Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 13, 2019

ĐOẢN KHÚC - Thơ Đoàn Vũ

Nhà thơ Đoàn Vũ
ĐOÀN VŨ
Đoản khúc


mẹ cười

cả đời gồng gánh lệch vai
khép vòng xuân rộ sắc mai… mẹ cười.


đá ngồi

đá ngồi trên đỉnh chênh vênh
chìa tay níu đá… đá rên giật mình!


niệm hương

niệm hương nước mắt nghẽn dòng
oan hồn hay chị long đong ngày về?


ngày về

ngày về nắng quái chân mây!
vành khăn chít vội lên ngày chịu tang
mưa chiều lạnh không nghĩa trang?
quỳ bên mộ mẹ…nén nhang gục đầu.


chị ơi!

mau về…quét dọn bão giông
bao năm mưa gió - ngập lòng chị ơi!
mẹ, cha khuất núi lâu rồi
tết…mong nhớ chị bời bời ruột gan!


Phan Thiết chợ xuân đêm

dạo một vòng Phan Thiết chợ xuân đêm
tôi gặp mùa xuân trên đôi vai em gánh
dáng thon nhỏ, bước chân sóng sánh
sông Cà Ty nghiêng dáng xuân mềm.


hoa Trà Mi ở Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt

trầm tư bên đóa Trà Mi
ôi hoa vừa chớm nhu mì thế sao?
gió xuân khe khẽ rì rào
Trà Mi tĩnh lặng…nép vào cõi không!


Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.
Email: vudoan0102@gmail.com.

READ MORE - ĐOẢN KHÚC - Thơ Đoàn Vũ

BÌNH LUẬN VĂN HỌC: LỤC BÁT MỒ CÔI - MacDung



BÌNH LUẬN VĂN HỌC
LỤC BÁT MỒ CÔI
MacDung

Thơ là loại cảm xúc bất chợt khó kiểm soát. Có bài thơ, thi nhân chọn chủ đề nhưng mãi không thể hoàn thành. Lại có bài chỉ thoáng chốc đã xong. Tinh túy thơ bắt nguồn từ cảm xúc tích tắc, rồi thi ngôn tuôn vội. Nếu như mỗi bài thơ được lập trình như toán học, thế gian thi ca thật đáng buồn. Nhớ ngày mới tập tành làm thơ tôi luôn ao ước được sánh vai người, bằng những bài thơ dài hoặc trường ca cho thanh oai với đời…
Sau này lớn lên, tâm đắc những điều chiêm nghiệm, tôi lại quý cảm xúc những bài thơ ngắn. Chính sự ngắn ngủi, bất chợt, lại thể hiện chân thực cảm xúc được thi nhân lột tả vội vàng mới chạm vào Tâm khách thưởng thức. Làm thơ hay chưa đủ! Đọc thơ giỏi mới hay! Bởi khi biết chi tiết đắt giá chạm vào tâm tư nhỏ lệ thì việc ra thơ luôn ít sai lầm. Tôi là kẻ làm thơ dở! Đọc cũng chẳng hay! Nay lạm bàn về 2 câu Lục Bát của nhà thơ bác sĩ Nguyễn Hùng Phong trong tiết giá đúng với ngữ cảnh toàn bài. (Theo qui định về cách gọi, một câu Lục Bát bao gồm câu 6 và câu 8) Chỉ 2 câu Lục Bát biến thể cách viết vô tên, nhưng nao lòng người và chất chứa bao buồn vui tuổi xế chiều…!
Nguyên tác:

     “Canh khuya
    thức giấc lạnh đầy...
     Mới hay Đông đã
    về đây bên mình!
     Tìm em
    hát khúc Tạ Tình...
     Rã đông kết đoá
    hoa xinh tặng người!”
     (Nhà thơ – Bác sĩ Nguyễn Hùng Phong)

Thường nói đến cô đơn, người ta hay liên tưởng đến phận đàn bà. Như vậy thật bất công cho “phận” đàn ông, bởi có đàn bà cô đơn phải sinh ra đàn ông cô đơn. Sự cô đơn bắt đầu từ hai phía mới thật sự khách quan khi đánh giá vấn đề.
“Canh khuya thức giấc lạnh đầy…”
Tình vốn nồng ấm mới đúng là tình! Tình lạnh, chứng tỏ sự xa vắng lạnh lùng từ khí chất. Lạnh, có thể thiếu ủ. Lạnh, cũng là tình xa. Xa một góc như phân chia vị trí. Xa như cõi riêng mỗi người đi một nẻo… Dù sao nửa đêm thức giấc chẳng có gì để ủ ấm thật bi đát. Nếu có ai đó cận kệ chắc cũng phải lạnh! Thôi đành làm bừa trong cảnh chăn mỏng, gối thưa, bỏ bớt khoảng cách gió lùa trong cái lạnh se sắc…
Cái hay ở câu thơ chính là “thức giấc lạnh đầy”. Ngủ không sao! Nhưng thức lại cảm giác “lạnh đầy”! Chuyện gì xảy ra trong thoáng bất chợt, khi ngọn lửa vốn đã nguội nhưng thảng thốt muốn được sưởi ấm một đêm đông!? Thoáng chần chừ đâu đó, nhưng hành động thân quen đã trôi tuột về quá khứ trong chớm hoàng hôn… Ngọn lửa bất chợt từ một phía, có khi nào được cảm nhận song đôi với sự đồng thanh tương ứng!?... Thật buồn trong giá lạnh và gánh nỗi cô đơn với chỉ mỗi câu thơ nao lòng…!
“Mới hay Đông đã về đây bên mình…”
Một sự phát hiện tức khắc. “Mới hay” tức là trước đó không biết gì. Nay đã hiểu Tiết Lạnh đã về! Phải chẳng khoảnh khắc xa xưa vừng đông vốn nắng ấm, cuộc tình rong ruổi chốn thiên đàng, rồi bất chợt trong đêm lạnh ta “mới hay” thời gian đã trôi! Trôi trong một đêm lạnh đơn côi nghĩ ngợi! (Có người kề bên sao nghĩ được!!!) Phát hiện dương quang đã tàn, chỉ còn băng sơn treo đỉnh!
Chỉ 1 câu Lục Bát nhẹ nhàng, tuôn vội theo cảm xúc thi nhân, đã làm xuyến xao bao kẻ “đứng chung vĩ tuyến”. Đâu đó vang nhẹ nụ cười cho người đọc! Nhưng sâu thẳm bên trong vẫn chứa đựng khắc khoải đau buồn…
Nghĩa của tiếng Việt vốn phong phú nên khách phương Tây học chữ, có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Từ “Tạ Tình” trong câu:
     “Tìm em
    hát khúc Tạ Tình...”
     “Tạ” theo Nôm, tức thuần Việt nghĩa là Đáp Trả. Nhưng nếu xét nghĩa Hán – Việt lại là Từ Chối… Thật tình bối rối trước cách sử dụng từ “rình rập”! Thôi thì hiểu theo nghĩa “sáng nhất” là “đáp trả” đi. Như vậy: “Tìm em khúc hát Tạ Tình” ở đây có thể là người nào đó xa trong góc giường được “đáp trả”, hoặc giả thi nhân không chịu được sự cô đơn nên hẹn sáng ngày đi “rước ai đó về”… Người bạn học ngày trẻ lỡ dại hôn trộm chẳng hạn!? Người yêu chưa kịp “đăng ký kết hôn”!? Người ưng ý nhưng chưa đủ quyết tâm… Trăm ngàn cách để nghĩ! Thật đau đầu…
      Chắc vì quá “đau đầu” nên tác giả kết câu thật nhẹ nhàng, sảng khoái:
“Rã đông kết đoá
    hoa xinh tặng người!”
Câu kết như “quyết tâm” cao cả! Thôi thì quên phứt cái lạnh để… “kết đóa hoa xinh tặng người!”…
Một kết thúc có hậu, để ban niềm tin cho đấng mày râu… qua tiết Đông… lạnh buồn!...

Lời bạt:
  Khi người bác sĩ buông y cụ thì các bạn cứ tin đi, độ chính xác là không phải bàn cãi…
 Tác giả Nguyễn Hùng Phong thuộc trong số ấy, khi quay về với thơ bằng chất liệu gợi nhớ mênh mông. Tuổi trẻ đã gắn mình cùng thơ, thì vào tuổi hưu trí tại sao con người phải hoài phí thời gian? Có lẽ vì điều này mà độc giả biết đến Nguyễn Hùng Phong và được thưởng thức phong cách hoài cổ với bến nước, dòng sông…
       Quá khứ là chất liệu kết thành chuỗi cho những vần thơ, từ đó tính quê hương gợi nhớ hình bóng người mẹ, nơi chất chứa thiêng liêng đối với những đứa con dù nay đã lớn… 
  Đến với tác nhà thơ Nguyễn Hùng Phong để hiểu rằng: Con người có thể chọn nghề nghiệp nhưng thơ là… ngược lại… Và trong tất bật cuộc đời, người bác sĩ vẫn yêu… Thơ…
      Mong rằng nhà thơ - bác sĩ sẽ cho ra nhiều thi phẩm ấn tượng trong thời gian không xa…

VL – 11.12.2019
MacDung





READ MORE - BÌNH LUẬN VĂN HỌC: LỤC BÁT MỒ CÔI - MacDung