Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 24, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 2”, THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA  2
 
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
                             Phạm Ngũ Lão
 
Đại công ngoài mãi tầm tay
Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu
Non sông riêng họ Trần đâu
Mà trăm trận đánh công đầu về ai
Để ta thương một chàng trai
Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu
Kìa trên dòng sử hoang vu
Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên
Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền
Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà
Chàng trai cười ngất Đông A
Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.
 
                          Vũ Hoàng Chương
 
 
I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương
II - Sự Kiện của thơ
 
Phần I và phần II tôi đã viết ở “Bàn Về Đọc Lại Người Xưa, Bài 1” đăng trên trang mạng nên nay xin lướt qua. Mời quý vị có thể đọc ở đường link sau đây: 

https://phudoanlagi.blogspot.com/2020/11/ban-ve-oc-lai-nguoi-xua-bai-1-tho-vu.html
 
III - Tóm lược tiểu sử Phạm Ngũ Lão
 
“Đọc Lại Người Xưa, bài 2” nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết về tướng Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là làng Phù Ủng xã Phù Ủng huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Việt Nam

Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng. 
 
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (12/1287), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. 
 
Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java[. 
 
Ngày 1 tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, đây là một đặc ân của nhà vua đối với ông.  Nhân dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo. 
 
Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà ở thế kỉ XV là Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rất cao về tài năng phi thường của ông: 
 
“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (chỉ Phạm Ngũ Lão) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ông”. 

Bài hịch mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nói đến chính là bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, còn lời thơ mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nhắc tới chính là lời thơ trong bài tứ tuyệt của Phạm Ngũ Lão, được hậu thế đặt cho tiêu đề là Thuật hoài.



 
IV- Nghiên cứu bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão
 
THUẬT HOÀI
 
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

TỎ LÒNG
 
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.
 
Bản dịch của Trần Trọng Kim

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
 
Thuật hoài” (thuật: kể lại, bày tỏ; hoài: nỗi lòng) được hiểu là sự thổ lộ khát khao, mong muốn, bày tỏ hoài bão lớn lao và quan điểm riêng của tác giả – một dũng tướng tuổi trẻ tài cao. (Phạm Ngũ Lão sáng tác bài thơ trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần II giai đoạn 1284-1285, nhà thơ khoảng 30 tuổi).
 
Trong bài thơ nầy có câu thơ “Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” dịch là “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” để nói thêm về chí lớn, về hoài bảo, về khát vọng của Phạm Ngũ Lão, muốn làm được việc lớn như Vũ Hầu mà thôi.  Vũ Hầu tức Gia Cát Lượng (Khổng Minh), người giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, có nhiều công lao, được phong tước Vũ Vương Hầu gọi tắt là Vũ Hầu và có khi gọi là Gia Cát Vũ Hầu.

V – Bàn luận thơ “Đọc Lại Người Xưa, bài 2” của Vũ Hoàng Chương:
 
 Hai câu thơ mở đề Vũ Hoàng Chương Viết:                     
 
Đại công ngoài mãi tầm tay                     
Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu
 
Ta biết Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời nhà Trần, công trạng của ông rất lớn, là những “Đại công” ghi vào lịch sử, để lại đời sau nhớ ơn và thờ phượng. Thế sao Vũ Hoàng Chương lại viết về ông là “Đại công ngoài mãi tầm tay” ? Điều nầy dễ hiểu bởi căn cứ câu thơ Phạm Ngũ Lão viết trong “Thuật Hoài” dịch là “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Từ đó, ta biết Phạm Ngũ Lão chưa vừa ý với những chiến công mà ông đạt được trong đời. Những chiến công đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, bình định sự quấy nhiễu của quân Ai Lao, Chiêm Thành, Phạm Ngũ Lão vẫn chưa cho đó là đại công. Cái mộng của Phạm Ngũ Lão là phải làm được những việc đại công như Khổng Minh, người tài cao mà ông khâm phục. Vì vậy khi ông đem công trạng giúp vua giúp nước của mình so với Khổng Minh thì ông thẹn với lòng.  
 
Hiểu được nỗi lòng ấy của Phạm Ngũ Lão, Vũ Hoàng Chương đã nói thay tâm tư của danh tướng bằng hai câu thơ trên: “Đại công ngoài mãi tầm tay /Thẹn nghe lời nhắc rồng may Vũ Hầu”.
 
Hai câu thơ thứ 3 và thứ tư như sau:                      
 
Non sông riêng họ Trần đâu                     
Mà trăm trận đánh công đầu về ai
 
Hai câu thơ trên, nhà thơ Vũ Hoàng Chương tỏ ra bất mãn với việc nhà Trần khen thưởng bất công đối với Phạm Ngũ Lão. Nhà thơ cho rằng Phạm Ngũ Lão tài ba như thế mà cả trăm trận đánh, công đầu đều trao cho con cháu họ Trần, người trong hoàng tộc. 
 
Thật ra sử sách tìm không thấy nói điều nầy. Sử sách nói rằng:
“Có thể hiểu, sự xuất thân của Phạm Ngũ Lão không qua khoa cử mà đi bằng con đường đặc biệt là lọt vào con mắt xanh của vị thánh tướng triều Trần, đã cho thấy cách chiêu mộ hiền tài phong phú của vương triều bấy giờ, là phát huy sức mạnh toàn dân. “Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi”
 
Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão, điều đó cho thấy ngay cả sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch đã khách quan nhìn nhận tài năng quân sự của ông, xếp ông vào hàng danh tướng bậc nhất, đã khẳng định vai trò vị trí của ông trong các võ công hiển hách của vương triều Trần. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Điều đó chứng tỏ Vua nhà Tràn ban thưởng phân minh.
 
Hai câu thơ trên đây “Non sông riêng họ Trần đâu / Mà trăm trận đánh công đầu về ai” theo tôi có lẽ chỉ là sự tưởng tượng rồi suy diễn của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Việc nầy thôi xin nhường lại cho các sử gia nhận định chính xác hơn.
 
Hai câu thơ kế tiếp như sau:                      

Để ta thương một chàng trai                      
Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu
 
Hai câu thơ nầy, Vũ Hoàng Chương tỏ ý thương cho Phạm Ngũ Lão, người danh tướng tài cao đã thở dài vì công trạng của mình không được đền đáp như ý nguyện. 
 
Như đã nói ở trên, không có dấu hiệu nào chứng tỏ nhà Trần khen thưởng bất công đối với Phạm Ngũ Lão. Căn cứ theo bài thơ “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ lão ta cũng thấy nhà Trần đã cho ông cơ hội để thỏa chí bình sinh: “Múa giáo non sông trải mấy thâu / Ba quân hùng khí át sao Ngưu”.
 
Vậy vì sao Vũ Hoàng Chương lại gán cho Phạm Ngũ Lão cái tâm trạng “thở dài mấy thu” như thế ?. Điều này ta có thể suy đoán nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã hư cấu nỗi buồn của Phạm Ngủ Lão để gởi một chút tâm sự của chính mình vào đó.
Tâm sự của Vũ Hoàng Chương là gì? Đó là sự bất đắc chí trong đời. “Vũ Hoàng Chương lớn lên gặp lúc nước nhà trải qua nhiều đổi thay lớn lao. Thanh niên thế hệ ông dùng nhiều các danh từ như: cách mạng, cao trào, tự do, dân chủ, đấu tranh, tiến bộ v.v... Còn ông Vũ thì ông hay nói đến chuyện ... làm vua. Vâng, chính ông làm vua. Tên ông lót chữ Hoàng, ông thường tự xưng là Hoàng (‘Tố của Hoàng ơi’). Hoàng, chiết tự thành ra Bạch Vương. Người yêu của ông có kẻ tên Khanh, ông xưng hô như thể là vua với hoàng hậu, nghe thích lắm”.
Từ đó ta có thể phỏng đoán ý nghĩa của hai câu thơ trên, Vũ Hoàng Chương mượn Phạm Ngũ Lão để bày tỏ sự bất bình của mình, vì cuộc đời không đãi ngộ một nhân tài như ông để có thể đạt cao trên con đường danh vọng.
 
Góp ý nhận định của tôi về những câu thơ trên, nhà thơ La Thụy có những bình luận như sau mà tôi thấy rất đáng trân trọng;
 
“Nhận xét như vậy có lẽ do câu thơ sau gây ‘ấn tượng sâu sắc’: ‘Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu’. Thực ra, Phạm Ngũ Lão là một chàng trai thôn dã, qua những chiến công hiển hách BẢO VỆ NON SÔNG, TỔ QUỐC trước sự xâm lăng của giặc Mông Nguyên (không phải chỉ riêng vì bảo vệ lăng miếu, xã tắc của triều Trần), ông nhận những ưu đãi của nhà Trần: 
- Khác với những gia tướng của Trần Hưng Đạo như Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng…, sau chiến thắng Mông Nguyên vẫn là gia tướng của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão trở thành tướng lĩnh của nhà Trần. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương.
- Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm Giáp Ngọ (1294) nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng). Năm Đinh Dậu (1297) cũng nhờ lập công khi đi đánh trận ở Ai Lao, ông được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây). Năm Tân Sửu (1301), ông được phong làm Thân Vệ Đại tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa). Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão hiệu là Tĩnh Huệ là thứ phi của vua Anh Tông
“Nỗi U HOÀI cũng là HOÀI BÃO của Phạm Ngũ Lão được THUẬT lại thông qua NỖI THẸN trong bài thơ THUẬT HOÀI... Chữ ‘thẹn’ thể hiện vẻ đẹp nhân cách của người anh hùng, nỗi thẹn của những con người có trách nhiệm với đất nước, non sông. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão cũng là những day dứt của chí làm trai, biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước. Quan niệm ‘nợ công danh’ đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong kiến, ‘công danh’ là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước là ‘tiếng thở dài mấy thu” như cách nói của Vũ Hoàng Chương ‘Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu’. ”
 
Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá. ‘Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu’ Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để trừ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi thời loạn. 
 
Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung. Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông, ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Cho nên, từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với THUẬT HOÀI . ‘Công danh nam tử còn vương nợ./ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu’
                                                                  (La Thụy)
 
 Và nhà thơ La Thụy đã kết luận như sau:
 
“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
(Ngọn giáo non sông trải mấy thâu)
 
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
(Công danh nếu để còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.)
 
NỖI THẸN, MỐI U HOÀI, HOÀI BÃO của Phạm Ngũ Lão đã được Vũ Hoàng Chương khái quát qua câu thơ: “Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu”
 
Hiểu như nhà thơ La Thụy thì câu thơ “Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu” là nhà thơ Vũ Hoàng Chương mô tả tâm trạng của Phạm Ngũ Lão buồn vì chưa đạt ước mơ lớn của mình chớ không phải buồn vì bị nhà Trần ban thưởng chưa đúng công lao.
 
Bước qua 4 câu thơ kế tiếp của “Đọc Lại Người Xưa (2)” như sau:
                      
Kìa trên dòng sử hoang vu           
Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên           
Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền           
Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà
 
Bốn câu thơ nầy thì dễ hiểu thôi, Vũ Hoàng Chương ca tụng tài ba và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão. Tài ba và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão thì đã được nói nhiều ở trên nên người viết không nhắc lại thêm làm gì..
 
Vậy xin bước qua hai câu thơ cuối của “Đọc Lại Người Xưa (2)”:
               
Chàng trai cười ngất Đông A               
Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.
 
 Hào khí Đông A có ý nghĩa sâu xa. Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu “hào khí Đông A” chính là hào khí nhà Trần. Câu nói đó là xuất phát từ 2 lý do. Đầu tiên, theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ chữ Đông và chữ A nên có thể đọc là Đông A. Nhưng để hiểu được cụ thể, chúng ta phải kể đến lý do thứ 2: Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái.
Tóm lại, hào khí Đông A không chỉ là nét chữ, lỗi chiết tự mà còn là tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của trên dưới quân-thần-dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không thể làm người mất nước! Thậm chí có những người như Trần Quốc Tuấn, vì ích nước mà sẵn sàng gạt thù nhà.
 
Hai câu thơ “Chàng trai cười ngất Đông A/ Hơi văn nhọn mãi chính là đại công” Vũ Hoàng Chương đề cập đên hào khí Đông A không những chỉ thể hiện ở chiến công hiền hách thời nhà Trần mà còn thể hiện ở hơi văn như “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Quốc Tuấn hay “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ Lão. Bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Bài “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ Lão nói lên nỗi khát khao của chí làm trai mong ước vụ cho đất nước.
 
Đọc thơ “Đọc Lại Người Xưa (2)” của Vũ Hoàng Chương đã nói lên đủ tài ba, nhân cách, đức độ và tâm tư  của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời nhà Trần. Đọc thơ, tuy ta chưa biết cụ thể Vũ Hoàng Chương gởi gì của riêng tư lòng ông vào đó, nhưng tác giả đã sáng tác trong hoàn cảnh mình bị lao lý, phải dấu thơ trao cho một người khác giữ, thì cũng đoán định được nhà thơ đã dùng bậc danh nhân để tá khách chính mình vào đó. Thôi thì hãy dâng một nén hương lòng, tưởng nhớ một người tài hoa đã ra đi còn để lại những vần thơ tuyệt tác cho đời.
 
                                                                   Châu Thạch

READ MORE - BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 2”, THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch

CHUYỂN MÙA – Thơ Lê Phước Sinh




CHUYỂN MÙA
 
Em thay áo mỏng
Quàng chiếc Khăn Len
Suýt xoa,
hí hửng
hồn nhiên
Lạnh về...
 
Lê Phước Sinh

READ MORE - CHUYỂN MÙA – Thơ Lê Phước Sinh

NGỤ NGÔN Ê-DỐP (53-56) - Ngọc Châu dịch sang thơ song thất lục bát

 


53. Chó sói và cậu bé

 

Bé vắt vẻo ngồi trên nóc ngói

Nhìn xuống thì thấy Sói đi ngang

Cậu ta lập tức la làng

Cất lời chửi rủa ngày càng to thêm

 

«-Tên khốn kiếp trộm đêm, giết lợn

Cớ sao mày táo tợn qua đây

Toàn người lương thiện khu này
Ai không ghét đứa mặt dày thối tha!»

 

«-Mẹ kiếp chứ, đúng là can đảm 
Thôi xéo đi hỡi bạn quí yêu»

Sói không thua, cũng ra điều

«-Đứng trên cao tít buông chiêu – quá hèn!» 

 

The Wolf and the Kid  


A Kid was perched up on the top of a house, and looking down saw a Wolf passing under him. Immediately he began to revile and attack his enemy. "Murderer and thief," he cried, "what do you here near honest folks' houses? How dare you make an appearance where your vile deeds are known?" "Curse away, my young friend," said the Wolf. "It is easy to be brave from a safe distance."


 

54. Lừa và lũ Ếch 


Lừa chở gỗ ngang qua ao nhỏ

Bị trượt chân lộn cổ xuống bùn

Vướng hàng không thể đứng lên

Lừa ta than vãn kêu rên phì phò

 

Lũ Ếch quen bùn nhơ nước trắng

Nghe tiếng rên chúng mắng một hồi:
“Nếu anh cũng như chúng tôi
suốt ngày bì bõm thì rồi ra sao?

Chỉ vừa mới ngã nhào xuống nước

Đã kêu rên những tưởng sắp toi

Đúng là lắm kẻ trên đời

Thiếu can đảm mà sẵn lời kêu ca…

 

The Ass and the Frogs

An Ass, carrying a load of wood, passed through a pond. As he was crossing through the water he lost his footing, stumbled and fell, and not being able to rise on account of his load, groaned heavily. Some Frogs frequenting the pool heard his lamentation, and said, "What would you do if you had to live here always as we do, when you make such a fuss about a mere fall into the water?"

Men often bear little grievances with less courage than they do large misfortunes.

 

55. Đĩa đèn dầu 


Đĩa đèn đổ đầy dầu sáng rực

Khuyếch khoác mình hơn đứt mặt trời

Bất ngờ cơn gió qua chơi

Lửa kia tắt phụt, đèn thời tối đen

 

Chủ nhân phải bật diêm châm lại

Bảo “tự cao tự đại vừa thôi

Nhớ rằng các sao trên trời
không ngôi nào phải nhờ người quẹt diêm”

 

 

The Lamp 

A Lamp, soaked with too much oil and flaring brightly, boasted that it gave more light than the sun. Then a sudden puff of wind arose, and the Lamp was immediately extinguished. Its owner lit it again, and said: "Boast no more, but henceforth be content to give thy light in silence. Know that not even the stars need to be relit"

 

56. Cáo và gà trống 

 

Gà Trống đậu cành cao chót vót

Gáy to vang lảnh lót rừng cây

Cáo ta sáng mắt lên ngay

Bởi đang lép kẹp dạ dày trống không.

 

Nhưng Cáo thấy khó lòng chạm tới

Gà đứng cao vời vợi trên đầu

Trò ranh ma liền nghĩ mau

Lôi anh Trống xuống nhét vào bụng teo

 

«Xin lỗi, Trống bồ tèo yêu mến… 

- Cáo thốt ra nghe đến dịu dàng-
… Cậu đã nghe tin cả làng

đồng lòng công bố chữ vàng tuyên ngôn

 

Rằng từ nay không còn thù oán

giữa thú, chim… muôn vạn sinh linh

không săn mồi trong rừng xanh

không ai hà hiếp, cướp giành lẫn nhau

 

Nào, nào hãy mau mau xuống đất

Nghe thêm bao chuyện rất hay ho…”

Trồng thì chẳng phải tay mơ

Biết thừa Cáo vốn lọc lừa ranh ma

 

Nên chỉ vươn cổ xa trông ngóng
Như thể đang mải hóng tay nào

-Trống ơi, đợi ai đấy sao?

Nóng lòng, Cáo ngẩng cổ cao thăm dò.

- Đám chó hoang đang mò tìm đến

yên tâm đi, Cáo mến thân ơi…


 - Thế à, vậy tớ đi thôi…

- Đừng đi, đợi chúng đến ngồi bàn thêm

mình đang lựa cành tìm cách xuống

chúng đến đây chẳng uổng công chờ

hòa bình thỏa ước rất thơ!…

 

- Thôi thôi, tớ chẳng thể chờ được đâu

cái đám sủa gâu gâu chưa biết

chưa nghe tin Hiệp ước Hòa bình”

Cáo ta chuồn đi rất nhanh

 

Chớ nên tin tưởng thứ tình bạn ma! 

 

The Rooster and the Fox  145

       A rooster was perched on a branch of a very high tree, crowing loudly. His powerful exclamations were heard throughout the forest and caught the attention of a hungry fox who was out and about looking for a prey.

        The fox saw how high the bird was positioned and thought of a sly way to bring the rooster down for his meal.

       “Excuse me, my dear proud Rooster,” he gently spoke, “Have you not heard of the universal treaty and proclamation of harmony that is now set before all beasts and birds and every creature in our forest. We are no longer to hunt or prey nor ravish one another, but we are to live together in peace, harmony, and love. Do come down, Rooster, and we shall speak more on this matter of such great importance.”

     Now, the rooster, who knew that the fox was known for his sly wit, said nothing, but looked out in the distance, as if he were seeing something.

       “At what are you looking so intently?” asked the fox.
       “I see a pack of wild dogs,” said the rooster, “I do believe they’re coming our way, Mr. Fox.”
       “Oh, I must go,” said the fox.
        “Please do not go yet, Mr. Fox,” said the rooster, “I was just on my way down. We will wait on the dogs and discuss this new time of peace with all.”
       “No, no,” said the fox, “I must go. The dogs have not heard of this treaty of peace yet.”

Beware of the sudden offers of friendship.

 

 

READ MORE - NGỤ NGÔN Ê-DỐP (53-56) - Ngọc Châu dịch sang thơ song thất lục bát

ĐÊM CUỒNG SAY... - Chùm thơ độc vận - Đặng Xuân Xuyến

Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến

ĐÊM CUỒNG SAY...

 

Em nhé, một lần quậy cùng ta

Một đêm giả khướt lướt Ngân Hà

Một đêm vịn cớ vì ta đã

Mà hứng đêm cuồng say với ta?

 

Ừ, giả lần thôi, đâu chết a

Người ta thiên hạ vẫn thế mà

Thì bởi ả Hằng lả lơi quá

Mà dáng ai kia cứ nõn nà...

 

Thôi, ngả vào ta, cuộn vào ta

Để đêm thánh thót rót trăng ngà

Để làn gió thoảng loang hương lạ

Để trộn vào ta, nghiến nát ta.

 

Hà Nội, 2g45 ngày 01-07-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

NGÕ LẠ

 

Từ bữa em cùng người lạ

Che chung chiếc ô về nhà

Ngõ nhà mình thành ngõ lạ

Lừng khừng mỗi bước anh qua.

 

Hôm nay ngày thứ mười ba

Em lại che chung ô lạ

Tiếng cười nghe mà vồn vã

Bước chân lấn chút điệu đà.

 

Ừ, ngõ nhà mình thành lạ

Sớm chiều tíu tít người ta

Anh giờ đã là kẻ lạ

Ngõ về nhà xa quá xa.

 

Hà Nội, chiều 19-09-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

ĐỜI “HOA”

(Với M.Q)

 

Đôi môi này lẽ thuộc về ta

Sao lỡ trườn bò lên môi lạ

Ú ớ rỉ rên những tên thật lạ

Rối rít hoan ca

Mắt cười đon đả

Vén kiêu sa

Lơi lả

cõi Ta Bà...

 

Đêm điệu đà

Mướt mát chốn phồn hoa

Em ngúng nguẩy vai trần tóc xõa

Bấu chặt người ta

Rúc ngực vào kẻ lạ

Tuổi đôi mươi em ngả xa ta quá

Vai lèn vai chen ồn ào phố xá

Cõi Ta Bà

Tầm tã

rã đời hoa...

 

Hà Nội, đêm 06 tháng 01.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

TÌNH CHUNG

 

Mới hẹn mới thề nhất nhất tôi

Kiếp này, kiếp nữa chỉ yêu tôi

Thế mà tấp tểnh theo họ vội

Vất tuột hẹn thề bỏ sông trôi

 

Thì chữ chung tình rớt đầu môi

Biết rồi nên chỉ tự trách tôi

3 xu kiếm được duyên vài tối

Hà tất thở than đứng với ngồi

 

 

Thế nhé, chữ tình chỉ vậy thôi

Đừng ví sông kia lúc lở bồi

Đừng than gió lạnh run chiều tối

Đừng mượn sao trời biện với tôi.

 

Hà Nội, sáng 23-05-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

KHÔNG ĐỀ 1

(Với NTT)

 

Rỏn rẻn em cười với gió mây

Thẩn thơ nỗi nhớ chợt ùa đầy

Nụ hôn em trộm từ đêm ấy

Tấp tểnh men nồng như mới đây.

 

Hà Nội, trưa 21-11-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - ĐÊM CUỒNG SAY... - Chùm thơ độc vận - Đặng Xuân Xuyến

TẢO TẦN - Thơ Trần Mai Ngân

 

Nhà thơ Trần Mai Ngân


TẢO TẦN


Em tảo tần vun đắp
Giấc mộng xanh hai mươi
Mười năm rồi thêm mười
Mộng héo gầy chết non...

Em tảo tần chăm bón
Cây tình đẹp như  mơ
Lời anh nói tựa thơ
Cho người ta phổ nhạc

Riêng chúng mình lợt lạt
Hoa trái vị đắng cay
Tảo tần cũng chia hai
Còn chi vun vén nữa...

Lạy Chúa Phật... đổ thừa
Chẳng may là duyên kiếp
Hồng nhan phải nắng mưa
Kiêu sa mấy chẳng vừa!

Em tảo tần vun đắp
Giấc mộng xanh hai mươi
Mười năm rồi thêm mười
Mộng héo gầy chết non...

Trần Mai Ngân
READ MORE - TẢO TẦN - Thơ Trần Mai Ngân

NGƯỜI CON GÁI TÂY NGUYÊN - Nhạc & Lời: Mai Hoài Thu - Ca sĩ: DeLy

READ MORE - NGƯỜI CON GÁI TÂY NGUYÊN - Nhạc & Lời: Mai Hoài Thu - Ca sĩ: DeLy