Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 18, 2018

CÒN DUYÊN KẺ, CON CÒ - Thơ Chu Vương Miện





CÒN DUYÊN KẺ

đón người đưa
hết duyên làm cái con lừa kéo xe
người ta có bạn cùng bè
phần tôi chỉ một cỗ xe kéo hoài
trần mình rồi tới trần ai
trần minh khố chuối đêm dài canh thâu

ngựa Hồ hí gió bấc
chim Việt đậu cành Nam
42 năm vong quốc
thoảng bên taii tiếng đàn
tiếng đàn sến đàn cò
tiếng trống cơm
bình bình quê hương
chuyện bây chừ chuyện ngày xưa
chuyện mất chuyện còn ?
chuyện lớn  chuyện cỏn con


CON CÒ

bay lả bay la
bay từ cửa phủ về nhà vàm sông
còn người ăn ở tứ tung
cam thân bỏ xứ nhà không, không về

rừng núi toàn vượn sóc
rừng sâu thêm vượn tườu
phố phường có thằng khá
làng mạc có người nghèo
làm thơ có vui
có chán phèo

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CÒN DUYÊN KẺ, CON CÒ - Thơ Chu Vương Miện

TÌNH CÔ... - Thơ Quang Tuyết



                               Tác giả Quang Tuyết


TÌNH CÔ...
(Kính gửi cô Lê Thị Tránh và cô Võ Thị Hồng)

Hơi ấm bàn tay người lưu lại
Vương mãi hồn em phút ân cần
Nhắm mắt tuôn đôi dòng lệ ứa
Em nghe hạnh phúc ngập tràn tim

Cô là cô giáo hay là mẹ?
Thương mến trò xưa mặn chữ tình
Từ trái tim chừng như thương tật
Vỡ oà tiếng khóc của tâm linh

Ô hay! Sao mãi là thơ bé
Đa cảm, yếu mềm khi được thương
Nghe tiếng vỗ về: Em ráng giữ
Đừng buồn - Đừng khóc để tơ vương

Em muốn tựa đầu vào ngực cô
Nép vào như một thuở ngây thơ
Tay người vuốt tóc: Lo nhiều lắm.
Thổn thức hồn em thật bất ngờ,

Cô ơi! Sóng gió đời em lặng
Dịu mát bàn tay cô mến thương
Cơn đau bỗng nhẹ từng giây phút
Từ ánh nhìn cô ấm lạ thường

Không dám gởi về tiếng cảm ơn
E rằng hoen ý nghĩa vuông tròn
Trong tâm ghi khắc tình cô đẹp
Thương trò như lòng mẹ thương con.

                                  Quang Tuyết

READ MORE - TÌNH CÔ... - Thơ Quang Tuyết

HOA PHONG LAN - Chùm ảnh - Chu Vương Miện







READ MORE - HOA PHONG LAN - Chùm ảnh - Chu Vương Miện

TÌNH THƠ MỰC TÍM - Trương Thị Thanh Tâm


Tình Thơ Mực Tím

              *Trương Thị Thanh Tâm 
             
Có chiếc xương lá mục 
Ánh mắt còn thờ ơ 
Có một bài tình thơ 
Cho lòng người bối rối 

Có cuộc tình tuổi nhỏ 
Chập chững bước vào yêu 
Đường lá me rơi nhiều 
Ngẩn ngơ hoài nỗi nhớ 

Chưa cùng nhìn trăng vỡ 
Trên bến sông cớ gì...
Ngỡ mùa trăng hò hẹn 
Để buồn khi chia ly 

Ơi cuộc tình qúa ngắn 
Con đường chưa nhớ tên 
Tình yêu như bóng nắng 
Loạng choạng trước hoàng hôn 

Cánh chim xa biền biệt 
Đâu hẹn một ngày về 
Vẫn còn nghe tiếng vạc 
Trong đêm buồn lê thê 

Còn đây xương lá mục 
Giữ lại chút tình quê 
Còn bài thơ mực tím 
Cho cuộc tình ngô nghê 
                       T.T.T.T.
                       Mỹ Tho 
READ MORE - TÌNH THƠ MỰC TÍM - Trương Thị Thanh Tâm

QUÊN ĐI MỘT CUỘC TÌNH - Thơ - Vũ Trầm Tư

Tác giả Vũ Trầm Tư

Quên Đi Một Cuộc Tình


Em quên đi một cuộc tình buồn
Tàn giấc mơ, còn lại vấn vương
Chút đam mê một thời để nhớ
Cũng mờ phai trong sớm mù sương


Tôi thân cây héo khô giũa đường
Dế ru buồn, tiếng vạc thê lương
Trăng âm thầm về nghe lá khóc
Người đâu rồi, thoang thoảng mùi hương


Không có em, còn gì để nhớ
Cổng vườn xưa con bướm ngập ngừng
Ai đã hái nụ hồng mới nở
Bướm vàng quên mất lối vào Xuân


Trả lại em yêu thương ngày nào
Đời trôi đi như giấc chiêm bao
Sau cơn mưa bầu trời hững nắng
Đường gian nan vết cắt còn đau


Thôi đã qua cơn mê muộn màng
Hãy tìm quên trên lối chân hoang
Biết mai sau có còn gặp lại?
Một lần ta lỡ chuyến đò ngang


Vũ Trầm Tư
READ MORE - QUÊN ĐI MỘT CUỘC TÌNH - Thơ - Vũ Trầm Tư

CƠN GIÔNG QUA LÀNG CŨ / GIÃ BIỆT CHIỀU / EM QUA RẨY CŨ MỘT MÌNH - Chùm thơ - Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng

CƠN GIÔNG QUA LÀNG CŨ

Cơn giông trong, xốc qua Bãi Ốc
Giọt mù khơi, khuất bóng Hòn Nghề
Em mảnh khảnh bước qua con dốc
Bỏ quên gì ? Rối bước đam mê
                     *
Quẩn quanh lối mòn xưa ngang dọc
Rơi đâu đây, chừng đỗi câu thề
Còn nguyên đó, nỗi buồn bạc tóc?
Vẫn vụng về vấp bước chân quê
                     *
Vô tư gió, thổi qua xóm vắng
Tiếng cát khua, xao xác trưa hè
Rung không gian, vỡ òa tĩnh lặng
Sóng vỗ bờ, đổ nhịp, tiếng ve ...
                     *
Rơi chao đảo, mong manh sợi khói
Bếp nhà ai, mắt biếc vòng quanh
Reo tí tách, tưởng chừng ai gọi
Xuân thì thôi, đẫm mộng ngày xanh ...
L.T.H.



GIÃ BIỆT CHIỀU

Tím tái hồn anh
Tím cả chiều
Đắn đo
Sâu lắng
Lời từ biệt
Gờn gợn
Mây trời
Mờ sắc biếc
Nắng cũng bơ phờ
Đổ bóng xiêu ...
L.T.H.



EM QUA RẨY CŨ MỘT MÌNH

Bóng nắng rớt bên bờ đậu biếc
Em bước qua rẫy cũ, góc rừng
Mãnh bát vỡ, xao lòng thầm tiếc
Chuyện lứa đôi, dang dỡ nữa chừng
                    *
Vỡ vụn chiều, trên nương rẫy bắp
Trong lao xao bầy két tìm về
Rung lon, xua bầy chim ăn cắp
Mùa quê nghèo, bao nổi nhiêu khê ...
                    *
Núi thẳm xanh, xa mờ chấp chới
Chiều tan, trong vệt nắng bỏ quên
Xa vắng, lối về không ai đợi
Qua suối sâu, dáng nhỏ chông chênh
                     *
Sao tiếc nuối bờ vai mạnh mẽ
Dịu dàng nghiêng, sâu lắng quạnh hiu
Chỉ còn gió mơn man, gượng nhẹ
Khép mi cong, em thảng thốt – chiều ...
Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - CƠN GIÔNG QUA LÀNG CŨ / GIÃ BIỆT CHIỀU / EM QUA RẨY CŨ MỘT MÌNH - Chùm thơ - Lê Thanh Hùng

“EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT” CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG CÓ PHẢI LÀ THƠ? - Phạm Đức Nhì













 “EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT” CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG CÓ PHẢI LÀ THƠ?
                                        

Từ Bài Thơ Của Ông Nguyễn Khoa Điềm Và Lời Bình Của Đỗ Trung Quân

BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH GIÀ

 (Có bức chân dung nhưng máy tôi không tải được)

Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi
Của một người tù.

Trận chiến Lịch Sử
Đã phá tung mọi xiềng xích?
Người họa sĩ trẻ
Từ sau song sắt
Vẫn bình tâm
Dành lòng biết ơn
Không dứt
Cho một người lính già.

19.9.2011
Nguyễn Khoa Điềm

Đỗ Trung Quân bình:

Bức chân dung của đại tướng Võ Nguyễn Giáp được vẽ bởi một tay thực sự chuyên nghiệp. Anh Cù Huy Hà Vũ. Anh rất có tài!
Bài thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm, rất tiếc phải nói thật lòng, xin ông đừng giận. Đấy chỉ là những dòng “cảm tưởng có vần”, thường thấy ghi trong những sổ cảm nghĩ đám ma hay đám cưới.
Thưa ông!
Nó không phải là thơ ạ!

Tôi không biết thi sĩ Đỗ Trung Quân dựa vào đâu để phán Bức Chân Dung Của Người Lính Già không phải là thơ.

Theo tôi thì ngắm bức chân dung của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tác giả tâm đã đối cảnh và biểu lộ cảm xúc của mình trước tấm tình của họa sĩ (Cù Huy Hà Vũ) đối với Đại Tướng.

Những giọt nước mắt
Thật buồn
Thật lặng lẽ
Trước bức chân dung
Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

Với những chi tiết ấy Bức Chân Dung Của Người Lính Già đã xứng đáng được gọi là thơ. Bài thơ ấy hay hoặc dở lại là chuyện khác, cần đến sự phân tích và bình phẩm kỹ lưỡng hơn.

Đến “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết” Của Nguyễn Đức Tùng

Hơn một tuần qua trang Facebook Tung Nguyen lại rôm rả với bài “thơ tình thứ bảy” số 37 của anh.


EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT

Em còn trẻ và em không thể biết
Người ta sống lại khi đã chết
Những người yêu nhau thường cách biệt
Những người ghét nhau ở bên nhau
Em còn trẻ và em không thể biết
Những cây cối bên đường cũng khổ đau
Khi chúng đứng một mình trong gió rét
Hay khi chúng chụm đầu chen chúc nhau
Em còn trẻ và em không thể biết
Lúc nào nên kết thúc lúc nào nên bắt đầu

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Bài này đăng trên Facebook ngày 03/03/2018. Cho đến khi tôi viết những dòng chữ này đã có 150 likes, 7 lượt chia sẻ, khá nhiều bình luận trong đó có 2 lời khen đắt giá từ 2 nhà lý luận phê bình nổi tiếng.

Văn Giá Ngô Một bài thơ kiệm lời mà mở ra nhiều miền nghĩa...

Mai Văn Phấn Hay lắm, bạn hiền Tung Nguyen

PGS/TS Ngô Văn Giá đã công khai công nhận đó là “một bài thơ”; ông Mai Văn Phấn tuy chỉ nói “Hay lắm bạn hiền Tùng Nguyễn”nhưng cũng ngầm công nhận đó là “một bài thơ” (hay). Còn lại tất cả những lời bình và likes khác - hoặc công khai hoặc ngấm ngầm – cũng đã công nhận đó là “một bài thơ”.

Riêng tôi, hôm nay được rảnh, tự nhiên hứng chí cho rằng “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết của Nguyễn Đức Tùng không phải là thơ”.

Nói ngược ý với cả trăm người, quả thật, cũng hơi “ngán”. Nếu lỡ lọt về phía “sai lầm” thì né bên nào cũng dính đòn. Không biết phần chứng minh dưới đây có đủ sức thuyết phục để khỏi bị lãnh đòn không? Nhưng lãnh đòn ở chốn văn chương cũng đâu có gì đáng sợ. Lại có cơ hội được mở mang kiến thức. Và lời tuyên bố ngược đời ấy biết đâu lại tạo nên một cuộc trao đổi về thơ lý thú.

Những “Bài Thơ” Không Phải Là THƠ

Có hai đặc tính để nhận ra một “Bài Thơ” không phải là Thơ:

1/ Nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, đến từ bề mặt của ý thức; tâm của tác giả chưa có cơ hội đối diện với, hoặc bước vào, khung cảnh của bài thơ.
hoặc là:
2/ Tác giả đã bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” nhưng chưa có những câu Sinh Tình.
Sau đây là một số thí dụ trong các bài viết cũ của tôi, nay tuyển chọn, sắp xếp lại để phù hợp với bài viết này.

1/

HÌNH VUÔNG

Muốn tìm chu vi hình vuông
Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi
Diện tích hình vuông khó gì
Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào.

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.


2/

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách, ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.
(Ca dao)

3/

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)

Một nhà nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong thơ lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.


4/

KINH PHÁP CÚ

Không làm các việc ác
Tu tập các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy

Chỉ là lời chư Phật dạy, không cảm xúc.

5/

HÃY TIN CHÚA

Hãy tin nơi Thiên Chúa
Hồn xác dâng cho ngài
Hãy sống theo lời Chúa
Chết, sẽ về nước Trời

Đây chỉ là lời kêu gọi mọi người Hãy Tin Chúa, hoàn toàn đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí, không có bóng dáng cảm xúc nên không thể gọi là thơ.

6/

HÃY MUA THUỐC SỐ 42

Ai khóc ngoài quan ải?
Ai chưa đánh đã chạy dài?
Thuốc này bôi một tý thôi
Là trèo lên ngựa vung roi cả ngày
Thuốc này, ôi thật là hay!
Thuốc này tên gọi là Xây Xập Zì (tiếng Hoa: 42)

Đây có vóc dáng là thơ nhưng chỉ là bài quảng cáo thuốc “chơi lâu” ở các tỉnh biên giới phía bắc. Nó là sản phẩm của óc thương mại, kinh doanh, không phải là những lời tâm tình, hàm chứa cảm xúc.

KHÔNG MUỐN MÀ PHẢI NÓI

Nói thêm về bác Vượng:
Nếu bác có gì sai
Thì đã có pháp luật.
Pháp luật không chừa ai.

Bác chưa hề bị bắt,
Chưa bị tù, nghĩa là
Bác là công dân tốt.
Tốt gấp vạn chúng ta.

Tốt vì bác đóng thuế,
Chắc nhiều lắm, rất nhiều.
Tạo hàng triệu công việc,
Tất nhiên cho người nghèo.

Nhờ những người như bác,
Tức kinh tế tư nhân,
Kinh tế mới phát triển,
Cuộc sống mới khá dần.

Bác muốn tăng học phí?
Quyền của bác chứ sao.
Không thích thì mời biến.
Bác không ép người nào.

Dễ thấy một chấm bẩn
Trên một tấm kính trong.
Nhưng thấy cả tấm kính,
Rất tiếc, thường là không.

Không một ai hoàn hảo.
Thị trường là thị trường.
Có sai mới có đúng.
Chuyện ấy rất bình thường.
(Thái Bá Tân)

Đây là một trong những “bài thơ” của Thái Bá Tân mà nói đến thể loại có người đặt cho cái tên rất “chua”: Vè Thời Đại. Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có thể nói khá nhiều thơ của TBT thuộc loại này. Chúng như những bài giảng mạch lạc của một thầy giáo có kiến thức, có khả năng sư phạm và có tài “chọn chữ xếp vần”. Chúng đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí nên thiếu cái điều kiện cốt yếu để được gọi là thơ.

Cái điều kiện cốt yếu đó văn chương Việt gọi là “tức cảnh sinh tình” – nghĩa là Tâm (không phải Trí) phải đối cảnh và có câu thơ sinh Tình. La cà tán chuyện với mấy ông thi sĩ Mỹ thì được họ tặng cho 2 từ tương đương “emotional connection” – có nghĩa là người viết phải có “dính líu cảm xúc” với bài thơ. “Không Muốn Mà Phải Nói” của TBT không có cái “dính líu cảm xúc” đó nên không thể gọi là thơ.

Trở Lại Với “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể 

Biết” Của Nguyễn Đức Tùng

Nếu đọc hết những thí dụ trên độc giả chú ý một tý sẽ nhận ra NĐT hình như đã đi lạc vào con đường của Thái Bá Tân. Anh giải thích cho nhân vật “em” hiểu “vì còn trẻ nên có một số điều không thể biết”. Và sau đó anh liệt kê những điều đó với “em”. Có thể nói trong ECTVEKTB Nguyễn Đức Tùng chỉ dùng kiến thức của mình “nói lý lẽ” với nhân vật “em”. Tâm của anh còn chưa có cơ hội “đối cảnh” chứ đừng nói đến “sinh tình”.   

Không Muốn Mà Phải Nói của Thái Bá Tân mặc dù ngôn ngữ chắt lọc, lý luận mạch lạc nhưng do chỉ viết bằng cái đầu nên được tặng danh hiệu Vè Thời Đại cũng không có gì quá đáng. Riêng bài ECTVEKTB của NĐT vì chỉ là sản phẩm của lý trí nên dù “mở ra nhiều miền nghĩa” và được nhiều người thích và khen ngợi,  vẫn không đạt được danh hiệu thơ mà phải xếp vào “thể loại khác”.

Kết Luận

Mức độ hiện diện của lý trí đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một bài thơ. Càng ít lý trí, cảm xúc càng nhiều, bài thơ càng hay. Khi lý trí mất hẳn, cái tôi đích thực của thi sĩ được hồi sinh; những gì viết ra là tâm tình Chân Thật của một Con Người (viết hoa). Nếu kỹ thuật thơ đạt đến một trình độ nào đó, bài thơ sẽ có hồn.

Ngược lại, bài thơ càng nhiều lý trí thì càng “khô cứng”, càng dở. Nếu đến mức để lý trí độc quyền điều khiển ngôn ngữ, thế trận của “bài thơ” thì “bài thơ” đó sẽ không được gọi là thơ mà sẽ được xếp vào một “thể loại khác”. Đây là trường hợp của Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết của Nguyễn Đức Tùng.

Phạm Đức Nhì

*****
VNQT: Tất cả các bài bình thơ trên VNQT chỉ là  ý kiến riêng của tác giả. Chúng tôi sẵn sàng đăng những bài có ý kiến khác nhau về một bài thơ.

READ MORE - “EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT” CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG CÓ PHẢI LÀ THƠ? - Phạm Đức Nhì