Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 26, 2016

CHÙM THƠ HUY UYÊN


 
             Ảnh tác giả




Trở lại Đại-Bường.(*)

Bên sông Đaị-Bường cây trái
Cuối năm cùng em trong vườn
Thuyền ai xa quê từ độ
Hai mùa mưa nắng Nông-Sơn.

Quít cam sầu riêng chè tàu
Ngát xanh đồi rừng ngút mắt
Núi Cấm phía trời lên cao
Chiều em ra sông tắm mát .

Thu-Bồn nước trong cá lượn
Tranh thêu non nước Đại-Bường
Tre làng gió xuân cong uốn
Sum-suê tơ trời miền Trung 

Tết em về vui cùng làng
Nhịp chèo Phó-Hường tuồng cổ
Mía nhà đốt ngọt chữ đường
Dâu xanh sức tằm mấy thuở.

Vườn trái xanh um Bảy-Tín
Ngó lên Hòn-kẽm-đá-dừng
Lồ-Ô chảy dòng nước giếng
Thương cha, thương mẹ(nhớ)người dưng !

Đại-Bường bốn mùa sương mây
Bên nhau hai ta hái trái
Tình em xanh ngát bao ngày
Quê chiều ngọt thơm gió thổi .

Ơi anh em gọi có nghe ?

                    Huy Uyên
(*) Làng cây trái nổi tiếng miền núi Đại-Lộc

Ở bến đò Trà-Linh (*)

Sông mẹ Thu-Bồn êm đềm chảy
Đò hai bờ nối nhịp Trà-Linh
Xuôi ngược thuyền em trao gởi
Hiệp-Đức hai ta lưu-luyến mối tình .

Em có về bên thác Lim
Đò người miền xuôi lên ngược
Thương ai ngày tháng Hòn-kẽm-đá-dừng
Cây trái nhà mùa này tươi tốt .

"Cá chuồn gởi lên mít non gởi xuống"
Có gởi tình em trao con tim ?
Nhớ ngày tiễn anh mắt ai lúng-liếng
Nhìn ai đi tấc lòng rưng rưng .

Em chải tóc xanh trên bến Trà-Linh
Môi hôn xa gởi cùng lời gió
Mênh-mang đò thả chiều bên sông
Thu-Bồn vọng đồi rừng tiếng hát .

Mưa xanh trong theo dòng nổi nhớ
Mây bay qua trắng cả vườn người
Nhớ đất Trà-Linh hồi đánh giặc
Thời gian trôi như nước chảy mây trôi .

Trà-Linh e ấp tình người
Mùa xuân lâu rồi vui hội mới
Mai em về có nhớ chi tôi
Một lần với Trà-Linh vạn ngàn câu hỏi.

                                       Huy Uyên
(*) Trà-Linh:xã miền núi tỉnh Quảng-Nam

Lên Trung-Phước (*).

Nước và rừng bạt-ngàn chân trời
Đèo Le mùa sang lặng gió
Đỏ quạch phù-sa về biển khơi
Cầm tay em đi kịp về chuyến chợ .

Ai đi mà không nhớ người Trung-Phước
Đò em lên xuôi xao xuyến câu hò
Em chúm chím cười luyến lưu chân bước
Dùng dằng về, ở lại trong tôi .

Đưa người lên đầu truông Nông-Sơn
Dọc đường làng uốn quanh rợp mát
Bóng ai xưa thấp thoáng trong vườn
Gởi cả đời trầm-hương lưu lạc .

Vách núi và hoàng-hôn màu tím
Vắng lặng tình tôi bóng chiều tà
Em tiễn tôi ra cuối bến
Ngó lên hòn Ngang tim mãi xót xa .

Bên sông nhà Thủ-Đản,Cửu-Liêu
Ngày ở gò Lu chăn dê Bùi-Giáng
Đọc thơ tình"gái lội qua khe"
Ngày theo em chợ chiều, chợ sáng .

Hàng quán đìu hiu gần xóm nhỏ
Những chiều hai ta trong tay bến Tranh
Nghe chuông nhà thờ đổ hồi giáo-xứ
Nghe tiếng ai hò Trung-Phước, Nông-Sơn .

Tình em cũng bay đi
Như đám mây trời.

                   Huy Uyên
(Làng quê Nông-Sơn+Quế-Sơn)

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN

THƠ VĂN THÙY - “DỊ NHÂN” - Đặng Xuân Xuyến bình thơ



                          Nhà thơ Văn Thùy


           THƠ VĂN THÙY - “DỊ NHÂN”

         Nghèo mà tài không được bằng ai nên tôi chọn sách (viết và kinh doanh sách) làm nghề kiếm kế sinh nhai. Ngót nghét hai mươi năm với nghề, khi thấy nghề sách có dấu hiệu “suy thoái”, tôi quyết định bỏ nghề, “về hưu” và tìm thú tiêu khiển với facebook... Lên mạng, tôi chăm chú đọc những bài về văn hóa tín ngưỡng, về đối nhân xử thế... chứ không mặn mà với thơ, truyện vì... ngại đọc, sợ phải “động não” nhiều nên khi thi sĩ Nguyễn Đăng Hành rủ Văn Thùy “dị nhân” đến thăm nhà - ở làng Đá, Ân Thi, Hưng Yên - tôi mới biết ông là thi sĩ cùng quê, là kẻ bấy lâu được giới văn chương “phong tặng” là “dị nhân”, là “lục bát giang hồ”... Cầm mấy tập thơ ông đề tặng, tôi cám ơn cho phải phép rồi cất vào tủ sách. Đêm. Ám ảnh bởi cuộc nói chuyện của ông, tôi vùng dậy “lôi thơ” của ông ra đọc.
Tôi thật sự bị thơ ông cuốn hút!
Ông tung hứng, nhảy múa với từng câu chữ. Ông bắt người đọc phải trầm trồ, ngả mũ vì cách chơi chữ táo bạo mà đắc địa: Phải tay này gặp Thị Màu / Chẳng sưng đầu mõ, cũng nhàu vú chuông... hay: Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín vía chột mười cũng xong.
Câu chữ, qua sự nhào nặn của ông - của “dị nhân” Văn Thùy - trở nên sinh động, nhuần nhuyễn và tài hoa: Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu... hay:Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh. 
Viết về tình yêu với vợ (cũ), người phụ nữ từng nhiều năm đầu gối má kề, ông dành cho bà những lời dịu dàng, đằm thắm:Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa / Cũng bay về phía thật thà ngày xưa; bằng trải lòng rất thật: Quay về tầm mắt em thôi / Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh. Ông dằn vặt, tự trách, ông nhận hết phần sai về mình: Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu / Mải mê thơ phú cánh diều / Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi. Tình yêu ông dành cho người vợ nhiều lắm nên bất chấp tính sĩ diện cố hữu của thằng đàn ông, ông thấp giọng “xin” bà cho ông cơ hội: Xin em hết sức lượng tình / Cho tôi tìm lại chính mình hôm qua. Và rồi, cả mãi sau đấy, khi bà rời xa ông, đã trở thành người phụ nữ “của người ta”, thì tình yêu ông dành cho bà vẫn âm ỉ. Sau những“Trong nhà luýnh quýnh một người chạy mưa”, ông ngồi thần người nghĩ về người vợ cũ. Hình ảnh người đàn ông cô đơn, tuổi xế chiều, cố nén tiếng thở dài để chặn tiếng khóc chực bật ra trong Nhà Dột như cứa vào tâm trí người đọc: Giá như đôi đũa chẳng cong / Thì đâu lẻ bóng long đong chống trời / Giá như… ừ… giá như thôi / Mình không dại dột chia đôi nếp nhà.
Có lẽ là người thất bại trong hôn nhân nên mặc dù khao khát một tình yêu mãnh liệt, luôn sẵn lòng đắm đuối với ái tình nhưng những khao khát, đắm đuối ấy luôn gặp phải sự cản trở từ chính con người ông. Những câu tếu táo, bông đùa: “Vừa ban thông điệp yêu đương / Bỗng dưng cả bộ dát giường động kinh”, hay “Có gì mạnh đến lạ thường / Yêu suông đã bốn chân giường còn hai”… tưởng gia vị cho tình yêu thêm thi vị, máu lửa thì thực ra đó là lời chống chế ngầm của kẻ sợ sẽ bại trận trong tình yêu. Như con chim sợ đậu phải cành cong, ông đắm đuối, bỏng cháy với tình yêu nhưng lại dè dặt, e ngại mở lòng với cuộc tình “sắp” đến. Rất nhiều tính từ (có lúc lại là động từ) như “yêu chay”, “yêu khan”, “yêu suông”... được ông sử dụng để diễn tả tâm trạng e ngại, kìm nén những xúc cảm yêu đương: “Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi”, “Yêu chay loang lổ mảng tường phong rêu”, “Đã âm thầm nỗi yêu khan”, “Đã thành hội chứng yêu khan”...
Ông viết nhiều về tình yêu trai gái, nhưng thường là thứ tình yêu trớ trêu, thuộc lứa nạ dòng gặp phải trai lơ, bằng thứ ngôn ngữ bình dị của người thôn quê pha chút ngông ngông, “bất cần” của gã trai “bụi” phóng đãng: Cổng chùa xin tiểu lỏng then / Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa... hay: Em nguyền khổ hạnh ăn chay / Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần.
Nhưng khi viết về mẹ thì thơ ông lại trầm lắng mà da diết, từng lời, từng lời như bào xát tâm can, khiến người đọc day dứt, rưng rưng: Vinh hoa con ướm trên người / Phất phơ tóc mẹ dệt thời yêu thương / Đã đi nhẵn một con đường / Còn nghe tóc mẹ bốn phương rối bời / Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rối thời mái gianh - (Tóc Rối Của Mẹ Năm Xưa). Hay những câu thơ thật hay, thật sinh động, được viết bởi tấm lòng của người con hiếu thảo trong Hoài Cảm Tích Cũ khắc sâu trong tâm trí người đọc: Chân trần mài vẹt đường quê / Lưng về như đặt đoạn đê giữa nhà / Lá trầu dứt cuống đi xa / Nồng cay hương quế thơm qua xứ người.
Viết về mảng nào, dù là tình yêu trai gái hay nhân tình thế thái, thơ ông cũng có sự mượt mà, đằm thắm của ca dao, pha chút tếu táo, bỡn cợt của dân dã, cộng thêm chút khệnh khạng của Văn Thùy, đã tạo nên thương hiệu thơ rất riêng, rất “dị nhân” Văn Thùy, dễ say đắm lòng người.
Trong gia tài thơ ca của ông, có nhiều câu thơ đặc sắc, đầy cá tính, đọc mãi mà không chán, thể hiện nét tài hoa đặc biệt của ông, nhưng thật tiếc, sự lặp lại về tứ, về ý đến gần như sao y bản chính của không ít câu thơ: “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín vía chột mười cũng xong.” - “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi / Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong.”, hay: “Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh.” - “Con đi dọc nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rối thời mái gianh”...,thậm chí sự tương đối giống nhau của cả những bài thơ (Xin Em - Xin Em Đừng Mặc Áo Dày) đã làm thơ ông xuất hiện sự nhàm chán, nhạt đi và bớt duyên, khiến những người yêu thơ, yêu sự sáng tạo, chỉn chu sẽ khó chịu, cho rằng ông lười sáng tạo nên mới xào sáo, làm giảm sức hấp dẫn với chính thơ của mình.

                                            Hà Nội, 26 tháng 12 năm 2016
                                                ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - THƠ VĂN THÙY - “DỊ NHÂN” - Đặng Xuân Xuyến bình thơ

TÂY DU KÝ - Phần 1: ĐƯỜNG 9 - Bút ký của Chế Cẩm Đình



Tác gỉa ở cửa khẩu Lao Bảo


TÂY DU KÝ
Phần 1: ĐƯỜNG 9  
Bút ký của Chế Cẩm Đình

Đã thật lâu rồi tôi mới có dịp trở về để đi lại trên con đường máu thịt của quê hương. Đường 9, đường 9.

Khởi đầu từ ngã ba cạnh bến xe Đông Hà cũ, kéo dài qua tới bờ sông Mekong ở thị xã Savanakhet bên Lào với tổng chiều dài gần 350 km bao gồm cả đoạn nối dài xuống Cửa Việt mới sau này. Được mở ra từ xa xưa khi cư dân cổ của hai vương quốc Champa và Ai Lao qua lại theo nhu cầu trao đổi hàng hóa. Khi châu Ô châu Rí được cắt cho Đại Việt dưới thời Trần thì con đường này cũng có chủ nhân mới là người Việt và ngay lập tức dòng chảy giao thương trở nên ồ ạt dẫn đến việc hình thành một Cam Lộ sầm uất và trù phú bên bờ sông Hiếu, có vai trò là trung tâm mua bán trao đổi sản vật giữa hai vùng dưới xuôi lên và trên thượng về.




Qua Km số 10, tay phải là điểm cuối quốc lộ 15 nay là đường HCM tận ngoài Hòa Bình vào. Trên trục đường ngang đó, bao nhiêu là địa danh Cồn Tiên, Vĩnh Trường, Bến Tắt, Bến Quan gắn liền với những vòng lốp xe ben năm xưa tôi cầm lái, nhớ ôi!

Lên một chút ngó tay trái là đường vào Cùa. Nơi có hạt hồ tiêu cay xè tới tận Âu châu bằng đường biển của các thương gia Ả Rập từ mấy thế kỷ trước. Lại có giống mít nài thân lớn được thâu mua làm cột nhà xưa. Thành Tân Sở chỉ còn dấu tích, nhưng anh linh của phong trào Cần Vương hiển nhiên vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người nơi cuộc đất được vua Hàm Nghi lựa chọn làm chốn thoát lui sau sự biến kinh đô thất thủ.

Xe qua Tân Lâm ở Km25, cũng là vùng đất đỏ trồng được hồ tiêu và cao su. Nơi đây ngày trước được viện trợ bởi Đông Đức lập nên nông trường trồng cây công nghiệp xuất khẩu kiểu mẫu thay thế cho mô hình hợp tác xã dưới xuôi. Những đậu phộng, thuốc lá, hồ tiêu, ớt trái phơi khô xuống tàu qua nước bạn đổi về xe máy Simson với xe đạp Mifa và thuốc men y tế.

Đổ dốc Đầu Mầu, ngày nay đã có chiếc cầu lớn đi thẳng thay cho con cầu cũ uốn tròn theo vách núi dựng đứng với mấy cái am lớn bên vệ đường để xe cộ qua lại thắp hương những người xấu số chết bởi tai nạn nơi đây, mỗi năm đến mấy vụ vì khuất tầm nhìn. Từng có oan hồn một em gái xấu số không hóa thân được, đêm đêm hiện hình đón xe đò về nhà tận Ngã Tư Sòng, cứ xin về đến nhà sẽ trả đủ tiền nhưng xuống xe thì biến mất, lái xe gõ cửa hỏi nhà chổ em xuống thì mới biết là em đi chơi cùng bạn bè trong lớp, lúc về lật xe chết ngay giữa cầu.

Vượt dốc cây số 32 vào đất Hướng Hiệp, xã đầu tiên của huyện Dakrong. Ngay vòng cua chân dốc, đường 9 thầm nói lời chia tay với dòng suối La La bên mạn phải là nguồn của sông Hiếu, để chút nữa lên trên cặp sát dòng Krong KLang phía trái, chạy dài lên tận chân đèo Rào Quán là nơi đầu nguồn của con sông Thạch Hãn chảy dưới xuôi. Thị trấn huyện lị ngay Km41 chỉ mới gần hai mươi năm tuổi, từ một trạm dừng của thuế vụ bên đường năm nao giờ đỏ au mái ngói cơ man nào cơ quan, trường học và cả nhà dân. Nơi đây đồng bào Vân Kiều ở lẫn với người Kinh lên buôn bán, sinh sống và làm việc, lâu dần nói tiếng lơ lớ như nhau.

Những mái núi lô xô của rặng Trường Sơn ngày càng dày về hướng Tây dọc theo hai bờ sông không ngứt. Đột hiện ra một kẽ đứt từ ngoài cầu Dakrong tại Km 50 đổ vào hướng Nam, khởi đầu của quốc lộ 14. Xa trong kia là thị tứ Tà Rụt có đồi Thịt Băm rùng rợn trước khi qua đất Thừa Thiên vào A Lưới. Xa hơn nữa là Tây Giang, Prao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức thuộc Quảng Nam trước khi đường 14 vượt đèo Lò Xo lên Tây Nguyên rồi đổ về tới Sài Gòn. Thật là một cung đường lý thú cho những ai muốn đi phượt dài ngày qua các miền đất nước.

Lên tới Rào Quán, dừng xe ngắm bản Cát bên dòng suối trong veo rì rầm chảy dưới chân đèo. Bản chỉ mươi ngôi nhà sàn thưng gỗ lợp tôn quầy quanh một khoảnh sân chung lơn lớn, lững thững mấy con heo mọi ụt ịt ủi mõm vào các gốc cây giữa sân tìm kiếm thức ăn. Mấy mế già ngồi trên sàn hút tẩu, góc kia đàn em gái địu akay chơi đùa cùng nhau vui vẻ trong những chiếc xấn chàm viền hoa văn đỏ tía và xanh đen. Qua Lương Lễ xanh mướt những vườn mít vườn bơ hai bên đường, phía dưới thung lung là những rẫy dứa non mới trồng. Triền núi thấp được phủ đầy những tàu chuối trĩu buồng chuẩn bị vào vụ thu hoạch bán tết âm lịch năm nay.

Ngã ba đài chiến thắng đổ phải vào Tà Cơn, Hướng Linh, Hướng Phùng theo nhánh tây, mà kỳ thực là đi xuyên trên chóp mái Trường Sơn. Người Kinh dưới xuôi giờ lên ở cũng nhiều, chủ yếu trồng cà phê có thu nhập rất khá. Thêm thầy cô giáo lên dạy học, y bác sĩ lên các trạm y tế, rồi nhân viên bưu điện, viễn thông cũng có mặt, dần dà tạo ra một quê hương mới đầy đủ chẳng thiếu gì so với ở dưới đồng bằng.



Giữa chiều trời hửng nắng. Thung lũng Khe Sanh vén màn sương mờ hiện ra huyền ảo. Đây chợ huyện đủ sắc màu hàng hóa vùng cao, nào gùi nào ché, hàng dép hàng xô, quầy rau quầy thịt chộn rộn những người. Đằng xa kia đồi thông vắng im tiếng reo mùa hao gió. Vài ba con đường ngang chạy cắt qua trung tâm với dốc lên dốc xuống chập chùng. Nhà cửa hai bên đường lúp xúp tĩnh lặng. Cuối thị trấn là mặt hồ cá thủy điện nằm im lìm như tấm gương soi cho người qua lại. Đường 9 vắt qua hồ bằng một chiếc cầu trước khi vượt dốc Tân Liên kéo dài lên tận đất Tân Long. Từ ngã ba Tân Long rẽ trái vào bảy xã vùng Lìa men theo tận nguồn dòng Sê Pôn là biên giới tự nhiên Việt - Lào. Con sông này chảy từ xuống từ triền Tây dãy Trường Sơn nên người ta thường gọi là sông chảy ngược. Đến đoạn Tân Phước sông đâm thẳng qua đất Lào, chảy sâu vào 40 cây số, nhập vào dòng Xê Băng Hiêng hùng vĩ trước khi hòa mình vào sông mẹ Mekong. Từ đỉnh Làng Vây đã thấy vách đá của một doi núi lớn bên nước bạn Lào, mà trên đó có một sân bay dã chiến phục vụ cho chiến dịch Lam Sơn của Mỹ ngày xưa khi họ quyết tâm cắt đứt các nhánh đường mòn Hồ Chí Minh từ Đông sang Tây hòng ngăn chặn sự tiếp viện quân lực Bắc Việt vào chiến trường Nam Việt.

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Bên nắng đốt, bên mưa quây

Thì rất đúng. Bỏ lại sau lưng những cơn mưa dầm gió bấc như từng sợi thuốc rê vấn vít cả tháng trời không tạnh, trườn qua dốc Làng Vây thấy ngay cả vạt nắng bừng bừng. Những lọn nắng vàng ươm chiếu xiên qua cửa kính xe loá cả hai mắt, không thấy đường mà chạy xe cho nhanh được. Bèn đi chầm chậm lại và cảm thụ vẻ đẹp của núi rừng sông suối miền biên ải trong ánh tà huy gần cuối ngày.

Đổ dốc Tân Thành, qua Tân Chính là đến thị trấn biên mậu Lao Bảo, điểm cuối của đường 9 trên đất Việt Nam. Thị trấn này, một cách rất tự nhiên đã thay thế cho vai trò của Cam Lộ ngày xưa làm trung tâm giao thương hàng hóa Việt - Lào - Thái. Trung tâm thị trấn là khu chợ thương mại khá lớn với lối kiến trúc nhà tròn hóp mái mô phỏng lối nhà sàn của người đồng bào Bru, nhưng chừng như không giống cho lắm. Hàng hóa ở đây phải nói rất đa dạng, không thiếu một thứ gì. Từ dép tông Thái, đến mì chính, đường mía, thuốc lá, rượu ngoại, đồ điện tử điện lạnh với giá cả rẻ hơn chút ít dưới Đông Hà. Hàng dưới xuôi lên thì mì tôm, bột giặt, nước xả, tã giấy, dầu gội dây, sữa tươi đóng từng xe xuất qua Lào vì có giá mềm hơn hàng Thái Lan, mà chất lượng cũng tốt không kém. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo lúc này ít người qua lại vì thời gỗ lạt đã hết. Chỉ còn vài ba xe tải kéo thạch cao vượt khẩu, thêm đôi chuyến xe khách đi Viêng hoặc Pakse chở thợ xây thợ mộc đi làm ăn lên về. Nên không phải đợi chờ lâu khi làm thủ tục, chỉ mươi phút với bốn lần cộp dấu là đã sang Lào.

21/12/2016
CHẾ CẨM ĐÌNH
(Phần 2: Hạ Lào).



READ MORE - TÂY DU KÝ - Phần 1: ĐƯỜNG 9 - Bút ký của Chế Cẩm Đình

TIỆC THÁNH - Thơ Châu Thạch


   
                Nhà thơ Châu Thạch



TIỆC THÁNH
          
Trong tục lụy đã lâu rồi rêu mốc
Bỗng một hôm phép lạ đổi linh hồn
Hồn không chuốc rượu nồng cho nghiêng ngã
Không say trăng chìm dưới đáy dòng sông
Không ả phù dung hôn mê tiên cảnh
Không quay vòng trong biển loạn âm thanh.

Hồn không khóc cho đau thương trần thế
Nước mắt thương đổ xuống ngợp thời gian
Không vô vi hòa điệu gió trăng ngàn
Không tức tối rủa nguyền lên kiếp sống.

Hồn rất nhẹ ngậm hòa tan chiếc bánh
Ồ thịt thơm hương vị thuốc trường sanh
Tay hồn nâng ly huyết đỏ long lanh
Hương thơm ngát một mùi hương tinh sạch.

Bỗng lóe sáng, hồn trong thành bạch ngọc
Bao ô dơ được chiếc lọc không còn
Hồn vui mừng đi giữa ánh chân quang
Và cất cánh bay lên xa vạn lý
Và đi suốt thời gian xuyên thế kỷ
Trên từng trang dòng chữ nghĩa thiên hà
Lời nối lời lồng lộng bóng nguy nga
Và bóng cánh toàn năng trùm lên ý.
Và khải thị cho biết đường chân lý
Và quyền năng xua đuổi bóng vô minh.

Hồn vô cùng hoan lạc hớp lời kinh
Uống, uống mãi cho no nê linh diệu.

                                   Châu Thạch

READ MORE - TIỆC THÁNH - Thơ Châu Thạch

NGUYỄN VÔ CÙNG: TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện



               Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng


      NGUYỄN VÔ CÙNG: TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ

           Người viết M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện

*   
     
Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng tên thật là Nguyễn Bồng, nguyên quán Thôn Thạch Hãn, xã Hải Trí, Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (tên cũ là Châu Ô Cận Lục) học sinh trường Trung Học Nguyễn Hoàng, sau nhập ngũ Trường Võ Bị Thủ Đức, sau 75 đi học tập cải tạo rồi về làm rẫy, năm 1994  qua Mỹ theo diện H.O, hiện định cư ở thành phố Silver Spring thuộc Tiểu Bang Maryland Usa.

*

Nhà Thơ Nguyễn Vô Cùng với kẻ viết bài này cùng là chỗ đồng hương đồng khói, lại là chỗ đồng môn đồng khoai, cùng nhau đọc thơ của cụ Tiên Điền :
Bắt phong trần phải phong trần
Cho phong lưu mới được phần phong lưu.
Cái thành phố khôn khổ vùng đầu Hỏa Tuyến, hết chia đôi đất nước, lại biến cố tết Mậu Thân, lại mùa Hè đỏ lửa, lại 30 tháng 4 nam 1975, người dân nơi đây sống để mà chạy loạn, để hứng chịu đủ thư đạn bom của bạn và của thù, giữa năm 1972, gia đình chúng tôi chạy bộ trên đại lộ kinh hoàng,  cô em út vừa tám tuổi chạy theo đoàn người khốn khổ vào cho tới Mỹ Chánh trong khi đằng sau thì đạn súng cối và xe tăng kẻ thù đuổi theo .
Thành phố (thị xã) và Cổ Thành Quảng Trị bom đạn san thành bình địa, Đứng ở cửa trường Nguyễn Hoàng đá gạch ngổn ngang có thể nhìn thẳng ra được bờ sông Thạch Hãn khoảng cách chừng hai cây số mà không bị che khuất bởi một chứơng ngại vật nào ? Cách đây khoảng 10 năm, anh Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng có tổ chức một buổi họp mặt anh em đồng hương Quảng Trị, anh dành cho trường Trung học Nguyễn Hoàng 3 bàn (ngồi được chừng 36 người, nhưng không ai nhận ra ai), mỗi người mỗi lớp, anh em đồng hương chết gần một nửa, cơm cháo dọn ra, nhưng chỉ ngồi nhìn nhau mà khóc ? 
Ôi quê miềng sao mà nhiều khổ nạn, giới thiệu nhà thơ Nguyễn Vô Cùng cũng chả khác gì giới thiệu đến bạn đọc một miền đất mang quá nhiều bất hạnh, và những dòng thơ quá nhiều bi thương trong cái cõi hồng trần còn quá nhiều đau khổ, thơ của Nguyễn Vô Cùng là những hơi thở là những nỗi buồn mênh mông của một đất nước qua nhỏ bé so với các thứ Thực dân Đế quốc Bành trướng luôn luôn coi chúng ta là những thứ làm bia đỡ đạn. Thấm thoát chúng ta cũng qua gần hết kiếp người ? đi qua gần một thế kỷ lầm than khốn khó. Đó là cuộc đời, thơ và cuộc đời cuộc đời và thơ ?
Sau đây xin giới thiệu với anh em bạn hữu bốn phương, một người làm thơ Nguyễn Vô Cùng hiền như cục đất (thơ cũng như người) những bài thơ tiêu biểu cho một thời kỳ đất nước bị ngoại xâm khống chế bắt cả hai miền đất nước đều làm bia đỡ đạn cho cuộc chiến tranh chia vùng ảnh hưởng.


                                            M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện

READ MORE - NGUYỄN VÔ CÙNG: TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện

PHAN PHỤNG THẠCH: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử& Chu Vương Miện


    


          PHAN PHỤNG THẠCH: TÁC PHẨM TÁC GIẢ

               Người viết: M.Loan Hoa Sử& Chu Vương Miện


Phan Phụng Thạch tên thật là Phan Ngọc Thạch, nguyên quán Xóm Bầu, làng Đạo Đầu, Quận Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị, thân phụ là giáo học, bà con với giáo sư Phan Văn Dật dạy ở Quốc Học Huế, thông gia với Nhạc Sĩ  Nguyễn Hữu Ba, Bà cố nội của Phạn Ngọc Thạch là Công Chúa Tự (Trưởng Công Chúa của vua Thành Thái & và ông nội của Thạch là Phò Mã).
Niên khóa 1958 - 1959 tôi (tức Chu Vương Miện) học lại năm đệ tứ tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị (còn trước đó thì học đệ tứ ở Trường Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi), tôi học chung với Phan Phụng Thạch hai năm, giữa năm 1960 thì chúng tôi chia tay. Tôi vào học ở Đà Nẵng còn Phan Phụng Thạch thì vào học trường Hoàng Việt ở Sài Gòn.
Chúng tôi vừa là bạn cùng lớp vừa là bạn thơ, trước Thạch Nhân một năm, trước Đặng Sĩ Tịnh hai năm, trước Sương Biên Thùy ba năm, trước Triều Sao Dại (tức Nguyễn Hoàng Đoan bốn năm....)

*

Từ cửa Tả qua làng Tri Bưu qua làng Hạnh Hoa rồi đến Ba Bến, (nhà của Lê Đình Lành) đi dọc theo con kinh khoảng hai cây số, là đến một làng xóm xầm uất trồng toàn là cam sành, đi một đoạn nữa là làng Ngô Xá, rồi đến làng Đạo Đầu của Phan Phụng Thạch, tiếp đến là làng Trung An quê của Nguyễn Đình Long đi tiếp nữa là Chợ Cạn quê của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt. Nhà của Thạch là nhà ngói cũ, giống như những ngôi nhà ngói thường thầy ở làng quê, trong vườn thì còn sót lại duy nhất là cây Đào (chính ra là cây Mận trắng, ngoài bắc gọi là cây Roi), cây Mận này cũng thuộc vào lọai đã cỗi, hoa và trái không nhiều, sau năm 1962 thì bị bão đánh gãy mất tiêu luôn. Thạch làm thơ rất sớm nhưng thuộc vào loại thơ cổ điển như thơ của thi sĩ Phan văn Dật, lúc đó thì tôi có làm thơ nhưng không nhiều, nhưng quen biết làm thân với nhiều anh Văn Nghệ mầm non như anh Linh Diệu tức Lê Đình Cương có thơ đăng trên Đời Mới, Mùa Lúa Mới, anh Tuệ Chương Hoàng Long Hải trước tôi 3 năm ở Nguyễn Hoàng có thơ đăng trên tuần báo Rạng Đông của Giáo sư Lê Hữu Mục, thầy Huy Phương Lê Nghiêm Kính lúc đó thì đã thành danh, còn Phan Phụng Thạch thì đăng thơ ở Nhật Báo Công Dân của luật Sư Lê Trọng Quát, còn phần tôi với Nguyễn Lan thì tháng nào cũng có bài ở Nguyệt San Thông Tin Quảng Trị và vài tờ báo ba xu khác. Cuối năm 1962 tôi nhập ngũ, Thạch có đi thăm, sau năm 1963 anh giáo sư Hoàng Xuân Tửu thuộc Đảng Đại Việt làm Tỉnh Trưởng, năm 1964 tôi ra trường về thăm Quảng Trị, thì anh em Nguyễn Hoàng đã ngồi đầy tòa Hành Chánh, làm công chức làm báo (đi lối sau ngay sông Thạch Hãn), nào tờ Mai Lĩnh, Đặng Sĩ Tịnh nói là mai lĩnh lương, nào tờ Khuôn Mặt Thời Gian của Phan Phụng Thạch, nào tờ của Hội Chữ Thập Đỏ.... Thạch vừa là giáo sư Thư Viện Trưởng vừa đứng lớp. Năm 1967 tôi giải ngũ và làm công chức ở Bộ Cựu Chiến Binh thời gian này Thạch bị đau vào Sài gòn chữa bệnh ở luôn với tôi bên Thị Nghè Hàng Xanh (nơi này Thạch Nhân Trần Đình Bé cũng có ở).
Rồi kim kiếm điêu linh, tết Mậu Thân 1968 rồi mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình tôi và Thạch đều chạy vào Đà Nẵng trại tạm cư Sơn Chà và sang năm 1973 thì Phan Phục Thạch qua đời, thác vào năm 31 tuổi, không có vợ con.
Gia đình  của Phan Phụng Thạch gồm có :
1 - Chị cả Phan thị... con dâu của giào sư Nguyễn Hữu Ba
2- Anh Phan Ngọc Tịnh y tá.
 3- Anh Phan Ngọc Thọ cán sự y tế .
4- Chị Phan Thị Minh Tâm (cùng lớp với CVM)
5- Phan Phụng Thạch (giáo sư nhà thơ)
6- Phan thị Thu Thanh (cán sự Bưu Điện)
7- Phan Ngọc Bích (em út)

*

Năm nay Chu Vương Miện cũng 76 tuổi, bạn bè cùng lớp kẻ mất người còn, kẻ quê nhà kẻ quê người, ôi sự đời tang thuơng ngẫu lục dâu bể đa đoan, người chết có khi khỏe hơn người còn sống, đây là nén hương lòng trước là tưởng nhớ Phan Phụng Thạch, sau là Thạch Nhân và Đặng Sĩ Tịnh (Tức Vàng Hà Nội).

                                         M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện 

READ MORE - PHAN PHỤNG THẠCH: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử& Chu Vương Miện

NẮNG GIỜN QUA PHỐ CŨ - Thơ Sáu Miệt Vườn





NẮNG GIỜN QUA PHỐ CŨ

Gỡ vết bùn khô ruộng cạn
Ta phong sương rũ áo sờn
Ngang qua chợ đời mặc cả
Màng chi cho lắm thiệt hơn

Mặc sông biển buồn vết rạn
Phố nghiêng một chuỗi nắng nhờn
Ma nơ canh già hơn năm cũ
Lạnh lùng chi chút phấn son

Thấy em nụ cười con gái
Tuổi nào tay chạm chiều hôm
Nhớ Mẹ già xưa bươn chải
Gió sương bạc áo nâu sồng

Ta về nơi ta vất vả
Mặc cho phố đựng phồn hoa
Ta về nơi xanh cây lá
Ngàn xưa nguyên thủy là nhà.

              Sáu Miệt Vườn
                  09/7/2016
READ MORE - NẮNG GIỜN QUA PHỐ CŨ - Thơ Sáu Miệt Vườn

CÁC PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM CỦA MẠC NGÔN - TS. Nguyễn Ngọc Kiên


                 

CÁC PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM CỦA MẠC NGÔN

                                              TS. Nguyễn Ngọc Kiên

Trong số trước chúng tôi đã giới thiệu khoa trương và phân loại khoa trương trong tác phẩm của Mạc Ngôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài về các phương tiện biểu thị khoa trương và ngữ dụng của khoa trương trong tác phẩm của Mạc Ngôn.
1. Khoa trương ở cấp độ từ / ngữ
1.1. Sử dụng tính từ / ngữ tính từ biểu thị khoa trương
Tính từ chuyên biểu thị ý nghĩa tính chất, thuộc tính thường có thể trực tiếp làm vị ngữ trong câu. Ví dụ:
(1) 李四说:你嘴要痒痒就放在树皮上蹭蹭!《牛》
(Lý Tứ quát: “Nếu miệng ngứa thì mày hãy cọ vào vỏ cây cho đỡ ngứa!” (Trâu thiến)
(2) 他骂我的话,那可是太难听了,姑姑说,对你们重复,脏了你们的耳朵,也脏了我的嘴。《蛙》
(Những lời chửi rủa của hắn dành cho cô quá sức khó nghe. Bây giờ mà nhắc lại cho các cháu e rằng sẽ làm bẩn tai các cháu, cũng làm bẩn mồm cô thôi.)
(Ếch)
Trong các ví dụ trên, (ngứa) và (bẩn) là những tính từ. Đặc điểm của chúng là có thể kết hợp với một danh từ để tạo thành một ngữ tính từ, 嘴要痒痒 (miệng ngứa) 脏了你们的耳朵 (bẩn tai),也脏了我的嘴 (bẩn mồm); khi đặt trong trong ngữ cảnh chúng sẽ mang ý nghĩa khoa trương.
Trong tiểu thuyết “Ếch”, Mạc Ngôn gọi Hoàng Thu Nhã là “bác sĩ sản phụ vĩ đại”; đây là khoa trương ở cấp độ thấp. Thông thường ta nói “nhà khoa học vĩ đại”, “lãnh tụ vĩ đại”, chứ “bác sĩ sản phụ vĩ đại” thì chỉ có ở Mạc Ngôn:
(3) 姑姑感慨地说,那时所有的人都疯了,想想真如一场噩梦,姑姑说,黄秋雅是个伟大的妇科医生,即便是上午被打得头破血 流,下午上了手术台,她还是聚精会神.《蛙》
(Nhưng Hoàng Thu Nhã vẫn là một bác sĩ sản phụ vĩ đại, thậm chí buổi sáng bị đánh cho sứt đầu mẻ trán thì buổi chiều bà ấy vẫn đứng trên bàn mổ, bà ta vẫn tập trung tinh thần.) (Ếch)
Ông cũng có lần gọi bà cô trong “Ếch” là “bác sản phụ thiên tài”; ví dụ:
(4) 姑姑是天才的妇产科医生,她干这行儿脑子里有灵感,手上有感觉。《蛙》
(Phải thừa nhận cô tôi là một bác sĩ sản phụ thiên tài, khi làm việc này hình như trong đầu cô luôn luôn có linh cảm, tay cô có cảm giác.) (Ếch)
Chúng tôi coi các từ “vĩ đại” và “thiên tài” có vai trò như những tính từ làm định ngữ cho danh từ trung tâm, vì thực tế trong các cụm từ khoa trương 伟大的妇科医生 (bác sĩ sản phụ vĩ đại), 天才的妇产科医生 (bác sĩ sản phụ thiên tài) yếu tố khoa trương là do hai từ này quyết định.
Trong câu, Mạc Ngôn còn kết hợp giữa động từ và tính từ để khoa trương thể hiện lực ngôn trung biểu thị sự đe dọa. Ví dụ:
(5) 他从拘留所被放出来后就放出狂话,谁敢 逼他去结扎,他就跟谁白刀子进红刀子出。《蛙》
(Sau khi rời khỏi trại giam, thái độ của ông ta càng trở nên ngang ngược hơn, điên cuồng tuyên bố: “Ai bắt ông đi thắt ống dẫn tinh thì sẽ được nếm mùi vị của lưỡi dao khi chọc vào cơ thể thì trắng rút ra thì đỏ!) (Ếch)
1.2. Sử dụng danh từ / ngữ danh từ biểu thị khoa trương
Trong tiếng Hán, từ 专家 (chuyên gia) chỉ một người giỏi về một chuyên môn nào đó; chẳng hạn: 经济专家 (chuyên gia kinh tế),技术专家 (chuyên gia kĩ thuật). Nhiều trường hợp, 专家 (chuyên gia) còn được dùng để chỉ người thường xuyên làm về một việc nào đó.
Chúng tôi cho rằng, bản thân danh từ đơn độc không thể thực hiện khoa trương. Danh từ thực hiện chức năng này phải có một trong hai điều kiện: a) phải kết hợp với một danh từ khác để tạo thành ngữ danh từ. b) phải được đặt trong ngữ cảnh. Chẳng hạn, nếu nói: 经济专家 (chuyên gia kinh tế) thì chỉ là cách nói thông thường; nhưng khi nói: 捞桶专家 (chuyên gia vớt gầu) hoặc: 迟到早退的专家 (chuyên gia đi muộn về sớm) thì đã có sự khoa trương, biểu thị sự châm biếm hài hước. Ở tiểu thuyết “Ếch”, Mạc Ngôn viết:
(6) 那天我的运气很好,一下子就把她的桶捞上来了。她赞叹道:嘿, 小跑,你真是个捞桶专家。《蛙》
(Ngày ấy mệnh của tôi sao mà tốt, rất nhanh chóng tôi vớt được chiếc gàu. Cô ấy cảm thán: “Ôi! Tiểu Bão! Cậu chính là “chuyên gia” vớt gàu!”) (Ếch)
Mạc Ngôn rất hay sử dụng những từ ngữ cố định sau để khoa trương thời gian: 一会儿 / 一下 (trong chốc lát), 一转眼 / 眨眼间 / 眨眼功夫 / 一转眼功夫 / 转眼间 / 一瞬间/ 瞬息 (trong chớp mắt/ trong nháy mắt). Ví dụ:
(7) 我说:刚才你还叫我老人家,怎么转眼就说我是小孩子了呢?《牛》
(Vừa rồi ông gọi cháu là lão gia, tại sao chỉ chớp mắt lại gọi cháu là đồ oắt con hỉ mũi chưa sạch?) (Trâu thiến)
(8) 杜大爷说:队长,要杀要砍随你,但是你不能骂我,我转眼就是奔70岁的人了。《牛》
(- Đội trưởng! Ông muốn giết muốn xẻo tôi thì tùy, nhưng không được chửi tôi – ông Đỗ tức tối nói – Chỉ cần nhắm mắt rồi mở mắt là tôi đã đủ bảy mươi rồi đấy). (Trâu thiến)
Trong (8) 转眼 (nháy mắt), dịch giả Trần Trung Hỉ đã chuyển ngữ sang tiếng Việt thành “nhắm mắt rồi mở mắt” làm câu văn càng trở nên sinh động.

1.2. Sử dụng số từ biểu thị khoa trương
(1) Số từ trong khoa học và trong ngôn ngữ.

Số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ. Dưới con mắt của nhà khoa học số từ đòi hỏi phải chính xác. Ngược lại, trong giao tiếp số từ không phải lúc nào cũng như vậy mà nhiều khi nó mang tính mơ hồ. Chính tính mơ hồ của số từ đã mang lại hiệu quả rất lớn trong sử dụng ngôn ngữ.

(2) Tính mơ hồ của số từ.

Một phát ngôn / câu mơ hồ là trong khi một biểu hiện duy nhất ở cấp độ ngôn ngữ này lại có thể hơn hai cách biểu hiện ở cấp độ khác. Mơ hồ thể hiện ở cấp độ từ, cấp độ ngữ và cấp độ câu.
Đương nhiên số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ nên nó cũng có tính mơ hồ. Tính mơ hồ của ngôn ngữ chủ yếu là tính không xác định của nó. Các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan là rất phong phú, đa dạng, đa sắc màu. Mâu thuẫn giữa sự vô hạn của không gian tư duy, năng lực tư duy và sự hữu hạn của vốn từ vựng trong ngôn ngữ để biểu đạt tư duy tất nhiên sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ. Vì vậy, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, sự mơ hồ và sự chính xác là một cặp mâu thuẫn vừa mang tính đối lập vừa mang tính thống nhất.
Hơn nữa, tính mơ hồ của con số là do tính mơ hồ về tư duy quyết định. Hoạt động tư duy của nhân loại ngoài những hoạt động chính xác, rõ ràng còn tồn tại khái niệm mơ hồ, phán đoán mơ hồ, suy lí mơ hồ, được phản ánh trong hoạt động ngôn ngữ và sẽ làm nảy sinh cách biểu đạt mang tính mơ hồ. Cho nên, tính mơ hồ của các con số tồn tại như một lẽ tất yếu. Ví dụ:
(9) 电是煤发的,煤是人挖的,挖煤不容易,地下三千尺,如同活地狱!《蛙》
(Điện từ than đá mà ra, than đá là do người đào lên, được một xẻng than chẳng dễ chút nào, phải đào sâu đến ba ngàn thước, chui vào đó chảng khác nào xuống địa ngục!)
Cũng cần khẳng định rằng, tính mơ hồ của các con số có mối quan hệ không thể tách rời với văn hóa của mỗi dân tộc. Các dân tộc khác nhau ưa chuộng sử dụng những con số khác nhau. Chẳng hạn, người Hi Lạp thích dùng số “60” và bội số của “60”. Trong văn hóa Hi Lạp, con số “360” được sử dụng với ý nghĩa “nhiều”; ở đây, “360” đã mất đi ý nghĩa gốc của số từ, mà chỉ còn mang nội hàm văn hóa nhất định. Chẳng hạn: The number of students in the hall is only 360 (lots) (Số sinh viên trong hội trường này rất nhiều. [nghĩa đen:360 người] )
Trong khi đó, người phương Đông lại thích dùng con số “10” và những số “gấp mười” 10, 100, 1000 v.v…Tuy nhiên, điều này cũng không thật tuyệt đối, mà còn phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng ngôn ngữ trong từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, con số “ba” và “nghìn” trong ví dụ sau:
(10) 他们说我们双脊的肉和内脏里含着一种沙门菌,这种菌在三千度的高温下还活蹦乱跳,放到锅里煮,煮三年也煮不死它。《牛》
(Họ bảo rằng trong thịt và nội tạng của con (trâu) Song Tích của chúng tôi có chứa một loại vi khuẩn vô cùng độc hại [nguyên văn: vi khuẩn sao – mân], trong nhiệt độ ba nghìn độ C gì đó vẫn còn có thể chạy nhảy tung tăng, bỏ vào nồi đun thì cho dù có đun ba năm cũng không giết được nó.) (Trâu thiến)

(3) Mơ hồ về ngữ dụng của các con số

Ý nghĩa nguyên thủy của các con số là biểu thị hàm ý chính xác; nhưng trong một ngữ cảnh nhất định, ý nghĩa của số từ phải suy ra và hiểu theo nghĩa rộng vì nó không biểu thị số thực, chính xác mà biểu thị số hư, mơ hồ. Nói chung, sự mơ hồ ngữ dụng của các con số có mấy trường hợp sau:
+ Sự mơ hồ ngữ dụng do khoa trương
Nói chung, sự mơ hồ ngữ dụng của các con số có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó là do khoa trương mà ra.
Trong trường hợp này, tính mơ hồ của số từ chủ yếu là do biểu đạt khoa trương với ý nghĩa: số lượng rất nhiều, trình độ rất cao, phạm vi rất rộng, thời gian rất dài, cự li rất xa v.v… Đặc biệt là trong văn học, các tác giả thường sử dụng các số từ “trăm”, “nghìn”, “vạn” với nghĩa “nhiều” làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của độc giả. Khoa trương con số nhiều khi còn gắn với yếu tố văn hóa. Chẳng hạn, con số 500 năm trong “Trâu thiến” khiến ta liên tưởng tới Tôn Ngộ Không bị giam cầm 500 năm ở Hoa Qủa Sơn Thủy Liêm Động trong truyện “Tây du kí”:
(11) 真正的大能人在这里呢,陈鼻指指袁腮,说:这人,上知天文,下知地理,五百年前的事他全知道,五百年后的事他知道一半。你应该拜他为师。《蛙》
(Người bản lĩnh chân chính đang có mặt ở đây – Trần Tị chỉ vào , Viên Tai nói: – Người này trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, chuyện năm trăm năm trước thuộc như đường chỉ trong lòng bàn tay, chuyện năm trăm năm sau biết một nửa. Chú nên bái cậu ấy làm sư phụ thì đúng hơn). (Ếch)
Sự sử dụng kì diệu ý nghĩa mơ hồ của các con số trong những câu văn đã đạt được những hiệu quả nhất định của khoa trương. Tính khoa trương và tính mơ hồ của số từ đã đạt được sự thống nhất hài hòa được thể hiện trong các tác phẩm văn học, trong khi đó những con số chính xác không thể đạt được hiệu quả nghệ thuật cao như mong muốn.

+ Sự mơ hồ ngữ dụng do tác dụng “đệm chữ” của các con số
Cái gọi là tác dụng “đệm chữ” là khái niệm do Trần Vọng Đạo lần đầu tiên nêu ra trong “Tu từ học phát phàm”. “Có khi để nói năng khoan thai hoặc trịnh trọng một chút, người ta cố ý dùng mấy chữ không quan trọng kéo dài chữ quan trọng. Nó không biểu đạt ý nghĩa trên bề mặt con chữ mà chỉ có tác dụng phụ trợ trên bề mặt ngữ âm” [93]. Trong tiếng Hán, hiện tượng này rất phổ biến tạo ra các thành ngữ có chứa con số. Chẳng hạn: 一穷二白、三心二意、朝三暮四、四分五裂、五颜六色、七情六欲等等。Ví dụ:
(12)天老爷,我爹说,这那里是酒,就是龙涎凤血,也值不了这么多钱啊!麦子八毛钱一斤,一瓶酒,值一万斤麦子?《蛙》
(Trời ạ! Bố tôi kêu lên – Đây đâu phải là rượu, là máu rồng máu phượng chưa chắc đã đắt hơn! Một cân lúa mạch tám hào, một bình rượu ngang bằng với mười nghìn cân lúa mạch..) (Ếch)

1.3. Sử dụng động từ biểu thị khoa trương

Mạc Ngôn có biệt tài khoa trương động tác (sử dụng động từ khoa trương). Vì vậy, trong truyện của ông thường có những tình huống hài hước, bất ngờ. Độc giả không khỏi phì cười khi đọc đến đoạn ông bác sĩ phòng mạch tư trong “Mĩ nhân băng tuyết” yêu quý cái bình trà đến mức:
(13) 我听婶婶说,他每天早晨坐马桶时,都要把沏满开水的茶缸子放在面前的小凳子上, 一边出恭,一边进水。
(Thím tôi bảo, sáng nào vào nhà vệ sinh ông cũng phải đem theo vại trà đổ đầy nước sôi vào theo, đặt trên ghế đẩu nhỏ, vừa đi ngoài vừa uống nước. ) (Mĩ nhân băng tuyết)
Đoạn miêu tả ông nội với những âm thanh và động tác hết sức sống động và đầy “ấn tượng”:
(14) 一个时辰后,姑姑说大爷爷到厕所里 去,拉了个唏哩哗啦,似乎连肠子都拉了出来。《蛙》
(Một tiếng đồng hồ sau, ông nội đi vào nhà vệ sinh, bên ngoài chỉ nghe những âm thanh kéo dài, cô nói, hình như ruột non ruột già của ông nội đã tuồn cả ra ngoài.) (Ếch)
Tuy nhiên, đoạn miêu tả người đỡ đẻ như thế này thì có phần hơi quá:
(15) 姑姑说她 们用擀面杖挤压产妇的肚子。她们还用破布堵住产妇的嘴巴,仿佛孩子会从嘴巴里钻出来一样。姑姑说她们一点解剖学知识都没有,根本不了解妇女的生理结构。姑 姑说碰上难产她们就会把手伸进产道死拉硬拽,她们甚至把胎儿和*一起从产道里拖出来。《蛙》
(Cô tôi còn nói, họ thường dùng chày cán bột đè lên bụng sản phụ, lại còn dùng những tấm giẻ rách nhơ bẩn nhét vào miệng sản phụ trông chẳng khác nào họ sơ đứa bé sẽ tòi ra từ miệng của người mẹ vậy. Cô nói, mấy “lão bà bà” này không có một chút kiến thức nào về giải phẫu học, về căn bản là không hiểu một tí gì về kết cấu sinh lí của phụ nữ, gặp phải những ca đẻ khó, họ thọc tay vào trong lỗ đẻ mà khuấy, thậm chí là cùng lúc lôi cả thai nhi và tử cung ra ngoài!) (Ếch)
Như vậy, động từ khoa trương có thể đem lại những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí. Đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh thì mới có thể thực hiện khoa trương. Mạc Ngôn thường sử dụng động từ khoa trương trực tiếp như trong (13), (14) và (15). Ông còn sử dụng động từ khoa trương gián tiếp. Chẳng hạn, trong “Trâu thiến” tác giả dùng động từ 哆嗦 (run) để nhân cách hóa:
(16) 杜大爷背靠着铁门,浑身哆嗦,哆嗦得很厉害,哆嗦得铁门都哆嗦。《牛》
(Ông Đỗ vẫn ngồi im, dựa lưng vào cổng sắt, toàn thân đang run, không phải run nhẹ mà run lên bần bật, run đến nỗi cái cổng bằng sắt cũng run theo.) (Trâu thiến)
Mạc Ngôn rất hay sử dụng các động từ mạnh như “treo cổ”, “móc mắt”, “lột da”, “cắt chân” khi biểu thị lực ngôn trung khi thể hiện hành vi cảnh báo, đe dọa hoặc thề nguyền, cam kết. Ví dụ:
(17) 你休想,王仁美把一面镜子摔在地上,大声喊叫着,孩子是我的,在我的肚子里,谁敢动他一根毫毛,我就吊死在谁家门槛上. 《蛙》
(…con là của tôi, nó nằm trong bụng tôi. Ai dám động đến một sợi lông của nó tôi sẽ treo dây lên xà nhà của người đó thắt cổ chết.) (Ếch)
(18) 王脚说:肖下唇你个小杂种,你要敢动王肝一指头我就挖出你的眼珠儿!《蛙》
(Vương Cước nói: “Mày là đồ tạp chủng. Mày dám động đến một sợi tóc của Vương Can là tao móc đôi mắt mày ra!”) (Ếch)
(19) 我把他的话向姑姑转述后,姑姑杏眼圆睁,银牙顿挫地说:总有一天,我要亲手劁了这个杂种!《蛙》
(Khi đem những lời của lão Tiêu kể lại với cô, đôi mắt cô trợn tròn vo, nghiến răng mím lợi nói:
“Rồi sẽ có một ngày, chính tay cô sẽ lột da lão tạp chủng này!”) (Ếch)
(20) 田桂花,你要再敢给人接生,就把你的狗爪子剁了去!《蛙》
(Điền Quế Hoa, bà còn dám tiếp tục đỡ đẻ nữa, tôi sẽ cho dân quân cắt hết mấy ngón tay chó của bà!”) (Ếch)
(21) 他十条狗命也不值小珍子一条命,只要小珍子平安无事,要我身上的肉我也割。《大风》
(Mười cái mạng chó của nó cũng không đáng giá bằng một mạng của cô nhà, chỉ cần cô nhà bình an vô sự thì nếu có cần thịt trên người tôi cũng cắt.) (Đại phong)
1.4. Sử dụng thành ngữ khoa trương
“Thành ngữ là một cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác với tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu tạo thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt trong câu”. [4, tr.271]
Xét về vai trò ngữ pháp trong câu, thành ngữ là đơn vị tương đương với từ; vì vậy chúng tôi đã xếp thành ngữ vào mục này. Thành ngữ khoa trương trong văn Mạc Ngôn hết sức đa dạng và phong phú. Có thể kể sơ lược mấy loại sau (các thành ngữ được in đậm, gạch chân):

(a) Thành ngữ có chứa từ chỉ động vật
(22) 一个时辰后,姑姑说大爷爷到厕所里 去,拉了个唏哩哗啦,似乎连肠子都拉了出来。然后就慢慢地好起来,两个月后就精神健旺生龙活虎了。《蛙》
(Sau đó thì ông nội tôi cũng dần dần trở lại bình thường. Hai tháng sau, tinh thần lẫn sức lực đều có thể so sánh với rồng với hổ) (Ếch)
(23) 我感到身上一阵阵发冷,胳膊上爆出了一层鸡皮疙瘩。
(Tôi cảm thấy hơi run, toàn thân đồng loạt nổi da gà.) (Trâu thiến)

(b) Thành ngữ có chứa từ chỉ bộ phận cơ thể
(24) 从医学院进修回来后,更是如虎添翼,胆大包天,世上有人不敢生的病,没有他不敢下的刀子。《冰雪美人》
(Hai năm chuyên tu ở Học viện Y khoa tỉnh, chú tôi như hổ thêm cánh, to gan lớn mật [nguyên văn: gan bao cả trời], chỉ có bệnh người đời không dám mắc chứ không có dao nào chú tôi không dám mổ.) (Băng tuyết mĩ nhân)
(25) 后来她见了我就横眉立目,我见了她 就点头哈腰。《牛》
(Sau ngày ấy, mỗi lần gặp cô ta là cô ta giương mày trợn mắt, còn tôi vừa trông thấy cô ta là đã cúi đầu khom lưng) (Trâu thiến)
(c) Thành ngữ có chứa các con số
(26) 见过她接生的女人或被她接生过的女人,都佩服得五体投地。《蛙》
(Những người đàn bà từng chứng kiến cô tôi đỡ đẻ đều bái phục cô sát đất) (Ếch)
(28) 姑姑看到了炕上的情景就感到怒不可遏,用她自己的话说叫做火冒三丈。《蛙》
(Trông thấy tình cảnh ấy, cô tôi không kiềm chế được giận dữ, nếu nói theo lời của cô tôi thì đó là “lửa bốc lên cao ba trượng”.) (Ếch)
(d) Thành ngữ nhân cách hóa
(29) 那字是他自己写的,一个个张牙舞爪,像猛兽一样,看着就让人害怕。
(Chữ do chú tôi tự viết, chữ nào chữ nấy nhe nanh múa vuốt chẳng khác nào thú dữ ai nhìn thấy cũng phải sợ.)
(30) 她是南极最高峰上未被污染的一块雪。雪肌玉肤,冰清玉洁,真正的,不搀假的。《丰乳肥臀》
(Chị là khối tuyết trên đỉnh núi ở châu Nam cực, không hề vẩn bụi. Trong ngọc trắng ngà, hoa nhường nguyệt thẹn, một cái đẹp đích thực.)
(e) Các trường hợp khác
Mạc Ngôn còn sử dụng thành ngữ có gắn với yếu tố lịch sử. Ví dụ:
(31) 但她在王肝眼里是天下第一美人,说文雅点,这叫 情人眼里出西施;说粗俗点,这叫王八瞅绿豆,看对眼了。《蛙》
(Nhưng trong mắt Vương Can, “Tiểu sư tử” lại là đệ nhất mĩ nhân trên thế gian này, nói văn vẻ một tí thì “trong mắt người đang yêu em bỗng hóa Tây Thi”)
Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn thành ngữ, Mạc Ngôn còn sử dụng thành thạo cách ngôn trong các đoạn hội thoại. Ví dụ:
(32) 她说:你们以为我真喝醉了?没那回事,姑姑我是千杯不醉。《蛙》
(Cô nói: Chúng bay nghĩ là ta đã say thật rồi à? Không có chuyện đó đâu. Cô đây nghìn cốc không say!). (Ếch)
“Nghìn cốc không say” có xuất xứ từ câu cách ngôn tiếng Hán: 酒逢知己千杯少/ 说不投机半句多 “Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu / Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (Uống rượu gặp tri kỉ nghìn chén vẫn còn ít / Nói chuyện mà không hợp thì nửa câu cũng bằng thừa.)
(Còn nữa)

Kì sau: Khoa trương ở cấp độ câu
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc Gia HN.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
4. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
言作品集- 小说在线阅读- 努努书坊

                                                           TS. Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - CÁC PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM CỦA MẠC NGÔN - TS. Nguyễn Ngọc Kiên