Hàng trước: Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Đặng Mừng
Hàng sau: Đặng Thân, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Phương
NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT
CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ
Nguyễn Đức Tùng
Chúng ta đi tìm trong thơ tiếng nói của chính mình. Chúng ta nói trong những ước thúc chặt chẽ của ngôn ngữ và âm nhạc. Chúng ta nói chúng một cách tự do.
Khi chuyển hướng vào thời kỳ sau chiến tranh, những năm tám mươi, Nguyễn Trọng Tạo đi tìm tiếng nói ấy. Vang lên từ một thế giới không ổn định, mà biến động, đầy những ráp nối của hy vọng và tuyệt vọng, của trữ tình và thế sự.
không có số đo chuẩn mực cho tình yêu buồn thương thù hận
anh viết văn làm thơ theo chuẩn mực nào đây
Anh nổi tiếng là người phóng khoáng, thích vui chơi, nhẹ nhõm, nhưng trong thơ, anh cẩn trọng và sắc bén. Chống lại suy đồi của một xã hội xuống dốc, không một nhà thơ có lương tâm nào còn có thể viết mãi một loại thơ hiền lành lãng mạn như tiền chiến, hay có chất lý tưởng như trong chiến tranh. Nhiều bài thơ của anh ghi dấu ấn kêu gọi, tố cáo, xung đột, chứa đựng sự bùng vỡ.
kẻ tái diễn những vinh quang nhàm chán
người ngửa tay tái diễn nỗi buồn câm
Lòng yêu đời của anh là một khuôn mặt khác của khả năng cảnh tỉnh xã hội. Lòng yêu đời ấy gồm hai phẩm chất: tình yêu một bên, và khả năng dung nạp, tích hợp cái cao cả và cái tầm thường, lý tưởng và bé mọn, một bên. Phong cách của Nguyễn Trọng Tạo sinh ra từ giao kết này, cũng như tình cảm và lý trí nâng đỡ nhau. Không phải khi nào anh cũng thực hiện được thăng bằng ấy. Khi đánh mất, anh rơi vào bẫy của sự hô hào dễ dãi. Khi đạt được, anh có những câu tự nhiên như không:
Tôi nghẹn nước miền Trung mùa lũ
Nghẹn phổi nghẹn tim nghẹn tiếng khóc đầy trời
Cây lúa nghẹn đòng nông dân nghẹn đói
Lãnh đạo nghẹn quy trình bụng bự như voi
Cảm thức xã hội đưa anh đi xa, có khi chạm vào nhận thức chính trị trong thơ, tức là một cấp độ mà nhiều nhà thơ Việt Nam hiện nay, nhìn chung, còn lâu mới đạt tới. Thơ có thể song hành với nhiều thứ như khoa học, tôn giáo, nhưng không thể song hành với chính trị thế tục: hoặc là nó được dẫn dắt bởi chính trị, hoặc trở thành lương tâm của chính trị. Muốn trở thành loại thứ hai, thơ phải có khuynh hướng tâm linh. Đó là loại thơ trữ tình cá nhân, viết về chính tác giả, một cách sâu thẳm, nhận thức những khía cạnh của ánh sáng và bóng tối, từ cá nhân mà nhìn thấy lịch sử, từ nỗi đau khổ hay hạnh phúc của một người mà đánh giá xã hội và toàn thể hệ thống. Thơ không có chọn lựa nào khác, không một lý luận nào có thể xóa bỏ được ám ảnh này của nhà thơ: mọi thứ hiện hữu thông qua hiện hữu của chủ thể, mọi giá trị của hệ thống chính trị phải được ca ngợi và phê phán bởi giá trị của một cá nhân. Một người có rủi ro hay may mắn sống với hoàn cảnh cực đoan, như chiến tranh, tai nạn, cái chết, sự hy sinh hữu ích và sự hy sinh vô ích, khi trở lại đời thường có vốn sống không sánh được. Các nhà thơ từng mặc áo lính, ở miền Bắc hay miền Nam, đều có vốn ấy. Chuyển hóa chúng thành ngôn ngữ của tâm linh, đặt cuộc chiến tranh vừa qua vào tầm nhìn của đời sống hôm nay là việc cần thiết. Tiếc rằng, ít người làm được. Quán tính giữ họ lại. Mặt khác, tác phẩm sinh ra như một vật thể, một sự kiện, không phải như một phát ngôn, lời tuyên bố, hồi ký chiến tranh. Thơ chỉ có thể trở thành nhân chứng khi nó không có ý định làm chứng trước tòa, không đại diện cho lập trường nào, nó chỉ đại diện cho một trường hợp duy nhất. Chính qua cái riêng mà nhân loại nhìn thấy cái chung.
Phố đỏ đèn mờ lơ mơ người xe
Ta khách phương xa dạo bộ vỉa hè
Có hai mắt nhìn có hai tai nghe
Có hai bàn chân nửa đi nửa về
Có hai con người một già một trẻ
Nửa muốn nửa không cãi nhau chí chóe
Thơ anh có hai phía, buồn và vui, tốt và xấu, kiêu hãnh và hối hận. Các nhà phê bình nhắc đến khả năng đồng hiện trong thơ, tức là những hình ảnh thơ ca cùng xuất hiện một lúc, gồm mặt trái và mặt phải, những gốc tọa độ khác nhau. Đó là sự cùng tồn tại, cùng chiếu sáng. Nếu động lực của thơ ca được tạo thành trên các bước ngoặt, các chuyển hướng, thì trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, các chuyển hướng ấy bắt nguồn từ những kết hợp và nối tiếp song đôi, nhiều khi trái ngược. Ví dụ, thơ tình Nguyễn Trọng Tạo nhắc nhở người đọc về sự phá hủy của thời gian, kêu gọi tự do, ca ngợi tính tự nhiên của tình cảm, và đó là sự chuyển hướng giữa tình yêu và triết lý. Chống lại bất ổn của thế giới, nỗi xao xuyến bất an của tâm hồn, thơ Nguyễn Trọng Tạo là lời kể bất tuyệt về tình yêu như một biểu tượng, tấm thảm dệt bởi những liên tục và những gián đoạn, mất mát và hồi phục. Thơ anh đằm thắm, không có nhiều ngạc nhiên, nên thỉnh thoảng ta mới nhận ra chất hài hước kín đáo.
Đêm lạnh lẽo và lòng tôi trống trải
Lá thư em gửi đến nỗi buồn đau
Tôi đốt đi và thấy lòng ấm lại
Chút lửa xanh nơi trang giấy nát nhàu
Xuyên qua tình yêu và tình dục:
Thèm được anh viết thơ lên cặp vú nóng ran
Nhũ hồng rân rấn
Thèm lưỡi anh chạm rốn
Thơ tình dục của Nguyễn Trọng Tạo hình như càng về sau càng táo bạo, vì vậy, chúng có ý nghĩa xã hội nhất định. Nhưng các nhà thơ cũng cần chú ý rằng thơ tình dục không nên chỉ dừng lại ở nhục cảm. Khi anh rời bỏ phương pháp hiện thực, chất thế sự lại tăng lên chứ không giảm đi.
Khiêm tốn một đời kiêu kỳ một lát
Chạm một kẻ hèn
Đêm buồn mòn đêm
Ẩn dụ là di chuyển ý nghĩa, sự giả vờ, cả tác giả lẫn độc giả đều biết và đồng ý về sự giả vờ ấy, khi cho rằng chúng giống nhau, ví dụ một người và một chai rượu. Ta chỉ nói về sự giống nhau trên một phương diện nào đó. Phương diện ấy gọi là bối cảnh của ẩn dụ. Nhiều nhà thơ mới viết không chọn được những ẩn dụ thuyết phục vì không chú ý chọn lựa bối cảnh. Bối cảnh ẩn dụ trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thường đẹp và trong suốt, như trong bài Chia.
Chia
chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...
Cách ngắt câu xuống hàng của anh trong lục bát không mới, nhiều người cũng đã làm. Theo tôi, sự ngắt câu ấy, dù tân kỳ đến đâu, vẫn không quan trọng. Lý do? Đối với các thể thơ có vần, như lục bát, giới hạn được quy định bởi luật về âm điệu là một không gian mở rộng, cho phép số lượng các phép toán tổ hợp tăng lên, gần như vô tận. Chính phương pháp ẩn dụ đặc biệt của Nguyễn Trọng Tạo mang lại giá trị cho bài này. Chủ đề chính có khuynh hướng biến mất giữa những khúc quanh của xúc cảm, rồi tái hiện một nơi khác trong bài thơ. Sự xuất hiện trở lại này quyết định khuynh hướng thẩm mỹ toàn bài. Cùng với cấu trúc, tứ thơ trong thơ tình của anh được giấu kỹ, một cách ý thức hoặc vô thức. Tác giả như người đi xa, lâu lâu trở về căn nhà tình yêu cũ, nhưng đó là sự ràng buộc tạm thời. Tôi nghĩ, chưa chắc anh đã có thể chết cho tình yêu, nhưng anh có thể chết cho nỗi cô độc mà tình yêu ấy, hay sự vắng mặt của nó, mang lại.
có anh hề đã nói với tôi
đời thằng hề buồn lắm anh ơi
Chú ý đến chi tiết trong đời sống bình thường, mà không bỏ qua những vấn đề xã hội lớn lao. Đó là trái tim say mê nhiều thứ, nhưng cặm cụi một mình thức dậy sau đêm dài, trước rạng đông. Thơ anh có đối thoại, sự trình diễn, kỹ thuật ghi lại, chụp cắt lớp, nhận xét bất ngờ, sự mô tả dưới nhiều góc cạnh. Hầu hết mỗi bài đều có một ý tưởng chủ đạo. Đó là thi pháp hiện đại, với cấu trúc vững chắc, tựa lên các bước ngoặt, các chuyển hướng giữa thế sự và trữ tình, giữa lịch sử và hiện tại, giữa mô tả và suy tư, giữa bài hát và câu chuyện kể. Nhưng ở bước ngoặt ấy, ngôn ngữ của anh còn thiếu sự nổi loạn tuyệt đối, bất chấp, đôi khi cần thiết trong sáng tạo. Anh đã tới gần sát những phát hiện độc đáo, nhưng rồi dừng lại, có lẽ vì tính cách hài hòa, yêu thích sự cân bằng, hay có thể vì anh có quá nhiều đề tài. Nhiều nhà phê bình gọi anh là "kẻ ham chơi", tôi cho rằng ở đây còn một ý khác, là trong sáng tác, anh cũng ham chơi, ít chịu dừng lâu một chỗ, tính cách của người giàu có chất liệu sáng tạo. Một suy nghĩ độc lập nhưng tự làm mờ đi các khía cạnh gai góc:
Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa
Vừa gặp thứ thơ bình thường:
Chỉ có vậy mà trời ơi, anh đếm
Đếm hoàng hôn rồi anh đếm bình minh
Anh đếm gió đếm mây anh đếm cây đếm lá
Thoắt một cái, lại thấy những câu gần như tuyệt bút, nói một điều giản dị, ai cũng tưởng mình nói được, mà không ai nói được ngoài anh:
Dân không được biểu tình. Những con chữ biểu tình
Những con chữ dàn hàng ngang hàng dọc
Quảng trường giấy, chữ sắp hàng dày đặc
Đó là ý thức công dân vững vàng của người cầm bút.
Và đặc trưng của linh cảm, cái lập tức của thơ. Sức thuyết phục nằm ở cảm xúc chính trị chân thật, mặc dù đó chỉ là điểm khởi đầu. Câu thơ tự nhiên, không bóng bẩy, cũng như khi anh nói về chuyện khác:
Thôi các em, sao cứ gắp mãi cho anh
Những thức ăn ngon
Và mẹ nữa
Sự khác biệt giữa bài thơ siêu thực và bài thơ lãng mạn là trong khi loại thứ hai cần đến yếu tố xúc động, nỗi vui mừng, sự phẫn nộ, thì thơ siêu thực vượt qua những thứ ấy, không đi sâu, mà vượt qua. Nguyễn Trọng Tạo thỉnh thoảng có một bài lạ, như bài Ngày chủ nhật rỗng.
Sao anh thấy nàng xanh như nàng đang ốm nghén
Không phải siêu thực, nhưng câu thơ như đứng giữa hai bờ như ảo mộng.
Nguyên tắc hội tụ trong thơ: việc lập lại một vài chữ, xoay các câu thơ quanh một điểm là điều thường xảy ra trong thơ Nguyễn Trọng Tạo và được chấp nhận. Dấu vết lãng mạn vẫn còn, như ký ức thế nào cũng thành hoài niệm, như nỗi tao loạn của cuộc đời và tình yêu thế nào cũng tìm thấy giao phối dịu dàng.
Nay anh giết chữ Buồn, mai anh giết chữ Vui
Say và Tỉnh
Ghét và Yêu
Ngọt ngào và Cay đắng
Anh giết trụi cả rồi
Nhà thơ khi sáng tạo không nghĩ đến độc giả, nhưng người viết trường ca nghĩ đến. Vì trường ca, ngoài tiếng nói của tâm hồn nghệ sĩ còn là của cộng đồng, của lịch sử. Dân tộc không chỉ gồm có một lớp, một nhóm, một giai cấp độc giả. Thơ anh có cảm quan về không gian mạnh mẽ. Nơi chốn là tình yêu của anh. Không phải chỉ là nơi cất giữ kỷ niệm mà là nơi anh thường xuyên trở về, chiếc tủ áo bốn mùa, khăn quàng cởi ra mặc lại, là thao túng của kỷ niệm. Trường ca trong tiếng Việt, cho đến nay, bao giờ cũng là lịch sử. Điều này có thể không đúng trong tương lai. Lịch sử của anh là lịch sử khá hoàn tất, bất chấp cái nhìn phán xét và đôi khi có tính gây tranh luận. Đó không phải là một lịch sử lung lay, chưa thành, không phải là một hệ thống mất cân bằng. Không có nhiều tính đả kích, châm biếm, ngay cả những câu thế sự nhất cũng mang giọng tâm tình, hướng đến cái thuyết phục. Đó là một khuynh hướng song đôi, được mặt này thì mất mặt khác, hòa dịu thì thiếu sắc sảo, và ngược lại. Nhiều câu của anh chuyển động nhanh, sức nghĩ mạnh, hình ảnh chọn kỹ, đẹp, nhưng anh không đẩy chúng đi quá xa, không phải vì bài thơ không còn năng lượng, mà vì chúng chọn lối đi khác. Mỗi đoạn, mỗi chương trong một số trường ca của anh đều có trọng tâm, trung tâm của sức hấp dẫn. Cấu trúc chặt chẽ, nhờ sử dụng thể tự do với các câu thơ và các câu văn phạm không chia cắt, đảo lộn quá nhiều. Những người làm thơ có khuôn phép cũng cần nhận ra trong khi khuôn phép tạo ra âm điệu bền vững thì cũng đánh mất động lực: cấu trúc càng lỏng, động lực càng mạnh. Sự kết dính của bài thơ không hiển lộ rõ ràng. Sự bất ngờ tạo ra thú vị, sự chờ đợi tạo ra thỏa mãn. Người đọc yêu thích cả hai: bất ngờ và thỏa mãn các kỳ vọng. Cấu trúc lỏng lẻo đến mức nào, chặt chẽ đến mức nào là bài toán mà một nhà thơ phải giải quyết. Về chiến tranh, anh đã có những câu thơ đẹp nhưng đọc lên cũng giống người khác:
Hai người yêu nhau đi về phía đầu làng
trăng mười sáu theo đi lặng lẽ
Rồi sau đó anh vượt lên. Ai cũng biết, trong sáng tạo, tìm ra bút pháp riêng (style) là quan trọng nhất. Điều ấy xảy ra ở Nguyễn Trọng Tạo khá sớm. Tôi tưởng tượng, dù lắm đam mê, anh vẫn cẩn thận thu dọn một căn gác riêng, không khách khứa, một nơi không quá cao, không quá thấp, cho tâm hồn mình. Ở đó, khuya, khi mọi người đã ngủ, một mình trước trang giấy trắng, nhờ thế anh vẫn viết được, viết đều, không xuống phong độ. Trong nhiều bài lộ ra trầm tư, sự cân bằng giữa khả năng lột tả hiện thực dữ dội và lối trữ tình thiết tha, như trong bài Những Con Chữ Biểu Tình. Cũng vậy, giữa bữa tiệc đang vui, anh thả xuống chiếu một câu thơ buồn:
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
Thơ thế sự và thơ tình-yêu-thế-sự đã dành cho anh một chỗ đứng đặc biệt mấy mươi năm qua. Sự phối hợp giữa thức điệu (mode) mô tả và thức điệu suy tư, cũng như giữa tình cảm và thời thế, là độc đáo:
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang đường phố
cây thả xuống ta lá vàng
gió thả xuống ta mù sương
trộm cắp đâm nhau dưới đèn mờ
xích lô máu me cấp cứu
tham nhũng nâng ly mừng thắng lớn
Anh có lối liên tưởng chuỗi, trong tu từ pháp gọi là lối khai triển, khi thành công thì gây tác dụng thẩm mỹ lớn, nhưng thường khó tạo được mạch chảy hay năng lượng của cả đoạn thơ:
chợt đọc câu thơ đêm buồn dựng tóc
chợt đọc bài thơ râu xanh trắng cước
đọc trọn tập thơ không sao ngủ được
Biểu hiện khao khát đối với đời sống, để yêu và để được yêu, đối với thiên nhiên và phụ nữ. Trong khi anh cưỡng lại những mê tín và ảo tưởng, thơ vẫn có nhiều chấp nhận, khuyên giải, cân bằng. Anh sống tận cùng thực tại, mê đắm hiện hữu, mê quê hương, lịch sử, cái đẹp, say đắm bản thân mình. Phương pháp nghệ thuật của anh: ngợi ca, suy tư, hài hước, phản tỉnh, nhận thức và nhận thức lại. Có vẻ anh không ngại những xung đột vì tin rằng có thể giải quyết chúng, tất nhiên trong một bài thơ. Mô tả và trầm tư là cấu trúc song đôi đặc biệt trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bằng cách mô tả, anh dựa vào những tình huống đặc biệt, những biến đổi có thật, sự di động giữa tâm trạng và quan hệ bên ngoài. Các nhà thơ lãng mạn và nhà thơ tượng trưng cũng dùng mô thức đôi này để chuyển đi các hình ảnh của ý thức. Những năm về sau anh có một số thể nghiệm.
Muốn nhận ra thơ có tính thể nghiệm, tôi dùng phương pháp này: đó là khi một nhà thơ bắt đầu một hoặc hai câu thơ mà không biết chúng sẽ dẫn tới đâu.
Tiếng lá rơi nặng như một xác người
Có khi anh quay trở lại, không đi thêm nữa:
Lá xanh
Lá vàng
Lá xám khô
Trường hợp khác, những bước bất ngờ:
Rồi ngày mai chẳng còn ta nữa
Ôi cái khỏa thân cát thủy tinh
Một nhà thơ thể nghiệm không biết trước sự đón đợi của độc giả, thực ra cũng không cần biết độc giả. Tính chất của thể nghiệm là làm ngạc nhiên chính người viết. Thi sĩ Derek Walcott lừng danh từng viết:
Cuối một câu thơ, mưa sẽ bắt đầu rơi
Hình ảnh đến ngẫu nhiên, choáng ngợp. Ngôn ngữ tất nhiên là phương tiện chuyên chở hình ảnh, nhưng cũng có thể ngăn cản sự phát lộ chúng. Khi một nhà thơ muốn kể chuyện, kể cho xong, hình ảnh trong thơ sẽ rối, mờ. Mặt khác hình ảnh không hoàn toàn phụ thuộc vào ngôn ngữ, chúng là những giao tiếp phi ngôn ngữ. Hình ảnh trong thơ cần chút hoang dại, vì nếu rõ ràng quá, như trong thơ hiện nay, hình ảnh sẽ chết, chỉ có câu chuyện kể là hưởng lợi. Đôi khi giữa những vần trữ tình đẹp, anh bị hấp dẫn bởi sự mất liên kết, sự nhảy vọt, và hướng bài thơ đến một góc quạnh quẽ của tâm hồn:
Rồi theo gió mây về chốn quê nhà
Dốc bầu rượu gạo tăm tăm cỏ hoa
Ngôn ngữ đẹp. Thơ đương đại ngày càng có khuynh hướng phân ly giữa thơ ngôn ngữ và thơ chủ đề. Thật ra không thể nào tránh được có khi lảo đảo giữa hai khuynh hướng ấy. Nguyễn Trọng Tạo dùng nhiều thể, từ lục bát đến bảy chữ, từ năm chữ đến tự do và sonnet, thơ có từng đoạn hai câu. Trong thơ tự do, thơ gần với văn xuôi mà vẫn giữ nhạc điệu, tính kịch và tính đối thoại. Khi nói đến tính kịch, tôi muốn nói đến nhân vật và vai trò của người phát ngôn. Mặc dù cái tôi của bài thơ thường là cái tôi tác giả, vẫn còn một số trường hợp người đọc không suy luận như thế:
Thôi em đừng nhắc lại cùng anh
Những mùa khô đốt rẫy một mình
Có nụ cười hài hước khó thấy trong những câu thơ buồn buồn vui vui của anh. Có thể gọi đó là độc thoại có tính kịch (dramatic monologues). Thường các độc thoại này xen kẽ vào đoạn diễn tả mang tính trữ tình, một giọng nói khác, sự chuyển giọng. Thơ không có mục đích tạo ra thay đổi, ngay cả thơ chính trị. Mục đích của thơ là thấu hiểu hoàn cảnh và chia sẻ ước muốn. Kẻ tỉnh thức, sống cùng thực tại của con người và đất nước, nhìn thấy tương lai ở đó, ở hiện tại.
Trong trường ca Biển Mặn (*) của Nguyễn Trọng Tạo, có thể thấy sự kết hợp của ba thứ, phương pháp hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại. Đất nước, tình yêu tổ quốc, mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân và nhiệm vụ công dân, những suy tư có tính sử thi, những câu chuyện được kể lại một lần nữa về những điều người khác đã nói, nhưng với giọng mới.
Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh
Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn
Tôi ăn gió thổi về từ biển
Tôi ăn rì rầm sóng
Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng
Chan nước mắt biển Đông
Đôi vai cha lấp lánh lân tinh
Mồ hôi muối
Áo quầng quầng vết trắng
Bà nội nhai trầu đung đưa võng
Kể chuyện xửa chuyện xưa
Có ông tướng cụt đầu hóa núi đá cụt đầu cắm ngoài biển cả
Nước mắt vợ thành sông chảy ra biển tìm chồng
Nước mắt mặn từ lòng
Nước biển mặn từ yêu…
Những đứa con theo mẹ đi tìm cha
Tràn về phía biển
Những đứa con như cây lim cây sến
Từ rừng đổ xuống
Từ châu thổ trồi lên
Những đứa con xẻ gỗ đóng thuyền
Rút dây rừng đan lưới
Thơ có tính thời sự không những khó viết mà còn có nguy cơ bị lãng quên khi vấn đề thời sự qua đi. Nhưng chính ngôn ngữ, cấu trúc, chất trữ tình, tư duy vững chãi mênh mông của Biển Mặn, tôi nghĩ, sẽ giúp trường ca này tồn tại với thời gian. Tuy không ngại đối diện với bi kịch, Biển Mặn hướng tới một mục đích, ra đi từ một động lực rõ ràng, chứ không phức tạp.
Trong khi đó, giữa sóng tung bọt ở biển Đông, là mối quan hệ giữa anh và những lý tưởng của anh trước đây, là mối quan hệ cay đắng của hai quốc gia, và của hai thời đại: trước và sau sự tỉnh thức của dân tộc. Anh đã nói sớm về điều này:
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần
Khi anh viết về lịch sử cũng như về bạn bè, một nơi chốn, cuộc gặp gỡ, một sự kiện đương thời, bao giờ cũng toát lên cái riêng, cái nhìn, tấm lòng.
Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo
Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường
Những người lính chụm vai làm cột mốc
Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương
Bốn thế kỷ đi qua cột mốc giữa trùng dương
Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước
Nhập vào đá san hô
Nhập vào Tổ quốc
Viết về biển Đông, dường như chưa có một tác phẩm thơ dài hơi nào sánh được với Biển Mặn, xét về dung lượng và nghệ thuật. Cũng có khi Nguyễn Trọng Tạo dừng quá lâu trong thể cổ điển, chú trọng âm luật, thành ra cái tình của anh vẫn chưa bật hết độ rung cảm mà tôi tin anh có trong tiềm thức sâu xa.
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương mộ tổ
biết bao giờ về
Anh có thể viết sâu hơn nữa, nếu vượt ra ngoài những quy ước, đẩy xa hơn những suy nghiệm triết học vốn là điểm mạnh của anh. Thơ là giây phút bừng tỉnh, xuất hiện trong hình thức của nhịp điệu, sự vận động giữa ý nghĩa của ngôn ngữ và sự tối tăm khó hiểu. Thơ chứa sự thông thái dân gian. Đó là tính nghi ngờ đối với hiện thực, sự tự tiết chế, khả năng nhìn nhận lại vấn đề. Nguyễn Trọng Tạo có năng lực vượt qua định kiến, nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự vật mà người cùng hoàn cảnh không thấy. Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là bạo liệt, cực nhọc.
Anh trở lại lơ ngơ em hai lần thị trấn
Viên sỏi hồng mùa lũ cuốn nơi nao
Hươu sao hươu sao
Bất cứ lời nói nào cũng biểu diễn một tương tác xã hội. Nếu nhà thơ quan tâm đến ngôn ngữ, anh buộc phải quan tâm đến xã hội mà trong ấy ngôn ngữ vận động.
Chữ biểu tình cho áo ấm cơm no
Chữ biểu tình cho dân giàu nước mạnh
Chữ biểu tình cho quyền được sống
Chữ biểu tình cho Độc lập Hòa bình
Hỡi đàn-cừu-con-chữ hãy đứng lên
Đứng dày đặc trên bản đồ Tổ quốc
Những con chữ mấy nghìn năm có được
Chữ là Dân – chữ không chết bao giờ
Chúng ta trở lại với Biển Mặn. Bạn có thể hỏi: tại sao một trường ca về biển Đông, về Hoàng sa và Trường sa, lại cần đến một ngôn ngữ mới mẻ hơn nữa? Nhiều người có thể nghĩ đó là khuynh hướng làm mới "tự thân" của thơ ca, và đòi hỏi ấy có tính chủ quan của nhà phê bình. Tôi tin rằng trên cùng một nền cảm xúc lịch sử, mà điều này ở tác giả là lớn trong thời điểm sáng tác, anh có thể triển khai những cấu trúc mới, mở rộng góc nhìn và tạo lập hình ảnh mới, để theo kịp và mô tả kịp tính phức tạp của lịch sử biển đảo, không những trong quá khứ mà trong hiện tại, tính hỗn loạn, bất ngờ, gần như không thể dự báo của tình hình biển Đông, và mô tả được tình cảm và ý chí của các thế hệ người Việt, mặt phải và mặt trái của lòng người, sự ca ngợi và sự phê phán, tình yêu nước và sự thờ ơ, cúi đầu. Không một dân tộc nào thoát khỏi mối giao thoa của hai khía cạnh sau đây: sự hy sinh vô bờ bến và sự hèn nhược đáng căm giận. Sự mất phương hướng, sự chóng mặt, tính phức tạp của tình hình địa chính trị, sự mờ đục của lịch sử, lẽ ra có thể được nhà thơ khai thác nhiều hơn.
Một trong những đặc điểm của thơ Nguyễn Trọng tạo là bút pháp truyện kể - bài hát. Bài thơ Trở Lại Huế tiêu biểu cho khuynh hướng này.
Trở lại Huế mưa vẫn mưa như cũ
màu trời buồn như thuở ra đi
bạn làm thơ giờ viết báo nuôi thơ
tổng biên tập Sông Hương mặt rầu như đá xám
những đứa em hiệp sĩ với chính mình
chợ Bến Ngự thêm vài ba người lạ
đêm ca Huế mấy nụ cười trượt giá
áo vẫn dài nón vẫn trắng mắt vẫn đen
Trở lại Huế dăm hè đường lát đá
tiếng lá rơi ngõ vắng cũng giật mình
(trích Trở Lại Huế)
Thơ xuống cõi thế, đầy giác quan, kinh nghiệm sống, có thể chạm tay. Anh dùng kỹ thuật trùng điệp. Thực ra trùng điệp vốn là kỹ thuật căn bản, chi phối hầu hết các tu từ, nhưng trong thơ anh, yếu tố ấy nổi bật. Trùng điệp có ba loại: về vần, về cấu trúc, về ý tưởng. Đó là sự lập lại cái chờ đợi, làm hài lòng cái chờ đợi. Đúng mức:
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời
Ngay cả khi dùng thể tự do, anh cũng trở đi trở lại, có lẽ do sở trường về âm nhạc.
Tôi bè bạn cùng mùa rau xứ lạnh
Cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
Cùng rượu chat
Cùng đớn đau thông rụng
Khi người ta viết thơ tình thì cần thêm thứ khác nữa, những thứ ngoài tình yêu: hoài niệm văn hóa, lòng tin vào quá khứ, thăm thẳm triết học nhân sinh, chứ không phải chỉ tình yêu. Thơ làm mới không phải vì chỉ để làm mới, mà vì điều kiện sống không còn như hôm qua. Sự xuất hiện một bài thơ mới và hay bao giờ cũng hình thành một nhu cầu mới. Trước khi bài thơ ấy xuất hiện, không có nhu cầu ấy. Cũng như chiếc smartphone của bạn.
Nguyễn Trọng Tạo đi giữa say mê cái đẹp tuyệt đối và chấp nhận, dung nạp. Thật ra hầu hết nghệ sĩ đều thế, nhưng ở anh sự đấu tranh giữa hai thái cực ấy, và tình trạng thăng bằng động, là đặc biệt. Đôi khi trong những dòng dằng dặc, tôi nghe được một tiếng nói khác:
Bồng bế nhau mà nghẹn tình thân ái
Nghẹn nỗi niềm: chỉ dân biết thương dân
Một chữ thầm. Có thể đó không phải là chữ mà người đọc nghĩ ngợi nhiều, không phải là thứ mà nhà phê bình chú ý. Chưa chắc đã là một chữ quá tài tình. Nhưng tôi thấy ở đó tâm trạng của anh. Trong văn chương, tâm trạng là tất cả. Nó là cái chung nhất giữa người viết và người đọc, cõi chia sẻ. Mỗi bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo đều như một câu chuyện nhỏ được kể lại. Mà anh kể có duyên. Một người tuân thủ các quy ước nhưng thỉnh thoảng bẻ gẫy chúng lúc bất ngờ nhất, có lẽ nhờ vào giác quan. Thơ tạo nên kết hợp tam giác: thơ tình, thơ thế sự, trường ca. Giọng nói thay đổi vì anh có khả năng đóng vai nhiều nhân vật, sử dụng nhiều mặt nạ nghệ thuật với chuyển động liên tục và đổi hướng. Bởi vì hình ảnh trong thơ xuất phát từ những giấc mộng, tính đa thanh, tính kịch của một đời sống mà anh đi qua nhiều lần. Đó là phức hợp giữa thơ hiện đại và thơ lãng mạn, giữa trữ tình và hài hước. Mối quan hệ của anh và người đọc là mối quan hệ vừa xa cách vừa gần gũi. Thơ duyên cớ (occassional poetry) được nhiều người viết, nhưng ít được nghiên cứu kỹ, và anh là một trong số những người viết nhiều loại thơ này. Khi về quê cũ Nghệ An, khi tới Angkor, khi trở lại Huế, khi châu Âu, Bắc Mỹ, khi đi tàu hỏa khi đi máy bay. Những hoàn cảnh ấy thể hiện trong thơ thoạt nhìn như một thứ mô tả hay trang điểm, nhưng thực ra hoàn cảnh đã trở thành động lực trong thơ. Tôi không biết Nguyễn Trọng Tạo có đức tin tôn giáo hay không, nhưng thơ bàng bạc cảm giác tương giao, như một người đi giữa đất trời lồng lộng, thấy cái nhỏ và cái lớn, thấy trước và sau, biết sợ hãi cái vĩnh hằng. Bởi vì chúng ta sống không phải trong đời sống khách quan mà trong đời sống chúng ta tạo ra, tức là vừa khách quan vừa chủ quan, biến đổi.
Anh ngồi nhìn trang giấy
Rất lâu nhìn rất lâu
Giấy trắng trong đến nỗi
Thơ không thể bắt đầu
Một bài thơ đòi hỏi người đọc làm đầy những kẽ hở, mời gọi diễn dịch. Sự mở rộng càng lớn, khả năng thay đổi càng lớn, người đọc càng trở lại nhiều lần. Tôi tin rằng hành động sáng tạo của nhà thơ xuất phát từ ý muốn phát hiện và dâng hiến.
Rồi một ngày giả dối sẽ nổ tung
Bởi những hạt sự thật
Với tôi, sự thật là nguyên tử
Nguyễn Trọng Tạo không phải là nhà thơ chính trị, nhưng khuynh hướng giao hòa giữa thế sự và triết học làm thơ anh có năng lực chạm tới những vấn đề thời sự dễ dàng so với người khác. Anh có thể chưa khai thác kỹ thuật phúng dụ, và ngôn ngữ chứa nhiều ấn tượng trực cảm. Tài hoa và trực cảm là hai đặc điểm của nhà thơ này. Phương pháp tuyến tính, tôn trọng các quy luật thời gian và các kết hợp mang tính lý trí, đặc biệt trong trường ca, như một người kể chuyện với ngôn ngữ trong sáng. Đã có một thời, nhà thơ tin vào các chân lý đơn phương và các khái niệm đúng và sai, bạn và thù, nhưng thời đó đã qua, ngay chính Nguyễn Trọng Tạo với bài thơ nổi tiếng "Tản mạn thời tôi sống" cũng đã mở đường cho những thế hệ sau, những người không còn tin vào sự đảo biên, cái tuyệt đối, không còn tin vào hoàn cảnh cực đoan, mà tin nhiều hơn vào chính bản thân, không phải cái tôi như của các nhà thơ tiền chiến, mà cái tôi như một tập hợp ngẫu nhiên, rối loạn, va đập, tìm cách vượt lên những bức tường che mất tầm nhìn.
Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình
Nhắn gởi sâu xa. Ngôn ngữ thơ cần chính xác, nhưng đó là chính xác của tưởng tượng. Lý trí, giấc mơ, ký ức, làm nên phối trí dày đặc của trí tưởng tượng. Nguyễn Trọng Tạo dễ dàng bắt gặp và nắm giữ được điểm tương giao giữa thời gian và hiện thực, giữa lịch sử và hiện tại, giữa ký ức và ý thức phản kháng, giữa biểu tả và trầm tư. Đó là giọng nói riêng, nặng thuyết phục, nhẹ phân tích và phản đối. Sự chuyển hướng trong một bài thơ thể hiện tay nghề của người viết. Sự chuyển hướng ấy ở Nguyễn Trọng Tạo được chuẩn bị kỹ, như một người lái xe qua khúc quanh, không quá trì hoãn, không quá gấp, đủ để quay vòng. Ở khúc quanh ấy, anh sử dụng một trong những phương pháp: chuyển hướng giữa trữ tình và thế sự, giữa tình yêu và triết lý, giữa chiến tranh và đời thường, giữa cân bằng và ngạc nhiên.
Thật ra, các nhà thơ của chúng ta hiện nay thừa kế một ngôn ngữ bị tổn thương. Họ có nhiều đề tài hơn trước, di chuyển qua những góc độ khác nhau, đôi khi sử dụng nhiều giọng nói, kể những câu chuyện mỗi lúc một khác về lịch sử, là thứ không ai biết chính xác đã xảy ra thế nào. Giữa các nhà thơ ấy, Nguyễn Trọng Tạo nổi bật như một người giữ thăng bằng giữa cổ điển và cách tân, say đắm và phán xét, nghi ngờ và tin tưởng. Giữa thế tục và hư vô. Chính sự kết hợp các khía cạnh khác nhau nhiều khi đối lập ấy tạo nên giọng nói riêng biệt của một nhà thơ có nhiều thành tựu và, cho đến hôm nay, vẫn còn sáng tạo: người nghệ sĩ ham chơi hết mình và người trí thức- công dân.
Nguyễn Đức Tùng
(Trong loạt bài Đọc Thơ)
Chú Thích:
(*) Trường Ca Biển Mặn:
"Tôi viết trường ca này trong cấu trúc 5 chương và một vỹ thanh. 5 chương nói về lịch sử và tinh thần con dân Việt đối với biển đảo. Những cái gắn bó từ ngàn xưa cho đến nay mang theo tinh thần rất lớn về biển Việt Nam. Những trận hải chiến ở Hoàng Sa năm 74 và Gạc Ma năm 88 đều xuất hiện trong cuốn trường ca này. Việc này không phải dễ và không phải ai cũng có thể làm. Quan niệm của tôi biển đảo của tổ quốc hay từng tấc đất của tổ quốc thì chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ nó để mà sống và xây dựng đất nước cho nó tốt đẹp.
Tôi viết trong vòng 1 tháng. Thường vào tháng 5 trời nóng lắm. Ở Hà Nội có ngày nóng trên 40 độ và thường xuyên như thế cho nên tôi thường dậy và viết vào buổi sáng, vào 3 giờ sáng. Lúc ấy nói chung thì yên tĩnh và cảm xúc của mình tập trung nhưng có hôm tôi viết tiếp thì không lấy lại được cảm xúc tôi lại không viết vào hôm nó. Viết trường ca cần những cảm xúc lớn, tinh thần mạnh mẽ và phải có tư tường chung bao trùm. Khi nào nối được cảm xúc tôi mới viết vì thế trong một tháng trường ca này mới hoàn thành."
Nguyễn Trọng Tạo (http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nguyen-trong-tao-n-epic-of-salty-ocean-ml-12262015082025.html)