Phần 1: ĐƯỜNG 9
Bút ký của Chế Cẩm Đình
Đã thật lâu rồi tôi mới có
dịp trở về để đi lại trên con đường máu thịt của
quê hương. Đường 9, đường 9.
Khởi đầu từ ngã ba cạnh bến
xe Đông Hà cũ, kéo dài qua tới bờ sông Mekong ở thị xã
Savanakhet bên Lào với tổng chiều dài gần 350 km bao gồm
cả đoạn nối dài xuống Cửa Việt mới sau này. Được
mở ra từ xa xưa khi cư dân cổ của hai vương quốc
Champa và Ai Lao qua lại theo nhu cầu trao đổi hàng hóa.
Khi châu Ô châu Rí được cắt cho Đại Việt dưới thời
Trần thì con đường này cũng có chủ nhân mới là người
Việt và ngay lập tức dòng chảy giao thương trở nên ồ
ạt dẫn đến việc hình thành một Cam Lộ sầm uất và
trù phú bên bờ sông Hiếu, có vai trò là trung tâm mua bán
trao đổi sản vật giữa hai vùng dưới xuôi lên và trên
thượng về.
Qua Km số 10, tay phải là điểm
cuối quốc lộ 15 nay là đường HCM tận ngoài Hòa Bình
vào. Trên trục đường ngang đó, bao nhiêu là địa danh
Cồn Tiên, Vĩnh Trường, Bến Tắt, Bến Quan gắn liền
với những vòng lốp xe ben năm xưa tôi cầm lái, nhớ ôi!
Lên một chút ngó tay trái là
đường vào Cùa. Nơi có hạt hồ tiêu cay xè tới tận Âu
châu bằng đường biển của các thương gia Ả Rập từ
mấy thế kỷ trước. Lại có giống mít nài thân lớn
được thâu mua làm cột nhà xưa. Thành Tân Sở chỉ còn
dấu tích, nhưng anh linh của phong trào Cần Vương hiển
nhiên vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người nơi cuộc
đất được vua Hàm Nghi lựa chọn làm chốn thoát lui sau
sự biến kinh đô thất thủ.
Xe qua Tân Lâm ở Km25, cũng là
vùng đất đỏ trồng được hồ tiêu và cao su. Nơi đây
ngày trước được viện trợ bởi Đông Đức lập nên
nông trường trồng cây công nghiệp xuất khẩu kiểu mẫu
thay thế cho mô hình hợp tác xã dưới xuôi. Những đậu
phộng, thuốc lá, hồ tiêu, ớt trái phơi khô xuống tàu
qua nước bạn đổi về xe máy Simson với xe đạp Mifa và
thuốc men y tế.
Đổ dốc Đầu Mầu, ngày nay đã
có chiếc cầu lớn đi thẳng thay cho con cầu cũ uốn tròn
theo vách núi dựng đứng với mấy cái am lớn bên vệ
đường để xe cộ qua lại thắp hương những người xấu
số chết bởi tai nạn nơi đây, mỗi năm đến mấy vụ
vì khuất tầm nhìn. Từng có oan hồn một em gái xấu số
không hóa thân được, đêm đêm hiện hình đón xe đò về
nhà tận Ngã Tư Sòng, cứ xin về đến nhà sẽ trả đủ
tiền nhưng xuống xe thì biến mất, lái xe gõ cửa hỏi
nhà chổ em xuống thì mới biết là em đi chơi cùng bạn
bè trong lớp, lúc về lật xe chết ngay giữa cầu.
Vượt dốc cây số 32 vào đất
Hướng Hiệp, xã đầu tiên của huyện Dakrong. Ngay vòng
cua chân dốc, đường 9 thầm nói lời chia tay với dòng
suối La La bên mạn phải là nguồn của sông Hiếu, để
chút nữa lên trên cặp sát dòng Krong KLang phía trái, chạy
dài lên tận chân đèo Rào Quán là nơi đầu nguồn của
con sông Thạch Hãn chảy dưới xuôi. Thị trấn huyện lị
ngay Km41 chỉ mới gần hai mươi năm tuổi, từ một trạm
dừng của thuế vụ bên đường năm nao giờ đỏ au mái
ngói cơ man nào cơ quan, trường học và cả nhà dân. Nơi
đây đồng bào Vân Kiều ở lẫn với người Kinh lên
buôn bán, sinh sống và làm việc, lâu dần nói tiếng lơ
lớ như nhau.
Những mái núi lô xô của rặng
Trường Sơn ngày càng dày về hướng Tây dọc theo hai bờ
sông không ngứt. Đột hiện ra một kẽ đứt từ ngoài
cầu Dakrong tại Km 50 đổ vào hướng Nam, khởi đầu của
quốc lộ 14. Xa trong kia là thị tứ Tà Rụt có đồi Thịt
Băm rùng rợn trước khi qua đất Thừa Thiên vào A Lưới.
Xa hơn nữa là Tây Giang, Prao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức thuộc
Quảng Nam trước khi đường 14 vượt đèo Lò Xo lên Tây
Nguyên rồi đổ về tới Sài Gòn. Thật là một cung đường
lý thú cho những ai muốn đi phượt dài ngày qua các miền
đất nước.
Lên tới Rào Quán, dừng xe ngắm
bản Cát bên dòng suối trong veo rì rầm chảy dưới chân
đèo. Bản chỉ mươi ngôi nhà sàn thưng gỗ lợp tôn quầy
quanh một khoảnh sân chung lơn lớn, lững thững mấy con
heo mọi ụt ịt ủi mõm vào các gốc cây giữa sân tìm
kiếm thức ăn. Mấy mế già ngồi trên sàn hút tẩu, góc
kia đàn em gái địu akay chơi đùa cùng nhau vui vẻ trong
những chiếc xấn chàm viền hoa văn đỏ tía và xanh đen.
Qua Lương Lễ xanh mướt những vườn mít vườn bơ hai
bên đường, phía dưới thung lung là những rẫy dứa non
mới trồng. Triền núi thấp được phủ đầy những tàu
chuối trĩu buồng chuẩn bị vào vụ thu hoạch bán tết
âm lịch năm nay.
Ngã ba đài chiến thắng đổ phải
vào Tà Cơn, Hướng Linh, Hướng Phùng theo nhánh tây, mà
kỳ thực là đi xuyên trên chóp mái Trường Sơn. Người
Kinh dưới xuôi giờ lên ở cũng nhiều, chủ yếu trồng
cà phê có thu nhập rất khá. Thêm thầy cô giáo lên dạy
học, y bác sĩ lên các trạm y tế, rồi nhân viên bưu
điện, viễn thông cũng có mặt, dần dà tạo ra một quê
hương mới đầy đủ chẳng thiếu gì so với ở dưới
đồng bằng.
Giữa chiều trời hửng nắng.
Thung lũng Khe Sanh vén màn sương mờ hiện ra huyền ảo.
Đây chợ huyện đủ sắc màu hàng hóa vùng cao, nào gùi
nào ché, hàng dép hàng xô, quầy rau quầy thịt chộn rộn
những người. Đằng xa kia đồi thông vắng im tiếng reo
mùa hao gió. Vài ba con đường ngang chạy cắt qua trung tâm
với dốc lên dốc xuống chập chùng. Nhà cửa hai bên
đường lúp xúp tĩnh lặng. Cuối thị trấn là mặt hồ
cá thủy điện nằm im lìm như tấm gương soi cho người
qua lại. Đường 9 vắt qua hồ bằng một chiếc cầu
trước khi vượt dốc Tân Liên kéo dài lên tận đất Tân
Long. Từ ngã ba Tân Long rẽ trái vào bảy xã vùng Lìa men
theo tận nguồn dòng Sê Pôn là biên giới tự nhiên Việt
- Lào. Con sông này chảy từ xuống từ triền Tây dãy
Trường Sơn nên người ta thường gọi là sông chảy
ngược. Đến đoạn Tân Phước sông đâm thẳng qua đất
Lào, chảy sâu vào 40 cây số, nhập vào dòng Xê Băng
Hiêng hùng vĩ trước khi hòa mình vào sông mẹ Mekong. Từ
đỉnh Làng Vây đã thấy vách đá của một doi núi lớn
bên nước bạn Lào, mà trên đó có một sân bay dã chiến
phục vụ cho chiến dịch Lam Sơn của Mỹ ngày xưa khi họ
quyết tâm cắt đứt các nhánh đường mòn Hồ Chí Minh
từ Đông sang Tây hòng ngăn chặn sự tiếp viện quân lực
Bắc Việt vào chiến trường Nam Việt.
Trường Sơn Đông, Trường Sơn
Tây
Bên nắng đốt, bên mưa quây
Bên nắng đốt, bên mưa quây
Thì rất đúng. Bỏ lại sau lưng
những cơn mưa dầm gió bấc như từng sợi thuốc rê vấn
vít cả tháng trời không tạnh, trườn qua dốc Làng Vây
thấy ngay cả vạt nắng bừng bừng. Những lọn nắng
vàng ươm chiếu xiên qua cửa kính xe loá cả hai mắt,
không thấy đường mà chạy xe cho nhanh được. Bèn đi
chầm chậm lại và cảm thụ vẻ đẹp của núi rừng
sông suối miền biên ải trong ánh tà huy gần cuối ngày.
Đổ dốc Tân Thành, qua Tân Chính
là đến thị trấn biên mậu Lao Bảo, điểm cuối của
đường 9 trên đất Việt Nam. Thị trấn này, một cách
rất tự nhiên đã thay thế cho vai trò của Cam Lộ ngày
xưa làm trung tâm giao thương hàng hóa Việt - Lào - Thái.
Trung tâm thị trấn là khu chợ thương mại khá lớn với
lối kiến trúc nhà tròn hóp mái mô phỏng lối nhà sàn
của người đồng bào Bru, nhưng chừng như không giống
cho lắm. Hàng hóa ở đây phải nói rất đa dạng, không
thiếu một thứ gì. Từ dép tông Thái, đến mì chính,
đường mía, thuốc lá, rượu ngoại, đồ điện tử điện
lạnh với giá cả rẻ hơn chút ít dưới Đông Hà. Hàng
dưới xuôi lên thì mì tôm, bột giặt, nước xả, tã
giấy, dầu gội dây, sữa tươi đóng từng xe xuất qua
Lào vì có giá mềm hơn hàng Thái Lan, mà chất lượng
cũng tốt không kém. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo lúc này
ít người qua lại vì thời gỗ lạt đã hết. Chỉ còn
vài ba xe tải kéo thạch cao vượt khẩu, thêm đôi chuyến
xe khách đi Viêng hoặc Pakse chở thợ xây thợ mộc đi
làm ăn lên về. Nên không phải đợi chờ lâu khi làm thủ
tục, chỉ mươi phút với bốn lần cộp dấu là đã sang
Lào.
21/12/2016
CHẾ CẨM ĐÌNH
CHẾ CẨM ĐÌNH
(Phần 2: Hạ Lào).
No comments:
Post a Comment