Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 11, 2014

MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 4 - thơ Trúc Thanh Tâm

Hoàng hôn ở Cù lao Dung. Ảnh từ Panaramio.


10. PHƯỢNG BIẾT BUỒN

Biên Hòa thành cổ, bảy mươi
Em vào đệ tứ, ta đời gió sương
Ngô Quyền mùa phượng tiếc thương
Tình ơi, mai mốt đừng hờn dỗi nhau !

11. CÙ LAO DUNG

Vườn em rụng trắng hoa cau
Ta treo trăng giữa Cù Lao Dung buồn
Sóc Trăng ba ngã sông thương
Người dưng khác họ, ai còn nhớ ai !

12. HOA SIM TÍM

Tây Ninh mưa, tháng mười hai
Màu hoa sim tím, tóc dài bay nghiêng
Trảng Bàng rồi lại Tân Uyên
Ta xin giữ lại chút duyên ban đầu !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - MUÔN DẶM TÌNH QUÊ 4 - thơ Trúc Thanh Tâm

KHÔNG PHẢI CON CỦA MÌNH - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình



Không phải con của mình
Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

Sáng nay tại thị trấn có tiếng ăn chơi nầy đang tổ chức cuộc thi tiếng líu của chim chào mào. Cuộc chơi được tổ chức trong một khuôn viên mát mẻ và thanh lịch của một quán cà phê vườn. Nhiều dãy bàn đã được sắp xếp và những li cà phê đang đợi sẵn. Từ bảy giờ người chơi đã lục tục mang lồng chim tới. Những chiếc lồng được bao kín. Người ta chỉ mở lớp vải bọc lồng chim khi cuộc chơi bắt đầu. Tôi cũng ngồi đợi từ lúc bảy giờ. Ngồi nhấm nháp tách cà phê chờ cuộc thi khai mạc. Tôi không phải là người có chim chào mào dự thi. Và tôi đến xem vì tò mò hơn là đến thưởng thức tiếng líu. Bảy giờ ba mươi, người tham dự vẫn tiếp tục mang lồng chim tới. Trên giàn treo đã có gần ba chục lồng. Có lồng người ta đã bắt đầu mở lớp vải bọc. Tất nhiên đây toàn là chim chào mào. Chứ không phải đủ loại: Chim có lông đen, chim có lông trắng, chim to, chim nhỏ. Và người chơi chim cũng không phải đem chim của mình ra ngoài đồng mà thử  như trong cuộc thi chim mà danh hài nọ kể. Cũng như tôi những chú chim đến sớm nầy đang nóng lòng chờ đợi cuộc thi nên thỉnh thoảng đã nghe vài con líu lo. Thật tình tôi rất thích tiếng chào mào líu lo, nhưng tôi lại không biết ban giám khảo đánh giá tiếng chim theo những tiêu chuẩn nào để xếp loại. Đó là lí do khiến tôi tò mò, hôm nay tìm đến đây xem thử.

Tranh thủ lúc cuộc thi chưa khai mạc tôi hỏi một người có mang chim dự thi về tiêu chuẩn xếp loại. Anh ta cho biết: Tính thời gian chào mào líu. Tất nhiên không chinh xác lắm, nhưng con nào líu ngắn thì bị loại. Ngoài ra trong mỗi lần líu, nó thay đổi bao nhiêu cung bậc. Rồi dáng đứng của chim khi líu có linh hoạt không. Những con đứng thẳng khi líu là mất điểm. Phải vừa líu vừa nhảy nhót thế mới hay.

Quả thật nếu không phải nhà nghề thì những tiêu chuẩn như vậy thật khó mà đánh giá cho chính xác.

Cuộc thi mở mản. Trên các dây treo lồng tôi đếm tất cả có trên ba chục thí sinh . Khi những chiếc bao đã được tháo ra, tôi nghe tiếng ríu rít, líu lo âm vang cả khuôn viên quán cà phê. Người qua đường cũng đứng lại nhìn xem. Thế nhưng tôi không phân biệt được tiếng của con chim nào. Tôi đi theo mấy anh giám khảo. Họ lắng nghe rồi ghi chép bằng những  ký hiệu chuyên môn. Đi theo ban giám khảo được mấy con tôi thấy mình không thể biết thêm được điều gì. Tôi trở lại bên li cà phê mặc cho các quan giám khảo tiếp tục. Công việc còn lại của tôi là ngồi đợi công bố kết quả của cuộc thi.

 Một mình, tôi ngẫm về loại chim nầy.



Chim chào mào được nhiều người nói đến. Vì nhiều lẽ. Thứ nhất là tiếng líu của nó. Một âm thanh thánh thót rộn ràng và sôi nổi. Không có loài chim nào mà tiếng hót của nó hội đủ các yếu tố như vậy. Dù rằng tiếng hót của mỗi loài chim đều có cái hay riêng của nó. Ngoài tiếng hót, thì hình dáng của chim chào mào cũng có nét đẹp độc đáo. Hình thon nhỏ, đuôi khá dài. Đặc biệt trên đầu của nó có hai cái chỏm nhô cao trông thật ngộ nghĩnh. Cái chỏm nầy thật là ăn ý với tiếng líu liếng thoắng của nó. Lúc cất tiếng líu thì cái đầu với chiếc mũ khá khôi hài với hai đám lông mầu trắng viền đỏ  hai bên mang tai giống như quai mũ của mấy anh hề, không ngớt ngả nghiêng  làm điệu bộ. Đố ai khi nhìn  bộ  điệu và nghe tiếng líu của chim chào mào mà không thấy phấn kích trong lòng. Chắc các bạn cũng thấy tôi không ca tụng quá lời về những chú chim chào mào. Thế nhưng chưa đủ. Hồi nhỏ tôi đã khám phá ra một điều, không biết ở những loài chim khác có tình huống nầy không. Tôi thì bảo tình huống đó là một điều kỳ diệu của loại chim nầy. Nhưng thằng Nam bạn tôi hồi đó nó cùng tôi chứng kiến cảnh nầy thì nó phá lên cười và bảo rằng đấy là loại chim  ngốc nhất trong các loài chim!

Sau nầy khi đã  sống gần  nửa đời người rồi, đời người tính theo quan niệm bách niên giai lão, thì tôi mới thấy cả hai nhận định đó không những chỉ đúng về loài chim chào mào mà ngay cả về việc làm của con người ta, đôi khi cũng đúng. Bởi trong các sự kiện kỳ diệu thường có mặt của sự ngốc nghếch! Ở đời có nhiều điều, nếu đứng ở góc độ nầy thì thấy thật là kỳ diệu nhưng đứng ở góc độ khác mà phê phán thì thấy là ngớ ngẩn, ngốc nghếch!

Sự việc mà tôi khám phá ra ở loài chim chào mào nó như thế nầy:

Hồi ấy tôi mới học lớp sáu. Tôi rất thích nuôi chim.  Trong nhà tôi có đến sáu bảy lồng chim. Chim cu, chim chào mào, chim cưởng, chim Chàng, có cả một con sáo. Suốt những ngày nghỉ hè tôi và Nam một thằng bạn học cùng lớp cạnh nhà tôi, cứ đi lang thang hết vườn cây nầy đến cánh rừng nọ để săn tìm ổ chim bắt chim non về nuôi. Một hôm hai đứa tôi bắt được hai con chào mào con đang nằm trong ổ. Chưa có lông cánh. Thấy chim còn quá nhỏ, Nam cho tôi luôn cả cặp. Tôi về nhà lấy cỏ khô làm ổ và treo lồng chim trước hiên dưới bụi bông giấy hoa lá sum suê. Tôi đang chơi gì đó thì nghe ngoài hiên tiếng chào mào hót líu lo. Tôi chạy ra và chứng kiến một cảnh tượng hết sức lí thú. Một con chào mào trống hoặc mái gì đó đang thò đầu vào lồng mớm mồi cho hai chú chim con. Một con khác đậu trên một cành cây gần đó hót rộn rã cả khuôn viên nhà. Chim chào mào mớm xong mồi liền cất cánh. Và con trên cành cây cũng thôi hót cất cánh bay theo. Tôi thầm nghĩ cặp chim nầy là bố mẹ của hai con chim con mà tôi đang nhốt trong lồng. Vậy là sau khi về tổ không thấy con, chúng đã bay đi tìm. Cuộc tìm kiếm con của chúng chắc cũng vất vả. Bởi chúng tôi bắt đôi chim con ở một khu vườn cây ăn trái  cách nhà phải đến năm sáu cây số đường chim bay. Tôi ngồi đợi và nghĩ rằng thế nào chúng cũng trở lại. Và đúng như tôi dự đoán khoảng gần một tiếng sau hai con chim chào mào bay trở lại. Cũng như lần trước, một con đậu trên cành cây, một con miệng ngậm một trái chín đỏ hỏn bay đến đậu trên lồng. Nó lại thò đầu vào cho con ăn. Rồi lại bay đi. Tôi chạy sang gọi Nam cùng qua xem, biết đâu nó còn trở lại! Đợi lâu quá không thấy tăm hơi, Nam định bỏ về. Nhưng xa xa hai con chào mào đang bay tới. Nam và tôi núp sát vào cánh cửa, rất gần nơi móc  chiếc lồng. Miếng mồi nó kẹp ở miệng bây giờ là một con châu chấu. Xong nó lại rủ nhau bay đi.

Nam như nghĩ ra được điều gì, gọi tôi:

-Nầy Danh, ta lấy cái bẩy lồng  ra nhử bắt con mẹ đi.

-Đúng rồi!

Tôi và Nam chuyển hai con chào mào con vào chiếc bẩy lồng. Đó là cái lồng có bộ phận đánh sập. Khi con chim đứng lên cái cần là chiếc cần bật ra khỏi chốt cài, làm tấm lưới ập xuống.

Cài xong bẩy chúng tôi lại ngồi chờ. Chẳng biết lần nầy chúng có  trở lại không. Trưa mùa hè nắng gắt, những đợt gió Lào thổi, khóm lá bay bay và làm đung đưa chiếc lồng. Chúng tôi nhìn lên bầu trời trong nỗi thắc thỏm chờ đợi. Hình ảnh nầy và tâm trạng tôi lúc đó đã hằn sâu trong tâm trí trở thành một kỷ niệm mà lúc lớn lên mỗi khi mùa hè đến, ngọn gió Lào bắt đầu thổi là tôi lại nhớ những ngày thơ đầy ắp kỷ niệm. Kìa chúng đã tới. Trên bầu trời hai con chào mào xuất hiện. Tôi nín thở theo dõi, sợ thấy chiếc lồng lạ nó  không dám đến đậu. Một con lại đậu trên cành cây nhản. Con kia sà xuống bay quanh quanh lồng. Nó chưa dám đậu xuống thành lồng. Và tất nhiên chúng tôi đã chọn một vị trí mà chim muốn đậu lên lồng thì phải đứng trên cần bẩy. Bay mấy vòng như vậy cuối cùng nó cũng đáp xuống và đứng ngay trên cần bẩy. Nó chìa mỏ vào lồng. Tôi than thầm:

-Trời! Thằng Nam mày cài chặt quá bẩy không sập!

Âm mưu của chúng tôi thất bại. Hai con chào mào cho con ăn rồi lại bay đi.

Cài bẩy lại. Chúng tôi lại treo lên và ngồi chờ. Nam cười đắc thắng:

-Kìa chúng đã đến.

Một con đâm thẳng từ cao xuống. Đậu ngay trên chiếc cần không do dự. Chiếc cần bật. Lưới chụp xuống.

-Dính rồi! Dính rồi! Nam reo lên. Nam thò tay vào bẩy bắt con chào mào ra. Ôi nó đẹp quá. Mắt nó trong veo. Chíếc mũ nhọn hoắt. Cái quai mũ trắng tinh khôi có tua đỏ viền quanh rực rỡ. Tôi bật cười thích thú với ý nghĩ: Mầy diện quá đấy chào mào ạ. Con chim mổ cái mỏ nhọn vào tay Nam chống cự quyết liệt.

Chúng tôi không có thời gian để ngắm vẻ đẹp của con chim. Nam vội nhốt nó vào một chiếc lồng khác. Sửa bẩy để sập con thứ hai. Không biết con nầy có dám trở lại nữa không. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng. Bẩy cài xong hai chúng tôi lại ngồi chờ.

-Kìa Nam. Tôi chỉ tay lên hướng mà hai con chào mào lúc nãy vẫn bay tới lui.

-Không phải. Nam nói và giải thích: Chúng có một cặp lận.

Đúng vậy. Chúng tôi chỉ chờ con còn lại của cặp lúc nãy thôi. Vì chỉ có nó mới nhận ra con nó.

Nhưng kìa, lạ chưa! Một cặp đang bay trên cao bỗng một con sà xuống đậu trên cành nhản, con kia bay thẳng xuống chiếc lồng. Cũng động tác như con trước,  nó bay quanh lồng vài vòng rồi đậu lên cần bẩy. Lưới sập.

-Dính nữa rồi.

Rồi một cặp. Một cặp nửa. Một con đậu trên cành, con kia sà xuống mớm mồi cho hai chú chào mào con, mà nhất định không phải con của nó. Cứ thế mà tiếp tục dính bẩy.

Ngày hôm đó đến chạng vạng thì hai đứa tôi bẩy dược bốn năm con chim chào mào!

Nhìn bầy chào mào nhảy nhót rong lồng tôi nói với Nam:

-Hay nhỉ.  Chim chào mào nó mến trẻ con ghê. Con của ai nó cũng thương như con nó.

Nam cười:

-Nó ngốc thì có. Chẳng phân biệt được con mình với con người ta.

Cũng có lí. Hồi đó thì tôi nhất trí với lập luận của Nam. Nhưng giờ thì tôi nhận ra lập luận đó không có cơ sở. Cũng có thể chào mào không phân biệt được con của mình với con của người ta  nhưng chí ít  trong hành động của nó như tôi vừa kể, nó cũng có một nhận thức rằng những con chim chào mào con cần được nuôi nấng che chở.

Những loài chim khác thì không có. Tôi từng bắt những chú chim cu non, những chú chim chàng mới nở, những cưởng con… nhưng cha mẹ của nó có bao giờ bén mảng đến đâu. Tất nhiên khi thấy tôi trèo lên tổ bắt chim con thì  cha mẹ nó cũng bay quanh vài vòng. Nhưng sau đó thì tuyệt nhiên không bao giờ lai vãng  đến chiếc lồng tôi nhốt chim con, cho dù tổ của chúng chỉ cách nhà tôi chưa tới vài trăm mét, lúc bay qua về chúng thế nào chúng cũng thấy chiếc lồng nầy và con của nó.

Trong lúc cuộc chấm thi tiếng líu của chào mào chưa kết thúc, tôi tiếp tục nhâm nhi cà phê và nghĩ vơ vẩn về loại chim nầy, chợt có bóng dáng một phụ nữ thắng gấp xe trước cửa quán cà phê. Vợ tôi! Cô ấy đến tìm tôi có việc gì gấp gáp vậy nhỉ. Tôi vội thanh toán tiền cà phê.Và đứng dậy.

-Anh về nhà gấp đi.

-Có chuyện gì vậy?

-Thằng cu Kha nhà mình bị cô Tánh vả cho một cái sưng cả má.

-Trời đất! Có chuyện gì vậy?

-Thì anh cứ về nhà đi . Em với cô ta mới chữi lộn một trận rồi đấy.

Tôi chẳng hỏi thêm, vội chở vợ về nhà xem chuyện gì đã xẩy ra.

Thì ra việc là thế nầy. Gia đình tôi và gia đình cô giáo Tánh ở sát nhau trong khu tập thể trường X. Con trai đầu của  Tánh và con trai đầu của tôi là cu Kha cùng  học lớp ba. Chúng thường nô đùa với nhau ở sân trường khu tập thể troang những ngày nghỉ học. Hôm đó hai đứa trẻ xích mích gì đấy rồi sinh ra gây gổ dẫn đến đánh lộn. Thằng cu Kha nhà tôi xô thằng cu Bi nhà Tánh té sấp. Trán chạm phải một phiến đá nhọn. Dập trán chảy máu. Chị Tánh chạy ra thấy con mình máu me tràn mặt và nghe con nói bị cu Kha xô. Vậy là Tánh xót con, không kìm hãm được cơn tức mới tát cho cu Kha một tát sưng đỏ cả má. Mẹ Kha trong nhà chạy ra thấy Tánh tát con mình, thế là thét lên, xung vào định tát lại vào mặt Tánh. May trong khu tập thể có nhiều người can ngăn…

Vợ tôi chưa hết cơn hậm hực:

-Phải bắt con mẹ Tánh đưa thằng đưa  cu Kha đi khám thử xem. 

Tôi nói với vợ:

-Thôi mà em. Chị ấy vì sốt ruột khi thấy con chảy máu nên đã có hành động như vây. Một cái tát tai vào má thì chẳng ảnh hưởng gì đâu.

-Nhưng phải dạy cho con mẹ một bài học.

Tôi cười:

-Bài học em dạy cho chị ấy có tên là gì vậy?

-Anh nầy buồn cười thật. Người ta đánh con mình mà anh tỉnh bơ. Bài học em dạy cho con mẹ ấy là: Người lớn không được có hành động thô bạo với trẻ con.

 Chuyện trẻ con chơi với nhau chứ đâu phải mình đánh thằng cu Bi chảy máu đầu mà chị ta làm vậy. Mình biết xót ruột con mình thì người ta không biết xót ruột con người ta sao. Đồ hèn.

Tôi an ủi vợ:

-Qua cơn nóng nảy chị ấy sẽ qua xin lỗi em thôi.

Đúng như vậy, chiều ấy Tánh đã sang nhà tôi xin lỗi.

Tôi chợt nghĩ đến câu nói của Nam hồi nhỏ:

-Con chào mào là loài chim ngốc. Nó thương yêu tất cả những chú chào mào con vì nó không phân biệt được con nào là con của nó.

Thế đấy, cũng vì biết phân biệt con mình với con người khác nên Tánh mới có hành động đáng trách như vậy.


Phải chăng con người ta trở nên ích kỷ vì quá khôn ngoan!

                                                              Nguyễn Bá Trình

*****
Nguồn: nguyenbatrinh.com
READ MORE - KHÔNG PHẢI CON CỦA MÌNH - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

Thơ Nguyễn Văn Gia: ƯỚC MƠ TỪ GIẢNG ĐƯỜNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, VỀ VƯỜN




ƯỚC MƠ TỪ GIẢNG ĐƯỜNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

1.
Giả dụ như em không giận hờn
anh sẽ ví em như chú chim sâu nhỏ
rất đỗi ngoan hiền giữa đám con xinh

2.
Những chú chim non
mắt tròn như viên bi nhỏ
rất ngây thơ trước bảng đen và cô giáo hiền từ
môi son xinh xinh tròn vo theo tay vẽ
chỉ một chữ O
trống đã hết giờ
và trong cuốn sổ tay
em sẽ cho mỗi chú thân yêu được bao nhiêu điểm ?

3.
Anh yêu em
hiển nhiên không chỉ vì nhan sắc
mà còn vì đôi bàn tay tiên
vẽ lại được bốn ngàn năm dựng nước
chỉ trong phút giây
cả sử vàng xóa bụi thời gian sống dậy
có Lê Lợi Quang Trung
có Đinh Lê Trần Lý
có Bà Triệu Bà Trưng trên bành voi
tuốt gươm ra trận
và Hưng Đạo kiêu hùng giữa đám quân Nguyên
ôi tay phấn dịu dàng
Em vẽ lại một mùa xuân

4.
Giả dụ em không cấm anh mơ mộng
thì những chú chim non của em
(và những chú chim non của anh nữa chứ)
một sớm vụt lớn thành Phù Đổng Thiên Vương
cầm roi thần xông pha vào trận mới
quét sạch
&
Lầm
dựng lại quê hương

5.
Không ai có thể cấm chúng ta biến những ước mơ
thành hiện thực
khi trái đất
mặt trời
và mặt trăng vẫn còn đó
thì không ai hủy diệt được niềm tin
cũng như không ai có quyền
rút bàn tay em ra khỏi tay anh .

Huế , 1972


VỀ  VƯỜN

Bỏ rơi viên phấn nửa chừng
Ta về nằm ngủ
Giữa rừng chiêm bao
Bảng đen
Phấn trắng ngậm ngùi ...
Sân trường
Đã vắng bóng người năm xưa.
  

                                      Nguyễn Văn Gia
READ MORE - Thơ Nguyễn Văn Gia: ƯỚC MƠ TỪ GIẢNG ĐƯỜNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, VỀ VƯỜN

TRƯA IM ẮNG - thơ Phan Minh Châu



TRƯA IM ẮNG

Trưa im ắng tiếng ai về rất khẽ
Giữa thinh không thầm lặng khúc ru buồn
Sóng vẫn chảy qua cuộc đời rất nhẹ
Bao cảnh đời cứ thế dậy từng cơn.

Ta mãi miết u mê ngày tháng cũ
Cứ mông lung bên những sớm, trưa, chiều.
Bao phiến gió quật đời ta chưa đủ
Để đêm nằm canh cánh giấc mơ thêu

Ta trăn trở những đêm dài cô quạnh
Gom yêu thương dệt nốt trái tim cuồng
Lửa đã cháy bùng trong cơn bạo bệnh
Mắt đã lần theo dấu cũ mù sương

Và cứ thế trong khoảng dài mộng mị
Nghe thời gian khoát lại khúc kinh cầu
Ta nhắm mắt cho nỗi sầu thế kỷ
Cuốn nhau về nhầy nhụa một niềm đau

Sông có khúc ta lần theo mỗi khúc
Như lần tìm đếm lại một thời xưa
Ôi trái ngọt một thời ta lận đận
Bước phiêu du lần lửa đến bây giờ

Ta soi mặt tìm mình thời quá vãng
Bức chân dung ngây dại đến không cùng
Ta gởi đến nơi em bầu máu cạn
Đang khô dần theo vết mực tình chung


      PHAN MINH CHÂU
2/6 Lê hồng Phong Nha Trang Khánh Hòa
         d.đ 0922992662


READ MORE - TRƯA IM ẮNG - thơ Phan Minh Châu

Thơ Huy Uyên: NGÀY TRỞ LẠI TUY HÒA, PENSÉE TÍM

Chiều trên đầm Ô Loan. Ảnh từ abay.vn


Ngày trở lại Tuy-Hòa

Rất xanh và mây bay về núi
một mình ai đứng lặng bên đường
đầm Ô-Loan chiều đi quá vội
lên núi Nhạn dấu mờ hơi sương .

Về với Tuy-Hòa nếp cũ chưa phai
ly cà-phê Tùng ngồi quán
tình em trao tôi gởi mãi Chóp Chài
bỏ tim bơ vơ cùng trời núi Nhạn.

Tôi em lên Lingaparvata chóp đỉnh
mẹ bồng con chờ buổi cha về
qua rồi bao mùa chinh chiến
dặm dài theo mấy bận sơn-khê.

Mắt ai màu nắng vàng
mũi Điện, bãi Môn
gió thổi ngang tình theo từng ghềnh đá
em thả tóc về tận Đà-Nông
xao lòng bãi cát
hình như có tiếng cười rộn rã .

Sông Ba ngàn đời xanh biếc
hôn em bên cầu kéo bóng trần-mây
đường Trần-Hưng-Đạo dài thương tiếc
bữa ấy em đi trăng vỡ cùng ngày.

Gởi ước mơ em dài mấy Đà-Rằng
mênh mang tình sông về biển
hoang sơ rẽ chia lối Bão-Lâm
thuyền còn níu tình ai đầu bến.

Sáng chuông nhà thờ Mằng-Lăng xứ đạo
quanh vườn đầy hoa tím bằng lăng
rêu phong mấy mùa nắng gió
đứng bên em sao tôi thấy lòng buồn.

Mỷ-Á, thuyền câu đợi chờ
ngọt lịm chùm dừa xanh Long-Thủy
Tuy-Hòa em mấy tình trao
nhấp cạn chén ly bôi Qui-Hậu.
Để nhớ ai một lần qua đó
Tuy-Hòa ...
                                 Huy Uyên




Pensée tím

Sắc tím bên người hoa pensee nở
hương ngạt ngào bay đằm thắm tim ai
em một mình ngẫn ngơ đầu phố
để lối xưa vương tận tơ trời.

Mắt  lá răm đung đưa tim tôi
cầm gió qua sông
ngậm ngùi ai tiễn
tình đi rồi xa trôi
quán đìu hiu, thuyền chèo bỏ bến
lời hẹn xưa ừ cũng đã lạnh lùng trôi.

Tôi quay về băng lại vết thương
môi mặn muối trải lòng theo sông biển
nữa đêm trong vườn em tóc phơi sương
bạc lòng dỗ sầu trên cây héo chín .

Bao năm gối đầu quay về núi
chôn tận lòng những chuyện cũ bể dâu
em dấu trong tôi trời mắt lệ
để tôi đêm về buồn canh thâu.

Tháng chạp nghiêng trời những cơn mưa
nhà ai khép hoài khung cửa sổ
tôi thương em biết mấy cho vừa
sao vội ngắt chi mây trời tiếc nhớ.

Đêm tội tình chi hình bóng nguyệt
em với trăng sóng soải tấc khuôn vàng
em bên tôi ngồi khóc
đợi người về gọi gió theo sang.

Từ xa quán đi em bỏ lại buồn
hoa pensee tím thêm thương nhớ
bên trời chiều bếp lửa cháy cô đơn
treo tim lên ngọn cây xa từ dạo đó.

Em còn ngọt môi, lòng cay đắng
xa nhau có giữ lại chút tình
hoa nở bên trời vương lận đận
ấp e chi mà nhớ rưng rưng.

Em có về dấu kín sắc xuân
có ngậm tóc qua sông tìm ai đó
màu sương phai giọt lệ-đời-trầm
gởi dấu yêu cho  mây trời gió núi .

Chiều nay chao buồn qua phố
nghe đâu đây những tiếng thở dài
một mình em sầu giăng bóng nhỏ
bỏ tấc lòng riêng gởi cho ai .

Mùa đông đã về, vườn vạn màu hoa
thắp lên ai trăm ngàn nỗi nhớ
tôi ngậm ngùi tiễn một người xa
hạnh phúc thôi không ở lại.

Rồi một ngày em về phố cũ
ngồi lại bên cầu phút đợi mong
xót xa chạnh sầu đời lá cỏ
để tim chia hai nuối tiếc khôn cùng.

Em chảy bên đời dòng nước trôi sông.

                                 Huy Uyên
READ MORE - Thơ Huy Uyên: NGÀY TRỞ LẠI TUY HÒA, PENSÉE TÍM