Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 22, 2010

CA SĨ TÙNG DƯƠNG


Ca sĩ Tùng Dương.
Hình từ trang ngoisao.net


Nguyễn Tùng Dương sinh ngày 18 tháng 9 năm 1983 tại Hà Nội. Bố anh là ca sĩ nghiệp dư, ông nội chú (ông trẻ) của anh là nhạc sĩ Trần Hoàn (quê Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, QT)
Tùng Dương xa bố mẹ từ nhỏ, sống với bác ruột (đồng thời là mẹ nuôi). Năm 16 tuổi, anh đỗ vào khoa thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, theo học NSND Quang Thọ.
Năm 2004, Tùng Dương tham dự cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn và nhận được giải do hội đồng thẩm định bầu chọn. Trong cuộc thi anh đã hát các ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh Sơn theo phong cách jazz và dân gian đương đại. Vào tháng 7, Dương phát hành album Chạy Trốn gồm 7 ca khúc của Lê Minh Sơn và nhận được sự ủng hộ của công chúng. Trong năm đó, anh tham gia chương trình Nhật thực 2 của nhạc sĩ Ngọc Đại và album Nhật thực 2. Tùng Dương nhận giải thưởng Cống Hiến (do báo Thể Thao & Văn Hóa tổ chức) ở hạng mục Ca sĩ của năm.
Năm 2006, anh cùng với ca sĩ Nghi Văn hát trong album Chạm Vào của nhạc sĩ "tay ngang" Như Huy. Ngoài ra anh còn tham gia chương trình Vọng Nguyệt của nhạc sĩ Quốc Trung và chương trình Gió bình minh của Đỗ Bảo. Tùng Dương đã nhận giải Nam ca sĩ hát dân ca tại giải Mai Vàng vào cuối năm.
Năm 2007, Tùng Dương, Lệ Quyên và Tuấn Hiệp cho ra album Mắt Biếc, gồm các sáng tác tiền chiến và tình khúc 54-75 của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương.
Tùng Dương theo đuổi nhiều thể loại nhạc như jazz, blues, New age, world music, nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình... Đặc biệt là jazz và blues, anh là một trong những đại diện Việt Nam tham gia liên hoan nhạc Jazz châu Âu lần thứ 4 (2004) và lần thứ 5 (2005) tại Hà Nội. Một số ca khúc theo thể loại này do anh biểu diễn như: Trăng khát, Chạy trốn...
Hiện nay anh được coi là một ca sĩ trẻ tài năng, triển vọng và có nhiều khả năng sáng tạo.
Theo Wikipedia tiếng Việt.

READ MORE - CA SĨ TÙNG DƯƠNG

HOÀNG CÔNG DANH – AI NHẶT LÁ?

TRUYỆN NGẮN

Sư thầy đang ngồi trong thư phòng soạn lời cho buổi pháp thoại sắp tới thì đột nhiên điệu Sanh chạy vào. Vẻ gấp gáp, điệu Sanh túm lấy hông áo thầy và giục: “Thầy nhanh ra coi!” Dù chưa rõ chuyện gì, nhưng sư thầy luôn chiều theo ý của điệu Sanh.

Thầy bước đến thềm cửa, nhìn ra chỗ gốc cây si ở trước sân chùa, thấy một nam một nữ đang ngồi ở ghế đá, tựa vai vào nhau. Điệu Sanh nói với vẻ tiếc nuối: “Thầy ra sớm chút nữa là hay rồi!”

Từ hôm đó sư thầy phạt điệu Sanh bằng cách phải nhặt lá si ở sân chùa. Trước nay, sân chùa mỗi ngày chỉ quét một lần vào sáng sớm, nhưng bây giờ thầy nhủ hễ lá nào rơi xuống thì điệu Sanh phải nhặt lên, cho vào chiếc giỏ mây mang theo bên mình. Điệu Sanh khoác giỏ vào, lâu lâu nếu trời đứng gió, lá không rụng thì điệu ngửa mặt lên kêu: “Thổi đi gió ơi cho tôi lượm lá!” Có vẻ điệu Sanh thích thú với nhiệm vụ mà sư thầy gọi là “công án thiền - nhặt lá rụng trong tâm”. Điệu Sanh hỏi: “Thầy ơi! Có phải nhặt lá là để các cô các chú ngại con, không dám tới đây tựa vai nhau nữa?” Thầy mỉm cười, không trả lời mà chỉ nhủ điệu Sanh: “Con cứ nhặt đi, bao giờ con thấy sạch rồi thì sẽ rõ thôi”. Điệu Sanh ngơ ngác nhủ thầm: “Cây rậm tán thế biết đến khi nào mới rụng hết lá si được?”

*

Ngôi chùa này nhỏ thôi, chỉ có sư thầy và mấy đệ tử, nhưng khách đến viếng không phải ít. Một hôm, có nữ thí chủ độ bốn mươi tuổi vào thăm chùa. Trông chị có vẻ khá giả, ăn mặc đẹp, đeo dây chuyền vàng, mặt thoa phấn trát son thơm phức. Sư thầy rót trà tiếp khách, như thường lệ mỗi lần có người đến chùa. Đối với thầy, mọi người đều đáng kính như nhau, vào cửa Phật, sang hèn đều là hư ảo mà thôi. Ngó qua dung mạo, thầy biết nữ thí chủ có nỗi khổ tâm. Mà thật ra ai cũng mang nỗi khổ tâm cả, lắm người đến đây lúc đầu giấu giếm, cứ bảo hạnh phúc bình an, nhưng hồi sau thấy thầy gần gũi nên dần dần họ bộc bạch mong được hóa giải giúp.

Thầy nghiêng vòi ấm cho nước vào chén. “Uống đi chị! Trà này ướp hương sen từ tối qua”. Nữ thí chủ cầm tách trà, nhấp môi, khen trà thơm rồi hỏi thầy cách ướp trà. Thầy nói sau nương chùa có hồ sen, ban đêm thả vào nhụy đóa một ít trà sao. Sương suốt đêm thấm vào trà và quyện lấy hương sen. Sáng ra khẽ tay hứng nhúm trà đó đem cho vào ấm. Hoa cũng như người, vẻ ngoài dẫu thanh cao hay hèn mạt thì trong lòng vẫn có hương thơm, chỉ cần khéo một chút là ta nhận được niềm vui từ lòng nhau.

Thầy tiếp khách tự nhiên như thế, không cần phải hỏi han tên tuổi gia cảnh hay nỗi niềm. Cứ để cho khách tự mở lòng mình. Buổi đầu đến chùa, chị cũng không nói gì nhiều, bảo chỉ đến thăm viếng cho biết thôi. Khi sư thầy tiễn chị ra sân, trông thấy điệu Sanh chạy tới chạy lui giỡn lá, chị quay sang: “Chú tiểu này ngộ quá, thầy ha?” Nói xong, chợt chị chạnh buồn, vái tay chào thầy rồi đi ngay.

Qua vài lần tiếp xúc, thầy cũng được biết hoàn cảnh của nữ thí chủ. Chị đã từng có chồng nhưng không sanh được con nên đồng ý ly dị, anh đi lấy người khác để kiếm con. Từ đó chị ở một mình, bán vải ở chợ. Thu nhập cũng không đến nỗi nào nhưng chị hay buồn rầu, nhất là mỗi lúc thấy người ta dắt con vào quầy sắm vải. Những khi ấy chị thường không lấy tiền vải, chị bảo chỉ cần thấy trẻ con là vui lắm rồi. Thấy trẻ con, chị đều coi như đó là con mình.

Thỉnh thoảng thầy vẫn gặp những người có hoàn cảnh như chị đến chùa. Có người muốn vào chùa xin bế trẻ con về nuôi, ấy là những đứa trẻ từ khi còn nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa. Trường hợp này thầy cũng đã gặp vài lần. Có người lại muốn vào chùa xuống tóc đi tu luôn, những khi ấy thầy thường tìm cách khuyên giải, chuyển hóa. Nếu họ vẫn nằng nặc đòi tu thì thầy cho phép ở lại trong chùa nhưng bảo họ khoan xuống tóc. Cửa từ bi luôn rộng mở nên không cần vội vàng.

Tuy nhiên, nữ thí chủ này lạ lắm, chị đến đây không phải vì hai nhẽ trên. Cứ ngày rằm hay mùng một hằng tháng chị lại đến chùa, đôi khi ở chơi suốt buổi. Có bữa chị nói rằng thầy tuy không gia đình nhưng lại có rất nhiều con. Những chú tiểu, rồi các thí chủ đều xưng con với thầy. Còn chị, chị đã từng lập gia đình mà lại chẳng có con. Rồi chị cười, méo xệch.

Khách đến viếng chùa thấy chị hay lui tới cũng sinh dị nghị. Một người đàn bà có nhan sắc, lụa là son phấn mà đi một mình là chắc có nhẽ gì rồi? Bụng dạ người đời không xấu, nhưng trông thế ít nhiều người ta cũng thoáng nghi ngờ chị vướng tơ lòng với sư thầy.

Tháng trước chị đến chùa, vẻ buồn thảm hơn mọi khi. Thầy coi bộ chị muốn khóc lắm rồi, nếu vậy thì nên đưa chị ra ngoài cho thoáng, ngồi trong chùa lại quấy quá cửa thiền. Thế là thầy mời chị ra ngồi ở ghế đá dưới cây si, chỗ thầy từng thấy đôi trai gái hôm bữa. Sư thầy vẫn chưa biết chị cần gì, chị không cần xin con nuôi, cũng không muốn đi tu. Tự dưng chị chảy nước mắt, tựa đầu lên vai thầy. “Đôi khi con cũng muốn có một bờ vai để tựa lắm, thầy ơi!” Sư thầy vẫn cứ ngồi yên như hóa tượng.

Vài lần sau chị đến chùa, lại xin thầy cho tựa đầu vào vai một lúc. Chỉ thế thôi, không hề ngợi nghĩ đến cảm giác trần tục. Đơn giản là chị muốn được nhắm mắt để trí óc yên tĩnh trên một bờ vai chân chính.

Từ dạo đó khách đến chùa vãn đi trông thấy. Lại nghe phong thanh chuyện quý đạo hữu đề nghị giáo hội mời sư thầy khác về làm trụ trì. Mấy đệ tử trong chùa ngó thấy cảnh này đâm ra không còn tin tưởng thầy như trước, họ xin thầy cho đi chùa khác tu. Thầy đồng ý, tự nhủ với lòng mình điều tâm niệm thứ mười của nhà Phật: oan ức không cần bày tỏ.

Tuy đã tu lâu rồi, lòng thầy như đã an lắm rồi, nhưng nhìn từng đệ tử khoác túi vải rời chùa, thầy cũng chạnh buồn chút chút. “Các con của ta cứ bỏ mà đi. Biết đâu đến một lúc ta lại thành không con, như nữ thí chủ ấy. Đó là lẽ vô thường chăng? Sắc sắc không không”. Riêng điệu Sanh vẫn ở lại với thầy, vì điệu ấy nhỏ tuổi nhất, còn vô tư lắm. Điệu Sanh chưa biết những chuyện phải trái trong cõi người. Hay ngược lại, chính điệu Sanh mới là người hiểu rõ nhất?

Thầy đang đứng trước thềm chùa vẩn vơ nghĩ ngợi thì điệu Sanh chạy tới kéo thầy ra dưới tán si. Điệu trỏ tay xuống nền: “Thầy ơi, ngộ quá! Có hai chiếc lá đang tựa vào nhau. Gió thổi mà chúng vẫn không hề xê dịch như mấy chiếc lẻ đơn kia”.

Sư thầy xoa đầu điệu Sanh: “Ừ. Khéo quá ha. Bữa nay thầy cho phép con thôi nhặt lá”. Điệu Sanh hơi bất ngờ, ngước mặt lên hỏi lại: “Thế ai sẽ nhặt hả thầy? Các sư huynh đi cả rồi. Có phải thầy sẽ nhặt không?”.

Ừ. Phải chăng bây giờ đến phiên thầy nhặt lá si? Câu hỏi bâng quơ của điệu Sanh khiến thầy giật mình. Im lặng. Chợt điệu Sanh nhớ lại chuyện hôm bữa có hai cô chú ngồi ở chỗ ghế đá này, điệu reo lên:

“A! Con biết rồi. Cứ để yên thế cho người ta tựa vai vào nhau, khỏi ngần ngại. Phải không thầy?”

*

Đêm mưa gió, lá ngoài kia trút nhiều. Điệu Sanh nằm nghĩ chắc sáng mai phải dậy sớm cùng thầy quét chùa, rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ điệu Sanh thấy các sư huynh mang tay nải quay lại chùa, quý đạo hữu cũng đến viếng chùa đông như mấy bữa. Trước chùa, không có ai nhặt lá mà sân sạch, si sạch.


Nguồn: daibieunhandan.vn

READ MORE - HOÀNG CÔNG DANH – AI NHẶT LÁ?

NGUYỄN ĐỨC TÙNG - NAOMY NYE: LÒNG TỬ TẾ


Trước khi biết lòng tử tế là gì
Bạn phải mất đi nhiều thứ


Đã có lần nào trong đời bạn lâm vào cảnh chán nản, mất hết, tuyệt vọng, đến mức muốn chết không?

Lúc ấy có lẽ bạn muốn đi tới sự bình an. Bằng một ý tưởng, không phải hình ảnh, Naomi Nye tìm được cách nói giản dị, dễ hiểu, chỉ ra tính chất của sự việc ngay trong lời mở đầu, trong khi vẫn ngấm ngầm báo hiệu cho người đọc khác, gần mình hơn, thấy được sức nặng của sự khai triển bất ngờ về sau. Chỉ khi ở trong tình huống tột cùng, cực đoan, gay cấn, chúng ta mới đủ sức đánh mất tất cả. Sự thật có thể không chịu đựng nổi: không một người nào tự nguyện rời bỏ các thói quen và niềm tin của mình dễ dàng, cũng như không một nhà độc tài nào từ bỏ dễ dàng ngai vàng của mình: chúng ta phải bị đánh bật ra từ cội rễ của chúng ta; chúng ta không thể lấy một tay của mình để chặt đứt tay khác. Chỉ trong trường hợp cực đoan như thế, đánh mất tất cả, con người mới thấy được chân diện mục. Như một kẻ bị hất xuống vực thẳm nhưng còn sống, bạn từ từ ngoi lên, thở phào, mở mắt: mây trời lặng lẽ bay.


Bạn muốn về nhà.
Lòng tử tế
Trước khi biết lòng tử tế là gì
Bạn phải mất đi nhiều thứ
Cả tương lai bỗng chốc hóa thành không
Như muối tan trong bọt nước.
Điều gì trước đây bạn nắm được trong tay,
Đếm lui đếm tới mỗi ngày, nâng niu gìn giữ:
Tất cả đều phải ra đi
Nhờ thế, may ra bạn biết
Cảnh đời đơn chiếc ra sao
Giữa những miền đất xôn xao hạnh phúc
Bạn đi cuộc đi vô cùng tận
Cứ tưởng rằng chuyến xe chẳng bao giờ ngừng hẳn
Bạn tưởng những hành khách ngồi kia
Đang ăn thịt gà và bắp
Sẽ suốt đời ngồi bên cửa sổ nhìn ra bầu trời.
Rồi trước khi bạn biết sức nặng dịu dàng
Của lòng tử tế
Bạn cần phải đi xa hơn thế, đến một nơi
Một người da đỏ nằm chết
Bên vệ đường, trong tấm vải poncho
Bạn phải nhìn cho được: kẻ nằm chết ấy chính là bạn,
Anh ta có thể là người
Từng trải qua nhiều đêm với kế hoạch lớn lao
Chỉ một hơi thở mong manh giữ anh lại trên đời.
Trước khi bạn biết lòng tử tế là điều sâu sắc khôn nguôi
Bạn phải biết sự buồn đau cũng sâu xa như thế
Bạn phải thức dậy mỗi ngày với nỗi đau buồn ấy
Tập chuyện trò với nó
Chưa đủ đâu: bạn còn phải trò chuyện suốt ngày
Cho đến khi giọng nói của bạn
Khàn đi, cúi nhặt
Những sợi chỉ khổ đau vương vãi thế gian này
Bạn sẽ thấy được tấm vải ngày ngày chúng ta đan dệt
Rồi cuối cùng thật ra chỉ còn lòng tử tế, sau hết chỉ còn chúng là có nghĩa
Chỉ lòng tử tế thắt lại dây giày cho bạn
Dẫn bạn ra đường, đi tới thùng thư, mua bánh mì
Chỉ lòng tử tế ngẩng đầu lên
Như một người lạ mặt từ đám đông, của thế giới rộn ràng
Bảo bạn rằng: chính tôi là người bạn đi tìm
Khắp thế gian
Rồi nắm tay bạn đi qua những ngả đường
Như một cái bóng
Hay một người tri kỷ.


Kindness
Before you know what kindness really is
you must lose things,
feel the future dissolve in a moment
like salt in a weakened broth.
What you held in your hand,
what you counted and carefully saved,
all this must go so you know
how desolate the landscape can be
between the regions of kindness.
How you ride and ride
thinking the bus will never stop,
the passengers eating maize and chicken
will stare out the window forever.
Before you learn the tender gravity of kindness,
you must travel where the Indian in a white poncho
lies dead by the side of the road.
You must see how this could be you,
how he too was someone
who journeyed through the night with plans
and the simple breath that kept him alive.
Before you know kindness as the deepest thing inside,
you must know sorrow as the other deepest thing.
You must wake up with sorrow.
You must speak to it till your voice
catches the thread of all sorrows
and you see the size of the cloth.
Then it is only kindness that makes any sense anymore,
only kindness that ties your shoes
and sends you out into the day to mail letters and
Purchase bread,
only kindness that raises its head
from the crowd of the world to say
It is I you have been looking for,
and then goes with you everywhere
like a shadow or a friend.

(Naomi Shihab Nye)

Nhịp điệu của thơ: là nhịp tim của người viết và người đọc. Nếu bạn di chuyển mau lẹ, nhịp đập của tim tăng lên, ảnh hưởng đến sự phát ra âm thanh của chữ. Sau một giai đoạn nhấn mạnh gay cấn ở phần giữa của bài thơ, Naomi Nye trở lại nhịp cân bằng mà bà tự mình làm mất đi sau những câu đầu tiên. Các hình ảnh xảy ra tự nhiên khiến người đọc có cảm giác chúng xuất hiện trước như kẻ dẫn đường. Hầu hết các cảm xúc và ý tưởng khác đến sau, gần như phi tuyến tính, tiền ngôn ngữ.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa câu thơ và câu văn phạm trong thơ của Naomi Nye. Câu thơ là những nhịp đập mà chúng ta không biết đến, hệt như một người khỏe mạnh không cảm nhận được nhịp đập của tim mình. Trong khi chúng là thành phần căn bản về nhạc điệu thì câu văn phạm có vai trò trong việc tạo ra vóc dáng cấu trúc của bài thơ. Tác giả chọn phương pháp đặc sắc mà tôi muốn chỉ ra: không một câu thơ nào đứng một mình như một câu văn phạm. Tất cả đều là các đoạn bị cắt rời, làm cho sự ngắt dòng trở nên tươi mới, duyên dáng và nhịp đi có tính dồn dập, thúc đẩy.

Đọc chậm:

What you held in your hand,
what you counted and carefully saved,
all this must go so you know
how desolate the landscape can be
between the regions of kindness.

Nhưng Naomi Nye là ai?

Sinh năm 1952, bà thuộc thế hệ những nhà thơ Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ II. Thật khó mà biết được họ đã chịu ảnh hưởng như thế nào từ những người đi trước, trong không khí văn chương sôi động của những năm sáu mươi, bảy mươi. Robert Lowell, Anne Sexton, Mariane Moore, Allen Ginsberg, Sylvia Plath, Gerald Stern, John Ashbery và những người khác. Nhất là Dylan Thomas. Thơ của bà kết hợp được phong cách dữ dội, nổi loạn của Lucille Clifton, Maya Angelou và tính dịu dàng nhưng cương nghị của Mariane Moore, Nikki Giovanni. Đọc Naomi Nye, tôi thường lấy lại cảm giác bình tĩnh như được trấn an.

Chính tôi là người bạn đi tìm khắp thế gian

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một chấn thương lớn của Hoa Kỳ, cũng là chấn thương cho cộng đồng Hồi giáo, cho những người có nguồn gốc Trung Đông và những người yêu mến văn hóa Ả Rập. Và chấn thương ấy sẽ lâu dài. Naomi Nye sinh ở Mỹ, nhưng thân phụ bà sinh ở Jerusalem; ông lớn lên giữa những người Do Thái, người Armenia và Hy Lạp. Mẹ là một phụ nữ Mỹ. Nhà thơ thường quay về Trung Đông thăm viếng và tham dự những sinh hoạt văn hóa xã hội; và trong gia đình bà, tiếng Ả Rập cũng được nói bên cạnh tiếng Anh. Cuộc chiến tranh Palestine, sự khủng hoảng Hồi giáo sau sự kiện 911, sự đàn áp phụ nữ, đàn áp dân chủ và quyền con người như những giá trị phổ biến, chiến tranh, các tội ác chống nhân loại, là những mối quan tâm sâu sắc và thường trực của bà.

Khi tin tức về cái chết của anh truyền tới
Chúng tôi ngồi khép lại vòng tròn
Có người khóc, có người không khóc
Ngày xa xưa, trên một xứ sở khác
Những cô gái dịu dàng đội lên đầu thùng nước
Và nhịp nhàng bước đi


When word of his death arrived
We sat in a circle for days
Crying or not crying
Long ago in the other country
Girls balanced buckets
On their heads

(The Grieving Ring)


Cái gì đã nối những người ngồi thành vòng tròn với cái chết, nối cái chết với những thùng nước đội đầu của các cô gái?
Tôi nghĩ đến vòng tròn. Sự trở đi trở lại. Sức nảy nở của hạt giống mùa màng. Các qui ước, nghi lễ, nghi thức (rituals) tiêu biểu cho trạng thái tịch lặng, an nhiên, vững chãi của đời sống tâm linh cộng đồng. Những kẻ muốn tạo ra các thế hệ mới, các thế hệ được trang bị ký ức có tính chọn lọc về quá khứ, có thể tài giỏi về chuyên môn nhưng nô lệ về tinh thần, là những kẻ sợ hãi các nghi thức, vì chúng chống lại sự thay đổi.

Nghi thức không phải chỉ là, thậm chí không phải là, các lễ hội ồn ào có nhiều người tham dự. Chúng bao quát hơn, tinh tế hơn, thường ngày hơn, và quan trọng nhất là, chúng phải được tạo nên qua nhiều năm tháng một cách “tự nhiên”. Không có tác giả. Cũng như ngôn ngữ hay ca dao. Cũng như, một ví dụ khác, bữa ăn tối gia đình mỗi ngày có đông đủ mọi người, thời bây giờ rất khó làm được, là một thứ nghi thức.

Một kẻ không nhà
Tháo giày ra
Trước căn phòng bằng giấy các tông của mình

(Penny Harter, haiku, ghi theo trí nhớ)

Nhân loại yêu mến các nghi thức. Vì đó là căn nhà của họ, hay là quán cà–phê-vỉa-hè-dưới-hàng-phượng-vĩ tụ tập bạn bè mấy mươi năm của họ.

Ngôn ngữ thơ của Nye không dựng trên căn bản của tu từ học, vốn bị giam cầm bên trong các biên giới quốc gia; nó nằm sâu hơn, dưới những tầng lóp cốt lõi của tư tưởng, của cảm xúc, có tính tập thể, của nguồn mạch văn minh văn hóa Ả Rập hùng mạnh.

Hùng mạnh tức là khiêm tốn, cởi mở. Nhờ thế, Naomi Nye có khả năng viết về nhiều đề tài. Plato từng cho rằng đề tài của thơ không phải là sự chọn lựa chủ quan của tác giả. Quả thật, nếu chỉ dựa vào văn bản thì khó biết được bà đã đi đường nào: chọn lựa đề tài, xây dựng các ý tưởng, dựng bài thơ lên như dựng ngôi nhà, hay hoàn toàn ngẫu nhiên, không biết mình nói gì cho đến khi bài thơ đã nói xong? Mặc dù viết về những vấn đề chung, như tự do, chiến tranh, bạo lực, thơ của bà mang nặng tính riêng tư, cá nhân, cũng như nhiều nhà thơ Mỹ cùng thời. Đây có lẽ là một trong những khác biệt tế nhị giữa thơ Mỹ và thơ châu Âu: trong kinh nghiệm đọc của riêng tôi, thơ châu Âu thường trừu tượng hơn, để lại ít hơn các dấu ấn cá biệt của hoàn cảnh riêng tư, trong khi thơ Mỹ “hiện thực” hơn. Tôi nghĩ rằng có phần ảnh hưởng của phong trào “Thơ xưng tội” (Confessional poetry) khởi đi từ Robert Lowell và Anne Sexton. Có con đường đi xuống, đi xuống mãi đến vực lỗi lầm quá khứ, đến tội lỗi của chúng ta, đến niềm hy vọng tan vỡ, đến sự thất vọng đối với con người. Từ bóng tối, chúng ta đi dần lên trở lại, khó nhọc nhưng không bỏ cuộc, cuối cùng chúng ta đi lên được từng bước, nâng đỡ bởi sự tha thứ. Sự tha thứ đối với người khác và đối với chính dĩ vãng của chúng ta. Bài thơ nào cũng có nhiều hình ảnh, nhưng chúng thường xoay quanh một hình ảnh trung tâm, xuyên qua nhiều bậc thang nhận thức. Đây là một hình ảnh trung tâm:

Bạn phải đi xa hơn thế nữa, đến nơi một người
Da đỏ nằm chết bên vệ đường
Trong tấm vải poncho

Hình ảnh là một phần của cuộc sống, có tầm ảnh hưởng rộng hơn nhiều người tưởng. Khi phát âm một chữ, ta thường nghĩ đến một hình ảnh cụ thể; các giấc mơ đọng lại trong ký ức cũng bằng hình ảnh. Chúng là những hoạt động vừa lý trí vừa xúc cảm, đến thẳng từ vô thức. Không thể giải thích được tại sao lại là người da đỏ, lại là tấm vải poncho. Chúng hoàn toàn đặc thù cho một hoàn cảnh riêng tư, nhưng bất kỳ một người đọc nào ở ngoài biên giới Hoa Kỳ cũng có thể cảm nhận và chia sẻ. Bởi vì:

Bạn phải nhìn cho được: kẻ nằm chết ấy chính là bạn

Đó là cách nói nửa kêu gọi, nửa tâm tình. Nói cho cùng, trong nhiều trường hợp, thơ tâm tình cũng có khả năng mê hoặc, hùng biện. Ví dụ:

Mùa cam đương ngọt trên đầu
Chim kêu ríu rít địa cầu của ta

(Tố Hữu)

Hay, nhưng có phần hùng biện.
Đọc xong, người đọc dễ quên “cam” và “chim” đi mà nghĩ nhiều hơn đến địa cầu. Địa cầu đang rộng hóa ra chật. Cái ta bao giờ cũng nhỏ bé.

Tranh luận với người khác, là hùng biện, tranh luận với chính mình, là thơ.

(William B. Yeats)

Tâm tình hay hùng biện là vấn đề giọng điệu. Giọng điệu của một bài thơ là giọng nói của nhà thơ thể hiện trong bài thơ ấy. Là chữ ký, dấu triện của nhà thơ lên một bài cụ thể. Giọng điệu có thể thay đổi; giọng nói thì không. Một bài thơ có thể có nhiều hơn một giọng điệu. Cơ sở vật chất của giọng điệu là từ vựng, văn phạm, cấu trúc câu, cách ngắt dòng, vần, cách nói trực tiếp và cách nói bóng bẩy. Âm thanh bao gồm các nguyên âm, các phụ âm, lên giọng xuống giọng; và trong tiếng Việt còn là các dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Tiếng nói một người, trong một bài thơ, có thể mau lẹ hay chậm rãi, thúc giục gay gắt hay ung dung từ tốn. Sức nặng của mỗi chữ cũng khác nhau: những chữ có “nội dung” nặng hơn những chữ bổ túc, thường là các tính từ, trạng từ, liên từ. Sự khác nhau này cũng tạo ra chú ý của người đọc đối với một câu thơ, nhờ vào việc di lệch khỏi các chuẩn tắc.

Ví dụ đại danh từ có tính liên kết who và liên từ and chuyên chở một nội dung lớn hơn trọng lượng của chính chúng :

who journeyed through the night with plans
and the simple breath that kept him alive.

Mặc dù truyền thống văn học Trung Đông ảnh hưởng đến bà, ghi dấu ấn của nó trong những bài thơ có hình thức như thể gazelle, Naomi Nye thường làm thơ tự do như bài thơ trên đây. Tương tự các nhà thơ đương đại, thơ tự do của bà rất “tự do”, nghĩa là nếu tháo rời chúng ra như người ta tháo một cái máy, cấu trúc của các bài thơ ấy gần như không còn lại gì cả, có thể làm cho các nhà phê bình cổ điển ngẩn ngơ. Ai cũng biết rằng thơ tự do không có luật cố định về vần, không có khuôn mẫu cố định về điệu (mặc dù tất nhiên chúng vẫn có thể có vần điệu riêng của từng bài), nhưng gần đây chúng cũng đánh mất cả những tiêu điểm cuối cùng như đơn vị câu thơ và sự chuyển câu, ngắt câu (line-ending).

Tôi cho rằng tuy thế vẫn còn một trong hai yếu tố cuối cùng bền bỉ ở lại: (1) sự lặp lại (repetition) của các chữ, hay (2) sự lập lại của các mẫu cảm xúc.

Before you know
Before you learn
Before you know

Nhờ thế, có một sự dừng lại, một điều gì gần như là sự treo lơ lửng, nằm xen kẽ giữa các trạng huống gấp rút hơn.

Bà sử dụng trong thơ nhiều hình ảnh mang tính phổ biến, di chuyển gần về phía các biểu tượng, vốn cũng là một loại ẩn dụ nhưng có tầm khái quát cao, mang tính tập thể và bao giờ cũng có tính truyền thống. Chúng có thể xuất hiện đơn nhất hay tạo ra các tổ hợp. Các ẩn dụ chăm chú nói về bản thân nó, trong khi các biểu tượng không nói về bản thân nó.

Naomi Nye thường nhắc đến đá, nước, trà, ngựa, mặt trời, mù sương… đầy khí hậu sa mạc chẳng hạn. Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn là tổ hợp ẩn dụ của Tuệ Sỹ. Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm là tổ hợp biểu tượng của Quang Dũng. Bộ lạc ta xưa mất hải tần vừa là ẩn dụ vừa là biểu tượng của Đinh Hùng.

Bài thơ của Naomi Nye đi xa mà không lạc đề, về gần nhưng không ràng buộc; đó là nhờ khả năng cưu mang sự diễn dịch nhiều lớp đối với các ý nghĩa. Dùng một câu thơ để chở một ý tưởng trừu tượng là một trong những công việc khó khăn nhất của nhà thơ. Nó có thể thất bại. Bởi vì ý tưởng trừu tượng đến lượt chúng hạn chế sự phát triển nhiều lớp của các ý nghĩa. Chủ đề của một bài thơ có thể phức tạp, nhiều hơn một, miễn là tính phức tạp của chúng đừng trở nên quá nặng đối với bài thơ. Naomi Nye có thể đề cập đến cùng lúc nhiều vấn đề như tình yêu, sự đau khổ, sự cô độc, lòng nhân hậu, một phần là vì khả năng sử dụng ngôn ngữ có tính liên kết: các giới từ và liên từ nối chúng lại. Tôi có thói quen chú ý đến cách sử dụng các giới từ và liên từ của các nhà thơ, nhất là những người mới xuất hiện, một kỹ năng gần như không thay đổi qua các bài thơ khác nhau, cùng một người.

Before you know kindness as the deepest thing inside,
like salt in a weakened broth.

Chúng ta chú ý chữ as (như) và chữ like (như) được dùng khác nhau. Đó là các liên từ vừa kết nối vừa phân biệt các sự vật, đối tượng. Ngưỡng cửa siêu hình:

Bạn phải nhìn cho được: kẻ nằm chết ấy chính là bạn

Thơ không sinh ra trong chân không, nhưng đọc một số nhà thơ Việt Nam gần đây, tôi không có ấn tượng mạnh mẽ về việc họ đang sống ở đâu, viết ở đâu, triết lý của họ về cuộc đời là gì. Đọc Naomi Nye thì trái lại: bà sống cuộc đời cụ thể mỗi ngày, ghi lại chúng, hít thở không khí tự do hiện đại nhưng vẫn không đi lạc trong môi trường đa văn hóa của Mỹ. Người ta không thể nào kiến tạo một thế giới tốt đẹp mà không bắt đầu từ sự cảm thông giữa một người và một người. Những kẻ không có khả năng “chạnh lòng” trước sự đau khổ cá nhân của người khác, một cách riêng lẻ – sự chạnh lòng đôi khi làm họ mất cả khả năng tự kiểm soát, lạc hướng, thứ tình yêu đôi khi làm họ thất bại – những kẻ ấy không bao giờ có thể trở thành những người cứu giúp thế giới, những nhà cách mạng hay những kẻ tự tuyên bố tương tự. Sự cảm thông là phương tiện quan trọng nhất để cải thiện các mối quan hệ xã hội. Khi một người bắt đầu tập nhìn sự vật từ tâm trạng của người khác, anh ta sẽ dịu giọng xuống, bớt ra vẻ hùng hồn say đắm, khi một người may mắn thành công bắt đầu tập nhìn sự vật từ khung cửa hẹp của kẻ rủi ro thất bại, anh ta sẽ bớt hăng hái đi trong các tuyên bố về chân lý của mình. Nhờ thế, anh hiểu ra rằng chính anh cũng có thể rơi vào vị trí của người thất bại, hoặc là trong quá khứ, hoặc là trong tương lai: anh trở nên khiêm tốn hơn, và do đó, thông minh hơn, anh trở nên lưỡng lự hơn, và do đó, minh triết hơn.

Tuy thế bạn vẫn có thể tránh được kinh nghiệm trực tiếp mà vẫn học được bài học lịch sử nếu lắng nghe người khác. Lắng nghe các nạn nhân, trẻ con, những người phụ nữ, những người dũng cảm và các đấng thiêng liêng. Không mất thì giờ lắng nghe những kẻ đang bị chi phối bởi lợi ích hay quyền lực, đang say mê bởi các lý thuyết. Lắng nghe tiếng nói của thơ ca. Trẻ con biết cách để cảm thông với người khác mau lẹ. Có lẽ đó là lý do khiến Naomi Nye, sau cuộc chiến tranh vùng vịnh 1991, xuất bản tuyển tập thơ Bầu Trời Chung Của Chúng Ta (This Same Sky), tập hợp 129 nhà thơ nhỏ tuổi khắp thế giới. Trong khi nước Mỹ lao vào cuộc chiến tranh ở Iraq thì nó cũng đủ sức mạnh tinh thần để khiêm tốn tiếp nhận và hào hiệp truyền đi thông điệp từ một cậu bé thi sĩ tí hon ở Iraq.

Ai có thể mở cánh cửa này
Của dòng sông xanh, của đám mây vàng,
Của trái tim tôi?

(Zuhur Dixon)

Thơ không kêu gọi các hành động cụ thể, không dẫn đến các kết luận, nhưng với chút hài hước nhẹ nhàng, có thể tạo ra các khải thị:

Điều gì trước đây bạn nắm được trong tay,
Đếm lui đếm tới mỗi ngày, nâng niu gìn giữ:
Tất cả đều phải ra đi
Mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong thơ có lẽ bắt đầu như thế này: nội dung kêu gọi hình thức, nhưng đó không phải là một nội dung hiển hiện như ta thấy trong văn bản, tức là trong hình thức sau cùng của nó, sau sự xuất hiện của thể. Ví dụ: ở nông thôn khi rảnh rỗi, xong việc đồng áng, thế nào cũng phát sinh các hình thức tế lễ, ca hát, nhảy múa, trong những hình thức được quy định. Hình thức lễ hội này là biểu hiện sau cùng của sự chờ đợi, mong đợi, của kỳ vọng tập thể. Đó là thể. Biểu hiện bên trong của thể là cấu trúc, biểu hiện bên ngoài của cấu trúc là thể. Đến thăm một người mới qua đời, chúng ta thất vọng nếu không thấy cảnh tang lễ, người thân khóc lóc, đi qua một đám cưới chúng ta thất vọng nếu không thấy cô dâu mặc áo choàng trắng dịu dàng mà thấy một cô nàng mặc quần jeans nói cười ầm ĩ. Như vậy các lễ cưới làm cho niềm vui được trọn vẹn, cũng như tang lễ làm cho sự đau khổ trở nên chịu đựng được, đáng kính trọng và có ý nghĩa. Tuy thế, hình thức không phục vụ cho nội dung theo nghĩa giản dị của chữ này. Thể của một bài thơ không phải là phương tiện của các ý tưởng. Khác với một số nhà thơ có khuynh hướng trừu tượng, sử dụng nghĩa bóng nhiều hơn nghĩa đen, dùng nhiều hình ảnh trong các giấc mơ, ví dụ John Ashbery hay Frank O’Hara thực mà ảo, ảo mà thực, Naomi Nye có lối viết trực tiếp, dẫn chuyện có cao điểm và có kết thúc, một phần nhờ cấu trúc nhiều lớp ý nghĩa.

Sự tiếp nhận của người đọc đối với ý nghĩa là một quan tâm của thơ hậu hiện đại. Trong khi từ chối sự diễn dịch ý nghĩa, nói cho cùng các bài thơ vẫn mời gọi sự đọc kỹ, đọc lại.
Ví dụ, nếu đọc Wallace Stevens (“Ngọn nến trong thung lũng”):

Ngọn nến của tôi cháy một mình trong thung lũng bao la
Những tia sáng dài xa của đêm sâu chụm đầu lên nó
Cho đến khi gió thổi.

My candle burned alone in an immense valley.
Beams of the huge night converged upon it,
Until the wind blew.

bạn sẽ thấy sự khó hiểu không nằm trong ngôn ngữ. Nó nằm ở ý nghĩa. Ngôn ngữ không chỉ chứa đựng các thông tin; chúng có thể được chia làm hai loại: một loại ngôn ngữ mang tính quy chiếu (referential language), có tính biểu tượng, tượng trưng, đại diện. Đó là ngôn ngữ của các từ điển. Loại thứ hai có thể gọi là ngôn ngữ trình diễn (performative language), khi sự xuất hiện của chúng tạo ra sự thay đổi một tình trạng ở người tiếp nhận. Vì ngôn ngữ thơ là sống động, có tính trình diễn, nên ý nghĩa của chúng không nên được hiểu theo sự quy chiếu thông thường. Mặt khác trong khi ngôn ngữ thơ không thuần túy là ngôn ngữ thông tin, không nên được hiểu như một ngôn ngữ quy chiếu, thì nó lại chống lại sự trống rỗng, chống lại cái vô tích sự đối với cuộc sống. Những bài thơ mô tả sự nhàm chán của đời sống không được quyền nhàm chán.

Tôi cho rằng đây là điều mà hiện nay nhiều người nhầm lẫn. Bài thơ của Naomi Nye chứng tỏ ngôn ngữ thơ dày đặc các thông tin: chúng được nén lại trong các câu, giữa các chữ, bên trong các chữ. Ngay khi có những chữ ít quan trọng hơn, ít có ý nghĩa về ký hiệu hơn xuất hiện, thì những chữ ấy cũng cần phải được người đọc và người trình diễn thơ quan tâm hệt như các chữ quan trọng khác. Các nhà thơ có thể viết những chữ hay những câu có vẻ vô nghĩa hay trống rỗng nhưng đó là chủ ý nghệ thuật riêng. Trong trường hợp này chúng cũng quan trọng như bất kỳ một câu hay chữ nào khác.

Trước khi bạn biết lòng tử tế là điều sâu sắc khôn nguôi
Bạn phải biết sự buồn đau cũng sâu xa như thế

Thơ trước hết là âm thanh. Các chữ xung quanh chúng ta, tôi nghĩ, cũng tạo nên một trường. Chúng tương tác với nhau, chữ này gọi chữ kia, chữ trước kích thích chữ sau, chữ ngoài hất chữ trong ra. Việc đọc thơ vang lên làm cho trường chữ có tương tác mạnh hơn.

Như thế, đọc thơ tạo ra một kinh nghiệm hiếm có; đọc một bài thơ không phải là lập lại kinh nghiệm của tác giả, như máy ghi âm ghi lại lời người khác, mà tạo nên một tiếng nói thứ ba, ở tầm vóc lớn hơn hay nhỏ hơn, tùy người đọc. Toàn bộ kinh nghiệm sống của người đọc ấy được dồn lại trong khi đọc một bài thơ, chuyển tất cả kí ức thành các niềm mơ ước về tương lai, thẩm định và chuyển giao các giá trị tinh thần. Cách đọc (lớn lên, thành tiếng) một bài thơ quan trọng đến mức tùy theo giọng đọc lớn hay nhỏ, thấp hay cao, tâm trạng buồn rầu hay hứng khởi, các chữ được kéo dài ra hay được nén lại, mà bài thơ có tác động khác nhau lên người nghe, tôi muốn nói là cộng đồng người nghe, trong đó có chính người đọc lên. Đọc theo trí nhớ còn là chuyện khác nữa, vì trí nhớ thay đổi. Các ý tưởng, cũng như các mùi vị, cảm giác chen lẫn nhau khi bạn thưởng thức cái đẹp. Vậy, đọc thơ là một quá trình liên tưởng tự do, giúp chiếu rọi ánh sáng tới những vùng tối riêng, phi điều kiện hóa, nhằm giải phóng lịch sử.

Đọc thơ không nên dừng lại với việc đọc bằng mắt. Thơ cũng viết cho tai: cần đọc chúng vang lên.

Ngoại lệ: đối với các bài thơ dở thì bạn được miễn nhiệm vụ này.

Thơ của Naomi Nye gây cho người đọc ấn tượng về một người suốt đời đi tìm sự thật, mặc dù bà không đặt nhiều niềm tin vào cái gọi là sự thật cuối cùng, vào chân lý cuối cùng, quan trọng nhất. Thật ra, không làm gì có sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử. Tuy vậy, khác với quan điểm của chủ nghĩa giải cấu trúc, như có thể thấy với Jacques Derrida, Naomi Nye tin tưởng vào khả năng của thơ ca trong việc nhìn thấu tận đáy bản chất của sự đau khổ của thế giới, và khả năng nhìn thấy được những khuôn mặt khác nhau của sự thật. Như thế, bà gần với Margaret Atwood hơn, nhà thơ Canada tài danh, người đã viết những câu thơ:

Nếu sự thật của thế giới này được nhận ra
Sẽ được nhận ra qua nước mắt

(The facts of this world seen clearly
Are seen through tears)

(Dẫn theo Hilda Hollis)

Cách đây vài năm, tôi đến thăm di tích Maya ở Nam Mỹ. Bên những ngọn tháp hùng vĩ, tôi ngạc nhiên khi được biết bí mật cao nhất của người Maya trong xây dựng lại thuộc về âm nhạc. Nếu đứng dưới chân một bức tường, không cần phải là hai bức tường đối diện, và vỗ tay, bạn sẽ nghe được tiếng ngân rất lâu dội đi dội lại. Như thế kiến trúc của tường tháp đã được xây ở mức nhạy cảm khiến cho các rung động âm thanh của bàn tay nhỏ bé được ghi nhận. Vào giây phút ấy, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng có một sự tương đồng lạ lùng giữa lòng tử tế của con người và sự hài hòa về âm học của các vật thể. Con người cũng như những bức tường đá kia hoàn toàn có khả năng ghi nhận các rung động từ người khác. Dễ dàng quan sát thấy rằng những đứa bé khi đứng gần nhau bắt chước điệu bộ cử chỉ, cười khóc của nhau. Đó là sự lan tỏa tức thời của các xúc động tinh thần. Nếu sự xúc động không thể lây lan trong một cộng đồng, nếu người này không thể tác động đến người khác để họ đồng cảm với mình, xã hội sẽ rơi vào một tình cảnh đáng sợ. Khi nhìn thấy sự đau khổ ở người khác, nếu chúng ta hoàn toàn thờ ơ, cơ chế tinh thần của chúng ta sẽ bị gãy đổ, các hoạt động tâm lý sẽ tê liệt, cái mà Freud gọi là cơ chế thăng hoa sẽ không làm việc, superego vắng mặt. Khi nhìn thấy sự bất công của xã hội, nếu chúng ta hành động, bất kể hành động ấy đưa đến kết quả cụ thể thế nào, thành công hay thất bại, thì về mặt tinh thần, chúng lập tức tạo kết quả lên chúng ta: đó là sự khẳng định rằng ý thức của chúng ta vẫn còn hoạt động.

Sự im lặng vì lẩn tránh và sợ hãi làm người ta già đi mau lẹ, bẻ gãy nhân cách và trí tuệ của họ.

Như thế, các hành động xã hội, bất chấp kết quả thành công hay thất bại, tác động như liệu pháp tâm hồn. Toàn bộ điều này gọi chung là sự vang động, phản hồi. Chỉ những người có khả năng tiếp nhận sự vang động thì mới có khả năng cất bước ra khỏi ngôi nhà trú ẩn của mình, và về mặt luân lý, thoát ra khỏi sự vị kỷ, trở thành người tự do, mà không cần đến bất kỳ một sự ưu đãi nào. Đây không phải là sự hòa lẫn giữa cái tôi và cái ta, mà chỉ là tương tác giữa những cái tôi trong cộng đồng dân tộc, nhân loại. Khép kín mình lại bao giờ cũng đưa đến sự mất bền vững, không những đối với các định chế xã hội, mà còn đối với sự lành mạnh tâm hồn; sự mất bền vững này đến lượt nó thúc đẩy quá trình suy đồi tập thể.

Nhiều người nhận xét, với một chút than phiền rằng, thơ và nhạc thường buồn. Nhận xét đó có thể đúng.

Bạn phải thức dậy mỗi ngày với nỗi đau buồn ấy

Nhưng ý nghĩa của chuyện buồn hay vui trong thơ không dừng ở đó. Nỗi buồn đau là bậc thang, là cánh cửa mà bạn bắt buộc phải bước lên, phải vượt qua, để đi tới một cảnh quan khác, rộng rãi hơn. Bởi vì khả năng cao nhất của trí óc con người là tưởng tượng, khả năng cao nhất của tưởng tượng là sự đồng cảm- vốn là thứ nhiều khi vượt ra ngoài biên cương ngôn ngữ.

Vẫn Naomi Nye:

Người Ả rập thường nói
Khi một người khách lạ đến nhà
Trong ba ngày hãy nuôi nấng anh ta
Rồi mới hỏi: bạn là ai thế?

The Arabs used to say,
When a stranger appears at your door,
Feed him for three days
Before asking who he is

Nếu điều này làm cho bạn có chút nghĩ ngợi mông lung, chuyện này qua chuyện khác, đó mới thật là thơ. Ngoài ra, thì không phải.


Tài liệu tham khảo
1. Naomi Shihab Nye, This Same Sky, NXB Simon & Schuster, USA, 1992
2. Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam, NXB Quê Mẹ, Paris, 1993
3. Lorraine M. York, Various Atwoods, NXB Anansi Press, 1995
4. Naomi Shihab Nye, Words Under The Words: Selected Poems, NXB Far Corner Books, USA, 1995
5. Nguyễn Vũ Tiềm, Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam, NXB Văn Học, 2000
6. Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000
7. Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001
8. Naomi Shihab Nye, 19 Varieties of Gazelle, Greenwillow Books, NXB Happer Collins, 2002
9. Nguyễn Bùi Vợi, Thơ Việt Nam Thế kỷ XX, Thơ trữ tình, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2005
© 2010 Nguyễn Đức Tùng
READ MORE - NGUYỄN ĐỨC TÙNG - NAOMY NYE: LÒNG TỬ TẾ