Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 21, 2016

DÌU NHAU QUA SUỐI - Thơ Thủy Điền

   
            Tác giả Thủy Điền


DÌU NHAU QUA SUỐI

Thuở thanh xuân ta dìu qua suối
Qua mấy đèo hái cánh hoa ban
Cài tóc em sắc trắng, sắc vàng
Rồi ngồi ngắm nàng tiên giữa núi

Ôi ! Vui thú những ngày non tuổi
Lòng hồn nhiên trong sáng, dại khờ
Sáng, chiều chiều chỉ biết mộng mơ
Hai tay nắm rong chơi khắp chốn

Thời gian trải, những ngày ta lớn
Đi vào đời bằng hai tiếng tình yêu
Càng thấy thương, thấy mến nhau nhiều
Tình chồng vợ bắt đầu chớm nở
                                                                     
Ta chia nhau những gì gian khó
Cùng hưởng chung hạnh phúc, an lành
Ta dìu nhau như những ngày xanh
Xưa là” Suối “, nay “Đời “ cũng thế.

                                  Thủy Điền
                                 20-11-2016

READ MORE - DÌU NHAU QUA SUỐI - Thơ Thủy Điền

CHÙM THƠ NGUYỄN NGỌC KIÊN



       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



CHIẾC LA BÀN

Kim nam châm của mọi chiếc la bàn đều hướng về phía bắc
Vạch lối chỉ đường bất kể ngày đêm.
Trái tim anh – chiếc la bàn cũng trọn đời không đổi khác
Nơi duy nhất hướng về là nơi trái tim em!

                                    Hải Đường, 2012


VĂN XUÔI TẶNG EM

Từ thưở mới sinh ra
Trái đất đã có rồi.
Vạn vật trên đời 
Tồn tại được là nhờ lực hút.

Riêng anh,
Còn một lực hút thứ hai
Như sự phát hiện diệu kì mới mẻ.
Mà từ đấy,
Dẫu cách trở vạn dặm đất liền hay ngàn trùng sóng bể,
Cũng không tách khỏi từ trường lực hút từ nơi em!

                                   Hải Đường Hải Hậu, 1991
                                        Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - CHÙM THƠ NGUYỄN NGỌC KIÊN

NGƯỜI THẦY GIÁO VÀ ÔNG LÁI ĐÒ - Tạp văn của Lang Trương


         
                                Lang Trương



NGƯỜI THẦY GIÁO VÀ ÔNG LÁI ĐÒ

Hôm nay, đọc bài viết NGƯỜI LÁI ĐÒ LÀ AI của anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một nhà giáo, Lang Trương có vài cảm nhận về hình ảnh ẩn dụ "người lái đò" dùng để gọi các người thầy của người xưa. 
Trước tiên, ta phải xem xét hình tượng người lái đò và người thầy trong đời thực. Muốn vậy, ta phải trở về điểm xuất phát, từ xa xưa, từ khi nào mà cách gọi này được sử dụng, để cảm nhận xem, người xưa dùng hình tượng người lái đò để gọi các người thầy với lòng tôn kính, hàm ơn hay hạ thấp, xem thường nhà giáo. 
Ngày xưa ấy, các miền quê Việt Nam chằng chịt những con sông, rạch, cầu đường không có, nhiều làng mạc bị cô lập. Người lái đò chính là nhịp cầu kết nối những khu vực này với thế giới văn minh. 
Vả lại, làng quê ngày xưa yên tĩnh, hiền hoà. Người xưa sống trọng tình cảm, nghĩa nhân. Hoạ hoằn lắm mới có khách lạ sang sông. Vì vậy, người lái đò thường là người làng, lớn tuổi, không quản ngại những khi mưa gió, tối trời, đêm hôm khuya khắt, đưa khách sang sông, bằng chiếc thuyền gỗ mong manh, nhịp chèo hối hả. Thường họ chỉ nhận lại món thù lao tượng trưng. Chẳng ai lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của khách sang sông để kiếm chác, vòi vĩnh. Vì là người sống có nghĩa, có nhân nên người lai đò ngày xưa thường rất nghèo. Nghèo nhưng thanh bạch, giúp ích cho đời, nên được người làng yêu quý, kính trọng. Hình ảnh " cây đa, bến nước, côn đò" được sử dụng rất nhiều trong văn học dân gian. Con đò là nguồn cội, người đưa đò chính là sứ giả kết nối những trái tim :
Cây đa cũ, bến đò xưa 
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ
Căn duyên chẳng cứ hẹn hò
Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen
Nong tằm, ao cá, nương dâu 
Đò xưa bến cũ, nhớ câu hẹn hò.
Ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh con đò, người đưa đò trong thơ văn hiện đại, một hình tượng rất đẹp, rất thơ :
Hãy đọc lại BẾN MY LĂNG của nhà thơ Yến Lan :
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách 
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu 
Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách 
Ông lái buồn, để gió lén mơn râu. 

Người xưa không quan tâm đến địa vị thấp kém của người chèo đò, mà họ tôn vinh công việc nhọc nhằn nhưng hữu ích cho nhân quần, xã hội. Chính vì vậy, người chèo đò xuất hiện rất nhiều, rất đẹp trong thơ. 
Chính vì hình ảnh rất đẹp đó của người lái đò mà người xưa đã gọi những người thầy là người chèo đò.
Người thầy ngày ấy chính là những ông đồ. Các ông đồ ngày xưa không có bằng cấp như ngày nay. Họ là những người nhiều chữ nghĩa, đạo cao đức trọng, dạy học trò cái nghĩa, cái nhân, cái đạo lý của đời thường. Các ông đồ nhiều chữ nghĩa cũng nghèo như ông lái đò, là niềm mơ ước của các thiếu nữ :
Chẳng tham ruộng cả, ao liền 
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.
Con đò còn xuất hiện trong Kính Phật và Kinh Thánh. Con Thuyền Bát Nhã và Con Thuyền Nô-ê (Noah) cứu rỗi cả nhân loại chắc chắn cần có người chèo đò. 
Người chèo đò chính là người đã đưa nhân loại qua bến u mê, về miền tươi sáng, đến cõi thành cao. 
"Người chèo đò" là hình ảnh ẩn dụ mà các người thầy ngày xưa tự gọi mình. Ngày nay, chúng ta gọi thầy mình là người lái đò với tất cả lòng tôn kính, biết ơn, bởi nhờ có họ, nhân loại mới ngày càng tiến bộ, văn minh.
                                                                                Lang Trương

READ MORE - NGƯỜI THẦY GIÁO VÀ ÔNG LÁI ĐÒ - Tạp văn của Lang Trương

AI CÔNG HẦU (Trao đổi với Anh Võ Hương An) - Chu Vương Miện



Roi mây - một dụng cụ phổ biến thường dùng đánh đòn.
Hình từ Wikipedia.


AI CÔNG HẦU
(Trao đổi với Anh Võ Hương An)
Chu Vương Miện


Thưa anh Võ Hương An.
Trong những bài viêt về hai nhân vật lịch sử Ngô Thời Nhậm và Đặng Trần Thường, thì bài của anh là rõ nét và khách quan hơn hết, chúng tôi không nhắc lại làm chi cho mất thì giờ, nguyên văn hai câu đối như sau:
"Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biêt ai?" của Đặng Trần Thường. Câu đối lại là :
"Thế chiến quốc, thế xuân thu. gặp thời thế ,thế thời phải thế?" của Ngô Thời Nhậm.
Xuyên qua các bài viết, chúng tôi nhận ra như vầy (không đề cập tới chuyện riêng tư cá nhân của hai vị tiền bối, kể cả việc hay hoặc việc dở):
1/ Chuyện Hai người gặp nhau lần thứ nhất:
Hoàn toàn không có, vì Ngô Thời Nhậm lúc đó là Binh Bộ Thương Thư kiêm Tiết Chế Quân Vụ ở Miền Bắc thay mặt cho Vua Quang Trung xử lý toàn bộ quân sự và hành chánh, (ông đậu Tiến sĩ từ thời Nhà Lê).
Còn Đặng Trần Thường thì chỉ tốt nghiệp tới Sinh đồ (tức lớp Ba trường làng, được miễn sưu dịch, tuy nhiên vẫn chưa đủ điều kiện để đi thi Hương, muốn thi Huơng phải tốt nghiệp trường Huyện (Phủ)  để nhận chức danh là thầy Khóa, mà Võ thì không rõ Đặng Trần Thừơng tài tới mức nào, chớ về Văn thì chỉ có chừng đó, có nhiều bài viêt cho rằng hết cha đau rồi ốm rồi mất, rồi mẹ đau làm học hành dang dở.
So sánh hai vị tiền bối trên, địa vị quá chênh lệch, không có lý do nào để mà gặp nhau, để có hai câu đối lừng danh để đời.

2/ Chuyện gặp nhau lần thứ hai:
Khi chiến đoàn của Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân có thể là do Tiền Quân Nguyễn Văn Thành (hoặc Tả Quân Lê Văn Duyệt) chỉ huy, lúc đó thì thượng tướng Đặng Trần Thường cũng phụ trách một bộ phận Quân Lữ trong chiến đoàn này, quân cơ hữu là một Sư Đoàn, chia ra làm 4 Trung Đoàn, chỉ có 3 Trung Đoàn là tấn công tác chiến mà thôi, còn một Trung Đoàn dùng làm đơn vị Trừ Bị và bảo vệ Bộ Chỉ Huy, gồm có Tư Lệnh, Phó Tư Lệnh (Tham Tướng), Tham Mưu Trưởng (Tùy Tướng) .... Giả sử như đơn vị của tướng Đặng Trần Thừơng bắt tại trận (ở mặt trận Phú Xuân) thì cuộc diễn biến sẽ diễn ra như sau: Đứng trước hàng quân bại trận của nhà Tây Sơn, kẻ đứng, ngươi ngồi, người nằm dưới đất, kẻ bị trói, kẻ bị xích thì Thượng Tướng Đặng Trần Thừơng đứng trước toàn quân toàn bại mà dõng dạc tuyên bố như sau (ngài lấy trong túi quân trang ra một giấy vải bằng vàng cuộn tròn trong 2 cái trục bằng gỗ rồi thong thả đọc):
Thuận thiên thừa Mệnh, Hoàng Đế chiếu viết:
"Trong cuộc chiến 25 năm vừa qua, giữa nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn, bá tánh lầm than chết oan chết uổng rất nhiều, cuộc chiến có tính cách nồi da xaó thịt vừa cục bộ vừa ngu xuẩn, chả có ai thắng và ai thua, thắng là bọn có vũ lực và vũ khí, thua là toàn bộ nông dân bị bắt đi lính làm bia đỡ đạn. Nay tất cả binh tốt trong hàng ngũ Ngụy Tây Sơn, ai còn lành mạnh thì từ cấp Vệ Úy đến Lãnh Binh đến Quản Cơ và hàng binh tốt tự động về nhà mạnh giỏi, kế đến là những thương bệnh binh (cần đồng bọn khiêng đi) hay người nhà khiêng đi, tất cả đều được hưởng tiền chu cấp ăn đường, ngoài ra từ cấp Tham Tri đến Thượng Thư và Tướng lãnh thì tạm thời giam vào thiên lao chờ cấp trên xử lý sau (Khâm Thử).
Với tình hình như vậy thì thi hai vị Đặng trần Thừơng và Ngô thời Nhậm gặp nhau ở chỗ nào mà có hai câu đối trứ danh để đời?
3/ Lần sau chót:
Qua cuộc họp các quan Đình thần, vua Gia Long Thống Nhất là tha bổng cho các vị quan Tây Sơn nào về hàng, làm quan với Nhà Nguyễn, hoặc quy an đuổi gà cho vợ, hoặc tuẫn tiết với nhà Tây Sơn cho trọn chữ Trung thì cũng ô-kê, tuy nhiên chỉ các văn thần tốt nghiệp tiến sĩ thì cho mang ra Quốc Tử Giám (tẩm quất) tức lá đánh bằng roi (hay côn hay hèo) mỗi vị tượng trưng 20 roi , rồi tha về nhà.
Xin nói ngay, nơi mà các cựu quan chức nhà Tây Sơn bị hình phạt đánh bằng roi là ở Bắc Thành (tức là thành Hà Lội bi giờ) dưới quyền cai trị bời Tiền  Quân Nguyễn Văn Thành, giới nho sĩ Thượng Thư quan văn như Phan Huy Ích, Ngô Thời nhậm được chở từ nhà Lao Măng Cá Nhỏ ở Quảng Đức (tức Thừa Thiên) mang ra nhốt tạm ở Hỏa Lò "Hà Lội" để chờ này thọ phạt.
Sau đó một tuần thì quan Binh Bộ Thượng Thư là Đặng Trần Thường đi máy bay Boeing từ Huế về Hà Lội với tư cách Khâm Sai đại thần để làm quan giám khảo (tra khảo) trụ trì cuộc tẩm quất các các bại tướng nhà Tây Sơn, (để diễn tả cho đúng sự thực xin được diễn tả theo phim tàu Hồng Kông trong phim bộ Bao Thanh Thiên [Tức Bao Công]).
Một hồi trống kéo dài vừa dứt thì đoàn tù tội theo nhau đi hàng một, an vị đầu vào đó (có nghĩa là nằm dài ra úp mặt xuống nền gạch của cái sân Văn Miếu), mỗi hàng là 10 người, kế đó là một hồi trống nữa, thỉ một toán quân hổ bôn hay vệ quân cũng đi hàng một tay cầm một cây côn (gậy) dài chừng một thước tây, mỗi một vị binh tốt đứng cạnh một tù nhân đã nằm sẵn dưới đất, và hồi trống thứ ba vừa chấm dứt, thi quan thượng thư Đặng Trần Thường quăng một cái Lệnh bài (y như Bao Công quăng một miếng Lệnh bài bằng gỗ xuống công đường và miệng hô trảm), thế là lính hổ bôn mạnh ai nấy đánh, đánh đủ 20 hèo thì dừng tay, đứng nghiêm chờ lệnh.
Hồi Trống thư tư tan hàng, ai về nhà nấy, không thấy người Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm xướng họa đối đáp chi cả.
Còn về cái chết của Ngô Thời Nhậm trên 7 bó tuổi già sức yếu, trước khi bị đánh 20 hèo tại Quốc Tử Giám (là thời gian bị bỏ tù, bỏ ngục, bỏ đói) nên sau khi được hưởng ơn mưa móc 20 hèo của Triều nhà Nguyễn là tiên sinh qua đời, phiêu diêu miền cực lạc.
Cũng xin nói thêm "Hà Lội" hay Bắc Thành là nơi cai quản của Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, lâu la bộ hạ toàn là người của Tiền Quân, Binh bộ Thựơng Thư Đặng Trần Thường ra Bắc với tư cách là Khâm Sai đại thần, đi một chắc, may lắm là có một tùy viên đi theo sau sách cặp táp là cùng thì làm gì mà có cái chuyện sai lính tẩm thuốc độc vào ngọn roi mà đánh cho chết? mà lính nào? Mà giả sử có cuộc đối diện thật, thì trình độ của Ngô Thời Nhậm là Tiến Sĩ, còn Đặng Trần Thường tốt nghiệp lớp 3 trường làng (tức sinh đồ) thì đối với đáp cái gì?
Chẳng qua là người đương thời thấy chuyện về đời công và đời tư hai vị tiền bối mê ly rùng rợn ly kỳ nên mới soạn ra 2 câu đối (đối nhau chan chát) để đời đọc chơi cho đỡ buồn hoặc tìm trong đó một bài học lên voi xuống chó mà ngậm ngùi cho một kiếp phù sinh.

Chu Vương Miện


READ MORE - AI CÔNG HẦU (Trao đổi với Anh Võ Hương An) - Chu Vương Miện

Tagore Rabindranath: Quà tặng tình nhân - Ngọc Châu dịch




Tagore Rabindranath: Quà tặng tình nhân
Ngọc Châu dịch

Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ và hoạ sĩ Ấn Độ, giải Nobel Văn học năm 1913. Là con thứ mười bốn của một điền chủ - nhà cải cách tôn giáo giàu có. Ông đi học ở trường một thời gian ngắn; về sau học ở nhà với cha. 8 tuổi, R. Tagore nổi tiếng giỏi văn nhất vùng Bengal; 13 tuổi có thể sáng tác nhạc, hoạ, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn và dịch kịch Shakespeare; 17 tuổi sang Anh du học; năm 1880, trở về ấn Độ, viết vở nhạc kịch đầu tiên. Năm 1910 ra đời tiểu thuyết sáng giá nhất của R. Tagore - Gora - ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị. Năm 49 tuổi R. Tagore xuất bản Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là lí do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là kì công thứ hai của văn học …


One day in spring

One day in spring, a woman came 
In my lonely woods, 
In the lovely form of the Beloved. 
Came, to give to my songs, melodies, 
To give to my dreams, sweetness.



Suddenly a wild wave 
Broke over my heart's shores 
And drowned all language. 
To my lips no name came, 
She stood beneath the tree, turned, 
Glanced at my face, made sad with pain, 
And with quick steps, came and sat by me. 





Taking my hands in hers, she said: 
'You do not know me, nor I you-- 
I wonder how this could be?' 
I said: 
'We two shall build, a bridge for ever 
Between two beings, each to the other unknown, 
This eager wonder is at the heart of things.' 



The cry that is in my heart is also the cry of her heart; 
The thread with which she binds me binds her too. 
Her have I sought everywhere, 
Her have I worshipped within me, 
Hidden in that worship she has sought me too.





Crossing the wide oceans, she came to steal my heart. 
She forgot to return, having lost her own. 
Her own charms play traitor to her, 
She spreads her net, knowing not 
Whether she will catch or be caught.



Một ngày xuân 

Ngày xuân, cô đơn vườn tôi
Nàng chợt đến với dáng người thương yêu
Cho tôi giai điệu khúc chiều
Ban giấc mơ với bao nhiêu ngọt ngào

Biển hoang bỗng cuộn sóng trào
Bờ tim tan nát, không sao thốt lời…




Đứng tựa cây, nàng quay người
buồn thương đau đớn nhìn tôi. Lại gần
thoắt đôi chân ngồi xuống nhanh,

cầm tay tôi nói “Em - Anh chưa tường
Tại sao mà mình bỗng dưng?!”

“Sẽ cùng xây chiếc cầu chung vĩnh hằng…”
Đáp lời, tôi nói với nàng 
“…nối  hai người dẫu chưa từng gặp nhau


Mà khát khao đã ẩn sâu
Trong đôi tim vốn từ lâu lắm rồi…”



Tiếng gào đòi trong tim tôi
Cũng thét gào trong tim người ngồi  đây
Dây tình nàng thắt tim này
Thắt càng chặt con tim ngay chính nàng



Đã tìm nàng mọi nẻo đàng
Phụng thờ trong  điện cung vàng – lòng tôi


Với nàng cũng như vậy thôi
Muốn vượt biển trộm tim tôi mang về

Mất chính mình, quên miền quê
Cái đẹp quyến rũ bùa mê phản nàng


Tung lưới ra, không hay rằng
Chụp người hay chính lưới giăng chụp minh…

Come to my garden walk

Come to my garden walk, my love.
Pass by the fervid flowers that 
press themselves on your sight.


Pass them by, stopping at some chance joy,
which like a sudden wonder of sunset illumines yet elude 
For lover's gift is shy, it never tells its name,
it flits across the shade, spreading  a of joy along the dust.




Overtake it or miss it for ever.
 But a gift that can be grasped is merely a frail flower,

or a lamp with flame that will flicker

Mời nàng đi dạo vườn anh

Mời nàng dạo vườn cùng anh
Ngang qua hoa cỏ nhiệt thành đón đưa
Đi xem hoặc dừng tình cờ
khi thấy tuyệt phẩm bất ngờ hiện ra
Bời hoàng hôn rọi nắng qua
rạng ngời nhưng muốn lẩn xa mắt người

Quà yêu e lệ nhất đời
Luôn ẩn dấu, chẳng một lời xưng tên
Lách gió bụi, bóng lá mềm
Tỏa cơn run rẩy con tim bất thần.

Mau chộp lấy, em mến thân
Không rồi sợ chẳng còn lần khác chăng
Dẫu chỉ cánh hoa mỏng manh
Hay tia lửa nhỏ đèn xanh bập bùng…







She is near to my heart

She is near to my heart as the meadow -flower to the earth;
she is sweet to me as sleep is to tired limbs.

My love for her is my life flowing in its fullness,
like a river in autumn flood, running with 
serene abandonment.


My songs are one with my love, like the murmur of a stream,
that sings with all its waves and current.

Nàng ở gần tim tôi

Nàng ở sát ngay tim tôi
Như bông hoa dại chọn nơi đầm lầy
Cho tôi ngọt ngào tràn đầy


Như  kẻ mệt được ngủ say mơ màng

Đời tôi trọn vẹn trao nàng
Là dòng sông lũ chảy tràn mùa thu
Theo nàng, yên ổn, vô tư
Bài ca tôi - khúc hát ru chung tình
Tiếng rì rào con suối xanh
Sóng cùng dòng chảy hòa thanh tặng nàng.

 Ngọc Châu dịch



READ MORE - Tagore Rabindranath: Quà tặng tình nhân - Ngọc Châu dịch

BẾN ĐỢI NGẬM NGÙI - Thơ Sĩ Chương



              Tác giả Sĩ Chương



   BẾN ĐỢI NGẬM NGÙI

   Tạm biệt Sài Gòn
   mai mình về Đà Nẵng
   Con tàu đưa ta 
   biển Miền Trung vị mặn
   Hạt muối Sa Huỳnh 
   trắng tóc sân phơi
   Em có hỏi tôi 
   đường bao cây số
   Người về đó 
   cho vần thơ yên nghỉ
   Đất Phương Nam
   nắng gió lắm chai lòng
   Bao năm rồi
   đâu đấu nổi chờ mong
   Dòng Kênh Tẻ
   ngậm ngùi thương bến đợi
   Ngoài nớ trong ni
   hai miền xa vời vợi
   Biết bao giờ
   trở lại một lần thăm
   Con sáo xa bầy 
   lưu lạc biết bao năm
   Nay Bến Lức 
   mai Thủ Thiêm
   Hay dòng Kênh Tàu Hủ
   Đã xa rồi 
   những mùa thu quyến rủ
   Bến đợi người
   người chờ bến còn đâu
   Hai phận đời 
   khác biệt xót lòng nhau
   Đêm thao thức 
   Phương Nam vầng trăng lạnh

                               Sĩ Chương  
                                 10/2014

READ MORE - BẾN ĐỢI NGẬM NGÙI - Thơ Sĩ Chương

THẦY NÓI NGỌNG - Thơ vui của Nguyễn Khôi

     
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi



Thơ vui: 

THẦY NÓI NGỌNG
(Tặng Nhà văn Lê Mai & Ts.ngôn ngữ Ng.Ngọc Kiên)
                  ----
"Tính tương cận dã/ Tập tương viễn dã"
                                             Luận Ngữ
                        
Hồi cắp sách tới trường
Thầy giáo nhắc :
- Em Thái Bình tránh lờ = nờ ,
- Em HưngYên tránh nờ = lờ ...
Ngọng (từ) lưỡi thì dễ uốn
Còn ngọng (từ) tai thì khó đấy
phải luyện tập, lắng nghe...
               
Thời đi làm Quan chức
Buồn cười nhất là Sếp to qua "bổ túc " (1)
Ngọng líu, ngọng lô lại thích đăng đàn :
-Các đồng chí phải HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI
theo lời dạy của Nê Lin (Lê nin) ! ?
               
Chao, hôm nay
Trên Diễn đàn Thế giới phẳng
lại phải nghe một vị Thầy nói ngọng
trong ngoài nước phì cười "
 Ôi, "Đào tạo đúng quy trình" ? ! 

             Hà Nội, 20-11-2016
               NGUYỄN KHÔI
----
(1) Ca dao / tục ngữ thời 1980:
- Dốt chuyên tu, ngu tại chức.
- Nếu không gặp bác Chuyên Tu/ làm sao biết được kẻ ngu hơn mình.
  
READ MORE - THẦY NÓI NGỌNG - Thơ vui của Nguyễn Khôi