Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 23, 2016

ĐỌC “LẶNG THẦM” ĐƯỜNG THI CỦA CẨM TÚ PHAN VĂN THẮNG - Châu Thạch







ĐỌC “LẶNG THẦM” 
ĐƯỜNG THI CỦA CẨM TÚ PHAN VĂN THẮNG
                                                            Châu Thạch

Trong bài thơ “Dòng Thơ Bác Học” nói về Đường thi, nhà thơ Phan văn Thắng bút danh Cẩm Tú, chủ tịch chi hội thơ Đường Luật thành phố Đà Nẵng đã viết:

Những tưởng thơ xưa đã lỗi thời
Nào ngờ phát triển mãi sinh sôi
Cha ông thuở trước gieo vần đẹp
Con cháu ngày nay dệt ý tươi

Viết như thế và để chứng mình như thế ông có bài thơ “lặng Thầm” khẳn định được điều ông nói không sai:

Lặng thầm

Thẩn thờ mong đợi tiếng oanh vàng
Ríu rít dâng đời điệu hát vang
Mỗi sớm bình minh khoe giọng hót
Bao chiều nắng xế cất lời sang
Làm người thi sĩ lòng xao xuyến
Để khách văn chương dạ ngổn ngang
Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng
lặng thầm sương xuống núi mênh mang.
                    Cẩm Tú Phan văn Thắng

Đọc bài thơ ta thấy ngay “Lặng Thầm” không phải là nỗi u uẩn, là niềm tâm tư dấu kín trong lòng mà chính nó là sự thăng hoa của trí tuệ trong tâm hồn người làm thơ và từ đó hình thành vẽ đẹp tô thắm cho đời.

Ta hãy nghe hai câu vào đề của tác giả:

Thẩn thờ mong đợi tiếng oanh vàng
Ríu rít dâng đời điệu hát vang

Tất nhiên “tiếng oanh vàng” ở đây không phải là tiếng chim hót trên cành hay trong chiếc lồng son nào đó. “Tiếng oanh vàng” ở đây là tiếng thơ dậy lên trong tâm hồn thi sĩ. Nó dậy lên một cách “lặng thầm” và khi nó ‘ríu rít” là nó đã trở thành những câu thơ ngọt ngào, thanh bai để cống hiến cho đời, để “dâng đời điệu hát vang”.

Nhà thơ Cẩm Tú Phan văn Thắng thật là độc đáo khi dùng chữ “thẩn thờ” và chữ ‘ríu rít” trong hai câu thơ nầy. Chữ “thẩn thờ” diễn tả sự suy tư miệt mài của người làm thơ khi sáng tác. Chữ “ríu rít” nói lên niềm vui khi ý đã thành lời, cũng nói lên phẩm chất của thi nhân không ồn ào náo nhiệt mà khiêm tốn đưa thơ vào đời như tiếng hót ríu rít của loài chim.

Qua hai câu Trạng tác giả đã đưa thời gian trong đời tràn ngập tiếng oanh vàng, khẳn định được tiếng thơ mang đầy niềm vui cho tha nhân, cho đất trời hay nói chung, cho xã hội con người:

Mỗi sớm bình minh khoe giọng hót
Bao chiều nắng xế cất lời vang

Tác giả đặt tiếng chim hót vào cả vế đối để qua thơ ta nghe được hoà âm rộn rã, thể hiện được tiếng lòng của thi nhân đồng vọng được giữa cuộc đời.

Rồi thì qua hai câu luận là vế thơ mà Đường luật quy định ở đây phải luận giải, phải bàn rộng chủ đề bài thơ, phải mở rộng tầm suy tư thì tác giả đã áp dụng thật là nghiêm chỉnh khi diễn tả tác dụng truyền cảm của thơ từ người sáng tác đến người yêu mến văn chương khi thưởng thức nó:

Làm người thi sĩ lòng xao xuyến
Để khách văn chương dạ ngổn ngang

Nhà thơ Hàn Mạc Tử đã nói: “ người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng”. Vậy thì thi sĩ là là người “xao xuyến” trước nguồn trong trẻo đó, được Cẩm Tú Phan Văn Thắng nói trong câu thơ “làm người thi sĩ lòng xao xuyến”. Và sự “xao xuyến” đó phải thành thơ, phải làm cho rung động người yêu văn chương khi đọc nó. Đó là câu “Để khách văn chương dạ ngổn ngang”. Ngổn ngang ở đây không phải là lộn xộn mà ngổn ngang ở đây là những “cảm xúc” đánh động hồn người trước “cao cả, vô biên và vô lượng” của đất trời được thi nhân thể hiện trong thơ.

Trong hai câu luận, tác giả lồng cái ta nhỏ bé (làm người thi sĩ) trong cái thế nhân rộng lớn (để khách văn chương) và lồng cái tâm trạng thăng hoa của người sáng tác (lòng xao xuyến) trong tâm trạng bồi hồi của người thưởng thức thơ ( dạ ngổn ngang) đối xứng cùng nhau. Vế đối như thế tôi nghĩ không có gì tuyệt hảo hơn.

Và vế kết của bài thơ tác giả đã hình tượng thi nhân chẳng khác chi cây đàn có tâm hồn. Cây đàn đó phát ra cung đàn muôn điệu:

Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng
Lặng thầm sương xuống núi mênh mang

 Người thi sĩ được diễn tả trong câu thơ “Lưu luyến mộng mơ đầy khát vọng” giống như cây đàn có tâm hồn. Tâm hồn của cây đàn hay tâm hồn của thi sĩ phát tiết thành thơ vọng trong hồn người, vọng trong trời đất như “lặng thầm sương xuống núi mênh mang”
Tác giả bài thơ quan niệm nhà thơ là con người tích cực, “lưu luyến mộng mơ” để nuôi “khát vọng”. “Khát vọng” đó khi trở thành hiện thực thì dâng hiến cho đời một cách “ lặng thầm”. Thi nhân như con ong làm mật cho đời, như con tằm nhả tơ, như con bướm làm hoa thêm đẹp, như chim én báo hiệu mùa xuân, và tất cả đều làm trong “lặng thầm”, trong hy sinh cao cả, nguyện chỉ như màng sương mỏng tô bồi vẽ đẹp cho sông núi mênh mang.

 Lặng thầm là một bài Đường thi nói hết được biến chuyển trong tâm hồn thi sĩ, khát vọng thanh cao của người làm thơ bằng những dòng chữ quốc ngữ nhẹ nhàng, với những vế đối thanh thoát mà sâu nhiệm. Bài thơ cô đọng nhiều ý nhưng tiếng thơ từ tâm hồn lan toả ra bầu trời trong bình minh, trong chiều nắng xế, trùm lên trên sông núi mênh mang, chứng minh được từng câu thơ của Đường thi nếu của một tác giả tài hoa thì nó như từng tiếng chuông ngân thanh bai êm dịu vang vọng đến cuối trời ./.

                                                                        Châu Thạch

                                           Email: truongvantran@hotmail.com


READ MORE - ĐỌC “LẶNG THẦM” ĐƯỜNG THI CỦA CẨM TÚ PHAN VĂN THẮNG - Châu Thạch

NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ - thơ Thế Lộc





NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ
  *Gởi con Dương thế Kinh Luân

Ngựa đã về chốn an nhiên
Hí vang rừng núi cửa thiền rộng thênh
Miên trường, sinh diệt mông mênh
Yên cương hạnh ngộ bồng bềnh thiên thu
Ngựa về giữa chốn bụi mù
Mưa tâm đã tịnh, nghin thu rạng ngời
Nhịp chuông ai thả chơi vơi
Ngựa thiên cổ đã về trời vãng sanh.

21.02.2016
Thế Lộc
READ MORE - NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ - thơ Thế Lộc

TẠ LỖI - thơ Tuyền Linh


Đà Nẵng xưa.
(danangnet.com)


Tạ Lỗi (1)

Anh ngồi đây với tâm hồn bão nổi
Nhớ về quê, nhớ quá những ngã tình
Nơi quê mình em vẫn nằm yên giấc ?
Thời gian đi như xé nát tim anh

Em cứ trách…muôn đời em cứ trách…
Con tim anh nào hóa thạch bao giờ !
Sống đành phải lao vào cuộc dâu bể
Nhưng hồn anh mãi mãi vẫn là thơ

Chỉ có tiếc vì đường đời quá rộng
Mà chúng mình tuổi  mộng chẳng dài thêm
Đối với anh, quê hương là nhựa sống
Nuôi anh từng năm tháng thiếu vắng em

Dịp nào đó hồn thiêng em trở giấc
Hãy về thăm lối cũ lúc sinh thời
Kể anh nghe về những gì còn, mất
Đà Nẵng ơi, nỗi nhớ chẳng hề vơi

Ôi nhớ quá con đường làng dẫn lối
Nại Hiên Tây với nhịp bước ngập ngừng
Ngày hai buổi qua Viện Chàm im tiếng
Thời khắc chìm trong hơi thở rưng rưng

Em có thấy trường Sao Mai một thuở
Còn lung linh tuổi ngọc buổi tan trường
Tà áo trắng bay bay trong gió thoảng
Rải giọt tình dọc suốt Lê Đình Dương ?

Có tiện thể, em xuôi đường Độc Lập
Ghé chợ Hàn xem thử có còn không
Đường rây sắt và trạm ga xe lửa
Sát bến sông, anh từng nhảy tắm truồng ?

Em đừng vội, cứ khoan thai nhịp bước
Dọc bờ sông, dọc theo bến Bạch Đằng
Tòa Thị Chính còn uy nghi gió lộng
Hay thả hồn tâm sự với vầng trăng ?

Sẵn ghế đá, em ngồi nghỉ một chút
Rồi theo đường râm mát dọc Quang Trung
Con đường tình thuở xưa mình thường hẹn
Cất giùm anh những thương nhớ ngập lòng

Đến ngã tư, nghe lời anh rẽ trái
Thăm mái trường Phan Thanh Giản thân quen
Ngày ly loạn biết ai còn ai mất
Và chừ đây ai tiếp bước sách đèn ?

Vẫn lề trái, đi chừng hai trăm mét
Trường của anh sẽ đợi đón mừng em
Phan Châu Trinh hình như còn oai lắm ?
Nơi ẩn sâu mối tình đẹp vạn niên

Anh không nhắc, dĩ nhiên em cũng ghé ?
Nghe họa mi ríu rít khắp sân trường
Nhẹ như tơ và mềm hơn cả lụa
Ôi, muôn đời Hồng Đức đẹp trong sương !

Chừ chắc mệt? Thôi em về nghỉ khỏe
Ghé chợ Cồn tìm gì đó để ăn
Nào ốc hút, ốc xào hay mì Quảng
Muốn no nhiều thì bánh ướt chả nem

Đó em thấy, làm răng anh quên được
Nơi chôn nhau cắt rún… mớ tình thâm
Hẹn bữa khác, anh nhờ em đi tiếp
Thăm những nơi anh nhớ đến khóc thầm

Tuyền Linh
2016


READ MORE - TẠ LỖI - thơ Tuyền Linh

CỎ XƯA - hai bài thơ của Trầm Mặc




CỎ XƯA
                  
                       TM
                      (NTB)
                     Tang Anh HP
.

Em ơi hãy ngồi xuống đây
Ngàn khơi gió chở nắng gầy về cho.
Vội vàng chi những âu lo !
Lặng mà nghe biển.. nhớ đò - sông xưa.
Có về.. đâu kịp mùa mưa?
Cỏ mềm xanh mượt.. thủa chưa úa buồn.


                          Vĩ Dạ- TP Hue
                              21/3/2016.


VẦNG TRĂNG ĐẦU NĂM
                                          TRẦM MẶC
                                                        (NTB)

Tháng Giêng ngam anh trăng xanh
đóa hoa thầm lặng long lanh giọt buồn
Màn đêm lấp lánh hạt sương
ru nhau một thoáng yêu thương dỗ dành
Tình thơ tựa mối tơ mành
một mai gặp lại, ngọt lành còn không
Trăng ơi sáng mãi bên sông
chút hương cho gió kẻo không trăng tàn
Dẫu đời gieo lắm bẽ bàng
thôi về đứng ngóng bạt ngàn sao xa
Trời khuya giá lạnh mình ta
chợt nghe cỏi tạm ta bà bể dâu
Còn đây mắt biếc u sầu
chìm trong cát bụi bạc màu biển trăng

                      Vy Da- TP Hue
READ MORE - CỎ XƯA - hai bài thơ của Trầm Mặc

EM ĐÃ QUÊN RỒI - Thơ Hiệp Kim Áo Tím



       Tác giả Hiệp Kim Áo Tím


EM ĐÃ QUÊN RỒI

Em đã quên rồi ngày tháng cũ
Tình mình đẹp tựa áng mây thu
Lời thơ điệu nhạc như ru ngủ
Một thoáng tình thơ nhẹ sương mù

Tình đến rồi đi cơn gió thoảng
Ngậm ngùi một phút hồn đi hoang
Em ngắm mây trời trôi lãng đãng
Lấp lánh sương mờ rơi vỡ toang

Em đã quên rồi... cuộc tình đau
Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu
Mai về kết lại màu hoa mới
Một thoáng mắt buồn vạn ngày sau

Em đã quên rồi... mộng ngày xanh
Quên cả cuộc tình vỡ mong manh
Đưa tay khép lại niềm sâu kín
Xóa hết chuyện xưa dệt mộng lành

Em đã quên rồi... thuở mộng mơ
Đã qua đi cái tuổi dại khờ
Không thèm nhặt nữa vầng trăng vỡ
Kỷ niệm ngày nao... như giấc mơ

                      Hiệp Kim Áo Tím
                      Đà lạt, 24/2/2016

READ MORE - EM ĐÃ QUÊN RỒI - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

TRĂNG RẰM - Thơ Trần Mai Ngân



         Tác giả Trần Mai Ngân



TRĂNG RẰM

Cứ đầy thế, cứ lững lơ
Cứ treo xanh cuống đợi chờ cô đơn
Xếp hàng nỗi nhớ không tên
Cứ chồng, cứ chất cứ mênh mông dần...
Khi rất lạ, lúc thật gần 
Sáng vàng... toả rộng ân cần đã qua 
Cứ treo biền biệt cách xa 
Nụ đời thơm mãi gọi là có nhau !

                      Trần Mai Ngân

READ MORE - TRĂNG RẰM - Thơ Trần Mai Ngân

NGOẠI CỦA NÓ - Tạp bút của Hồng Tâm


   
               Tác giả Hồng Tâm



NGOẠI CỦA NÓ   

Ngày hôm qua , nó nhớ ngoại vô cùng.  Nó gọi điện thoại cho xe ôm chở nó về thăm ngoại.
Vẫn đi trên con đường rải nhựa quen thuộc hơn 100 cây số mới tới nhà ngoại. Chợt nhớ lại những ngày thơ ấu được nghe ngoại hát ầu ơ, ví dầu hay nghe đọc những bài vè, đồng dao...
Nó nhớ có lần ngoại hứa với nó mua vòng đeo tay bằng nhựa ở chợ Long Hoa, chiếc vòng màu xanh đỏ thật đẹp. Thời đó, giá tiền mua một chiếc vòng là 200 đồng, thích thú vô cùng. Nó khoe với mẹ :
- Mẹ ơi ! Ngoại mua cho con chiếc vòng nè ! Mẹ coi có đẹp không ?
Thời thơ ấu của nó gắn liền với những trò chơi chọi lon, đánh còng, đánh đáo , hái lá bông bụp làm bánh canh , hủ tíu . Những  trò đánh trận giả kèm theo ánh nhìn của ngoại
Theo lời ngoại kể, quê ông bà ở Đức Huệ thuộc tỉnh Long An.  Thời chiến tranh loạn lạc ông bà lánh nạn mua đất  ở Long Hoa ở đến tận bây giờ. Mộ phần ông bà, cha mẹ còn ở dưới quê, lâu lâu rảnh về thăm đốt nhang.
Ngoại là vợ sau của ông, bà trước mất do bệnh ung thư, ba người con riêng của ông  kêu ngoại bằng má dù tuổi tác chênh nhau mười mấy tuổi.
Rồi bảy người con chung lần lượt ra đời trong đó có mẹ của nó. Năm 1993, ông mất ngoại ở chung với cậu út.
Nó xa ngoại hơn một tháng, sao hôm nay về thăm nó thấy ngoại yếu hơn trước, đôi mắt không nhìn rõ kèm theo chứng lãng tai vì tuổi cao. Ngoại nói :
-   Ngoại già rồi, không biết chết lúc nào, giờ có mầy tao nói luôn là mầy sống sao cho tốt  đừng để thiên hạ dị nghị gièm pha. Lớn hết rồi, mầy gần 40 tuổi nói năng phải có ý tứ, có đầu đuôi đàng hoàng. Tao sợ mầy lắm Thanh à !
Nó nhìn ngoại thật lâu, ngắm vầng trán cao, sờ làn da nhăn của ngoại, vuốt từng sợi tóc bạc, ôm ngoại cảm giác ấm áp. Nó muốn trở về cái thuở còn thơ để nhõng nhẽo mè nheo đòi quà
Nó biết thời gian không chờ đợi ai, mai ai cũng về với trời với đất , với tổ tiên . Âu chỉ là luật tạo hóa, vòng quay sinh tử biệt ly. Nó biết!

                                                                             Hồng Tâm 
                                                                             23/2/2016

READ MORE - NGOẠI CỦA NÓ - Tạp bút của Hồng Tâm