Châu Thạch
TIẾNG HOA RƠI
Lê Hoàng
Dạo quanh vườn hoa tươi
Nhìn từng cánh hoa cười
Hương tình xuân thấp thoáng
Xào xạc lá khô rơi
Hạ về cơn mưa tới
Hoa héo rụng tả tơi
Tàn phai rồi sắc thắm
Từng cánh mỏng chơi vơi
Tim tím cả khung trời
Hoa mang tình muôn thuở
Ấp ủ hương cho đời
Đưa ta vào mộng mị
Thương nhớ làm sao vơi
Gió rung cành lả lơi
Lòng xao xuyến bồi hồi
Bướm đa tình lưu luyến
Còn đâu bóng em tôi
Trái sầu ôm mộng vỡ
Tìm nhau đến bao giờ
Nơi đâu là nguồn cội
Sâu thẳm cuộc đời người
Thời gian trôi lặng lẽ
Đợi
chờ trong đơn côi
Bao giờ
thu thay lá
Xuân về
hoa thắm tươi
Tim đơn nào se sắt
Ray rứt
cánh hoa rơi !
LH
Lời Bình:
Không hiểu vì sao khi đọc “Tiếng Hoa Rơi” của Lê Hoàng
tôi lại liên nghĩ đến bài thơ “Sương Rơi” của Nguyễn Vỹ: “Sương rơi/ Nặng trĩu/
Trên cành/ Dương liễu/ Nhưng hơi/ Gió bấc/ Lạnh lung/ Hiu hắt/ Thấm vào/ Em ơi/
Trong lòng/ Hạt sương/ Thành một/ Vết thương…”. Tuy hai thể thơ khác nhau nhưng
có lẽ tiếng rơi của hoa và tiếng rơi của sương đều làm cho cả hai tác giả “Thấm
vào trong lòng thành một vết thương”.
Khác với Nguyễn Vỹ, nhà thơ Lê Hoàng không thấy sự rơi
ngay trước mắt mà ngược lại, thấy vườn hoa xanh tươi ngay trước mắt:
Dạo quanh vườn hoa tươi
Nhìn từng cánh hoa cười
Hương tình xuân thấp thoáng
Xào xạc lá khô rơi.
Là thi sĩ có khác, vui đó lại biến buồn ngay. Lê Hoàng
chỉ thấy “ Xào xạc chiếc lá rơi” mà nỗi buồn ập đến. Chỉ nhìn chiếc lá rơi nhà
thơ đã liên nghĩ đến mùa xuân sắp qua và mùa hè sẽ đến, hoa sẽ tả tơi, tàn phai
sắc thắm:
Hạ về cơn mưa tới
Hoa héo rụng tả tơi
Tàn phai rồi sắc thắm
Từng cánh mỏng chơi vơi.
Nhà thơ Xuân Diệu đã viết “Là thi sĩ nghĩa là ru với
gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây...”
quả là rất đúng vì qua hai vế thơ nầy ta thấy Lê Hoàng đã “Để linh hồn ràng buộc
bởi muôn dây” nên đã thương vay khóc mướn cho hoa còn đẹp trên cây, chỉ có lá vàng
khô rơi rụng. Chính tâm hồn nhạy bén và nhạy cảm đã làm cho thi sĩ vui ít, buồn
nhiều, để thơ như sợi của con tằm nhả ra thành lụa.
Bây giờ nhà thơ ca tụng hoa trong nước mắt:
Tim tím cả khung trời
Hoa mang tình muôn thuở
Ấp ủ hương cho đời
Đưa ta vào một mị.
Rồi Lê Hoàng sướt mướt hơn:
Thương nhớ làm sao vơi
Gió rung cành lả lơi
Lòng xao xuyến bồi hồi
Bướm đa tình lưu luyến
Trong truyện Kiều, Thuý Vân trách Kiều như sau khi nàng
Kiều thấy mồ Đạm Tiên mà khóc: “Vân rằng: chị cũng nực cười/ Khéo dư nước mắt
khóc người đời xưa/ Rằng: hồng nhan tự thuở nào/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?”.
Vậy ở đây Lê Hoàng khóc cho hoa héo úa có khác chi Kiều khóc cho Đạm tiên ngày
trước. Khác chăng là Đạm Tiên đã “Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương” còn
Hoa của Lê Hoàng thi vẫn còn “từng cánh hoa cười” khoe sắc thắm trên cây. Xét
cho cùng nhà thơ Lê Hoàng có dư nước mắt hơn người xưa nhiều lắm vậy.
Không chỉ thế đâu. Sự liên nghĩ của Lê Hoàng đi xa vạn
dặm. Từ sự tưởng tượng cánh hoa rơi, nhà thơ nhớ đến người em hay người tình lạc
lõng:
Còn đâu bóng em tôi
Trái sầu ôm mộng vỡ
Tìm nhau đến bao giờ
Nơi đâu là nguồn cội
Đây mới là chủ đề chính của bài thơ, là nỗi đau thật
nhà thơ đã ấp ũ trong tâm hồn, ôm hoài dấu kín dưới đáy con tim. Hạ về, hoa rơi
chỉ là xúc tác làm bật máu vết thương chỉ liền da mà không bao giờ lành hẳn. Bốn
câu thơ nầy như đôi cánh đưa con chim bay bổng lên trời, đưa bài thơ “Tiếng Hoa
Rơi” lên cung bậc cao của tứ thơ, của tiếng thơ, làm cho bài thơ trở nên ấn tượng
bởi hình ảnh đặc trưng của cánh hoa rơi như là bóng em biến mất .
Và áp cuối là những suy nghiệm sâu xa về cuộc sống:
Sâu thẳm cuộc đời người
Thời gian trôi lặng lẽ
Đợi chờ trong đơn côi
Bao giờ thu thay lá
Xuân về hoa thắm tươi
Vế thơ nầy như cung trầm của bản nhạc sau khoảnh khắc
vút lên cao, như giọng người trong cuộc rất thâm trầm sau khi lau nước mắt. Nó
làm cho nỗi đau dịu xuống nhưng thấm sâu vào trong mạch máu, trong buồng tim, để
rồi hai câu chót là tiếng thở dài não nuột:
Tim đơn nào se thắt
Ray rức cánh hoa rơi!
“ Tiếng Hoa Rơi” của lê Hoàng là một bài thơ mới nhưng
kết cấu của nó chẳng khác chi một bài thơ Đường có đề, trạng, luận và kết vững
vàng. Cái bố cục mạch lạc với lời thơ thanh thoát làm cho phong cách bài thơ vừa
ở tầm cao của tư duy vừa bật lên tình cảm thương hoa tiếc nguyệt, khiến cho cảm
xúc trong lòng ta rung động như tiếng
hoa rơi nhẹ nhàng, và sâu lắng trong lòng
ta như sự thương nhớ người em biền biệt tháng năm ròng ./.
Châu Thạch