Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 26, 2016

CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG GIAI THOẠI - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                 Nhà thơ Yến Lan


CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG GIAI THOẠI  

Tâm sự của ba tôi trên báo “Tuổi trẻ”:
“Trong đời tôi, hai người để lại nhiều kỷ niệm đẹp nhất là Chế Lan Viên và Quách Tấn. Chúng tôi đã từng xem nhau như anh em ruột thịt, thề không bao giờ phụ nhau. Tôi học trên Chế Lan Viên ba lớp, lớn hơn ba tuổi. Hệt như có duyên số, hai đứa tôi gặp nhau, chơi thân nhau. Có cuốn sách hay, bài thơ nào hay chúng tôi đều đọc cho nhau nghe. Hồi tôi sống nương nhờ tại chùa Ông Bình Định, một hôm thấy một người đàn ông đi xe hàng đỗ gần đó đang cầm cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của Khải Hưng. Tôi nài nỉ mãi ông mới chịu cho mượn. Tôi chạy một mạch vào Thành, gõ cửa nhà Chế Lan Viên bảo: “Hoan ơi! Tao có cuốn sách này hay lắm” Thế rồi hai đứa thức đọc suốt tới gần sáng, kịp trả sách đúng hẹn vào 4h 30’sáng. Trong lòng hoan hỉ vô cùng!
  Lúc học ở Bình Định, tôi và Chế Lan Viên rất mê báo Phong hóa. Hai đứa bàn nhau làm báo. Bọn tôi mua thạch xoa về, khắc chữ lên rồi in ra giấy, bắt chước kiểu cách của báo Phong Hóa. Mỗi lần in 15 bản, bán cho bạn bè trong lớp. Tiền lời kiếm được dùng mua thạch xoa, tiếp tục in. Được một thời gian bọn tôi bị hiệu trưởng bắt phạt quì rồi cấm luôn “tờ báo”
  Chiều chiều, tôi và Chế thường bá vai nhau lên cửa Đông Thành Bình Định ngắm cảnh, bàn chuyện văn chương thi phú. Hai đứa đều trăn trở với dân Chàm, tháp Chàm nên bàn nhau viết “cái gì đó”. Thời gian này, Chế Lan Viên cho ra đời tập “Điêu tàn” nổi tiếng. Còn tôi tập “Giếng loạn” gồm 28 bài thơ, viết về kiếp đời của các Chiêm nương, tiếc thay chưa kịp công bố thì bị mất. 

Với  bác Quách Tấn
 “Tôi biết Quách Tấn khi anh xuất bản “Một tấm lòng” và “Mùa cổ điển”. Anh là người sống chân thật, yêu thương bạn bè hết lòng. Anh trọng lễ nghĩa, căm ghét sự lợi dụng. Đôi khi, anh trở thành kẻ gia trưởng. Thời gian Chế Lan Viên ra Hà Nội học, thường vào các thư viện chép thơ gởi về cho tôi và Quách Tấn thưởng thức. Còn tôi cũng thường chép những bài thơ hay trong các tạp chí đọc được gửi cho Hàn, Chế, và Quách Tấn. Có lần, Chế Lan Viên gửi thư cho chúng tôi: “Mình cố gắng thu gom những cái hay, cái đẹp để học tập. Hai cậu đừng ham chơi quá, phải cố gắng trau dồi kiến thức, chuyên tâm nghiên cứu văn học. Sau này đứa nào tiến lên thì không đợi những đứa kia đâu” Đọc thư xong, Quách Tấn khóc và bảo “Nói thế thì cũng đúng thôi, nhưng bạn bè thân thiết sao nó (Chế Lan Viên) lại răn đe mình như thế. Không lẽ thằng giỏi không giúp đứa dở cùng tiến hay sao?”  

 Anh Quách Giao con bác Tấn bổ sung:
   Tuy quen nhau rất muộn, nhưng Yến Lan đã có nhiều thời gian sống cùng Quách Tấn tại Nha Trang và Bình Định.  Năm 1941, sau khi Hàn Mặc Tử mất và Chế Lan Viên ra Thanh Hóa dạy học, Yến Lan vì buồn nên vào ở Nha Trang gần nửa năm. Công việc của Yến Lan chỉ ở nhà đọc sách khi Quách Tấn đi làm và dạy trẻ học. Tủ sách trong nhà gồm có sách chữ Pháp, chữ Hán và các sách báo trong nước. Yến Lan đọc và ghi chú các điều cần nhớ và hàng đêm đều đem ra thảo luận cùng với Quách Tấn. Hiện tại chúng tôi còn giữ được một tập ghi chép của Yến Lan về thơ Pháp và Trung Hoa dày trên 100 trang khổ giấy lớn A4.  (khi đọc tới dòng này tôi gọi điện cho anh Quách Giao để xin lại tập ghi chép này nhưng anh không cho dù chỉ là tập photo)      

  Chúng tôi mỗi khi đi học về đều quanh quẩn bên chú Lang và được chú chỉ bảo và dạy thêm về các bài vở ở nhà trường. Chú giảng, dạy rất dể hiểu và nhiều lý thú. Ngoài ra chú còn dạy tôi học thuộc những bài thơ lục bát của Tản Đà, những bài ca dao. Má tôi quý và thương yêu chú Lang như em ruột.
  Những kỷ niệm giữa ba tôi và chú Lang thường được tôi chứng kiến, vì khi đi chơi biển hoặc viếng cảnh Tháp Bà, Hòn Chồng hay các thắng cảnh khác tôi đều được cho đi theo. Đi Hòn Chồng thì tôi thích thú khi được chú Lang chỉ cho cách ngắm cảnh nước non theo kiểu chổng khu nhìn cánh vật qua hai chân và đầu lộn ngược. Bài thơ lộn ngược viết vào thời khắc khi về già nhưng chắc ông đã nhớ lại cái ngày xa xưa ấy.
Soi mặt nước giếng thơi / Kìa mây bay dưới tóc / Con trẻ thấy trò vui /Ưa cái nhìn lộn ngược
                                                                                                    
Lộn ngược 12/1987
    Tôi say sưa nghe những câu chuyện về bàn tay ông Khổng Lồ còn in lại trên vách đá và nhất là những bài thơ vịnh Hòn Chồng của chí sĩ Trần Quý Cáp và của cụ Thuần Phu Trần Khắc Hành. Sở dĩ tôi luôn luôn có mặt trong các cuộc thăm viếng thắng cảnh vì ba tôi và các thân hữu thường chỉ đi vào ngày chủ nhật.
    Nhà tôi ở bên cạnh một ngôi đình tên là Đình Xương Huân. Đình có cây me lâu năm, tàn xõa trùm lên ngôi nhà bếp của chúng tôi. Đến mùa me có trái, thấy chúng tôi nhìn chùm me chín mà thèm song không thể nào hái được. Chú Yến Lan bắt thang leo lên mái nhà hái đem xuống cho chúng tôi. Vừa khi ấy ba tôi đi làm về. Chú Lang sợ ba tôi rầy nên vừa đánh đu trên nhánh me vừa cười giả lả: - Anh Tấn ăn me chín được không?
  Ngưỡng mộ tấm lòng của chú nên hình ảnh hái me vẫn sống mãi trong lòng ba tôi. Trong hồi ký ba tôi có viết:
 “Hình ảnh ấy trong mấy mươi năm vẫn sống trong lòng tôi. Mùa thu năm Mậu Thân (1968) lòng bỗng nhớ Yến Lan da diết, tôi ra đứng tần ngần dưới gốc me. Bổng một trận lá me vàng tuôn xuống làm sống dậy bóng dáng cố nhân! Gần 15 năm ly biệt, không một tin đưa! Bồi hồi, ảo não tôi viết được một bài lục bát:
Me thu lã chã mưa vàng /Bóng thu hiu hắt bóng chàng năm xưa
Bấy chầy cách trở nắng mưa / Đời Ly Tao ngọt hay chua hỡi lòng.
  Thời tiền chiến, nhờ sống trong một môi trường an lành, sung túc nên tình bạn chỉ biết vui trong niềm vui gia đình, bạn hữu. Mùa hè sống với trời mây biến cả. Tết, ngao du Bình Định, Nha Trang.

    Kỷ niệm đầy đủ và nên thơ nhất là tình bạn sum vầy dưới khóm mận trước sân. Cây mận sống đã lâu năm, cành lá sum suê tỏa bóng mát đầy sân là nơi ba tôi và các bằng hữu thường trải chiếu hoặc bắt ghế ra ngồi trong nhưng buổi trưa. Khi mận ra hoa thì râu hoa rụng đầy sân như tuyết phú, khi trái chín thì màu đỏ của trái làm ngây ngất lòng thi nhân. Cảnh mận ra hoa, mận chín và sự sum họp của bạn hữu chứa chất vào trong thơ của ba tôi. Như
Gốc mận ba cành huê lại huê / Đường xa ba bạn mãi chưa về.
Bóng sân trải chiếu chờ tin mộng / Bướm chập chờn hương gió bốn bề.
   Sau hiệp định Geneve (1954) Yến Lan và gia đình tập kết ra Bắc, Quách Tấn và gia đình trở lại Nha Trang. Trước khi chia tay hai người thơ gặp nhau tại Bồng sơn trong một buổi học tập chính trị. Lúc giải lao hai người sánh vai nhau dưới bóng dừa. Nghe Yến Lan nói sắp phải tạm xa nhau. Quách Tấn khuyên Yến Lan nên ở lại vì đi tập kết chỉ có hai năm. Yến Lan tuy ưng thuận song còn ngập ngừng nên gởi cho Quách Tấn ba bản thảo: hai tập thơ “xa Xăm” và “Kết Giao” cùng một tập kịch thơ “Bòng Giai Nhân”. Sau đó thím Yến Lan vào Nha Trang và nhận nơi Quách Tấn một bức thư gởi cho Yến Lan tin cho biết tên tỉnh trưởng Phú Yên là Lương Duy Ủy đã có kế hoạch thủ tiêu những người ở lại (trong đó có Yến Lan) vậy Yến Lan nên đem gia đình đi tập kết.
   Suốt hai mươi năm trời (1955-1975) kẻ Bắc người Nam lòng thương nhớ không lúc nào nguôi
Nước chia đôi nhà cũng chia đôi / Anh Nam em Bắc bạn phương trời
Chờ mong mộng luống chìm theo mộng / Thương nhớ lời không dám rỉ lời
Trong những ngày xa cách, Yến Lan có viết một bài thơ nhan đề “Nhà Tôi Đó” đề tặng Quách Tấn. Bài thơ làm tháng 6 năm 1957 dài 227 câu. Có những đoạn như:
Anh từ bảy bến đò cách quãng
Tìm đến nhau như vệt nắng vàng hanh
Và cảm động nhất là đoạn kết:
Chính anh đang đi trên đường phố Chợ
Chân dừng lại trước gian nhà tôi ở
Nhịp bước rộn ràng động thức mấy cây xoan
Anh lại gần
Gọi khẻ: “Yến Lan
Gió đã lạnh hãy mặc thêm chiếc áo
Đốt điếu thuốc và cùng mình đi dạo”….   

 Thi sĩ Bích Khê với tứ hữu Bàn Thành

            
                                         Bàn Thành Tứ Hữu

  Bích Khê và Hàn Mặc Tử:
  Hàn Mặc Tử là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 mất vào ngày 11.11. 1940; quê Quảng Bình, đã xuất bản tập thơ “Gái quê” 1936. Năm 1935, tại Phan Thiết, Hàn Mặc Tử quen cô thiếu nữ có khuôn mặt bầu bỉnh dễ thương. Đó là cháu gọi Bích Khê bằng cậu. Từ sự đam mê thơ của Tử, cô thường đem thơ Tử khoe với cậu và ngược lại, lấy thơ cậu cho Tử xem và họ trở nên thân thiết. Ban đầu, đọc thơ nhau, Tử và Khê không ai phục ai. Đến khi, đọc “Hương thơm và mật đắng” thì Bích Khê đã thốt lên: “Hàn Mặc Tử đã đi trước ta quá xa, đây hẳn là thiên tài!”. Còn Tử, sau khi đọc ba bài thơ Bích Khê gởi tặng (đầu năm 1938) “Thi Tứ” “Ảnh  ấy” “Thời gian” liền nhận ra ở Bích Khê một tài năng thơ, khiến người đọc đê mê da diếc. Hàn biên thư khích lệ để Khê làm được bài nào gửi ra bài ấy. Song, Hàn thất vọng, vì không chọn được bài nào trong số đó, bèn trả lại kèm thư chọc quê Khê cốt để bạn tự ái mà viết hay hơn. Quả nhiên, sau khi đọc thư Hàn, Bích Khê trút giận vào tập thơ, xé nát không chút luyến tiếc. Cơn giận lui, Bích Khê tự thách thức: “Trong sáu tháng sẽ trở thành một thi sĩ phi thường, bằng không, sẽ không bao giờ làm thơ nữa.” Nhưng, chỉ ba tháng sau, một khát vọng sống, khát vọng yêu và khát vọng thi ca làm cho nguồn thơ vô tận từ trái tim Bích Khê tràn ra đầu bút. Ông hoàn tất đúng như ý nguyện; mỗi chữ, mỗi câu thơ đều thể hiện tình yêu đôi lứa mạnh như bom tấn; chân thật mà lãng mạn, mãnh liệt mà không sáo rổng, mang sắc thái của dòng thơ mới, rất lạ và độc đáo. Áng thơ chất chứa cả tinh huyết, dung mạo của ông qua bao đêm miệt mài, ông phờ phạc, tóc ở thái dương bạc trắng! Ông gửi vào cho Hàn. Quả nhiên, ngốn hết tập thơ, không có chỗ nào để chê bạn được nữa. Bằng sự trân trọng và ngưỡng mộ, Hàn viết lời tựa tập thơ:
   “Một bông hoa lạ nở hương, thứ hương quí trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc”. Sau đó Hàn giới thiệu Bích Khê với nhóm “Tứ Linh”
  Bích Khê đến với Hàn, lúc Hàn đang mang căn bệnh quái ác nhưng Tử không thấy mặc cảm với Bích Khê, vì Khê đối xử với Hàn quá ư triều mến, thân thiết; như nắm tay, ôm choàng bạn mỗi khi gặp Tử. Một cử chỉ không thể có, ngay cả với người thân trong gia đình, làm mềm lòng Tử. Thật tiếc! đôi bạn tài hoa và nặng tình ấy, gần nhau chưa tới ba mùa xuân thì Tử bị gom vào nhà thương Qui Hòa. Thương nhớ bạn, Bích Khê viết bài “Hàn Mặc Tử” được  Quách Tấn và Chế cho là giai tác. Bài thơ chưa kịp đến an ủi Tử, thì Bích Khê nhận hung tin Tử qua đời. Thơ nhớ thành thơ điếu bạn.! 
                             
Với Quách Tấn
  Năm 1941, qua giới thiệu của Tử, Bích Khê đến Nha Trang tìm gặp Quách Tấn. Lần đầu gặp mà hai người như đã thân nhau lâu rồi. Nhà bác Tấn lúc đó là điểm hẹn văn hóa. Các văn sĩ tứ xứ, ai có máu nghệ sĩ đều đến đây nghỉ chân và gửi lại Trường Xuyên (bút hiệu Q. Tấn) văn, thơ và bản thảo. Vì lẽ đó, mà Bích Khê đã lưu lại đây một thời gian để nghiền ngẫm, nghiên cứu và giao lưu cùng bạn văn chương…  

  Từ nơi này, Bích Khê đã hấp thụ những tinh hoa của thơ Đường, và là nơi Bích Khê tiếp cận cả nền văn học Đông-Tây-Kim-Cổ. Đặc biệt hầu như toàn bộ những tác phẩm của Hàn  Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên đã xuất bản đều có trên giá sách nhà này. Lúc đầu Bích Khê cố lưu lại thêm vài hôm nữa để gặp các bạn nhưng thấy bệnh không thuyên giảm lại càng nặng thêm, Bích Khê đành cáo lỗi về quê cho dù bác Tấn can ngăn bằng lời khuyên hãy chửa khỏi bệnh rồi hãy về; song le, Bích Khê vẫn một mực từ chối.
  Thế rồi thời loạn lạc đến, bác Tấn tản cư về Trường Định - không lâu sau đó thì nhận được tin Bích Khê qua đời, thương bạn bác viết : Ngắm vội trời Thiên Ấn / Cố Nhơn ơi cố nhơn / Bóng theo Hàn Mặc Tử / Tâm gửi Ngũ Hành Sơn / Danh vọng đài mây vút / Anh Ba biển sóng dồn / Đã hay nghìn tuổi thọ / Thương nhớ lụy đói cơn.

 Với Chế Lan Viên 
   Năm 1937, Chế Lan Viên nổi tiếng trong cả nước với tập thơ “Điêu tàn”. Bích Khê sửng sốt thốt lên rằng “cậu bé này quả nhiên là một thần đồng”, ông tìm cách gặp Chế. Người trong giới bảo thơ Chế và Khê giống nhau; có cùng tâm thức và thịnh tình với các nhà thơ phương Tây như Valery,  Bauderlaire, Edga v.v... Lúc Bích Khê đang điều trị ở viện bài lao Pasquier, chú Chế và chú Nguyễn Đình có đến thăm. Khi chia tay, Bích Khê buồn, nói qua làn nước mắt: “Bao giờ mình gặp lại nhau nữa! mà chắc gì chúng ta còn có dịp gặp lại ?!

  Cuối năm 1943 Bích Khê gửi tập “Tinh hoa” vào Nha Trang, nhờ Chế đề tựa sẵn chờ có tiền sẽ xuất bản. Chú Chế nhận lời, đọc hết tập thơ. Một cảm giác lạ như có dòng điện chạy qua sống lưng, cảm giác hiếm hoi ở Chế khi đọc thơ bạn, mà bấy giờ chú đã dành những lời châu ngọc để ca ngợi về tài thơ của Khê, và đã viết sẵn lời tựa. Song, cuộc đảo chính của Nhật hất Pháp; chiến tranh bùng nổ...cảnh ly biệt.., Chế đành gác lại. Rồi, Bích Khê qua đời! Món nợ với người quá cố đeo đẳng mãi trong Chế. Đến năm 1987, bạn văn và gia đình Khê đã cất công tìm rồi tập họp di cảo của Bích Khê giao lại cho Chế. Nhờ vậy, chú Chế đã hoàn thành việc mà Bích Khê ký thác hơn nữa thế kỷ qua.

 Với Yến Lan
  “Tiền và Hậu Ngũ hành sơn” là hai bài thơ nổi tiếng của Bích Khê được Chế Lan Viên đánh giá cao hơn bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình chép được khi đến thăm Bích Khê, tặng lại cho Yến Lan.  Yến Lan xem thơ, mến phục tài Bích Khê và muốn gặp bạn để thật tỏ tường.
  Trên đời này, mọi sự gặp gỡ nhau có lẽ do trời xếp đặt. Một chiều thu, ba tôi đang trầm tư trước tờ giấy kẻ ô vuông với những câu thơ đang làm dở. Đột nhiên, một thanh niên xuất hiện với chiếc túi nhỏ trên vai. Tuy chưa xưng danh, nhưng ông nhận ra người lữ khách giang hồ gầy guộc, nước da xanh, thoảng húng hắng ho là tác giả những vần thơ: (Kim, Mộc, Hỏa, Thổ lạy/Trên, dưới, đất, Trời chầu) Ông vui vẻ đỡ chiếc túi xách trên vai bạn rồi đưa vào gian nghĩa tự chùa - nơi trước đây đã gặp Hàn Mặc Tử, Nguyễn Công Hoan. Bích Khê lúc này, trông mỏi mệt. Ông ở lại chùa hai ngày rồi vào Nha Trang, tìm thầy chữa bệnh. Biết bạn đang mang bệnh hiểm nghèo (bệnh lao thời đó thuộc loại khó chữa), Yến Lan nghĩ chắc bạn rất cần sự giúp đỡ nên sắp xếp việc nhà rồi vào Nha Trang gặp bác Tấn bàn cách giúp Bích Khê. Sự giúp đỡ của họ đối với Bích Khê được Báo Kiến Thức & Ngày Nay số 206 ngày 20-4-1996 ghi theo lời kể của ba tôi-nhà thơ Yến Lan qua bài viết:                                                 
 “Tiếng gọi đò trên Bến My Lăng”  
Tôi quen Bích Khê khi anh lâm bệnh nặng. Lúc đó tôi dạy học cho trẻ em hàng xóm kiếm sống. Tôi thương Bích Khê và phục tài anh lắm. Tôi bàn với Quách Tấn đưa Bích Khê vào Nha Trang tìm cách nuôi nhau. Chúng tôi góp tiền thuê một nhà nhỏ ở phường Củi cho Bích Khê. Ở Nha Trang được một thời gian ngắn, Bích Khê không nói lời nào bỏ đi, chúng tôi chia nhau đi tìm, nhưng không thấy. Chính Nguyễn Đình đã vô tình gặp lại Khê. Bọn tôi, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình bàn đưa Bích Khê ra Huế chữa trị, an dưỡng. Về kinh tế tùy theo hoàn cảnh từng người giúp Bích Khê. Tôi chưa vướng bận vợ con, mỗi tháng góp 30đ, Chế Lan Viên phải nuôi cha mẹ già và hai chị, góp 10đ, Nguyễn Đình 20đ, Quách Tấn có vợ, con đông, góp 20đ. Chị Tấn đảm nhận việc thu và gửi ra tận viện Pa-ski-ê cho Bích Khê.”  Một thời gian sau, tôi nhận được phong thư viết bằng bút chì. Ngoài bì thư đề:

Kính gửi : Ông Yến Lan

Yến Lan!
Mình rất cảm ơn cậu và các bạn đã chăm lo cho mình. Bây giờ mình không còn chịu đựng được nữa, mình đành vĩnh biệt cuộc sống, vĩnh biệt bạn bè!”
                                                                                   Ký tên:Bích Khê

  Tôi trích bài này là để chứng minh “nói có sách, mách có chứng”, lý do có người cho rằng tôi bịa. Vì mối quan hệ của các ông Quách Tấn, Yến Lan, Bích Khê, Chế Lan Viên thời đó đều được bác Tấn đưa vào hồi ký nhưng trong hồi ký lại không có từ nào nói tới vấn đề này (Vì con số quá chi tiết - không tế nhị). Tôi nghĩ đã đến lúc mình cần thành thật với chính mình rồi..!  


                                                                             Lâm Bích Thủy

No comments: