MORE - VĂN TẾ MUÔN LOẠI CÔ HỒN SỐNG - Lang Trương

MÙA CHIM TRẮNG BAY - Thơ Lynh Thy





MÙA CHIM TRẮNG BAY

Vàng rơi từng chiếc lá
Trời sáng mờ hơi sương
Có phải mùa thu chớm
Heo may lạnh ngõ về

Tiếng trống trường xa điểm
Đón bước em theo cùng
Chào mừng năm học mới
Chim trắng về reo vui...

                   Linh Thy
Kn. Năm học 2016-2017

READ MORE - MÙA CHIM TRẮNG BAY - Thơ Lynh Thy

“QUÊ NGHÈO” VÀ NHỮNG CẢM NHẬN - Vũ Thị Hương Mai


               


       “QUÊ NGHÈO” VÀ NHỮNG CẢM NHẬN

       Tôi là bạn đọc thường xuyên của trang
dangxuanxuyen.blogspot.com và rất thích bài thơ Quê Nghèo của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến. Vì không phải là dân văn chương nên tôi không có khả năng lý luận để giới thiệu với bạn đọc cái hay, cái đẹp của Quê Nghèo theo cách cảm nhận của riêng mình, đành làm theo cách tổng hợp cảm nhận của một số tác giả và bạn đọc về bài thơ Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến.
      “Bài thơ Quê nghèo gồm 4 khổ chính, khổ nào cũng cất lên câu mở đầu: Quê tôi nghèo lắm nghe như một tiếng thở dài buồn thảm và dai dẳng không hòng tìm thấy điểm ngừng. 4 khổ thơ chính và 2 câu thơ kết đã phô ra 5 cái nghèo lắm:
      Trước hết là cái nghèo lắm về cảnh vật đến cuộc sống của người dân quê tôi:
Vẫn lác đác nhà tranh    
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
      Ba tiếng vẫn ở ba đầu ba câu thơ liên tiếp biểu thị sự tiếp tục, tiếp diễn của trạng thái nghèo nàn mà không gì có thể thay đổi được qua năm tháng. Tuy nhiên, vẫn lác đác nhà tranh  thì phần nào còn hy vọng nhà tranh sẽ hết.Nhưng “Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt/ Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát”  thì không dễ gì thoát được khi mà người dân quê đã lam lũ dốc kiệt sức vào việc kiếm ăn và đã phải một đời chắt chiu từ củ khoai nắm thóc, vậy mà hạt gạo không đủ nấu cơm. Bởi thế, từ Vẫn thứ tư phải tiếp nối:
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
      Và biết bao tuổi thơ lâm vào cảnh:
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
      Rất dễ hiểu ra, không phải là cánh cò bay lả bay la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng hay những cánh cò trắng phau phau/ ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm; mà phải là những cánh cò đi ăn đêm, những cánh cò lặn lội bờ sông…”. - (Nguyễn Bàng - “Quê Nghèo”: Nghèo đến xót xa cõi lòng).
     “Quê Nghèo thật sự là bài thơ hay. Là tiếng lòng đớn đau của người con khi phải chính kiến cảnh đói nghèo, cơ cực trải dài qua bao năm tháng, qua bao thế hệ ở làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của mình:
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
      Đọc những dòng thơ như thế, tim tôi như thắt lại.
      Tôi không biết khi viết bài thơ này, nhà thơ của Quê Nghèo quặn thắt gan ruột thế nào? Nhưng tôi tin anh phải xót xa, đau đớn lắm!”. - (Bạn đọc Nguyễn Việt Quang)
      “Hình ảnh trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến viết là những làng quê của vùng khoai lúa cây trồng nơi những vùng đồng bằng ít biến động bởi thiên tai bão tố. Nước ta với hơn ba nghìn cây số biển dài còn bao làng quê sống nghề chài lưới. Mỗi gia đình ở đây còn nơm nớp bao nhiêu khi đặt cược đời mình nơi những chiếc phao nổi nênh mặt nước. Dù không giàu có nhưng sống nhờ con tôm, con cá …qua ngày. Bỗng nhiên người ta bán đất đầu tư cho nước ngoài gần cả trăm năm. Công nghiệp đem được lợi ích gì cho những người dân chài lưới chưa thấy đâu, đã gây nên vụ ngộ độc suốt dải biển bắc miền Trung cá chết, đã hơn hai tháng nay chưa tìm được nguyên nhân. Tuy được cho cơm gạo cầm hơi để sống, để nhìn ra biển. Nỗi đau dân chài, tự dựng rơi lại vào cái bẫy khó nghèo, so với nỗi sợ, nỗi lo ở những làng quê đời sống dân chài còn nơm nớp bấp bênh hơn. Đúng là “Đời như chiếu bạc” mình không đánh bạc mà bị trắng tay… Nỗi buồn lo đến vậy cả một dải đất miền biển, nhưng trên báo chí truyền thông ta chỉ được đọc một hai bài thơ đồng cảm với biển, chứng tỏ còn một nỗi đáng sợ hơn là lòng người bây giờ, tuy vẫn cười vẫn nói cùng nhau nhưng thứ tình nghĩa quê kiểng xóm làng sống không còn ấm áp “Tắt lửa tối đèn” như xưa.
      Giữa không khí thơ như thế bài thơ của Đặng Xuân Xuyến như đốm lửa tình người vẫn còn lửa hồng than đỏ, hàng ngày sống giữa những cạnh tranh giành giật phố phường mà còn gửi được hồn mình ở nơi tình người và cảnh vật lẻ loi là thật đáng quý:
Phiên chợ quê còn ẽo ợt nghèo hơn
Răm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn mẹt ngô
Í ới mời chào…
Ế bán
Chán mua
… Chợ quê xác xơ già cỗi
      Bài thơ “Quê nghèo” của Đặng Xuân Xuyến cho ta cái tình, tình người muôn thuở. Làng thơ Việt Nam bây giờ có nhiều người giàu có, quyền tước ngất trời muốn mượn thêm thơ để làm phật đạo, rằng mình cũng hiền, cũng triết, cũng thanh cao, đã mượn cả danh của hội nhà văn Việt Nam để in sách, mời những nhà thơ có tiếng để hội thảo, in song ngữ, tam ngữ, quảng bá rùm beng như đám rước hội làng, nhưng thơ nhạt thếch, bởi lòng họ còn đâu thứ tình người lửa khói. Tình người đã cạn kiệt còn lấy gì để rung ngân… Trái tim không còn nhói đau khi chạm phải “cái nghèo” cái bất công hàng ngày vây bủa thì còn đâu thơ phú…” - (Chử Văn Long - Đọc bài thơ Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến)
      “Sau hơn 60 năm đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội rồi lại thực hiện đường lối đổi mới, những tưởng quê tôi sẽ đổi thay và phát triển đầy ấm no, hạnh phúc. Ai ngờ Quê tôi của nhà thơ, một làng quê của một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội chỉ hơn sáu chục cây số, một vùng đất đã nổi danh từ 200 năm trước với Phố Hiến, một thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài trong câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến” vẫn không thoát cảnh Quê nghèo, vẫn chỉ là nhà tranh, là tiếng thở dài, là bát cơm mặn chát mồ hôi, là khoai sắn len vào giấc ngủ của người lớn, là cánh cò bấu bíu lời ru trong giấc đói ngủ của con trẻ.
     Quê tôi nghèo lắm còn được phơi bầy không giấu giếm trong cảnh chợ làng:
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi  
Mẹt sắn, mẹt ngô
      Hàng hóa chỉ có thế, không thấy con tôm, con cá, con gà, miếng thịt lợn…
      Chợ quê không nhiều người và phong phú hàng hóa như chợ huyện, chợ tỉnh nhưng từ nghìn đời nay chợ quê không chỉ là nơi đổi chác mua bán mà đối với dân làng còn là một nơi gần gụi thân thương chung của mọi người đồng thời cũng là một sắc thái riêng của văn hóa làng trong văn hóa chung của dân tộc. Bởi thế từ nghìn đời nay, bao người ao ước:
Muốn cho gần chợ mà chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về
       Nhưng bây giờ cái chợ quê của nhà thơ chỉ còn là một cái chợ “èo ọt’ với vài dăm món hàng rẻ tiền như nải chuối, mớ rau, mẹt sắn mẹt ngô thì hiển nhiên cảnh họp chợ phải gần như vắng hoe:
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
       Kẻ bán người mua, tất cả đều chung một tâm trạng buồn chán trước một phiên chợ đang tàn tạ không còn sự sống:
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.
       Quê tôi nghèo lắm, nghèo đến xót xa cõi lòng khi thấy hình hài  lũ trẻ:
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
       (…) Những thân hình đói khổ ấy làm sao chứa đựng được những tâm hồn lành mạnh mà trong họ chỉ có:
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
       Với sự sống quẩn quanh chật hẹp tù hãm như những:
con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình
      Quê tôi nghèo lắm. Vậy nguồn gốc của nông nỗi nghèo lắm ấy là từ đâu? Hãy nghe nhà thơ cắt nghĩa:
       Trước hết là nỗi khổ đau truyền đời chưa dứt:
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
      Và giờ đây cộng thêm:
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
       Ô hay, sao lại là tội của chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp ấy?
Cổng làng có từ xa xưa ở làng quê Việt Nam. Ngoài ranh giới phân chia, cổng làng thể hiện rõ hồn cốt của làng. Nó được dựng lên để bảo vệ làng khi có giặc giã, trộm cướp và thường được dựng bằng tre, nối liền với những lũy tre bao bọc quanh làng. Bên cạnh cổng làng có điếm canh, ngày cổng mở để dân làng đi lại, đêm làng cử người canh ở điếm, kiểm tra người lạ vào làng. Những chiếc cổng làng xưa cũ ấy đã đi vào thơ ca với những nét đẹp giản đơn mà thơ mộng:
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre 
(Bàng Bá Lân)
      Giờ cổng làng xưa không còn nữa. Quê thì nghèo rớt mồng tơi mà người ta lại xây cổng làng hoành tráng quá. Cổng làng không còn là nơi thông báo cho người khác biết về địa giới hành chính của làng nữa mà dường như chỉ để khoe mẽ:
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai
     Và chính vì thế, người ta đâu biết:
Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
- (Nguyễn Bàng - “Quê Nghèo”: Nghèo đến xót xa cõi lòng).
     "Cái cổng làng đã không còn là cổng làng của làng Đá nữa mà là biểu tượng của thể chế đã giam hãm, trói buộc con người trong đói nghèo, tù túnǵ... Một tiếng kêu đau thương, một sự phản kháng yếu ớt: Cần phải phá bỏ sự trói buộc, giam hãm con người trong đói nghèo, tù túng của thể chế thì cuộc sống của người dân mới có cơ được cải thiện.". - (Bạn đọc Trần Anh Quân)
     “Bài thơ “Quê Nghèo” không có sự bạo miệng của kẻ ngất ngưởng say, ngược lại là những giọt lệ rơi vào, là tiếng khóc nghẹn ngào trong tâm tình thổ lộ.
     (…) Bài thơ cho ta thấy một nỗi đau truyền kiếp từ thế kỷ 19 đến nay. Nỗi đau đó do đâu, nhà thơ không nói rõ nhưng nó đã “giam hãm đời người” ngay “từ trong giấc mơ”. Như thế nỗi đau nầy không chỉ là nỗi đau vật chất mà còn là nỗi đau tinh thần. Ngày xưa chị Dậu nghèo lắm về vật chất nhưng không ai cấm ước mơ. Bây giờ “Giam hãm đời người / Tù túng giấc mơ”, nghĩa là có thêm cái “nghèo lắm” tinh thần.
       Bài thơ làm thức tỉnh cơn mê của những người nhìn vào mặt phải mà không thấy mặt trái bao giờ.” - (Châu Thạch - Đọc thơ Đặng Xuân Xuyến)
      “Bài thơ kết thúc với hai câu nhưng câu thứ nhất cũng đai lại ba tiếng: Quê tôi nghèo. Và trong mọi cái nghèo đã nói, xót xa hơn cả là cái nghèo trong câu kết thứ hai:
Nghèo cả giấc mơ
       Đến giấc mơ cũng nghèo thì nói gì đến hoài bão ước mơ lớn mà biết bao sự đổi thay tốt đẹp ở đời thì chỉ thuộc về những người có hoài bão, biết ước mơ!”
       (…) Trong muôn vạn bài thơ của các kiểu người người làm thơ, nhà nhà làm thơ ngày nay với tràn ngập những bài thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, thậm chí có nhiều bài như cỏ dại và nấm độc, thì bài thơ QuêNghèo của Đặng Xuân Xuyến là một bài thơ xứng đáng được những người yêu thơ đích thực đón nhận. Trước sự nghèo khổ của Quê hương, nhà thơ đã không câm lặng mà đã cất lên những tiếng thơ chân thật và đầy xúc động thể hiện những nỗi xót lòng đối với làng quê, với người dân quê của mình. Những tiếng thơ chân thật đến xót lòng ấy cũng là tiếng nói chung cho nhiều người đang còn có những “Quê tôi” chưa thoát cảnh đói nghèo. - (Nguyễn Bàng - “Quê Nghèo”: Nghèo đến xót xa cõi lòng).
      Xin mượn lời nhà phê bình Châu Thạch trong bài viết “Đọc thơ Đặng Xuân Xuyến” để kết thúc bài tổng hợp này:
      “Với hai bài thơ “Bạn Quan” và “Quê nghèo” của mình, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không làm nổi lên một cơn sốt trên mạng xã hội như bài thơ “Đất nước mình lạ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam nhưng gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc trên các trang web, nhất là giới văn nghệ sĩ và trí thức. Từ hai bài thơ đó tôi đi tìm đọc thơ của Đặng Xuân Xuyến và cảm nhận được phong cách riêng lạ của một nhà thơ đương đại. Hình như nhà thơ Đặng Xuân Xuyến làm thơ không nhiều lắm nhưng mỗi bài thơ của anh như ngón tay chỉ ta nhìn thẳng vào cuộc sống và buộc ta phải suy nghiệm bức tranh hiện thực đó, hoặc cho ta hưởng thụ những phút giây sâu nhiệm diễn biến trong tâm hồn nhạy cảm của người thơ.”

VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319 Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

READ MORE - “QUÊ NGHÈO” VÀ NHỮNG CẢM NHẬN - Vũ Thị Hương Mai